Hôm nay,  

Vài Ý Kiến Về Cuộc Bầu Cử Tháng 11

09/11/200600:00:00(Xem: 30116)

Vài Ý Kiến Về Cuộc Bầu Cử Tháng 11

(LTS. Các quan điểm trong bài này là của riêng nhà văn Chu Tất Tiến, không phản ánh quan điểm Việt Báo. Đặc biệt, tác giả nhận xét rằng luật sư Dina Nguyễn thua với 63 phiếu, nhưng theo một quan sát viên khác về bầu cử, luật sư Dina Nguyễn có rất nhiều hy vọng thắng cử nhờ còn vài chục ngàn phiếu khiếm diện chưa đếm xong. Tình hình chuyển bại thành thắng là chuyện rất thường đối với các cách biệt quá nhỏ, và đã từng xảy ra, giúp Luật Sư Nguyễn Quốc Lân thắng cử tại Học Khu Garden Grove các năm trứơc nhờ phiếu khiếm diện khi đếm toàn bộ đã xóa hẳn số phiếu trứơc đó thua chỉ vài trăm phiếu.)

Trong cả năm 2006, có lẽ thời gian nửa đêm về sáng của ngày 8 tháng 11 là thời gian căng thẳng nhất cho tất cả những ai quan tâm đến sinh hoạt chính trị của nước Mỹ, nói chung, và cộng đồng Việt, nói riêng. Nhiều khuôn mặt bơ phờ, hốc hác. Nhiều cặp mắt mất ngủ. Nhiều giọng nói hồi hộp, xúc động, mừng vui qua những cú điện thoại cầm tay, điện thoại nhà vang lên liên tục.

Kết quả của cuộc bầu cử, cho đến giờ phút này (sáng ngày 8 tháng 11), vẫn còn có thể thay đổi, tùy theo sự kiện cáo, đếm phiếu lại, và những lá phiếu vắng mặt còn đang được khui ra, phân tích. Nhưng trên bình diện chung, ai thắng lớn thì đã hân hoan rồi; ai thất bại nặng nề thì đã buồn rồi. Kẻ thắng thì đang cụng ly; kẻ bại thì rầu rĩ dọn dẹp đồ đạc văn phòng, cất máy móc, trang bị, trả bàn ghế, đi nhặt "poster", đi lượm lại các bảng tên mình rơi vãi góc đường. Các bà vợ, các ông chồng của những ứng cử viên thất bại đang an ủi người phối ngẫu của mình, hoặc đang lo tìm cách trả những "món nợ buồn". Không biết rằng có những câu cay cú, độc địa, nhiếch móc hay không, nhưng chắc chắn rằng không khí trong gia đình trầm trầm như có chia tay với người thân thuộc nào đó. Thực sự, là cuộc chia tay với những giấc mộng, những dự tính, những chương trình, kế hoạch xã hội, chính trị cũng rầu rĩ không kém gì các lần chia tay người thân bỏ đi xa mà không hứa hẹn trở về. Đặc biệt là với những ứng cử viên người Mỹ gốc Việt tại Nam California.

Kết quả trước mắt cho thấy trong khi những ứng cử viên đương nhiệm thì thắng trận huy hoàng, toàn bộ những ứng cử viên Việt mới lần đầu tranh cử đều bị đánh bại. Tại tất cả các đơn vị bầu cử quận Cam, từ Học Khu đến thành phố, từ chức vụ điều hành một cơ quan cấp Thủy đến chức vụ Thị Trưởng, các tên Việt mới ghi trên danh sách ứng cử lần đầu đều nằm từ giữa đến gần chót, hoặc đứng chót hết. Ngay cả một ứng cử viên trẻ tuổi, rất sáng giá với nhiều năm hoạt động cộng đồng, được hầu hết các cơ quan, đoàn thể ủng hộ, cũng thua xa người đứng trên.

Những người quan tâm đến kết quả tự hỏi: Tại sao thế" Tại sao kỳ này không được một khuôn mặt Việt mới nào trong các cơ quan dân cử, khi mà các ứng cử viên Việt cũng chịu khó chi tiền quảng cáo khá mạnh đối với tình trạng kinh tế của họ"

Nhiều nhà phân tích cho rằng: Một trong những lý do chính để bị thua đậm kỳ này là vì người Việt đi bầu không đông. Ghi danh thì cả gần vài chục ngàn, mà tổng số đi bầu chỉ có khoảng dưới một nửa. Tính cả toàn bộ ghi danh đi bầu là 1,497,397 người, nhưng đi bầu cả mọi sắc tộc là 550,263 là 36.7%, nghĩa là cứ 3 người ghi tên chỉ có 1 người đi bầu.

