Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Thư Viết Tháng Tư Năm 98

21/01/200600:00:00(Xem: 25487)
Lời Thưa Đầu:

"Tháng 12 năm1997, Văn Bút Quốc Tế có đề cập đến trường hợp của một người cầm bút VN, có tên là Phạm Văn Viêm, với hàng ngắn gọn và hơi khó hiểu như sau :

"In December 1997, writer Pham Van Viem was kidnapped by the Vietnamese secret police in Bulgaria and returned to Hanoi after he had translated a book entitled `Fascism', written by Zhelyu Zhelev before he became the first President of post-Communist Bulgaria. Pham Van Viem has not been seen nor heard from since.

[Sources: PEN, IFEX Action Alert (27 May 1998) 2, PEN, Half-Yearly Caselist To 30th June (1998) 40-41.]"

"Vào tháng 12 năm 1997, nhà văn Phạm Văn Viêm bị bắt cóc bởi mật vụ Việt Nam tại Bulgaria và đưa về Hà Nội sau khi ông dịch một cuốn sách nhan đề "Chủ Nghĩa Phát Xít," viết bởi Zhelyu Zhelev trước khi Zhelev trở thành Tổng Thống đầu tiên của nước Bulgaria hậu cộng sản. Từ đó, không ai nghe tin gì về ông Viêm."

[Nguồn : PEN, IFEX Bản Văn Báo Nguy Để Hành Động (27-5-1998) 2, PEN, Hồ Sơ Danh Sách Nhà Văn Trong Tù Cập Nhật Nửa Năm Tính Tới 30-6-1998, trang 40-42/ Trans. Trần Khải, "Để Sưởi Am Cho Đồng Bào" (Việt Báo Jan.3, 2006]

Nhiều năm sau, vào tháng 1 năm 2006, dư luận mới nghe nhắc đến tên của ông Phạm Văn Viêm - qua một bức thư ngỏ của ông Nguyễn Hoàng Long, Thường Vụ Trung Ương/ Đảng DCND, với nội dung có đoạn như sau:

"Hiện nay, sau nhiều lần truy tìm, Đảng Dân Chủ Nhân Dân đã phát hiện anh Phạm Văn Viêm vẫn còn sống, từ năm 1997 đến nay anh đã từng bị giam tại khu trại giam B15 nằm tại Kim Giang - Thanh Xuân - Hà Nội. (Sau nhà máy thuốc lá Thăng Long - Hà Nội). "

" Hà nội luôn luôn tuyên bố tôn trọng nhân quyền, mới đây sách trắng về Nhân quyền cũng đã được chế độ công bố và khẳng quyết sự tôn trọng các quyền căn bản về nhân quyền, vậy mà chế độ đã giam giữ một người hơn 8 năm qua, không xét xử, hoàn toàn bị lãng quên chỉ vì chuyển dịch ra Việt ngữ một cuốn sách không vừa lòng chế độ. "

" Để đánh động lương tâm nhân loại về số phận bi thảm của dịch giả Phạm Văn Viêm, người bị tù đầy chỉ vì chuyển ngữ một tác phẩm vạch trần tội ác của chế độ Phát xít. Đảng Dân chủ Nhân dân xin khẩn thông báo về trường hợp của dịch giả Phạm Văn Viêm. Chúng tôi mong mỏi các Tổ chức Nhân quyền Việt Nam và Quốc tế tiếp tay can thiệp, cùng đấu tranh đòi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả lời với dư luận thế giới về trường hợp anh Phạm Văn Viêm " (http://www.ykien.net/ddcnd013.html) .

Đáp lại lời kêu gọi này, chúng tôi xin đăng lại thư ngỏ dưới đây, về sự an nguy của dịch giả Phạm Văn Viêm.

Kính gửi:

Bà Nhã Ca, chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Việt Báo

Bà Đỗ Mùi, chủ nhiệm nhật báo Việt Nam Tự Do

Ông Vũ Bình Nghi, chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Việt Nam Thời Báo.

Kính thưa qúi vị, ngày 17 tháng 3 năm 98, tờ Việt Nam Tự Do có đăng một bài báo ngắn của ông Nguyễn Văn Chính, với tựa là " Dịch Giả 'Chế Độ Phát Xít' Tại Bulgaria Bị Bắt". Cùng ngày, Việt Báo cũng loan tin trên, (tin Nguyễn Văn Chính), với tựa đề hơi đổi khác: "Công An Hà Nội Sang Bulgaria Bắt Cóc Một Nhà Văn Ly Khai V.N." Sang ngày hôm sau, ngày 18 tháng 3 năm 98, Việt Nam Thời Báo cũng đi lại tin trên với tựa và nội dung tương tự.

