Hôm nay,  

Đại Tướng Westmoreland, Trận Cuối Cùng Ở Khe Sanh

27/08/200500:00:00(Xem: 28062)
LTS: Tiếp theo loạt bài Tưởng niệm 30-4, VB giới thiệu đến bạn đọc những tài liệu đặc biệt liên quan đến các sự kiện quân sự, chính trị giưã VNCH và Hoa Kỳ, đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại Hoa Kỳ giải mật và chuyển giao cho Văn Khố Quốc gia Hoa Kỳ.
*Đại tướng Westmoreland, trận chiến cuối cùng tại phòng tuyến Khe Sanh
Ngày 11 tháng 4/1968, tại Sài Gòn, Đại tướng Westmoreland nhận được lệnh bàn giao chức vụ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam để về Hoa Kỳ nhận chức tham mưu trưởng Lục quân. Vị tướng thay thế Đại tướng Westmorland là phụ tá của ông: Đại tướng Creighton W. Abrams, Tư lệnh phó Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong giai đoạn chuyển tiếp, Đại tướngWestmoreland đã phân tích cho người kế nhiệm của ông về tình hình Khe Sanh và kế hoạch tảo thanh CSBV trong chiến dịch (đợt cuối) tại phòng tuyến Khe Sanh mà ông đang tổng chỉ huy. Sau đây là những ghi nhận của Đại tướng Westmoreland về toàn cảnh trận chiến Khe Sanh.
Sau khi đã đánh bật Cộng quân ra khỏi các vị trí trọng yếu quanh vòng đai Khe Sanh, ngày 15 tháng 4/1968, liên quân Việt Mỹ đã mở cuộc hành quân tổng truy kích các đơn vị chủ lực của CQ ở phía Tây và Tây Nam Khe Sanh với nỗ lực chính là 2 tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH, 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến/Lực lượng 3 Thủy bộ Hoa Kỳ. Giao tranh đã chiến ra quyết liệt tại Làng Vei và Calu vào ngày 17 tháng 4/1968 giữa đơn vị Nhảy Dù VNCH và CSBV. Tiếp đến vào sáng ngày 22 tháng 4/1968, Cộng quân đã tập trung hỏa lực pháo binh pháo kích dữ dội vào đồi 881 của cụm phòng tuyến Khe Sanh, sau đó đặc công và bộ binh xung kích của địch đã tiến sát đến phòng tuyến của Thủy quân Lục chiến, sử dụng lựu đạn ném vào các công sự chiến đấu của đơn vị trú phòng, nhưng CQ vẫn không chiếm được ngọn đồi này. Pháo binh Thủy quân Lục chiến (TQLC) từ trung tâm căn cứ Khe Sanh và Không quân chiến thuật đã kịp thời yểm trợ cho đơn vị phòng thủ đồi 881 đẩy lùi được cuộc tấn công của CQ.
Tình hình chiến sự tại mặt trận Khe Sanh tạm lắng dịu vào những ngày cuối tháng 4/1968 và đã bùng nổ trở lại vào tuần lễ đầu của tháng 5 bằng những trận hỏa tập của CSBV vào các tiền cứ ở phía Tây Khe Sanh. Giữa tháng 5/1968, Cộng quân mở cao điểm Hè 1968 tại Khe Sanh bằng những trận tấn công kết hợp giữa bộ binh và pháo binh. Cao điểm Hè 1968 tại mặt trận này kéo dài đến cuối tháng 6/1968.
* Đại tướng Wetmoreland nhận định về chiến thuật của CQ tại Khe Sanh
Như đã trình bày, kế hoạch tấn công căn cứ Khe Sanh là một phần của cuộc tổng công kích của CSBV trong Tết Mậu Thân. Cộng quân khai hỏa tại mặt trận Khe Sanh trước Tết 10 ngày nhằm đánh lạc hướng phán đoán của liên quân Việt-Mỹ và để thu hút sự chú ý của các tư lịnh chiến trường Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho rằng Khe Sanh là chiến trường quyết định, các nơi khác là phụ thuộc. Tuy nhiên Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH và Bộ Tư lịnh của Đại tướng Westmoreland đã nhận được những báo cáo đặc biệt là CQ sẽ mở cuộc tổng công kích toàn lãnh thổ VNCH, trong đó CQ muốn "lập" một Điện Biên Phủ tại Khe Sanh.Những thông tin tin báo chiến trường đã được kiểm chứng qua lời khai của một trung úy CQ tên là Lã Thanh Tòng ra đầu hàng tại Khe Sanh vào chiều ngày 20/1/2968.Tòng đã trình bày chi tiết về kế hoạch tấn công Khe Sanh thì ngay đêm 20/1/1968 rạng ngày 21/1/1968, Cộng quân sẽ tấn công hai vị trí phòng thủ của TQLC Hoa Kỳ tại đồi 861 và đồi 881. Lời khai của Tòng đã được chứng minh vì ngay đêm đó Cộng quân đã khởi sự tấn công vào hai vị trí trên.
