Hôm nay,  

Góc nhạc cổ điển (05/05/2007)

05/05/200700:00:00(Xem: 14134)

Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về classical@vietbao.com.

Rostropovich Không Còn Nữa

- Jo Ký - Tháng 5, 2007

Tay trung hồ cầm (cello), nhạc trưởng, và nhà dân chủ Mstislav Rostropovich đã vĩnh viễn từ bỏ chúng ta thứ Sáu tuần trước, ngày 27 tháng 5, 2007.

Rostropovich--thường được bạn bè gọi đùa là Slava, tiếng Nga nghĩa là "vinh quang" (glory)--sinh ngày 27 tháng 3 năm 1927 tại Baku, Azerbaijan trong một gia đình Nga.  Arjebaijan (có nơi viết là Azerbaijan) trước kia thuộc Liên-Bang-Sô-Viết, nhưng sau khi chế độ cộng sản tại Nga sụp đổ năm 1989, đã trở thành một quốc gia độc lập từ năm 1991.  Lúc mới lên 4 Rostropovich học piano với mẹ, là một tay piano tài ba.  Khi lên 10, ông bắt đầu học cello với cha, cũng là một tay cello có tiếng và là môn đệ của Pablo Casals (1876-1973).  Năm 1943, lúc mới 16 tuổi, ông vào học tại nhạc viện Moscow, không những với hai môn piano và cello, mà còn thêm hai môn khác là nhạc trưởng và sáng tác.  Hai người thầy nổi tiếng mà ông đã từng thọ giáo là Dmitri Shostakovich (1906-1975) và Sergei Prokofiev (1891-1953).  Rostropovich thông thạo cả hai nhạc cụ piano và cello.  Bài thi ra trường của ông là Rachmaninov piano concerto số 2.  Ông còn nổi tiếng là tay đệm dương cầm.

Rostropovich thắng nhiều giải thưởng về cello, đáng chú ý nhất là giải Internatinal Music Awards tại Prague và Budapest những năm 1947, 1949, và 1950.  Cũng năm 1950 Rostropovich được ban giải Stalin, lúc đó được xem là giải thưởng cao quý nhất của Lien-Bang-Sô-Viết.  Tiếng tăm Rostropovich lúc đó đã lừng lẫy khắp thế giới.  Ông được mời dạy ở nhạc viện Leningrad (sau này là St. Petersburg) và Moscow.  Trong số các học trò của ông có Jacqueline Du Pré (1945-1987) và Natalia Gutman.  Năm 1955 ông thành hôn với cô Galina Vishnevskaya, một giọng soprano nổi tiếng tại hí viện Bolshoi.

Bắt đầu từ năm 1964, Rostropovich đi lưu diễn ở Tây-Đức và nhiều nơi khác ở Âu châu.  Ông được dịp gặp gỡ nhiều nhạc sĩ đương thời, trong số đó có Benjamin Britten.  Khoảng đầu thập niên 1970, Rostropovich bắt đầu công khai lên tiếng đấu tranh cho tự do dân chủ.  Sự hậu thuẫn của ông đối với nhà văn đối lập Alexander Solzhenitsyn, người đã viết Quần Đảo Gulag, khiến ông bị cấm trình diễn.  Năm 1978, ông và gia đình đào tẩu khỏi Liên-Bang-Sô-Viết và ông đã bị nhà cầm quyền Nga tước quyền công dân.  Từ đó trở đi gia đình ông sống nhiều nơi rồi cuối cùng định cư tại Hoa-Kỳ.

Tháng 11 năm 1989, khi dân chúng Đức đang phá sập bức tường Berlin, Rostropovich đã đến nơi và tấu một suite cho cello của Bach.  Cuối năm đó ông được Mikhail Gorbachev hoàn trả quyền công dân Nga và được quyền trở về nước Nga.  Tháng 8 năm 1991 ông cùng Boris Yeltsin (1931-2007) cố thủ bên trong nhà quốc hội.  Phiến quân tàn dư của chế độ cộng sản vây chặt bên ngoài sẵn sàng xông vào.  Nhưng sau khi hay được là Slava hiện đang có mặt bên trong, họ đã giải tán.

