Hôm nay,  

Tuổi Trẻ Ngu Ngơ - trang 2

03/08/201401:43:00(Xem: 11453)

Trang 2

tuổi trẻ ngu ngơ

trương ngọc bảo xuân

Khi mới vô học ở QGAN&KN, nhà nàng còn ở trong cư xá Cộng Hòa, cũng nằm trên đường Cộng Hòa, ngang trường trung học Petrus Ký.

Hồi đó đi đâu cũng phải cuốc bộ cho nên thân hình lúc nào cũng mảnh mai, dai sức.

Một buổi sáng, tới trường hơi sớm, cổng chưa mở, nàng ngồi chồm hổm dưới đất với mấy đứa bạn, in là Tuyết và Lan. Đang mơ mộng nói chuyện tương lai thì bỗng đâu có một cái gì đó đưa ngay mặt. Nàng nhìn lên thì thấy Minh đang đưa cái bánh, nhìn kỹ thì là cái bánh thửng thơm phưng phứt. Bánh thửng từa tựa như bánh bông lan nhưng bột mịn hơn và béo ngọt hơn nhiều. Chưa quen gì nhau, chưa nói chuyện riêng, chưa thân thiết gì, sao có vụ tặng bánh? Sao Minh biết đó là loại bánh nàng ưa thích? đưa ngay mặt mình. Mắc cỡ, ngượng với hai đứa bạn, nàng đưa tay ra lấy, đó là phản ứng tự nhiên, ai đưa mình cái gì thì mình tự động đưa tay ra đỡ lấy cho có lễ phép. Nàng ngại ngùng cầm cái bánh, Minh tỉnh bơ nghiêm mặt như thường ngày, hai đứa bạn thì bở ngở, rồi nhìn nhau cười khúc khích. Nàng hỏi:

-Ủa? sao biết thích bánh thửng? mua ở đâu vậy?

Minh trả lời:

-Biết mới hay. Mua ở chợ.

Bác gác cổng cũng vừa mở rộng một cánh, bốn đứa ùa vào. Trong lòng nàng vừa vui vui vừa trách –kỳ thiệt nha, ba đứa ngồi chung, chỉ có một cái bánh đưa cho mình, thế nào tuị nó cũng chọc cho coi.

Hai đứa bạn gái biết ý, không thèm rủ reng, tách ra đi tuốt phía sau, thẳng tới nhà bác gác cổng, chắc là đi ăn bánh cuốn của bác gái bán.

Minh đi cùng nàng thẳng tới lớp. Lớp còn trống, hai đưá ngồi xuống bậc thềm ngay hành lang trước cửa lớp. Nàng bẻ bánh ra chia cho Minh phân nửa. Hai đứa vừa ăn bánh vừa nhìn quẩn quanh. Có thể là hai đứa đã nói chuyện gì đó, mà hình như chỉ có Minh là người nói còn nàng chỉ ngồi nghe. Lâu quá rồi đâu nhớ rõ Minh đã nói những gì, chỉ nhớ là nàng rất thích nghe Minh nói chuyện, giọng nói êm ái dịu dàng. Hình như

Minh nói về gia đình, Minh là con trai độc nhứt, hình như Minh chỉ có một người chị, cha Minh làm thợ may cho tiệm may của ông nội Minh.

Khi đám bạn ồn ào kéo tới, nghe loáng thoáng tiếng cười và tiếng chọc:

-Lương Sơn Bá tặng Chúc Anh Đài cái bánh cưới…

Thế rồi, kể từ đó, biệt danh Lương Sơn bá và Chúc Anh Đài chuyền miệng vòng vòng trường. Bấy giờ tụi bạn quỷ quên bứt tên nàng, chỉ réo nàng là Chúc Anh Đài mà thôi. Đôi khi có mặt thầy gần đó mà nàng cũng bị tụi bạn réo ong óng, sợ thầy nghe biết thì tiêu.

Thiệt tình, chỉ vì một cái bánh mà bị cắp đôi liền.

Chuyện cắp đôi trong trường là chuyện thường xảy ra.

Một hôm, thầy LHN bắt nàng và bạn LT ra diễn cặp, một trích đoạn đại ý là người anh trai dạy dỗ trách mắng đứa em gái vì cô đã có bồ bịch gì đó.

Bây giờ nhớ lại, suốt niên học, không bao giờ thầy cho Lương Sơn Bá đóng cặp với Chúc Anh Đài. Tại sao???

LT là người đóng vai chính, tức là nói và diễn, nàng đóng vai đệm, là phụ, chỉ nghe thôi.

