Hôm nay,  

Đi Cùng World Cup 2010

10/06/201000:00:00(Xem: 7604)

ĐI CÙNG WORLD CUP 2010

ĐIỂM QUA TÌNH HÌNH CÁC ĐỘI THUỘC HAI BẢNG C & D

Wayne Ronney, tiền đạo số 1 của đội tuyển Anh (ảnh: www.picasaweb.google.com)

 

 

 

 

 

 

 

vắng Michael Ballack, tiền vệ Schweinsteiger sẽ là nhạc trưởng của đội tuyển Đức (ảnh http://www.football-wallpapers.com)
Bảng C: Anh, Mỹ, Algeria, Slovenia
Anh: 
Nước Anh được xem là quê hương của môn túc cầu thế giới. Nhưng mãi đến năm 1966, khi giải được tổ chức trên sân nhà, đội tuyển Anh mới vô địch thế giới lần đầu và duy nhất cho đến nay.
Tính luôn năm nay, đội tuyển Anh đã dự 12 kỳ world cup. Anh bao giờ cũng là một đội mạnh tại các kỳ world cup. Một trong những nguyên nhân là vì giải vô địch quốc gia Anh là một trong những giải hấp dẫn nhất thế giới, qui tụ nhiều ngôi sao của nhiều nước, và phong cách đá tấn công, tốc độ của các câu lạc bộ nổi tiếng như Manchester United, Chelsea, Liverpool, Arsenal... Các cầu thủ của đội tuyển nhờ vậy mà luôn phải giữ được đẳng cấp cao. Đội tuyển Anh nổi tiếng với lối chơi chuyền bóng dài, chơi bóng bổng và đội đầu hay, cùng tốc độ cao của các cầu thủ chạy cánh.
Cầu thủ nối tiếng nhất của nền bóng đá Anh trong vòng hai thập niên qua là David Beckham, vì đá hay một phần, nhưng vì đẹp trai và hào hoa thì có phần nhiều hơn! Beckham sẽ không tham gia vào đội tuyển tại world cup 2010 vì chấn thương, nhưng cũng vì đội tuyển Anh hiện có rất nhiều cầu thủ ngôi sao. Tiền đạo Wayne Rooney là sáng giá nhất, với lối đi bóng tốc độ và lắt léo, những cú sút sấm sét luôn đe dọa khung thành của đối phương. Bên cạnh Rooney, tiền vệ Frank Lampard, Steven Gerard, hậu vệ John Terry đều là những cầu thủ đang có phong độ xuất sắc.
Huấn luyện viên là ông Capello, huấn luyện viên nổi tiếng người Ý. Thời gian gần đây, nước Anh không có những huấn luyện viên “nội địa” giỏi.
Nỗi lo lớn nhất của đội tuyển Anh lúc này là các cầu thủ trụ cột phải mau bình phục từ những chấn thương gần đây. Nếu các cầu thủ Anh lấy lại kịp phong độ thường có trong màu áo các câu lạc bộ, đội Anh hoàn toàn có thể lên ngôi cao nhất lần thứ hai!
Mỹ: 
Ở nước Mỹ, người ta phân biệt rất rõ ràng football và soccer, chứ không như ở Việt Nam! Vào năm 1994, khi world cup lần đầu tiên được tổ chức ở Mỹ, cả thế giới hy vọng người Mỹ sẽ khoái coi đá banh hơn, để từ đó nước Mỹ sẽ đổ tiền vào môn thể thao này. Có người tin rằng nếu người Mỹ chịu đá banh cũng giống như chịu chơi bóng rổ hay football, chỉ khoảng chừng 30 năm sau họ sẽ là vô địch thế giới! Đã là 16 năm rồi kể từ đó, dân Mỹ vẫn còn khá thờ ơ với môn túc cầu. Dân Việt mình sang Mỹ dần dần cũng bị “lây bệnh”, thấy bóng rổ và football hấp dẫn hơn đá banh. Do đó khả năng nước Mỹ trở thành vô địch túc cầu thế giới chắc còn lâu lắm.
