Hôm nay,  

Tuổi Trẻ Ngu Ngơ - trang 5

03/08/201402:20:00(Xem: 12043)

Trang 5

tuổi trẻ ngu ngơ

trương ngọc bảo xuân

Năm 1965, thầy Năm Châu bị bịnh phải ở nhà tịnh dưỡng, cô Kim Cúc là vợ thầy vô dạy thế một thời gian. Sau vài ngày học, cô hỏi nàng có muốn đi làm nghề chuyển âm phim hay không, họ đang cần và cô thấy nàng có giọng nói ăn micro. Đó là mấy phim nói tiếng Tàu chuyển qua tiếng Việt. Lúc nào nàng cũng muốn đi làm nên chịu liền, cô giới thiệu nàng vào làm cho hãng Việt phim, gần cầu Bình Triệu, đường đi Thủ Đức.

blank

http://i136.photobucket.com/albums/q199/TyXuan07/NXVietphim.jpg

Nàng, chị Phấn, Hồng Vân

Mới đầu chưa biết đường sá vì nhà nàng ở Phú Lâm quận sáu còn hãng phim mãi tận… đâu đâu, rất xa, sẵn anh T. có chiếc xe gắn máy cũng đi làm ở đó nên thời gian đầu anh nói để anh đưa nàng đi làm luôn. Đó là việc làm bán thời gian. Hôm nào có làm thì buổi sáng nàng tới trường, anh T. ghé ngang qua rước, chiều đưa trở về trường rồi nàng về nhà theo lộ trình như trước kia. Quá tiện. Quá gọn.

Nàng mừng muốn chết, lại quá vô tình, hời hợt, tưởng ai cũng hiểu ý mình, cho nên không nói một lời với Minh cho Minh hiểu vì sao một ngày nọ nàng lại leo lên yên xe của anh T.

Thái độ tỉnh bơ như thế trước mặt Minh, ai mà không tức?

Ngày đó, Minh giận không nói chuyện với nàng. Còn nàng, vì tự ái quá cao, cũng không thèm nói chuyện với Minh.

Có lẽ lúc đó Minh buồn lắm. Mà sao Minh không hỏi? Không hỏi, ngang mặt làm thinh không thèm ngó, đi luôn qua bên kia. Thì nàng cũng không thèm ngó, đi luôn qua bên nầy.

Sáu bậc thềm không còn ngồi bên nhau nữa mà đi tẽ ra hai bên.

Thời gian làm việc ở hãng Việt Phim rất vui. Được coi trước mọi người những cuốn phim gốc, trong phòng ghi âm tối, vừa coi phim vừa dùng giọng nói để diễn xuất tâm trạng của từng nhân vật, hỉ nộ ái ố, khóc cười, giải tỏa nỗi lòng riêng nếu có, theo từng giọt nước mắt và tâm tư của nhân vật mà không ai biết. Xung quanh hãng còn là đồng ruộng, kế bên con rạch có chợ chồm hổm, những bà mẹ quê chất phác, cảnh trí xung quanh đầy tre, trúc, chuối và người dân vẫn còn dùng xe ngựa xe bò trên con đường đất, rất dễ thương. Về sau thỉnh thoảng nàng nằm mơ thấy lại những hình ảnh như tranh vẽ ấy, khi thức dậy đối diện với xe cộ quay cuồng đời sống tất bật của người thành phố, tiếc thương cảnh cũ người xưa.

Vắng Minh, bên nàng lúc nào cũng có mặt anh T. một thanh niên 24 tuổi vô cùng lãng mạn và tâm hồn rất ủy mị, lại hay đèo nhau trên chiếc xe gắn máy nữa. Hai tâm hồn lãng mạn gặp nhau, giờ rảnh là bàn luận về văn chương tiểu thuyết, hạp nhau lắm. Anh còn là người viết lời Việt cho chuyên viên chuyển âm nữa. Về sau nghe đâu anh cũng đã viết vài kịch bản cho một ban thoại kịch nữa. Nàng còn nhớ bản kịch đầu tiên anh viết, đã đưa cho nàng đọc và góp ý kiến.

Nàng còn nhớ đại ý câu chuyện, xoay quanh chuyện tình ba lá, hai mẹ con cùng yêu một thanh niên rất đẹp trai hào hoa phong nhã. Người thanh niên cưới cô gái làm vợ nhưng về sau bị bà mẹ ghen tức phá, hai người phải xa nhau.