Bài báo vừa dẫn, rất có thể, được phổ biến ở nhiều cơ quan truyền thông khác nữa mà tôi không được biết. Trong trường hợp này, tôi xin chân thành tạ lỗi vì sự thiếu sót của mình, và ước mong cũng được qúi vị hữu trách của những cơ quan truyền thông nói trên lưu tâm đến sự việc mà tôi sẽ trình bày- sau đây.

Để khỏi mất thì giờ quí vị phải tìm lại cả một chồng báo cũ, nội vụ xin được tóm lược như sau. Vào trung tuần tháng 12 năm 97, ông Phạm Văn Viêm - dịch giả cuốn Chế Độ Phát Xít, sau nhiều năm trốn tránh, đã bị dẫn độ về Việt Nam. Tác phẩm của Zhelyu Zhelev, in năm 1982, được chuyển sang tiếng Việt và xuất bản năm 1993 bởi nhà Saigon Press - ở Hoa Kỳ.

Bên trong trang bìa có in đậm những giòng chữ sau:

"Bản tiếng Việt do tác giả dịch xong từ năm 1990 tại Sofia Bulgaria, sau đó bị sứ quán Hà Nội sử dụng công an, lùng kiếm và ngang nhiên tra xét phòng dịch giả tại Bulgaria để tìm cách tiêu hủy và chận đứng không cho xuất bản bằng Việt Ngữ...

"Chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nói là chống phát xít, vì sao phải sợ cuốn sách này ra đời""

Theo lời tường thuật của ông Nguyễn Văn Chính : "Dịch giả phải lẩn trốn, nhờ nguời dân Bulgaria che chở và giúp đỡ nên đã trốn thoát sự giam cầm tại Sofia, và tránh khỏi sự dẫn độ về Việt Nam."

"Sau khi lánh nạn tại Bulgaria, dịch giả phải làm lại từ đầu công việc của mình, vì tất cả tài liệu liên quan đến bản dịch lần thứ nhất đã bị an ninh sứ quán Việt Nam tịch thu. Cuốn sách rốt cuộc đã được ra mắt công chúng người Việt, nhờ sự tiếp tay nhiệt tình của nhà xuất bản Sàigòn Press (Mỹ). Nó gây được tiếng vang lớn khắp trong nước lẫn ngoài nước. Bắt hụt dịch giả... chính quyền Hà Nội vô cùng tức tối. Họ kiên quyết dùng mọi thủ đoạn để 'giăng bẫy con mồi lớn' này."

"Và cuối năm 1997 vừa qua kế hoạch 'giăng bẫy' đã thành công. Hiện nay anh Phạm Văn Viên đang là nạn nhân của 'Chế Độ Phát Xít Hậu Hitler '- chính quyền Hà Nội. Sau khi bị cưỡng bức về nước, những nhân chứng người Việt (xin được dấu tên) cho biết: an ninh sân bay Nội Bài đã dẫn anh Viêm đi đâu không rõ."

Những giòng chữ in nghiêng (trong ngoặc kép) mà quí vị vừa đọc, được đăng dưới hình thức của một bản tin, trên trang nhất của tờ Việt Báo - số thượng dẫn. Có lẽ vì kỹ thuật làm tin nên tòa soạn đã lược bỏ những chi tiết có quá nhiều cảm tính trong bài viết của ông Nguyễn Văn Chính.Tôi xin mạo muội ghi lại và nhấn mạnh một vài chi tiết mang nhiều cảm xúc tính này, vì theo thiển ý, đây không phải là một bản tin thuần túy hay là một bài báo - như thường gặp - mà còn là tiếng kêu cứu của đồng hương chúng ta từ Offenbach, một thành phố bé nhỏ thuộc miền Trung nước Đức. "Với tư cách là nhân chứng," ông Chính viết tiếp :" chúng tôi buộc phải chú giải thêm vài trang ngắn ngủi để bạn đọc có thể hình dung ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề..."

Ông Nguyễn Văn Chính nhắc đi nhắc lại nhiều lần sự "trùng khớp đến kinh hoàng" về bản chất của hai chế độ phát xít và cộng sản mà cuốn sách dẫn thượng đã nêu ra rồi kết luận:

"Và đó mới đích thực là nguồn gốc của nỗi căm ghét và sợ hãi có thật của chế độ hiện hành ở Việt Nam đối với cuốn sách và dịch giả của nó: anh Phạm Văn Viêm."

