Hôm nay,  

Trắc Ẩn, Thương Người, Từ Bi: Nguồn Gốc Của Hạnh Phúc

07/10/200600:00:00(Xem: 32209)

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma (ảnh Lê Phúc).

"Campassion - the source of happiness", là đề tài buổi nói chuyện của ngài His Holiness The Dalai Lama thứ 14, gặp mọi tầng lớp thính chúng, cả hàng ngàn người, lúc 2:30 chiều thứ tư ngày 13 tháng 9 năm 2006, tại đại hội trường Gibson, thuộc trung tâm giải trí Universal City Walk.

Sau lời giới thiệu ngắn và đầy thân ái của Ni Sư Tenzin - la Kacho, một Ni Sư người Mỹ, được His Holiness ban lễ thọ giới Tỳ Kheo ni năm 1985, và hiện đang làm giảng sư tại tu viện Thubten Dhargye Ling (TDL) ở Long Beach, Ngài bước ra sân khấu với vị thông dịch viên. Sự xuất hiện và nụ cười hồn nhiên, đầy bao dung của Ngài đã mang lại ngay sự an lạc, thơ thới rổng rang đến cả rừng người, ngồi kín đặc hội trường, đang chờ đợi Ngài.

Ngài ngồi xuống ghế, sửa lại máy ghi âm gắn trên áo, và Ngài đã tâm tình ngay với đại chúng: "Nơi nào tôi đi đến, tôi thường tìm cơ hội gặp gỡ mọi tầng lớp đại chúng. Chính nhờ sự gặp gỡ tất cả mọi người như quý vị đến đây hôm nay, tôi được học hỏi nhiều điều thiết thực và là cơ hội cho tôi suy nghĩ tìm tòi. Luôn cả việc gặp gỡ các tu sĩ và nữ tu sĩ cũng cho tôi nhiều ý mới lạ". "Tôi cũng cảm ơn Tu Viện Thubten Dhargye  Ling và ban tổ chức đã điều động tổ chức buổi gặp gỡ hôm nay, và nhất là tôi cám ơn quý vị đã đến đây gặp gỡ tôi hôm nay".

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, luôn luôn có nụ cười hóm hỉnh mỗi khi Ngài nói chuyện một cách hóm hỉnh. Ngài nói tiếp một cách hóm hỉnh như sau: "Nhiều quý vị đến đây gặp tôi vì tò mò, nhiều vị có nhiều điều kỳ vọng lớn nơi tôi. Điều đó là lầm lẫn. Vì tôi chẳng có gì tặng lại hay đáp ứng điều kỳ vọng của quý vị. Tôi không nói về Phật pháp, còn kinh nghiệm tu chứng của tôi thì hạn hẹp, nên tôi chả có gì để tặng ai. Có người còn nghĩ rằng gặp tôi, tôi  sẽ tạo ra sự nhiệm mầu nào đó cho họ. Đây là một sự lầm lẫn nữa, thưa quý vị".

 Ngài cười hóm hỉnh, còn cử tọa cười ồ lên. Ngài kể thêm về Ngài như sau: Có một lần ở miền Nam Châu Phi, Ngài nói Ngài là một người có khuynh hướng về khoa học.  Khoa học gia là những người có khuynh hướng tỷ mỉ, chuyên làm việc với con số v.v..

Ngài nghĩ rằng Ngài có khuynh hướng thích khoa học vì Ngài thích xem mặt trăng bằng viễn vọng kính từ lúc Ngài còn thơ ấu. Bóng của núi trên mặt trăng, ánh sáng của mặt trăng đã là những điều tuyệt đối với Ngài ngay từ thời thơ ấu đó. Chưa kể những lúc cả ba tinh cầu, mặt trời, mặt trăng và trái đất, xếp cùng một hàng. Do đó Ngài tự xem mình có khuynh hướng thích khoa học. "Thật ra, đã là một con người, có cùng nhiều trạng thái tâm tình và tâm linh, chúng ta nên thương nhau, nên có lòng trắc ẩn đối với nhau."

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói rằng Ngài có 2 nguyện, một nguyện trên phương diện nhân bản và nguyện kia, trên phương diện của một tu sĩ Phật giáo.

