Hôm nay,  

Thư Bạn Cũ

19/06/201000:00:00(Xem: 15691)

Thư Bạn Cũ (1)
Hùng Lúi
Đồi Đại Sơn, ngày 19 tháng 6 năm 1972
Phượng Hồng bạn ơi,
Hùng Lúi đây… Hùng Lúi đang viết thư cho bạn đây.
Chắc chắn là bạn ngạc nhiên lắm, ngạc nhiên đến sững sờ khi nhận được thư này bạn nhỉ!
Phượng Hồng còn nhớ Hùng Lúi này không" Hùng Lúi là Louis Hùng đó. Cái tên này đã được chính Phượng Hồng đặt trại ra là Hùng Lúi cho vui vui đó mà.
Phượng Hồng à, Hùng Lúi còn nhớ rõ lắm. Cách đây bốn năm cũng vào tháng 6 này, bạn bè tụi mình đã chia tay nhau vào mùa hè cuối năm Đệ Nhất từ mái trường Bồ Đề với thầy cô với bạn bè rất thân thương yêu dấu không sao quên được đó.
Vào ngày cuối năm học đó, lớp nào cũng có tiệc chia tay với bánh kẹo với quà lưu niệm, nhất là cuốn Lưu Bút thì ai ai cũng “thủ sẵn” để chuyền tay nhau mà ghi ghi chép chép, mà nguệch ngoạc mấy dòng lưu niệm ngô nghê dễ thương. Còn cái màn “văn nghệ bỏ túi” thì lại càng không thể nào thiếu được, vui đáo để. 
Hôm đó “bộ tam sên” của mình - gồm Phượng Hồng ca sĩ, Long Cò Tây kéo violon và Hùng Lúi thủ guitar – có vẻ “ăn khách” nhất, với bài Hè Về của Hùng Lân mở màn chương trình thật vui tươi hào hứng
Trời hồng hồng sáng trong trong
ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên…
“Giọng ca vàng” Phượng Hồng thật hay với bài Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…
Chưa hết, các bạn lại bis… bis… Phượng Hồng lại hay tiếp với bài Ngày Tạm Biệt của Lam Phương
Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau
Bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao
…   …   …
Ta chúc nhau những gì đẹp lòng nhau
Dù thời gian có phôi pha ta không bao giờ quên
Nhưng xuất sắc nhất vẫn là tiếng đàn violon của Long Cò Tây. Nó học đàn hồi nào mà chơi hay quá, hay nhất thị xã. Hồi lớp Nhất tiểu học nó đã được tiếng là thần đồng rồi. Hùng Lúi này đệm guitar chạy  prelude theo thiếu điều không kịp với tiếng đàn của nó tuy đã tập kỹ trước. Thầy cô và các bạn đều mê mẫn say sưa thả hồn theo bài Dòng Sông Xanh lúc trầm lúc bổng khi nhặt khi khoan qua ngón độc tấu violon lả lướt của nó.
Chuyện vui buồn nghịch ngợm thời đi học thì biết bao nhiêu giấy bút viết lại cho hết, phải không Phượng Hồng" Mà những nghịch ngợm của “bộ tam sên” mình thì chẳng có gì gọi là quá quắc, mà hoàn toàn “vô thưởng vô phạt”, chỉ là vui thôi. Phải không!"
Năm đó, qua trận Mậu Thân do giặc Cộng tráo trở đánh lén, thấy không thể ngồi yên được, đậu Tú Tài II xong hai đứa lên đường nhập ngũ ngay. Long Cò Tây nhờ vóc dáng cao lớn nên nó được chọn vào không quân, còn Hùng Lúi thì đi bộ binh. Nó nói “Lúi... Sao lại buồn, binh chủng nào cũng được, miễn là mình thực hiện được hoài bão đánh giặc để cứu nước cứu dân là tốt rồi”, nghe thật chí lý. Thế là mỗi đứa mỗi nhiệm vụ dấn thân vào lửa đạn, bặt tin nhau. Mỗi khi cầm cây guitar Hùng Lúi lại nhớ lắm tiếng đàn violon của nó.
