Hôm nay,  

Tại Sao Khóa Thiền Lại Giảng Về Duy Thức Học?

02/12/200400:00:00(Xem: 26342)
LTS. Là truyền nhân dòng Thiền Vân Môn Trung Hoa từ Thiền Sư Phật Nguyên, Thầy Trí Châu hiện đang hoằng pháp ở Quận Cam. Từ thứ sáu 10-12-2004 thầy Trí Châu sẽ chia sẻ về Duy Thức Học trong các buổi tập THIỀN VÀ THƯ GIÃN mỗi thứ sáu từ 7:00PM đến 9:30PM và mỗi thứ bẩy từ 10:00AM đến 12:30PM tại 12441B Magnolia St., Garden Grove, CA (góc Lampson). Xin mờiï tham dự và chia sẻ từ mọi người, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Mời vào tự do. Bài sau đây, Thầy giải thích về tại sao giảng Duy Thức.
*
Tại sao khóa Thiền lại giảng về Duy Thức"
Đó là câu hỏi mà cư sĩ Nguyên Giác nêu ra khi tôi nhờ Việt Báo phổ biến về khóa thuyết giảng Duy Thức Học trong những buổi thực tập Thiền và Thư Giãn kể từ ngày 10 tháng 12, 2004 tại Garden Grove.
Câu hỏi tất nhiên rất là tự nhiên, vì truyền thống vẫn nghĩ rằng Thiền là Pháp Tánh Học, còn Duy Thức vẫn thường được gọi là Pháp Tướng Học… Hai pháp hành có vẻ như đi theo hai chiều khác, dẫu cùng về một điểm đến. Thực sự vẫn như dường có một khỏang cách, bởi vì Thiền là pháp chỉ thẳng tâm để thấy Tánh, còn Duy Thức là pháp nhận biết hết các tướng trạng của vạn hữu, để theo tướng vào tánh -- tùng tướng nhập tánh.
Tôi đã trả lời cũng hết sức là đơn giản, "Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức…. Ba cõi là tâm, tất cả các pháp đều là thức… Anh thử nghĩ xem, có gì trên đời này mà không phải do thức""
Thế cho nên, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà sư Thích Trí Châu đang hướng dẫn Thiền, lại chuẩn bị xuất bản cuốn Duy Thức Tam Thập Tụng Lược Giải.
Bởi vì mỗi pháp đều thích ứng với một số thành phần Phật Tử tùy theo căn cơ và nhân duyên có sẵn nhiều đời, nên pháp nào cũng có chỗ để ứng dụng và độ thoát cho những người hữu duyên -- dù là Thiền, Tịnh Độ, Mật Tông hay Duy Thức Tông. Trong tận cùng, các pháp môn đều bình đẳng khi nhìn ra bản tâm.
Có một mặt khác của Thiền Tông, rất nhiều các công án có thể tiếp cận được theo phương pháp riêng của Duy Thức Tông. Cái hiểu qua phương tiện này tuy không thâm sâu như những vị thâm nhập vào được pháp định của Khán Thọai Đầu, nhưng Duy Thức là bước đầu nỗ lực để giải được mọi vấn đề về pháp tướng - vì tánh thực sự vẫn phải nhờ tướng mà hiển lộ, cho nên các Thiền Sư khi dạy học trò vẫn phải mượn phương tiện "hiển sắc minh tâm," tức là làm hiển lộ sắc tướng để làm sáng tâm. Còn Duy Thức sẽ luận theo các pháp Tâm Vương, Tâm Sở... để thể nhập Duy Thức Tánh.
Thí dụ như khi Phật Thích Ca cầm lên bông hoa, Ngài Ca Diếp mỉm cười. Không phải là có người nhìn, hay có vật được nhìn… Đơn giản, chỉ vì tất cả các pháp đều vô ngã, tất cả các pháp đều do duyên sanh, và tất cả các pháp [hoa và thấy hoa] đều phải duyên theo thức và đều là thức biến. Thấy được thức biến hiện, thì sẽ nhận ra tâm đang hiển lộ và qua đây thì thấy Tánh. Mọi người khác đều chỉ thấy là hoa, nên không được truyền pháp. Còn Ngài Ca Diếp thấy hoa thì nhận ra tâm đang hiển lộ, nên được Đức Phật truyền pháp.
