Hôm nay,  

Nhớ Bà Hai Châu Đốc Mình Xăm 2 Con Rồng

16/02/201100:00:00(Xem: 14671)

1Tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị cho giải thưởng. Từ bốn năm qua, bà là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết. Hiện bà cư trú tại Los Angeles. Công việc: giám khảo của Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ).Bài Tết năm nay của Bảo Xuân là chuyện kể trong chuyện: Cả nhà đoàn tụ gói bánh chưng đón Tết, cùng nhớ người đàn bàbản lãnh của Châu Đốc một thời, mình xâm 2 con rồng, mở quán rượu trong núi Sam.

*

Má tôi có 8 đứa con, hiện tại có 21 cháu nội ngoại và 19 rưởi cháu cố, ối trời, nhớ tên tụi nó đủ mệt!

Năm nào cũng vậy, trước tết mấy ngày, chị em tôi xin nghỉ phép tụ về nhà Má, phụ nấu nướng và ăn tết. Có năm đầy đủ mọi người có năm thiếu người này vắng người kia, kệ, có nhiêu xài nhiêu, nhưng đặc biệt năm nay có lẽ vì thời buổi khủng hoảng kinh tế nên khi cả đám xin nghỉ phép nguyên tuần, mấy người chủ mừng quá "okay" liền.

Nhờ vậy mà cả nhà đoàn tụ.

Trong nhà bếp kiêm phòng gia đình, ấm áp.Đám con cháu tụ phía bên kia phòng. Đứa thì làm bánh, dành cái lò để nướng, đứa thì vô facebook đía với bạn cười hí hí, đứa thì cầm cell phone text lia lịa, nói chuyện bằng đầu ngón tay bấm bấm bấm

Phần cháu Oanh và Phương thì đòi học làm bánh Tét

Má nó giao cho phần trộn và lau lá chuối, sẵn sàng để gói, nấu trước một nồi để cúng và tặng bà con .

"Chùm rể ngọt" của Má đang ngồi thoải mái trước Tivi như mọi năm, coi gì đó mà lâu lâu òa lên cười hô hố... Thằng em trai đang lẻ loi chờđóa Hồng phương Đông, luôn luôn thủ cái máy hình, kích sẵn, thấy bà chị hay cô em hay người nào hả họng cười nghiêng ngửa híp cả mắt đếm được tất cả hai hàm răng xấu hoắc thì chụp chớp nhoáng liền để sau nầy có gì thì "blackmail". Cũng có những tấm hình sinh hoạt gia đình rất quí, rất tự nhiên, ngay cả tư điệu cũng chả sửa tướng kịp, trong mấy chục tấm lựa ra được một tấm đầy đủ và đều đặn, không người nào nhắm mắt, khó trần ai, mười tấm giỏi được một, rọi lớn lên tám tấm, phát cho mỗi người lộng kiếng chưng trong nhà

Đám chị em lớn tuổi chúng tôi, lu bu không thua gì đám nhỏ, dĩ nhiên khi tụ họp thì mấy chị em vừa làm công chuyện vừa lách chách nhắc chuyện xưa

Chuyện hồi nhỏ rồi tới chuyện lúc lớn, nhắc người yêu nhớ trường học bạn bè, chẳng ai đánh cũng tự động khai tuốt luốt những chuyện hồi trước dấu như mèo dấu phân và càng nhắc càng nhớ, giống như lời của một người nhạc sĩ nói với bạn ông rằng -khi tôi viết nhạc, cũng như từ chữ A tới chữ B, khi viết "note" A tự nhiên sẽ tới "note" B rồi tới C một cách liên tục dễ dàng và cứ thế cứ thế...

Chuyện nhớ tên lũ cháu nội ngoại và cháu cố, cũng đủ mệt!

Có một dạo, tụi nó rủ nhau đổi qua tên Mỹ. Tôi cứ lộn xà ngầu, Mimi là đứa nào" Jennifer là con Oanh hay con Phương" Heather là ai" Là Huyên chớ ai, tên Elizabeth giữ nguyên vì là tên trong khai sinh, Long nhỏ, Tommy, Melanie Mai, Paul lớn Paul nhỏ, ối thôi, Tutu, Hạnh, Trâm, Tú, Izabeau, Kim, Kim thì có Kim dì, Kim cháu nhớ phân biệt, rồi Khanh, Hân, Lee, Anh-Thuat, Brandon, baby Maya, còn đám cháu cố thì thôi, hổng nhớ nổi

Gia đình tôi, lúc sau này mỗi khi cần liên lạc, chúng tôi ít gọi điện thoại mà xài email, dễ cãi nhau và khi làm hòa cũng đỡ quê, từ đó, đặt cho mỗi người một cái tên rất "tượng thanh tượng hình" để gọi và chọc nhau.

2-content


Tấm hình cuối cùng khi còn Ba, cả nhà đoàn tụ vào dịp Tết. Sau đó, ba bị cộng quân bắn chết ở Phú Lâm, trong trận tổng công kích đợt 2 năm Mậu Thân, 1968, như đã kể trong bài Viết Về Nươc Mỹ: 32 Năm Người Mỹ và Tôi.


Chúng tôi lai Triều Châu nên hồi nhỏ chị thì kêu bằng "chế" anh kêu bằng "hia" còn dì dượng thì tùy theo thứ mà gọi, ai cũng là ba và má, thí dụ: ba Tư, má Tư, má Năm má Bảy...
Như vậy, chúng tôi theo thứ tự như sau:

-chế hai hiền (chế vừa hiền vừa rất thương đám em. Hồi nhỏ mới biết ngồi, má để đâu là ngồi y một chỗ, không phá phách gì hết, hiền từ hồi mới sanh)

-ba nhăn (người hay nhíu mày suy nghĩ, thế nhưng tụi nó nói nên viết trại ra thành benhen vì khoái nghe Hoài Linh nói tiếng "nẫu")

-tư điệu (nhỏ này điệu hạnh lắm, thiệt đó)