Ba năm sau mới biết phi đoàn của nó đóng ở sân bay Cù Hanh trên Pleiku. Tình hình chiến trận ngày càng ác liệt nên phi đoàn nó thường bay xuống yểm trợ cho chiến trường Bắc Bình Định này. Mỗi lần nó vào vùng, thỉnh thoảng hai đứa chào hỏi nhau vài ba câu ngắn ngủi. Có lần nó đùa “Lúi… Mày “còn” đó không"” – “Còn… Bố “còn” đây… Con!”, rồi hai đứa cười xòa vì biết bạn mình vẫn bình yên.
Nhớ lần tiểu đoàn Hùng Lúi về bảo vệ Căn Cứ Nguyễn Hải Đằng là nơi bộ chỉ huy Trung Đoàn 41 Bộ Binh đóng quân, vào lúc yên tĩnh hai đứa kéo nhau vào câu lạc bộ tán dóc chơi. Nó hỏi “Mày còn nhớ Phượng Hồng không"” - “Nhớ chớ sao không, “giọng ca vàng Bồ Đề” thuở nào đó mà. Rồi sao"” – “Tình cờ tao gặp Phượng Hồng ở Pleiku. Nó dạy trường trung học Pleime. Tao kể lại chuyện cũ cùng chuyện ca hát đàn địch của “bộ tam sên” mình hồi đó” – “Chắc Phượng Hồng thích lắm!" – “Ờ… Thích lắm… Vừa nghe nó vừa chớp mắt lia lịa. Tụi tao có nhắc đến mày. Nó có cho tao địa chỉ đây, mày viết thư cho nó đi. Nó trông tin mày lắm đó!”. Vậy mà từ đó đến nay Hùng Lúi vẫn chưa viết cái thư nào cho Phượng Hồng, nghĩ… tệ thật. Thì cũng do cái chuyện đánh đấm liên miên nó làm cho Hùng Lúi mệt mỏi và… lười biếng đó thôi. Phượng Hồng thông cảm cho nha.
Phương Hồng bạn ơi,
Hôm nay thì Hùng Lúi phải viết, viết gấp, phải kể, kể gấp chuyện này cho bạn nghe mới được.
Chuyện này xảy ra trên đồi Đại Sơn là nơi mà đại đội của Hùng Lúi đang bị giặc Cộng quấy rối thường xuyên. Tình cờ phi đội của Long Cò Tây có nhiệm vụ yểm trợ cho đại đội mình. Khi bay vào vùng, nó lại hỏi “Lúi… Mày “còn” đó không"” - “Còn… Bố “còn” đây… Con!”, rồi hai đứa lại cười xòa vì biết bạn mình vẫn bình yên. Đích thân nó đổ quân tăng cường cho mình đó Phượng Hồng. Mình thấy yên tâm làm sao vì hai thằng bạn thân năm nao nay lại cùng chiến đấu sát cánh bên nhau, sống chết có nhau, làm sao không hết lòng cho nhau, không trân quí nhau cho được.
Nó đã đổ được hai tiểu đội tác chiến một cách an toàn xuống cái đồi Đại Sơn “nóng bỏng” này trong tiếng đại liên lia xuống xối xả để ngăn ngừa đại liên phòng không địch bắn phá lên. Cứ mỗi chuyến nó đổ quân là hai đứa lại nói với nhau “Good Luck… Lê Lợi… !” – “Thanks… Hồng Hà… !”. Nhưng đến chuyến đổ quân thứ ba thì tàu nó bị trúng đạn chỉ cách chỗ của Hùng Lúi chừng ba cây số. Tàu nó quay vòng vòng mấy tua rồi rơi ầm xuống đường rầy xe lửa. Đến chiều, một tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm được nơi này thì thấy chiếc tàu bay này đã rớt đè dẹp tổ đại liên phòng không của địch. Long Cò Tây và phi công phụ, hai xạ thủ đại liên cùng chín chiến sĩ bộ binh đã hy sinh. Còn xác ba tên giặc Cộng thì bị dẹp lép với cái ba cổ chân được Bác và Đảng “hun đúc tinh thần chống Mỹ cứu nước” bằng cách xích chặt vào càng súng để chiến đấu “thật ngoan cường”.
