Hôm nay,  

Góc Nhạc Cổ Điển (12/16/2006)

16/12/200600:00:00(Xem: 10863)

GÓC NHẠC CỔ ĐIỂN:

Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về

classical@vietbao.com.

Những Cây Thông ở Thành Rome, Ottorino Respighi (1879-1936)

- Jo Ký - Tháng 12, 2006

Những Cây Thông ở Thành Rome được sáng tác năm 1924 bởi nhạc sĩ người Ý Ottorino Respighi.  Trình diễn lần đầu tiên ngày 14 tháng 12 cùng năm tại Augusteo, Rome dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Bernardino Molinari.  Tác phẩm này được xem là thành quả quan trọng nhất của Respighi, và luôn được xếp chung với hai tác phẩm khác của ông, đó là Những Vòi Nước ở Thành Rome (The Fountains of Rome, 1917) và Các Lễ Hội La Mã (Roman Festivals, 1928) thành một bộ ba gọi là Roman Trilogy.

Cả ba tác phẩm đều có dạng bốn chương liên hoàn, tả cảnh, theo thể thơ giao hưởng (symphonic poem).  Không như Các Lễ Hội, miêu tả những hội hè trong các thời đại khác nhau, Những Cây Thông và Những Vòi Nước miêu tả các cảnh tượng ở các thời điểm khác nhau trong một ngày.  Những Vòi Nước thì bắt đầu từ bình minh đến hoàng hôn, còn Những Cây Thông thì từ giữa trưa đến bình minh.  Theo lời của Respighi thì sở dĩ ông chọn cây thông vì chúng hiện hữu khắp nơi ở thành Rome, và ông cố ý dùng chúng như là những chứng nhân cho lịch sử huy hoàng của thành Rome.

Về nhạc cụ, tác phẩm Những Cây Thông gọi một dàn nhạc khổng lồ gồm 3 flutes, 2 oboes, English horn, 2 clarinets, bass clarinet, 2 bassoons, contrabassoon, 4 horns, 3 trumpets, 4 trombones, 6 buccine (horns cổ, thường được thay thế bởi saxhorns hay những kèn đồng hiện đại khác), tuba, timpani, trống bass, cymbals, triangle, tambourine, ratchet, tam-tam, bells, một máy hát (record player), celesta, harp, các nhóm dây, và organ.

Chương đầu tiên, ồn ào, rộn rã, có tên Những Cây Thông ở Biệt Thự Borshese (The Pines Of The Villa Borghese) tả cảnh trẻ con chơi đùa dưới những cụm thông ở khuôn viên biệt thự Borghese.  Trong các chủ đề, văng vẳng có bài hát nhi đồng Ring Around the Rosey.  Tiếng kèn trumpet dõng dạc như hiệu lệnh kêu gọi giải tán chấm dứt chương nhạc một cách đột ngột.

Chương hai có tên Những Cây Thông Gần Hầm Mộ (The Pines Near A Catacomb), bắt đầu với một đoạn dẫn nhập thật êm đềm, huyền hoặc.  Đâu đó văng vẳng kèn trumpet da diết điệu hồn.   Rồi từ trong huyệt đạo sâu thẳm âm u, nhóm dây làm sống dậy những vong hồn từ ngàn xưa.  Bốn trombone tụng giọng cổ kinh thì thào lẫn theo gió kêu gọi các vong hồn đứng dậy.  Cả hai nhóm nương theo nhau vươn lên ngày càng cao và lớn hơn.  Chỉ một vài trường canh sau thì trống timpani dằn mạnh một tiếng báo hiệu sự hiện diện của những vong hồn, nay đã quá rõ rệt.  Tuba và các kèn đồng khác hỗ trợ nhóm trombone đồng thanh gióng giả.  Cả hai nhóm, dây bên trái và đồng bên phải vươn lên cao trào.  Organ dùng bàn đạp (pedal) đi những bước thật trầm, khệnh khạng như thần Apollo khổng lồ, vĩ đại, uy nghi, đang từ xa tiến dần đến,  rầm rộ qua mặt mục khách, rồi xa dần và cuối cùng mất hút trong cảnh chiều tịch mịch.  Chỉ còn lại là nhóm dây mang những vong hồn trở về huyệt đạo.  Tất cả bỗng trở nên tĩnh lặng như lúc ban đầu.  Một cách suy nghĩ khác về chương này cũng khá lý thú.  Nếu ví nhóm dây như là một cơn gió lớn, từ xa đang thổi về thành Rome; còn nhóm đồng-khởi đầu bằng trombone-như là sự đong đưa, lắc lư của những cây thông dưới sức gió.  Cả ba bối cảnh: các vong hồn, thần Apollo, và gió quyện lẫn vào nhau tạo ra trong đầu người nghe một cảnh tượng phức tạp kỳ thú.  Dĩ nhiên ý của tác giả vẫn là bối cảnh ở hầm mộ, nhưng bối cảnh những cây thông trong gió cũng không phải là một sự méo mó quá đáng.  Và nên nhớ, tác phẩm này viết theo dạng nhạc chương trình.