-năm sira (mới đầu viết là xira là xira đánh giày vì hồi nhỏ nó bị lang ben chạm cẩm lai cẩm thạch đầy mặt, bị đám bạn quỷ trong cư xá chọc, kêu "xira xira" trước bực mình sau lại khoái, nhưng nó biểu xài chữ S thay chữ X, nghe như tênPháp. Trời! Tôi nghe như tên Ấn Độ chớ Pháp khỉgì, nghe như tên cô đào Ấn Độ Savitri!). Tư điệu hay nói rằng: -Người ta ưa nói "nhỏ xấu thì lớn đẹp, đúng y chang nghen. Xira sau nầy khi tới tuổi 18 đẹp hết biết, làn da trắng mịn hồng hào xinh tươi thay cho những lỗ chỗ trắng đen, cái tên xira trở thành lạc hậu, bi giờ là năm Sira nghe rất là... tài tử

-sáu longlơ (cũng tên Pháp nữa!) độc kiếm lạc rừng hoa nầy khi xưa là hoàng tử, nay vưỡn là hoàng tử, lớn lên sanh tật hay quên tánh tình lơ tơ mơ nên kêu tắt là Long Lơ luôn cho gọn

-Hồng "khỉ nhỏ" là vợ của Long lơ đang còn "vô tư mà chờ" ngày hội ngộ cùng hoàng tử (thế là trong nhà lại có thêm một cái hỉm)

-bảy Ù, nhỏ nầy tên hiệu đổi mùa phất phơ như lá mùa xuân trước gió (nhỏ nầy sổ sữa từ mới sanh cho tới trưởng thành, thỉnh thoảng nàng nhìn vô kiếng, nhìn ngang hót bụng, vưỡn còn "thấy ghê quá!" ráng nhịn ăn nhịn uống vài tuần thì gầy đi vài cân Anh, lúc ấy thì nàng ta tự động sửa biệthiệu từ Ù thành Ốm) . Nhớ hồi nhỏ lúc ở tại cư xá Phú Lâm, trong "xóm nhà lá" có chị bán chè đậu ngon lắm nhỏ Phượng này mê chè đậu tàn canh, mê chè mê luôn chị bán chè, khi nghe ai hỏi "lớn lên con muốn làm gì"" thì nó trả lời "con muốn mặt rỗ quấn khăn làm chị bảy đi bán chè đậu" Má tôi khóc thầm với Ba "mình ơi mình chết tức tưởi bỏ đám con lại học hành dở dang có đứa mới tám chín tuổi đã muốn quấn khăn đi bán chè đậu nữa hu hu hu..."

Đâu ai ngờ, qua Mỹ mà nấu chè đậu ngon, triệu phú lâu rồi

Bây giờ nó hành nghề y tá. Khi tôi hỏi -kỳ nầy muốn kêu biệt hiệu email là gì thì nó trả lời: -emhổng chịu Ù hay Ốm gì hết á'. Em muốn đổi lại là "Phượng Chè "... tại em còn khoái ăn chè hi hi hi...

-tám tt hay tám cắc kè (nhỏ này tánh tình ít nói, ai chưa biết thì lầm chết vì khi nói thì không thiếu một câu không thừa một chữ, tếu ngầm, có duyên, cho nên được lấy hai tên. Khi thấy hai chữ tt, tôi nghĩ thầm: ủa, nó không làm tàng cũng không tí ti, sao là Tàng và Cắc kè" Khó hiểu quá! Tiện dịp hỏi lại thì nó nói :tt là tại hồi đó em học nghề điện, học điện nhiều quá, có bị điện giựt nhẹ, hơi tê tê nên hơi tàng tàng, chớ hỏng phải làm tàng .

-út quậy (nhỏ út nầy vì mồ côi cha sớm quá hay nhõng nhẽo được cưng chìu, tới bây giờ thành bà nội rồi vẫn còn quậy, cho nên mọi người cùng bỏ phiếu, nó được "bình chọn" là Út quậy. Quá đúng)

3-content

Năm 2010, tại Mỹ, Má và 8 đứa con đoàn tụ đón Tết cùng con cháu.


... Hai "thạc sĩ lột củ hành" là chế hai hiền và năm sira ngồi trước cái thau bự tổ chảng lột vỏ củ hành hương để ngâm dấm, hai bà lãnh công tác này cũng phải thôi vì chẳng ai khoái món này nhứt như hai bà, vừa nói chuyện vừa híp híp mắt sợ cay; bà tư điệu thì làm dưa giá, vừa làm vừa dạy:

-Ơ ơ ơ... cách làm mới học được trong internet là giá rửa sạch lặt đuôi hẹ xắt khúc trộn chung để nước pha chút muối cất tủ lạnh cả tuần chưa hư

Sira nói:

-Xí! Gì cũng internet internet! Làm cách của Má cũng ngon lắm cần gì internet dạy, bà nội!

Chế hai hiền là người ưa bày đầu, lên tiếng:-Ê mấy đứa, nhớ múa Lân ông Địa hông" Năm nay có đủ mặt dịp may hiếm có bỏ qua rất uổng,mua cái đầu Lân đầu ông Địa về múa chơi, biểu diễn cho đám nhỏ biết tài phá như quỷ của tụi mình, mua luôn cục xí ngầu lắc bầu cua cá cọp...

Benhen đang hớt bọt nồi thịt kho trứng nước dừa, nóng nảy ngắt ngang:

-Xời, hỏi gì hỏi nhớ con Lân hông, xời, mình ra khỏi nước cũng là già rồi, sao hổng nhớ, xời, già hết rồi bày đặt múa Lân cho té hộc gạch. Bày đặt rủ chơi bầu cua, như hồi nhỏ bị bà dụ khị ăn hếttiền lì xì, bây giờ sức mấy! Ờ, mà bên Mỹ nầy ít thấy múa Lân nghe, thường thường thấy múa Rồng không hà

Tư điệu, (người biết đủ thứ kiêm chính trị gia) ra miệng:

-Múa rồng là tại theo tụi Tàu chớ bên mình hồi đó tui chỉ thấy múa Lân thôi

Má tôi ngồi gần đó nghe tới đây thì hơi bị mích lòng nói:

-Tụi bây lai Tàu mà nói tụi tàu nầy tụi tàu nọ...

Tư điệu cãi (bà này chuyên môn cãi. Hồi còn nhỏ ưa cãi với Ba, Ba hay nói -nhỏ này lớn lên học làm luật sư chắc hạp-Tiếc là nàng đang học Luật, tới cuối tháng Tư năm 1975 bị di cư qua Mỹ tức tưởi bị sự sống nó đì bị đi làm sớm nên nó bị không học làm luật sư nhưng vẫn còn bị tánh hay cãi trong nhà với chị em và má!)

