Hôm nay,  

Kinh Pháp Hoa Được Dịch và Phổ Biến Ở Tây Phương Như Thế Nào?

30/12/202200:00:00(Xem: 3524)

1 Bia Kinh Phap Hoa Tieng Anh
Hình bìa Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Anh do Hendrik Kern dịch. (https://www.goodreads.com)
 
Kinh Pháp Hoa, hay Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Puṇḍarīka Sūtra), là một trong những bộ kinh quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa đã được phổ biến rộng rãi tại các nước như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, v.v…

Theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Tripiṭaka),(1) Kinh Pháp Hoa có nhiều bản dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, gồm:

- Bản dịch của ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa, 233-310), với tên Chánh Pháp Hoa Kinh, 10 quyển, dịch vào khoảng năm 286, đời Tây Tấn.
- Bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 344–413), với tên Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, 7 quyển, dịch vào khoảng năm 406, đời Diêu Tần;
- Bản dịch của ngài Xà-na-quật-đa (Jnanagupta) và ngài Đạt-ma-cấp-đa (Dharmagupta), với tên Thêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, 7 quyển, dịch vào đời nhà Tùy (581-618).
- Bản dịch của ngài Sa Môn Trí Nghiêm, với tên Phật Thuyết Pháp Hoa Tam Muội Kinh, 1 quyển, vào đời Lưu Tống (420-479).

Ở Việt Nam có nhiều bản dịch tiếng Việt Kinh Pháp Hoa, gồm bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (1917–2014), của Hòa Thượng Thích Trí Quang (1923-2019), của Hòa Thượng Thích Tuệ Hải, của Tỳ Kheo Thích Minh Định, của Cư Sĩ Đoàn Trung Còn (1908-1988), của Nguyên Thuận, v.v...

Theo bản Hán dịch của ngài Cưu-ma-la-thập, Kinh Pháp Hoa có 7 quyển gồm 28 phẩm. Trong nội dung Kinh, Đức Phật dạy về mục tiêu xuất thế của Ngài là để “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” cho chúng sinh. Cho nên, việc Ngài nói pháp Ba Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát Thừa) chỉ là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh theo căn cơ nhưng mục tiêu tối hậu là Nhất Thừa, tức là thành Phật như Ngài. Tam thừa như hóa thành và Nhất thừa như bảo thành như trong Phẩm Hóa Thành Dụ thứ 7 có nói. Vì thế, Đức Phật trong Hội Pháp Hoa đã thọ ký cho các đệ tử Thanh Văn đều thành Phật trong tương lai. Diệu lý của Nhất Thừa là trên mặt lý tánh tuyệt đối thì tất cả chúng sinh vốn sẵn có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật, nhưng vì vô minh che khuất mà chúng sinh chưa ngộ nhập. Điều này đã được minh giải trong Phẩm Hiện Bảo Tháp thứ 11, Phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16, trong đó nói rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn đã thành Phật từ vô lượng vô số kiếp quá khứ và đã độ cho vô lượng vô số chúng sinh. Theo đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Hóa Thân (theo ngài Trí Khải của Thiên Thai Tông là Tích Môn) như mặt trăng hiện ra dưới đáy nước phản chiếu từ Pháp Thân (cũng theo ngài Trí Khải của Thiên Thai Tông là Bản Môn) của Phật như mặt trăng thật trong sáng vằng vặc trên bầu trời bao la. Nhưng để thành Phật thì chúng sinh phải phát Bồ-đề tâm và nỗ lực tu tập theo Bồ-tát đạo, mà tiêu biểu là công hạnh của chư vị Bồ-tát như Quán Thế Âm Bồ-tát, Dược Vương và Dược Thượng Bồ-tát, hay Phổ Hiền Bồ-tát, v.v... Để minh giải cho điều này, Phẩm Tín Giải thứ 4 trong Kinh Pháp Hoa có câu chuyện về gã cùng tử bỏ nhà ra đi sống nghèo khổ ở tha phương. Rồi một hôm vị cha già là một đại trưởng giả thấy con mình đi ngang qua nhà bèn kêu vào để cho phục dịch từ việc nhỏ đến việc lớn và cuối cùng mới tuyên bố gã cùng tử ấy là con ruột và truyền trao tài sản cho con.