Nàng nhớ khi đọc xong đã cười và hỏi:

“sao anh tả người nầy giống giống như hình dạng đẹp trai của anh Tr. quá vậy. Có phải dựa theo chuyện thật hông?”

Anh chỉ cười mà không nói gì hết.

Mới đầu hai người coi nhau như đồng nghiệp, như đồng môn vì anh đã tốt nghiệp và cũng bởi, thời gian ấy anh T. đang theo đuổi cô em gái của ông chủ hãng VP, một người con gái rất đẹp nhưng hơi làm cao.

Làm ở đó đâu được vài tháng, đi học thì bữa tới bữa không, rồi cũng tới ngày phải có mặt để thi lên lớp.

Hình như chàng Lương có gặp nàng Chúc, ở xa đứng nhìn.

Sau khi thi lên lớp xong, thầy Năm Châu trở lại trường dạy. Đồng thời thầy cũng bắt đầu thành lập một gánh hát, lấy tên Ánh Chiêu Dương. Thầy viết tuồng xã hội Nước Biển Mưa Nguồn, chú trọng “lăng xê” đưa lên sân khấu nhóm sinh viên đã và đang học của trường. Thầy dự tính cứ mỗi tuồng thì lựa một cặp sinh viên đóng vai chính, những người còn lại thì lãnh những vai phụ, tuồng khác thì đổi lại. Như vậy ai cũng có cơ hội phát triển khả năng. Ai muốn tiến bước trong nghề thì có cơ hội và phải cố gắng vượt bực. Thật là một dự tính quá lý tưởng, làm nhóm học trò rất hăng hái, tự tin và hy vọng.

blank

http://i136.photobucket.com/albums/q199/TyXuan07/NXvuLale6nguoi.jpg

Ban vũ ACD, bản Dòng Sông Xanh

Tuồng NBMN, vai chính do Hồng Hạnh đóng, đứng cùng sân khấu với bác Ba Vân, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, bà Năm Sa Đéc, cùng vài học trò, trong số ấy có nàng.

Câu chuyện như thế nầy, cô Xuyến sống với mẹ và em trai, nhà rất nghèo. Cô làm thợ may trong xóm. Một hôm cô gặp được một bác sĩ trung niên, thương và cưới cô. Con gái ông nói mẹ con cô Xuyến là dân đào mỏ. Cô không thích cô Xuyến, muốn làm mai cha với cô giáo của mình, nên cô ta đã tới nhục mạ và đuổi mẹ con cô Xuyến ra khỏi nhà. Ông không biết cô Xuyến vừa mang thai. Ông cố tìm nhưng không gặp.

Cô Xuyến tới sống nhờ người bạn gái lai Tàu tên Cẩm Lình(vai nầy do nàng thủ diễn) Về sau, đứa con bị bịnh, đem tới ông bác sĩ thì đã chết… nhưng sau cùng thì hai người cũng “châu hườn hợp phố”

Câu chuyện rất thương tâm, nói lên lòng tốt cũng như dạ xấu xa của con ngừơi, một tệ trạng của xã hội còn bị ảnh hưởng của chế độ phong kiến, phân biệt giai cấp.

Rất vui mừng, nàng có việc làm, dù là một vai nhỏ thôi nhưng bắt đầu bước chân lên sân khấu, khởi đầu cho sự nghiệp diễn xuất. Nàng hầu như quên mình, luôn tập trung vào vai diễn, lúc nào cũng mơ mơ hồ hồ.

Và Lương Minh của nàng ngày một xa.

Cả nhóm tập dợt hằng ngày tại rạp hát Thống Nhứt nằm trên đường Hồng Thập Tự, cũng là rạp chuyên môn tổ chức cuộc xổ số Kiến Thiết Quốc Gia hằng tuần. Rạp hát khít bên Bộ Xã Hội.

http://i136.photobucket.com/albums/q199/TyXuan07/NXAnhChieuDuong.jpg

blank

Rạp Thống Nhứt. Nhớ Minh là buồn vậy đó

Thời gian tập dợt nầy rất vui. Vui vì tập dợt chung với cả nhóm bạn và đặc biệt là với đứa bạn gái cùng tuổi rất thân của nàng, con gái thứ hai của thầy Năm Châu. Nàng có mặt trong ban vũ ballet nữa, vũ thiên nga với bản nhạc Dòng Sông Xanh. Nàng vũ cặp với Trương Long.

