Hôm nay,  

BÍ MẬT CỦA ÔNG THẦY THỌT

12/03/201300:00:00(Xem: 7180)
Con ơi học lấy nghề cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm


Hội An là một thành phố cổ. Khoảng thế kỷ 15, 16 đã là thương cảng phồn vinh của miền Nam thời Chúa Nguyễn. Các thương thuyền ngoại quốc thường ghé trao đổi hàng hóa. Người Nhật, người Tàu, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha có đại diện thương cục ở đấy. Sau nầy, lòng sông Thu Bồn, phía Cửa Đại bị phù sa lấp, cạn dần, tàu thuyền lớn không vào được nên các thương nhân bỏ đi, chỉ còn lại người Tàu. Họ là thần dân nhà Minh bên Tàu, khi Mãn Thanh cai trị nước Tàu, họ bỏ xứ ra đi, đến Hội An họ ở luôn tại đấy. Một số lấy người bản xứ, sinh con, xưng là người Minh Hương để tỏ lòng tưởng nhớ đến nhà Minh. Tôi là người Minh Hương nhưng không biết tiếng Tàu, cũng không rõ gốc gác mình ra sao.

Hội An, rộng khoảng hai cây số vuông, có ba đường phố chính. Đường Cường Để, đường Nguyễn Thái Học và đường Bạch Đằng (bờ sông). Thành phố có nhiều kiến trúc cổ do người Nhật để lại, nhưng những đường phố sầm uất nhất đều là nhà cửa, tiệm buôn của người Tàu, bảng hiệu thường bằng chữ Tàu. Người Tàu có hệ thống buôn bán, giao dịch riêng. Họ giúp đỡ nhau trong thương trường và rất trọng chữ tín. Giống như người Tàu Chợ Lớn, họ sống tách biệt với xã hội người bản xứ. Ngay cả trong người Tàu, họ cũng có bang hội (tỉnh bên Tàu) riêng. Mỗi bang hội có chùa riêng giống như đình làng của người Việt ở thôn quê hay hội đồng hương ở hải ngoại. Chùa Phước Kiến, chùa Hải Nam, chùa Quảng Đông… Chùa Ngũ Bang lớn nhất, chung cho các bang hội, có trường dạy chữ Tàu, sân chơi bóng rổ, cầu lông...

Thời chiến tranh Việt- Pháp (1945-1954) việc buôn bán của người Tàu suy sụp, Hội An trở lại với cảnh cổ lỗ và buồn bã với những đường phố vắng vẻ, nhà cửa rêu phong, đèn đóm tù mù, vàng vọt… cứ vậy cho đến bây giờ, thành "phố cổ"!

Có thể nói, dân Hội An toàn người Tàu và người Minh Hương (lai Tàu). Trải qua mấy trăm năm, người Minh Hương, tự coi như người Việt chính cống, dù vẫn còn đình Minh Hương trên đường Lê Lợi, nhưng không thấy cúng tế gì nữa. Hội An như một cái túi, ra vào chỉ con đường độc đạo Vĩnh Điện-Hội An. Không thương mãi, không sản xuất, không dịch vụ. Người nơi khác đến, không có cách gì để sinh sống. Năm 1954, dân miền Bắc di cư, được đưa vào Hội An, rồi cũng bỏ đi dần. Sau 1975, cán bộ Cộng Sản từ Bắc vào Hội An cai trị cũng nhiều, họ đem theo gia đình nên trong giao tiếp đã nghe tiếng Bắc, tiếng Nghệ Tĩnh.

Trước khi Hội An thành thương cảng, nó là lãnh thổ của Chiêm Thành. Di tích còn lại có thành Trà Kiệu, cố đô của Chiêm Thành, cách Hội An độ ba mươi cây số. Ngay tại Hội An thỉnh thoảng những người đào đất bắt gặp những tượng đá, vật dụng, nghe nói có khi gặp vàng nữa, nhưng dĩ nhiên chẳng ai dại gì nói ra. Trừ vàng, thường thì không ai muốn giữ các tượng đá trong nhà. Họ sợ ma Hời –chỉ người Chiêm Thành - vật chết. Họ đem để trước bình phong đền miếu hoặc gốc cây đa. tôi có thấy một tượng phụ nữ Chàm bằng đá, rất đẹp, để trước miếu Quảng An, sau có ông thầy dạy vẽ, thầy Kiệm, đem về dùng làm mẫu cho học trò tập vẽ. Chúng tôi sợ ma Hời bắt thầy chết, vậy mà thầy vẫn sống nhăn, chả sao cả.

Về cái miếu Quảng An, người ta đồn đó là miếu thờ ma Hời, nhưng không ai cúng ma Hời, chỉ thấy ngày rằm, mùng một có ông Ba Râu, một ông già ra thắp nhang, Ông Ba Râu, người Huế, lúc đó đã già. Ông ăn cay rất tài. Một lần tôi thấy một bà gánh rau quả, ớt tỏi xuống chợ bán, ông Ba Râu nói "Bà bán ớt không cay, ai mua?" Bà hàng giận lắm "Ông ăn đi thì biết. Ông ăn hết cũng được" Bà ta để gánh hàng xuống, ông ta ngồi bốc ăn, hết trái ớt nầy đến trái kia như người ta ăn trái cây. Mọi người xúm lại coi và cười bà hàng khiến bà bị quê, gánh hàng đi thẳng.

