Hôm nay,  

Bầu Cử 2004: Vì Sao Oâng Bush Có Thể Thất Cử?

21/07/200300:00:00(Xem: 5962)
Khi nhậm chức vào năm 2001, George W. Bush tất nhiên nghĩ đến việc tránh vết xe đổ của phụ thân: thắng trận tại Iraq mà thất cử vì lý do nội chính ở nhà. Ông sẽ tránh được điều đó nhưng có khi xe vẫn đổ vì đại thắng ở nhà mà gặp khó khăn tại Iraq....
Sau khi trình bày những lý do tất thắng của Tổng thống Bush trong cuộc tranh cử năm tới, kỳ này chúng ta sẽ phân tách những yếu tố có thể làm ông thất cử.
Rút kinh nghiệm của phụ thân, ông Bush luôn luôn quan tâm đến tình hình nội chính, đặc biệt là hai hồ sơ kinh tế xã hội và thủ rất chắc vị trí trung dung trên chính trường Mỹ. Nhưng chiến trường Iraq lại có thể gây nhiều khó khăn cho ông.
Từ năm 1945 đến nay, chưa một Tổng thống Dân chủ nào được tiếng là thắng trận và nói chung, cử tri thường tín nhiệm đảng Cộng hòa hơn Dân chủ trong các vấn đề an ninh, quân sự và đối ngoại. Cho đến nay, dân Mỹ vẫn có ấn tượng là chính quyền Bush có ưu thế về đối ngoại mà gặp nhược điểm vì tình hình kinh tế chưa được khởi sắc. Nhưng trong vòng một năm, ấn tượng đó vẫn có thể thay đổi rất nhanh: thống kê mới nhất được tổ chức NBER công bố cho thấy kinh tế đã ra khỏi suy trầm từ cuối năm 2001 trong khi tình hình Iraq và nói chung mặt trận chống khủng bố lại chưa có thắng lợi quyết định.
Vụ tranh luận nóng hổi hiện nay về 16 chữ trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang liên hệ đến việc Iraq có thể mua uranium của Nigeria là một cơn bão trong tách trà khi các đối thủ chính trị thiếu đề tài và sẽ sớm đi vào lãng quên. Câu nói đó (“Chính quyền Anh được biết gần đây Saddam Hussein đã có một số lượng uranium đáng kể từ Phi châu”) là một sự vụng về chính trị, không là một sự gian dối nhằm đánh lừa dư luận.
Đáng chú ý hơn chính là hai lời phát biểu như trái ngược của hai nhân vật có thẩm quyền nhất về cục diện Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld tuyên bố tuần trước là “không có chiến tranh du kích tại Iraq”. Vài ngày sau, Tướng John Abizaid, Tư lệnh Lực lượng Trung ương (CENTCOM) vừa thay thế Tướng Tommy Francks và được ông Rumsfeld gắn thêm ngôi sao thứ tư, lại phát biểu về tình hình Iraq rằng “một chiến dịch có đặc tính cố hữu là du kích đang được tiến hành chống chúng ta”. Tướng Abizaid, một người Mỹ gốc Trung Đông (Lebanon), nói thêm rằng đó là một cuộc xung đột ở mức thấp theo quan niệm quốc phòng của Mỹ, thì đó vẫn là chiến tranh.
Nói cách khác, sau khi Hoa Kỳ chiến thắng một cách thần tốc tại Iraq, từ tháng Tư đến nay, dư luận chưa thấy những tiến bộ có tính chất quyết định và dù xung đột có xảy ra ở “mức độ thấp”, qua các cuộc phục kích lẻ tẻ hoặc tấn công bằng súng phóng lựu (RPG), đa số dân Mỹ vẫn cho là số thương vong của binh lính là điều “không chấp nhận được".
