Hôm nay,  

Đại Tướng Westmoreland: Trận Phản Công Ở Khe Sanh

20/08/200500:00:00(Xem: 26351)
- LTS: Tiếp theo loạt bài Tưởng niệm 30-4, VB giới thiệu đến bạn đọc những tài liệu đặc biệt liên quan đến các sự kiện quân sự, chính trị giưã VNCH và Hoa Kỳ, đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại Hoa Kỳ giải mật và chuyển giao cho Văn Khố Quốc gia Hoa Kỳ.

* Các trận kịch chiến trong tháng 2/1968ø tại Khe Sanh.
Như đã trình bày, trước những diễn biến về tình hình quanh khu vực Khe Sanh trong tháng 1/1968, Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam (1964-1968), đã hội ý với Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH quyết định giữ căn cứ Khe Sanh bằng mọi giá. Sau đây là những ghi nhận của Đại tướng Westmoreland về tình hình chiến sự Khe Sanh từ thượng tuần tháng 2/1968 (thượng tuần tháng Giêng Mậu Thân 1968) đến tháng 4/1968.
Vào đêm 9 tháng 2/1968, Tiểu đoàn 1/9 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ bị tấn công bất ngờ tại tiền đồn hầm đá ngoài căn cứ. Quân trú phòng phải rút về phòng tuyến trong và rạng sáng ngày 10/2/1968, tiểu đoàn 1/9 tái chiếm lại cứ điểm. Trong cuộc giao tranh này phía Cộng quân bỏ lại 200 xác chết trên trận địa, phía TQLC Hoa Kỳ có 21 quân nhân tử trận.Việc tiếp tế cho quân trú phòng đã gặp khó khăn. Các vận tải cơ C-130 đáp xuống phi đạo trở thành mục tiêu của các họng pháo Cộng quân cứ nhắm vào sân bay. Ngày 11 tháng 2/1968, Cộng quân gia tăng pháo kích vào phi đạo, 2 vận tải cơ C-130 bị trúng đạn pháo, 1 bốc cháy trên phi đạo, 6 người trong phi hành đoàn chết. Chiếc thứ 2 phải rời ngay phi đạo với hàng trăm lỗ trên sàn tàu bị đạn. Cơ khí trưởng của vận tải cơ này đã phải dùng đến tay chân thay thế cho máy móc để phi cơ có thể bay về Đà Nẵng an toàn.
Trước tình trạng trên, Bộ Chỉ huy Không quân Hoa Kỳ tại VN nhận xét rằng phi cơ C-130 rất hiếm và quá cần cho các trường hợp khẩn cấp, nhưng không nên để mất quá nhiều tại Khe Sanh, chỉ nên sử dụng loại phi cơ này để tiếp viện cho Khe Sanh trong những trường hợp nguy kịch. Sáu tuần lễ sau đó, nhiệm vụ vận chuyển quân dụng và quân lương tiếp tế được giao cho loại vận tải cơ C-123 nhỏ hơn, loại phi cơ này có thể cất cánh nhanh và có thể đáp xuống các phi đạo ngắn.

* Các cuộc tấn kích của CQ
Từ ngày 12 đến ngày 20 tháng 2/1968, CQ vẫn bám chặt các vị trí ngoài hàng rào căn cứ và các ổ pháo mặc cho không pháo từ các pháo đài B-52 đã liên tục dội xuống như dòng thác Niagara. Ngoài phi đạo thường bị pháo kích, các kho đạn và kho nhiên liệu trong căn cứ là những mục tiêu có thể bị phát nổ và phát hỏa khi bị trúng pháo của địch quân.
Ngày 21/2/1968, Cộng quân tấn công vào 1 vị trí tiền đồn của Tiểu đoàn 37 BĐQ nhưng đã bị tổn thất nặng, 35 Cộng quân bị bỏ xác tại vòng rào.
Ngày 23/2/1968, CQ tổng pháo kích với 1,307 quả đạn rơi vào căn cứ. Một quả đạn rơi trúng ngay kho đạn làm phát nổ 1,500 trái đạn pháo binh.
Ngày 25/2/1968: đại đội B của Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 26 TQLC Hoa Kỳ bị phục kích và tổn thất nặng khi tuần tiểu ở phía Nam căn cứ. Sau sự tổn thất này, mọi cuộc tuần tiểu ngoài căn cứ đều bị đình chỉ.
Ngày 29/2/1968, CQ mở nhiều đợt tấn công vào tuyến phòng thủ của tiểu đoàn 37 BĐQ nhằm chiếm phía đông phi đạo nhưng đã bị tổn thất nặng. Hai ngày cuối tháng 2, trận chiến tiếp tục diễn ở mức độ khốc liệt, các thông tin tình báo ghi nhận rằng CQ sẽ mở những đợt tấn công cường tập trong tháng 3/1968.