Anh trai vừa dạy em không được lụy vì tình vừa kể chuyện có người con gái lỡ dại mang thai bị người yêu ruồng bỏ nên quẩn trí vừa sanh xong gói đứa bé sơ sinh rồi quẳng vô thùng rác. Tuy nàng đóng vai đệm, nhưng đã tập trung hết sức vào vai, thấm ý, sẵn đang đa cảm đa sầu nên mũi lòng òa khóc nức nở làm cả lớp cũng khóc theo. Có lẽ vì chuyện đó đã làm xao xuyến chàng LT hay sao mà sau đó, ánh mắt của LT nhìn nàng có hơi khác khác, cũng thường hay hỏi chuyện nàng. Một hôm, anh Tr. dặn nàng sáng mai thứ bảy không có lớp, hãy ghé qua nhà anh, anh có chuyện muốn nói.

Nàng đã suy nghĩ, chuyện gì mà không nói trong trường? tại sao phải tới nhà? Có nên đi không? Sau cùng lòng tò mò thúc đẩy, nàng muốn đi nhưng không dám đi một mình, đã dè dặt rủ chị hai đi cùng.

Hai chị em tà tà tới đầu hẽm thì thấy anh Tr. đang đứng đợi. Mời hai chị em leo lên căn gác nhỏ, thì thấy LT đã có mặt sẵn rồi.

Lần đầu tiên bước vô một căn gác trọ của người thanh niên độc thân, nàng tò mò lắm, khó thể tránh ngó xung quanh. Căn gác trọ gần như trống không, chỉ có cái giường nhỏ mà anh LT đang ngồi, một cái bàn tí xíu kế bên, trên có để một cái áo sơ mi được xếp gọn, giống như kiểu áo xếp từ tiệm giặt ủi về, vậy thôi, nàng chỉ nhớ có vậy thôi.

Anh Tr. mời hai chị em ngồi chơi, hình như hai chị em muốn vén áo dài ngồi xuống sàn nhà, anh LT thấy vậy mời hai chị em ngồi trên giường đi, anh xuống đất.

Cũng không nhớ rõ hôm đó bốn người nói chuyện gì với nhau nữa, hình như nói về chuyện học, về những trích đoạn đang tập luyện, chuyện trời trăng mây nước chẳng đâu vào đâu và sau cùng, cũng chẳng biết lý do gì anh Tr. đã mời nàng tới nhà mình nữa.

Trên đường về, ngu gì thì nàng cũng mang máng hiểu rằng: lẽ dĩ nhiên là anh Tr. không bao giờ để ý tới nàng nhưng hẹn nàng tới nhà mà sẵn có mặt anh LT thì chắc chắn là anh muốn làm ông mai rồi. Nhưng, nàng chỉ coi các anh như anh, như bạn mà thôi. Lòng dạ lúc ấy đầy những lý tưởng, bài học, vừa học chữ vừa học ngề, phất phơ lơ tơ mơ chưa hiểu rõ tình cảm của mình, với lại các thầy thường hay dặn “các con” rằng, hãy chuyên lo học hành đừng nên để tình cảm làm vướng bận bước chân mình.

LT là một người con trai rất trầm tỉnh, tình cảm nhưng quá nhát. Cho tới về sau anh cũng chưa bao giờ nói sự thật về lòng mình nhưng với những cách đối xử, nàng mang máng hiểu, anh đã đem lòng thương yêu nhưng đặt không đúng ngừơi.

Trái lại, tình cảm của hai ngừơi ngây ngô dần dần cũng bày ra, đối với nàng, là những cử chỉ chăm chút rất dễ thương làm lay động, khó mà giữ vững được lòng.

Nàng có chứng bịnh dị ứng khó trị, quanh năm suốt tháng, thường hay ngẹt mũi ho hen. Một buổi chiều cả bọn đã ngồi vào lớp, thầy cũng đã vào, ngoài trời còn hanh nắng, nóng, ngọn gió nào hơi lất phất ùa theo đám bụi, nàng bị hắt hơi liên tiếp mấy cái bực bội.

Chàng LM từ phía dưới đi lên, ra khỏi lớp. Cả chục phút sau trong khi thầy LHN đang đứng giảng về cách trang điểm lên sân khấu, phải chịu dưới ánh đèn sáng quắc, phải đắp mấy lớp phấn ướt phấn khô… thì chàng LM mới bước trở vô lớp. Khi đi ngang bàn đầu của nàng, chàng nhẹ tay đặt lên bàn một… cái gì đó rồi tỉnh bơ đi tuốt xuống bàn mình ngồi.