Xuân Thu nhị kỳ có lễ cầu an, rất long trọng. Lúc đó tôi còn học tiểu học không quan tâm đến, nhưng mỗi tối đi ngang qua miếu tôi sợ kinh khủng, không dám nhìn vào miếu, sợ ngài vật chết. Miếu nầy nằm ngay đầu hẽm từ đường Phan Chu Trinh thông qua đường Trần Hưng Đạo. Thời pháp thuộc hẻm này có tên kiệt Công Quán Cũ, còn đường Trần Hưng Đạo có tên là đường Công Quán, vì có trú sứ của công sứ Pháp. Trong kiệt Công Quán nầy có giếng nước ngọt nổi tiếng. Đó là giếng Bá Lễ. Nhà khá giả thường thuê người gánh nước giếng Bá Lễ về làm nước uống, nấu ăn. Thế nên giếng lúc nào cũng tấp nập người đến kéo nước. các cô, bà lấy đó làm nơi trò chuyện. Tối lại (trước 1975), có các chàng lính tráng lảng vảng ra tán tỉnh, cập kè các cô, thế nên về ban đêm con đường thường xuyên tối thui. Vì tuy có điện đường, nhưng các chàng lính lấy đá ném cho vỡ bóng đèn để tiện quờ quạng các em gánh nước.

Nhân vật chính (ông Thầy Thọt) của câu chuyện tôi sắp kể sau đây, có dính líu đến cái miếu Quảng An nầy. Ông ta là bác của tôi, cũng chẳng biết liên hệ bà con ra sao, nhưng các người con của bác, lớn thì tôi kêu bằng anh, chị, nhỏ thì tôi kêu mầy tao cũng chẳng ai sửa sai. Nhà người bác nầy và nhà tôi ở trong khuôn viên của nhà thờ tộc Lê, trong hẻm, gần ngã tư Lê Lợi - Phan Chu Trinh, cách miếu Quảng An độ năm trăm mét. Người bác nầy không khá giả gì. Ông ta bán kẹo kéo. Sáng sớm ông nấu đường trong một cái chảo, rồi đổ ra một cái thau, thau được đặt trên một chậu nước nhỏ cho mau nguội, xong ông đánh đường trên một chạc ba gắn trên cột nhà cho trắng đường, thành cục kẹo bự. Ông đặt cục kẹo trên bàn, banh ra, đổ đậu phọng rang vào và kéo hai mép lại với nhau, giống như bác sĩ mổ bụng bịnh nhân, chữa trị xong, bỏ ruột gan vào và khâu lại vậy. Tôi thường dậy sớm, qua nhà ông ta, chờ khi đậu phọng rang đã nguội, tôi bóp cho vỏ mỏng tróc ra, bỏ vô mồm, ăn chán chê mà ông ta không nói tiếng nào. Coi bộ ông thích tôi lắm, sáng nào ông cũng để sẵn cho tôi, khi thì chén cơm chiên, khi thì tô cơm hến để tôi điểm tâm trước khi đi học. Ông kể lại lai lịch nghề kẹo kéo của ông ta một cách hãnh diện. Rằng trước đây, vào khoảng thập niên 1940 Hội An chỉ có một người Tàu bán kẹo kéo. Cách làm kẹo kéo khá đơn giản, nhưng chú Ba (Tàu) giấu nghề rất kỹ. Chú ở chung với người bà con trong một tiệm buôn. Sáng sớm, mới bốn năm giờ, chú đã dậy nấu kẹo. Chẳng phải chú siêng năng gì, nhưng chú sợ ban ngày, có người nhìn thấy sẽ bắt chước.
pham-thanh-chau_1
Tháp chàm Mỹ Sơn
Người bác tôi, lúc đó còn rất trẻ, làm công nhân khuân vác trong tiệm, âm mưu ăn cắp nghề nên xin chủ ngủ nhờ trong tiệm. Tối đến, bác ôm chiếc chiếu, leo lên đống hàng hóa nằm ngủ, đến gần sáng bác hé mắt theo dõi chú Ba làm kẹo. Tiến trình làm kẹo thì bác nắm được, nhưng có một thứ nước mà chú vô phòng ngủ đem ra đổ vào đường trước khi nấu thì bác chịu, không biết là chất gì? Sau, bác rình lúc chú đi vắng, mò vô buồng chú, tìm. Hóa ra là hủ giấm chú giấu kỹ trong gậm giường. Sau nhiều lần nấu thử, bác tôi thành công. Bác làm một thùng kẹo kéo, nhờ người bạn đem đến trước tiệm, nơi chú Ba trọ, đứng đó suốt buổi, lại bán rất rẻ. Chú Ba buồn tình bỏ đi. Thế là bác tôi hành nghề kẹo kéo từ đó. Nghề nầy cũng chỉ đủ nuôi vợ con sống qua ngày. Đi rả cẳng suốt ngày mà cái nhà tranh vách lá ngày càng xiêu vẹo. Một lần bác bị cảm vì hôm trước mắc mưa dông. Buổi sáng chủ nhật, bác trùm mền nằm, không làm kẹo. Tôi qua hỏi thăm, bác bảo người lạnh run, đau đầu... Tôi bảo bác đưa tiền, tôi ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho. Tôi cầm tiền, ra tiệm thuốc tây, kể bịnh cho người bán thuốc, mua về cho bác uống, gần trưa là bác dậy nấu kẹo chuẩn bị đi bán. Bác bảo tôi đọc cái toa thuốc cho bác nghe, chữa bịnh gì, uống thế nào... xong bác đưa tiền cho tôi ra tiệm thuốc tây mua một mớ. Thế là bác vừa bán kẹo vừa làm thầy thuốc.