Cũng theo lời khai của Tòng, các đơn vị CQ đã được chuẩn bị để thực hiện cuộc tổng tấn công vào dịp tết. Vài ngày sau khi Tòng ra đầu hàng, B 52 đã thả bom xuống một vùng núi đá ong ở Lào. Theo phân tích của các chuyên viên tình báo của Bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN, vùng núi đá nói trên có thể là bộ chỉ huy của một lực lượng lớn Cộng quân đang đồn trú để chỉ huy các đơn vị quanh Khe Sanh và toàn bộ khu Bắc miền Trung.
Suốt thời gian bao vây và tấn công Khe Sanh, CQ đã sử dụng tối đa hỏa lực pháo binh để tiến hành các đợt hỏa tập vào các vị trí trọng yếu như phi đạo, kho đạn, khu vực trung tâm. Tại mỗi mục tiêu pháo, CQ thường pháo kích từ bốn, năm trái một lần. Sau nhiều tuần lễ, binh sĩ Thủy quân Lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ đã học được kinh nghiệm tránh pháo. Cứ mỗi lần nghe tiếng gió của đạn ra khỏi nòng thì khoảng 21 giây sau sẽ nổ. Thời gian này kịp cho các chiến binh trú phòng nhảy xuống hầm để núp. Nếu đạn pháo của địch bắn từ xa đến, thì hễ nghe tiếng gió rít qua đầu thì báo qua máy cho đồng đội ở tuyến gần đó biết.
Theo hồi ký của Đại tướng Westmoreland, vị tướng này cũng đã "nếm mùi" pháo kích khi đến Khe Sanh để họp cùng Đại tá Lownds, chỉ huy căn cứ. Khi Đại tướng Wesrmoreland đến nơi, CQ bắt đầu pháo kích. Khi ông lên trực thăng ra về và được 1 trực thăng thuộc loại "tàu rượt đuổi địch quân" hộ tống. Đạn súng nhỏ của CQ bắn trúng trực thăng hộ tống này và bị hư hại nhưng vẫn bay được.

* Khe Sanh và Điện Biên Phủ dưới mắt Đại tướng Westmoreland
Tháng 1/1968, tin tức tình báo ghi nhận có 4 sư đoàn CSBV đang tập trung gần Khe Sanh.
Để có thể phòng thủ hữu hiệu căn cứ Khe Sanh và có sự phối trí lực lượng hợp lý, Đại tướng Westmoreland đã tham khảo ý kiến của một cựu tướng hồi hưu người Pháp từng tham gia chiến tranh Đông Dương, đồng thời nghiên cứu căn kẽ sự khác biệt giữa Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Qua đó, ông thấy rằng Điện Biên Phủ là một thung lủng hiểm trở, trong khi Khe Sanh là một cao nguyên nhỏ. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ không bố trí quân quanh các đỉnh chung quang căn cứ, trong khi đó tại Khe Sanh, Thủy quân lục chiến Mỹ đã phối trí lực lượng đóng quân trên 4 đỉnh cao quan trọng như Đồi 558 và Đồi 950, các đồi này nhìn xuống một thung lủng có con sông đổ vào Khe Sanh từ hướng Tây Bắc, trong khi đó Đồi 861 và 881 nằm về mạn phía Nam.
Tướng Westmoreland cũng phân tích đến sự phối trí về pháo binh: tại Điện Biên Phủ, quân Pháp không có pháo binh ở bên ngoài để yểm trợ cho phòng tuyến trong căn cứ. Trong khi đó, tại Khe Sanh ngoài 18 khẩu đội 105 ly, 6 khẩu đội 155 ly nòng ngắn và 6 khẩu đội súng cối ở trong căn cứ, Thủy quân lục chiến Mỹ tại Khe Sanh còn được 18 khẩu pháo 175 ly ở căn cứ Carroll cách đó khoảng 22 km đường chim bay có thể yểm trợ cho căn cứ. Đồn lủy của quân Pháp đóng tại Điện Biên Phủ không có đường tiếp tế. Tại Khe Sanh, mặc dù các cây cầu trên quốc lộ 9 trong địa bàn quận Hướng Hóa trở đi đều bị phá hủy để không cho Cộng quân sử dụng nhưng với khả năng của quân đội Mỹ, con đường này có thể mở lại bất cứ lúc nào trong mọi thời tiết trong trường hợp cần di chuyển bằng đường bộ.