Tuy nhiên, bài viết này muốn giới thiệu đến độc giả sự xuất hiện của Kinh Pháp Hoa tại thế giới Tây phương như là bộ kinh Đại Thừa bằng chữ Phạn đầu tiên được dịch và phổ biến tại Tây Phương.

Tây phương biết đến Kinh Pháp Hoa lần đầu tiên qua tác phẩm của nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo La Mã Matteo Ricci (1552-1610). Ricci đã đến Macau năm 1582 là nơi ông bắt đầu công tác truyền giáo tại Trung Hoa. Trong tác phẩm “The True Doctrine of the Lord of Heaven” (天主實義 - Tianzhu shiyi – Thiên Chúa Thật Nghĩa), được xuất bản vào năm 1603, Ricci đề cập đến Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra) và bài bác lời dạy trong Kinh này, theo Giáo Sư chuyên về Phật Giáo và Tây Tạng tại Phân Khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Á Châu của Đại Học Michigan Donald Lopez.(2)

Nhưng phải đợi đến gần 250 năm sau, Tây phương mới thực sự đón nhận Kinh Pháp Hoa với tinh thần học thuật hàn lâm nghiêm túc và khách quan.

Theo Donald Lopez (2016), tác phẩm “Introduction à l'histoire du Buddhisme Indien” [Giới thiệu Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ] được xuất bản năm 1844 của học giả người Pháp Eugen Burnouf (1801-1852) đánh dấu sự khởi đầu của học thuật hàn lâm hiện đại về Phật Giáo vào Tây phương. Cũng theo Lopez, cuốn sách này “dường như lúc đầu có ý giúp các độc giả hiểu Kinh Pháp Hoa,” bản dịch mà Burnouf đã hoàn thành vào năm 1839. Nhưng lúc đó, Burnouf chưa công bố bản dịch Kinh Pháp Hoa vì ông muốn viết lời giới thiệu để in chung. Bản dịch tiếng Pháp Kinh Pháp Hoa  từ tiếng Phạn tại Nepal của Burnouf được xuất bản chung trong tài liệu có tiêu đề “Le Lotus de la bonne loi traduit du Sanscrit accompagné d’un commentaire et de vingt et un mémoires relatifs au Buddhisme”(3) [Kinh Pháp Hoa được dịch từ tiếng Phạn cùng với một bản giải thích và 21 luận văn liên quan đến Phật Giáo], được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 1852.

Trong bài viết “The Life of the Lotus Sutra” được đăng trên trang mạng www.tricycle.org vào mùa đông năm 2016, Donald S. Lopez Jr. kể thêm về việc phiên dịch Kinh Pháp Hoa từ chữ Phạn sang tiếng Pháp và tiếng Anh.

Lopez (2016) kể rằng vào năm 1836, Brian Hodgson, lúc đó là Công sứ Anh tại triều đình Nepal ở Kathmandu, đã gửi 24 bản kinh tiếng Phạn sang Paris. Trong số đó là Kinh Pháp Hoa. Học giả trẻ người Pháp Eugène Burnouf đã chọn Kinh Pháp Hoa và bắt đầu dịch, có thể bởi vì ông ấy thích các chuyện ngụ ngôn trong đó. Ông không có ý tưởng về sự quan trọng của nó trong lịch sử Phật Giáo. Ông đã hoàn tất việc phiên dịch toàn bộ cuốn Kinh, nhưng không xuất bản bởi vì ông nghĩ ông cần viết lời giới thiệu cho nó trước đã. Tác phẩm lớn này đã được in vào năm 1844 tựa đề là Giới Thiệu Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ [Introduction à l’ histoire du Buddhisme Indien], mà ngày nay được xem như là văn bản nền tảng cho việc nghiên cứu hàn lâm Phật Giáo tại Tây phương. Trên thực tế, khi Burnouf tiếp tục đọc Kinh Phật, ông ngày càng không thích phong cách kỳ lạ và hình ảnh dị thường của các kinh Đại Thừa, gồm Kinh Pháp Hoa. Ông thích điều mà ông gọi là “các kinh đơn giản,” mà ông cảm thấy phản ảnh chính xác hơn cuộc đời và lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Một cách nào đó, định kiến thích kinh tiếng Pali là xác thực hơn đã đến vào thời điểm này. Trong khi đó, Burnouf tiếp tục trì hoãn việc xuất bản dịch phẩm Kinh Pháp Hoa của ông và nó chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời, dưới tên Le Lotus de la bonne loi [Diệu pháp liên hoa] vào năm 1852.