Trong trường lúc ấy, Lương Minh thường hay vắng mặt, có lẽ đi làm thường xuyên nên bỏ học lần lần? nàng lại quá vô tình, đang quay cuồng với việc làm của mình mà không bao giờ mở miệng hỏi gì về Minh.

Từ đó hai đứa ít về chung với nhau. Đôi khi nàng thấy buồn, nhớ Minh lắm nhưng vì tự ái nên giữ im lặng, làm vẻ ta đây bất cần.

Nàng đã bỏ phí biết bao nhiêu thì giờ quí báu, một qua đi là không trở lại, nhưng lúc ấy, còn quá trẻ quá nông nổi quá ngu si, nào ai biết được? đâu biết trái đất cứ tiếp tục quay.

Tuồng NBMN hát được một hai tháng gì đó, mỗi tuần một xuất tối thứ bảy và hai xuất chúa nhựt trong khi tập thêm tuồng xứ lạ đường xa thứ nhì là Ác Quỷ Atila của thầy Duy Lân. Vai nữ chính tuồng nầy là Hồng Vân (sau nầy qua Mỹ cô đổi tên là Trâm Anh) Cô là một người học trò mới 16 tuổi nhưng có giọng ca lảnh lót rất hay. Nàng cũng có một vai nhỏ trong vở tuồng thứ hai nầy.

http://i136.photobucket.com/albums/q199/TyXuan07/TrenSanKhau2nguoi.jpg

blank

Hương Xuân và nàng

Thầy đã trả lương cho tất cả mọi người chánh phụ gì cũng đều bằng như nhau. Nhớ in là mỗi xuất hát được hai trăm rưởi đồng gì đó. Do lời giới thiệu của Hồng Hạnh, thỉnh thoảng nàng cũng đi thu đài VOA cho ban kịch Gia Đình bác Tám nhận thù lao là 200 đồng mỗi lần. Chương trình nầy thời đó do anh Hải Nam thực hiện.

Thầy nói trả lương đồng đều như vậy thì ai cũng là người quan trọng hết. Tất cả mọi người vai chánh hay phụ đều phải cố gắng diễn xuất hết mình thì vở tuồng mới hơn người, mới hay xuất sắc. Nàng rất tự hào và vui mừng khi cầm đồng lương kiếm được về phụ cha mẹ.

Tuy thực hành được ý nguyện nhưng tận trong thâm tâm nàng rất nhớ Minh.

http://i136.photobucket.com/albums/q199/TyXuan07/NXchimy.jpg

blank

Trăng 16, qua rồi là không bao giờ trở lại

Rất tiếc, ý chí lớn của thầy không kéo dài được lâu. Bởi, mọi sự đều cần tài chính, đó là phần vô cùng quan trọng nhưng thường hay thiếu vắng.

Nàng lên sân khấu Ánh Chiêu Dương mỗi cuối tuần, ngày thường vẫn đi học, đi làm chuyển âm phim.

Trường dạy lý thuyết vào buổi sáng, do ba thầy phụ trách, giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, nhà văn kiêm soạn kịch Võ Khắc Khoan và họa sĩ Thái Tuấn phụ trách. Ngày nào đi làm thì nàng đành phải bỏ lớp lý thuyết, về mượn bài của bạn chép lại. Thiệt là tiếc vì nàng rất mê cách giảng dạy đầy kịch tính của các thầy. Buổi chiều tối thì học thực hành.

Vô trường, nhìn xung quanh như đồng không mông quạnh. Ít gặp Minh nên buồn lắm.

Đi làm, nhiều khi coi phim tình cảm xã hội về chuyện tình yêu dang dở, nàng nhớ Minh quá, có khi nhớ tới khóc luôn. Sao họ làm toàn là phim tình lận đận? Phim nào cũng có kết cuộc đau lòng, chẳng xa cách thì cũng kẻ sống người chết hay có duyên không nợ, yêu người nầy nhưng cưới người kia.

Trời! cuộc đời là éo le rắc rối vậy sao?