" Điều đó cũng có nghĩa là việc lên tiếng bảo vệ sinh mạng cho anh Phạm Văn Viêm của tất cả cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, không chỉ còn là vấn đề ý thức chính trị mà còn là vấn đề đạo lý nhân phẩm..."

Kính thưa qúi vị, như vừa trình bày, sự việc xảy ra vào trung tuần tháng 12 năm 97, và ông Chính đã lên tiếng kêu cứu từ tháng 1 năm 98. Dù chậm - ngay sau khi nhận được lời kêu cứu này - quí vị đều đã cho phổ biến tin tức liên quan đến việc bạo hành của nhà đương cuộc Hà Nội đối với ông Phạm Văn Viêm, cùng với lời báo động của ông Nguyễn Văn Chính về tính cách nghiêm trọng của sự việc. Sự kiện này khiến tôi vô cùng cảm động và thán phục sự tận tụy cũng như lương tâm chức nghiệp của tất cả quí vị.

Tuy nhiên, vì "mức độ nghiêm trọng của vấn đề" - theo như cách kêu gọi thống thiết của ông Nguyễn Văn Chính - sự việc nếu để chìm vào quên lãng tôi e có điều bất ổn, nếu không muốn nói là bất nhẫn. Thưa quí vị, sau ngày 17 tháng 3 năm 98 cho đến nay, tôi vẫn để ý nhưng không tìm được "tin loan thêm" về trường hợp ông Phạm Văn Viêm. Ông Viêm bị cộng sản Việt Nam "giăng bẫy" cách nào" Sự kiện "Công An Việt Nam Sang Bulgaria Bắt Cóc Một Nhà Văn Ly Khai V.N.", như đề tựa của tờ Việt Báo, là chuyện tự nhiên và bình thường đến độ không khiến ai trong chúng ta thắc mắc hay bình luận gì sao"

Trong thời gian vừa qua - đọc qua một số báo chí Việt Ngữ - tôi e là chúng ta dùng quá nhiều giấy mực chỉ để viết cho nhau những lời tàn tệ, và quên bẵng đi lời kêu cứu cuống cuồng về mạng sống của ông Phạm Văn Viêm. Trong một căn phòng nào đó ở thành phố hẻo lánh Offenbach, hay trong một xà lim nào đó ở Hỏa Lò Hà Nội - không chừng - cả hai ông Nguyễn Văn Chính và Phạm Văn Viêm đều vẫn cứ còn đang thao thức ngóng trông.

Kính thưa quí vị, trong "Thư Ngỏ Của Thời Báo Kính Gửi Các Thân Chủ", viết hôm 14 tháng 3 năm 98, ông Vũ Bình Nghi đã có đoạn đề cập đến tính cách khách quan và trách nhiệm giới hạn của người làm báo :"Thời Báo luôn luôn tôn trọng quyền tự do tư tưởng. Chúng tôi tường trình quí vị thẩm định. We report - You decide."

Xin thưa, một cách tổng quát, tôi đồng ý với ông Vũ Bình Nghi về nguyên tắc là qúi vị tường trình và chúng tôi quyết định. Tôi cũng tin rằng đây là quan điểm làm báo dân chủ được sự đồng thuận bởi nhiều người. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Phạm Văn Viêm, sau khi đọc xong phần tường trình của quí vị, tôi đâm ra băn khoăn và bối rối.

Tôi không biết mình phải quyết định ra sao, phải làm gì để đáp ứng lại lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Chính về : "...việc lên tiếng bảo vệ sinh mạng cho anh Phạm Văn Viêm của tất cả cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, không chỉ còn là vấn đề ý thức chính trị mà còn là vấn đề đạo lý nhân phẩm..."

Tôi biết lên tiếng làm sao và với ai đây"

Tôi đâu có thể nhờ quí vị nghị viên hay dân biểu nơi địa phương của mình can thiệp cho ông Phạm Văn Viêm, một người mà tình trạng di trú (immigrant status) chắc "rất mơ hồ", bị bạo hành ở tận Đông Âu và đã bị dẫn độ về Việt Nam - nơi mà vô số những người Việt khác còn đang bị giam cầm một cách thậm vô lý và vô thời hạn.

Tôi cũng không thể viết thư cho ông Tổng Bí Thư, ông Chủ Tịch Nước, ông Bộ Trưởng Nội Vụ V.N. - hay bất cứ một ông mẹ rượt nào đó tương tự - năn nỉ họ nhẹ tay cho ông Viêm vì lý do nhân đạo hay nhân quyền gì đó. Ngoài chuyện bị "khắc khẩu" với những người cộng sản, tôi còn thành thực tin rằng không có loại ngôn từ nào thích hợp có thể dùng để nói chuyện phải quấy với loại người này.