2 Kinh Phap Hoa_Pham Pho Mon
Bức tranh Nhật Bản mô tả hoa sen trong Phẩm Phổ Môn thứ 25 của Kinh Pháp Hoa. Bản Kinh được chép bởi Sugawara Mitsushige, vào thời đại Kiếm Thương (1257) ở Nhật. Bức tranh được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York. (www.en.wikipedia.org)

Giáo Sư Max Deeg, chuyên về lịch sử Phật Giáo và sự truyền bá của Phật Giáo từ Ấn Độ sang Trung Á và Đông Á, trong bài viết “From Scholarly Object to Religious Text— the Story of the Lotus Sutra in the West,”(4) được đăng trên trang nhà của Đại Học Cardiff University ở Anh Quốc, đã cho biết thêm một số thông tin giá trị về việc dịch Kinh Pháp Hoa của Giáo Sư Burnouf, qua phần trích phát biểu của Burnouf về ấn tượng khi có được bản Kinh Pháp Hoa bằng chữ Phạn được tìm thấy tại Nepal như sau:

“… Tôi quay qua cuốn sách mới, là sách về diệu Pháp, Diệu Pháp Liên Hoa, và tôi có thể khẳng định với bạn rằng rôi đã không hối hận tí nào với chọn lựa của mình. Kể từ ngày 25 tháng 4 mà tôi có, không do dự, đã cống hiến mỗi khoảnh khắc mà tôi có thể có dư từ nghề nghiệp làm giáo sư tiếng Phạn của tôi cho công tác này mà tôi đã đọc tất cả các phần đáng quan tâm. Tôi đã không hiểu mọi thứ, và bạn sẽ không ngạc nhiên điều đó; chủ đề này thì rất mới mẻ đối với tôi, cũng như với sự tôn trọng thể loại này nhưng cũng với sự tôn trọng ý nghĩa sâu xa… Dù vẫn còn nhiều điều có vẻ mơ hồ đối tới tôi nhưng tôi hiểu chủ đề của cuốn sách, cách trình bày của tác giả, và tôi ngay cả đã dịch hai chương trọn vẹn mà không bỏ sót điều gì. Các chương này chứa đựng hai câu chuyện ngụ ngôn không phải không thú vị mà còn là những thí dụ hứng thú đặc biệt về cách mà trong đó giáo lý của các Phật tử được thông truyền và về suy luận và phương pháp diễn đạt hoàn toàn giống Socrat… Cuối cùng, tôi thú nhận với bạn là tôi bị cuốn hút với việc đọc và tôi mong có thêm thời gian và sức khỏe để chính mình tập trung vào nó cả ngày lẫn đêm.”

Nhưng một phẩm từ bản dịch Kinh Pháp Hoa của Burnouf, cũng theo Lopez (2016), đã được đăng trên tạp chí danh giá của Phong Trào Siêu Việt Mỹ ở New England [New England Transcendentalism] The Dial vào năm 1844. Bài đăng trên The Dial có tựa đề “The Preaching of Buddha” [Giáo Thuyết của Đức Phật], đoạn Kinh được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh không phải bởi nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau, như đã được tin như vậy từ lâu, mà bởi Elizabeth Palmer Peabody (1804-1894), người xứng đáng có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật Giáo tại Mỹ.

Theo Giáo Sư Đại Học Cal Poly University San Obispo là Steven Marx, trong bài viết “Thoreau’s Buddhism” (5), cho biết rằng một phẩm từ Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Pháp được dịch lần đầu tiên sang tiếng Anh và đăng trên tạp chí The Dial là Phẩm Dược Thảo Dụ (The Parable of the Medicinal Herbs). Và chính Phẩm Dược Thảo Dụ của Kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng rất lớn đến triết gia và nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) góp phần định hướng tư tưởng và cuộc sống thân thiện với thiên nhiên của ông. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Walden và Civil Disobedience. Đặc biệt chủ thuyết Civil Disobedience (Bất Tuân Dân Sự) của ông đã khơi mào cho các phong trào đấu tranh bất bạo động và bất tuân dân sự trên toàn thế giới, mà trong đó có nhà lãnh đạo phong trào giành độc lập của Ấn Độ Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) và Mục Sư đấu tranh cho dân quyền và nhân quyền Martin Luther King Jr. (1929-1968) của Mỹ.