Chẳng hạn như phim Song Ngoại phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn Quỳnh Dao, nàng nhớ mài mại câu chuyện như vầy, một cô học trò tuổi độ trăng tròn đã đem lòng yêu ông thầy trung niên. Đinh mệnh trớ trêu thay sau một thời gian cố gắng giữ vững phong cách của một người thầy, cố tránh cô học trò kia nhưng sau cùng ông thầy không thể cưỡng được lý lẽ con tim mình, ông thầy cũng say mê người con gái thơ ngây. Nhưng vào thời phong kiến, vòng lễ giáo quá khắc khe đó, ai dám chấp nhận một chuyện tình vô đạo đức như thế? Họ bị áp lực tứ phía, đau đớn bị chia cách phải xa nhau, ông thầy bỏ đi xứ khác. Nàng cứ nhớ thương người yêu, ốm o gầy mòn nửa sống nửa chết một thời gian rất dài.

Vài năm qua đi, sau một thời gian tìm kiếm khó khăn nàng tìm ra nơi ông thầy tạm trú. Không muốn làm chao động người tình, nàng từ bên ngoài khung cửa sổ nhìn vào nhà, bàng hoàng đau đớn không thể tin mắt mình. Nàng trông thấy thân thể tàn tạ của một ông già đang cầm chai rượu say sưa ngất ngưởng. Người đã mượn rượu để cố xóa tan mối tình đau thương cùng hình ảnh ngưòi yêu bé bỏng, lẽ sống của đời mình. Đau đớn biết bao nhiêu, chỉ vì chữ tình đã hủy hoại một đời người. Tình yêu đã giết chết thần tượng của cô. Còn đâu chàng thanh niên đầy nhựa sống với dáng điệu hào hoa phong nhã, người thầy đạo mạo mà cô học trò đã yêu say mê yêu chết sống ngày nào.

Tình yêu đã chết, đã tàn, bên ngoài song cửa.

Người ta có thể đánh mất tình yêu như vậy sao?

Cuốn phim đã làm nàng phải bỏ ra khỏi phòng thu, đứng dưới gốc dừa, âm thầm khóc. Nhớ Minh vô cùng. Nhớ Minh. Nhớ Minh, khắc khoải trong lòng. Nàng đã biết yêu, đã biết rung động chân thành, nhưng sao lòng buồn quá vậy? Mới yêu nhau được hơn năm thôi, bây giờ xa nhau không một lời, không hiểu tại sao, không rõ lý do, yêu nhau mà phải khổ như vậy sao?

Và nàng cũng không biết phải làm sao!

Về phần Ánh Chiêu Dương, sau hai tuồng hát, gánh không còn được tài trợ từ một Bộ nào đó, nghe tin đồn là Bộ Xã Hội, nhưng là tin đồn thôi nên không dám chắc, gánh không còn trình diễn thường xuyên tại rạp Thống Nhứt nữa mà cần phải tự lập mướn rạp và đi lưu diễn. Thầy đã hỏi nàng nếu muốn theo đoàn thì cần mời Ba tới nói chuyện với thầy và chấp nhận cho phép nàng theo gánh vì còn trong tuổi vị thành niên.

http://i136.photobucket.com/albums/q199/TyXuan07/NXVietHung.jpg

blank

Chú tư Việt Hùng và nàng Cẩm Lình

Nếu không phải là một ngôi sao sáng chói hay là một tài ba mới được khám phá thanh sắc vẹn toàn được các đoàn hát mời thỉnh bằng những hợp đồng khổng lồ, chuyện theo gánh hát thường trực và chính thức như vậy có nghĩa là phải làm lại từ đầu, bước lên từ nấc thang. Đầu tiên là nấc thang thấp nhứt, làm vũ công hay là, nam làm quân sĩ nữ làm tỳ nữ và nếu có vai thì chỉ đóng vai phụ mà thôi. Nàng sớm biết rõ muốn làm một cô đào chánh thì cần có sắc và thanh. Nàng tự biết rõ mình không có thanh để ca vững chãi sáu câu vọng cổ tất cả bài bản, không có sắc để nổi bật trên sân khấu.