Phượng Hồng ơi, Long Cò Tây đã anh dũng hy sinh, nó hy sinh ngày 19 tháng 6, đúng vào Ngày Quân Lực của mình. Nó chưa kịp nâng ly cùng đồng đội, chưa kịp cụng ly với Hùng Lúi vào ngày đại lễ này. Ôi… Đau lòng quá…! Long Cò Tây - người bạn chung của tụi mình, của “bộ tam sên” năm nao đã “đi xa” rồi… Phượng Hồng ơi…!.


Người anh hùng Long Cò Tây sẽ được mai táng tại Nghĩa Trang Quân Đội Đèo Son – Khu Sáu Quy Nhơn, Phượng Hồng có đến viếng và thắp ba nén nhang cho nó được không"
Còn lại nơi đồi Đại Sơn “nóng bỏng” này,  Hùng Lúi luôn mong tin bạn đó, bạn Phượng Hồng ơi!
Mến thư,
Hùng Lúi.
++++

Thư Bạn Cũ (2)
Phượng Hồng
Pleiku, ngày… tháng… năm 1972
Phượng rơi đỏ sân trường
Báo hiệu mùa chia tay
Em ngập ngừng đứng đợi
Mây trắng hững hờ bay
Hùng Lúi thân mến,
Nhận được thơ bạn, Phượng Hồng rất ngạc nhiên nhưng tin về người bạn trong “bộ tam sên” của mình là Long Cò Tây đã đền nợ nước thì thị xã, xóm làng mình đã hay tin rồi đó bạn. Riêng Phượng Hồng thì mới nhận hung tin qua bạn bè cũ trường Bồ Đề cách đây ít ngày. Tin này làm cho Phượng muốn chết sửng đó bạn Hùng Lúi ơi. Nắng trong sân trường đổ lửa, như thiêu đốt cả tâm can khi Phượng hình dung đến cái chết oai dũng mà quá đổi bi thương của người bạn xưa.
Phượng sẽ về lại Qui Nhơn vào mùa hè nầy khi trường đóng cửa , để thăm nhà, và chắc chắn Phượng sẽ đến thăm Long ở Nghĩa Trang Quân Đội Đèo Son – Khu Sáu, đốt nén nhang và cầu nguyện cho Long luôn yên tĩnh ngàn đời sau.
Lần rồi, tình cờ gặp Long Cò Tây , hai đứa kéo nhau vô quán sinh tố . Phượng Hồng nhớ hôm đó Long coi rất ngầu với bộ đồ bay màu đen, đôi kính râm đậm màu làm cho khuôn mặt Long thêm phần “lính bay bướm”. Long cũng bày đặt hút thuốc lá liên miên và kêu ly cà phê đen , còn Phượng thì Long gọi hộ ly sinh tố mãng cầu. Ngồi đối diện với Phượng, Long ý tứ gỡ kính râm ra. Long hay thật, đi lính rồi mà vẫn giữ được cái tính điềm đạm lịch sự như xưa.
