Hôm nay,  

Những vị quốc mẫu lộng hành phép nước trong sử Việt -- Thái hậu Dương Vân Nga

17/03/202321:10:00(Xem: 2548)
Truyện sử

thai hau bw

 

Dương Vân Nga là con gái của cựu vương Dương Tam Kha. Ông là em vợ của vua Ngô Quyền, vị anh hùng đã chấm dứt được cuộc Bắc thuộc kéo dài ngót một ngàn năm, giành lại quyền tự chủ cho dân tộc Việt. Khi Ngô Quyền sắp mất, ngài ủy thác cho ông lập người con trưởng của ngài là Ngô Xương Ngập lên kế vị. Nhưng vì lòng tham lam ích kỷ, Tam Kha đã không thực hiện theo di chiếu của vua mà lại mưu toan làm hại Xương Ngập để cướp quyền. Xương Ngập biết được âm mưu ấy nên phải bỏ trốn. Tam Kha bèn tự lên ngôi vua xưng hiệu là Bình Vương. Nhiều người trong nước rất bất mãn việc soán ngôi này nên mầm loạn cũng bắt đầu phát sinh. Bình Vương làm vua được 6 năm thì bị người em của Xương Ngập là Ngô Xương Văn truất phế để giành lại ngôi vua. Trước tình thế đó, Dương Tam Kha phải hạ mình lạy lục Xương Văn để xin được toàn mạng. Nghĩ tình cậu cháu, Xương Văn không giết Tam Kha mà chỉ giáng làm Chương Dương công, một hư tước không có quyền hành gì. Tuy giành lại được ngôi báu nhưng qua cuộc cướp ngôi của Tam Kha, lòng người đã ly tán, nhà Ngô suy yếu dần.

 

Sau khi được Ngô Xương Văn tha chết, Tam Kha về châu Ái (Thanh Hóa) lập trang Đông Lỗ ở miệt Thiệu Yên để sinh sống. Dương Vân Nga được sinh và lớn lên ở nơi này. Mới mười hai mười ba tuổi Vân Nga đã trở thành một thiếu nữ sắc nước hương trời, tánh tình rất tinh nghịch, lém lỉnh. Càng lớn Vân Nga càng đẹp và càng ngông nghênh táo bạo hơn. Có lúc ả còn xưng mình là “lệnh bà”, “hoàng hậu” nữa. Dương Tam Kha cho đó là một điềm lành. Ông đâm ra tin con gái mình có số “sang cả”, sẽ có ngày rửa được mối hận của ông.

 

Từ khi bị truất phế, Tam Kha thay đổi tính tình rất nhiều. Trước kia ông hay nói cười, đùa cợt, giờ ông trở thành một con người trầm mặc, lạnh lùng. Bình thường ông chỉ quanh quẩn trong trang trại. Rất ít khi thấy ông giao tiếp với ai. Có lẽ ông không muốn bị nghi ngờ lôi thôi. Khi xảy ra cuộc loạn 12 sứ quân ông mừng lắm. Ông nghĩ đây là cơ hội có thế đẩy nhà Ngô đến chỗ sụp đổ. Thấy sứ quân Đinh Bộ Lĩnh là người có triển vọng làm nên đại sự nhất, ông liền tìm cách gả Vân Nga cho Bộ Lĩnh. Ông bịa chuyện trước kia ông với Đinh Công Trứ –  thân phụ của Bộ Lĩnh – đã từng ước hẹn gả con cho nhau. Nay ông muốn giữ tròn lời hứa với cố nhân. Ông đã cậy một người thân tín là Lê Mật mang bức thư nhắc lại ước hẹn cũ với Đinh Công Trứ tìm trao cho Bộ Lĩnh.

 

Đinh Bộ Lĩnh vốn là người có bản lãnh, ham lập sự nghiệp mà ít quan tâm đến chuyện đàn bà. Trước cảnh loạn lạc lúc bấy giờ, Bộ Lĩnh cho rằng muốn thống nhất thiên hạ, yếu tố quan trọng nhất là phải thu phục được lòng người. Ông đã không ngần ngại khi cưới Ca-Ông, một thiếu nữ người Mường không mấy đẹp làm vợ chỉ vì cô này là con gái của một vị tộc trưởng Mường có uy tín. Nay nhận được bức thư  ân cần “cầu thân” của một vị cựu vương, ông rất mừng. Chẳng cần biết ước hẹn cũ vị này nói đến có thật hay không, chẳng cần biết tiểu thư Vân Nga đẹp xấu ra sao, ông vui vẻ phúc đáp nhận lời ngay.

