Hôm nay,  

Những vị quốc mẫu lộng hành phép nước trong sử Việt

14/03/202313:22:00(Xem: 2392)
Truyện sử

thai hau bw

Thái hậu Cù Thị

 

Cuối đời Tần nước Tàu bị đại loạn, viên quan Úy quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay) là Triệu Đà đã thừa cơ cát cứ tự lập. Trước tiên Triệu Đà đem quân đánh chiếm quận Quế Lâm (Quí Châu và bắc Quảng Tây ngày nay) và Tượng Quận (Vân Nam ngày nay) để mở rộng lãnh thổ. Tất cả các quan chức do nhà Tần bổ nhiệm đều bị ông giết sạch. Sau đó ông lại đánh bại An Dương Vương, chiếm luôn nước Âu Lạc, lập nên nước Nam Việt (207 trước Tây lịch). Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ Đế, đóng đô tại Phiên Ngung. Lúc bấy giờ dân Nam Việt đa số vẫn còn mang nặng tính chất giống Bách Việt, chưa thuần Hán hóa, nên Triệu Vũ đế đã triệt để khai thác đặc điểm này để chống lại nhà Hán. Ông không hề kỳ thị hay coi thường dân Âu Lạc mà còn rất ưu đãi nhân tài Âu Lạc. Vì thế mà sau này nhiều vua chúa và sử gia nước ta vẫn coi nhà Triệu như một triều đại chính thống của nước Việt.

 

Đến khi nhà Hán ổn định xong trung nguyên, sứ Hán là Lục Giả mới sang Nam Việt thuyết phục Triệu Đà bỏ đế hiệu, trở thành Triệu Vũ Vương và chịu thông hiếu với nhà Hán.

 

Triệu Đà làm vua tới 71 năm, năm 136 trước Tây lịch ông mới qua đời. Người cháu nội ông là Triệu Hồ (con của Trọng Thủy) đã 40 tuổi, lên kế vị tức Triệu Văn Vương. Để lấy lòng tin với nhà Hán, Triệu Văn Vương cho thế tử là Anh Tề sang Trường An, kinh đô Tàu, làm con tin. Anh Tề vốn đã có một vợ người Việt và một con trai tên Triệu Kiến Đức. Khi sang Tàu, ông lại cưới thêm một bà vợ người Hàm Đan, đó chính là Cù Thị. Cù Thị cũng sinh cho ông một con trai tên là Triệu Hưng. Có một điều Anh Tề không biết là trước khi lấy ông, Cù Thị đã là tình nhân thắm thiết của một người Hán tên An Quốc Thiếu Quí.

 

Khi Triệu Văn Vương mất, thế tử Anh Tề về nước kế vị tức Triệu Minh Vương. Cù Thị trẻ đẹp hơn bà vợ Việt nhiều nên cũng được Minh Vương cưng chiều hơn. Với lợi thế trên, Cù Thị đã thuyết phục được Minh Vương lập Triệu Hưng làm thế tử.

 

Đến năm 113 trước Tây lịch, Minh Vương mất, Triệu Hưng được đưa lên kế vị tức Triệu Ai Vương. Cù Thị đương nhiên trở thành thái hậu. Vua còn nhỏ nên trong các buổi chầu, Cù thái hậu luôn ở sau lưng vua để hướng dẫn vua xử trí công việc. Rất ít khi bà chịu nghe lời bàn bạc của các quan. Ngoài tể tướng Lữ Gia bà còn nể mặt một tí, các vị khác bà chỉ coi như tay chân để sai khiến. Mọi việc trong triều gần như chỉ do một mình Cù thái hậu định đoạt. Vì vậy các quan ai cũng chán ngán.

 

Tể tướng Lữ Gia người huyện Lôi Dương, quận Cửu Chân (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay). Ông là người ngay thẳng, cứng rắn, làm quan từ triều Văn Vương, tuổi đã ngoài bảy mươi, uy tín rất lớn. Họ hàng của ông có tới 70 người đang làm trưởng lại trong nước. Người em của ông là Lữ Hùng đang chỉ huy đội quân trấn giữ kinh thành. Cù thái hậu vẫn muốn cho ông về vườn nhưng chưa tìm ra cớ.