Nói vậy không có nghĩa là đội Mỹ không có tiến bộ. Lấy thước đo là ông láng giềng Mexico, trước đây rất dễ bắt nạt đội Mỹ. Vậy mà trong mấy năm rồi, Mỹ chơi ngang ngửa và có phần lấn lướt Mexico. Trong vòng loại world cup 2010, đội Mỹ đứng đầu khu vực CONCACAF, trên cả Mexico. Ở Cup Confederations FIFA năm ngoái, đội Mỹ đánh bại cả đội Tây Ban Nha- ứng cử viên vô địch của world cup kỳ này- ở trận bán kết, và chỉ chịu thua Brazil ở trận chung kết với tỉ số 2-3 sau khi đã dẫn trước Brazil 2-0 ở hiệp một.
Đội Mỹ không có ngôi sao. Những cầu thủ xuất sắc nhất của Mỹ như Donovan, Dempsey, Bradley… không là “nghĩa địa” gì so với các ngôi sao Brazil, Argentina, Tây Ban Nha,  Anh… Sức mạnh của đội Mỹ nằm ở chỗ lối chơi đồng đội, tuân thủ chiến thuật chặt chẽ và chơi bóng rất nhanh. Nhìn đội Mỹ đá banh, người ta liên tưởng đến các đội bóng rổ Mỹ, chuyền nhanh, di chuyển khắp nơi, câu bóng từ ngoài biên vào trung lộ rồi sẵn sàng không chiến.
Huấn luyện viên: Bob Bradley, một huấn luyện viên có tài, đã biến đội Mỹ thành một đối thủ đáng dè chừng tại world cup 2010.
Cùng bảng C với Anh, Algeria, Slovenia, đội Mỹ hoàn toàn có thể tính đến chuyện vào vòng 02. Đội Anh là đội mạnh nhất ở bảng này, nhưng đội Mỹ lại có duyên hay đánh bại đội Anh ở các giải quốc tế!
Đội Algeria: 
Thế giới chắc chỉ nhớ đến nền bóng đá xứ Algeria vì hai chuyện. Thứ nhất: cầu thủ siêu hạng của Pháp Zenadine Zidane có nguồn gốc Algeria. Thứ nhì: lần dự world cup đầu tiên vào năm 1982, đội Algeria đã đá bại cả đội tuyển Tây Đức (sau đó là á quân).
Đây là world cup thứ ba mà Algeria tham dự. Đội hiện không có thành tích gì đặc biệt. Những trụ cột của đội như Yahia, Bougherra… đều không đạt tầm cỡ ngôi sao. Huấn luyện viên: Rabah Saadane.
Algeria sẽ không có hy vọng tiến xa ở world cup 2010. Có thể ráng hết sức để tranh một vé vào vòng hai với Mỹ và Slovenia. Chiếc vé đầu tiên chắc khó mà thoát khỏi tay đội Anh.
Đội Slovenia: 
 Chắc có nhiều người còn chưa biết đến quốc gia Slovenia nằm ở đâu ở Châu Âu nữa. Là một quốc gia mới độc lập từ Nam Tư cũ vào năm 1991 (giống như Serbia, Croatia…),  Slovenia nằm ở phía bắc bán đảo Balkan, giáp với Áo & Ý, với chỉ có 2 triệu dân. Vậy mà quốc gia mới tinh, nhỏ bé này đã làm nên chuyện thần kỳ trong bóng đá. Trong vòng loại world cup 2010, Slovenia nằm chung bảng với các đội lâu đời khác như Tiệp Khắc, Slovakia, Ba Lan, Bắc Ireland . Đội đã xuất sắc dành vị trí nhì bảng (sau Slovakia) để được đấu trận tranh vé vớt với đội Nga, rồi xuất sắc loại luôn đội tuyển một thời làm mưa làm gió ở Châu Âu này, để vinh dự góp mặt với các anh hào thế giới tại Nam Phi năm nay. Đây cũng đã là lần thứ hai Slovenia có mặt ở world cup, quả thật là đáng khâm phục.