Nó cãi:

-Má à má, lai thì lai, chớ con hổng ưa tụi tàu xâm lăng

Má cười lắc đầu. Nhỏ này cãi đúng, làm sao nói lại nó"

Chế hai hiền phụ hoạ ờ ờ... Ờ xong, chế ngáp.

Benhen lẹ miệng tiếp:

-Thôi vầy nghe, để đở buồn ngủ, mình kể chuyện xưa đi. Mỗi người kể một chuyện, nhớ tới đâu kể tới đó, chuyện này phải liên hệ với chuyện kia, chịu hông mấy bà" Chịu hết rồi hé" vậy nhường chế hai hiền nói trước đi

Chế hai nói:

-Ờ. Để chế si nghĩ

Trong khi chế hai suy nghĩ, tôi nhớ chuyện múa rồng. Năm 1977, mấy chị em tôi có coi múa rồng ở China town dưới Los Angeles. Múa Rồng thì có hai người cầm hai cái đầu Rồng chạy trước, một dãy phía sau là thân và đuôi.

Benhen thình lình hỏi chế Hai:

- Ở Châu đốc chế có nhớ người đàn bà xâm mình hai con rồng hông chế"

-Ờ ờ, nói vụ con rồng làm chế nhớ.

Vậy là nghe chuyện chế Hai kể. Không phải chuyện múa rồng ở Los Angeles mà là chuyện lục tỉnh. Chuyện người đàn bà xâm hình rồng trên mình

*

Người đàn bà xâm hình 2 con rồng quấn chung quanh người là con nuôi sư phụ của ba Tư . Lúc đó vì còn quá nhỏ nên chế không còn nhớ tên bà chỉ biết bả thứ hai. Bà Hai mở quán nhậu giữa đường vô núi Sam. Lúc đó hai bên đường có hai con sông nhỏ chảy từ Châu đốc vô núi, còn chung quanh chỉ thấy toàn là ruộng cò bay thẳng cánh. Hình như chế có nghe nói ruộng nầy ngày xưa là của ông bà cố để lại cho ông ngoại, nhưng vì ông ngoại thích mua bán, hay nói "phi thương bất cầu phú" không thích sống ở đồng quê và cũng không muốn con cái làm nghề nông nên mới giao hết lại cho mấy người chị.

Khi tới Châu đốc có một vài món ăn mà bây giờ về đó kiếm không thấy, đó là bún nước lèo, bún do mấy người Chà ở bên Tân châu nấu, nước ngọt là do từ cá, không biết họ nêm gì vô mà nước bún có một màu vàng óng ánh, ánh chất mỡ, thấy là muốn ăn liền.

Tới núi Sam là bắt đầu thấy mấy người Chà gánh nhiều ống tre, đây là những gánh bán nước thốt nốt đựng trong ống tre, bên cạnh còn có những trái thót nốt trắng trong, rất bắt mắt.

Từ chợ Châu đốc, muốn đi tới nhà má Tư mình, phải qua khỏi chợ cá, rồi tới chỗ bán gà vịt, rắn, chuột, ếch, mía. Mía Châu đốc rất ngọt và mềm, góc đường nào cũng bán, mà họ róc vỏ sẵn, hễ ai mua thì họ chặt, cứ mỗi khúc lúc đó khoảng 5 cắc.

Qua khỏi chỗ bán mía, tới chỗ bán rùa. Tại đây có một bến đò, ghe, thuyền các nơi chở đồ về rất tấp nập. Bây giờ phải qua một cái cầu sắt rồi quẹo trái đi khoảng 100 thước là tới nhà ba máTư. Ở đây toàn là nhà sàn vì Châu đốc năm nào cũng bị ngập, nước từ trên Biển Hồ trên Cambuchia tràn xuống vì vậy mà dân ở đây có cá để ăn, dư ra làm mắm.

Những người ở miền khác về đây dịp vía Bà đều ghé chợ để mua mắm, là món đặc sản của xứ nầy. Có đủ loại mắm, là mắm lóc, mắm ruột, mắm thái, mắm đu đủ, mắm cá sặc, cá linh, cá cơm, ba loại mắm sau, khi đói bụng xé ra, chấm với dấm dầm trái ớt hiểm, ăn với cơm nguội ngon hết biết.

Lúc đó Má mình theo Ba lên Sài Gòn kiếm nhà trước, chế đang đi học nên gởi lại nhà ba má Tư. Nhà má Tư ở ngang villa ông Trường tiền. Không hiểu đó là tên hay là nghề nghiệp của ông mà nghe ai cũng gọi ông như vậy

Đó là một biệt thự rất lớn, có vòng tường song sắt bao bọc xung quanh, cất theo kiểu nhà chú Hỏa ở Saigòn. Gia đình ông Trường tiền là người Bắc, ngày nào đi chợ cũng mua một xe lôi rau muống. Lúc đó người dân Châu đốc chỉ biết ăn bông sún chớ chưa biết ăn rau muống. Dân nuôi heo thì trồng hay mua rau muống cho heo ăn. Ai cũng nghĩ gia đình nầy giàu quá trời chắc nuôi heo nhiều lắm chứ không biết họ mua rau muống là để ăn.

Xe lôi là một loại xe như chiếc xe đạp, phía trước người ngồi đạp kéo cái thùng phía sau, thùng xe có hai hàng băng bằng cây để khách ngồi, ở giữa là khoảng trống để mấy giỏ trầu mấy thúng cau hay đồ đạc gì đó.

Từ nhà má Tư trở ra quẹo mặt đi lên khoảng trăm thước là có một cái thành của quân đội đóng ở đó. Quẹo trái là có trường tiểu học nam, trường trung học Thủ khoa Huân và trường bán công Nguyễn hữu Cảnh.

Mỗi lần bà con về quê giỗ xong là cả đám connít chạy theo người lớn đi bộ xuống Mỹ Đức thăm bà cố. Bà cố, cái lưng khòm gần sát đất, hồi nhỏ sợ lại gần bà, bà cố hai hàm răng rụng hết nhưng thích ăn cơm thiệt là khô với nửa trứng vịt muối.