 

Tới kỳ hẹn rước Vân Nga về Hoa Lư thì Đinh Bộ Lĩnh lại bận rộn công việc ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Sứ quân Trần Minh Công vừa bàn giao lãnh địa này cho Bộ Lĩnh cai quản, ông phải lo chỉnh đốn, phủ dụ quân dân tại địa phương. Thế là ông sai viên tướng trẻ Lê Hoàn thay mình đi rước Vân Nga về Hoa Lư. Dịp gặp gỡ này đã khiến Vân Nga quen biết và có thiện cảm với viên tướng trẻ Lê Hoàn.

 

Hơn một năm sau thì Bộ Lĩnh dẹp được 12 sứ quân và lên ngôi vua. Ngài lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đổi tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ngài lập một loạt 5 vị hoàng hậu trong đó có Ca-Ông và Dương Vân Nga.

 

Lúc bấy giờ nhà Tống cũng vừa thống nhất được nước Tàu. Lượng sức mình còn yếu, Đinh Tiên Hoàng cho sứ sang Tống xin thần phục, chịu triều cống theo định kỳ. Nhà Tống chấp thuận, phong cho ngài làm Giao Chỉ Quận Vương, về sau lại gia phong Nam Bình Vương. Ngài cũng phong người con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương.

 

Là một vị vua siêng năng cần mẫn chăm lo việc nước, lại có đến 5 bà vợ chính thức, chưa nói đến hàng cung nữ, tất nhiên Đinh Tiên Hoàng không thể nào làm vui lòng được một người đàn bà trẻ tràn đầy sức sống như Dương hậu. Vấn đề này đã đưa đến việc Dương hậu liều lĩnh tư tình với tướng Lê Hoàn. Rồi chuyện không may liên tiếp lại xảy ra cho nhà Đinh. Năm 978, không rõ Đinh Liễn phạm lỗi gì đó đã khiến Đinh Tiên Hoàng không vừa ý. Ngài không lập Đinh Liễn là con trưởng có công nhiều trong việc thống nhất giang sơn mà lại lập người con thứ là Hạng Lang làm thái tử. Vì quá uất ức, đầu xuân năm 979, Đinh Liễn đã cho người ám sát Hạng Lang. Tấn thảm kịch gia đình này đã làm Đinh Tiên Hoàng vô cùng ân hận. Ngài tự biết mình đã vấp một lầm lỗi lớn. Từ đó ngài hay uống rượu để giải sầu.

 

Tám tháng sau cùng năm, sau một cuộc rượu ở sân cung đình, hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn đều say mèm nằm nghỉ tại chỗ. Viên Chi hậu nội nhân Đỗ Thích không rõ vì lý do gì, đã nhân dịp này ra tay sát hại cả hai. (Có sách chép Đỗ Thích ngủ mơ thấy một vì sao rơi vào mồm khiến y sinh ảo tưởng số y sẽ được làm vua, lại nhân có rượu trợ hứng, y đã có hành động điên rồ ấy).

 

Sau khi xử tội tên Đỗ Thích, triều đình lập người con cuối cùng của Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn, còn gọi là Đinh Tuệ, mới 6 tuổi, con của Dương hậu, lên làm vua. Dương hậu trở thành vị thái hậu phụ giúp ấu vương trị nước. Trong bước đầu có nhiều vị đại thần như Ngoại giáp Đinh Điền, Định quốc công Nguyễn Bặc, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cùng giúp vua và Dương thái hậu lo việc nước. Nhưng về sau Dương thái hậu chỉ chịu nghe ý kiến Lê Hoàn, bỏ ngoài tai tất cả những ý kiến khác. Thế là hằng ngày chỉ còn một mình Lê Hoàn ra vào cung vua để bàn việc với thái hậu. Quyền chính trong nước dần lọt hẳn vào tay Lê Hoàn. Ông tự xưng là “Phó Vương”, một mình điều hành cả việc trong lẫn việc ngoài.