Thầy LHN từ trên nhìn xuống thấy rõ ràng cử chỉ ấy nhưng thầy không nói gì, nàng giựt mình nhìn kỹ hơn thì đó là một chai dầu Nhị thiên đường nhỏ xíu, một góc hộp đã xé sẵn để dễ mở mà lấy chai dầu ra.

Cho tới ngày hôm đó, buổi chiều có nắng hanh vàng đó, nàng chợt hiểu ra, lòng nàng đã rung động, vì cái bánh thửng đưa ngay trước mặt một buổi sáng sớm, vì ly nước cam lạnh khi trời đang nóng, vì chai dầu gió khi nàng đang bịnh, và nhiều nhứt là, vì ánh mắt của chàng, ánh mắt im lặng, không cần nói gì, chỉ cần nhìn thôi.

Cầm chai dầu nàng cất lẹ vô hộc bàn, mắc cỡ quá chừng trước mặt thầy và cả lớp mà chàng dám tỏ rõ thái độ săn sóc riêng tư như vậy, trời ơi trời lộ liễu quá đi. Thiệt tình!

Thế là tiếng đồn ầm lên thêm, tuị bây ơi Lương Sơn Bá mới tặng chai dầu nhị thiên đường cho Chúc Anh Đài.

Tuy không nói, nhưng Minh đã tỏ thái độ dạn dĩ rõ ràng cho các bạn biết tình cảm của mình, nàng phục chàng thiệt đó nha.

Thời gian sau mới biết nhà Minh cách nhà nàng rất gần, Phú Lâm đường Lục Tỉnh và cầu Cây Gõ đường Minh Phụng, vì thế chàng mới ngồi cùng chuyến xe với nàng, về sau biết thêm Minh học ở trường trung học Mạc Đỉnh Chi. Chàng là người Minh Hương, cha Tàu mẹ Việt

Cách chứng tỏ tình cảm của ngừơi con trai dân Minh Hương nầy, thiệt ngộ. Tuổi mười sáu mười bảy, sao mà dễ xúc động đến thế? Sự chu đáo của chàng đã làm rung động lòng nàng, lòng dạ như sợi tơ vàng mong manh, chỉ một gợn gió nhẹ cũng đủ làm rung sợi tơ vàng tình cảm của ngừơi đa cảm đa sầu như nàng.

Dưới con mắt của ngừơi lớn dĩ nhiên là thầy đã biết tình ý của hai đứa nầy nhưng thầy làm thinh. Nhưng trong ánh mắt của thầy, có điều gì đó như trách cứ!.

Nhưng, nàng vẫn còn muốn dấu, ai có nói gì nàng vẫn một mực cãi lại, chúng tôi là bạn mà, học chưa ra gì hết, tình gì mà tình, nói tầm bậy không hà! Hết chuyện đặt, sao đặt tên của hai người yêu nhau rồi xa nhau, vì tình mà chết yểu, thiệt là xui!

Ngoài miệng thì nhiếc móc bạn bè nhưng trong lòng nàng thích lắm. Trời, nàng khoái mấy chuyện tình cảm ướt ác thảm sầu đầy nước mắt của ngừơi xưa lắm mà. Còn nhỏ quá, chưa biết qúi thời gian, chưa biết trọng tình yêu, tưởng như là trái đất ngừng quay để đợi họ. Họ, hai ngừơi tuổi trẻ, cứ như hai con đường song song, đường Ngu và đường Ngơ. Ngu và Ngơ cứ song song mà đi cùng nhau một quảng đường dài, trong lúc ấy lại có những hoa dại những cỏ may vương lai quần vướng tay áo.

Tháng ba năm đó nàng cùng với gia đình về quê trong dịp lễ Thanh Minh. Thanh Minh là lễ tảo mộ. Bà con cả hai bên nội ngoại mồ mã ở ba châu thành, Long Xuyên Châu Đốc Cần Thơ. Lần đó đi cả gia đình, tới ba tỉnh như vậy cho nên phải nghỉ học cả hai tuần lễ. Trước ngày đi mấy buổi học, một chiều nọ cả đám ngồi trên bậc thềm trước thính đường là nơi tụ họp của cả bọn, nói dóc chơi. CM nhìn anh Tr. với ánh mắt yêu đương thấy rõ, lên tiếng trước:

-Chà. Anh Tr. lúc nầy bộ bận học thi lắm hay sao, ít thấy anh vô lớp. Hôm nào em mời cả lớp tới nhà em chơi, rồi đi ăn tối, ba em mời đó.

