Hôm nay,  

World Cup Ở San Francisco: Hâm Hâm Chưa Sốt?

18/06/201000:00:00(Xem: 8752)

World Cup ở San Francisco: Hâm Hâm Chưa Sốt"

Báo Việt ngữ ở San Jose có số đặc biệt về World Cup 2010. (ảnh Bùi Văn Phú)


Bùi Văn Phú


Bây giờ đang là buổi chiều Chủ nhật, một ngày nóng nhất của năm ở vùng Vịnh San Francisco. Nhiệt độ buổi chiều lên đến 90 độ F. Với cái nóng như thế và nếu dân Mỹ cũng đang mê bóng đá như cả thế giới thì nơi đây cũng phải lên cơn sốt. Tiếc rằng bóng đá cũng mới chỉ được hâm nóng ở Mỹ, chứ chưa thực sự sốt lên được trong lòng dân chuộng thể thao.
Mấy trận đấu đầu tiên của World Cup đã xong. Ba ngày qua cư dân quanh đây nếu có để ý đến môn thể thao được ưa chuộng nhất thế giới này thì cũng chỉ xem các trận giữa Nam Phi và Mexico, giữa Anh và Mỹ, giữa Đức và Úc vì bản sắc dân tộc, vì giờ giấc thuận tiện. Nhiều trận đấu diễn ra từ mờ sáng ở California nên không tiện cho người xem. Xem thể thao tốt nhất là vào giấc xế chiều khi ngoài trời nóng, lòng người cũng nóng lên cùng đội nhà. Như thế mới cần bia cho hạ nhiệt, mới lai rai nhậu cho vui.
Quanh đây, hồ hởi nhất với World Cup là người gốc Mexico.
Nhưng cũng có người Mỹ mê bóng đá. Tuần trước một bạn đồng nghiệp đưa ý kiến lên hiệu trưởng đề nghị trong chương trình họp cuối niên học nên có giờ cho thày cô xem trận đấu giữa Mỹ và Anh. Tôi hơi ngạc nhiên vì anh bạn người da trắng từng là cầu thủ đội banh cà-na của Đại học Berkeley, nay dạy toán và khoa học, nhưng anh cũng mê bóng đá. Một số bạn khác và tôi biểu lộ sự đồng tình với đề nghị đó.
Thứ Sáu 11.06
Tiết học đầu tiên trong ngày của tôi có khoảng 30 học sinh, hơn 10 em gốc Mỹ La-tinh, đa số là Mexico và dăm em gốc Việt.
Sáng nay nhiều học sinh Mễ nghỉ học. Nhìn ra sân trường trước giờ vào lớp thấy một số học sinh mặc áo mầu xanh nõn chuối biểu tượng Mexico tại World Cup, có em cuốn cờ Mexico quanh người. Vào lớp các em bàn tán về bóng đá vì giờ này đang diễn ra trận đấu giữa nước chủ nhà Nam Phi và Mexico. Các em hỏi tôi đoán ai sẽ thắng, tôi chọn Mexico.
Mấy tuần trước một giáo viên của trường tổ chức “pen pal” - kết bạn qua emails - với một trường ở Nam Phi. Một số em đã trò chuyện qua lại, chia sẻ thông tin về đời sống học sinh, sinh hoạt học đường, về không khí đón World Cup. Nhiều em biết đến con báo biểu tượng cho World Cup năm nay mang tên Zakumi có nghĩa là “Nam Phi ’10”.

Trận đấu giữa Anh và Mỹ đang diễn ra trên màn hình trong một quán Mễ ở Jack London Square, Oakland. (ảnh Bùi Văn Phú)


