Hôm nay,  

Bầu Cử Tháng 11 Và Tương Lai Quan Hệ Mỹ-việt

30/10/200400:00:00(Xem: 22758)
Không biết "yếu tố Việt Nam" có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tuần tới, nhưng kể từ đại hội đảng Dân Chủ vào tháng 8 vừa qua, khi ứng viên John Kerry dùng thành tích quân vụ của ông làm giàn phóng cho cuộc vận động tranh cử thì câu chuyện chiến tranh Việt Nam lại là một đề tài tiếp tục gây tranh cãi và khơi động tâm thức quần chúng Hoa Kỳ.
Cho đến lúc này, tại những bang mà sự ủng hộ Bush và Kerry ở mức ngang nhau, như Ohio, Florida, Pennsylvania thì những quảng cáo chính trị đang được đưa lên truyền hình nhằm thuyết phục cử tri. Những quảng cáo của Kerry tấn công Bush là nói dối, đưa Hoa Kỳ vào thế đơn độc khi ra lệnh tấn công Iraq, khiến Hoa Kỳ đang bị sa lầy. Còn những quảng cáo nhắm vào Kerry đưa ra hình ảnh kẻ phản bội đồng đội đang chiến đấu hay còn bị cầm tù ở Việt Nam trong thời chiến, kẻ có lập trường quay như chong chóng, không đáng tin ở vai trò lãnh đạo.
Mới đây lại có những tài liệu đưa ra nhằm chứng minh những hoạt động chống chiến tranh của Kerry là có sự xúi bẩy của Hà Nội.
Với thành tích chống chiến tranh trong quá khứ, như thế chẳng cần nói ra, nhiều người cũng biết giới lãnh đạo tại Hà Nội mong muốn thượng nghị sĩ John Kerry thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến. Họ đã cố gắng làm mọi thứ có thể được để giúp ông.
Khi thành tích quân vụ của Kerry trong thời kỳ tham chiến ở Việt Nam được phanh phui bởi nhóm Swift Boat Vets for the Truth (Cựu Chiến Binh Giang Tốc Đỉnh Vì Sự Thật) thì Hà Nội cho phép phóng viên Nightline của đài truyền hình ABC vào Việt Nam ghi lại chuyện kể từ những cựu cán binh cộng sản và cư dân còn sống trong những thôn làng bên bờ sông Bảy Háp, vùng U Minh đồng lầy, nơi xảy ra trận giao chiến do Kerry chỉ huy 35 năm về trước. Nội dung những lời kể như xác nhận lời khai của Kerry sau trận chiến là đúng như ghi trong hồ sơ.
Khi tác phẩm "Unfit for Command" của cựu chiến binh giang tốc đỉnh John O'Neill đưa ra tấm hình Kerry chụp chung với tổng bí thư Đỗ Mười, trưng trong khu những hoạt động chống chiến tranh trên thế giới, tại Bảo Tàng Viện Tàn Tích Chiến Tranh ở thành phố Hồ Chí Minh, với lời ca ngợi Kerry là bạn của nhân dân Việt Nam, thì sau đó ít lâu tấm hình bị gỡ đi.

Một giáo sư đại học California, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, tháng trước đến bảo tàng viện tìm hiểu và hỏi quan chức ở đó về tấm hình thì được cho biết lệnh cấp trên nói phải gỡ đi. Khi hỏi tại sao, quan chức đó chỉ trả lời rằng: "Kerry là bạn của Việt Nam. Kẻ thù của Việt Nam là Bob Kerrey chứ không phải John Kerry." Thượng nghị sĩ Bob Kerrey của bang Nebraska, một người mấy năm trước cũng tranh cử tổng thống Mỹ và nhận ông đã từng giết lầm dân lành ở làng Thanh Phong.
Tuần qua thì tấm hình lại được treo trở lại trong bảo tàng viện, không trong khu hoạt động chống chiến tranh mà được trưng trong khu nói về phát triển quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời hậu chiến.
Đặt vai trò của thượng nghị sĩ John Kerry vào việc phát triển quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vòng hai thập niên qua là đã đặt ông vào đúng vị trí chính trị.
Kỳ bầu cử này, có những cử tri gốc Việt không ủng hộ Kerry vì ông đã ngăn cản không cho dự luật về nhân quyền Việt Nam được đem ra thảo luận tại diễn đàn thượng viện, dù đã hai lần được hạ viện thông qua với đa số áp đảo. Phía những nhà lãnh đạo Việt Nam coi hành động của Kerry có lợi cho họ.
Thượng nghị sĩ Kerry không phủ nhận những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, nhưng ông chủ trương đối tác, thay vì trừng phạt Việt Nam thì mới cải tiến được nhân quyền.
Trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ, phải hiểu rằng thượng viện là tổ chức công quyền đưa ra những đề cương và phê chuẩn chính sách đối ngoại. Mà chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ bao đời nay luôn luôn là thế chân vạc: quyền lợi của Hoa Kỳ, vị trí chiến lược và truyền bá lý tưởng dân chủ.
Trong quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam hiện tại, quyền lợi của người Mỹ chưa đạt được vì hệ thống tổ chức kinh tế của Việt Nam còn lôi thôi, chưa vào hẳn khuôn kinh tế thị trường. Về chiến lược, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu có những hợp tác: tàu chiến Mỹ đã trở lại Việt Nam; mới đây Việt Nam đã đồng ý cho Hoa Kỳ tạm sử dụng căn cứ và không phận một khi có chiến tranh chống khủng bố. Việc truyền bá lý tưởng dân chủ thì lúc nào cũng là một phần của thế chân vạc ngoại giao, tùy thuộc vào thế yếu mạnh của hai quyền lợi kia.
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn như thế, bất kể ai làm tổng thống hay đảng nào nắm quyền ở Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.