Hôm nay,  

Toàn Văn: Thư Của Ht Quảng Độ Gửi 4 Lãnh Tụ Csvn

1/24/200000:00:00(View: 5349)
Liên Minh Việt Nam Tự Do xin được hân hạnh gởi đến quí vị toàn văn lá thư ngày 15/01/2000 của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, gởi cho những người lãnh đạo của nhà cầm quyền Hà Nội để yêu cầu trả tự do cho mọi tù nhân lương tâm và chính trị; giảm thuế cho nhân dân; phục hồi quyền hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; và hủy bỏ án tử hình.
Chúng tôi kêu gọi quí vị góp phần phổ biến rộng rãi lá thư này.
Paris ngày 22 tháng 1 năm 2000
Liên Minh Việt Nam Tự Do


Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Viện Hóa Đạo
PL.2543 Số 16 - VHĐ/VT
Sài Gòn, Ngày 15 tháng 1 năm 2000

Đồng kính gửi:
Ông Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Ông Trần Đức Lương, Chủ tịch nước CHXHCNVN
Ông Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ CHXHCNVN;
và Ông Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội CHXHCNVN

Thưa quý Ngài,
Tôi còn nhớ rõ đầu năm 1946, lần đầu tiên đồng bào Phật giáo tổ chức lễ Giổ Tổ Hùng Vương. Nhân dịp này đồng thanh gửi bức điện tín cho đồng bào đang kháng chiến ở Nam Bộ: “Kính chúc và ủy lạo hết thảy các anh chị em nhất tâm dũng mãnh tinh tiến, kháng chiến đến cùng giành độc lập cho nước Việt Nam ta và thực hiện chủ nghĩa từ bi cứu thế cho các nước văn minh cùng biết”.
Tôi còn nhớ rõ tháng 4 năm 1946, “Việt Nam Phật Giáo Hội” được thành lập, với mục đích liên kết Phật giáo đồ cùng với đồng bào cả nước “chống ba thứ giặc là: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.
Tôi cũng còn nhớ hôm 30.8.1947, nhân ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gủi Hội Phật Tử Việt Nam, trong có câu rằng: “Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang. Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ Tăng Ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật. Đức Phật là Đại Từ Bi, Cứu khổ Cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu diệt lũ ác ma”.
Những điều tôi nhớ trên đây là những bằng chứng lịch sử còn ghi lại trên báo chí thời ấy, đặc biệt trên báo Cứu quốc. Nhắc lại mấy sự kiện này, ý tôi muốn nhấn mạnh đến ba điều. Thứ nhất là ý chí và tâm thành của quần chúng Phật tử đối với nền độc lập dân tộc và an lạc cho mỗi con người. Thứ hai là nhấn mạnh đến ngôn ngữ cùng hành động đặc thù của người Phật tử, thuật ngữ gọi là chính ngữ và chính trị kiến, thể hiện qua hành động xã hội và bảo vệ quốc gia trong việc dẹp ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Thứ ba là hoàn cảnh của các tôn giáo nói chung. Phật giáo nói riêng, thời nạn ngoại xâm còn hoành phá quê hương.
Trong ba thứ giặc mà Phật giáo đồ cùng toàn dân đứng lên đạp đổ từ năm 1945, giặc ngoại xâm được thanh toán. Còn giặc đói, giặc dốt vẫn hoành hành như cũ. Đừng trách nhân dân và Phật giáo đồ lùi bước trước hai nạn giặc này, mà phải quy trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo đất nước ngăn cản các thành phần dân tộc hoàn tất việc thanh toán giặc đói và giặc dốt.