Có lần bà dắt chế theo đi thăm ai đó, sợ bà nhưng khoái đi vì qua nhà bà con được cưng cho ăn đủ thứ. Chế tò tò ôm tấm đệm sau lưng, tới gốc cây cổ thụ nào bà cũng biểu lót tấm đệm xuống rồi sì sụp lạy.

Bà cố nói -cây có linh hồn cây sống lâu hơn mình có cây cả mấy trăm tuổi rồi linh lắm con...

Nghe tới chỗ này, Má tôi chen vô nói:

-Ờ, nhắc tấm đệm má nhớ, tấm đệm của bà cố con đươn bằng cọng Bàng. Họ cắt lên bó thành bó, vạt cho bằng ngọn rồi phơi khô, xong đem vô cối đập dẹp xuống rồi đươn đệm đươn chiếu. Hồi nhỏ có lần ông ngoại tụi con dẫn má đi ngang qua cái làng chuyên môn chầm lá Buông làm áo mưa, nón lá, cái nốp. Má nhớ họ nói cọng Bàng lá Buông mọc hoang ngoài đồng chớ ai mà trồng. Hồi nhỏ má biết đươn đệm nghe

Mấy chị em ngóng nghe. Phượng chè nhíu mày :

-Má má, cái nốp là cái gì"

Má nói:

-Là cái đồ để người ta chun vô ngủ

Long lơ giải thích:

-Thì chắc là giống giống như cái sleepping bag ở đây đó

Chế hai nói:

- Hồi thời con thì thấy họ đươn đệm bằng cọng lát rồi má.

Rồi chế kể tiếp:

-Mỗi lần dìa nhà bà cố, sợ nhứt là vô nhà vì giữa phòng khách là chình ình, một cái hòm đỏ lòm; ngược lại, bà cố thì rất mừng vì bà biết nó là cái nhà của bà, nơi an nghỉ sau khi bà nằm xuống. Còn nhớ bà ngoại lớn, thiệt thương bà nhiều lắm. Bà nghèo vô cùng. Còn nhớ cái nhà của bà chỉ khoảng 2 thước rưởi vuông, bên trên đóng ván, bên dưới nuôi 2 con heo.

Bà ngoại ở chung với con trai, con dâu và mấy đứa cháu. Bên hông nhà có một cây đu đủ, một cây mãng cầu, hai cây nầy cũng cằn cỗi giống như ngoại mình. Vậy mà lâu lâu bà lên thăm, lúc nào trên cái rổ nhỏ xíu của bà cũng có một con cua đồng luột, một trái mãng cầu và một trái đu đủ nhỏ. Hổng nhớ ngoại qua đời lúc nào.

Chế nhớ má Tư hay dẫn ra góc đường ăn hàng vặt. Chỗ nầy có mấy món mà đã gần sáu chục năm chế chưa được thưởng thức lại với đầy đủ hương vị ngon như thế. Có phải khi xưa người ta dùng tất cả những vật liệu nấu nướng tươi nên ngon" Hay tại vì lạ miệng nên ngon" Hay tại vì cái hương vị ấy đi kèm theo khoảng tuổi thơ chưa biết đau đớn khổ sở" nên ăn món gì cũng mang theo trong tiềm thức" hay tại vì ta nhớ quê hương và những điều tốt đẹp lẩn quẩn với tuổi thơ chưa biết sầu muộn ấy"

Những món quà vặt là cháo đậu đen ăn với nhiều món như đủ loại dưa mắm cá kho khô... và khô Mực khô cá Thiều, khô cá Đuối nướng lửa than đập đập cho mềm xé ra chấm dấm ớt ... bánh bò trắng chan nước cốt dừa "bồng con" thơm ngon béo ngọt, bánh bò nước dừa nướng màu vàng nâu ngọt thanh béo hết biết, bánh gan thơm mùi dừa béo ngọt đậm đà

"Thạc sĩ" Sira nghe nhắc tới mấy món ăn ngọt ngọt béo béo thì bị trúng tủ, xen vô liền:

- Hồi đó chế bao nhiêu tuổi mà nhớ hết vậy... em nhớ là đầu nhà má Tư có bà bán thốt nốt hay là dừa nước gì đó... chặt sẳn một mâm thấy ngon lắm, ờ chế có ăn bắp luộc nóng với mắm cá trèn chưa" mỗi lần em xuống, sáng sớm thức dậy má Tư gởi ông xe lôi đem vô một bịch kêu ăn liền... lạ thiệt mà ngon lắm, bắp ngọt thơm mà mắm lại không mặn, rồi bún nước lèo...

Nàng "cắc kè" tê tê kia nuốt nước miếng:

-Em định "diet" để xuống cân nhưng mờ nhắc tới bún nước Lèo thèm quá, ở Tiểu Sài Gòn có tiệm bán bún nước lèo, thèm quá!

Phượng "chè" phụ hoạ:

-Tao cũng thèm. Tuần tới tụ lại nhà tui nấu ăn nghe bà con

Tư điệu kể thêm:

-Nhắc đồ ăn nhớ dzìa Châu đốc nhằm mùa ốc gạo thì được chế Hóa cho ăn

Ốc gạo bán từng lon sữa ông thọ hay sữa conchim (hihihi). Ốc gạo nhỏ xíu hà, lể bằng cây tămtre, bỏ miệng hỏng thấm thía gì hết trơn. Ốc bán lon ngoài chợ Châu đốc thường luộc sẵn, bà bán giở cái nắp nồi hơi nóng bốc lên cùng với mùi thơm của ốc rất hấp dẫn .

Chế Hóa làm nước mắm tỏi ớt cay xé họng luôn, ốc gạo chấm nước mắm nầy ngon ác liệt. Tiếc cái mình là khách, Má dặn đi đâu cũng phải "ăn coi nồi ngồi coi hướng" thành ra chỉ hưởng hương hoa thì nhiều mờ ăn thì ít xịt hà.

Buổi sáng bên nhà má Tư thường được cho ăn cháo đậu đen (hay đậu đỏ quên rồi ) chan nước cốt dừa trên mặt, với chén dưa mắm rất ngon.

Còn hôm nào ngủ bên nhà cô Hai thì sáng sớm được chế Hóa chế Quế dẫn ra ngoài chợ, chỗ bà bán bún nước lèo ăn sáng .