Một câu dạo piano dẫn vào chương ba, mang tên Những Cây Thông ở Janiculum (The Pines Of The Janiculum).  Đây là một dạ khúc (nocturne) tấu bởi harp, celesta, kèn gỗ, và nhóm dây.  Đặc điểm của chương này là không có kèn đồng.  Đây cũng là một serenade trữ tình, mô tả cảnh đêm tĩnh lặng gần đồi Janiculum, nơi đền thờ thần Janus.  Respighi dùng máy phát thanh, phát một đoạn thâu thanh tiếng hót của chim sơn ca (nightingale) ở cuối chương báo hiệu trời sáng.

Chương bốn có tên Những Cây Thông Trên Đường Appian (The Pines Of The Appian Way) bắt đầu hé mở những vầng quang của bình minh.  Dập dìu, xa xa là đoàn quân La Mã trở về sau chiến thắng, đầu đội nón sắt trang điểm với những chòm lông đỏ, ngực mang khiên đồng vàng choé, như những bóng ma từ hàng niên kỷ, hiên ngang, hùng tráng, dõng dạc, rầm rộ tiến dần về kinh đô.  Chương nhạc ban đầu chỉ có nhóm dây và kèn gỗ tấu.  Sau đó nhóm horn và trumpet chát chúa tham gia.  Cuối cùng khi timpani đã nghe rõ thì cả dàn đồng chiếm lấy chủ đề, và từ đó dẫn chương nhạc đi đến cao trào thật huy hoàng kết thúc tác phẩm.

Những Cây Thông ở Thành Rome của Respighi có nhiều điểm tương đồng với tác phẩm Những Bức Tranh Trong Phòng Triểm Lãm (Pictures at an Exhibition) của Modest Moussorgsky (1839-1881) do Maurice Ravel (1875-1937) soạn tổng phổ, hoàn tất chỉ 2 năm trước đó.  Cả hai, khẳng định, đều là tuyệt tác về phối khí (orchestration).  Đừng quên rằng Respighi là môn đệ của Rimsky-Korsakov (1844-1908); mà Rimsky-Korsakov và Ravel là hai đại thụ về phối khí. 

Cả hai tác phẩm đều có cảnh trẻ con nô đùa; cả hai đều có serenade, dùng bối cảnh hầm mộ (catacombs)-một ở Pháp, và một ở Ý, và với dụng ý làm sống lại thời hoàng kim xa xưa.

Bộ ba Roman này thường được đi chung với nhau trong một album.  Hai tác phẩm kia cũng không kém phần phổ biến so với tác phẩm này, và đều có giá trị riêng của chúng. 

Cả ba, nếu gom lại thành một bộ, có thể sánh ngang với tác phẩm Quê Hương Tôi (Má Vlast) của Bedrich Smetana (1824-1884).  Smetana, với tác phẩm này, đã được dân tộc Tiệp-Khắc xem ông là nhạc sĩ quốc gia.  Tương tự như vậy, Repighi, với bộ ba Roman, đã được người Ý coi như nhạc sĩ của dân tộc họ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra
Khoảng cuối năm 1980, một tin đã gây chấn động trong giới âm nhạc khắp nơi trên thế giới
Những năm 1889-92 ông lưu diễn Anh, Pháp, Bỉ và mang lại nhiều thành công rực rỡ. Trong thời gian này, Albeniz sáng tác rất nhiều
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra
Năm chó chưa hết, năm heo chưa đến có người khách phương xa ghé nhà, vui chuyện hỏi rằng, thế có nhà soạn nhạc nào sinh năm Hợi
Năm 1886 có lẽ là năm quan trọng nhất trong cuộc đời của nhà soạn nhạc Pháp Camille Saint-Saens
Chữ Requiem, theo tiếng La-Tin, có nghĩa là "yên nghỉ". Đây là chữ đầu tiên trong bài kinh cầu hồn của đạo công giáo.
Nhạc cổ điển tây phương là một kho tàng âm nhạc phong phú kéo dài vài trăm năm, nếu chỉ tính từ thời Phục Hưng
Tuần rồi Việt Báo có mời một số người thường viết cho mục Góc Nhạc Cổ Điển trong đó có kẻ viết bài này đi nghe chương trình nhạc tại thính đường mới của thành phố L.A. "Walt Disney Hall"
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.