Long có nói về một người con gái tóc thề miền sông Hương núi Ngự, hiền thục đoan trang mà Long đang có ý định đưa về nhà giới thiệu cha mẹ để tiến tới chuyện trăm năm. Long có cho Phượng xem vài tấm hình thật xinh của Mỵ Cơ – tên người yêu của Long – do Long chụp vào dịp hai người đi chơi với nhau bên bờ sông Hương khi Long được phép thường niên mùa hè năm trước. Một tấm Mỵ Cơ nằm sấp trên vạc cỏ xanh mướt có nhiều hoa tươi với khuôn mặt bầu bĩnh, hai tay chống cằm, đôi mắt mở to nhìn lên trông ngây thơ lắm. Một tấm toàn thân chụp từ phía sau, Mỵ Cơ đứng dưới tàng phượng vỹ, mặc áo dài tím, tóc thề xỏa ngang lưng nhìn ra sông Hương xa xa là cầu Tràng Tiền - một tấm hình toàn cảnh thật đẹp. Vui nhất là  tấm hình Mỵ Cơ  núp sau gốc phượng lớn thò đầu ra “hù” Long rồi cười toe toét. Thì hồi còn đi học, Long đã giỏi chụp hình rồi mà. Phượng thấy hai bạn này xứng đôi lắm.
Mới gặp Long đó, chưa kịp viết lá thư thăm hỏi, địa chỉ vẫn còn trong ví, mà tin Long đền nợ nước làm Phượng choáng váng bất ngờ. Phượng Hồng thương cho người con gái đó quá.
Thơ bạn nhắc lại cả một khoảng thời gian quá sức vui vẻ hiền hòa nghịch ngợm dưới mái trường Trung Học Bồ Đề thương yêu của chúng ta, làm cho lòng mình buồn thật buồn, khi bạn bè ngày xưa mất mát quá nhiều kể từ khi chúng mình lớn lên, rời xa trường lớp . Những bạn con trai lần lượt vào lính, xông pha chiến trận, phần chết oai hùng, phần thương tật liên miên ; còn lại đám con gái niềm vui nổi buồn cứ bềnh bồng theo người ra đi không hẹn được ngày trở về.
Nhắc lại, tên mình đâu phải là Phượng Hồng mà là Hồng Phượng, vì trong lớp lại có nhỏ Ngọc Phượng, lớp bên cạnh lại có thêm Bích Phượng, nên Hùng Lúi mới đặt mình là Phượng Hồng để phân biệt với hai bạn kia, lại nói cho có vẻ… “bông hoa thơ nhạc”. Và, mỗi lần đi hát giúp vui hay hát cho lính nghe, mình thường được giới thiệu là Phượng Hồng, nên cái tên này trở nên quen thuộc với nhiều người. Hùng Lúi vui tính quá. Lần nữa, Phượng cám ơn bạn nhiều lắm đó.
Từ ngày Phượng Hồng dạy trường trung học Pleime, xa cách dần những bạn bè thời niên thiếu. Thị xã Pleiku nhỏ bé lắm bạn à, đi lên đi xuống đã hết con đường phố . Nhà thơ Vũ Hữu Định trong một bài thơ phổ nhạc, viết cho những cô gái má đỏ môi hồng Pleiku, tình và cảnh rất gần với núi đồi Pleiku nhiều sương mù
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Người khách lạ của nhà thơ còn “có em” , còn Phượng Hồng, vẫn còn quá xa lạ với thành phố Pleiku.
Nhớ hoài tiếng đàn violon của Long Cò Tây hòa cùng tiếng guitar của Hùng Lúi và giọng hát của Phượng Hồng thuở nào, nay như đàn đứt dây, tiếng hát của Phượng Hồng bây giờ lẻ loi lắm bạn à. Hay có thể nói Phượng Hồng bây giờ không còn cất cao giọng hát ngày xưa nữa, hát cho ai nghe đây hở bạn ".
Ở đây Phượng Hồng dạy học, tìm vui nơi những học trò Đệ Nhất Cấp còn ngây thơ, những kỷ niệm xưa như sống lại mỗi ngày qua hình bóng của lũ học trò nầy.