 

Nghe tin triều đình Nam Việt đang gặp chuyện lủng củng, nhà Hán đã không bỏ lỡ dịp may. Vua Hán liền triệu tập quần thần để bàn kế hoạch thu phục nhà Triệu. Sau đó một sứ đoàn được thành lập để đi Nam Việt thi hành nhiệm vụ. Lệ thường, trước khi sứ giả lên đường, hai kỵ sĩ được phái chạy ngựa trạm mang thư báo cho triều đình Nam Việt biết trước để chuẩn bị đón tiếp sứ đoàn. Khi thư báo được dâng lên, vua xem xong rồi trao cho thái hậu. Vừa nhìn vào thư báo mắt bà đã sáng rực lên, bà kêu:

 

– Trời đất! An Quốc Thiếu Quí!

 

Vua ngạc nhiên nhìn thái hậu hỏi:

 

– Có chuyện gì thế mẫu hậu?

 

Cù thái hậu hơi giật mình. Có lẽ biết thái độ vui mừng bất ngờ của mình không qua mắt được Ai Vương và các quan, bà nói:

 

– Không có gì đâu hoàng nhi. Chẳng qua là mẹ có người anh họ tên An Quốc Thiếu Quí, nay thấy sứ giả cũng tên như thế, biết đâu đó chẳng phải là người anh của mẹ? Nhưng dù ai đi nữa, đây là sứ đoàn của thượng quốc, hoàng nhi phải xuống chiếu cho dọn dẹp ngay một ngôi nhà riêng biệt, rộng rãi, thuận lợi mọi mặt để sứ đoàn trú ngụ trong thời gian lo công việc. Nếu không sẵn nhà, có thể cho xây dựng một ngôi nhà mới càng hay.

 

Chiều ý mẹ, Triệu Ai Vương đã hạ chiếu dựng gấp một dinh thự gần cung điện vua. Chỉ trong vòng bốn mươi ngày ngôi dinh thự đã được hoàn tất. Dinh thự vừa khánh thành xong thì sứ đoàn nhà Hán cũng vừa đến Phiên Ngung như dự tính. Vị chánh sứ An Quốc Thiếu Quí cũng quả là ông anh họ của Cù thái hậu như bà đã nói. Sau khi thông qua mọi thủ tục, lễ nghi ngoại giao, sứ đoàn được mời đến trú ngụ ở ngôi dinh thự ấy.

 

Theo lệ, khi có sứ nước ngoài đến giao hảo, trong triều thường đặt hai buổi yến để thết đãi sứ giả. Buổi thứ nhất tổ chức tại triều, khoản phí tổn do triều đình đài thọ, vua, sứ giả và các quan đều cùng dự để tạo sự thân mật với nhau gọi là công yến. Buổi thứ hai tổ chức tại cung vua, khoản phí tổn này do vua chịu, gọi là tư yến. Những buổi tư yến đãi sứ giả thường chỉ có một số trọng thần được vua mời dự. Đương nhiên trong buổi tư yến đó tể tướng Lữ Gia cũng có mặt.

Trong buổi công yến, vua cho các quan biết sơ về vị sứ giả cũng là người thân thích của thái hậu. Nhiều vị quan văn võ đã lên tiếng chúc mừng cuộc tái ngộ thú vị đó. Buổi yến đã diễn ra trong bầu không khí nồng thắm, vui vẻ. Tới buổi tư yến thì gần như chính thái hậu là người chủ trì. Khi hơi men đã ngấm ít nhiều, và có lẽ cũng do xuân tình đang bốc, Cù thái hậu quên cả lễ nghi phải giữ, tự mình bà đã mời mọc, săn sóc vị sứ giả thân mật quá đáng khiến nhiều người phải nghĩ ngợi. An Quốc Thiếu Quí thấy vậy cũng thù tạc đáp ứng rất nồng nàn. Lữ Gia và mấy vị quan được mời dự thấy khó chịu nên cũng lần lượt cáo say xin về nghỉ.

 

Từ đó, với cái cớ là anh em họ hàng, thái hậu cùng sứ giả tư công nhập nhằng, qua lại với nhau chẳng cần giữ gìn thể thống gì nữa. Việc đó diễn ra thường xuyên đã khiến quan dân Nam Việt thấy chướng mắt quá đến sinh lòng bất mãn.