World Cup 2010 khai mạc với trận đầu tiên giữa Nam Phi và Mexico nên học sinh gốc Mễ xôn xao trong khi các học sinh khác và học sinh Việt không chú ý lắm.
Khi trận đấu kết thúc, nhiều học sinh Mễ chạy qua phòng học khác báo cho bạn biết tin không mấy vui vì khả năng thắng của Mexico cao nhưng đã không đánh bại được đội Nam Phi mà chỉ huề 1-1.
Thứ Bảy 12.06
Kể chuyện World Cup ở Mỹ, xin bàn qua chuyện ngôn ngữ một chút.
Cụm từ “World Cup” là tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt là “Cúp Thế giới”. Thực sự bóng đá là môn thể thao được cả thế giới hâm mộ ở mức rất cao, trừ Hoa Kỳ. Môn thể thao này tiếng Mỹ gọi là “soccer” tuy đã được chú ý nhưng chưa đưa cường độ lên được mức cao như bóng rổ, bóng chầy hay bóng cà-nà. Môn bóng cà-na rất phổ thông và tiếng Mỹ gọi là “football”, có âm tựa như trong tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha nên thường làm nhiều người ngoại quốc hiều lầm bóng đá cũng phổ thông ở Mỹ. Chỉ có những đội banh của Mỹ chơi football với nhau nhưng năm nào vào cuối tháng Giêng hay đầu tháng Hai nước Mỹ cũng sôi nổi với trận Super Bowl mà đội thắng được gọi là “world champion” – vô địch thế giới. Không thi đấu với nước nào khác mà cũng cứ cho là vô địch thế giới. Hoa Kỳ có tự kiêu quá chăng"
Trong tiếng Việt, cụm từ “World Cup” nay đã trở thành thông dụng. Có phải vì người Việt chuộng tiếng Anh, sính hàng Mỹ hay vì do thời đại hội nhập toàn cầu nhanh chóng nên cứ dùng tiếng Anh cho gọn" Một bạn nói với tôi rằng trước thời đổi mới 1986, cụm từ “World Cup” không có trong ngôn ngữ Việt mà gọi là “Giải Phi Pha” - FIFA là tên gọi của Liên đoàn Bóng đá Thế giới.
Dưới thời Việt Nam Cộng hoà môn thể thao này được gọi là “túc cầu” hay “bóng tròn” như trong “Giải túc cầu Đông nam Á” – SEA Games, hay “Giải bóng tròn thế giới” – World Cup. Tập san đặc biệt về World Cup 2010 do nhật báo Người Việt ở Quận Cam phát hành cũng còn dùng danh từ “bóng tròn”. Trong nước bây giờ “túc cầu” hay “bóng tròn” là “bóng đá”. Tôi nhất trí với cách gọi “bóng đá” vì âm nghe rất chuẩn Việt, không lai Hán và rất động. Còn “bóng tròn” là gọi theo hình dạng trái banh, nhưng bóng rổ, bóng chuyền cũng hình tròn vậy.