Nghiêm trọng hơn, lời tiên liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày Rằm tháng Bảy năm 1947 không xảy ra. Tuy nước có độc lập, nhưng đạo Phật không được mở mang. Từ trước tại miền Bắc, và sau năm 75 tại miền Nam, chùa chiền bị Đảng và Nhà nước chiếm dụng, tượng Phật bị phá hủy. Tăng Ni và Phật tử bị hành hạ, tù đày, tàn sát. Cả một chính sách từ hành xử đến luật pháp hòng phá tan đạo Phật. Bởi thế, từ 25 năm qua, các phong trào vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, do Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang lãnh đạo chỉ thực thi điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 53 năm trước: “Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn phải hy sinh tranh đấu”.
Nhân đây tôi cần đính chánh một ngộ nhận về danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất”, mà Đảng và các cơ quan công quyền thường mắc phải. Chữ “thống nhất” không hàm riêng nghĩa đen là cộng lại các tổ chức, hệ phái, cộng lại các cơ sở vùng miền mà lý do thời cuộc tạm phân chia. Nghĩa đen này, Phật giáo Việt Nam đã hoàn tất và nhất thống từ 2000 năm qua. Chữ “thống nhất” trong danh xưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, mang ý nghĩa rốt ráo và vô cùng hệ trọng. Vì nó bao hàm tính phát triển đặc thù, có một không hai của đạo Phật Việt Nam trên phương diện giáo lý giác ngộ và cứu khổ quần sinh, so với các nền Phật giáo trên thế giới. Trên mặt giáo lý, thống nhất là thống nhất hai phương hướng hành đạo Bắc tông và Nam tông, còn gọi là Đại thừa và Nguyên thủy. Sự thống nhất như thế, mới xảy ra lần đầu tại nước Việt Nam vào thập niên 60, do chính bằng lực trí tuệ của người Phật tử Việt Nam. Trên mặt dân tộc và xã hội, thống nhất là loại trừ lối phân biệt kỳ thị sai lầm, phi Phật giáo, thoát thai từ những khái niệm nhị biên quốc tế, để thống nhất giữa Đạo và Đời, giữa chư Tăng Ni với đại khối nam nữ Cư sĩ Phật tử. Thống nhất như thế là bước tiến mới trong tư tưởng và hành động đặc thù của đạo Phật Việt Nam. Không thống nhất theo quy trình này, tranh chấp sẽ tồn tại, căm thù còn chồng chất, lưỡng cực cứ phân chia, mà hậu quả khổ đau nhân dân phải gánh chịu.
Vì vậy, từ ngộ nhận trên mặt ngữ nghĩa đến lợi dụng quyền hành hủy bỏ chữ Thống nhất và ngăn cấm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sinh hoạt tín ngưỡng, là đi ngược lại sự tiến hóa về tư tưởng và hành thế của một tôn giáo có mặt từ 20 thế kỷ qua trên đất nước này, đồng lúc đi ngược sự tự do tín ngưỡng của quần chúng Phật tử Việt Nam.
Nhân dịp Tết Canh Thìn sắp đến, tôi có ba điều thỉnh nguyện xin được quý Ngài lưu tâm thực hiện:
Tết là mùa đại hoan hỉ, đại đoàn tụ của dân tộc. Theo truyền thống nhân hậu của nền văn hiến Việt, mà nhiều triều đại hoàn kim thường thực hiện trong quá khứ lịch sử. Đó là việc tha tù và giảm thuế. vậy tôi kêu gọi Đảng và Nhà nước trả tự do cho tất cả tù nhân vì lương thức và tù nhân chính trị, bị tù đày vì bất đồng chính kiến hoặc biểu tỏ ôn hòa tín ngưỡng hay tôn giáo của họ. Đặc biệt trả tự do cho Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang. Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, năm nay 83 tuổi, bị giam cầm quản chế không lý do từ 18 năm qua.


