Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (12).

18/09/200600:00:00(Xem: 17519)
Trần Việt Bắc

Vùng trung du Bắc Việt lúc này có những lực lượng chính như sau:

Họ Trần ở Thiên Trường, do hai anh em họ Trần là Trần Thừa và Trần Tự Khánh lãnh đạo (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, phía hữu ngạn sông Hồng).

Họ Đoàn ở Hồng lộ, do Đòan Thượng và Đoàn Chủ cầm đầu (phía tả ngạn sông Hồng, gồm các quận Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miên và Ninh Giang tỉnh Hải Dương ngày nay).

Họ Nguyễn ở Bắc Giang, do Nguyễn Nậu và Nguyễn Nãi lãnh đạo ( phía bắc sông Đuống – tên cổ thời là sông Thiên Đức , gồm các quận Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ tỉnh Bắc Ninh ngày nay).

Những nhóm võ trang nhỏ hơn như:

Nguyễn Tự (huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, phía tây kinh đô Thăng Long, thuộc tỉnh Hà Tây ngày nay).

Khoái châu ( huyện Hậu Giang, Kim Đồng, An Thi tỉnh Hưng Yên ngày nay. Người viết không tìm thấy sử liệu nào nói về người lãnh đạo của lực lượng này).

Nam Sách(huyện Nam sách, phía bắc tỉnh Hải Dương ngày nay. Người viết không tra cứu được vị thủ lãnh của vùng này).

Tô Trung Từ chết, kinh thành lúc này không có một lực lượng nào đáng kể ngoại trừ một đám quân dưới tay ông con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Đà La, nhưng ông này không đủ tài và lực, lo sợ những lực lượng bên ngoài sẽ kéo về kinh thành tiêu diệt ông ta. Nguyễn Đà La muốn liên kết với Trần Thừa “xin tiến binh dẹp yên đất Khoái”(ĐVSL). Vì nếu quân họ Trần chiếm được Khoái châu và án binh tại đây, thì Nguyễn Đà La sẽ không còn lo lắng về lực lượng này, vì Khoái châu ở gần kinh thành về hường đông nam. Hơn nữa, quân họ Trần sẽ làm một “nút chận” để cản quân vùng Hồng kéo về Thăng Long. Nguyễn Đà La lại “cùng với vợ của y là Tô thị lên thuyền sang đạo Thuận Lưu để gặp tướng của Tô Trung Tự là Nguyễn Trinh”. Tại đây, Nguyễn Đà La “bị Trinh giết chết rồi cướp lấy Tô thị”(ĐVSL). “Thù chồng phải trả”, bà họ Tô sai người tố cáo với Trần Thừa ( là ông anh họ-đôi con dì- của bà). Trần Thừa lúc này đang ở Hải Ấp biết chuyện bèn âm mưu giết Trinh. Trần Thừa “sai người đi triệu Trinh đến Hải Ấp, Trinh không đến”(ĐVSL). Không muốn động binh, Trần Thừa khuyên cô em họ dụ Trinh để giết (52).

Biết được cậu mình đã chết, Trần Tự Khánh đã kéo quân về kinh thành, tuy nhiên không thấy sử liệu nào nói về những họat động của Trần Tự Khánh tại kinh thành lúc này, ngoại trừ việc “Trần Tự Khánh an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch” (ĐVSL)

Nguyễn Đà La chết, đám quân của Tô Trung Tự như rắn mất đầu, tức khắc tan rã. Dù kinh thành lúc này, tạm thời không bị lực lượng nào thao túng, nhưng với một ông vua không có khả năng cùng với một đám quan lại “vô lực vô năng”, triều đình nhà Lý như đang đợi một lực lượng nào đó tới để “bảo hộ”.

Họ Đoàn ở vùng Hồng - tương đối ở gần kinh thành - đã không bỏ qua cơ hội. Để có thể mang quân về kinh thành, “ người ở trong vùng Hồng đánh ải Quảng Điểm” (53)(ĐVSL), nhưng họ Trần cũng không muốn để mất dịp may, “Trần Tự Khánh sai Lại Linh đốc xuất binh lính cùng với viên tướng ở Khoái châu là Nguyễn Đướng chống cự chúng. Nguyễn Đường bị người giữ ải bắt đem trao cho người ở vùng Hồng”(ĐVSL). Nguyễn Đường có lẽ chỉ là một tùy tướng của họ Trần được sai đi trước để dò đường, đồng thời làm nội ứng cho việc đánh Khoái châu để mở đường tiến quân về kinh đô của Khánh. Khi Lại Linh tấn công Khoái châu thì Nguyễn Đường đã bị người giữ ải phát giác và bắt trao cho người ở Hồng lộ. Thấy âm mưu của mình bị bại lộ,“Trần Tự Khánh tức giận, mở lối cho nước sông chảy vào các ấp rồi trở về” (54)(ĐVSL). Đây là một hành động “giận cá chém thớt” tàn nhẫn của Trần Tự Khánh đối với người dân vùng này. Thế là “dân ở Khoái châu thất vọng bèn kéo về nương tựa ở vùng Hồng”(ĐVSL).