Hoàn toàn không có một ngôi sao nào trong đội tuyển, đội Slovenia phải dựa vào lối chơi phòng ngự, phản công là chính. Vũ khí quan trọng nhất chính là tinh thần thi đấu hết mình cho màu cờ sắc áo của tổ quốc mình.
Huấn luyện viên: Matzak Kek.
Với thực lực như vậy, Slovenia không có tham vọng gì ở world cup 2010. Sự có mặt đã là mãn nguyện lắm rồi.

Bảng D: Đức, Ghana, Serbia, Australia
Đức: 
Đã qua rồi thời kỳ đội Đức luôn là ứng cử viên của chức vô địch world cup. Đức đã 03 lần dành chức vô địch thế giới, mà thế hệ lừng danh nhất đăng quang vào năm 1974 với “Hoàng Đế” Franz Beckenbauer. Những biệt hiệu mà giới hâm mộ dành cho đội Đức thời hoàng kim là “thần kinh thép”, hay “cỗ xe tăng”… Người Đức không bao giờ đầu hàng. Chuyện đội Đức bị dẫn trước một, hai bàn, khi trận đấu chỉ còn vài phút, họ lật ngược thế cờ để thắng lại vào phút 90 đã trở thành truyền thống của bóng đá Đức.
Đội Đức đến với world cup Nam Phi với một đội hình chỉ có những ngôi sao…mờ, hay sao hạng hai. Ngôi sao thuộc đẳng cấp thế giới duy nhất của đội là Michael Ballack -đang đá cho câu lạc bộ Chelsea- vào giờ chót bị chấn thương nặng trong trận tranh cúp FA với đội Portsmouth, cho nên sẽ vắng mặt tại Nam Phi. Đây là một tổn thất nặng nề cho đội Đức, khiến giấc mơ vô địch của họ gần như tắt hẳn! Có một điều trùng hợp, người đã “ đá què” Ballack là Kevin Boateng, một cầu thủ của đội Ghana, cùng bảng D với Đức tại world cup. Đã có nhiều nguồn tin cho rằng Boateng đã cố tình chuồi bóng ác ý Ballack để làm suy yếu đối thủ của mình tại Nam Phi. Sự thực ra sao không biết, nhưng Boateng đã chính thức xin lỗi Ballack đến 03 lần rồi.
Tội nghiệp cho huấn luyện viên Joachim Loew, phải vất vả đi tìm trong những cái tên còn lại như Klose, Schweinsteiger, Lahm… để thay thế cho nhạc trưởng Ballack, nhưng xem ra không ai có thể lấp được khoảng trống mà Ballack để lại.
Tuy nhiên, chớ có xem thường đội tuyển Đức. Khi họ càng ở đường cùng, họ đá càng hay. Cũng nên nhớ lại rằng Đức là á quân của world cup 2002, hạng ba ở world cup 2006, á quân của giải vô địch Châu Âu 2008. Đội nào muốn vô địch cũng phải đổ mồ hôi mới vượt qua nổi cỗ xe tăng Panzer này
 