Bác ôm thùng kẹo kéo đi khắp vùng ngoại ô, về cả các nơi xa xôi hẻo lánh. Người nào bịnh bác cũng vào thăm, sờ đầu, bắt mạch (?!), rồi bác cho ít thuốc cảm uống tạm. Chiều về bác bảo tôi ra tiệm thuốc tây, kể bịnh trạng của những bịnh nhân của bác và nhà thuốc đưa (bán) thuốc, đem về. Hôm sau bác đem thuốc cho bịnh nhân uống. Người dân nông thôn ít khi dùng thuốc tây, khi bịnh chỉ uống nước rễ cây, lá cây, xông hơi, cạo gió, nay uống thuốc tây, linh nghiệm như thần. Bác không biết chữ, chỉ đọc được các con số. Thỉnh thoảng bác nhìn lên lịch và làm ra vẻ thông thái "Chà bữa nay tám tây (phần trên của tờ lịch) rồi mà chỉ mới mồng hai âm lịch (phần dưới)!"

Bác mù chữ nhưng nhớ công dụng các loại thuốc tây rất tài. Chỉ cần tôi đọc cái toa một lần là bác nhớ mãi. Đa số là thuốc trụ sinh, thuốc cảm và một vài thứ quảng cáo trên đài phát thanh, ví dụ đài phát thanh quảng cáo thuốc ho Acodine như sau "Trận gió thu phong rụng lá vàng. Lá rơi hàng xóm lá bay sang. Vàng bay mấy lá năm già nửa. Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng... Thiếp phụ chàng vì chàng ho dai dẳng suốt cả một mùa thu. Đừng có lo! Đã có A-côđin, trị dứt các chứng ho phong, ho gió, ho cảm, ho đàm..." Bác còn sai tôi đi mua thêm thuốc bán trong tiệm thuốc bắc như Tiêu Ban Lộ, Cứu Cấp Lục Thần Thủy... (đựng trong các ống thủy tinh giống như ống thuốc tây, về ngâm nước, lột tên thuốc dán trên ống thuốc thủy tinh, không ai biết thuốc gì). Thuốc tây thường là thuốc viên, bác bỏ vô cối giả thành bột, gói thành những gói nhỏ. Mẹ tôi gọi bác là ông thầy Thọt, chẳng phải bác què chân mà vì mỗi sáng bác cứ đem thuốc ra đâm thọt trong cái cối nghe cọc cạch, cọc cạch.

Nhờ sáng kiến đó mà bác nổi danh mát tay ở vùng thôn quê. Thỉnh thoảng tôi thấy có người đem gà, vịt, chiếu Bàn Thạch đến biếu bác. Tôi thường qua nhà bác chơi với mấy người con của bác. Bác rất thương con, buổi chiều, bán kẹo về, làm gì bác cũng mua quà cho các con. Một lần, tôi thấy anh con trai của bác ăn một cái đùi gà, bác đứng bên cạnh, anh ta ăn xong, xương gà còn dính chút thịt, bác cầm lên gặm sạch rồi mới ném cho chó. Buổi tối, bác đem tiền bán kẹo từ thùng kẹo kéo ra, bảo tôi đếm lại. Thường là tiền một đồng, được bác xếp từng cọc mười đồng. Tôi đếm lại, thỉnh thoảng mỗi cọc dư một đồng, tôi để riêng ra, đếm xong, tôi nói số tiền dư đó, bác nói "Cho mi đó".

Nhờ làm thầy thuốc, cuộc sống của gia đình bác coi mòi khá hơn trước chứ chẳng giàu có gì. Vậy mà đột nhiên, một hôm bác bảo tôi "Tao sẽ ra Đà Nẳng ở, tao mua nhà ngoài đó rồi" Tôi hỏi "Bác làm gì mà giàu quá vậy?" Bác thì thầm một cách bí mật "Mầy đừng cho ai biết, con tao mầy cũng đừng cho biết. Tao bắt được vàng Hời, một con cua vàng sau miếu Quảng An"

Trở lại chuyện miếu Quảng An. Thường thì ngày rằm, mồng một có ông Ba Râu ra thắp nhang, đèn. Cây đèn hột vịt, nhỏ xíu nên ánh sáng mờ ảo, bàn thờ trông càng âm u ma quái. Chẳng những bọn trẻ con chúng tôi mà cả đến người lớn cũng sợ. Mấy chị đàn bà chửi lộn thường gài nhau "Mầy có ngon ra miếu Quảng An thề với tao, đứa nào ăn ngược nói ngạo, ngài vật cho sặc máu ra". Lại có lời đồn rằng có chị gánh nước và anh lính dẫn nhau vô miếu làm gì đấy, ngài bắt dính nhau phải chở đi nhà thương gỡ ra. Nhưng lời đồn hấp dẫn nhất là thỉnh thoảng vào ngày mồng một có bầy cua vàng bò ra kiếm ăn sáng rực cả một góc sân. Nhiều người rình, nhưng không ai xác nhận có bắt được cua vàng. Có thể họ bắt được nhưng giấu chăng? Chẳng hạn như ông bác họ của tôi bảo có bắt được cua vàng. Tôi không tin, tuy không bao giờ nói ra.