Rất nhiều nhạc sĩ đương thời đã viết nhạc cho Rostropovich: Shostakovich, Khachaturian, Prokofiev, Britten, Dutilleux, Schnittke, Bernstein, Messiaen, Auric, Walton, Penderecki, và nhiều nhiều nhạc sĩ khác nữa.  Shostakovich viết chỉ có 2 cello concertos riêng tặng Rostropovich, và chính Rostropovich đã ra mắt cả hai.  Prokofiev tặng tác phẩm Sinfonia Concertante cho Rostropovich.  Dmitri Kabalevsky và Rostropovich đã hoàn tất cello concerto của Prokofiev và chính ông đã ra mắt lần đầu tiên tác phẩm này.  Ông giới thiệu cello concerto thứ 1 của Shostakovich với  London và từ đó kết bạn với Britten.  Britten viết tặng Rostropovich cello sonata, 3 cello suites, và cello symphony; và Rostropovich ra mắt lần đầu tất cả.  Schnitke tặng symphony thứ 6 cho ông.  Tổng cộng Rostropovich đã có hơn 200 tác phẩm tặng hoặc do ông đề nghị.  Trong lịch sử cello, và kể cả lịch sử âm nhạc, chưa ai được tặng nhiều tác phẩm như vậy.  Trong một cuộc phỏng vấn, Rostropovich đã bộc lộ vẻ đay nghiến:  "Sao không tay cello nào yêu cầu Mozart viết một cello concerto vậy""

Ông thâu dĩa gần hết các tác phẩm cello, nhất là những concerto.  Tác phẩm ông thâu dĩa được nhiều người ca tụng nhất là cello concerto của Antonin Dvorak.  Ông thâu hơn một lần tác phẩm này; thậm chí còn có thâu video.  Hai CD để đời là với Berlin Philharmonic dưới sự điêu khiển của Herbert Von Karajan, và với London Philharmonic với Carl Maria Giulini.  Có người có dịp mục kích ông chơi Dvorak concerto kể lại rẵng có nhiều đoạn họ ngỡ chiếc cello sẽ bị nứt dưới kỹ thuật tạo âm của ông.

Chiếc cello của ông là một cổ vật âm nhạc.  Nó được làm năm 1711 bởi nhà làm nhạc cụ dây nổi tiếng người Ý tên Antonio Stradivari (1644-1737) ở Cremona.  Chiếc đàn này có tên là Duport Stradivarius, vì nó được nhạc sĩ Jean-Pierre Duport (1741-1818) dùng vào khoảng 1800.  Năm 1812, Duport cho phép đại đế Napoleon cầm nó.  Napoleon, lúc đó đang mang giầy boot, sơ ý đá vào nó và đã để lại một dấu khuyết.  Năm 1843 Auguste-Joseph Franchomme (1808-1884), nhạc sĩ cello người pháp,  đã mua nó lại từ con trai Duport với giá kỷ lục là 22,000 franc.  Nhà làm đàn dây nổi tiếng người Pháp tên Jean Baptiste Vuillaume (1798-1875) đã dùng chiếc đàn này làm kiểu mẫu cho những chiếc đàn cello do ông làm ra.  Duport Stradivarius được xem là một trong những chiếc đàn cello quý giá nhất, tương đương hoặc hơn kém chút ít với chiếc đàn cello Davydov Stradivarius làm năm 1712 của Jaqueline Du Pré.  Rostropovich dùng Duport Stradivarius từ năm 1974.  Với sự qua đời của Rostropovich tuần qua, giá trị của Duport Stradivarius có thể tăng lên, ít nhất cũng gấp rưỡi.

Rostropovich cũng là một nhạc trưởng lừng lẫy.  Ông là giám đốc (music director) cho National Symphony Orchestra ở Washington D.C. từ năm 1977 đến 1994.  Ngoài ra ông còn làm việc với nhiều dàn nhạc quốc tế khác, điển hình là London Philharmonic.  Ông thâu dĩa toàn bộ 15 giao hưởng của Shostakovich.