Nếu theo gánh hát, làm vũ công biết tới đời nào mới thành công, hơn nữa, phải theo đoàn đi lưu diễn, xa nhà, tiền lương chỉ ngàn rưỡi mỗi tháng, bằng như lương công nhựt của một công chức. Coi bộ phải đi xa mà tương lai mờ mịt quá. Nàng đã sợ và từ chối. Ba nàng cùng ý nghĩ và khuyên nàng nên đi học đánh máy, làm thư ký hay công chức. Vậy mà cũng có lúc nàng muốn xin vô làm Nữ Quân Nhân nhưng bị mấy nhỏ bạn và cả anh của bạn la qua chừng nên thôi.

Trương Long cũng rời đoàn, đầu quân vào lực lượng quân cảnh.

Một hôm, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đụng mặt nhau trong sân trường. Nhìn nhau, Minh hỏi, tỉnh bơ, tuồng như hai người chưa từng giận nhau gì hết:

-Muốn đi với Minh lên nhà Long hông?

-Lên làm chi?

-Minh muốn hỏi về cách thức vô quân cảnh.

Thời gian trước và sau năm 1963, sau khi cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại, chiến trường chính trị biết bao là thay đổi. Nay ông này lên thì bị ông kia đảo chánh. Ông kia lên chưa nóng chỗ thì bị ông nọ cướp chính quyền. Quốc trưởng thay tên liên miên. Học sinh và sinh viên khi biểu tình khi bãi khóa, thường bị cảnh sát dẹp biểu tình liệng lựu đạn cay giải tán. Học hành không yên, lâu lâu hùa nhau làm “đêm không ngủ” chống chính phủ. Đi học luôn luôn phải có cái khăn tay và trái chanh đựng trong bao ny lông, phòng khi bị lựu đạn cay thì vắt chanh lên rồi đắp lên mắt.

Tương lai của thanh niên thiếu nữ quá linh chinh. Lần lượt từ người từ người bạn của nàng đã gia nhập nhiều binh chủng. Nếu không vô lính thủy thì bộ binh hay không quân. Không lính nầy cũng lính nọ. Cứ vài ngày tuần lễ thì có người cho hay đã đi lính.

Long trắng đã trở thành quân cảnh và nay Minh cũng sắp ra đi. Nàng buồn lắm. Lòng dạ bỗng dưng trống rỗng. Lớp học cứ vắng lần vắng lần.

Sanh trong thời chiến tranh biết làm sao hơn? phải chịu vậy thôi.

Hai đứa đón xe lên nhà Long ở Tân Định. Long đã cưới cô hàng xóm cho nên được cha mẹ cho một căn nhà nhỏ gần họ. Tới nhà vào giờ trưa vợ chồng Long mới vừa ăn cơm xong. Long ngồi nghỉ, vợ cầm cây quạt ngồi kề bên quạt cho chồng. Sướng như vua! Đôi vợ chồng son âu yếm hạnh phúc quá.

Sao thay đổi lẹ vậy ta? mới mấy tháng trước, nàng biết Long đã thất tình đau khổ vì một cô trong nhóm bạn. Bây giờ, có vợ rồi thấy vui vẻ quá cỡ.

Tình yêu mong manh vậy sao? quên nhau mau lẹ vậy sao?

Niềm nở mời hai đứa ngồi, Long chỉ dẫn Minh mọi chuyện để trở thành một quân cảnh. Có lẽ Minh thích làm cảnh sát từ hồi được ba nàng chở vô Tổng Nha Cảnh Sát, phòng Giảo Nghiệm chơi cho biết. Nhưng Minh muốn làm cảnh sát của quân nhân. Có lẽ vì lý do con một Minh không muốn xa cha mẹ và ông nội được.

Hôm ấy về hai đứa làm lành trở lại. Hẹn hò trở lại. Bậc thềm trường lại vui vẻ trở lại.

Nhóm bạn thường hay tụ xung quanh bậc thềm, dước gốc dừa ca hát chơi. Đôi khi họ đem đàn ghi ta đi bộ ra bến Bạch Đằng, ngồi bệt dưới đất ngó ra bờ sông đen lấp lánh, Anh chàng LT đờn đệm hết xảy. Cô bạn thân của nàng có cái tên “trăng rằm mùa thu” ca vọng cổ rất hay. Khi bạn cất tiếng lên nói lối:

Đã trót sinh ra làm vương nữ

Mười tám xuân xanh đã khổ rồi…

Thì nàng chỉ muốn khóc. Sao hồi đó nàng mít ướt dữ vậy?

Vì tánh đa cảm đa sầu? vì trong niềm vui luôn có nỗi buồn, buồn vui luôn đi chung?