Bún có màu nâu chớ hỏng phải trắng bóc như bún mình thường ăn ở chợ Saigon mà rất mềm và ngon. Cá lóc trắng tươi ngọt lắm. Bà còn có tô nước mắm nhỉ trên mặt nổi lên những trái ớt hiểm nho nhỏ màu đỏ tươi. Cứ mỗi tô bún bà thả vô chút nước mắm và nửa trái ớt hiểm đỏ. Chế Hóa ăn cay lắm, nên thường xin thêm nửa trái ớt, còn tư điệu thích ăn ớt mà hỏng cay thì nửa trái ớt cũng đủ sặc chảy nước mắt.

Bây giờ ở Mỹ thấy người ta trồng một loại ớt rất cay, cay gấp ... 10 lần ớt hiểm, điểm đặc biệt của loại ớt nầy là khi sống màu xanh tươi, khi bắt đầu trổ mã thì chuyển qua màu đen tuyền, rồi khi chín thì đổi qua màu đỏ đậm rất đẹp .

Phải nói thêm miếng nữa là cọng bún ngày xưa khi minh ăn mấy món như bún nước lèo, bún ốc, mềm mại ngon lắm bởi có câu "mềm như bún" còn cọng bún bi giờ sao mờ dai nhách hà, chắc tại họ cho thêm quá nhiều hàn the"

Sira cũng thèm bún nước lèo :

-Bún nước lèo này nó lỏng bỏng nước nhiều hơn cái... mấy bà chị họ, đớp một lần hai ba tô thiệt lẹ... hỏi mình ăn thêm hông, còn đói mà ngại mấy bả trả tiền nên "chín hấu mại hơi" đâu dám kêu thêm... xong dẫn qua hàng gỏi cuốn thấy tương chấm hơi đặc chế Quế nói -họ nấu thêm nếp của chè đậu trộn vô, ăn đi ngon lắm, nghe nói chè đậu là ngọt mà lại trộn vô tương gỏi cuốn là đồ mặn nên ăn nó hơi bị... nghẹn(ớn) Chế Quế quất thêm chén chè đậu trắng rồi mới về...

Nghe tới đây chắc Long lơ cũng thèm hay sao mà xen vô:

-Đừng quên món bánh lọc mặn bán trong chợChâu Đốc... trong tô có bánh lọc trắng đục, xanh lá cây, nước lèo có vị như nước lèo "mì gõ"... trên mặt để vài miếng thịt xá xíu... ăn ngon hết xẩy con cào cào... hình như có vài cọng hẹ cắt ngắn ngắn...

Tám cắc kè thêm: -Em nhớ hồi nhỏ có đi Cần thơ, Châu đốc, đám cưới của anh Trí. Có ăn qua món bún cá linh, nhắc tới còn thèm. Buổi tối mấy cô phù dâu tóc đánh rối, cao như đỉnh Effiel, không dám nằm ngủ, nên ngồi ngủ, đến khuya thì ai cũng nằm rệp xuống giường, đến sáng dậy thì mái tóc bị dẹp hết một bên, tới giờ em còn nhớ, nhìn mấy chị phù dâu này khóc hù hụ và ráng dích dích tóc cho nó phồng lên mắc thấy cười. Hì hì hì

Em định diet để xuống cân nhưng mờ nhắc xong vụ này, qua Tết em phải đi kiếm tô bún nước lèo ăn, thèm quá.

...

Behen thấy câu chuyện hỏi về người đàn bà xâm rồng, lạc tuốt luốt qua mấy cái làng khác ăn uống tùm lum toàn là chè với bún, sợ bả đi luôn qua làng Mỹ đức tới Cần thơ xuống tận Cà mau cho bị muỗi tha luôn, bèn kéo chế lui :

-Vậy chớ bà xâm rồng đó chế nhớ gì nữa hông" Chế hai cười thiệt là hiền: -Hì hì hì...nhớ chớ sao hông, nhỏ . Để kể tiếp nhe, nãy giờ chế nhớ hơi dư, hì hì hì

Lúc này chế khoảng 9 tuổi mấy ha. Không nhớ rõ hết từng chi tiết, chỉ nhớ chuyện liên quan tới chuyến đi thăm cô, kể có hơi lung tung nghe.

Ngay hôm ấy có người tới gặp ba Tư, nói gì đó, ông liền nói với chế:

-Ba Tư phải đi thăm nhị sư tỷ ở Thất Sơn, ba dẫn con theo, đi vô rừng xa lắm, nhớ đừng khóc nghe con

Vì gần gũi với ông từ nhỏ lại được dẫn đi chơi nên chế chịu theo liền

Chế nhớ hình như có đi bằng đường bộ lẫn đường sông, đi xe, qua đò qua sông qua kinh gì đó mà dưới con mắt của đứa con nít thấy cái gì cũng quá lớn quá xa. Ngồi trên xuồng lắc lư thấy nước chảy cuồn cuộn sợ lắm, thấy những dề lục bình có bông tím tím dập dềnh theo gợn sóng, thấy bông súng nở vươn lên màu tím đẹp quá nhưng chế thì ngồi im re giữa lòng xuồng, hai tay quíu vô đùi. Ba Tư dặn vậy, phải ngồi giữa chiếc xuồng. Qua sông rồi, xuồng cập vô chiếc cầu ván, ông nắm tay chế kéo lên, bước lên cầu, bướcxuống đất, đi bộ. Ông nắm tay chế vừa đi vừa như kéo chạy cho mau mau, luôn miệng nói đi mau mau sắp sụp mặt trời rồi.

Chế nhớ giống như đi trong rừng, cây hai bên rậm rạp, hình như có tre, hình như có chuối, hình như có tàng cây me de ra che nắng. Me thì chế biết vì thường hay được Má chỉ cho trái me rụngđầy dưới đất, những cây me cổ thụ gần nhà. Đi lâu lâu thấy xa xa có một cái nhà. Càng đi càng sâu, sâu, xa, rậm rạp, càng rậm rạp đi càng khó khăn.