Thời câu chuyện tôi đang kể đây khoảng năm 1954, khi hiệp định Geneve chia cắt đất nước và đồng bào miền Bắc ồ ạt di cư vào Nam. Thành phố Hội An cũng hân hạnh được đón một số, phần đông là công chức hoặc tiểu thương. Vì thiếu chỗ nên các đình miếu được trưng dụng làm nơi cư ngụ cho đồng bào. Miếu Quảng An đón một gia đình, sau nầy tôi biết tên là ông Dần vì ông có sạp hàng ở chợ Hội An. Người Bắc di cư đa số là công giáo, họ chẳng sợ ma quỉ bao giờ. Ma quỉ thấy thánh giá là bỏ chạy cả. Ấy vậy mà miếu Quảng An đã làm cho gia đình ông Dần một phen sợ hãi. Nghe đồn rằng vào lúc gần khuya, đèn thắp sáng, mọi người còn thức, riêng ông Dần mới thiu thiu thì đứa con kêu thét lên, bà vợ cũng kêu thét lên khi thấy một cái đầu từ trên nóc miếu, chỗ có cửa sổ nhỏ, thò xuống, cái cổ cứ dài mãi ra mà chẳng thấy cái mình đâu cả? Cái đầu đen thùi, mắt trắng dã, miệng đỏ lói, nhe nanh như muốn cắn người ta. (các miếu thờ mái thường rất thấp, cửa sổ không có song cửa, xây cao để lấy ánh sáng). Khi ông Dần tỉnh ngủ thì chẳng thấy gì nhưng bà vợ cả quyết thấy rất rõ.

Theo lời khuyên của mọi người, ông Dần nhờ một số bạn, buổi tối đến thổi kèn tây, tò te cho đến khuya. Ma quỉ nghe kèn tây sẽ bỏ đi hết. Tôi cùng một số bạn tối nào cũng đến xem thổi kèn. Có đèn điện sáng trưng nên tôi không còn sợ nữa. Ít lâu sau, hình như ông Dần mua đứt cái miếu nên cửa nẻo được lắp vào, sơn phết lại rất khang trang. Từ đó không thấy cúng cầu an "Xuân Thu nhị kỳ" nhưng ông Ba Râu vẫn vào thắp nhang mỗi rằm, mồng một, vì cái ngai thờ thần vẫn còn giữ lại trong tận cùng của miếu. Sau nầy, từ Mỹ tôi về thăm Hội An thì cái miếu Quảng An đã bị đập bỏ và xây trên đó một nhà lầu ba tầng.

Chuyện người bác tôi tức ông thầy Thọt bảo rằng sẽ ra Đà Nẳng mua nhà chỉ xảy ra sau khi chuyện ma xuất hiện nhát gia đình ông Dần ít lâu thôi. Tôi không tin chuyện bác tôi bắt được vàng. Trước đó có một lần, lúc gần khuya, trời lâm râm mưa, tôi đi coi xi nê về, thấy một người từ sau miếu đi ra. Tuy chỉ thoáng thấy dáng đi nhưng tôi biết đó là ông bác tôi. Sáng hôm sau, tôi nói ngay "Khi hôm con thấy bác sau miếu Quảng An" Bác bảo "Mầy đừng nói ai, tao rình bắt mấy con cua vàng. Có người ở trong miếu, nó động ổ nên bò ra kiếm ăn sau miếu" Thế rồi ít lâu sau bác mua nhà ngoài Đà Nẳng. Nhà gần chợ Cồn, buôn bán rất khá giả.
pham-thanh-chau_2
Chùa Ngũ Bang, hội quán chung của người Hoa tại Hội An.
Sau nầy lớn lên, có lần ra Đà Nẳng thi tú tài, tôi có trọ nhà bác mấy hôm. Thi xong, chưa có kết quả mà bác đãi tôi một bữa tiệc nhỏ "Tao biết mầy thi là đậu nên tao đãi mầy trước" Nhân lúc bác ngà ngà hơi rượu, tôi hỏi "Chuyện con rùa vàng có thật không bác?" Bác cười cười bảo "Mầy đã thấy rồi còn hỏi" "Nhưng con có thấy gì đâu?" "Cứ coi như thấy rồi đi, hỏi làm chi" Tôi biết bác không muốn nói, nhưng vẫn thắc mắc, không biết chuyện con cua vàng có thật không?

Đậu tú tài xong, tôi vào Sài Gòn học tiếp, rồi thành công chức, rồi mất nước, tôi đi tù hơn sáu năm. Khi có vụ HO đi Mỹ, tôi ghé thăm bác, ông thầy Thọt ngày xưa. Mấy mươi năm, bác đã già lắm rồi. Tóc bạc, răng rụng nhưng mập và trắng như một phú ông, đôi mắt vẫn còn vẻ tinh anh, ma mãnh của thời trước. Lúc trước bác thuộc giai cấp nghèo hèn, sau nầy giàu có, bác phát tướng, trông oai vệ, hoạt bát, nhất là trong giao tiếp, bác tự tin, gần như phách lối. Các con bác đã lập gia đình, chỉ có cô gái út còn sống với vợ chồng bác. Tối đó hai bác cháu ngồi lai rai, chuyện trò đến khuya.

Khi bàn đến chuyện có số phận hay không, bác bảo "Ai cũng tin rằng con người đều có số phận thì chẳng chịu cố gắng, chẳng chịu làm lụng, rốt cuộc chỉ đi ăn mày."

Tôi cãi "Giày dép còn có số. Như bác chẳng làm gì cả, chỉ đi rình sau miếu Quảng An mấy lần là bắt được con cua vàng. Nhiều người cũng rình như bác mà đâu có gì. Đúng là bác có số trời cho làm giàu."

"Trời nào mà cho? Tao phải đem mưu kế, đem cái mạng tao ra..."