Về không quân, Tướng Wesrmoreland đã đưa ra những ưu thế của không quân Hoa Kỳ so với Pháp. Theo ông, quân Pháp không có đủ phi cơ yểm trợ, nhưng Hoa Kỳ có thừa khả năng không quân, kể cả B52 để có đánh phủ đầu địch quân. Về phi đạo, sân bay tại Điện Biên Phủ quá nhỏ bé để các vận tải cơ có thể lên xuống, hơn nữa quân Pháp không có khả năng mở cầu không vận mà chỉ tiếp tế bằng cách thả dù. Tại Khe Sanh, ngay từ năm 1967, sân bay ở căn cứ này được mở rộng để phi cơ C 130 lên xuống được. Đại đội phụ trách tiếp tế cho các đơn vị trú phòng Khe Sanh có thể dùng thùng to để thả dù hoặc đóng thùng nhỏ để cuối thân phi cơ để khi bay thật thấp thì đổ các thùng này xuống. Tại Điện Biên Phủ, quân Pháp không có trực thăng nhưng với Không quân Mỹ thì có khá nhiều loại này, kể cả các loại trực thăng vận tải. Về di tản binh sĩ, quân Pháp không có các phương tiện tối tân nhưng với Thủy quân lục chiến Mỹ có thể được tiếp cứu bằng phi cơ hay bằng lực lượng tiếp viện.
Tướng Westmoreland cũng quan tâm đến thời tiết tại Khe Sanh. Tại khu vực này thường có sương mù và mây thấp, mưa lất phất từ suốt tháng 10 đến tháng 4. Khe Sanh cũng là đường phân ranh giữa hai thái cực. Cùng thời gian này, bên khu vực đường mòn HCM thì trời quang đảng khiến Cộng quân di chuyển dễ dàng. Trong khi đó thì tại Khe Sanh, trời âm u hay mưa mù, tầm quan sát bị giới hạn. Tuy nhiên, B 52 và pháo binh và phi cơ chiến thuật có trang bị ra đa se không gặp trở ngại. Cũng theo lời Tướng Westmoreland thì vấn đề thời tiết cũng là một yếu tố gây sự tranh cải về quyết định giữ hay rút khỏi Khe Sanh giữa các tướng lĩnh tư lịnh các đại đơn vị và Bộ tham mưu Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tuy có lòng tự tin ở khả năng phân tích của mình, nhưng Đại tướng Westmoreland cũng đã tham khảo ý kiến của sĩ quan phụ trách quân sử của bộ tham mưu là Đại tá Reamer Argo và yêu cầu vị sĩ quan này nghiên cứu kỹ trận Điện Biên Phủ để tìm hiểu chiến thuật nào Cộng quân sẽ áp dụng tại Khe Sanh. Trong buổi thuyết trình cho bộ tham mưu và Tướng Westmoreland nghe, đại tá Argo đưa ra một hình ảnh rất ảm đạm về Điện Biên Phủ và nhận xét rằng sở dĩ người Pháp thất trận là vì họ không chịu hạ thủ vi cường. Nghe viên đại tá phụ trách quân sử phân tích như vậy, Đại tướng Westmoreland cho rằng tại Khe Sanh thì tình hình khác hẳn, quân Mỹ nhờ vào pháo binh và không quân yểm trợ để có thể nắm thế thượng phong, trong trường hợp căn cứ bị rơi vào tình trạng nguy kịch thì các đơn vị tăng viện có thể được gửi đến tiếp cứu một cách dễ dàng bằng đường bộ hoặc bằng không vận.
Bài tường trình của Đại tá Argo đã làm cho Tướng Westmoreland và bộ tham mưu sửng sốt. Tướng Westmoreland nói với các sĩ quan tham mưu rằng "chúng ta cẩn thận là điều tốt, nhưng chúng ta không thể-tướng Westmoreland gằn từng chữ với giọng cương quyết, không thể bị đánh bại tại Khe Sanh. Tôi không chấp nhận một lời bàn cải nào cả""

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.