Hôm nay,  

Suy Niệm Đầu Năm: "hãy Khôn Như Rắn!"

24/01/200100:00:00(Xem: 6256)

LM. JOSEPH NGUYỄN THANH SƠN, DCCT
Chào mừng Xuân Mới của Dân Tộc chúng ta! Thế là người ta tống con rồng, nghinh con rắn, theo chu kỳ 12 con giáp: Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi. Tỵ, tức con rắn, đứng hàng thứ sáu, và năm nay là năm con rắn mới.
Năm vừa qua, con rồng đã phun quá nhiều nước, khiến Đất Nước chúng ta bị lũ lụt nặng nề, nhiều đồng bào đã bị tử nạn cũng như mất nhà, ruộng đồng, vườn tược, hoa mầu. Cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho các nạn nhân trong Năm Mới này. Chúng ta ở nơi đất khách quê người tha hương sẽ tiếp tục mở rộng tấm lòng và bàn tay để chia sẻ tinh thần cũng như vật chất cho đồng bào thân yêu. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng."
ĂN RẮN, BẮT RẮN, NUÔI RẮN
Có rất nhiều loại rắn, nhưng người ta đặc biệt ghi nhận rắn cạp nong, cạp nia, và hổ mang. Rắn cạp nong cỡ lớn, có khoang đen xen kẽ khoang vàng, sống lưng cao. Rắn cạp nia nhỏ hơn, có khoang đen xen kẽ khoang trắng, sống lưng tròn.
Cạp nong lười cử động hơn cạp nia. Cả hai đều có nọc độc, nhưng cạp nia độc hơn.
Hổ mang chuyên ăn rắn, chim và thú nhỏ. Do cặp mắt có cấu tạo đặc biệt, hai mí mắt trong suốt dính với nhau, và khi hổ mang cất cao cổ nhằm mồi, con mồi bị tê liệt, mất hẳn phản xạ chạy trốn.
Người ta có thể ăn thịt rắn. Nọc rắn chữa nhiều bệnh. Nấu cao, ngâm rượu bổ. Chữa bệnh đau nhức xương. Rượu rắn thường ngâm một bộ 3 con: cạp nong, cạp nia, hổ mang, hoặc 5 con: cạp nong, cạp nia, hổ mang, rắn ráo, rắn lục.
Cách thức bắt rắn: Làm động hang cho rắn bò ra, chộp đuôi quật mạnh, rắn nằm đờ ra, tiếp đó túm lấy cổ, khóa miệng lại, cho vào giỏ. Với rắn độc dùng kìm bẻ hai răng tiết chất độc. Muốn lấy nọc, chọc cho rắn tiết chất độc ra rồi thả vào chỗ cũ.
Làng rắn Lệ Mật, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng về nghề nuôi, bắt rắn. Dân đi khắp các cánh đồng, lên miền núi tìm các hang rắn bắt từng rọ lớn mang về nuôi bán. (Từ điển Văn hóa Cổ truyền VN)
RẮN TRONG TỤC NGỮ
Kho tàng tục ngữ đã để lại một số thành ngữ về rắn:
"Rắn lột da, người lột xác", có nghĩa, đã là người, ai cũng sẽ chết.
"Rắn đến nhà không đánh thành quen": Lời khuyên đừng nuôi dưỡng kẻ xấu.
"Len lét như rắn mồng năm", ám chỉ kẻ sợ hãi sau khi làm điều lầm lỗi. Vào Tết Đoan Ngọ, ngày 5/5 Âm lịch, có lệ giết sâu bọ, bắt rắn làm thuốc, khiến rắn khiếp sợ.
"Rắn trong lỗ bò ra", ý muốn nói người biết ăn nói khéo léo.
"Rắn mai tại lỗ, rắn hổ về nhà", nghĩa là rắn mai rất độc, ai bị nó cắn sẽ chết ngay tại chỗ, còn rắn hổ mang, ai bị nó cắn về đến nhà mới chết.
"Rắn đổ nọc cho lươn", tức đổ lỗi, gán ghép trách nhiệm cho người khác. Mình làm sai thì nhận, chớ nên theo kiểu rắn đổ nọc cho lươn, như những kẻ vô lương tâm, lọc lừa.