Ghana: 
Ghana lần đầu tiên dự world cup là vào năm 2006, có nghĩa là kỳ world cup này là lần thứ hai liên tiếp. Bốn năm trước ở Đức, Ghana cũng vào được vòng 2, và thua Brazil.
Ghana đang muốn đi xa hơn, vì world cup năm nay tổ chức ở Châu Phi, và bảng D cũng không đáng sợ. Đội Ghana thiên về lối đá dẻo dai, kỹ thuật. Cầu thủ ngôi sao của đội là Michael Essein, hiện đang đá rất hay cho câu lạc bộ Chelsea. Nhưng cầu thủ đang được nhắc tới nhiều nhất của Ghana lại là Kevin Boateng, vì chuyện đã loại được Michael Ballack của đội Đức bằng cú chuồi bóng hiểm ác đã nhắc ở phần trên. Điều thú vị là Kevin hiện đang có quốc tịch Đức, và phải xin chuyển thành quốc tịch Ghana để được khoác áo đội tuyển Ngôi Sao Đen này. Cũng nên nhắc tới người em trai của Kevin là Jerome Boateng sẽ khoác áo đội tuyển Đức tại Nam Phi. Sẽ có cảnh “huynh đệ tương tàn trong bảng D”.
Huấn luyện viên: Milovan Rajevac, người Serbia.
Ghana có khả năng vào vòng 2, nhưng đi xa hơn nữa thì… hãy chờ xem đã!
Đội Úc Đại Lợi: 
Đội bóng xứ sở Kăng gu ru mới có 2 lần góp mặt ở world cup trước đây. Lần đầu vào năm 1974. Mãi tới 32 năm sau mới có mặt lần hai tại world cup 2006, năm đó Úc được vào vòng hai, rồi mới thua đội Ý (sau đó trở thành vô địch thế giới). Sở dĩ Úc ít có mặt ở world cup là vì một qui định khá bất công của FIFA. Số là Úc nằm ở trong khu vực bảng đấu loại Châu Đại Dương của FIFA, vốn chỉ có hai đội Tân Tây Lan & Úc là đá banh giỏi. Đội đứng đầu khu vực này sẽ phải đá hai trận play off với một đội đứng thứ 5 của bảng vòng loại thuộc khu vực Nam Mỹ để tranh một chiếc vé duy nhất đi world cup. Mà đội đứng thứ 5 ở Nam Mỹ, thường là Uruguay, Peru… cũng rất mạnh, cho nên Úc thường xuyên bị đá bại ở lượt trận sau cùng này. Xét về thực lực, đội Úc mạnh hơn nhiều đội ở khu vực Châu Á, được tới 04 vé vào thẳng world cup. Thế là Úc quyết định xin gia nhập vào vòng bảng Châu Á Thái Bình Dương, và được chấp thuận lần đầu tiên vào kỳ world cup 2010 này. Kết quả là đội Úc trở thành đội đầu tiên của khu vực Châu Á Thái Bình Dương đoạt vé đi Nam Phi. Hy vọng các kỳ world cup tới, Úc sẽ lại có mặt đều đặn.
Úc chỉ là một đội trung bình ở world cup. Phong cách đá hoàn toàn theo trường phái của nền bóng đá Anh: tốc độ, chuyền dài, đội đầu giỏi, nhưng thua Anh một đẳng cấp. Nhiều cầu thủ trụ cột cũng đã chơi cho các câu lạc bô Anh: Tim Cahill, Harry Kewell.
Huấn luyện viên: Pim Verbeek.
Tâm lý thoải mái, đội Kăng gu ru có thể gây ra một số bất ngờ. Mà bất ngờ chính là điều làm cho các kỳ world cup luôn luôn hấp dẫn! 
Serbia: 
Đội tuyển Serbia trên danh nghĩa dự world cup lần đầu tại Nam Phi. Thực ra, vào kỳ world cup 2006, Serbia cũng tham dự dưới cái tên Serbia & Montenegro, một trong những quốc gia tách ra từ Nam Tư cũ. Xa hơn nữa, Serbia là thành phần chính của đội tuyển Nam Tư trong 9 kỳ world cup.
Trong vòng đấu loại, đội Serbia đã xuất sắc đứng đầu bảng, xếp trên cả đội Pháp, nên dành được vé chính thức đến Nam Phi, trong khi Pháp phải tranh vé vớt.
Cầu thủ xuất nhất của Serbia là trung vệ Vidic, hiện đang đá cho câu lạc bộ Manchester United. Stankovic và Jovanovic cũng là những cầu thủ tấn công xuất sắc.
Huấn luyện viên: Radomir Antic
Đội Serbia không có khả năng vô địch, nhưng có thể gây khó khăn cho các “đại gia”. Khả năng vào vòng hai tương đương với Úc và Ghana.
Đoàn Hưng (tổng hợp)
Kỳ tới : Điểm qua các đội thuộc 02 bảng E & F

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi tờ báo này đến tay quí vị, trận đấu đầu tiên của world cup 2010 giữa 2 đội Nam Phi-Mexico đã diễn ra
ĐIỂM QUA TÌNH HÌNH CÁC ĐỘI THUỘC HAI BẢNG E &F
NHỮNG CẦU THỦ ĐẮT GIÁ NHẤT Ở WORLD CUP 2010
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.