Trên phương diện nhân bản, con người có trách nhiệm với nhau và có trách nhiệm với tinh cầu quả đất này, một cách rất  nghiêm túc.

 Trách nhiệm với nhau là như thế nào"

Cứ nhìn trên thực tế hiện tại ngày nay con người chúng ta tự tạo ra cho mình biết bao nhiêu là vấn đề khó khăn cùng cực cho nhau. Thêm vào đó, trạng thái tâm tình của mỗi người, khi vui khi buồn, khi lên, khi xuống, ai cũng có những nỗi niềm khổ tâm riêng, gia đình nào cũng có những khó khăn riêng, chỉ khi nào tự chúng ta tạo cho mình một thái độ thích nghi  với mọi hoàn cảnh, chúng ta mới đối đầu được các khó khăn. Nói rộng ra, chỉ khi nào ta tự quên mình đi, mà đặt sự lợi lạc của riêng mình, chính khi ấy mới là thái độ nghiêm túc giải quyết các vấn đề về lâu về dài.

  Lòng trắc ẩn thương người có sức mạnh đem con người lại  gần với nhau. Ngay từ thuở lọt lòng mẹ, đứa trẻ sơ sanh khắng khít với mẹ do bản tánh nhân bản thiêng liêng chứ không do luật pháp đặt ra. Sự khắng khít với mẹ đó là căn bản đầu tiên của lòng trắc ẩn thương người sau này. Ngay cả cuộc đời tôi, Ngài nói: dẫu  nay tôi đã trên 70 tuổi, tôi vẫn còn cảm thấy ảnh hưởng sâu đậm của tình mẹ tôi đã dành cho tôi. Dấu ấn tình mẹ đó đã để lại các đường, các vết, trong tâm trí và tâm tư của tôi, và nhờ vào đó, tôi được hưởng một cuộc sống hạnh phúc từ ấu thơ đến ngày nay."

Tất cả chúng ta, ai cũng có dấu ấn tình thương của mẹ dành cho chúng ta từ lúc sơ sanh, và từ đó, dẫn đến lòng trắc ẩn thương người khi chúng ta khôn lớn.

Một mặt khác, trên phương diện một tu sĩ Phật giáo, tôi có nguyện vun trồng và nuôi dưỡng lòng từ bi với tất cả chúng sanh, không phân biệt tôn giáo, chánh kiến và quốc gia.

Cứ thử nhìn xuyên qua lịch sử thế giới và các tôn giáo toàn cầu, chúng ta thấy sự cần thiết ngay bây giờ là sự hài hòa và đối xử tử tế với nhau. Chúng ta có cái quyền  có các niềm tin tôn giáo khác nhau như các đạo Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo, Do thái giáo, Phật giáo v…v…,

Đạo nào cũng dạy chúng ta sự tử tế với nhau và sự tha thứ cho nhau, cho nên chúng ta cần học cách thân cận và đến gần nhau với lòng ân cần và từ bi. Tuy khác nhau trong triết lý sống và niềm tin tôn giáo, nhưng chúng ta có cùng khả năng tương kính nhau, có lòng trắc ẩn đối với nhau và tình tương thân tương ái với nhau.

Ngài nói thêm về vị trí của Ngài với nước Tây Tạng hiện nay: "Từ năm năm trước trở lại đây, về vấn đề nước Tây Tạng của chúng tôi, tôi đã có một quyết định quan trọng, đó là, tôi xem tôi như là một người cố vấn thâm niên của nước tôi. Trong cương vị đó, tôi phát động và kêu gọi mọi người phát triển lòng trắc ẩn và từ bi đối với nhau."

Đức Đạt Lai Lạt Ma sửa lại thế ngồi, Ngài tréo hai chân lại, trong khi tiếp tục giảng về lòng từ bi cần có với nhau.

Lòng từ bi có nhiều bình diện. Trên bình diện nông cạn nhất, đó là tình bạn chân thật với nhau, đối xử tử tế với bạn bè mình. Tuy nhiên, nên để ý điều này, giữa bạn với nhau, đừng nên nghĩ mình ngon hơn người khác, mình ở thế cao hơn bạn mình, như thế mình trở thành thương hại người khác. Lòng từ bi chân thật là đối xử đầy lòng trắc ẩn và thương kẻ thù, hay người xử ác với mình, cũng như mọi người khác, vì trong tận cùng của vấn đề thì kẻ thù cũng là con người như chúng ta.