Quân của Trần Tự Khánh kéo về, người ở Khoái châu theo phe vùng Hồng. Tháng 7 năm 1211 -một tháng sau khi Tô Trung từ chết- hai thủ lãnh “người ở vùng Hồng là Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi đem binh về kinh sư”(ĐVSL). Tại kinh sư, Thượng và Lôi nói vu cho Khánh với vua là ông này muốn làm chuyện phế lập. Vua Huệ Tông nổi giận, cô em của Khánh đang là Nguyên phi, liền bị nhà vua thất sủng, giáng xuống làm ngự nữ, đồng thời “nhà vua hạ chiếu cho các đạo binh đánh Trần Tự Khánh” (ĐVSL) và phong tước hầu cho Đoàn Thượng. Vua Huệ Tông muốn dùng Đoàn Thượng để diệt Tự Khánh.

Chưa kéo binh về được Thăng Long, “Trần Tự Khánh đem binh đánh người ở vùng Ma La là Đinh Cảm, nhưng thua rồi rút quân về. Mùa đông Trần Tự Khánh lại đánh lấy ấp ấy. Đầu tiên đánh núi Đội (55), giết và bắt được rất nhiều người, Đinh Cảm phải chạy sang Sơn Lão” (ĐVSL). Vậy là tháng 7, Khánh thua trận ở Khoái châu, trên đường về lại Thiên Trường,Trần Tự Khánh nhân tiện mang quân đánh Đinh Cảm ở huyện Duy Tiên- phía hữu ngạn sông Hồng, nhưng lại bị bại trận. Ba tháng sau – tháng 10 năm 1211, Khánh đánh phục thù, thắng và chiếm được vùng đất phía tây bắc Thiên Trường (huyện Mỹ Lộc), vùng ảnh hưỡng của họ Trần được mở rộng thêm.

(còn tiếp)

52) Nguyễn Trinh cũng đâu có quá dại. Đến thì chết ngay lập tức! Không đến thì chư a chắc đã chết, mà nếu có chết sẽ chết sau ! Hơn nữa đang có quân trong tay, đánh thì đánh. Vậy thì việc gì phải đến. Tuy nhiên, Trinh không chết vì bị Trần Thừa giết màTrinh đã phải chết vì tay bà họ Tô.

53) Người viết chưa tra cứu được “ải” Quảng Điểm ở vị trí nào, chỉ biết “ải” này nằm ở Khoái châu và đoán là gần tả ngạn sông Hồng.

54) Ghi chú trong bản dịch :“Trần Tự Khánh tức giận, mở lối cho nước sông chảy vào các ấp (của người Hồng ND)”. Người viết nghĩ là Trần Tự Khánh phá đê để làm lụt vùng Khoái châu , vì vùng Hồng ở tại Hưng Yên, khá xa nởi xảy ra biến cố.

55) ĐVSKTT, quyển 1, trang 224 : “ Đinh Hợi, [Thiên Phúc] năm thứ 8 [987] , (Tống Ung Hy năm thứ 4). Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng”
Ghi chú cuối trang “ Núi Đọi, tên chữ Hán là Đội sơn hoặc Long Đội, ở xã Đọi Sơn, Huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Nam Hà".
ĐNNTC, tập 3, trang 182: “Núi Long Đôi: ở xã Đọi Sơn phía đông nam huyện Duy Tiên”.
NV: ngày nay nơi này có thắng tích là chùa Long Đội.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phần lược sử "Nhà Trần Khởi Nghiệp" được trích từ diễn đàn phố rùm Việt Báo phòng "Việt Nam - Đất Nước - Con Người" chủ đề "Nhà Trần Khởi Nghiệp" do anh Trần Việt Bắc ký danh TVB viết và biên soạn.
Thấy họ Trần mở rộng địa bàn hoạt động, Họ Đoàn cũng không chịu thua, bèn mang “người ở vùng Hồng đánh Nam Sách, Phạm Võ đầu hàng” (ĐVSL), sau đó Đoàn Thượng sai Đoàn Trì Lỗi (56) giữ Nam Sách.
Trần Tự Khánh biết điều này và ông ta muốn giả thần phục nhà Lý, dùng nhà Lý như một triều đình bù nhìn để mặc tình thao túng. Vì thế ông ta bèn đi một nước cờ mới:
Âm mưu của Trần Tự Khánh là mang quân về kinh thành để thao túng triều đình nhà Lý. Niềm mong muốn của Tự Khánh đã đạt được như ước nguyện sau hai lần không thành công.
Trong các “sứ quân” cuối thời Lý thì Trần Tự Khánh có lợi thế và hùng mạnh hơn cả. Sau khi Trần Lý chết, toàn bộ binh lực của ông này trao cho người con thứ hai là Trần Tự Khánh, em của Trần Thừa,
Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1210), “Tô Trung Từ từ lúc kín đáo nhận lãnh cái tước do Vương tử Sảm phong cho thì sợ tội trạng sẽ đến với mình mới bắt ép binh lính đánh Khoái châu (20) .
Muốn tránh bị Trần Tự Khánh kềm chế, nhà vua tìm cách rời khỏi kinh thành. Kiếm lý do để Tự Khánh không nghi ngờ, "Nhà vua cùng Thái hậu đi thăm chơi nhà viên quan trong hàng Đại Liêu ban ở Đông Ngạn là Đỗ Thưởng"
Như đã được trình bày trong phần trước, Nguyễn Tự vốn là một bộ tướng của Tô Trung Từ, vì có hiềm khích giữa ông này với con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Đà La, Nguyễn Tự muốn giết La rồi làm phản,
Thế là những dự tính dùng binh lực để chống lại Tô Trung Từ đều bị dập tắt và ông này càng ngày càng lộng hành hơn nữa. Tình trạng lúc này không khác gì cảnh Đổng Trác uy hiếp nhà Đông Hán.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.