Ỡ Westminster, tỷ lệ số người Việt ghi danh và số người đi bầu là dưới 30%. Do đó, có những vị trí chỉ thua có vài chục phiếu, như ở Garden Grove City, Luật sư Dina Nguyễn chỉ thua đối thủ trên mình 63 phiếu, tính cho đến sáng 8 tháng 11. Con số 63 này thật ra dễ kiếm, nếu cộng đồng ta không nghĩ rằng: "Không mợ thì chợ cũng đông", không đi bầu, chẳng chết ai. Trường hợp Học Khu Westminster, nơi đã có thành tích kỳ thị người Việt qua sự không nhận Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh làm Tổng Quản Trị, nơi mà tỷ lệ tiền chi tiêu cho học sinh, học đường, và sách học thấp hơn chục lần lương hưu trí của giáo viên một cách phi lý, các ứng cử viên Việt và những ứng cử viên người Mễ bạn của người Việt cũng thua đậm mặc dù đã có nhiều bài viết, nhiều chương trình hội thoại trên radio  và Truyền hình. Ứng cử viên Andrew Nguyễn được 3615 phiếu trong khi người có hành động kỳ thị trước đây, được  3647 phiếu, nghĩa là 32 phiếu chênh lệch. Buồn năm phút!

Một lý do nữa là việc chia phiếu của các ứng cử viên người Việt. Cũng ở Học Khu Westminster, nếu cô Thanh Phan không ra ứng cử nửa chừng thì số 2199 phiếu của cô   có thể dồn qua những người ứng cử viên Việt khác để thắng bứt đối thủ. Một vài ứng cử viên Việt không cầm chắc phần thắng trong tay cũng ra tranh cử làm ảnh hưởng đến các ứng viên khác. Dĩ nhiên, khi ra tranh cử, ai cũng nghĩ là mình sẽ thắng, không ai nghĩ là mình sẽ thua, nhưng ít nhất, họ cũng hiểu là muốn thắng cử phải có một trong ba điều kiện: được sự ủng hộ của cộng đồng qua các thành tích sinh hoạt chung, phải có phương tiện quảng cáo rầm rộ, dù mới bỡ ngỡ bước chân vào lãnh vực chính trị, sau nữa là thời gian đánh bóng tên tuổi của mình phải dài đủ để cho thiên hạ nhớ đến. Vài ứng viên nhập trận bất ngờ, ào ạt vào phút chót, chưa đủ thời gian để một số người tối thiểu nhớ tên, nhớ mặt. Có ứng viên lại bước vào chính trường một cách thầm lặng, không quảng cáo, không thành tích, chỉ điền tên mình vào danh sách ứng cử rồi chờ đợi kết quả, vậy mà cũng được từ 1000 đến hơn 2000 phiếu, trong khi chỉ cần 1/3 số phiếu này, thì danh sách dân cử Việt Nam đã tăng lên vài vị.

Một số vị thức giả cho rằng lý do mà ứng cử viên mới người Việt bị thua đậm là do một ứng cử viên đã sơ xuất kích thích tự ái của những cử tri da trắng. Họ đã kéo nhau đi bầu hầu đè bẹp mấy ứng viên người Việt, trong khi một số cử tri người Việt lại ngần ngại không muốn đi bầu vì phân vân giữa hai dư luận trái ngược nhau, vì chán nản chính trường với những thủ đoạn không trong sạch, thà ngồi nhà cho xong, còn hơn đi bầu cho người này người nọ, toàn là những chính-trị-giả, ai cũng mưu mô, đòn phép. Một phương thế kiếm phiếu kém hiệu nghiệm mà một số ứng viên hay xử dụng là tìm cách hạ nhục đối thủ cũng là một yếu tố làm cho ít người đi bỏ phiếu. Thay vì trình bầy những điểm mạnh của mình để gây cảm tình với quần chúng, lại tố cáo đối phương, bới bèo ra bọ, chụp mũ linh tinh. Dù cho là sự tấn công có chính xác hay không, người nghe - cử tri - cũng bị ảnh hưởng phần nào. Có thể đang thích bỏ phiếu cho người kia, bỗng dưng chùn lại. Từ đó, chán đi bầu luôn. Thế là cộng đồng mất phiếu. Thua. Những dự luật ảnh hưởng đến cộng đồng sẽ bị bỏ quên. Những đơn xin phép sinh hoạt lớn bị trở ngại.

Học vấn của con em Việt bị hướng dẫn sai lạc. Quyền lợi cá nhân, tập thể của cơ quan, hội đoàn bị sao lãng. Nếu có đụng chạm đến cửa quyền, không có người Việt nào trong Hội đồng xét xử, việc kết luận sẽ có thể  bất lợi cho cộng đồng...

Rất nhiều điều khó khăn cho tương lai của người Việt ở hải ngoại, mà vài ứng cử viên người Việt không cần để ý tới. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Câu châm ngôn kiểu Cộng Sản này sẽ làm hại đến cộng đồng, chắc chắn, cũng làm hại đến chính họ. Mong kỳ bầu cử tới, người Việt mình thắng đa số với những vị vừa có tài, vừa có đức, để làm rạng danh cho lá cờ Việt trên đất Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.