 

Thấy sự thể như vậy, nhiều vị trung thần đâm ra lo ngại cho số phận nhà Đinh. Cuối cùng các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đã khởi binh để diệt trừ Lê Hoàn. Nhưng cả ba người đều bị thất bại và bị Lê Hoàn giết chết.

 

Diệt xong các đối thủ đáng gờm, Lê Hoàn một mặt triệt để khai thác tình yêu mê đắm của Dương thái hậu, mặt khác, mua chuộc các tướng lãnh, chuẩn bị thực hiện một cuộc chính biến. Ông đã phong cho viên tướng lãnh thân tín là Phạm Cự Lượng làm đại tướng quân.

Thói thường, hai nước ở cạnh nhau, nước lớn lúc nào cũng chực nuốt chửng nước nhỏ. Hễ thấy nước nhỏ gặp biến là nước lớn không bỏ lỡ cơ hội. Hiểu được chuyện đó, Lê Hoàn đã khôn khéo vừa động binh đề phòng nhà Tống xâm lăng, vừa mượn việc động binh này để ra tay. Vào tháng 8 năm 980, một hôm, khi phó vương Lê Hoàn đang bàn việc chống nhà Tống với các quan ở triều thì đại tướng quân Phạm Cự Lượng dẫn các tướng và nhiều quân sĩ mặc đồ trận đi thẳng vào nội phủ làm ai nấy đều kinh hoảng. Phạm Cự Lượng nói lớn giữa triều:

 

– Thưởng người có công, giết người trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao thì có ai biết cho? Chi bằng trước hết hãy tôn ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn.

 

Quân sĩ nghe đồng loạt hô lớn: “Vạn tuế”!

 

Dương thái hậu bèn mời Lê Hoàn ngồi lên ngai vàng, lấy áo long cổn khoác lên người ông rồi tung hô vạn tuế. Thế là các quan và quân sĩ cũng đồng loạt quì xuống sụp lạy tân quân cùng tung hô vạn tuế. Cuộc đảo chánh cung đình này không tốn một giọt máu.

 

Lê Hoàn lên ngôi lấy hiệu Lê Đại Hành, đổi niên hiệu là Thiên Phúc nguyên niên. Đinh Toàn bị giáng xuống làm Vệ Vương, tục gọi là Phế đế. Vua Lê cũng bắt chước vua Đinh, lập 5 người vợ làm hoàng hậu. Cựu thái hậu Dương Vân Nga được tái phong làm “Đại thắng Minh hoàng hậu” đứng đầu 5 vị hoàng hậu ấy. Sau đó Đinh Toàn lại được vua Đại Hành nhận làm con nuôi.

 

Thực sự khi nghe tin nước Đại Cồ Việt có biến, nhà Tống cũng rục rịch động binh chuẩn bị ra tay. Nhưng chưa rõ thực lực quân sự của Đại Cồ Việt ra sao, họ dùng phương cách tiên lễ hậu binh để tránh bớt đổ máu. Tháng 9 năm 980, tức là sau khi vua Đại Hành lên ngôi hơn một tháng, viên sứ giả Lư Đa Tốn mang thư vua Tống sang Hoa Lư. Bức thư này khá dài, vừa phân tích sự hơn kém, vừa trách vừa dọa khuyên vua Đại Cồ Việt hàng phục.

 

Tháng 11 vua Đại Hành sai nha hiệu Giang Cự Vọng, Vương Thiên Tộ đưa thư sang Tống, giả làm thư của Vệ Vương Đinh Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban mệnh lệnh chính thức. Dụng ý của vua Lê gởi thư này là cốt làm cho nhà Tống hoãn binh.

 

Vua Tống sai Trương Tông Quyền đưa thư trả lời:

 

– Họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn làm thống soái, khanh làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang qui phụ. Đợi khi bọn họ vào chầu ắt sẽ có điển lễ ưu đãi và sẽ trao cờ tiết cho khanh. Nay có hai đường, khanh nên chọn một”.