Vùng Thất Sơn là núi cao lắm phãi trèo chớ không có đường mòn như bây giờ. Phải leo cũng mấy tiếng mới tới lưng chừng núi. Khát nước đói bụng, ông trời thương trước mặt hiện ra một rừng cây đầy trái thơm quá trời lúc đó chưa biết đó là rừng ổi. Chế còn quá nhỏ bẻ đâu có tới nên lụm mấy trái rụng ở dưới ăn cũng ngon quá trời, ổi núi ngoài xanh trong ruột đỏ chua ngọt đậm đà. Vừa ăn vừa tiếp tục đi, tới chạng vạng tối mới tới nơi

Tiếng con gì kêu xung quanh, hướng nào cũng nghe. Chế nhớ đã thấy sợ nhưng bàn tay ấm áp mạnh mẽ của ba Tư làm vững tâm. Chế nhớ có lúc được ông ẵm xách lên, qua một đỗi đường, rồi đặt xuống chế lại chạy lúp xúp theo.

Đi xa cho tới một vùng mở rộng, có nhà cửa có người chộn rộn. Ba Tư nói:

-Tới rồi con Chế nhớ đã mở lớn mắt mà nhìn.

Sao lạ quá, trong rừng mà có một cái chợ lớn quá, có nhiều nhà quá. Nhà tranh tối tranh sáng, có ánh sáng vàng vàng của đèn dầu. Ba dẫn qua mấy căn nhà rồi tới một cái tiệm. Nhìn thì giống như tiệm bán hủ tiếu của chú chệt gần nhà. Chỗ nầy sáng trưng vì đốt đèn "măng xông". Chế biết đèn măng xông vì nhà mình cũng có một cây. Vô tiệm, tiếng người kêu mừng. Kêu hối thúc niềm nở:

-Đệ đệ đệ đệ tới rồi vô đây vô đây. Rồi một người từ phía trong bước tới, y bước tới cúi xuống đưa bàn tay ra rờ mặt chế rồi nói:-Ý chaaa... con nhỏ dễ thương quááá... con huynh hả" dòm lên coi con. Chế dòm lên. Người này ốm lắm, ốm nhách hà.

Ý, chế nhớ đã dựt mình hết hồn hết vía. Như ma quỷ gặp lá bùa! Trên tầm mắt thấy hai cái đầu con gì thè lưỡi ghê quá, chế rụt lại thì người đó cười cất giọng cười thật là sảng khoái, cười xong y nói giọng khàn khàn:

-Sợ hả" kha kha kha... sợ gì con, là hình xâm mà con, nè coi đi rờ đi, hình xâm mà sợ giống gì Nói rồi y cầm tay chế cho rờ lên... vúÝ ẹ ghê quá. Y cho rờ lên cái đầu rồng, ngay cái vú của ổng. Thì ra ổng hổng có bận áo. Ổng ở trần chỉ bận cái quần mà lưng quần vận tròn cuộn lại, giống giống như mấy lực sĩ ở trần chỉ bận cái quần ống túm múa lân vậy đó

Chế vẫn còn sợ, rụt tay lại thì ba Tư tới giải vây.Ông nói: -Khoanh tay lại chào nhị sư tỷ của Ba đi con. Nhỏ nầy là cháu con chị Ba đệ đó sư tỷ à

Trời đất ơi. Vậy, "ông" ở trần này là "cô" nhị sư tỷ đó sao" Còn nhỏ nhưng chế biết phân biệt con gái con trai rồi. Còn im thin thíc thì cô nhị sư tỷ đã nắm tay dẫn ra phía sau lấy cái gáo gác trên miệng cái lu múc nước ra đưa vừa biểu chế vừa cằn nhằn:

-Rửa mặt đi rồi ra ăn cơm con. Trời ơi giỏi quá có chút xíu vầy mà mà trời ơi bắt con nhỏ lội đường núi thiệt tình cái ông sư đệ của tui...

Cô vỗ vỗ đầu chế rồi nói với ba Tư:

-12 tuổi em cho nó theo chị, chị sẽ dạy võ cho nó rồi xâm mình cho nó-xây qua chế, cô hỏi ­chịu không con" chế không trả lời nhưng gật đầu.


4-content

Một mẫu tatoo xâm hình rồng. Hai con rồng xâm trên mình Bà Hai Châu Đốc chắc sống động hơn nhiều.


Chế nhớ bữa cơm đó có canh chua ăn cơm ngonlắm, chắc tại vì đói bụng quá. Ăn xong cô nhị sư tỷ biểu leo lên cái bộ ván phía buồng trong mà ngủ. Chế nằm đó chưa ngủ ngóng nghe người lớn nói chuyện nhưng họ nói chuyện rù rì làm sao nghe được, dần dần ngủ mất cho tới sáng được kêu mới dậy.

Sáng hôm sau chế mới nhìn rõ ràng, cô nhị sư tỷ không bận áo, nhưng nguyên thân hình của cô xâm hai con rồng quyện vào nhau uốn khúc, giáp hết phần da thịt cho nên mới nhìn tưởng như có áo. Con rồng màu xanh, có vẩy. Chế đã rờ từng vẩy, trên sóng lưng có ngạnh, nó cuốn quanh xương sườn, cái đuôi quật lên phía sau lưng. Làn da của cô rắn chắc cứng như như như... da trâu!Đối với một đứa bé thì người lớn nói sao nghe vậy, ba Tư nói -da thịt của sư tỷ rắn chắc cứng dai như da- thì mình tin vậy

...

Chế ngưng lại lấy hơi, Long Lơ nói, giọng tiếc rẻ:

-Phải hồi đó chế học võ rồi dạy lại tuị em

Chế hai cười xòa:

-Học thành tài rồi mở quán như cô sư tỷ, chắc cũng không còn cái mạng!

Sau lần thăm sư tỷ của ba Tư, chế theo hỏi hoài ông mới nói về người sư tỷ của mình. Tỷ ấy là con mồ côi được sư phụ lượm về dưỡng nuôi và truyền võ công cho, cùng một thời với ông. Lớn nhỏ hai ba tuổi nên kẻ làm em người làm chị. Vì luyện võ công từ nhỏ, luyện nhiều nên không có ngực, xương chậu không nở, không có mông, thân thể cường tráng rắn chắc như đàn ông. Cô không có nhủ hoa nên cô cho xâm hình hai con rồng uốn quanh thân hình, hai cái đầu rồng là ngay đầu vú. Hai cái đầu rồng dữ tợn, sừng dựng đứng trên đầu, lưỡi thì thè ra.