Biết là bác sắp nói ra điều bí mật nên tôi nói khích "Gì mà mưu kế dữ vậy. Chịu khó rình mấy đêm làm gì cũng gặp cua vàng. Bữa con thấy bác sau miếu rình chờ cua vàng… Cũng giống như con đi chơi khuya về thôi, nhưng đừng sợ ma như bác mới được."

"Tao mà sợ ma à? Người ta sợ tao thì có. Chuyện ma hiện trong miếu để nhát vợ con ông Dần là tao, chứ ma nào."

"Bác làm ma à? Sao bác lại chổng ngược người ngoài cửa sổ được, lại còn kéo cái cổ dài ra?"

"Tao nằm trên nóc miếu thò đầu xuống dòm vô trong miếu. Còn chuyện cái cổ dài ra là vì chúng sợ quá tưởng vậy thôi."

"Nhưng bác leo lên nóc miếu làm gì? Thò đầu vô miếu làm gì?"

Bác cười tỉnh khô, để lộ mấy cái răng còn sót, đen thùi "Tao rình để ăn trộm chứ leo lên làm chi."

Tôi năn nỉ "Bác kể thật con nghe. Con nghi đúng mà. Làm gì có chuyện con cua vàng."

Bác làm một hơi rượu, khà một tiếng, rồi rung đùi coi bộ khoái trá lắm "Chuyện nầy chỉ vợ tao biết, bây giờ đến mầy là hết. Mấy đứa con tao mà biết, chúng sẽ khinh tao, mà không nghĩ rằng tao đi ăn trộm chỉ vì chúng mà thôi." "Nhưng trước giờ bác có làm nghề đó đâu. Bác lúc nào cũng làm ăn lương thiện. Mà sao bác chỉ rình có nhà ông Dần để ăn trộm mà không rình nhà khác?"

Bác trầm ngâm một lúc như để nhớ lại chuyện cũ rồi kể

"Bữa gia đình ông Dần mới dọn đến, tao đứng bán kẹo trước miếu Quảng An. Lúc đó bọn học trò đi học về, đứng xem gia đình ông Dần mới dọn đến cũng đông. Trong lúc bán, tao bỗng nghe trong miếu tiếng trẻ con khóc, thì ra bà Dần đánh đứa con nhỏ. Nó đang chơi với một mớ nhẫn, xuyến, dây chuyền, cà rá, hột xoàn... đứng xa mà tao thấy chói cả mắt. Tao bỗng nảy ra ý định ăn trộm vì thấy họ để của bừa bãi như thế ắt dễ tìm ra. Tao rình mấy đêm, thấy khó ăn quá, nhất là sau vụ vợ con ông ta thấy ma, nhưng ông Dần không tin. Mấy hôm sau tao thấy ông treo khẩu súng lục chỗ cột nhà, có lẽ mượn của ai đó để cảnh cáo tên trộm"

"Coi bộ khó ăn, lại nguy hiểm nữa. Mất mạng như chơi" Tôi nói thế để bác thầy Thọt của tôi hứng chí, nói tiếp. Mà tôi thấy cũng nguy hiểm thật.

Bác cười khoái trá "Mầy thấy con người hơn nhau ở cái đầu. Tao định trộm luôn khẩu súng nhưng làm thế khác gì chọc ổ kiến lửa là cảnh sát. Tao chỉ tìm lấy gói vàng mà thôi"

"Nhưng sau đó ông Dần vẫn có tiền mở sạp áo quần ở chợ Hội An?"

"Người chạy loạn nào cũng khôn mới sống được. Họ chia của. Vợ một gói, các con mỗi đứa lớn một gói, rủi có tản lạc thì cũng còn cái để mà sống. Tao biết nên chỉ tìm thấy một gói đủ rồi. Chẳng phải nhân đạo, nhưng lấy hết bắt buộc họ phải thưa cảnh sát để tìm cho ra. Mất chút đỉnh thì họ làm thinh luôn."

"Nhưng người ta cảnh giác như thế, bác làm sao mà lục lọi được?"

"Thì tao đã nói, dùng cái đầu trước, chân tay mới cục cựa sau"

"Bác nói hết luôn đi. Cứ lòng vòng!"

"Mầy biết ông Ba Râu không? Ông đó chuyên thắp nhang ngoài miếu Quảng An. Tao chờ lúc ông ta đi vắng đến nhà tráo một mớ mê hồn hương vào bó nhang. Hít một chút là ngủ say như chết. Ngày rằm, mồng một ông ta đem nhang ra thắp ngoài miếu, trong đó có nhang mê hồn hương của tao, thế là tao vào miếu lục soạn, cả nhà ông Dần đã bị mê hồn hương thì có khiêng mà vất ngoài đường cũng không hay."

"Nhưng mê hồn hương ở đâu bác có?"

"Cái nầy thì tao đã thề bán mạng không cho ai biết"

"Bác cứ nói đại khái thôi, đâu cần phải tỉ mỉ."

"Ừ, đó là ông thầy của tao cho. Ông ta là tổ sư ăn trộm, người Quảng Đông, đem cả gia đình qua Việt Nam, có lẽ bị truy nã. Lúc đó ông ta đã già nhưng giàu lắm, nhà trên đường Nguyễn Thái Học, ở Hội An mình. Có nói tên mầy cũng không tin. Ông ta có bổn phận là ngày giỗ tổ phải cúng tổ bằng của ăn trộm. Ông ta già quá mà không có đồ đệ nên bảo tao đi trộm cắp giùm ông ta một vật gì đó để cúng tổ. Lúc đó tao nói rõ ý định ăn trộm nhà ông Dần, ông ta chỉ ngồi xích lô đi ngang trước miếu Quảng An có một lần là bày mưu cho tao làm vố đó. Dĩ nhiên muốn có mê hồn hương tao phải lạy ông ta làm sư phụ, lạy tổ xin vào nghề. Trộm vụ đó tao cúng tổ chiếc nhẫn vàng. Nhưng đó là vụ đầu tiên và cũng là vụ cuối cùng của tao"

Tôi định bảo "Mưu kế là ở sư phụ bác, vậy mà bác kể như bác tài lắm vậy" nhưng tôi chỉ hỏi "Sau nầy bác có đến thăm sư phụ của bác không?"