Nước ta có luật lệ và tôn trọng luật pháp rất sớm. Khi Mã Viện đến xâm chiếm nước ta, đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, đã điều tấu về vua Tàu rằng “luật của người Việt, so sánh với luật Hán hơn 10 điều”. Bộ “Quốc triều Hình luật” dưới đời Lê, vào thế kỷ 15, được các nhà luật học Âu Mỹ khen là một “hệ thống luật pháp tiến bộ so với những quan niệm pháp luật phương Tây cận đại”. Tinh thần nhân đạo và trọng người tài rất cao trong bộ Quốc triều hình luật. Điều 3, đề ra 8 điều được nghị xét giảm tội, đáng kể là nghị hiền, là những người có đức hạnh lớn, và nghị năng, là những người có tài năng lớn. Điều 16 quy định những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người bị phế tật, phạm từ tội lưu trở xuống đều được miễn giảm và cho chuộc bằng tiền.
Thế mà ở thời đại văn minh tân tiến đầu thế kỷ 21 này, tại nước ta người bị tù tội trên tuổi 70 hay trẻ em dưới 15 tuổi bị giam nhốt quá đông trong các nhà tù và trại cải tạo. Nhiều trường hợp không được xét xử hoặc xét xử bất minh, phi luật pháp.
Ngoài ra, không thể quên rằng tám mươi phần trăm dân số nước ta là nông dân, hiện đang lâm cảnh đói khổ cùng cực, vì kinh tế suy sụp, vì sưu cao thuế nặng chồng chất. Tôi xin quý Ngài nhân dịp Tết ban bố việc giảm thuế cho nhân dân được nhờ.
Trên đây là thỉnh nguyện thứ nhất.
Thỉnh nguyện thứ hai, yêu cầu Đảng và Nhà nước để cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phục hồi quyền sinh hoạt tự do. Ngoài lý do tôn giáo của một Giáo hội dân lập nhằm hướng dẫn tu học cho quần chúng Phật tử, còn là lý do cứu nguy cấp thiết để chận đứng các chủ trương mê tín, tệ nạn xã hội, và suy thoái đạo đức đang hoành hành nước ta, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Tiềm lực và hiệu lực của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một thực tế lịch sử, trên mặt quốc gia cũng như quốc tế, có thể đóng góp hữu hiệu cho việc tái thiết đất nước trên các lãnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế.
Tôn giáo là thực tại thiêng liêng của con người. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là nền tảng đạo lý, chứ không là hội đoàn thường tình được lập lên hay xóa bỏ như một công cụ nhất thời của chính trị.
Thỉnh nguyện thứ ba, yêu cầu Đảng và Nhà nước noi gương các nước văn minh trên thế giới bãi bỏ án tử hình.
Đành rằng nền pháp trị phải có những án lệnh để răn đe. Nhưng án tử hình không là thượng sách để chữa trị các tệ đoan xã hội. Thượng sách chính là sự ngăn ngừa bằng giáo dục và đức trị. Từ mấy năm qua, trung bình mỗi năm có từ 60 đến 100 án tử hình. Điều thấy rõ, là không nhờ các án tử hình răn đe này, mà nạn tham nhũng, nạn buôn xì ke ma túy, cướp của, giết người được giảm thiểu. Thế thì phải tìm căn do từ gốc mà chữa trị. Việc gốc phải nhờ đến đạo lý và giáo dục. Đạo lý không phô bày qua hình thức, như hiện nay dàn dựng qua các lễ hội gọi là truyền thống nghi ngút khói hương và áo quần sặc sỡ, cốt thu hút khách du lịch đồng thời phát triển dị đoan mê tín như một chính sách ngu dân. Đạo lý phải là sự phát triển tự do của những nền tín ngưỡng lâu đời dung hòa với nếp sống văn minh hiện đại. Giáo dục không thể chìm đắm như hiện nay trong mục tiêu duy ngã vụ lợi và chủ nghĩa kim tiền, biểu thị cho ý thức hệ chà đạp nhân phẩm.
Hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật từng dạy qua nhiều bộ kinh, rằng “sự nghèo khổ là mẹ đẻ của vô luân và tội ác, như trộm cướp giết người”. Nên Đức Phật chỉ bày cho Phật tử cách làm ăn kinh tế, cách chi tiêu và tiết kiệm, tạo lập sự thành công, thịnh vượng trong xã hội làm phương tiện hoằng pháp, cứu cấp nhân dân.
Từ các thập kỷ 50 đến 80, Đảng và Nhà nước dựa vào viện trợ của phe Xã Hội Chủ Nghĩa mà sống. Nay khối Xã Hội Chủ Nghĩa ấy tan vỡ, Đảng và Nhà nước phải dựa vào khối tư bản Âu Mỹ. Việc thế sự như thế là chuyện bình thường. Nhưng điều quan tâm là đại đa số quần chúng cứ phải kéo dài sự hy sinh trên năm thập kỷ qua mà không thấy sinh lộ cho một đời sống no ấm và tự do. Hy sinh thân mạng và tài sản để giữ nước dưới các triều đại dân tộc Lý, Trần, Lê, nhân dân không oán than mà còn tích cực tham gia. Nhưng hy sinh dưới chế độ công an trị, dưới chế độ không tôn trọng nhân quyền và chính sách khủng bố nhân danh “đấu tranh giai cấp” thì chẳng còn ai thông cảm được.
Hoàn cảnh hiện nay là miếng đất mầu mở cho nạn tham nhũng, ma túy, trộm cắp, giết người phát triển. Có tuyên hàng trăm, hàng ngàn án tử hình cũng không thể giải quyết hoặc làm thối chí kẻ gây tội.
Điều 6 trong bản Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam ký kết tham gia, có ghi rõ “Mỗi người đều có quyền được sống với sự sống vốn có. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Không ai được phép độc đoán tước đoạt mạng sống của bất cứ người nào”. Tiếc thay, Việt Nam chưa chịu ký kết tham gia nghị định thư số 2 liên hệ công ước nói trên và có hiệu lực từ ngày 11.7.1991, qua đó điều 7 quy định: “Không còn ai (thuộc các quốc gia ký nghị định thư) bị tử hình. Quốc gia sẽ dùng mọi biện pháp để bãi bỏ án tử hình trên lãnh thổ mình”.
Vì vậy tôi mong mỏi quý Ngài sớm lấy quyết định bãi bỏ án tử hình. Đối với hiện trạng ở nước ta, án tử hình mang trong nó hai mầm mống nguy hại, phi nhân bản. Bất sát, không giết người, là tinh túy của nền đạo lý Đông Phương. Cho nên, lưu án tử hình là thất nhân tâm và đi ngược đạo lý truyền thống. Lại nữa, trong một quốc gia chưa tôn trọng pháp quyền, chưa chấp nhận tam quyền phân lập như nước ta, việc xử án bất minh dẫn đến hành động giết người vô tội hay không đúng tội. Cho nên, lưu án tử hình là gây nhân không tốt làm gia tăng hậu quả của tội ác.
Lời ngay thật đầu năm của kẻ tu hành, mong các Ngài lưu tâm giải quyết, để nước Việt bắt kịp kỷ nguyên mới của thế giới năm 2000. Một thế giới vừa thủ tiêu xong thế lưỡng cực phân tranh, khiến cho nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ thù phải thanh toán, tàn sát, thay vì đón nhận tứ hải giai huynh đệ, hay tay bắt mặt mừng với người cùng nòi giống phải cưu mang.