Hơn nữa, tôi có sự thâm tín rằng đảng cộng sản Việt Nam chỉ là hiện thân của dối trá và tội ác. Họ là tai ương và nghiệp chướng của dân tộc Việt, thế thôi. Tôi chưa bao giờ thấy cái đảng thổ tả này, kể từ lúc nó còn giả danh là Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, thực hiện bất cứ điều gì vì thành tâm hay thiện ý. Mục đích duy nhất của đảng cộng sản Việt Nam là duy trì sự hiện hữu của chính nó, bằng mọi giá, trên đầu trên cổ người dân Việt - chấm hết!

Ngoài ra, tôi đâu được phép nhân danh ai để thỉnh cầu đảng cộng sản Việt Nam ban bố chút ít tự do, công lý, nhân quyền hay nhân đạo ... gì đó cho ông Phạm Văn Viêm. Tôi không tin là ông Viêm , dù đang bị tra tấn chăng nữa, cần đến sự qụi lụy của tôi cho an nguy của bản thân ông. Tôi cũng không nghĩ là ông Nguyễn Văn Chính kêu gọi tôi "lên tiếng bảo vệ sinh mạng cho anh Phạm Văn Viên" theo cách xin sỏ đó. Sĩ phu Việt Nam tuy không nhiều nhưng cũng chưa bao giờ thiếu, ở bất cứ thời nào.

Trong lúc cùng quẫn, tôi cũng có nghĩ đến việc kêu cứu cộng đồng người Việt nơi hải ngoại. Nơi tôi ở có trụ sở của một vài tổ chức, mặt trận hay đảng phái gì đó mà sự nhờ vả can thiệp cho ông Phạm Văn Viên chắc chắn sẽ thích hợp hơn nhưng sợ ... là không kết quả. Họ hoạt động âm thầm quá, âm thầm đến độ khiến những người ngoài tổ chức như tôi phải lấy làm ái ngại và nghi ngại.

Địa phương tôi trú ngụ cũng có vài chục hội đoàn với những sinh hoạt khá mơ hồ hoặc loáng thoáng cũng có chút màu sắc chính trị tượng trưng. Gọi điện thoại hay đến gõ cửa văn phòng của những hội đoàn này để xin cứu mạng ông Phạm Văn Viêm, tôi không ngại chuyện không có người trả lời hay không có ai mở cửa, chỉ sợ rằng sau khi trình bầy vấn đề xong, tôi sẽ (bỗng) tự thấy mình hơi ... lố bịch - thế thôi.

Tôi chợt nhớ ra ông Phạm Văn Viên là một nhà văn, một dịch giả, một người cầm bút và thoáng nghĩ đến Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, cùng với một tiếng thở dài - cố nén.

Kính thưa quí vị, tôi e rằng phen này ông Phạm Văn Viêm chắc chết, chết chắc. Mà không riêng gì cá nhân ông Viêm đâu, đời sống của cả nước đang ở trong tình trạng chỉ mành treo chuông. Hiện trạng Việt Nam, theo như nhận xét của một viên chức IMF, được trích dẫn nguyên văn trên trang nhất nhật báo San Jose Mercury News ngày 17 tháng 3 năm 98 như sau: "What is needed now is a comprehensive package of reforms. If they continue to do nothing, the country could go off a cliff."

Mà đâu cần chờ đến hôm nay cùng với nhận xét thảng thốt của một người ngoại quốc chúng ta mới biết đến thảm trạng của quê hương. Chúng ta phải biết điều này hơn ai hết và biết từ lâu lắm rồi chứ. Xin đơn cử một thí dụ, một câu chuyện gần gụi nhất.

Cách đây đã lâu, trên trang thư tòa soạn của tạp chí Thế Kỷ 21, số 103, phát hành vào tháng 11 năm 97, ông Vương Hữu Bột đã tường thuật đôi ba trường hợp chết đói vừa xảy ra ở Việt Nam. "Có người chết đói ngay tại chợ Bến Thành." "Chết đói vì không có gì để ăn!" Ông ghi lại theo lời kể của một người bạn, một doanh nhân vừa từ Sài Gòn sang Mỹ lo việc kinh doanh.