Chính nơi đây, Duy Thức với Thiền không có gì khác nhau. Phương pháp Ngũ Trùng Duy Thức Quán rồi cũng để chỉ ra Duy Thức Tánh, hay là Bản Tâm thôi.
Tất cả kinh điển Phật Giáo đều muốn làm cho mọi người hiểu rõ tất cả pháp giới mà chúng ta đang hiện hữu, bao gồm đủ mọi chủng loại, vô số các quốc độ, vô số các vì tinh tú và vô số các giải ngân hà trong vũ trụ vô biên này đều không rời khỏi tâm thức. Kinh Hoa Nghiêm nói pháp giới trùng trùng duyên khởi, nhất thiết pháp duy tâm sở tạo, duy thức sở biến. Tức là các pháp đều do vô lượng các nhân duyên mà hiện khởi, và tất cả đều được chuyển hiện và chuyển biến nơi tâm thức. Kinh Pháp Hoa nói Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là muốn đưa tri kiến chúng sanh hội nhập tri kiến Phật.
Muốn hộâi nhập kiến Phật, không phải là chúng ta chỉ phát lòng tin suông và tối ngày chỉ tụng kinh gõ mõ rồi cho đó là tu hành, rồi cho đó là chúng ta đã tạo được rất nhiều công đức giải thóat, đủ để làm lợi ích chúng sanh… Không thấy được Tánh thì làm gì cũng vô ích. Phật dậy chúng ta phải Văn, Tư, Tu tức là nghe, suy tư rồi tu. Nghe tức là đọc kinh, suy tư tức suy nghĩ cho hiểu rõ lời kinh, tu tức là thực hành.
Thực hành là làm sao" Thực hành là giữ giới, tập thiền định và trau dồi trí tuệ tức quán chiếu các lời kinh. Do Văn Tư Tu mà Nhập Tam Ma Địa (Chân Tâm hoặc Chánh Định), tùng Giới Định Huệ mà trừ Tham Sân Si.
Những người muốn thực hành thiền trước hết phải học hỏi và hiểu rõ lời kinh, để biết nương theo cái thân xác giả tạm này, theo lời Phật chỉ dậy mà giữ Giới, tập Thiền và tu Huệ; tinh tấn hành trì Lục Độ Vạn Hạnh tức Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Huệ. Do chuyên tâm tu hành mà hành giả có thể siêu việt các giáo lý, đi thẳng được vào tâm thức mà thấy tánh thành Phật. Đó là phương pháp mà Phật đã trao truyền nối tiếp (tổ tổ tương truyền) cho các vị tổ sư thiền ở bên Ấn Độ, từ tổ thứ nhất là Ma Ha Ca Diếp cho đến tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Phương pháp đó được Bồ Đề Đạt Ma đem đến Trung Hoa rao giảng: Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ Chân Tâm, Kiến Tánh thành Phật.
Thật ra muốn siêu việt lên các lời kinh thì thật rất khó. Chúng ta phải phá trừ được tất cả các thành kiến, những phong tục tập quán mê muội, mở tâm thật lớn rộng thì mới có thể lãnh hội được và mới có thể hiểu rõ được ý nghĩa thâm sâu của các lời kinh. Đó làø mục đích của các lời kinh và luận như kinh Kim Cương, kinh Bát Nhã, luận Trung Quán… phá trừ những chấp trước mê lầm của chúng ta để chúng ta vượt qua được bờ bên kia mà đắc được Vô Thượng Giác (Chân Tâm).

Bậc thượng căn thì chỉ một câu, một chữ là đủ ngộ nhập tri kiến Phật rồi. A Nan chỉ vừa nghe Ca Diếp nói cây phướng trước chùa đổ rồi là ngay đó khế hội. Huệ Năng ngay câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm là chứng ngộ và được trao truyền y bát làm vị tổ sư thiền thứ sáu bên Trung Hoa. Huệ Khả khi nghe Bồ Đề Đạt Ma bảo mang tâm ra để được ngài an cho là trút hết được mọi phiền não và được ấn chứng làm vị tổ sư thiền thứ hai bên Trung Hoa.