 

Khi Cù thái hậu chính thức khuyên vua và triều thần nên chấp nhận nội phụ với nhà Hán trước triều thì tể tướng Lữ Gia lên tiếng:

 

– Tâu bệ hạ, tâu thái hậu, từ khi Nam Việt lập quốc đến nay đã gần một trăm năm. Các vị tiên vương ta đều chỉ thông hiếu với Hán triều chứ chưa bao giờ chịu nội phụ cả. Thỉnh thoảng vua ta cũng cho sứ giả hoặc con tin đi lại với Hán triều, chỉ dâng một số cống phẩm tượng trưng để củng cố niềm tin cậy lẫn nhau thôi. Việc này đã quen lệ. Nay bỗng dưng thái hậu lại khuyên bệ hạ và chúng thần tự nguyện đem giang sơn gấm vóc do các đấng tiên vương đã khó nhọc mở mang, giữ gìn chịu nội phụ Hán triều, chúng thần thấy mang lỗi quá lớn với các đấng tiên vương. Đã là nội phụ như các chư hầu ở trung nguyên thì cứ 3 năm vua ta lại phải thân hành về chầu thiên tử và nộp cống của cải, sản vật một lần. Từ đây đến Trường An quá xa xôi, đường sá lại khó khăn, nguy hiểm, như vậy dân ta sẽ chịu thiệt thòi, tốn kém biết bao nhiêu! Kính xin bệ hạ và thái hậu xét lại thật kỹ vấn đề này để khỏi ân hận về sau.

 

Thấy vua và các quan đều có vẻ bối rối trước ý kiến phản bác của Tể tướng Lữ Gia, Cù thái hậu tìm cách trì hoãn:

 

– Được rồi, vấn đề này sẽ tùy hoàng thượng suy xét lại rồi quyết định sau.

 

Thế rồi vua truyền bãi chầu. Hôm sau Lữ Gia lại vào chầu vua. Ông cố khuyên vua đừng chịu nội phụ. Vua lấy làm khó nghĩ nên vẫn chưa quyết định. Khi Lữ Gia đã lui ra, thái hậu nói với vua:

 

– Bàn chuyện với tên giặc già ấy chỉ mất công! Bệ hạ hãy tự làm sớ cũng xong! Chúng ta tự nguyện nội phụ với Hán triều, tự nguyện phá bỏ các thành ải phòng thủ ở biên giới hai nước, tự nguyện cứ 3 năm về chầu thiên tử một lần. Sứ giả sẽ dâng sớ của ta lên thiên tử. Khi thiên tử đã xuống chiếu rồi, chẳng lẽ bọn Lữ Gia còn dám không vâng? Nếu bọn lão đó vẫn còn ngoan cố ta sẽ tìm cách khử đi là yên.

 

Triệu Ai Vương bèn làm sớ theo ý mẹ. Sớ soạn xong, Cù thái hậu liền mời An Quốc Thiếu Quí đến trao tận tay và nói:

 

– Chàng đến Nam Việt lo việc cũng đã nhiều ngày rồi. Ngặt cái lão Lữ Gia đó cứ lôi thôi như thế biết bao giờ việc xong? Do đó mẹ con thiếp đành phải tự quyết định vậy! Đây là lá sớ của mẹ con thiếp mới soạn xong, bọn nó không hay biết gì đâu. Chàng hãy đọc thử xem. Nếu không có gì trở ngại, mong chàng thân hành mang nó dâng lên Hán đế cùng nói phụ giúp mẹ con thiếp một lời. Nếu Hán đế chuẩn y mà rộng ban chức tước, ban ấn tín cho mọi người, đặt chúng trước “chuyện đã rồi” chúng đâu còn dám không tuân mệnh?

 

An Quốc Thiếu Quí xem xong gật đầu:

 

– Soạn như vậy là được lắm. Chắc hẳn Hán đế chuẩn y thôi. Nhưng ta chưa cần về nước đâu. Ta về nước thì biết bao giờ mới gặp lại được nàng? Sẽ có người đi thay ta.

 

– Nhưng giao việc này cho người khác làm sao mẹ con thiếp được yên lòng? Lỡ bọn Lữ Gia nó xét càn lộ chuyện ra sợ chúng làm liều thì nguy hiểm lắm! Hơn nữa chàng ở đây lâu chúng sẽ sinh nghi. Vả lại, chỉ có chàng mới dễ dàng báo cáo tình hình nước Nam Việt với Hán đế và khuyên Hán đế làm thế nào cho tiện.

 

– Khỏi lo! Ta đã chuẩn bị bản báo cáo tình hình nước Nam Việt và sắp cho người chạy ngựa trạm mang về nước. Giờ mang luôn cả sớ xin nội phụ của vua Nam Việt lại càng tiện. Chạy ngựa trạm cả đi lẫn về cộng với thời gian gặp bề trên hay đợi giấy tờ cao tay chỉ mất chừng một tháng chứ nếu ta thân đi sẽ lâu hơn rất nhiều. Lính chạy ngựa trạm thường đủ bản lãnh, lại có thẻ bài đặc biệt không kẻ nào dám xâm phạm đâu! Nàng cứ yên chí.