"Cõng rắn cắn gà nhà": Hành động phản bội Tổ quốc, phản bội dân tình, hèn hạ đưa rước bọn giặc về giết hại đồng bào, đồng loại. Nhà cách mạng Phan Bội Châu nói: "Gia dĩ, trong nước lắm tuồng chó lợn, khéo thay cõng rắn cắn gà nhà, lạ chi đời lắm thứ mọt sâu xui giục rước voi giày mả tổ." (Tuồng Trưng Nữ Vương)
"Cõng rắn về nhà": Tú Mỡ ta thán: "Ký hiệp ước với lang-sa, ngờ đâu cõng rắn về nhà than ôi!" (Nụ Cười Kháng Chiến)
"Như rắn mất đầu": Rối loạn, hoang mang, bị mất phương hướng vì không còn người cầm đầu, chỉ huy.
RẮN TRONG THÁNH KINH
Sách Khởi Nguyên viết: "Thiên Chúa đã làm ra mãnh thú theo loại, và súc vật theo loại, và mọi thứ côn trùng trên đất cát theo loại. Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành." (1:25)
"Mọi thứ côn trùng", nếu dịch sát tiếng Hi-pri (Do thái), là "những gì bò sát" như rắn, thằn lằn, sâu bọ cùng những con vật nhỏ. Vậy, rắn đã được chính Đấng Tạo Hóa dựng nên, và cũng như mọi vật, mọi loài khác, nó "tốt lành"! Chẳng có gì Người làm ra mà lại không "tốt lành". "Nhân chi sơ tính bản thiện" là thế.
Sau khi lấy bùn đất dựng nên Ađam (tiếng Hi-pri có nghĩa là "người đàn ông đầu tiên"), Thiên Chúa đặt chàng vào vườn Eden, với lời phán truyền: "Mọi cây trong vườn, ngươi đều được ăn. Nhưng cây 'sự biết tốt xấu' ngươi không được ăn, vì chưng ngày nào ngươi ăn nó, tất ngươi sẽ chết."
Thiên Chúa cho rằng "nam nhân này không tốt, nếu nó ở một mình", nên Người đã rút lấy một xương sườn của Ađam mà "xây thành" Evà, tức người đàn bà đầu tiên. Thiên Chúa dẫn Evà đến với Ađam, nói cách khác, Người đã kết hôn họ. Họ là cặp vợ chồng đầu tiên của loài người. Đôi lứa hạnh phúc sống trong vườn thượng uyển, với hoa thơm, cỏ lạ, chim hót, suối reo, và "cả hai đều trần truồng, người nam và vợ nó, mà chúng không hổ ngươi."
Nhưng rồi, "con rắn là vật tinh ranh hơn mọi dã thú mà Yavê đã làm ra" đột ngột xuất hiện. Nó liền cám dỗ Evà ăn trái cây ở giữa vườn, và nàng "đã hái lấy quả mà ăn." Evà "cũng đã trao trái cây cho chồng ở bên mình." Nghe lời vợ, Ađam đã ăn trái cây ấy. Vừa ăn xong, "mắt cả hai đứa đã mở ra, và chúng biết là chúng trần truồng. Chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình."
Thiên Chúa tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm... Người nói với Evà: "Tại sao ngươi làm thế"" Evà thưa: "Rắn đã phỉnh tôi nên tôi đã ăn." Thiên Chúa liền phán với con rắn: "Bởi ngươi đã làm thế, thì ngươi hãy là đồ chúc dữ, giữa mọi thú vật, cùng dã thú hết thảy! Ngươi hãy lê bụng và ăn đất bụi mọi ngày đời ngươi! Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân." (Kn 3:14-15)


Hình phạt và thân phận của con rắn tinh ranh là phải "ăn đất bụi", thay vì ăn cỏ như mọi loài rắn khác, theo quan sát bình dân. Nhưng con rắn ở đây tượng trưng cho Satan, là bộ mặt của một địch thù của Thiên Chúa và loài người. Satan nguyên là thủ lãnh các thiên thần, thiêng liêng không có xác như loài người, nhưng vì phản nghịch chống lại Thiên Chúa, mà bị phạt thành quỉ ma.