Đối với những người bình thường như chúng ta thì phải học hỏi kinh điển, thâm sâu được giáo lý thì mới vào được cửa thiền. Muốn hiểu rõ được cốt tủy của đạo Phật, chúng ta phải biết rõ thế nào là tâm, thế nào là thức, thế nào là tâm thức, thế nào là chân tâm, v.v... Chúng ta phải đào sâu vào tất cả các phạm trù của Tâm thì chúng ta mới thật sự phát sinh được sự tin tưởng vững chắc rằng Nhất Thiết Pháp Duy Tâm Tạo; chúng ta mới hiểu rõ thế nào là tam thiên đại thiên thế giới ởÛ trong một hạt cải, thế nào là một hạt cải lại bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới.
Có hiểu rõ về Tâm Thức thì chúng ta mới thâm hiểu được những lời Phật dây trong các kinh Đại Thừa, mới hiểu được những lời dậy dỗ của chư tổ, mới phát được lòng tin dũng mãnh vào câu nói của đức Phật dậy trong kinh Pháp Hoa mà chúng ta hằng trì tụng: Phật và chúng sanh đều có sẵn tánh Phật, Phật là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành.
Duy Thức Tông là phương tiện lớn: Muốn hiểu rõ về Tâm Thức thì chúng ta nên học hỏi và nghiên cứu về Duy Thức Học. Nhờ Duy Thức Học mà ta mới hiểu rõ ý nghĩa của các danh từ mà các thầy tổ và chư vị bồ tát và Phật chỉ giáo trong tam tạng kinh điển.
Nhân đây cũng xin trích lại bài viết nói về vấn đề này cách đây không lâu cũng nhằm trả lời cho câu hỏi tương tự như câu hỏi đầu bài:
"Tiện đây cũng xin có câu trả lời cho một vài Phật tử đã hỏi rằng tại sao thầy tu theo Thiền Tông mà lại nghiên cứu về Duy Thức Học. Xin trả lời rằng Thiền Tông chú trọng đến sự thực hành phương pháp bao gồm cả ba lãnh vực Giới, Định và Huệ do đức Phật đã chỉ dậy để phá bỏ đi những chấp thủ và tiêu trừ được mọi phiền não, đạt được Tâm Thanh Tịnh tức là đạt được Giác Ngộ. Duy Thức Học nghiên cứu về tâm thức, là căn bản cốt lõi của đạo Phật, không thể không am tường được. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã trao truyền cho tổ Huệ Khả 4 cuốn Lăng Già Tâm Ấn nói về tâm thức và nhấn mạnh đến sự đột biến nơi tâm thức là kết quả của sự thực hành Thiền Na chứ không phải là những lý luận suông của những học giả hay triết gia.
Tổ Hư Vân là một thiền sư người Trung Hoa nổi tiếng cận đại, người đã có công khôi phục lại 5 phái Thiền Tông và phục hưng lại hệ thống Phật Giáo bên Trung Hoa. Đặc biệt ngài là vị tổ thứ 12 của dòng Vân Môn. Hiện thiền sư Phật Nguyên Diệu Tâm, trụ trì Vân Môn Thiền Tự ở Quảng Châu bên Trung Hoa, là truyền nhân đời thứ 13 của tông Vân Môn. Tác giả là truyền nhân người Việt Nam duy nhất của ngài Phật Nguyên tại Mỹ Quốc, thuộc đời thứ 14 của tông Vân Môn.
Trong một buổi đả thất tại Ngọc Phật Tự ở Thượng Hải, ngài Hư Vân đã nói:
Mỗi người chúng ta có một tâm vương. Tâm vương này là đệ bát thức, là vua của các thức. Ngoài đệ bát thức còn có đệ thất thức, đệ lục thức và tiền ngũ thức.
Tiền ngũ thức là 5 tên giặc bên ngoài gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.
Đệ lục thức là tên giặc ở trong.
Đệ thất thức tức Mạt na thức. Mạt na thức này tham trước kiến phần của thức thứ tám, lấy thức này làm ngã, dẫn khởi đệ lục thức, thống lãnh năm thức trước tham ái các trần cảnh thuộc sắc, thanh, hương, vị, xúc, khiến chúng sanh bị trói buộc và mê hoặc không dứt ra được, vây hãm đệ bát thức không cho chuyển ra ngoài thân.