"Có chứ! Tao đâu quên ơn thầy. Thỉnh thoảng tao về Hội An ghé thăm. Ông ta giàu quá, đâu cần mình giúp, chỉ cần ngồi nghe ông ta kể chuyện là ông ta vui rồi. Ông ta học nghề từ nhỏ, thời còn ở bên Quảng Đông lận."

"Bác có đồng môn không? Thầy bác có dạy cho ai nữa không?"

"Chỉ mình tao. Kẹt lắm tao mới đến học nghề ăn trộm. Bây giờ ăn cắp vặt thì được, ai dám lọ mọ, rình rập trong bóng tối, cảnh sát hay lính thấy được có mà ăn đạn. Mầy thấy cái trang thờ đàng kia? Đó là bàn thờ tổ. Ông thầy tao trước khi chết, truyền bài vị và hình vẽ tổ sư cho tao vì không còn ai nối nghiệp. Ông ta không có con trai nối dõi."

Tôi đứng lên, đến cái trang thờ có bài vị nhỏ treo trên tường. Cạnh bài vị là một bức tranh, vẽ một người giống như Quan Công, cũng râu dài nhưng mặt xám, chỉ có cặp mắt đỏ, trợn trừng, trông rất dữ dằn và hình như không có lông mày. Tôi hỏi "Ông thần Ăn Trộm nầy tên gì mà không có lông mày?"

"Đó là thần Bạch Mi, lông mày màu trắng"

"Ủa, thần Bạch Mi là sư tổ của cô Thúy Kiều, đâu phải của nghề ăn trộm?"

"Thúy Kiều là đứa nào? Tao nghe thầy tao giải nghĩa đây là ông tổ chung của bọn trộm cướp, đĩ điếm và cả ăn mày nữa. Thầy tao nói đó là hình vẽ ông Quản Trọng hay ông Quan Vân Trường gì đó."

"Con nghĩ Quản Trọng thì đúng hơn. Con đọc trong Chiến Quôc Sách, thì thời Đông Chu Liệt Quốc có vua Tề Hoàn Công dựng bảy dãy phố ngay trong cung, cho buôn bán để thu thuế. Quan tướng quốc là Quản Trọng mở thêm bảy trăm nhà chứa điếm để lấy thuế cho quốc gia nên dân đĩ điếm mới tôn ông Quản Trọng là tổ sư?"

"Ông thầy tao kể tới, kể lui ba chuyện trộm cướp nên tao nhớ rõ. Thoạt kỳ thủy thờ ông Lý Thiết Quày, sau đó thờ chung một ông tổ với nghề đĩ điếm. Sự tích như thế nầy. Khi nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt thì phát sinh phong trào "Phản Thanh Phục Minh", giới trộm cướp, ăn mày gia nhập Thiên Địa Hội. Họ nhận ông thần Mày Trắng làm sư tổ, thường đến các ổ điếm để cúng tổ, thực sự là để liên lạc nhau mà không bị nghi ngờ."

"Bác có biết chuyện Liễu Đạo Chân Nhân, cũng là tổ sư ăn trộm không?"

"Biết chớ. Nhưng chuyện ông tổ sư nầy xảy ra vào thời Nguyên, trước thời Minh, Thanh. Nước Tàu rộng quá, mỗi nơi hùng cứ một ông tổ với bọn đệ tử, tay sai, coi như nghiệp đoàn bên Tây, bên Mỹ vậy."

"Con nhớ, lúc nhỏ có đọc truyện Bát Tiên Quá Hải, trong đó có ông Lý Thiết Quày tu thành tiên, một hôm, ông ta xuất hồn đi đâu đó, bọn đệ tử tưởng thầy đã chết nên đem xác hỏa thiêu, khi hồn ông Lý Thiết Quày trở về thì không còn xác để nhập vào nên phải nhập vào xác một ông ăn mày vừa chết. Ăn mày thờ ông ta là đúng rồi. Bác học nghề ăn trộm có khó không?"

"Tao chỉ học cấp tốc thôi. Muốn học để chính thức ra nghề phải mất gần chục năm mới thành tài, cứ mỗi năm lên một cấp. Lại phải học "đạo đức ăn trộm" nữa mới tức cười, thầy tao cũng cười. Mầy nghe chắc cũng cười. Ai đời, cướp của, giết người mà còn nhân đạo. Đó gọi là"Ngũ Bất Thâu" là năm điều cấm. Gia chủ gặp chuyện buồn. Không trộm. Gia chủ gặp chuyện vui. Không trộm. Trộm một lần, không trộm nữa. Gia chủ không đề phòng trước. Không thèm trộm. Quen biết với gia chủ. Không trộm."

"Đào tường, khoét vách mà học chi dữ vậy?"