 

Vua Đại Hành không chịu nghe đường nào cả. Tháng 4 năm 981, vua Tống cho các tướng Hầu Nhân Bảo, Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ chia quân ba hướng tiến đánh Đại Cồ Việt. Nhưng nhờ mưu lược hơn người của vua Đại Hành, tướng Hầu Nhân Bảo bị giết, nhiều tướng và quân sĩ nhà Tống bị bắt. Hai đạo quân của Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ cũng đều thua tan, phải chạy trốn về Tàu để chịu tội.

 

Cuộc chiến thắng oanh liệt này đã khiến vua Tống nể mặt, chịu hòa.

 

Vua Đại Hành có tới 11 người con trai nhưng đều tầm thường cả. Ngược lại, người con nuôi Đinh Toàn lại càng lớn càng lộ vẻ thông minh mẫn tiệp hơn người. Điều đó đã khiến nhà vua đâm ra lo nghĩ. Thái úy Phạm Cự Lượng thấy vậy khuyên vua giết Đinh Toàn để tránh hậu hoạn. Vua không phản đối ý của Cự Lượng nhưng lại ngại làm việc đó sẽ khiến Dương hậu đau lòng. Ngài muốn tìm một giải pháp khéo léo hơn.

 

Một lần Thái sư Hồng Hiến ghé chơi nhà Cự Lượng, trong khi uống rượu, Cự Lượng lại đem vụ Đinh Toàn ra nói. Thái sư Hồng Hiến cũng tán thành ý kiến của Cự Lượng. Không ngờ ả nữ tì hầu rượu lại là người từng chịu ơn của Dương hậu. Biết được chuyện quan trọng này ả liền tìm cách báo lại với bà.

 

Dương hậu nghe được tin ấy vô cùng kinh hãi. Bà lập tức yết kiến vua Đại Hành lạy lục năn nỉ xin ngài che chở cho Vệ Vương. Vua đã tìm lời trấn an bà, hứa chắc sẽ không để xảy ra chuyện như thế. Tuy đã được vua hứa nhưng bà vẫn chưa yên tâm. Bà đem việc này hỏi ý vị giáo sư thân tín của Vệ Vương thì ông này đáp: “Hoàng hậu đã tin cậy mà hỏi thần, thần cũng xin nói hết suy nghĩ của mình: Đức kim thượng không bao giờ thật tình che chở cho Vệ Vương đâu! Chẳng có ai muốn làm cái việc "Dưỡng hổ di họa" cả! Sở dĩ đức kim thượng còn dung dưỡng Vệ Vương tới lúc này chẳng qua chỉ vì nể mặt hoàng hậu thôi. Nếu một mai hoàng hậu trăm tuổi rồi, Vệ Vương e khó thoát! Dù đức kim thượng có ý châm chước đi nữa, những thủ túc của ngài và các hoàng tử cũng chẳng để Vệ Vương sống yên! Cái thế nó phải như vậy đó!”

 

Câu nói ấy đã in sâu vào tâm não của Dương hậu. Bà bèn cho tìm người giỏi về hầu hạ Vệ Vương để phòng chuyện bất trắc. Đinh Toàn vốn đã sẵn tính thông minh, hiếu động, thể chất lại mạnh khỏe, nên khi được những người tài năng hầu hạ, chàng càng dễ dàng phát triển bản lãnh.

Chưa quá hai mươi tuổi Đinh Toàn đã trở thành một dũng tướng. Gặp hồi trong nước hay xảy ra giặc giã, chàng đã nhiều phen theo vua đi đánh dẹp. Giữa trận mạc lúc nào chàng cũng tỏ ra dũng cảm, can trường ít ai sánh kịp. Vì thế, chàng luôn luôn đoạt được thắng lợi. Nhưng ưu điểm ấy lại làm cho Dương hậu càng không yên tâm.