 

Nghe Thiếu Quí giải thích như vậy Cù thái hậu cũng tạm yên lòng. Bà vẫn âm thầm tìm mưu triệt hạ Lữ Gia. Lữ Gia cũng biết việc đó nên rất dè dặt đề phòng.

 

Đúng như Thiếu Quí đã liệu, chỉ hơn hai tháng sau Hán đế đã cử một vị sứ giả khác mang chiếu chỉ sang, nội dung đại khái: Nước Nam Việt đã được chấp thuận nội phụ thiên triều. Vua Nam Việt cứ 3 năm sang chầu thiên tử và dâng cống phẩm một lần. Các cửa quan ngăn cách hai nước phải triệt bỏ hết. Triệu Ai Vương và tể tướng Lữ Gia được ban ấn bằng bạc cùng các ấn nội sử, trung úy, thái phó. Các chức tước khác được tự đặt lấy theo nhu cầu. Dùng pháp luật Hán triều, bãi bỏ các hình phạt cũ. Các sứ giả đều ở lại để trấn giữ, vỗ về.

 

Nhận được chiếu của Hán đế, Cù thái hậu mừng lắm. Bà thúc giục Triệu Ai Vương sửa soạn những lễ vật quí giá để về chầu thiên tử. Trước tình thế đó, Lữ Gia hết sức bối rối. Ông cáo ốm không chịu tiếp sứ nhà Hán để nhận sắc phong. Cù thái hậu thấy vậy bèn bàn với sứ giả, một mặt cho người về Trường An xin tiếp ứng, một mặt tìm kế giết Lữ Gia. Bà cho đặt một cuộc tiệc trong cung vua để đãi sứ giả cùng một số trọng thần. Lữ Gia bất đắc dĩ phải đến dự. Để phòng chuyện bất trắc, ông bảo người em là Lữ Hùng đem quân đóng quanh cung vua. Các sứ giả và các quan ngồi đối diện nhau.

 

Vừa vào tiệc Cù thái hậu liền hỏi Lữ Gia:

 

– Nam Việt nội thuộc thiên quốc là điều lợi cho nước ta, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện nghĩa là sao?

 

Hỏi câu này ý Cù thái hậu muốn khích cho các sứ giả nổi giận để triệt hạ Lữ Gia. Nhưng các sứ giả chưa kịp phản ứng thì Lữ Gia đã đứng dậy bước ra ngoài. Cù thái hậu định rút gươm của vua để giết ông nhưng vua ngăn lại. Lữ Hùng thấy ông ra liền cho quân đưa ông về nhà. Biết không còn cách nào ngăn được ý định nội thuộc của mẹ con vua, Lữ Gia bèn chuẩn bị làm một cuộc binh biến nhằm triệt hạ Cù thái hậu.

 

Khi Hán đế nhận được tin Lữ Gia không chịu nhận sắc phong và quyết chống lại ý định nội thuộc của vua và thái hậu, ông gọi tướng Trang Sâm đến nói:

 

– Hiện nay ở Nam Việt, Lữ Gia đã không chịu tuân mệnh nội thuộc. Vua và thái hậu thì bị cô lập không khống chế Gia được. Các sứ giả của ta thì nhút nhát không quyết đoán được gì. Chắc phải nhờ khanh ra tay một chuyến mới xong. Ta nghĩ vua và thái hậu Nam Việt đã chịu nội thuộc, chỉ có một mình Lữ Gia chống đối thì ta đâu cần phải dùng nhiều quân? Ta cho khanh 2 ngàn người sang sứ được không?

 

Trang Sâm tâu:

 

– Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ. Lấy vũ lực mà sang thì 2 ngàn người không làm gì được. Hạ thần không dám tuân mệnh.

 

Hán đế nổi giận bãi chức Trang Sâm. Tướng Tế Bắc là Hàn Thiên Thu thấy thế tâu:

 

– Một nước Nam Việt cỏn con, lại có vua và thái hậu nội ứng, chỉ có một mình tể tướng Lữ Gia làm loạn thì có gì mà ngại? Xin cấp cho thần 300 dũng sĩ, thế nào thần cũng chém được đầu Lữ Gia đem về.

 

Hán đế vui mừng cấp cho Hàn Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc 2 ngàn quân tiến vào Nam Việt.

 

Trong khi vua và thái hậu sắm sửa xong lễ vật để về chầu thiên tử thì một tờ hịch do Lữ Gia soạn cũng được truyền đi khắp nước đại khái: “Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đày tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời” (ĐVSKTT).

