Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (4). Phần 2: Loạn “Sứ Quân”

18/09/200600:00:00(Xem: 18018)
Trần Việt Bắc


Lúc này (tháng 7, năm Kỷ Tỵ,1209), vua Cao Tông vẫn còn lánh ở tại miền Quy Hoá. Theo ĐVSKTT thì: “Anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước vua về kinh, khôi phục chính thống. [26b] Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn, xử tội theo mức độ khác nhau”, diễn biến này cũng được diễn tả tương tự như trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) là sau khi dẹp xong loạn Quách Bốc, Trần Tự Khánh và Trần Thừa đón nhà vua về cung (15). Tuy nhiên, khác hẳn với ĐVSKTT và KĐVSTGCM, Đại Việt Sử Lược không nói tới việc ai đã rước vua về cung, lại còn viết là :“Nhà vua (Cao Tông) sai Phạm Du đến Hồng Lộ (16)để huấn luyện quân sĩ sắp đánh người ở Thuận Lưu”(ĐVSL) là bọn Trần Tự Khánh (17).
Cùng một thời điểm nhưng sự việc lại được viết khác và trái ngược hẳn với nhau. Như đã nêu lý do ở phần mở đầu, người viết dùng ĐVSL để làm tài liệu tham khảo chính, vì sử liệu cũng như thời điểm viết sử, bộ sử này đã đưa ra nhiều chi tiết hơn hẳn những bộ sử khác (ĐVSL đã được hoàn tất thời Trần Phế Đế)
Biết Thái tử lập triều đình riêng và phong tước bừa bãi cho Trần Lý, Tô Trung Từ,…, nên vua Lý Cao Tông muốn đánh dẹp đám “phản thần” này, nhưng Cao Tông lại là một ông “Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, ….”(ĐVSKTT), nên triều đình không đủ tài chính để có được một đội binh tương đối tạm, dù chỉ dùng để bảo vệ kinh thành, chứ chưa nói đến chuyện tấn công các đám giặc cướp nổi loạn (18). Vì vậy Phạm Du được vua Cao Tông sai đi để liên lạc với họ Đoàn (Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi) ở vùng Hồng (phía tây tỉnh Hải Dương ngày nay), nhà vua muốn dùng binh lực của đám này để đánh đám họ Trần cùng Tô Trung Từ và “triều đình” mới lập. Được nhà vua cử đi, nhưng ông này là một viên quan không ra gì, lãnh nhiệm vụ quan trọng mà còn bê tha trễ nải, vì “biết đã đến lúc dân ở vùng Hồng đi đón rước mà Phạm Du còn cùng với Công chúa Thiền Cực tư thông”(ĐVSL), trễ hẹn, người vùng Hồng bỏ về, Phạm Du phải tìm cách đi riêng (không được người vùng Hồng bảo vệ). Từ Thăng Long, Phạm Du dùng thuyền đi về hướng đông theo đường sông (có lẽ là sông Thiên Đức, tức sông Đuống ngày nay).“Đi đến Cổ châu mới dừng lại rồi theo đường bộ đến xã A Cảo thuộc vùng Ma Lãng thì bị người ở Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt đưa cho Vương tử Sam giết đi”(ĐVSL). Họ Nguyễn cát cứ ở Bắc Giang lúc này chắc hẳn đã liên minh với họ Trần ở Thiên Trường, phò Thái tử Sảm, nên mới chống lại triều đình và giết Phạm Du.

Phạm Du chết, triều đình không được binh lực của họ Đoàn ở vùng Hồng không tiếp sức. Được viên hoạn quan là Phạm Bỉnh Di cai quản một đội quân tàm tạm (đủ sức để “gà nhà bôi mặt đá nhau” và đánh thắng Phạm Du khi ông này làm loạn, còn để chống ngoại xâm thì NV không dám bàn!!!), nhưng Di với con là Phụ đã bị nhà vua giết chết, rồi sau đó bộ tướng của Di làm phản, hoàng tộc phải bôn tẩu khỏi kinh thành, một triều đình không còn sức để bảo vệ chính mình, vua Cao Tông thấy mình bất lực.
Năm Kỷ Tỵ, 1209, Trần Tự Khánh thấy hoàng cung gần như không còn binh lực phòng thủ, nên “mùa thu, tháng 8, bọn đồ đảng ở Thuận Lưu sung sướng về việc Phạm Bỉnh Di chết mới rầm rộ đốc xuất thuyền bè, quân lính tiến đánh kinh sư”(ĐVSL). Quân trên bộ“tiến thẳng vào trong cung cấm đánh cắp các đồ vật quí báu”(ĐVSL) còn thủy quân thì “ngờ là có quan quân đến đánh nên đều chèo thuyền rời qua phía bắc. Gió thổi mạnh, tất cả thuyền bè đều trôi giạt tản mát cả ra. Hai đội quân (trên bộ) nghe tin ghe thuyền đã thất lạc mới bỏ chạy tán loạn cả. Người kinh thành đuổi theo giết chết hơn 300 tên”(ĐVSL). Ra quân lần này, đám Thuận Lưu là bọn Trần Tự Khánh có lẽ muốn làm chuyện lớn, với âm mưu đưa thái tử Sảm lên làm vua (19)(Thái tử đang ở Hải Ấp – phía tây bắc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, ngày nay) nên mang theo cả hàng ngàn quân (NV: đây là quân số phỏng đoán, vì chết 300 quân bộ cùng số quân bộ chạy thoát, cộng thêm với số quân thủy bị thất tán). Tuy nhiên bọn Trần Tự Khánh đã không thành công lần này. Thật là đáng phục những người ở kinh thành lúc này, dù không phải là một tổ chức quân đội có qui củ, thế mà đã dám đứng lên đánh đuổi kẻ làm giặc.