Elizabeth Palmer Peabody là một nhà giáo và là người đầu tiên ở Mỹ mở lớp học kindergarten tại Hoa Kỳ. Bà là nhà văn kiêm giám đốc kinh doanh của tạp chí The Dial. Bà cũng là thành viên của Phong Trào Siêu Việt Mỹ. Bà là phụ nữ Mỹ đầu tiên dịch Phẩm Dược Thảo Dụ của Kinh Pháp Hoa từ tiếng Pháp sang tiếng Anh được phổ biến đầu tiên tại Hoa Kỳ.

The Dial là tạp chí Mỹ được xuất bản không liên tục từ năm 1840 đến 1929, theo Mary Biggs, trong bài viết “Women's Literary Journals,” đăng trên The Library Quarterly: Chuyên mục Thông Tin, Cộng Đồng, Chính Sách, trang 53. Trong loạt đầu của tạp chí The Dial, từ năm 1840 tới 1844, là ấn phẩm chính của các nhà Siêu Việt Mỹ. Từ thập niên 1880s tới năm 1919, nó đã được hồi sinh như là tạp chí nhận định chính trị và phê bình văn học. Từ năm 1920 tới 1929, nó là tạp chí có tầm ảnh hưởng đến văn học hiện đại bằng tiếng Anh.

Theo Philip F. Gura trong tác phẩm “American Transcendentalism: A History,” xuất bản bởi NXB Hill and Wang tại New York, năm 2007, nơi trang 128, cho biết rằng các Chủ bút của tạp chí The Dial lần lược là những nhà thơ, nhà văn Mỹ: Frederick Henry Hedge, Theodore Parker, và Ralph Waldo Emerson.

Phong Trào Siêu Việt Mỹ là một phong trào triết lý đã phát triển vào cuối thập niên 1820s và 1830s tại New England, Mỹ.

Russell Goodman (2015) trong Bách Khoa Toàn Thư Triết Lý của Đại Học Stanford thì cho rằng “Phong Trào Siêu Việt là một phong trào văn học, chính trị, và triết lý của người Mỹ vào đầu thế kỷ thứ 19, tập trung chung quanh nhà thơ Ralph Waldo Emerson.”(6)

Trong khi đó, theo Tự Điển Merriam Webster thì “Phong Trào Siêu Việt là phong trào triết lý cho rằng tư tưởng và tâm linh là thật hơn kinh nghiệm đời thường của con người và vật chất.”

Phong Trào Siêu Việt Mỹ là phong trào phản kháng của giới tri thức Mỹ đối với sự thống trị của nền văn minh cơ khí lên đời sống con người. Do đó, những nhà Phong Trào Siêu Việt mở đường cho việc quay trở về nền văn minh tôn giáo và tâm linh Đông Phương mà trong đó có triết lý Ấn Độ, Phật Giáo, Lão Giáo, và Khổng Giáo.

 Phong Trào Siêu Việt trở thành phong trào chặt chẽ và tổ chức thiêng liêng với việc sáng lập Câu Lạc Bộ Siêu Việt (Transcendental Club) tại Cambridge ở Massachusetts vào ngày 12 tháng 9 năm 1836, bởi các nhà trí thức nổi tiếng tại New England, gồm George Putnam (Mục Sư Giáo Phái Unitarian), Ralph Waldo Emerson, Frederic Henry Hedge. Các thành viên khác của Câu Lạc Bộ, gồm  Amos Bronson Alcott, Orestes Brownson, Theodore Parker, Henry David Thoreau, William Henry Channing, James Freeman Clarke, Christopher Pearse Cranch, Convers Francis, Sylvester Judd, và Jones Very. Các thành viên nữ, gồm Sophia Ripley, Margaret Fuller, Elizabeth Peabody, Ellen Sturgis Hooper, và Caroline Sturgis Tappan.(7)