Anh Tr. chưa kịp trả lời thì anh T. vui vẻ nói:

-Ảnh bịnh mà. Mấy hôm nay ảnh bị nhức đầu sổ mũi, chắc tại thức khuya học thi quá độ đó. CM làm ơn mua thuốc cho ảnh uống đi, săn sóc ảnh như Lương Sơn Bá

Hề hề hề…

CM liếc anh T. nhưng miệng thì cười cười:

-Ai bịnh gì bịnh cũng không bằng Chúc Anh Đài đâu. Nàng nầy bịnh kinh niên, lúc nào cũng sụt sùi.

Rồi Minh buông thêm một câu:

-Ai mà cưới Chúc Anh Đài thì như cưới luôn cái nhà thuốc tây.

Mọi ngừơi cười cái rần. Riêng nàng thì xụ mặt liền. Là vì, bịnh nầy đã làm nàng sẵn khó chịu rồi, nay nghe anh chàng nầy nói một câu mất cảm tình, nàng giận ra mặt. Nàng nhìn chàng với cặp mắt sáng quắc, xếch ngược, im lìm, lặng lẽ đứng dậy, đi về lớp.

Vừa đi nàng vừa nghĩ bụng -thấy ghét. Mới vừa cho mình chai dầu tưởng đâu ta đây cảm động rồi muốn nói sao thì nói à. Bịnh thì kệ tui, mắc mớ gì mua dầu. Ai mượn? Ai cần? Thấy ghét. Ai ưng mà cưới? Xí!

Thế là nàng giận chàng luôn mấy hôm không thèm ngó tới cái bản mặt. Giận luôn cho tới hôm đi Thanh Minh. Trước khi đi nàng ra tiệm cho thợ cắt đi mái tóc dài, chỉ còn chừa đụng tới vai mà thôi. Minh thích mái tóc dài của nàng lắm.

Ba của CM là chủ một hãng xe đò hay là giám đốc gì đó cho nên cả gia đình nàng được CM bớt cho phân nửa giá vé.

Sáng sớm trời còn tối hù CM cũng thức dậy ra tận bến xe tiễn bạn. Tới bây giờ nàng vẫn còn nhớ tình cảm bạn bè ấy. Khi tâm trí còn thơ ngây, còn trong sáng, chưa vướng bụi trần, chưa bị tranh đua sinh ra ganh ghét, tình bạn mới dễ thương làm sao. Bây giờ, lọc lại tất cả những phiền muộn, nàng như vẫn còn thấy ánh mắt nụ cười và tình cảm của CM sáng hôm ấy. CM còn mua thêm một bịch bánh gì đó, leo luôn vô xe trao tận tay nàng:

-Để ăn dọc đường, thôi về nghen.

Rồi CM mới xuống xe.

Xe chạy rồi, nàng mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, trời dần dần sáng. Ra tới ngoại ô, bắt đầu thấy dây điện bên đường. Những dây điện chạy lùi ra sau, khi dâng lên khi chùng xuống. Nàng đếm từng cây số ngàn trụ bên đường. Nàng nhìn đàn chim giống như bay theo chiếc xe đò chở khẳm người, khi ngiêng qua khi xàng lại và luôn bóp còi, ỷ lớn, ý muốn đuổi người đi đường kẻ đạp xe và những chiếc xe hơi nhỏ phải tránh phải dạt qua ép sát bên đường. Nhìn những ngôi nhà lợp ngói vách tường của thành phố từ từ được thay thế bởi những mái lá khuất sau rặng cây, nàng thấy từng phút từng giây càng xa người đó. Từng cây số xa chàng, lòng dạ bức rức, buồn buồn. Chiếc xe cứ tưng lên xốc xuống qua mấy cái ổ gà ổ voi, lòng dạ bồn chồn chỉ muốn trở về nhà.

Khi phải xuống xe để xe và người qua hai cái bắc, Mỹ Thuận, Vàm Cống, nhìn nước sông chảy cuồn cuộn kéo theo những đám lục bình, nàng nhớ Minh. Nhớ lắm. Phải xa cách những hai tuần lận, làm sao chịu nổi?

Lấy tay vuốt mái tóc ngắn, Minh ơi Minh. Giận Minh, bỏ mái tóc dài Minh ưa thích. Thật trẻ con, thật ngu dại.

Đây rồi, nàng thấy những ruộng lúa cánh đồng bạc ngàn, là tỉnh lỵ rồi.