Tôi và đồng nghiệp đi họp cuối niên học từ 8 giờ sáng. Trận đấu giữa Mỹ và Anh khai diễn lúc 11 giờ 30 phút giờ California.
Vừa đến giờ ăn trưa, một nửa trong số hơn 30 giáo viên rủ nhau chạy vội đến một quán Mễ gần nơi họp để xem truyền hình. Khi đó Anh đã đá lọt lưới Mỹ một trái. Các bạn bảo nhau niềm hi vọng Hoa Kỳ được tiến tới xem ra khó khăn thêm.
Tiệm không đông người vào một buổi trưa thứ Bảy. Chúng tôi hồi hộp theo dõi trận đấu cùng khoảng 20 thực khách trong một nhà hàng còn nhiều chỗ trống có sức chứa cả trăm người nữa. Chúng tôi uống bia, uống tequila, nhậu với nachos.
Mọi người reo hò ầm ĩ khi thủ môn Robert Green của Anh trượt tay để đường banh của Clint Dempsey lọt lưới. Hy vọng lại vươn lên trong đám cổ động viên Mỹ.
Ăn xong. 1 giờ trưa chúng tôi trở lại nơi hội họp trong lúc trận đấu đã qua hiệp 2 và tỉ số vẫn huề 1-1.
Hôm nay tại sân vận động AT&T ở San Francisco cũng có chiếu trực tiếp trên màn hình lớn trận đấu giữa Mỹ và Anh. Trên đường lái xe về nhà, nghe đài đưa tin đã có đến 15 nghìn người đến xem bóng đá tại sân vận động này và sau đó tiếp tục xem đấu bóng chầy cũng ở nơi đây, giữa hai đội Giants của San Francisco và A’s của Oakland với số khán giả tăng lên gấp nhiều lần.
Chủ nhật 13.06
Sáng nay tôi ghé một quán phở quen ở Oakland. Quán khá đông. Chừng dăm chục khách như nhiều trưa Chủ nhật khác chứ chẳng phải vì có World Cup. Những lần trước ghé đây tôi thấy màn hình là ca nhạc Paris by Night, hôm nay là World Cup. Nhiều khách chú ý đến màn hình, râm ran bàn tán, thỉnh thoảng vang lên những tiếng ồ khi có đường banh đẹp sắp lọt khung thành hay những tiếng vỗ tay khi banh lọt lưới.
Gặp một người quen, qua Mỹ cũng đã hơn 20 năm, tôi hỏi anh có theo dõi World Cup không" Anh ấy trả lời không nhiều. Vậy chứ môn thể thao nào anh thích nhất bây giờ" Football và bóng rổ. Lâu lâu còn ăn thua cá độ chút đỉnh. Anh bạn trả lời như thế. Cũng như một người em của tôi, ngày mới qua Mỹ có tham gia đội bóng đá của trường trung học. Nhưng đến nay các trận bóng cà-na, bóng rổ, bóng chầy em tôi mê xem cả tuần mà không chán. Bóng đá giờ chỉ còn là kỉ niệm của ngày xa xưa.
Trận đấu giữa Đức và Úc sáng nay xem ra không cân xứng. Mọi tiên đoán cho biết Đức sẽ thắng. Một quốc gia đã 3 lần vô địch World Cup thì làm sao nước Úc bịt được khung thành. Kết quả Đức thắng 4-0 chẳng làm ai ngạc nhiên. Úc thua trắng như thế nếu so với football của Mỹ là tương đương với số điểm 50-0.
Trang thể thao các báo tiếng Anh đều đưa tin Mỹ huề Anh 1-1 trên trang nhất, nhưng không chiếm trọn trang. Còn lại là tường thuật, bình luận về trận bóng chầy chiều hôm qua với đội Giants thắng A’s 5-4, về giải gôn U.S. Open đang diễn ra trong vùng.
Nhiều báo Việt ngữ phát hành ở San Jose có phụ trang đặc biệt về World Cup 2010. Tuần báo Việt Tribune thường dầy 40 trang, tuần này tăng lên 56 trang với nhiều bài viết về các đội banh, các cầu thủ. Còn tuần báo V-Times có mục đố vui có thưởng với những câu hỏi như sau:
1. Dự đoán tên 4 đội tuyển được vào vòng bán kết"
2. Dự đoán tên 2 đội tuyển được vào vòng chung kết"
3. Dự đoán tỉ số bàn thắng của trận chung kết"
4. Dự đoán tên cầu thủ ghi bàn thắng đầu tiên ở trận chung kết"
5. Dự đoán tổng số người tham gia chương trình “Dự đoán đội soccer vô địch World Cup 2010”"
Điều kiện tham gia đố vui là phải trên 21 tuổi và gửi câu trả lời về toà soạn trước ngày 21.06. Giải nhất là một vé máy bay khứ hồi từ San Francisco đến Việt Nam.
Những câu hỏi xem ra khó quá đối với tôi dù quá khứ cũng đã có một thời mê bóng đá. Bạn đọc ở San Jose không biết có ai còn mê bóng đá và chịu khó nghiên cứu, theo dõi 32 đội bóng trên thế giới để trả lời đúng hết 4 câu hỏi đầu tiên.
Hay như đa số người Việt qua Mỹ rồi cũng hoà nhịp vào nếp văn hoá ở đây là mê football, mê bóng rổ, bóng chầy hơn là bóng đá.
Từ mấy chục năm qua Hoa Kỳ đã bao thuê những cầu thủ bóng đá lừng danh thế giới như Pelé, Beckham về để huấn luyện, dìu dắt cho đội bóng đá Mỹ. Nhưng đến nay đội tuyển Mỹ vẫn còn đứng ở vị trí khiêm nhường trong làng bóng đá thế giới.
World Cup 1994 đã được tổ chức tại Mỹ và tôi thấy không khí cũng chỉ hâm hâm nóng. Trong vòng một con giáp tới, Hoa Kỳ có thể sẽ đứng ra tổ chức một lần nữa. Không biết lúc đó nước Mỹ có sẽ lên cơn sốt"
© Buivanphu 06.2010

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ rõ bài thơ bà Đô Cán gửi cho người con trai
Tôi thuộc về thế hệ thích đọc truyện Duyên Anh thời học cấp 2
Vậy là World Cup 2010 đã khép lại với nhà tân vô địch là Tây Ban Nha
Như chúng ta đã biết, trận mở màn vòng chung kết tranh hạng ba đã diễn ra giữa đội Uruguay và đội tuyển Đức
Trận chung kết giữa Hòa Lan và Tây Ban Nha đã chấm dứt ba chục ngày hào hứng
Người ta chưa kịp dọn rác sau trận đấu cuối cùng tranh giải vô địch
Trận đấu chung kết nhỏ hôm 10-07-2010 có thể nói là gay cấn để xem đội tuyển nào về hạng ba
Chủ nhật 11-7-2010, ngày thứ 30 và cũng là ngày cuối của mùa World Cup
Truyền thông nói chung đóng vai trò rất quan trọng trên hầu hết mọi lãnh vực xã hội
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.