*Liên quân Việt-Mỹ phản công đánh bật Cộng quân khỏi phòng tuyến Khe Sanh.
Trong tháng 3, lực lượng phòng thủ căn cứ Khe Sanh đã mở nhiều cuộc phản công đánh bật CQ ra khỏi các vị trí trọng điểm quanh Khe Sanh. Sau khi đã vô hiệu hóa các cuộc tấn công của đối phương, ngày 15 tháng 4/1968, Bộ Tư lệnh Lực lượng 3 Thủy bộ/ Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại VN đã khởi động chiến dịch Scotland 2 nhằm tổng truy kích các đơn vị CSBV ở phía Tây Khe Sanh. Nỗ lực chính của cuộc hành quân này là 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3/ Lực lượng 3 Thủy bộ Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đang hoạt động tại vùng giới tuyến. Song song với chiến dịch này, lực lượng bộ chiến VNCH tiếp tục cuộc hành quân Lam Sơn 207 (khai diễn ngày 1 tháng 4/1968) tại khu vực Tây Khe Sanh, với nỗ lực chính là hai tiểu đoàn Nhảy Dù.


Trước khi chiến dịch này khởi động, vào ngày 11 tháng 4/1968, tại Sài Gòn, Đại tướng Westmoreland nhận được lệnh bàn giao chức vụ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam để về Hoa Kỳ nhận chức tham mưu trưởng Lục quân. Người thay thế Tướng Westmorland là phụ tá của ông: Đại tướng Creighton W. Abrams, tư lệnh phó Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Trước ngày bàn giao, Đại tướng Westmoreland đã phân tích cho người kế nhiệm của ông về tình hình Khe Sanh và các kế hoạch tảo thanh CSBV mà ông đang tiến hành. Tướng Westmoreland nhấn mệnh rằng Cộng quân đã thất bại trong mưu toan muốn tạo Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai, tuy nhiên một số đơn vị Cộng quân vẫn còn hoạt động ở phía Tây Khe Sanh, các đại đơn vị và bộ phận chính CSBV đã bắt đầu rút về bên kia đất Lào. Cuộc rút lui của đối phương trùng hợp với kế hoạch riêng của Đại tướng Westmoreland là muốn tái lập giao thông với căn cứ Khe Sanh. Trong hai tuần đầu của tháng 4, các đơn vị bộ chiến Việt-Mỹ đã giải tỏa Quốc lộ 9, đoạn từ Cam Lộ đến Khe Sanh, nhưng muốn giữ an ninh cho trục lộ này, phải đánh bật các cụm điểm chốt chận của đối phương ở phía Tây Quốc lộ máu này.