Giáo Sư Max Deeg (2012), trong bài viết được nói đến ở trên, cũng cho biết thêm về ảnh hưởng của dịch phẩm Kinh Pháp Hoa từ tiếng Phạn sang tiếng Pháp do Giáo Sư Burnouf thực hiện. Ông nói rằng trong bối cảnh rộng lớn của việc nghiên cứu Phật Giáo vào hậu bán thế kỷ thứ 19, sau công tác đột phá của Burnouf, gồm việc giới thiệu Phật Giáo Ấn Độ của ông, đã có sự hứng khởi trong hướng nghiên cứu các văn bản Đại Thừa mà bằng chứng là sự phát triển mạnh trong việc nghiên cứu Ấn Độ học và Tôn Giáo với học giả kiêm Giáo Sư Đại Học Oxford Max Müller (1823–1900), vốn là học trò của Giáo Sư Burnouf tại Paris. Ở đây không chú trọng nhiều vào Kinh Pháp Hoa mà vào văn học Bát Nhã Ba La Mật (Prajñāpāramitā) và Tịnh Độ (Pure-Land) mà đã thu hút sự chú ý của một người Đức nổi tiếng về Ấn Độ Học tại Anh thông qua các học trò người Nhật của ông (Müller) như Kasahara Kenju (1852–1883), Nanjō Bun'yū (1849–1927), và sau đó còn có Takakusu Junjirō (1866–1945), một trong những nhà biên soạn phiên bản tiêu chuẩn của kinh điển Trung Hoa, là bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō).

Bản dịch tiếng Anh của Kinh Pháp Hoa từ các bản tiếng Phạn được copy lại được thực hiện bởi nhà ngôn ngữ và Đông phương học người Hòa Lan Hendrik Kern (1833-1917) vào năm 1884 và được ấn hành với tên là Saddharma Puṇḍarīka Sūtra, hay the Lotus of the True Law, như một phần trong dự án Sacred Books of the East của nhà ngôn ngữ và Đông phương học người Đức Max Müller (1823-1900), theo Tilmann Vetter (1999) trong tác phẩm “Hendrik Kern and the Lotus Sutra.”(8) Đây là bản dịch tiếng Anh trọn bộ Kinh Pháp Hoa đầu tiên trên thế giới.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, sự chú ý của giới học giả đối với Kinh Pháp Hoa đã được cảm hứng bởi sự thích thú mới vào Phật Giáo Nhật Bản cũng như nghiên cứu khảo cổ học tại Động Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc, Trung Hoa, theo Max Deeg (2012) trong bài viết “From scholarly object to religious text - the story of the Lotus-sutra in the West.”(9)

Vào năm 1976, Leon Hurvitz đã xuất bản tác phẩm “The Scripture of the Lotus Blossom of the Fine Dharma”(10) [Kinh Diệu Pháp Liên Hoa], là một bản dịch tiếng Anh mang tính học thuật Kinh Pháp Hoa dựa vào bản dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán của ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva). Trong khi bản dịch của Hurvitz là độc lập, nhiều bản dịch hiện đại khác được bảo trợ bởi các tổ chức Phật Giáo Nhật Bản. Thí dụ, bản dịch “Ba Bộ Kinh Pháp Hoa” (Threefold Lotus Sutra) vào năm 1975 của Bunno Kato và Yoshiro Tamura đã được Rissho-kosei-kai ủng hộ, bản dịch của Burton Watson được ủng hộ bởi Soka Gakkai, và bản dịch của Tsugunari Kubo và Akira Yuyama được hỗ trợ bởi Hội Bukkyō Dendō Kyōkai (Hội Quảng Bá Phật Giáo), cũng theo Max Deeg (2012).

Các bản dịch Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Đức đều dựa vào bản dịch chữ Hán của ngài Cưu-ma-la-thập, theo Stephen F. Teiser và Jacqueline I. Stone trong tác phẩm “Interpreting the Lotus Sutra.”(11)

Điều chúng ta thấy ở đây là, ở Tây phương, việc phiên dịch và phổ biến kinh điển Đại Thừa, cụ thể như Kinh Pháp Hoa, khởi đầu đều do giới học giả ngoài đời thực hiện trong tinh thần nghiên cứu học thuật một cách rất nghiêm túc. Không giống như ở Đông phương, việc phiên dịch kinh điển đa phần đều do giới Tăng sĩ đảm nhận.
 
 
*******
 
 
Một số bản dịch Kinh Pháp Hoa bằng chữ Đức, Pháp và Anh
 
-Borsig, Margareta von. Lotos-Sutra: Das Große Erleuchtungsbuch des Buddhismus. Freiburg: Herder, 2003.
 
-Burnouf, Eugene. Le lotus de la bonne loi. Paris: L’imprimerie Nationale, 1852.
 
-Hurvitz, Leon. Scripture of the Lotus Blossom of the Fine Dharma. New York: Columbia University Press, 1976.
 