Hoa Kỳ hiện có 148.000 quân tại chiến trường Iraq và cho đến tuần qua chưa đạt kết quả đáng kể để thuyết phục các quốc gia khác gửi lực lượng bảo an đến tiếp tay liên quân. Nếu không thuyết phục được các nước khác và binh lính Mỹ mà bị rỉ máu tại Iraq thì chính quyền Bush sẽ bị xuất huyết ở nhà. Muốn như vậy, ông Bush phải nghiến răng nhịn nhục mời cho được một sự hợp tác tượng trưng mà cần thiết của Liên hiệp quốc, và càng sớm càng hay. Nếu để lâu hơn, khi tình hình suy đồi hơn mới chịu mời Liên hiệp quốc, ông Bush sẽ gặp thất bại lớn và các đồng minh lúc đó sẽ đòi một cái giá rất đắt. Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã 16 lần góp phần “xây dựng quốc gia” cho xứ khác, trong đó có 12 lần tiến hành đơn phương... và thất bại 10 lần. Gần như thắng về quân sự và thua về chính trị là điều xảy ra quá nhiều lần cho quốc gia quá trẻ và quá chủ quan này.

Nếu không sớm cải thiện được tình hình tại Iraq, toàn bộ cuộc chiến chống khủng bố của ông Bush cũng có vẻ thất bại. Dư luận không đếm những ngày nước Mỹ đã khỏi bị al-Qaeda tấn công mà chỉ xét đoán với cảm quan là Hoa Kỳ chưa dứt điểm được kẻ thù, dù là Saddam Hussein hay Osama bin Laden.
Người ta nói nhiều đến “vũng lầy Việt Nam” tại Iraq. Điều đó khó xảy ra vì rất nhiều khác biệt. Đại đa số dân Iraq không muốn Saddam trở về; ba lực lượng quân sự chính đang tấn công binh lính Mỹ và các thành phần Iraq hợp tác với Mỹ (ưu binh cũ của Saddam, đảng viên Baath và đặc công Feddayin người Á Rập) không có hậu cứ để trốn tránh hoặc dưỡng quân; họ không được yểm trợ dồi dào và không thể tập trung thành lực lượng đủ mạnh để đánh bật Hoa Kỳ ra khỏi Iraq. Vì vậy, cho rằng Mỹ sẽ bại trận tại Iraq có thể là điều sai lầm.
Nhưng, tại Iraq, Hoa Kỳ cần tranh thủ dư luận Hồi giáo để nếu không được ủng hộ thì cũng gây được sự sợ hãi, hầu dân Hồi giáo khỏi hợp tác với khủng bố al-Qaeda. Cục diện Iraq vì vậy có kích thước chính trị rộng lớn hơn quân sự. Mà nói đến khía cạnh chính trị thì ngoài nỗ lực ngoại giao để huy động hậu thuẫn quốc tế (qua Liên hiệp quốc) như đã nói ở trên, chính quyền Bush còn phải huy động được sự thống nhất ý chí và hành động của các bộ phận hữu trách (Quốc phòng, Ngoại giao, Tình báo). Cho đến nay, sau khi bộ Quốc phòng thắng lớn trên mặt trận quân sự thì các bộ phận kia chưa chứng tỏ được khả năng hợp tác và thống nhất hành động. Những tin tức bất lợi bị tiết lộ từ bên trong cho thấy ngay từ nội bộ đã có những mầm mống phá hoại chánh sách Iraq của Tổng thống và đó là một vấn đề thuộc trách nhiệm của chính George W. Bush, y như việc ông tiếp tục tín nhiệm Giám đốc CIA George Tenet dù cơ quan này gặp quá nhiều thất bại và yếu kếm kể từ vụ khủng bố 9-11 đến nay.