Hay đó là gì?

Bạn bè đang vui vẻ như vậy, đùng một cái, nghe nói anh Tr. và CM mới cưới nhau.

Trong trường lại vắng thêm hai người.

Chuyện tình của anh Tr. và CM có nhiều bí ẩn và bất ngờ. Anh Tr. là người thanh niên đẹp trai có học thức nhưng chưa có việc làm, CM là con nhà giàu rất được nuông chiều, mới 16, 17 muốn có chồng là có chồng liền. Sao lạ? chẳng mời ai dự đám cưới.

Nhưng, hai người lấy gì mà sống đây ta? Trong trường đâu bao giờ thấy hai người tỏ lộ tình cảm với nhau đâu? Đùng một cái, thành vợ thành chồng. À, có một lần đó chớ, nàng thấy hai người đang đứng gần gần, khi thấy nàng vừa đi tới thì CM vội choàng tay mình vào cánh tay anh Tr. ra cái điệu -người nầy là của tui à nha-

Mỹ Chi và anh Trà cưới nhau, xứng đôi vừa lứa. Sống chung một thời gian, sau đó hai ngừơi xa nhau, vì sao ai biết??? và rồi cả nhóm bạn cũng đường đời vạn lối, bặt tin nhau, rất lâu.

Không như chàng Lương và nàng Chúc, bất kỳ chỗ nào có vẻ thuận tiện là họ hôn nhau, những nụ hôn vội vàng quyến luyến gây nhiều cảm xúc. Thế rồi lần đó, lớp tối, hai đứa đang thơ thẩn trong sân (chắc là cũng cúp cua) thì bị cô bắt gặp. Cô đây là vợ của thầy. Cô rất đẹp. Người nhỏ nhắn, làn da tươi hồng dù không son phấn, bận áo dài giãn dị, tóc bới đầu càng tạo thêm nét thanh cao.

Hình như năm đó cô chưa tới bốn mươi. Thầy cô chỉ có một cậu con trai duy nhứt vừa du học bên Pháp cho nên cô có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Tối nào vào ngày thầy đứng lớp thì khi gần tới giờ cô mướn xích lô chở cô tới đón thầy. Tối hôm đó cô tới hơi sớm nên cô cũng đi lững thững trong sân. Thiệt là xui cho hai đứa, đâu biết vụ nầy nên nắm tay nhau thơ thẩn trong sân trường, vừa hôn nhau thì bị cô bắt gặp. Cô hỏi:

-Hai đứa, giờ học sao còn quanh quẩn ngoài nầy?

Nói rồi cô đuổi Minh vô lớp, níu nàng lại, biểu ngồi xuống bậc thềm cô nói chuyện. Nàng líu quíu ngán cô nên riu ríu ngồi xuống. Đêm ấy cô giảng cho một hơi, lời lẽ y chang ba má hay dạy ở nhà. Nói xong rồi, nghe nàng hứa sẽ không tái phạm nữa cô mới thả nàng ra, chạy cái vù vô lớp, quê muốn chết luôn.

Hôm đó là giờ tập ca, khi tới phiên, thầy kêu đứng lên, dĩ nhiên vì bị phân tâm nàng ca vừa trật nhịp vừa sống nhăn. Cũng may, hôm đó Minh ca rất hay. Hay thiệt.

Kể từ hôm đó, hai đứa biết sợ nên không dám cúp cua đi lòng vòng trong sân trường nữa.

Điều làm nàng thắc mắc, cô chưa tới đổi già nua khô héo, thầy cô ngồi trên xe xích lô coi tình tứ ác liệt, sao cô rầy mình, cấm không được yêu đương? Cô thầy chắc đã trải qua thời gian yêu nhau, bằng chứng là ngay lúc đó thầy cô cũng còn tình quá, sao cô thầy rầy mình?

Minh vẫn đi làm, tối nào cũng đưa nàng ăn gì đó trước khi về nhà. Cũng giãn dị thôi, có khi ăn cơm, có khi chỉ ghé chợ Phú lâm vô tiệm hủ tiếu uống ly sữa đá rồi lưu luyến chia tay một cách tiếc rẻ.