 

Thấy con càng tỏ ra tài ba, Dương hậu càng lo sợ. Bà đã ý thức được với hoàn cảnh riêng biệt của con bà, càng tỏ ra tài ba, càng dễ rước lấy tai họa. Bà đâm ra tiếc hận chuyện cũ. Cái thời mê đắm trong tình yêu nồng cháy của bà đã qua. Vua Đại Hành bây giờ cũng chẳng khác gì vua Tiên Hoàng ngày trước. Tuổi tác và công việc ngập đầu đã giới hạn ngài rất nhiều trong việc chăn gối. Xa mặt cách lòng, cái gì rồi cũng dần nguội lạnh cả. Giờ nhìn lại bản thân, bà thấy mình chẳng còn lại gì ngoài Đinh Toàn, một đứa con tài ba nhưng vô phước. Việc bảo vệ sự an toàn của nó đã nằm ngoài tầm tay của bà. Trong triều thì một số trọng thần đang rình rập đoạt mạng nó, ngoài chiến trường thì mũi tên hòn đạn vô tình không nể nang ai. Mạng sống của nó lúc nào cũng như ngọn đèn dầu trước gió. Nguyên nhân nào đã khiến đứa con thân yêu của bà lâm vào tình trạng này?

 

Chỉ bởi mối tình bất chính, nông nổi của bà mà ra cả!

 

Những nỗi lo sợ, nỗi ân hận dằn vặt mãi đã khiến bà lâm bệnh. Trong cơn bệnh, bà đã nhiều lần mộng thấy những người bị chết oan như chồng cũ của bà là vua Tiên Hoàng, Nam Việt Vương Đinh Liễn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và cả Hạng Lang nữa hiện về. Lần nào bà cũng gặp họ trong một bầu không khí thê lương đáng sợ.

 

Sau cơn bệnh đó, Dương hậu không còn phục hồi được những niềm vui trong cuộc sống nữa. Tâm tư bà cứ bị dày vò triền miên khiến bà ngày càng khô héo.

 

Đến năm 1000 thì Dương hậu qua đời. Năm sau, năm 1001, Vệ Vương đã tử trận một cách vô lý trong một trận đánh mà quân triều đình đang đại thắng. Lời tiên đoán của vị giáo sư dạy Vệ Vương quả chính xác vô cùng!

 

(Muốn theo dõi chuyện này để rõ hơn, xin mời đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” cùng tác giả).

 

Ngô Viết Trọng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
Ba chị em Tabi, Betsy và Holden tung tăng trong chợ Target, hôm nay chúng theo bố mẹ đi chọn mua đồ cho ngày khai trường vào ngày 24 tháng tám sắp tới. Chợ nào cũng “Back to School Sale” đua nhau giảm gía nhiều quần áo, giày dép và đồ dùng cho học sinh. Ba chị em vui thích lắm...
Chị Thiên Kim sinh trưởng vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong một gia đình khá giả có cửa hiệu buôn bán ở phố Ngã Giữa, đường Phạn Bội Châu, Huế (nay là đường Phan Đăng Lưu). Hồi học trường Đồng Khánh chị đã nức tiếng hoa khôi, nên mỗi lần tan lớp, có nhiều “cái đuôi” theo về tận ngõ, hoặc trồng cây si trước cổng đợi tan trường...
Sáng sớm, vừa mở di động vào messenger gặp ngay tin nhắn của Duyên. Sững người. Rồi cười. Sao thế nhỉ? Sao con bé lại hỏi câu ấy nhỉ? Đang định nhắn “Sao em biết?” thì giật mình, xóa chữ đi lùi, sửa lại...
Ông Hương Cả làng Ngọc Thạnh nổi tiếng mát tay, tuy là chức sắc trong làng nhưng người làng ít kêu ông là ông Hương Cả mà họ kêu là thầy Hai. Thầy Hai bốc thuốc Nam rất hiệu nghiệm, ai bị bệnh gì cũng tìm tới thầy Hai. Thầy Hai xem mạch và bốc thuốc làm phước chứ chẳng phải lấy tiền...
Tôi và Hùng giận nhau đã hơn tuần lễ sau một trận cãi vã dữ dội, chúng tôi quyết định xa nhau. Khuôn mặt cương nghị tuấn tú của chàng với nụ cười ngạo nghễ luôn luôn ám ảnh tôi...
Người chồng cô có một số phận khá kỳ lạ. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Thơ của ba nhà thơ: Nguyễn-hoà-Trước, Trần Hạ Vi, Trần Yên Hòa...
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.