Lòng từ bi chân thật cần sự tu tập và tưới tẩm để trưởng dưỡng và không bị đánh mất. Nhờ thái độ tu tập lòng từ bi chân thật, đầu óc mình dịu xuống và tĩnh táo hơn, phản ứng của mình trước các khó khăn sẽ trầm tĩnh và bớt được sự sợ sệt. Do đó, thái độ thoải mái và cởi mở của chúng ta đem chúng ta lại gần nhau hơn, khiến chúng ta dễ cùng nhau giải quyết các vấn đề.

Đức Đạt Lai Lạt Ma với tay lấy cái mũ che nắng (visor) màu cam, tự đội lên đầu và Ngài cười nói tiếp: đây là cái mũ từ bi, không biết do ai làm ra, nhưng sự từ bi đó đem lại hạnh phúc cho gia đình, cho quốc gia, cho đất nước và cho toàn cầu. Thế giới ngày nay có quá nhiều đau khổ, nạn chết đói, bệnh hiểm nghèo như AIDS, con người thì quá nghèo, dù rằng cũng có nhiều tỷ phú hơn trước, con người lại thờ ơ với nhau, cho đến  khi có một đại sự gì xảy ra trên thế giới.

Ngày trước mỗi nước là một quốc gia riêng rẽ, ngày nay, trên phương diện toàn cầu, nếu mình hủy diệt nước láng giềng bên cạnh là đã vô hình chung tự hủy diệt mình. Tương lai của chúng ta ở trong tay của mỗi người chúng ta. Hòa bình là điều chúng ta mong cầu, muốn đạt được hòa bình ấy thì lòng từ bi chân thật là chìa khóa mở cánh cửa hòa bình.

Ngày xưa khi bất đồng chánh kiến, chúng ta dùng sức mạnh để giải quyết. Ngày nay, chúng ta dùng đầu đạn nguyên tử để tiêu diệt nhau. Thế kỷ này là thế kỷ của vũ lực, của khủng bố, của đe dọa, như biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9, năm 2001. Sự thông minh của con người đã dẫn dắt chúng ta đi sai lạc vào con đường tiêu diệt lẫn nhau. Chỉ trừ khi, chúng ta có sự thay đổi trong tâm, có sự trở vềvới bản tánh nhân bản chân thật của chúng ta. Với bản tánh đó, chúng ta tương kính nhau, có lòng trắc ẩn với nhau, và  đối xử tử tế với nhau.

"Thế giới ngày nay phải là thế giới của sự đối thoại giữa con người và con người, với sự tương kính nhau và giàu lòng kiên nhẫn với nhau."

 Ngài vừa nói dứt câu là cử tọa vỗ tay tán thưởng. Ngài nói thêm, với sức khỏe tốt, vì  tâm tình an ổn, lại thêm vun trồng lòng trắc ẩn từ bi với nhau, chỉ chừng vài tuần lễ thôi, quý vị sẽ thấy kết quả cụ thể đáng kể, trong việc giải quyết các khó khăn với nhau.

Vừa giảng đến chỗ này, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho phép vị thông dịch viên đọc các câu hỏi thính chúng đã gởi lên trước, để Ngài trả lời. Để trả lời về một câu hỏi về vấn đề làm sao con người có thể kết hợp lại với nhau trong khi có quá nhiều mâu thuẩn về mọi vấn đề, Ngài nhắc nhở là chúng ta cần có thái độ cố gắng và luôn nhớ ra là chúng ta không cần phải tranh đấu với nhau.

Những người theo tôn giáo của Thượng Đế (God) và những người không có ý niệm về Thượng Đế (no idea of God) không cần phải tranh hơn tranh thua với nhau. Họ gọi tôi là người không có ý niệm về Thượng Đế, Ngài nói, nhưng tôi đâu có thắc mắc gì. Tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo, tôi kính trọng tất cả tu sĩ của các tôn giáo khác, và họ cũng kính trọng lại tôi. Nói về đạo Hồi giáo, một cách tổng quát, mình đừng xem họ là người đạo thế này đạo thế khác, vì làm như  thế chỉ là cô lập hóa họ và tự gây thêm chuyện phiền phức. Hãy có một sự liên hệ gần gũi họ hơn, giúp họ cởi mở và mang tôn giáo họ lại gần mình hơn.