"Tao nghe vậy biết vậy. Mỗi lần đến thăm, tao
phải ngồi hàng giờ để nghe sư phụ tao kể chuyện
ăn trộm, coi như tâm sự, giống như tao với mầy
vậy thôi. Ngoài chuyện học võ, học trộm cướp
còn học nghề thầy thuốc, phù thủy, phong thủy,
tướng số, nhất là kỳ môn độn giáp cho thông để
biết ngày giờ, hướng xuất hành thuận tiện. Khởi
đầu là cấp "Lôi", sau lên "Điện" rồi lên cấp
"Phong", cấp thứ tám, cao nhất là cấp "Hỏa".

"Làm sao thi lên cấp?"

"Cấp thấp thì thầy chỉ nhà cho mà ăn trộm, cấp cao thì đi ăn cướp, cao nữa thì thi kỳ môn độn giáp, binh thư, trận thế. Không muốn làm ăn trộm, ăn cướp thì về làm thầy thuốc, thầy tướng, số, thầy địa lý, phù thủy. Họ làm ăn mày để tiện đi khắp nơi dò la, nhà nào sơ hở thì tối đến vào ăn trộm, nhà đông người, giàu có, phòng thủ kiên cố, thì họ kéo cả bọn vào ăn cướp. Tuy làm ăn mày rách rưới, dơ dáy cho người ta không nghi ngờ, chứ họ cũng có sào huyệt trên núi, sống sung sướng với nhau. Điều quan trọng là không bao giờ được tiết lộ sư môn, sư tổ. Bị tra tấn, cực hình, chết thì chịu chứ không khai xuất thân từ đâu, không khai đồng môn, đồng bọn."

"Thì ra trong kiếm hiệp, Kim Dung có nói đến Cái Bang, ăn mày bốn túi, tám túi, có thể là từ các trường dạy ăn trộm nầy. Ông Kim Dung cũng không nói mấy ông trong Ma Giáo, mấy ông ăn mày võ nghệ cao cường nầy xuất thân từ đâu. Họ dấu biệt tông tích nên bị gọi là bàng môn tả đạo"

"Dám lắm đó mầy, nhưng thầy tao nói học nghề võ chỉ có hai con đường, hoặc bán thân cho đế vương, xông pha trận mạc, không làm tướng soái thì da ngựa bọc thây hoặc đi vào rừng xanh núi thẳm, làm những điều vô pháp vô thiên, trăng lu giết người, gió lớn phóng hỏa, gọi là "chia vai tụ nghĩa" thu nhận bọn bất lương, tập luyện võ nghệ, kết bè, kết lũ cho thật đông để đi ăn cướp, có thế lực thì chống lại quan quân triều đình, may ra, gặp thời thế thì phát đế vương, làm ông con trời, thất bại thì chịu mất đầu. Được là vua, thua là giặc mà mầy!"

Tôi nhận thấy, ông bác tôi, càng ngày càng văn minh tiến bộ, có lẽ nhờ chuyện trò với sư phụ, tiếp nhận thứ văn chương "ba tàu" đầy vẻ kiếm hiệp, phần khác cũng nhờ sống sung sướng nên thành trưởng giả. Có thể bác chịu học chữ nên không còn mặc cảm dốt nát. Tôi biết bác rất "sáng ý", nhớ dai nên việc học chữ không khó khăn. Hơn chục năm rồi, có thể từ biết đọc, biết viết, bác đã tiến lên "nhà nghiên cứu" không chừng.

"Như vậy sư phụ phải truyền cho bác các bí quyết ăn trộm chứ?"

"Dĩ nhiên, nhưng đại khái thôi" "Có truyền cho bác cách làm mê hồn hương không?"

"Có chứ, cái nầy mới là bí truyền"

Tôi nói đùa "Bác nhận con làm đồ đệ rồi truyền cách chế mê hồn hương đi."

"Tướng mầy mà trộm đạo gì được."

"Ủa, bộ ăn trộm cũng phải có tướng sao?"

"Thì phải có tướng ăn trộm mới nhận làm đồ đệ. Đâu dễ mầy!"

"Bác nói thử. Tướng ăn trộm như thế nào?"

"Mặt dơi, tai chuột là tướng xảo quyệt lại gian hùng. Mắt thụt, láo liên như mắt khỉ, mặt trơ, không trộm cắp cũng cướp của, giết người."

Tôi định nói "Như vậy là bác có tướng ăn trộm" nhưng giữ miệng kịp, "Bác cho con kể chuyện trộm đạo của bác trên báo được không?"

Bác cười hề hề "Ở đời nếu không để tiếng thơm thì cũng nên để tiếng xấu cho thiên hạ biết danh. Nhưng chờ khi tao đã chết rồi hãy đưa lên báo…"

Tôi đến ngắm bài vị và bức họa ông thần Bạch Mi và nói "Bác nên nhờ ai vẽ một bức họa giống như vậy để thờ, còn bản chính thì bác cất kỹ làm của gia bảo. Tổ đãi bác nên bác mới có được bức họa nầy. Bức họa vẽ từ đời nhà Thanh, rất tài tình, rất đẹp, lại có bài vị làm gốc gác, có lịch sử đàng hoàng, nên quí lắm. Đường nét với cách đi màu phải là tay danh họa mới vẽ được. Người Âu Mỹ mà có bức họa nầy, đem bán đấu giá thì giàu to."