Có lẽ sợ rằng câu chuyện viết theo lời kể như vậy thiếu căn cứ, ông chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21 trích dẫn thêm một câu chuyện khác, theo báo chí - báo Thanh Niên. " Tờ báo loan tin một thiếu phụ ở Sài Gòn đã giết hai con rồi thắt cổ tự tử. Chị ta còn đủ bình tĩnh viết lá thư để lại, giải thích vì không có cách nào kiếm sống nên chọn cái chết."

Rồi ông Vương Hữu Bột bùi ngùi kết luận:

"Chắn mỗi người chúng ta không thể gánh trách nhiệm về hạnh phúc và an lạc của tất cả mọi nguời khác. Nhưng tất cả chúng ta, với tính cách một chủng loại, phải chia sẻ trách nhiệm khi còn những đồng bào khổ đau, cùng quẫn. Một xã hội văn minh phải thu xếp với nhau đừng để cho những cảnh cùng quẫn đó xảy ra mới phải."

Dù không có thói quen cầu nguyện hay khấn vái, tôi cũng đã nhắm mắt thầm mong vong linh của ba mẹ con người xấu số "tìm được an lạc ở một cõi nào đó ngoài thế gian" - như lời yêu cầu chí tình của ông Vương Hữu Bột. Tiếc thay, tôi không thể làm một việc tương tự như vậy để đáp ứng lại tiếng kêu cứu thống thiết (và xem chừng đã nhuốm mùi vô vọng) của ông Nguyễn Văn Chính về trường hợp của ông Phạm Văn Viêm. Tệ hơn thế, như tôi đã thưa, tôi không biết làm gì khác và làm sao hơn nữa"

Kính thưa qúi vị, trong bài viết "Tình Hình Đất Nước Và Vai Trò Của Đảng" của ông Trần Độ, tôi đọc được đôi lần hai chữ "bùng nhùng". Theo tôi, tính từ này mô tả tuyệt đúng tình trạng (hay thảm trạng) của đảng cộng sản Việt Nam, và chắc cũng không hoàn toàn sai nếu dùng để nói đến sinh hoạt chính trị của khối người Việt hải ngoại chúng ta - từ rất nhiều năm qua.

Cũng trong một bài viết nào đó của qúi báo, mới gần đây thôi ( chỉ tiếc là vì vội vàng muốn hoàn tất thư này tôi không kịp truy tầm xuất xứ), tôi có đọc được câu thơ sau đây của Văn Cao:"Con ơi, gió đã chuyển!'' Tôi không tin chắc là câu thơ chấm dứt bằng một dấu chấm than nhưng nghĩ rằng nếu mình nhớ đúng thì đây đúng là tâm trạng phấn khích, vui mừng của tác giả khi cảm được là dân tộc Việt sắp sửa đứng lên dành lại quê hương và quyền sống.

Tôi tiếc là ông Văn Cao không còn để nhìn thấy gió đã chuyển thật và sẽ chuyển mạnh ở Việt Nam. Tôi càng tiếc hơn nữa, cho chính mình, là đang đứng - xớ rớ, bơ vơ, lơ ngơ, lớ ngớ - ở tận một nơi thật xa, thật an toàn, và hoàn toàn vô can đến những biến chuyển lịch sử đang diễn ra trên quê hương đất nước.

Cũng như Văn Cao, tôi tin là gió đã chuyển ở Việt Nam. Khác với Văn Cao, tôi đã không lựa chọn chuyện sống và chết trên quê hương mình nên thái độ của tôi trước những chuyển động của đất nước - xem ra - có phần hơi lạnh nhạt. Và đây, e rằng, cũng là thái độ chung của nhiều người - những người Việt tị nạn vì lý do (vô cùng) chính trị.

Rõ ràng, tôi vừa thốt ra đôi lời cay đắng! Kính mong được tất cả qúi vị (hoặc bất cứ ai lỡ ghé mắt vào bức thư này) rộng lòng lượng thứ. Tôi hiểu rằng mình không có tư cách gì để mỉa mai hay cay đắng với bất cứ ai. Ở tâm trạng của một kẻ cô đơn, bơ vơ, cùng quẫn - tôi vô cùng lấy làm tiếc là đã thiếu sự tự chế cần thiết tối thiểu. Ngoài ra, cũng ước mong ông Nguyễn Văn Chính (nếu tình cờ đọc được những giòng chữ này) hiểu cho là tôi thấp cổ bé miệng, không "lên tiếng bảo vệ sinh mạng cho anh Phạm Văn Viêm" được - như ông yêu cầu. Tôi chỉ cố góp một tiếng kêu thương vô vọng, thế thôi.

Vô cùng trân trọng và kính mến

Tưởng Năng Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.