Trân trọng kính chào quý Ngài.
Viện trưởng Viện Hóa Đạo Sa môn Thích Quảng Độ (ấn ký)

Bản sao:
- Kính gởi Viện Tăng Thống để kính thẩm tường
- Văn phòng II Viện Hóa Đạo GHPGVNTN tại Hoa Kỳ để thẩm tường
- Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris để phổ biến
- Lưu hồ sơ

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Theo báo quốc nội, tại miền Trung, có lễ rước Mục Đồng, lễ hội dành cho trẻ chăn trâu, ngày xưa được tổ chức ở làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, nguyên thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Theo cụ Ngô Tấn Nhã, là "lão làng" của Phong Lệ, tuổi đã trên 90, thì ngày trước, theo lệ cứ đến các 
Sáng 31-5-2006, tôi từ Giáo xứ An Bằng lên Huế. Khi ngang qua Nhà thờ Phù Lương, thấy ở cổng Nhà thờ tụ họp rất đông người, đa số mặc sắc phục xanh. Tôi đi tiếp lên Huế. Lúc 10g30, trên đường về, tôi ghé thăm cha xứ Phù Lương. Không ngờ một biến cố tệ hại đã xảy ra tại cổng nhà thờ. Xin được tường thuật cùng bà con trong
Trong Chuyện Kể Năm 2000, Bùi Ngọc Tấn dành nhiều trang để viết về những người bạn tù, được phóng thích cùng khoảng thời gian với ông: Già Đô, Giang, Dự, Min, Dần... Họ đều không có hộ khẩu, không có thân nhân để nương tựa, và vô phương kiếm được một việc làm nên phải đi ăn xin, trộm cắp hay móc túi. Những nhân vật này
Cái đó còn tùy ở định nghĩa ‘vĩnh viễn’ và ‘bình thường’. Douglas "Pete" Peterson không là một chính khách Mỹ có ác cảm với Việt Nam. Ngược lại, ông là vị Đại sứ Mỹ đầu tiên nhậm chức ở Hà Nội sau khi hai nước tái lập quan hệ ngoại giao năm 1995, và cùng với bà vợ - một người Úc gốc Việt
Không biết đây là lá thư thứ mấy, con đã viết mà không bao giờ gửi đi, bởi vì, biết gửi về đâu để tới được tay Thầy"! Những thư trước đã đầy nước mắt, thư này có khô ráo được không" Chiều nay, quét lá ngoài vườn, con không ngớt nghĩ về con đường hẻm năm xưa, nơi một gia đình người miền Bắc di cư, được xóm người miền Nam
Nhận được Album nhạc chủ đề ĐỢI NẮNG, Những tình khúc của Huỳnh Thái Bình do Huỳnh Thái Bình và Nhật Hạ gửi tặng, tôi vội mở ra cho vào máy hát để đám bạn bè đang quây quần nhậu nhẹt cuối tuần cùng thưởng thức. Tiếng nhạc trổi lên
Về huyền thoại xuất dương cứu nước, cận sử VN trong thế kỷ XX có nhắc tới bốn nhân vật : Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành và Ngô Đình Diệm. Ngày nay qua sử liệu chúng ta đã biết rõ chân thực chính ai mới là người thực sự ra nước ngoài cứu nước. Trong bốn người
Một buổi trưa, trên bờ sông Hằng, một người đàn ông ngồi trầm tư, dáng điệu u buồn như có điều băn khoăn, lo nghĩ, mắt nhìn ra sóng nước xa xa, tay bâng quơ khẩy khẩy trên cát. Bỗng, cảm tưởng như vừa chạm phải vật gì, ông ta nhìn xuống. Đó là một túi nhỏ thô sơ, cột bằng sợi giây gai cũ kỹ. Mở ra, người ấy thấy những hạt đá nhỏ
Hoa Thịnh Đốn.- Điều 69 của Hiến pháp Cộng sản Việt Nam viết: ”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”, nhưng trong thực tế các quyền này phải có phép của Nhà nước như quyền tự do
Đầu tư (Investment) là hai tiếng mà mọi người chúng ta thường nghe, nhất là từ khi đặt chân đến Mỹ. Khi còn ở Việt Nam, đôi khi chúng ta cũng nghe thấy hai tiếng này, tuy nhiên, rất ít người để tâm, vì những danh từ thường dùng khi ấy là "buôn bán, làm thương mại, xoay sở làm ăn..." Sau hơn 30 năm
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.