(còn tiếp)


15) KĐVSTGCM:“ Anh em họ Trần mới chiêu tập quân hương dũng dẹp yên đảng loạn, rước nhà vua ở Quy Hóa về cung”

16) Theo như ghi chú trong ĐVSKTT thì Hồng lộ thuộc phía tây tỉnh Hưng Yên ngày nay (xin coi bản đồ)

17) ĐVSL: “Ngày Kỷ Dậu quan Minh tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh….”. Người viết đã cố gắng tra cứu về điạ danh “Thuận Lưu”, nhưng không tìm ra vị trí rõ ràng (ĐVSKTT, KĐVSTGCM, Đại Nam Nhất Thống Chí-Quốc Sử Quán triều Nguyễn, v. v…). Tuy nhiên theo như ĐVSKTT thì họ Trần tới đời Trần Lý vẫn ở “Hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường”. Rồi sau này Tự Khánh được phong tước là Thuận Lưu bá, thì có thể Thuận Lưu là tên của một vùng đất cạnh Thiên Trường . Kính xin các độc giả cũng như các bậc cao minh chỉ bảo.

18) Quách Bốc, bộ tướng của Phạm Bỉnh Di, chỉ với một đám loạn giặc đã làm cho cả triều đình tan hoang. May mà lúc này nhà Nam Tống (Tống Ninh Tông) đang bị điêu đứng với nhà Kim , nếu không thì Đại Việt khó lòng tránh cái hoạ mất nước bởi Bắc phương !

19) NV: Trần Tự Khánh lúc này chắc chưa dám có ý định tiếm ngôi của nhà Lý, tuy nhiên âm mưu của ông ta là muốn đưa Thái tử Sảm lên ngôi. Với binh lực trong tay, thêm em gái là Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, triều đình nhà Lý sẽ bị Khánh thao túng dễ dàng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Qua những trình bày trong phần trước, sự thay đổi triều đại từ Lý sang Trần đã không quá đơn giản. Cuộc "đảo chính không đổ máu"này chỉ xảy ra hồi tháng chạp năm Ất Dậu (1225). Liên tục trong 16 năm (1209-1225),
Nguyễn Nộn hùng cứ ở Bắc Giang, xưng là Đại Thắng Vương, ông này là một “kỳ phùng địch thủ” của họ Trần và Đoàn Thượng . Họ Trần dù đã lên ngôi làm chủ Đại Việt nhưng vẫn không thể nào dẹp được ông này,
Tuy nhiên nhà Lý đã làm vua Đại Việt trên 2 thế kỷ, đột ngột thay đổi một triều đại đã được toàn dân trong nước chấp nhận là một chính biến cực kỳ lớn lao, Trần Thủ Độ cũng phải nói:
Từ tháng 12, năm1211, khi Trần Tự Khánh kéo quân về kinh đô tới tháng 7, năm 1215, gần 4 năm trời Trần Tự Khánh hoành hành ở Thăng Long, tàn phá từ cung điện nhà Lý tới gia cư của người dân tại đây,
Đại Việt dưới các triều đại đầu nhà Lý đã trở nên khá cường thịnh, với những chiến công oanh liệt “phá Tống bình Chiêm”, tuy nhiên đến đời vua Lý Anh Tông (làm vua 37 năm, 1138 – 1175) thì chính sự ngày thêm đổ nát,
Theo như ĐVSKTT thì tổ của nhà Trần là ông Trần Kinh , ông này sinh ra Trần Hấp. Ông Trần Hấp sinh ra ông Trần Lý. Tới đây, hậu thế chỉ biết tới ông Trần Kính là ông nội của ông Trần Lý.
Sau khi giúp vua Huệ Tông dẹp xong loạn lạc, họ Trần coi như làm chủ Đại Việt. Trần Tự Khánh đã được vua Huệ Tông phong đến chức Phụ quốc thái úy (108) là chức cực phẩm. Tuy nhiên chuyện bất ngờ xảy ra:
Tô Trung Từ chết, kinh thành lúc này không có một lực lượng nào đáng kể ngoại trừ một đám quân dưới tay ông con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Đà La, nhưng ông này không đủ tài và lực,
Đoàn Thượng được kể là một sứ quân có nhiều bản lãnh ở vùng Hồng. Ông này và Đoàn Văn Lôi là những địch thủ đáng gờm của anh em họ Trần cũng như Nguyễn Nộn.
Năm 1208, Phạm Du là tri phủ Nghệ An làm phản, “cho người đi cướp bóc khắp nơi” (ĐVSKTT) , vua Cao Tông sai hoạn quan Phạm Bỉnh Di đi đánh. Phạm Du thua, “Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết” . Phạm Du thù Phạm Bỉnh Di.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.