Bản văn Thánh Kinh Hi-pri trên đây thoáng cho thấy chiến thắng của dòng giống người đàn bà trên dòng giống con rắn. Vì bản dịch Latinh viết: "Người đàn bà sẽ đạp lên đầu mi" (Ipsa conteret), nên đạo lý Đức Maria/Evà mới, đối chiếu với Chúa Kitô/Ađam mới đã hình thành, khẳng định vai trò của người mẹ Đấng Mêsia. Ảnh, tượng Đức Mẹ Ban Ơn đều được vẽ, tạc, đắp, bàn chân trần của Người đạp lên con rắn đang lè lưỡi cố cắn lại Người.
RẮN LỬA, RẮN ĐỒNG
Khoảng năm 1250 trước Công nguyên, Thiên Chúa đã chọn Môsê để giải phóng dân Israen khỏi nô lệ Ai cập. Môsê xin Người dấu lạ, hầu dân chúng tin là Người đã hiện ra cho ông và nghe lời ông. Và Người đã cho Môsê làm hai dấu lạ mà dấu lạ thứ nhất đã được ghi chép trong sách Xuất Hành 4:2-4:
Yavê phán với Môsê: "Cái gì ở nơi tay ngươi"" Môsê nói: "Cây gậy!" Người truyền: "Vất nó xuống đất." Ông vất nó xuống đất và nó đã thành ra con rắn. Và Môsê chạy trốn nó. Yavê phán với Môsê: "Hãy giơ tay nắm lấy đuôi nó." Ông giơ tay chụp lấy nó. Và nó lại thành cây gậy trong tay ông.
Thế rồi, thủ lãnh Môsê đã đem dân Israen ra khỏi Ai cập, băng qua Biển Đỏ ráo chân, trải qua 40 năm trong sa mạc, để vào Đất Hứa, nơi chảy tràn trề sữa và mật ong. Tuy nhiên, theo trình thuật của sách Dân Số, "dọc đường dân chúng đã thoi thóp hết thở được", vì gian khổ, dãi nắng dầm mưa, đói khát, bệnh tật. Họ đã nói phạm thượng đến Yavê và Môsê: "Tại sao lại đem chúng tôi lên khỏi Ai cập để chết trong sa mạc, vì không bánh, không nước và cổ họng đã chán ứ cái thứ bánh nhẹ xọp ấy rồi"" (Bánh nhẹ xọp này ám chỉ bánh "manna" Yavê gửi từ trời xuống nuôi họ.)
Yavê tức thì trừng phạt đám dân vô ơn, bằng việc gửi những con rắn lửa (saraph), được mô tả như một loại rắn có cánh hay một con rồng, và rắn đã cắn chết nhiều người.
Sợ hãi và sám hối, dân chúng đến thưa với Môsê: "Chúng tôi có tội bởi đã nói phạm đến Yavê và ông. Ông hãy khẩn cầu Yavê xin Người cho rắn rời xa chúng tôi đi!"
Môsê khẩn cầu cho dân và Yavê phán bảo Môsê: "Ngươi hãy làm cho mình một con rắn lửa và đặt nó trên cán cờ: ai bị rắn cắn mà nhìn thấy nó thì sẽ được sống."
Môsê đã làm con rắn đồng và đặt nó trên cán cờ. Và thực sự nếu rắn cắn nhằm ai và người ấy trông lên rắn đồng, thì người ấy được sống. (Ds 21:4-10)
Tuy nhiên, không phải con rắn đồng chữa lành những người bị rắn lửa cắn, mà là chính Yavê chữa lành họ. Con rắn đồng được giương trên cán cờ chỉ là dấu hiệu của việc dân chúng quay trở lại với Yavê, để cầu khẩn Người cứu mình khỏi chết.
Sau này, khi Đức Yêsu đến trần gian để cứu rỗi nhân loại, Ngài tuyên bố: "Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con-Người cũng phải bị giương cao như vậy." (Yn 3:14)
Đấng Cứu Thế nói trước về sự hy sinh đổ máu của Ngài trên cây gỗ sẽ được dựng lên ở trên đỉnh Núi Sọ. Và khi chúng ta nhìn lên Con-Người bị nhấc lên, tức là chúng ta TIN rằng Ngài là Con độc nhất của Thiên Chúa, là nguồn cứu rỗi bởi Thập giá của Ngài.