 Nhịp sống thị xã Pleiku bụi đỏ sương mù, áo trận đầy đường, nhịp thở gần gũi chiến tranh lắm bạn ơi. Mỗi khi đoàn xe nhà binh rầm rộ chuyển quân ngang phố thị, Phượng Hồng cứ bần thần ngó theo, quên cả mình đang trong lớp học, quên cả mình bây giờ đã là một cô giáo nghiêm trang không có quyền lãng mạn thả hồn bay ra ngoài cửa lớp như thuở nào nữa .
Cái không khí chiến tranh chết chóc bao trùm lên thị xã nhỏ bé này đã tác động nặng nề lên tâm trạng bất an của mọi người. Thương cho các em học sinh - mới tuổi mười lăm mười ba đang còn trong vòng tay che chở của cha mẹ - Phượng đã đọc được trong đôi mắt các em vẻ thất thần ngơ ngác. Nhất là các em lớp Đệ Nhất Đệ Nhị như đang đứng giữa ngả ba đường, chẳng biết tương lai mình sẽ đi về đâu, sẽ ra sao" Có em may mắn được theo đuổi tiếp việc học, những mong mai sau có được cuộc sồng ổn định. Có em chọn hẵn binh nghiệp như Long như Hùng như các bạn của mình năm xưa. Nhưng cũng có em thì vào lính với tâm trạng miễn cưỡng, chẳng đặng đừng. Thế thôi!
Bạn là người chiến binh đời sống luôn di chuyển nay đây mai đó, muốn biết tin bạn, Phượng Hồng chỉ có thể dõi theo tin chiến sự trên đài phát thanh, trên mấy tờ báo địa phương , hồi hộp với nỗi lo và sự chờ đợi …
Mong sao chiến tranh đừng đem bất hạnh thêm nữa đến với mọi người, trong đó có bạn bè của Hùng của Phượng.
Cầu xin ơn trên ban vạn sự an lành cho Hùng Lúi và đồng đội của bạn.
Mến thư,
Phượng Hồng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xin khấu đầu trước anh linh của Trần tiên sinh cho tôi mượn tựa đề nổi tiếng "vừa đi đường, vừa kể chuyện" của ngài để chia sẻ vài chuyện vui vui trên những nẻo đường quê hương.
- “Cái nghề cầm cục...phấn (có dấu sắc) trắng đứng trước bảng đen mà hò hét cái đám “nhất quỷ nhì mà thứ ba học trò” như các em thì trước sau gì thầy cũng bị nám phổi, tức là làm cái nghề “bán cháo phổi”.
Chẳng lẽ cho tới ngày nhắm mắt lìa đời, không thể nào gặp lại Minh, cầm tay Minh và hỏi “tại sao lúc đó Minh bỏ tôi mà đi, không nói một lời?”
Cuốn phim đã làm nàng phải bỏ ra khỏi phòng thu, đứng dưới gốc dừa, âm thầm khóc.
ba nàng đón sẵn, xáng cho nàng một bạt tai. Bạt tai nháng lửa, những ngôi sao mơ mộng đã cùng nhìn với Minh lúc nãy, như bể ra
Còn nỗi nhớ Minh, nàng nhớ rõ mặt chàng. Nhớ từng sợi tóc, từng nét chân mày, đôi môi, ánh mắt, giọng nói, nhớ luôn cả hơi thở và “mùi con trai” của Minh
Năm chục năm sau, nàng vẫn còn nhớ chàng, nhớ hơn cả ngày xưa, nỗi nhớ lắng đọng, như dấu khắc trên đá,
Năm 1964. Nửa thế kỷ trước, có hai người trẻ tuổi yêu nhau. Nàng mới 16, chàng mười bảy.
Viết trả nợ đã hứa, nhân năm Ngựa, một hồi ký vui đời lính.
Tôi chỉ quen cô bé có hai năm. Những ngày thơ dại đó vẫn còn phảng phất trong trí nhớ như sương khói bây giờ của tôi, nhiều thập niên sau.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.