Xuân hạ thu đông cô ở trần, chỉ vận có cái quần chẽn ống như hiệp sĩ

Nhờ có võ công, cô dám mở quán nhậu trong rừng, giao tiếp dân tứ xứ mà không một chút hãi sợ. Người ta sợ cô thì có

Nhờ xâm hai con rồng mà khách tò mò mới đông, cốt ý vô để coi cặp Long quấn trên mình cô, nhứt là hai cái Long thủ nhiều hơn là nhậu.

Sau ngày thăm cô về, khoảng hai tháng sau chế đã thấy ba Tư khóc.

Hai dượng cháu ngồi trên sàn nước de ra sông, ông đã kể về cái chết của nhị sư tỷ: "Quán nhậu của cô Hai rất đông. Bữa đó, đang vui vẻ bỗng có tiếng la to:

- Chủ quán đâu" kỳ cho 3 ngày phải dẹp, nếu không chúng tôi đốt bỏ. Nói xong họ đi liền.

Mọi người chưa kịp ngạc nhiên, cũng không biết chuyện gì xảy ra. Cô Hai giơ hai tay lên ra hiệu không sao, lâu lâu mấy ổng dìa dậy, không có gì đâu. Có người bàn -thôi cô Hai cho nó chút đỉnh tiền- thì cô nói -dọa ai dọa tui tui không sợ đâu

Mấy đêm sau, họ lại về, lần nầy họ bắt tất cả mọi người ra sắp hàng một sát mé sông (chuyện nầy biết được là nhờ anh Trung uý ở gần nhà kể, khi anh sống sót trở về mình đầy máu, nhưng anh còn lết được). Có thể ông Trung uý đó bây giờ vẫn còn sống.

...

Út Quậy bây giờ mới lên tiếng:

-Ờ, em nhớ Ba Tư là đại ca phải hông chế"

Chế hai nói:

-Ừa. Ba tư họ Đặng, tên Công Hầu, gia đìnhkhá giả, nhà có lò bánh mì. Ông có mấy người anh em kết nghĩa. Chú hai Cho, chủ xe Công Tạo. Chú năm Nghĩa chủ gánh hát Thanh Minh Thanh Nga. Chú sáu thì có lò dạy võ nghệ còn chú thứtư là tỉnh trưởng C.Đ., cuối cùng là ba Tư năm Vè.Đây là những người cùng học chữ và học võ nghệ với ba

Ba Tư lúc ấy còn trẻ, người quắc thướt vì có võ. Nghe má hay nói ông là "văn võ song toàn" đã đậu thành chung (là bằng Trung Học) nói tiếng Pháp rót rót. Tuy có học nhưng ông không theo con đường gia đình đã định mà đi con đườngngang tàng theo ý thích. Ông là một người, họ gọi là dân "anh chị" dân "đứng bến" là một đại ca ở bến xe đò.

Tuy là dân anh chị bự, nhưng ông không bao giờ chửi thề và không cho phép bất cứ một thằng emút nào được chửi thề. Ông thường nói:

-Chửi thề không giải quyết được vấn đề.

Có một lần, vì tranh chấp sao đó giữa hai tuyến đường mà ông phải ra đấu dao với đại ca của nhóm bên kia. Vụ đấu dao này ngộ lắm nha mấy đứa, chứng tỏ mặt anh hùng lì lợm. Cách thức của hai người là: anh chém tôi một nhát, tôi chém anh một nhát, thằng nào ngã trước thằng đó thua, người kia chiếm địa bàn.

Ông gan cùng mình. Chém qua chém lại ngươi kia chịu không thấu đã ngã quị. Nghe má kể là ông có học gồng, dao chém làm sao mà lủng sâu được.

Tuy thua nhưng người kia đòi sẽ có trận phục thù. Muốn phục thù thì cho nó phục thù, mười lần không ngánÔng vô tình, nghĩ bụng người như bụng ta, quá ỷ y

Kẻ tiểu nhân xài thói tiểu nhân, người vô tình làm sao chống được kẻ cố ý"

Vài tuần sau, thằng em út bên kia đem thư tới hẹn ngày tái đấu

Ông đã đuổi nó:

-Về đi, ta không nói chuyện với mi, kêu nó tới đây gặp ta.

Thằng em út nói chỉ có trách nhiệm đưa thư chứ người kia còn dưỡng thương không tới được

Hắn đưa thư rồi dông liền

Ông mở lá thư ra, một làn hơi bốc lên, ông bị mờ đôi mắt

Từ đó đôi mắt ông mờ dần mờ dần phải mang kiếng, về sau gần như mù hẳn. Thầy thuốc nói là ông bị một chất kịch độc vô phương cứu chữa, phải mù loà suốt đời. Lúc ấy ông chỉ mới trên ba mưoi.

Tuy bị lòa mắt nhưng ông vẫn đứng bến. Mỗi ngày em út đem phần chia vô tận nhà giao tận tay

Những "thằng em út" của ông có tình huynh đệ rất đáng phục

...

Chuyện kể xong, công chuyện cũng xong, thấm mệt, mọi người ngồi yên lặng, thấm thía

Tôi nghĩ về cô nhị sư tỷ của ba Tư và quê hương tôi đó.

Tuy cô sống rất ngắn nhưng toàn vẹn. Tuổi thơ mồ côi nhưng được sư phụ thương nuôi nấng và có võ công vừa sinh sống vừa giúp đời. Cậu tôi nói bao nhiêu tiền kiếm được cô đều quyên hết cho kháng chiến chống thực dân Pháp

Cô nhị sư tỷ ở trần, bộ nhũ hoa là hai cái đầu rồng, đầu rồng còn nguyên nhưng cô thì không còn cái đầu nữa, không còn mắt mũi miệng để nhìn thấy nghe