 Ngài nói tiếp, tôi tự đặt ra cho tôi 4 phương cách để gần gũi tiếp xúc với người khác tôn giáo:

1/ Thứ nhất tôi đi gặp các vị học giả của các tôn giáo bạn

2/ Thứ nhì là tôi đi gặp các vị hành giả của các tôn giáo bạn.

3/ Thứ ba là tôi đi gặp các vị hành hương của các tôn giáo bạn. Đã có một lần tôi đến thánh địa hành hương Đức Mẹ Fatima ở Portugual (Bồ Đào Nha). Sau thời hành thiền trong sự im lặng, tôi chợt nhìn lại tượng của Đức Mẹ, và bỗng dưng tôi thấy Đức Mẹ cười với tôi. Nơi thánh địa này biết bao nhiêu người bệnh đến hành hương để cầu xin Đức Mẹ chữa lành bệnh cho họ với nước thánh. Vậy mà tôi thấy Đức Mẹ cười với tôi. "Có lẽ là thị giác tôi có gì không ổn, Ngài cười một cách rất hồn nhiên, chắc tôi phải đi khám mắt mới được."

4/ Và thứ tư là tôi đi gặp các vị cổ động viên, cảm tình viên, chuyên tổ chức các buổi gặp gỡ công chúng cho tôi, vì họ là con mắt đại diện cho công chúng.

Ngài lại nói tiếp, mới gần đây, tôi vừa đi gặp đức Vua của Jordan, các đệ tử của Ngài Mohamet, các vị Hồi giáo và các vị ở Pakistan. Đã có một lần ở Úc đại lợi, cũng trong buổi nói chuyện với công chúng, họ giới thiệu tôi là một người Thiên Chúa giáo tốt, tôi cũng chẳng cải chính và tôi rất hoan hỉ với họ.

Trong một câu hỏi khác, làm sao mình có thể có lòng từ bi với những người làm khổ mình, làm mình đau lòng" Ngài trả lời thẳng băng, "vì họ xứng đáng, được quyền đối xử với lòng từ bi." Qua một câu hỏi khác, chúng ta có thể làm gì cho những người thân yêu đã quá vãng, Ngài nghiêm túc giảng, sự cầu nguyện cho họ là cần thiết, tùy theo lòng tin vào tôn giáo của mình. Điều quan trọng là phải làm sao để tâm tư hay tình trạng tâm thức của những người sắp rời bỏ cõi đời, được yên tĩnh và an lạc.

Trong một câu hỏi khác, tại sao mọi người, giàu hay nghèo, đều khổ sở, không hạnh phúc" Vậy chìa khóa phương cách của sự  hạnh phúc nằn ở đâu" Ngài trả lời rằng, chúng ta lớn lên trong môi trường thiếu lòng trắc ẩn và lòng từ bi với người khác. Muốn thay đổi môi trường sống, ngay từ những lớp nhà trẻ hay mẫu giáo, chúng ta cải biến hệ thống giáo dục, dạy trẻ em có lòng trắc ẩn và lòng thương người ngay từ các lớp vỡ lòng.

Ở Vancouver, đã có dấu hiệu của sự thay đổi về giáo dục trẻ em, để tạo môi trường nuôi dưỡng lòng thương người. Trong một câu hỏi về làm thế nào để trị liệu cấp thời tâm trạng căng thẳng (stress), Ngài trả lời một cách đơn giản và thực tế là, đi bộ một vòng là cách trị liệu cấp thời và hữu hiệu, còn nếu đi bộ mà vẫn không giảm bớt cường độ tâm trạng căng thẳng, thì Ngài "sorry", chẳng biết chữa trị cách nào khác hơn.

Ngài nói xong câu này, Ngài và đại chúng cười ồ.