Căn nhà cuối cùng của gia đình ông là ở Paris; nhưng ông vẫn còn nhà ở Moscow, St. Petersburg, London, và Lausanne.  Theo tin tức từ New York times thì ông được đưa vào bệnh viện Paris vào cuối tháng giêng, 2007 nhưng lại đổi ý bay về Moscow, nơi mà ông thường dưỡng bệnh.  Ngày 6 tháng 2, 2007, Rostropovich được đưa vào bệnh việng Moscow.  Thư ký của ông ở Moscow, cô Natalya Dolezhale, chỉ nói rằng ông chỉ không được khỏe nhưng không có gì nguy cập cả, và không cho biết ông bị bệnh gì.  Trong lúc ông đang trong bệnh viện thì tổng thống nước Nga, Vladimir Putin, có thân chinh đến thăm.  Điều này lại càng làm cho dư luận, đang hoang mang, lại càng nẩy sinh nhiều suy đoán. Nhưng Dolezhale lại nói rằng Putin vào gặp Rostropovich là để bàn về dự định làm một buổi lễ mừng thọ 80 của Rostropovich.  Ngày 6 tháng 3, 2007, ông được cho xuất viện vì tình trạng sức khỏe ông cũng khá khả quan.  Nhưng ngày 7 tháng 4, 2007 ông lại được đưa vào viện ung thư Blokhim ở Moscow và mất ngày 27 tháng 4, 2007 về bệnh ung thư ruột.

Thứ Bảy 28 tháng 4, 2007 thi hài Rostropovich đã được quàng trong một quan tài mở nắp tại nhạc viện Moscow, nơi mà ông đã theo học nhạc từ thuở niên thiếu.  Một quốc táng long trọng đã được chính thức cử hành vào ngày chủ nhật 29 tháng 4, 2007 tại Church of Christ Saviour, Moscow, nơi mà tuần trước đã cử hành tang lễ của Boris Yeltsin.  Tại thánh đường, thi hài Rostropovich đã được phủ một tấm vải trắng có thêu thập tự giá.  Bà quả phụ Rostropovich, soprano lừng danh Galina Vishnevskaya, đã được nhiều quan khách chia buồn, trong số đó có bà quả phụ Narina Yelsin, bà Solzhenitsyn, nữ hoàng Sofia từ Tây-Ban-Nha, đệ nhất phu nhân Pháp Bernadette Chirac, tổng thống Ilham Aliev từ Azerbaijan, và tổng thống Vladimir Putin.  Sau buổi lễ, thi hài Rostropovich đã được yên nghỉ tại nghĩa trang Novodevichye, nơi chỉ dành cho những vĩ nhân Nga.  Trong số những người đã được an táng ở đó có Dmitri Shostakovich, Sergei Prokofiev, và mới đây Boris Yeltsin.

Căn nhà nơi Rostropovich sinh trưởng, số 9 đường Kolodezni ở Azerbaijan, nay đã trở thành viện bảo tàng.  Con đường Kolodezni nay đã đổi tên thành đường Rostropovich.

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng sự ra đi của Rostropovich là "một mất mát to lớn cho văn hóa Nga" ( a terrible loss for Russian culture).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khoảng cuối năm 1980, một tin đã gây chấn động trong giới âm nhạc khắp nơi trên thế giới
Những năm 1889-92 ông lưu diễn Anh, Pháp, Bỉ và mang lại nhiều thành công rực rỡ. Trong thời gian này, Albeniz sáng tác rất nhiều
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra
Năm chó chưa hết, năm heo chưa đến có người khách phương xa ghé nhà, vui chuyện hỏi rằng, thế có nhà soạn nhạc nào sinh năm Hợi
Năm 1886 có lẽ là năm quan trọng nhất trong cuộc đời của nhà soạn nhạc Pháp Camille Saint-Saens
Chữ Requiem, theo tiếng La-Tin, có nghĩa là "yên nghỉ". Đây là chữ đầu tiên trong bài kinh cầu hồn của đạo công giáo.
Nhạc cổ điển tây phương là một kho tàng âm nhạc phong phú kéo dài vài trăm năm, nếu chỉ tính từ thời Phục Hưng
Những Cây Thông ở Thành Rome được sáng tác năm 1924 bởi nhạc sĩ người Ý Ottorino Respighi. Trình diễn lần đầu tiên
Tuần rồi Việt Báo có mời một số người thường viết cho mục Góc Nhạc Cổ Điển trong đó có kẻ viết bài này đi nghe chương trình nhạc tại thính đường mới của thành phố L.A. "Walt Disney Hall"
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.