Tôi nghĩ, ông bác họ tôi đã không nói thật. Nghề ăn trộm của bác được sư phụ truyền dạy phải đến mức thượng thừa. Bác giả bộ lù khù nhưng rất khôn lanh Ăn cướp phải có sức lực, võ nghệ, ăn trộm chỉ cần cái đầu. Ma mãnh thì bác không thua ai. Tôi nhìn quanh, thấy căn nhà tuy không lớn nhưng ở địa thế buôn bán như thế nầy thì chỉ một vụ trộm đó thôi, làm gì mua nỗi, chưa kể vàng bạc, châu báu ăn trộm được, bác cất giấu đâu đó. Bác không muốn cho thiên hạ biết nghề bất lương nầy, nhưng giữ mãi trong bụng, ấm ức, chịu không được. Nay thấy tôi cũng có thể tin tưởng, lại sắp đi Mỹ, nên thổ lộ chút ít cho hả cái thú vị bấy lâu nay chất chứa trong lòng. Thử nghĩ coi, đang nghèo khó, nhà tranh vách lá, mưa dột tứ tung, cái ăn không đủ, bỗng nhiên mua nhà mặt tiền, mở tiệm ngay chỗ buôn bán sầm uất nhất.

Người trúng số phải la lên thật to, vênh mặt lên cho bỏ ghét cuộc đời. Nhưng ông bác tôi thì chịu, không thể kêu lên "Tôi ăn trộm nên mới được như thế nầy!" Tối đó, kể xong chuyện ăn trộm, như một dịp để khoe tài, bác ngồi cười mãi, coi bộ khoái trá lắm. Bác đã say, ngồi gục tới gục lui mà vẫn cười, miệng lầm bầm "Mấy người được như tao?".

Có thể bạn chưa bao giờ nghèo để biết cái "nghèo khổ" như thế nào. Bác thầy Thọt của tôi nghèo mạt rệp, nay được như thế nầy cũng thỏa mãn, sung sướng quá rồi, chẳng khác gì Nhậm Ngã Hành trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, sau khi diệt được đối phương, sướng quá, cười đến bể tim mà chết.

Phạm Thành Châu

Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Tác phẩm đã phát hành:

- Bức Họa Khỏa Thân (248 trang)

- Nhớ Huế (248 trang)

- Lý lẽ của trái tim (275 trang)

Ba tập truyện ngắn của Phạm Thành Châu có thể coi là món quà Xuân, quà sinh nhật thanh cao gửi đến bạn bè. Giá mỗi tập 12 USD. (trong nước Mỹ). Mua ba (3) tập trở lên, giá mỗi tập 10 USD kể cả cước phí. Gửi sau. Liên lạc:

Phạm Thành Châu 7004 Beverly Lane Springfield VA 22150

Phone
(703) 569-0124
(571) 480-3276 (c)
(xin để lại lời nhắn)

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nói về thơ Nguyễn Chí Thiện, thường người ta chỉ chú ý tới những ngôn từ khô khốc, lạnh lùng, đanh thép để hài tội cộng sản của ông. Điều này có thể hiểu được. Bởi vì ngay từ đầu thập niên 80,
Không có gì quý hơn sự sống. Không những các nhà đạo đức, thần học, tu hành tôn giáo nói thế mà cả các nhà khoa học cũng xác định như vậy. Điều khác biệt là các nhà bác học đặt vấn đề nặng nề phần vật lý hơn đạo lý.
“…Và bạn tôi, ông phải vẽ thôi (tôi hay kêu ông bằng tiếng kêu thân mật) khi xem bức tranh “Trên Ngọn Buồn Thánh Thót, Treo cao,” ghi tháng 5-2012 trên website của Hạnh Tuyền (người bạn đời hỗ trợ Du Tử Lê không ít về việc rẽ qua thế giới hội họa, tôi nghĩ vậy) tôi như gặp lại mối đồng cảm của sự cô đơn cùng tận, và phải chăng như tiếng hát đớn đau của Billie Holiday nghe lại những ngày này,
Người minh hoạ Việt Báo Tết Quí Tỵ, 2013 là hoạ sĩ Đinh Cường. Ông sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một - Việt Nam. Sống ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn cho đến 1989. Hiện cư ngụ tại Burke, Virginia. Hoa Kỳ. Studio: 9826 Natick Road , Burke - Virginia 22015. Phone: 703 323 5046
“Nhịp điệu uy nghi hùng dũng mà trong sáng êm dịu.”
Nguồn tin cuối cho biết họ đã tìm ra cha tôi, bằng cách đơn giản nhất là đảo nghịch tên tôi: A M A B O K C A R A B < = > B A R A C K O B A M A
Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Vietnamese International Film Festival – ViFF) do hai tổ chức bất vụ lợi là Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và Hội Văn Hóa và Ngôn Ngữ (Vietnamese Language & Culture) tại đại học UCLA thực hiện cách mỗi năm một lần, kể từ năm 2003.
Người Việt từ lâu thường nói tới 4000 năm văn hiến, nhưng chỉ là truyền thuyết. Đây là lần đầu tiên, từ những xương cốt cổ, có thể mô tả thấy được nếp sống văn hiến thời ấy, dựa trên những bằng chứng và luận cứ khoa học.
Một ngày nhàn rỗi trước tuần lễ Giáng Sinh ở New York, tôi tỉnh dậy khoảng 2 giờ trưa, tôi cố thức dậy pha ly cà phê đen. Liếc qua trang bìa tờ Science Time, một phụ bản của báo New York Times, hình ảnh một cái xác chôn ở tư thế thai nhi nằm trong bào thai đập vào mắt tôi.
Mặt bàn và cả nhà đều nám bụi. Không sao. Thân thong thả lôi trong túi đồ nghề thầy thuốc ra từng món. Sau ống nghe, dụng cụ đo huyết áp, là một chai cognac.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.