Ngày nay ngành y học lấy hình ảnh con rắn đồng trên cán cờ làm biểu tượng cho việc chữa bệnh.
"HÃY KHÔN NHƯ RẮN!"
Phúc Âm Mathêô ghi lại lời Đức Yêsu căn dặn các môn đồ của Ngài: "Này Ta sai các ngươi đi như chiên vào giữa bầy sói; hãy ở khôn như rắn, và chân thực như bồ câu." (10:16)
Khi rao giảng Vương Quốc Thiên Chúa, chính Đức Yêsu phải đương đầu với những giới lãnh đạo Do thái giáo, đặc biệt là những luật sĩ và biệt phái giả hình mà Ngài đã mãnh liệt lên án: "Đồ mãng xà, nòi rắn độc, làm sao các ngươi luột khỏi án hỏa ngục"" (Mt 23:33)
Họ không khác nào loài sói dữ tợn, ăn thịt người. Đức Yêsu nhắc nhở các môn đồ phải cảnh giác đề phòng sự ác độc của họ, phải "khôn ngoan như rắn", không phải để trở thành "tinh ranh" như con rắn trong vườn xưa, nhưng biết trườn đi, thoát thân, khỏi những âm mưu thâm độc, những tấn công xảo quyệt, của những người này. Rắn có tài tránh né nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh. Người môn đồ phải "khôn như rắn" để mình khỏi bị lọt vào tròng, cạm bẫy, của "bầy sói" đội lốt những ngôn sứ giả, những tiến sĩ giấy, những nhà mô phạm giả hình v.v... Nếu cần, các môn đồ phải tránh đương đầu, đụng độ, với họ. Nhưng trên hết, các ông "hãy ở chân thực, đơn sơ, như bồ câu."
CHÚC XUÂN
Tục ngữ Campuchia nói: "Rắn độc dù nó cắn cũng có thể chữa bằng thuốc được. Con người độc ác hơn rắn, không có gì chữa được." Và Thánh Phaolô đã đề cập đến những kẻ "đầy mọi thứ bất lương, xấu xa, tham lam, độc ác..." (Rm 1:29)
Nhân mùa Xuân Tân Tỵ, chúng tôi cầu nguyện Thượng Đế ban cho tất cả chúng ta được một trái tim hoàn toàn đổi mới. Trái tim công chính, tốt lành, quảng đại, và yêu thương.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng thứ Tư, ngày 21 tháng Hai, 2001, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được ĐGH Yoan-Phaolô II vinh thăng Hồng Y cùng với 43 vị khác
Vì Adong và Evà ăn trái cây ở giữa vườn địa đàng mà Thiên Chúa đã cấm, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian.
Phúc Âm theo thánh sử Luca ghi lại bốn lời chúc phúc và bốn lời chúc dữ mà Đức Yêsu đã nói thẳng với các môn đồ mình.
Vào ngày bế mạc Năm Đại Thánh 2000, Lễ Hiển Linh, mồng 6 tháng Giêng vừa qua, Đức Giáo Hoàng Yoan-Phaolô II đã gửi Tông Thư "Novo Millennio Ineunte"
Trong Do Thái Giáo, tức đạo của người Do thái (Judaism), có một thành phần rất quan trọng, gọi là các Tiên Tri. Từ này được chuyển dịch từ tiếng "Prophet".
28 năm trước, vào ngày 21 tháng Giêng năm 1973, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã hợp-pháp-hóa luật phá thai.
Tôi thức dậy sáng sớm ngày đầu năm dương lịch, với dào dạt niềm vui thiêng liêng trong tâm hồn mình.
Chỉ một ngày sau đại lễ Giáng Sinh trong Năm Đại Thánh vừa qua, khi chúng ta đang vui hưởng niềm hạnh phúc
Giáo Hội Công giáo chọn ngày Chúa Nhật sau Giáng Sinh để cử hành Lễ Gia Đình của Đức Yêsu, mẹ Maria và cha nuôi Yuse.
Chúng ta đang sống trong mùa chúc lễ và tặng quà Giáng Sinh. Chúng ta nghĩ đến nhau,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.