* Hai cuộc hành quân của Liên quân Việt-Mỹ:
Ngày 15 tháng 4/1968, ba tiểu đoàn TQLC thuộc Sư đoàn 3 TQLC/ Lực lượng 3 Thủy bộ Hoa Kỳ đã bung rộng về phía Tây để truy quét CQ. Cũng trong ngày này, quanh các ngọn đồi trọng điểm 861 A, 881 Nam, 881 Bắc, 689, giao tranh đã diễn ra ở cấp đại đội giữa TQLC và CSBV.
Trận chiến bùng nổ dữ dội vào ngày 16 tháng 4/1968 khi một thành phần TQLC Hoa Kỳ bị 1 tiểu đoàn CSBV phục kích tại vị trí cách Khe Sanh 6 km về hướng Tây Nam, hai bên đã giao chiến ác liệt, phía TQLC Hoa Kỳ có 17 tử thương, 36 bị thương. Tổn thất về phía CQ khá nặng, nhưng cấp chỉ huy đơn vị Hoa Kỳ không xác định được con số tử thương và bị thương của đối phương do địch đã chuyển đi sau khi rút lui. Cũng trong ngày này, Cộng quân đã pháo gần 300 đạn đại bác vào các vị trí trọng yếu của căn cứ Khe Sanh.
Ngày 17 tháng 4/1968, lực lượng Nhảy Dù VNCH tung cuộc phản công quyết định tại phía Tây Khe Sanh và Làng Vei, Cà Lu. Với lối đánh tốc chiến, các đơn vị Nhảy Dù VNCH đã mở các đợt xung phong vào cụm tuyến phòng ngự của đối phương. Cộng quân đã sử dụng tất cả các loại súng cộng đồng bắn xối xả để cản cường độ tấn công của Nhảy Dù. Giao tranh diễn ra ở mức độ rất ác liệt, đến chiều, lực lượng Nhảy Dù đã khống chế trận địa, kết thúc cuộc hành quân Lam Sơn 207 với kết quả: phía Cộng quân có 215 CSBV bị tử thương, 4 bị bắt, 26 súng cộng đồng và 67 súng cá nhân bị tịch thu; phía Nhảy Dù VNCH: 48 tử trận, 206 bị thương.
Tình hình chiến sự tại mặt trận tạm lắng dịu được hai ngày, đến 19 tháng 4/1968, Cộng quân lại mở các trận hỏa tập vào căn cứ Khe Sanh và tổ chức phục kích một đoàn quân xa Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên Quốc lộ 9, cách Cà Lu 7 km về phía Tây Nam. Trực thăng võ trang đã xuất trận kịp thời chận đứng cuộc tấn kích của đối phương, tuy nhiên phía Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cũng bị tổn thất với 4 quân nhân Hoa Kỳ tử thương, 22 bị thương, một số xe bị hư hại.
Ngày 22 tháng 4/1968, đơn vị TQLC phòng ngự đồi 881 đã bị Cộng quân tấn công dữ dội bằng hỏa tiễn và lựu đạn, nhưng vẫn giữ vững được vị trí. Từ 23 đến cuối tháng 4/1968, Cộng quân tiếp tục tấn công bằng pháo và đặc công vào các vị trí ở phía Tây của căn cứ. Cũng cần ghi nhận rằng trong suốt thời gian bao vây căn cứ Khe Sanh, các toán đặc công của Cộng quân thường bò vào hàng rào cắt kẻm gai và đổi hướng các loại mìn định hướng của quân trú phòng gài quanh căn cứ. Sự đổi hướng quay vào phía trong của loại mìn định hướng nếu không kịp phát giác sẽ gây thương vong cho quân trú phòng khi CQ mở các đợt tấn kích. Thế nhưng, trong thời gian Tiểu đoàn 37 BĐQ VNCH phòng thủ vòng đai phi đạo, các chiến sĩ Mũ Nâu đã vô hiệu hóa các hoạt động của đặc công CSBV. Một sĩ quan BĐQ kể lại là dù suốt đêm cả đơn vị phải thức trắng, ngày thì phải lo đối phó với các đợt pháo kích, nhưng hàng ngày từng trung đội đều cho người bò ra hàng rào, kiểm soát lại hệ thống mìn định hướng và hệ thống hàng rào kẻm gai.
Trận chiến tại Khe Sanh tạm lắng dịu vào cuối tháng 4, nhưng sau đó lại bùng nổ với những trận hỏa tập của CQ vào thượng tuần tháng 5/1968.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.