Cho nên hôm nay ta phải mượn câu thoại đầu tức Kim Cương Bảo Kiếm chém hết mấy bọn giặc cướp đó đi, để đệ bát thức chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, đệ thất thức thành Bình Đẳng Tánh Trí, đệ lục thúc thành Diệu Quan Sát Trí và tiền ngũ thức thành Thành Sở Tác Trí.
Nhưng khẩn yếu nhất là chuyển đệ lục thức và đệ thất thức vì chúng có tác dụng lãnh đạo, chúng có thể phân biệt và kế lượng.
Hiện tại các ông làm thơ làm kệ, thấy không thấy có, thấy hình ảnh, mầu sắc, ánh sáng, là do hai thức ấy khởi tác vậy.
Hôm nay chúng ta phải mượn câu thoại đầu biến Phân biệt thức thành Diệu Quan Sát Trí, cái tâm kế lượng nhân ngã thành Bình Đẳng Tánh Trí. Đó gọi là chuyển Thức thành Trí, chuyển Phàm thành Thánh. Phải làm cho bọn giặc xưa nay vẫn tham trước sắc thanh hương vị xúc pháp không còn xâm phạm được nữa…"
Trong bài viết này mà muốn hiểu rõ lời của cố thiền sư Hư Vân thì cũng phải hiểu rõ về các danh từ dùng trong Duy Thức Học chẳng hạn như Tâm Vương, Tâm Sở, Thức thứ tám, A lại da thức , Mạt na thức, đệ thất thức, đệ lục thức, tiền ngũ thức, thế nào là là Thức, thế nào là Trí và rất nhiều các danh từ khác. Muốn hiểu được những lời Phật chỉ dậy trong kinh Lăng Già Tâm Ấn do Bồ Đề Đạt Ma trao truyền cho tổ Huệ Khả thì cũng phải hiểu rõ về Duy Thức Học, mới có thể hiểu thế nào là sự đột khởi nơi tâm thức, thế nào là chuyển Thức thành Trí, bốn Thức thành bốn Trí, Tiền ngũ thức thành Thành Sở Tác Trí, đệ lục thức thành Diệu Quan Sắc Trí, đệ thất thức thành Bình Đẳng Tánh Trí, đệ bát thức thành Đại Viên Cảnh Trí.
Rất mong quý vị Phật tử không phân biệt trình độ đến với Khóa Thiền và Thư Giãn tại Garden Grove để cùng chia sẻ và học hỏi giáo lý cốt tủy của Phật Giáo Đại Thừa này, để khỏi cô phụ cái công trình của hai vị bồ tát Vô Trước và Thế Thân, những vị đã trước tác những bộ luận về Duy Thức; hầu có lòng tin vững chắc vào sự tu tập Thiền Định để ngọn đèn Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm do đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã thắp sáng được tiếp tục trao truyền.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tỳ Kheo Thích Trí Châu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
"Các con thân mến! Vào thời gian ân sủng này, Mẹ lại một lần nữa kêu gọi các con cầu nguyện.
Trong tuần lễ vừa qua, chúng tôi được mời đi thăm một ông cụ ngoài 70 tuổi, bị bệnh "stroke"
Sáng thứ Tư, ngày 14-11-2001, chúng tôi lên đường sang New Orleans, bang Louisiana,
Đức Mẹ hiện ra cho các thụ khải từ ngày 24 tháng Sáu, 1981, trên một ngọn đồi của ngôi làng nhỏ Medjugorje
MEDJUGORJE là linh địa, mảnh đất linh thiêng, vì Đức Mẹ đang hiện ra thường nhật, từ hơn 20 năm qua. Được sống 8 ngày ở nơi đây
Đêm đầu tiên, Chúa Nhật 30-9-01, ở linh địa Medjugorje, nơi Đức Mẹ đã hiện ra từ 24-6-1981
Trưa thứ Sáu, ngày 28-9-2001, đoàn hành hương chúng tôi gồm 2 linh mục, 42 nam nữ tín hữu Công giáo
Ngay sau khi cuộc khủng bố kinh hoàng dã man xảy ra vào sáng thứ Ba, ngày 11-9-2001
Trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 23 tháng Chín, 2001 - ngày thứ 13 của cuộc đại khủng bố giết người dã man
Con số các anh hùng chữa lửa đã hy sinh (tử nạn và mất tích) trong vụ bạo động kinh khiếp,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.