-Katō, Bunnō. “The Sutra of the Lotus Flower of the Wonderful Law.” In The Threefold Lotus Sutra, translated by Bunnō Katō, Yoshirō Tamura, and Kōjirō ---Miyasaka, with revisions by W. E. Soothill, Wilhelm Schiffer, and Pier P. Del Campana, 18–213. New York and Tokyo: Weatherhill and Kosei, 1993.
 
-Kern, H. Saddharma-Puṇḍarīka or the Lotus of the Good Law. Sacred Books of the East XXII. Oxford: Clarendon Press, 1884.
 
-Kubo, Tsugunari and Akira Yuyama. The Lotus Sutra. Berkeley: Numata Center for Buddhist Translation and Research (revised second edition), 2007.
 
-Montgomery, Daniel B. The Lotus Sutra: The Sutra of the Lotus Flower of the Wonderful Dharma. Tokyo: Nichiren Shu Headquarters, 1991.
 
-Murano, Senchū. The Lotus Sutra: Sutra of the Lotus of the Wonderful Dharma. Hayward, CA: Nichiren Buddhist International Center, 1974.
 
- Roberts, Peter Alan. The White Lotus of the Good Dharma Sūtra was translated from Tibetan with reference to the Sanskrit.
 
-Reeves, Gene. The Lotus Sutra: A Contemporary Translation of a Buddhist Classic. Somerville, MA: Wisdom Publications, 2008.
 
-Soothill, W.E. The Lotus of the Wonderful Law, or The Lotus Gospel. Richmond: Curzon Press, 1987.
 
-Watson, Burton. The Lotus Sutra. New York: Columbia University Press, 1993.
 
 
*******
 
Chú Thích:
 