Thế nhưng, Minh dần dần vắng mặt khi bắt đầu gia nhập quân cảnh. Cũng không nhớ hồi nào, nghe mấy đứa bạn trong lớp nói là thấy Minh cãi nhau với anh T. Lúc ấy nàng gần như đi làm mỗi ngày vì cận tết, phim nhiều, có khi làm ngày không hết phải ở luôn đêm. Có lần, thay vì về trường, anh T. chở nàng đi chợ tết luôn. Ham vui, chán học, nàng gật đầu đi liền không suy nghĩ. Anh mua tặng nàng một nhánh bông mai, hộp bánh hộp trà rồi đưa nàng về nhà. Ấy là lần đầu tiên có người thanh niên tặng nàng bông hoa như vậy nên nàng có hơi bất ngờ, cảm động.

Nhớ lại, Minh lo cho nàng cách khác. Minh luôn luôn đưa nàng đi ăn, vừa nghe nàng sụt sùi nghẹt mũi thì lo đi mua dầu mua thuốc, những săn sóc nho nhỏ nhưng chu đáo lộ ý chú tâm gần gũi làm nàng rất vui và tạo nhiều cảm xúc. Nhưng, Minh chưa bao giờ tặng nàng một cái hoa, dù là đóa hoa hái ngoài… công viên… vì nàng biết nhà Minh ở khu phố chợ, làm gì có sân có đất mà trồng thứ gì? Minh chưa bao giờ bàn luận với nàng về một cuốn sách hay một băng nhạc. Minh là người thực tế. Nàng đang tuổi mới lớn, được Minh tặng tình yêu đượm trong từng món ăn thức uống, giống như tình yêu cho hết vô bụng. Tình yêu của người thực tế.

Anh T. là người đa cảm ủy mị, tặng hoa sách nhạc thơ văn. Tình cảm tinh thần. Không có ý định so sánh nhưng sự thật quá rõ ràng ngay trước mắt, đâu thể tự dối lòng mà không nghĩ tới?

….

Thời gian hai đứa trở lại bên nhau đó, nàng không mấy gì nhớ rõ mọi sự xảy ra. Mọi sự trở nên mơ mơ hồ hồ.

Minh trở nên ít nói, mặt mày lúc nào cũng nghiêm nghiêm, như giận ai, trong khi nàng thì vui như chim sáo. Không vui sao được, nàng có việc làm thường xuyên mà.

Nàng bắt đầu bị quấn vô vòng xoay của cuộc sống. Đi làm hầu như mỗi ngày. Lúc còn làm cho hãng Việt Phim, từ sớm tinh sương đi bộ tới chợ Phú Lâm đón xe lam tới bùng binh chợ Sài Gòn, đón xe đò đi Thủ Đức tới cầu Bình Triệu thì xuống, đi bộ một khúc đường mới tới hãng. Về sau nàng chuyển qua hãng Mỹ Phương thì gần hơn. Đi xe lam tới Sài Gòn rồi đón xe buýt đi Phú Nhuận, xe buýt ngừng ngay đường Chi Lăng, xuống xe đi bộ vô hẻm khoảng ba chục bước là tới hãng.

Ngày ngày đi làm mà, thì giờ có hạn nên càng ngày càng ít gặp mặt nhau.Thời đó đâu có điện thoại hay computer mà liên lạc được với nhau. Hễ vô trường mới gặp được nhau, không vô trường thì kể như huề. Rồi tới lúc Minh nghỉ học luôn. Vì vậy, nàng không biết khi nào thì Minh đi quân trường. Nàng cũng không rõ khi nào Minh trở về. Tệ thì thôi, không một lá thư, không một tin tức. Cuốn nhựt ký, lần cuối là Minh giữ.

Tại sao khi đi không nói khi về không hay?

Hơn một năm sau, ngày nọ ghé trường nàng nghe phong phanh Minh cưới vợ.

Chưng hửng.

Minh quen ai? hồi nào? cưới vợ hồi nào vậy?

À, mà sao Minh hông mời một người bạn nào từ trường nầy tới dự đám cưới? Mà cưới ai?

Minh đã quên nàng thật sao?

Nàng đã mỉm cười khi nhỏ Lan nhìn nàng với đôi mắt có dấu hỏi. Nàng cười và nói:

-Nhìn gì? Ừa. Minh có vợ. Có sao đâu. Người ta phải nối dõi tông đường mờ.