Năm chục năm về trước ngu và ngơ gặp nhau, ngày hôm đó trên chuyến xe về miền tây, nàng nhớ chàng, sau mấy ngày dài thiệt là dài giận dỗi. Năm chục năm sau, nàng vẫn còn nhớ chàng, nhớ hơn cả ngày xưa, nỗi nhớ lắng đọng, như dấu khắc trên đá, như những tấm bia ngàn đời còn để lại và nóng như đốm lửa than. Nàng vẫn thấy chàng năm mười bảy tuổi, đang đứng ngay trước mặt nàng, như những ngày xưa trong sân trường, trong lớp học, trên sân khấu, trên bậc thềm trước thính đường, trên đường đi bộ từ trường ra tới bến xe buýt, leo lên xe hai đứa ngồi bên nhau, xuống xe, đi cùng nhau tới ngả rẽ hai đứa mới về hai lối, đường Lục Tỉnh và đường Minh Phụng.

Nhớ và nhớ chàng khi đi bộ dọc trên con đường làng đất bụi có hai hàng cây giao đầu. Nhớ chàng khi nhìn rặng trâm bầu, bụi tre, cột trầu, cây cau, cây dừa, cây xoài, cây nhãn, mái lá, cái lu đựng nước mưa, tất cả mọi thứ, nàng đều nhớ chàng.

Ra tới mảnh đất nghĩa địa, như cái máy, nàng làm theo lời chỉ bảo của người lớn, bày thức ăn thức uống trước những ngôi mộ từ đời ông bà, nàng đọc thầm tên của những ông cố ông xơ ông nội ông ngoại… nàng lại nhớ tên chàng.

Trong chuyến đi ấy, nàng thấy rõ tâm tình của mình.

Buổi chiều, nhìn tận chân trời mút mắt, ráng chiều đỏ hồng đỏ thẩm, nàng nhớ chàng tái tê. Nàng tự nhủ, rồi mười, hai chục năm sau, mỗi khi nhìn ráng chiều, ta sẽ nhớ chàng. Nàng đâu ngờ, không chỉ mười, hai chục năm sau mà bây giờ sau năm chục năm sau, nhìn ráng chiều hay bình minh, mùa hè nắng cháy mùa đông lạnh lẽo, nàng nhớ chàng.

(Còn tiếp)

blank

http://img.photobucket.com/albums/v301/ngocanh32/img20140621_09001251_zps081ff5bd.jpg

Trên bậc thềm trước thính đường trường QGAN&KN, ngày thi giáp niên 7-6-1965

(còn tiếp)


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xin khấu đầu trước anh linh của Trần tiên sinh cho tôi mượn tựa đề nổi tiếng "vừa đi đường, vừa kể chuyện" của ngài để chia sẻ vài chuyện vui vui trên những nẻo đường quê hương.
- “Cái nghề cầm cục...phấn (có dấu sắc) trắng đứng trước bảng đen mà hò hét cái đám “nhất quỷ nhì mà thứ ba học trò” như các em thì trước sau gì thầy cũng bị nám phổi, tức là làm cái nghề “bán cháo phổi”.
Chẳng lẽ cho tới ngày nhắm mắt lìa đời, không thể nào gặp lại Minh, cầm tay Minh và hỏi “tại sao lúc đó Minh bỏ tôi mà đi, không nói một lời?”
Cuốn phim đã làm nàng phải bỏ ra khỏi phòng thu, đứng dưới gốc dừa, âm thầm khóc.
ba nàng đón sẵn, xáng cho nàng một bạt tai. Bạt tai nháng lửa, những ngôi sao mơ mộng đã cùng nhìn với Minh lúc nãy, như bể ra
Còn nỗi nhớ Minh, nàng nhớ rõ mặt chàng. Nhớ từng sợi tóc, từng nét chân mày, đôi môi, ánh mắt, giọng nói, nhớ luôn cả hơi thở và “mùi con trai” của Minh
Năm 1964. Nửa thế kỷ trước, có hai người trẻ tuổi yêu nhau. Nàng mới 16, chàng mười bảy.
Viết trả nợ đã hứa, nhân năm Ngựa, một hồi ký vui đời lính.
Tôi chỉ quen cô bé có hai năm. Những ngày thơ dại đó vẫn còn phảng phất trong trí nhớ như sương khói bây giờ của tôi, nhiều thập niên sau.
Cơn nắng hừng hực cuả mùa Hè toả xuống vùng đất mà pháo đội vừa di chuyển đến từ một ngọn đồi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.