Quan trọng hơn thế, và ta lại nhớ đến kinh nghiệm Việt Nam, dư luận không biết là thứ nhất, chính quyền Bush có chánh sách gì về Iraq hay không, thứ hai, ai là người thi hành chánh sách đó. Hai tháng sau khi bổ nhiệm một vị tướng hồi hưu làm đặc sứ toàn quyền tại đây, chính quyền Bush bất ngờ thay thế nhân vật này với nhà ngoại giao Paul Bremer và cho đến nay, người ta vẫn chưa biết Tư lệnh CENTCOM là Tướng Abizaid hay Paul Bremer là người có thẩm quyền quyết định về tình hình tại chỗ. Trong cuộc chiến Việt Nam, ta có cuộc “nội chiến Mỹ-Mỹ” giữa các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Sứ quán Mỹ tại Saigon và cơ quan CIA, lên đến từng nhân vật trong ban tham mưu của Tổng thống: Chánh sách đã mơ hồ, thực hiện lại thiếu phối hợp và mỗi nhóm lại có một mục tiêu mâu thuẫn với mục đích chính thức của lãnh đạo. Nghĩa là bộ máy lãnh đạo chiến tranh không làm đúng chức năng nên chiến thắng quân sự mới biến thành thất bại chính trị. Trường hợp này mà tái diễn tại Iraq, trách nhiệm đó nằm ở nơi cao nhất, ở chính George W. Bush.
Trong cuộc tranh cử 2004, đảng Dân chủ chưa có chương trình hành động hay lãnh tụ khả tín, nhưng sẽ không lỡ cơ hội khai thác nhược điểm Iraq của ông Bush và sự mệt mỏi của một dư luận bồng bột, nóng ruột và khó duy trì được hậu thuẫn lâu dài cho một cuộc chiến tranh quá phức tạp có thể làm cử tri bất định ở giữa đổi ý rất nhanh.
Đấy là lý do khiến ông Bush có thể thất cử trong năm 2004 này. Dĩ nhiên, tương lai không diễn tiến theo một hướng tất định và chính quyền Bush có thể kịp thời điều chỉnh tình hình, là điều người ta phải thấy ngay từ nay đến cuối năm. Nếu không, ông Bush lại tái diễn kinh nghiệm chua xót của phụ thân, vì lý do trái ngược mà tương đồng.
(18 tháng Bảy, 2003)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sinh hoạt dân chủ ở Mỹ là trong tinh thần mỗi cử tri một lá phiếu. Bầu chọn cho ai là quyền công dân và mỗi lá phiếu đều quan trọng. Không tin bạn cứ hỏi ông dân biểu liên bang của Quận Cam
Ứng cử viên Dân biểu liên bang Jim Brandt chiều Thứ Bảy đã mở cuộc tiếp xúc với cử tri gốc VN
Khoảng 12 giờ trưa Thứ Sáu 20-10, non 18 ngày trước bầu cử, cảnh sát Bộ Tư Pháp tiểu bang California
Trong mùa bầu cử sắp tới, cử tri trên toàn California sẽ có cơ hội biểu quyết một số các dự luật trưng cầu dân ý
NSW: Cựu vô địch quyền anh thế giới Anthony Mundine đang chuẩn bị ra ứng cử vào quốc hội với tư cách độc lập trong cuộc bầu cử tiểu bang tháng Ba năm tới. “The Man” sẽ tranh cử ở Marrickville, chiếc ghế hiện đang được nắm giữ bởi Bộ trưởng Giáo dục Carmel Tebbutt
Còn quá sớm để bàn về cuộc tranh cử tổng thống 2008 tại Hoa Kỳ. Nhưng kỳ bầu cử này là một biệt lệ. Nếu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau làm chủ tòa Bạch Ốc thì năm 2008 đảng Dân chủ có nhiều cơ hội nắm lại tòa Bạch Ốc đã ở trong tay đảng Cộng hòa 8 năm, và đang gặp
Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Iraq có hai hình ảnh khác nhau… Trong năm 2005, người dân Iraq đã ba lần đội bom đi bầu và hoàn tất được một bản Hiến pháp, bầu ra một Quốc hội và sau cùng Quốc hội chỉ định được một Thủ tướng để lập xong một Nội các vào đúng ngày trùm khủng bố của al-Qaeda là Abu Musab al-Zarqawi bị hạ.
Cử tri Đoàn Văn Hoàng bỏ phiếu cho ông Chuck Reed trong ngày bầu cử thứ Ba vừa qua. Không muốn tin nhưng rồi hình như cũng phải tin. Bởi vì khi ba số 6 cùng nhập vào ngày thứ Ba bầu cử vừa qua – thì đó cũng là điềm xấu cho người này và điềm tốt cho người khác. Tất cả những dự đoán
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.