Cô chết trẻ quá

Cô chết để không nhìn thấy quê hương yêu dấu của cô đã phải trải qua bao nhiêu sóng gió ba đào. Cái quê hương mà cô đã một mình đứng lên, mở một quán rượu ngay trong rừng, lấy tiền nuôi quân chống ngoại xâm.
không nghe được tiếng thét gào cầu cứu, không nhìn thấy cảnh hãi hùng trên biển cả của biển người, phải bị một yếu tố một động cơ nào khủng khiếp xô đấy, mạnh đến đổi phải một sống một còn xa đất tổ lìa quê hương tuôn xuống biển vượt biên không nhìn thấy những cảnh mẹ rớt nước mắt gánh gồng con thơ chạy giặc không nhìn thấy họ đã lần lần cắt từng mảnh đất dâng lên ngoại bang, hành động và thái độ trong ngoài thua xa dân giang hồ của Sài Gòn năm xưa, những "đại ca" những "em út", giang hồ mà nghĩa khí gấp ngàn lần cái đồ tự xưng là "đỉnh cao trí tuệ" còn chễm chệ ngồi trên cao kia không nhìn thấy những con người chỉ còn là bộ xương với da lết trên đôi chân trần, cái bụng trống rỗng, băng rừng vượt suối cưa cây vác về, đổi lấy nắm cơm hẩm chan nước muối, và "được học tập" những giáo điều ngu si rỗng tuếch của đám mọi rừng muốn đè đầu những anh hùng thất thế không nhìn thấy những thân thể trẻ thơ chịu sự dày vò của quân đầu trâu mặt ngựa cướp biển, lợi dụng nỗi khổ của người làm điều khoái lạc cho mình không biết được niềm hoài hương không bao giờ nguôi mà những cậu mợ cô dì chú bác bạn bè không bao giờ quên

Đối với tuổi thơ của chế hai hiền, cô là nạn nhân "thứ nhứt" bị họ thủ tiêu, chưng thi thể không đầu ngoài bờ sông để thị oai với người

*

Tuổi thơ tôi cuốn tròn trong tình thương của cha mẹ, chị em, quấn quanh với người Tàu Quảng đông Triều châu Hải nàm và lớn lên với người Bắc di cư năm 54. Trưởng thành trong chiến tranh với niềm đau thương thù hận với nỗi buồn mất quê hương sống trên xứ người, thật tình tôi mang ơn nước Mỹ, nhưng, tuy được bao bọc chở che, nhưng, quẩn quanh với "you me he she" mà cứ nhớ...

Nhớ những tiếng rầy rà -con nhỏ này con quỷ kia; những tiếng gọi -mầy tao hay là, để mình nói bồ nghe; những tiếng rủa -con bò tót, con chằng thạch động; khi giận lắm thì mới là -con quỷ hà bá...


5-content


Bản vẽ Duy Thanh 2010


Trên đất Mỹ, mỗi cuối năm, đám cháu lóng tai nghe bà nội bà ngoại mấy dì cô cậu nói chuyện

Mầy dì cô cậu cũng lóng tai nghe tụi nhỏ nói chuyện

Như vậy, những ngày cận Tết tụ họp gia đình như vầy thật sự là một sợi dây cột nối hai ba thế hệ lại với nhau

Mọi năm má tôi cứ thấp thỏm ngóng trông từng đứa con, năm nay Má vui vẻ mỉm cười.

Tôi nhìn lên bàn thờ, từ trên bàn thờ, Ba tôi mỉm cười nhìn xuống.

Tấm hình Ba chụp khoảng trên ba mươi, đẹp trai như tài tử Hàn quốc, chắc Ba cũng vui với vợ con, vợ cũng như con, những mái tóc giờ đã chớm muối tiêu, già hơn hồi Ba chết rất nhiều năm
Nhiều năm, nhiều năm trôi qua, cơ thể có thayđổi nhưng lòng dạ thì vẫn như xư. Ước gì như Superman, có thể bay ngược vòng trái đất, trở lại những ngày xưa tuy nghèo nghèo nhưng đủ mẹ đủ cha, những ngày xưa trong ký ức, mỗi năm mỗi đem ra mà nhắc mà nhớ...

Ôi, những ngày xưa...

Viết từ góc phòng, ngôi nhà màu nâu, theo lời kể của Má, chế Hai và các em. Cuối năm Canh Dần, 2010


Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kể từ ngày quân Nga xâm lược Ukraine vào tháng hai 2022 đến nay, ít nhất 35 nhà báo đã chết tại Ukraine khi đnag làm công việc của mình.
Michelle Obama mang đến cho độc giả một loạt câu chuyện mới mẻ và những suy ngẫm sâu sắc về sự thay đổi, thách thức, sức mạnh, bao gồm cả niềm tin của bà: khi thắp sáng cho người khác. Chúng ta có thể khai sáng sự phong phú và tiềm năng của thế giới xung quanh, khám phá những sự thật sâu sắc hơn và những con đường mới cho sự tiến bộ. Rút ra từ kinh nghiệm của mình với tư cách là người mẹ, con gái, người phối ngẫu, người bạn và Đệ nhất phu nhân, bà ta chia xẻ những thói quen và nguyên tắc mà bà đã phát triển để thích nghi thành công với sự thay đổi và vượt qua những trở ngại khác nhau.
Tiểu thuyết gia người Sri Lanka Shehan Karunatilaka đã giành được Giải thưởng Booker 2022 cho cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình, Bảy Mặt Trăng của Maali Almeida. Giải thưởng này không thể đến vào thời điểm tốt hơn cho Sri Lanka, một quốc gia từng vướng vào bất ổn chính trị và kinh tế, khi nước này phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới, với lạm phát tăng vọt, thiếu lương thực và nhiên liệu, và nguồn cung cấp hàng hóa ngoại quốc rất thấp. Và tất nhiên, chính phủ đã bị lật đổ vào tháng Bảy, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn sau các cuộc biểu tình lớn.
Nhà văn Mỹ gốc Việt Khánh Hà đã từng có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang trong cộng đồng văn học Hoa Kỳ; từng nhận nhiều giải thưởng; từng có một quyển sách được trao đến hai giải thưởng văn học giá trị của Hoa Kỳ cách nhau chỉ một tháng—đó là giải truyện ngắn 2020 William Faulkner Literary Competition trong tháng 9, 2020, và tháng 10, 2020 anh lại đoạt tiếp giải The 2020 Orison Anthology Award in Fiction từ tác phẩm The Woman-Child. Những điều hiếm có này đã được người viết trình bày trước đây trong bài Khánh Thúc Hà (Khanh Ha) Ngôi Sao Việt Tỏa Sáng Trên Vòm Trời Văn Học Hoa Kỳ, đăng trên Việt Báo ngày 29/10/2020. Và sau đó thì tuyển tập truyện ngắn A Mother’s Tale and Other Stories của anh cũng được C&R Press 2020 Fiction Award trao giải thưởng và phát hành năm 2021. Sẽ có bài viết khác về quyển sách đặc biệt này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.