Nói đi rồi nói lại, Ngài lại nói tiếp về cách thức làm giảm sự căng thẳng thần kinh. Ngài nói, mình phải theo dõi tình trạng tâm thức của chính mình, giữ tâm tư yên tịnh và an lạc. Đừng để tâm lên xuống bất thường, không ổn định. Sự tĩnh lặng và an lạc của tâm thức như là hệ thống miễn nhiễm hay phòng tuyến hộ vệ để gìn giữ và làm giảm sự căng thẳng của hệ thống thần kinh.

 Ngài nói đến đây thì cũng vừa hết giờ của buổi gặp gỡ với thính chúng. Mọi người đứng dậy vỗ tay không ngớt, khi Ngài chấp tay lại cung kính chào đại chúng.

  Ngay sau khi Ngài rời sân khấu, một vị đại diện ban tổ chức đã loan báo Ngài được Quốc Hội Hoa Kỳ bầu Ngài là người được Huy chương Congressional Gold Medal, giải thưởng vàng của ngành Lập pháp Hoa Kỳ, Một giải thưởng cho đến nay, số người được vinh danh và được giải thưởng khoảng năm hay sáu người mà thôi. Đây là một vinh dự lớn lao của nước Mỹ vinh danh và tặng cho Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Mọi người ra về trong niềm hân hoan thơ thới. Có nhiều người đã có những phản ứng khác nhau khi nghe Ngài nói chuyện. Có người cảm động chảy nước mắt, có người không hiểu cặn kẽ, tuy chỉ hiểu sơ sơ  nhưng vẫn xúc động vì sự hiện diện của Ngài, có người rung động tâm tư về những điều căn bản của tình người, lại có người vừa nghe vừa lim dim … con mắt nhắm lại để đó… Mỗi người, tùy         theo trình độ tâm thức và niềm tin tôn giáo riêng, đều rút tỉa được, những điều học hỏi riêng tư cho cá nhân mình qua buổi nói chuyện của Ngài. Cá nhân người viết lại bài này, có lần dự một buổi tu học vào tháng 5 năm nay tại một tu viện tân lập ở Orlando, Florida, tu viện Cát Trắng, White Sands Buddhist Center, trong khóa tu học đó, Thượng Tọa Chứng Minh Sư, khi nhắc về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Thượng Tọa đã nghiêm túc nhận định như sau : "Bất cứ ở đâu, bất cứ trong trạng huống nào, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vẫn nói lên tiếng nói từ bi."

Tiếng nói từ bi của Ngài đã được khoảng 10 ngàn người nghe say sưa ngày hôm đó, với đề tài Lòng Từ Bi là nguồn gốc Hạnh  Phúc.                                                                                                              

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đồng tiền là nhơ bẩn! Đây là kết quả của những thí nghiệm khoa học. Trưởng ban về các bệnh truyền nhiễm tại căn cứ Không quân Wright-Patterson ở Dayton
Thượng Đế thương yêu chúng ta cách đặc biệt, khi Người gửi đến cho chúng ta những trường hợp khốn cùng,
Tại Quận Cam, nơi hiện có đồng bào Việt Nam lập cư sinh sống đông đảo nhất trên thế giới, có rất nhiều hội đoàn, từ thân hữu, ái hữu
Cuối tháng Năm, 2001, chúng tôi nhận được lá thư của Tu sĩ Nguyễn Văn Thật ở Hà Nội gửi sang, với nội dung:
Chúng ta đang sống trong một thế giới còn bị phủ trùm bởi bóng đen tăm tối của hận thù,
Chúng ta kiêu hãnh về sự ra đời và giai cấp của mình, nhưng Đức Yêsu đã được cho rằng Ngài là con bác thợ mộc.
Thượng tuần tháng Năm, năm 2001, chúng tôi nhận được lá thư của một chị "ngoại đạo" gửi từ San Jose, thành phố miền Bắc California,
Đức Giáo Hoàng Yoan-Phaolô II đã thực hiện cuộc hành hương theo bước chân Thánh Phaolô Tông Đồ
Khi chúng ta nói: "Tôi yêu mến Thượng Đế", hay khi người Công giáo cầu nguyện: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa",
Ký giả Trọng Minh trong bài báo cho biết: Shayla cũng hợp soạn 3 ca khúc trong đĩa nhạc "Only In My Dreams"
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.