(2)  Lopez, Donald (2016), The Lotus Sutra: A Biography (Kindle ed.), Princeton University Press.
(3)  Burnouf, Eugène (tr.) (1852), Le Lotus de la Bonne Loi: Traduit du sanskrit, accompagné d'un commentaire et de vingt et un mémoires relatifs au Bouddhisme, Paris: Imprimerie Nationale.
(6)  Goodman, Russell (2015), "Transcendentalism". Stanford Encyclopedia of Philosophy. "Transcendentalism is an American literary, political, and philosophical movement of the early nineteenth century, centered around Ralph Waldo Emerson."
(8)  Vetter, Tilmann (1999), "Hendrik Kern and the Lotus Sutra" (PDF), Annual Report of the International Research Institute for Advanced Buddhology at Soka University, 2: 129–142, the original PDF.
(9)  Deeg, Max (2012), "From scholarly object to religious text - the story of the Lotus-sutra in the West" (PDF), The Journal of Oriental Studies, 22: 133–153.
(10)                     Hurvitz, Leon (2009), Scripture of the Lotus Blossom of the Fine Dharma: The Lotus Sutra (Rev. ed.), New York: Columbia University Press.
(11)                      Teiser, Stephen F. và Stone, Jacqueline I. (2009), "Interpreting the Lotus Sutra", in Teiser, Stephen F.; Stone, Jacqueline I. (eds.), Readings of the Lotus Sutra, New York: Columbia University Press, pp. 1–61.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Trung Cộng muốn đưa quân tràn qua biên giới Việt Nam để đánh lạc hướng và cầm chân quân đội Bắc Việt, ngăn chận cuộc tổng tấn công Miền Nam đang tiến hành,” Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng VNCH, ông Bửu Viên nói với chúng tôi ngay sau cuộc rút quân khỏi Pleiku (15/2/1975). Ít lâu sau, lại được nghe Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc cho biết sau một cuộc Họp Nội Các, rằng: “TC có liên lạc và đề nghị một kế hoạch để tiếp cứu VNCH, nhưng TT Thiệu đã từ chối.” Vào thời điểm ấy thì chúng tôi cho rằng câu chuyện TC muốn can thiệp để ngăn chận cuộc tấn công của BV là hoang tưởng, viển vông nên không để ý, và sau này cũng quên không hỏi thẳng TT Thiệu.
Vào thế kỷ 18, Đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic Republican Party) được gọi tắt là Cộng Hòa (Republican) hoạt động ở Hoa Kỳ do Thomas Jefferson và James Madison thành lập, nhằm chống lại chủ trương và chính sách của Đảng Liên Bang (Federalist Party) lãnh đạo bởi Luật Sư Alexander Hamilton hoạt động mạnh về kinh tế, xã hội, ngoại giao...
Các di tích bằng đá gọi là megalith rải rác khắp nơi trên thế giới, tiếng Việt gọi là “cự thạch” (“cự” có nghĩa là lớn như trong cự phách, cự đại, cự phú, dịch prefix mega; thạch là đá)...
LTS. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH, là người được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ủy thác nhiều công việc trong những ngày tháng cuối, trước khi Sàigòn sụp đổ . Tại Hoa Kỳ, sau 1975, ông là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến rộng rãi như "Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập", "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", "Khi Đồng Minh Nhảy Vào", và sắp xuất bản cuốn BỨC TỬ VNCH - KISSINGER VÀ 8 THỦ ĐOẠN NHAM HIỂM. Bước vào tháng Tư, mời đọc bài bài viết đã đăng trên báo xuân Việt Báo Ất Dậu (2005), vừa được tác giả gửi lại bản có hiệu đính.
Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng và chưa có bảng thống kê về ngôn ngữ, kể từ khi có mặt loài người sống trên hành tinh trái đất này. Có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn ngôn ngữ khác biệt nhau, và chưa có ai qủa quyết con số chính xác về ngôn ngữ từng được sử dụng trong lịch sử phát triển của xã hội con người...
Cho dù Hoa Kỳ trong thế yếu không còn thúc đẩy Trung Quốc dân chủ hóa nhưng bù lại cả hai chính quyền Bush (con) và Obama đều bang giao với Trung Quốc như một đối tác trách nhiệm (responsible party). Thực tế trái ngược vì tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh tăng theo đà phát triển kinh tế nên Trung Quốc không còn muốn nép mình trong trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo...
Tháng Ba là tháng vinh danh những đóng góp của người phụ nữ cho xã hội, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nước khác. Nhà văn người Anh Charlotte Brontë (1816-1855) đã viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà “Jane Eyre,” được xuất bản vào năm 1847, rằng, “Tôi không phải là chim; và không có cái lưới nào bẫy được tôi: Tôi là một con người tự do với ý chí độc lập.”Charlotte Brontë đã khai hỏa trên mặt trận văn chương cho cuộc chiến kéo dài hàng nhiều thế kỷ để đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội mà tới hôm nay vẫn chưa thực sự chấm dứt. Những thanh thiếu nữ tại Afghanistan đã và đang bị cấm thừa hưởng nền giáo dục học đường mà đáng lý ra các em phải có được! Nhưng, không phải chỉ ở thời đại của tác giả “Jane Eyre” người phụ nữ mới gióng lên tiếng nói tự do và độc lập mà trong lịch sử nhân loại từ xưa tới nay người phụ nữ đã bao lần lên tiếng, xuống đường để tranh đấu cho tự do và độc lập của họ cũng như của xã hội và đất nước họ.
Vào thập niên 1970 kinh tế và dân số Ấn Độ và Trung Quốc tương đương với nhau nhưng rồi 30 năm sau đó tăng trưởng bên Tàu vượt xa Ấn. Nếu so sánh Trung Quốc với nhiều nước đang mở mang khác như Ai Cập, Brazil, Indonesia…kết quả đều tương tự. Câu hỏi đặt ra nơi đây tại sao tham nhũng ở Trung Quốc không cản trở tăng trưởng, mà trái lại nền kinh tế bốc hỏa nhanh chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại?
Vào đầu thế kỷ 20, xã hội Nga cũng tương tự như xã hội Pháp trước cuộc cách mạng 1789 vậy. Một mặt triều đình thối nát, công quỹ kiệt quệ. Mặt khác giáo hội Chính Thống Giáo cũng liên kết với vương quyền và giới quý tộc bóc lột người dân. Cuộc cách mạng lật đổ Nga Hoàng năm 1917 không phải hoàn toàn, hoặc chủ yếu, do người Cộng Sản Bolshevik. Cũng như cuộc cách mạng Pháp và những cuộc cách mạng khác, thành quả có được là do sự đóng góp của nhiều cá nhân và đảng phái khác nhau. Tuy nhiên tổ chức nào nghiêm túc, chặt chẽ và kỷ luật sẽ nắm được thế thượng phong...
Một thế hệ trí thức Việt Nam mới xuất hiện trong thập niên đầu thế kỷ XX, quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và hiện đại hóa xã hội Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.