Rồi nàng ra khỏi trường. Bước chân đi, cũng trên con đường xưa đầy lá me bay, sao hồi trước nắm tay nhau đi vui biết bao nhiêu, như bước trên mây, như bước trên thảm lá thảm hoa, than đường về sao ngắn quá. Bây giờ, đi một mình, chân nặng nề, thấy con đường dài quá, dài dài quá.

Minh có vợ. Có sao đâu. Nói láo. Có sao chứ. Lòng buồn rủn cả tay chân. Sao lồng ngực nặng như đá đè? Sao trong đầu trống rỗng, chẳng suy nghĩ được gì cho rõ ràng.

Minh quên nàng mau vậy sao? Minh cưới vợ mà không một lời từ giả. Bây giờ Minh đã thuộc về người ta rồi.

Buồn chớ sao không. Làm sao không buồn?

Nàng tự suy xét, tại mình phải đi làm mỗi ngày mờ. Mệt muốn chết làm sao đi học nổi, với lại, nghe nói lúc đó Minh cũng đã nghỉ học luôn rồi mà.

Tìm mọi điều để giải thích, để bào chữa.

Minh đã hỏi mình vài lần rồi, nếu đem ba má tới cưới, mình có chịu không?

Minh là con một là cháu đích tôn mang trọng trách có con nối dõi, nhứt là trong thời kỳ chiến tranh. Minh hỏi thiệt tình, nàng tưởng chuyện chơi.

Nhưng, tại sao Minh không chịu hiểu cho nàng?

Nàng là chị lớn, còn đám em nhỏ. Nàng cần đi làm giúp cha mẹ, vả lại tuổi còn quá nhỏ, mới mười bảy, làm sao mà nghĩ tới chuyện chồng con sớm quá vậy?

Hay tại mình lơ là với Minh?

Khi ta còn trẻ quá, gặp nhau không đúng lúc thì làm sao có khả năng giữ vững tình yêu? Lại không hiểu rõ tâm tình ẩn khuấc của nhau.

Còn một điều, nàng muốn dấu. Có lẽ tại Minh không hiểu. Làm sao Minh hiểu được, vì sao nàng cố tránh Minh. Bởi vì, sau hai lần xém chút hai đứa đã không giữ được sự trong trắng, nàng sợ. Không phải sợ Minh mà là sợ chính mình.

Minh biết tôn trọng nàng và nàng đã ngăn không cho cả hai phạm lỗi. Nhưng, ngăn được bao nhiêu lần nếu hai đứa cứ như thế?

Vì vậy mà ta xa nhau.

Nay, chàng đã là của người khác rồi. Nàng mất Minh thật rồi.

Buồn từng phút giây.


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biến cố 30/4/75 làm đại đa số anh em chúng ta mất hết, đạn không còn mà súng cũng hư lại còn bị tống vào tù để lột cái quần, tẩy luôn cái não
Năm 16 tuổi tôi đã tình cờ “cua gái” một lần. Tuy 16 tuổi nhưng tôi vẫn còn nghịch ngợm. Trò chơi ưa thích nhất của tôi là bắn cọng phượng vào các nữ sinh.
Anh Trâu Điên yêu dấu Khi viết năm chữ nầy, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẫy.
Ba người bạn nầy, giống như có A thì phải có B và C vậy. Hể gặp người nầy thì cũng thấy người kia, không sai chạy. Đây là ba người bạn của Xinh từ năm 1968 sau Tết Mậu Thân.
Xinh nhớ má Bảy lúc đó còn trẻ lắm, cỡ băm mấy hà, là một người rất khoẻ mạnh, mạnh dạn đâu thua gì đàn ông
Bữa trước nghe Na nhắc "còn chuyện anh Thiệu nữa bà nhớ hông"...
Xinh với nhỏ H. giận nhau thiệt là lãng xẹt. Đúng là chuyện "lông gà vỏ tỏi"
Lúc đó, nếu Xinh nhớ không lầm thì hoặc là cuối năm Đệ thất hoặc đầu năm Đệ Lục. Còn con nít lắm.
Buổi tối nọ, ngừơi chị bạn dì của tôi biểu tui “ xè tay ra nhỏ” rồi mắt trước mắt sau lén lén nhét gì đó
Lúc ở trong con hẻm kế hãng thuốc lá Basto, nhà tui đâu lưng nhà Thanh. Thanh là con trai trưởng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.