 

Thế rồi Lữ Gia cho đem quân đánh, giết vua và thái hậu cùng tất cả bọn sứ giả. Tiếp đó, ông lập người con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương Hầu Triệu Kiến Đức lên làm vua tức Thuật Dương Vương. Khi ấy đội quân của Hàn Thiên Thu đã vào cõi chỉ cách Phiên Ngung 40 dặm. Lữ Gia lại đem quân đánh một trận giết luôn cả Hàn Thiên Thu lẫn Cù Lạc. Lữ Gia lại chia quân ra trấn giữ các nơi hiểm yếu.

 

Hán đế nghe tin Lữ Gia đã nổi binh chống lại thiên triều, lại giết luôn cả Hàn Thiên Thu nên vô cùng tức giận. Ông liền sai Lỗ Bác Đức, Dương Bộc và nhiều tướng giỏi khác đem hơn 10 vạn quân chia làm nhiều ngả tiến đánh Nam Việt.

 

Lữ Gia quân ít thế yếu chống không lại. Cuối cùng Thuật Dương Vương lẫn tể tướng Lữ Gia đều bị giặc bắt giết. Từ đó dân tộc Việt bị rơi vào ách cai trị của nhà Hán (111 trước TL).


(Kỳ sau: Thái hậu Dương Vân Nga)
 

Ngô Viết Trọng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi chưa được may mắn ghé thăm Đà Lạt trước mùa xuân 1975. Phải đến mười năm sau nhân hè muộn 1985, như một duyên may, gia đình nhỏ của tôi mới đặt chân lên Đà Lạt. Một chuyến đi chơi đáng nhớ những năm tháng quạnh hiu ấy.
Sài Gòn có con đường nối liền hai đường song song Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão, nối khúc gần rạp hát Thái Bình ngày xưa với khúc đuôi của Phố Tây Bùi Viện. Con đường không dài hơn 2km đâm ra bến xe buýt mới Sài Gòn, chỗ trước đây nằm trong khu ga xe lửa Sài gòn tên là Đỗ Quang Đẩu. Cái tên Đỗ Quang Đẩu của con đường nầy ngày nay hình như vẫn còn, vẫn mang tên cũ... Nhưng Đỗ Quang Đẩu là ai, sao lại có tên đường ngay một vùng rất gần với những khu tấp nập của Sài gòn? -- Học giả Nguyễn Văn Sâm, nổi tiếng với những công trình biên khảo văn chương nghệ thuật đặc thù Nam bộ, cho chúng ta câu trả lời qua bài viết sau. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Rồi sau đó tôi hét lên, hét thật lâu, và có hết sức lực để hét, rồi tôi trở nên điếc thật, và chết thật sự. Nhưng điều đó đã không xảy ra, tôi chỉ không thể nói được trong rất nhiều tuần lễ.
Mùa đông xuân năm nay, trời lạnh sớm, cái lạnh tái tê kéo dài từng đợt trên khắp cả nước, từ miền cao đến châu thổ. Có những nơi như đèo Ô Qui Hồ, Mẫu Sơn, Y Tý… tuyết rơi trắng xóa. Tuyết nơi miền chí tuyến! Cùng với tiết trời là những đợt gió rét mướt vi vu dễ làm chùng lòng, chẳng dám dậy sớm đi biển. Nên nhớ vẩn vơ. Nhớ gió qua bao nỗi niềm.
Bà mỉm cười khi thấy chén bát thằng bé đã xếp gọn gàng. Bà nhấc lên khỏi mặt bàn, dưới cái đĩa cuối cùng thì bà thấy có một tờ giấy bạc 50.000 đồng chặn ở dưới! Con cám ơn.
Luật bất thành văn/ cho phép anh nói dối một ngày/ anh nói dối cả đêm...
Hôm nay, ngày 30 tháng 3 năm 2022, đúng 47 năm ngày kỷ niệm trận Khánh Dương, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù rút quân về Phan Rang, theo sau là đoàn xe của quân đội và đồng bào theo chân quân đội quốc gia xuôi về nam lánh nạn cộng sản.
Anh ta là bạn cùng xóm và cùng lớp với anh tôi. Trong khi anh tôi hiền lành thật thà bao nhiêu thì anh ta mưu mô, gian xảo bấy nhiêu...
quê hương tôi đã hư hoại sau bao tháng tư / mục ruỗng từ trong ra ngoài / chôn trong ngôi mộ dân tộc tập thể / cao và rộng ̶ ̶ ̶ trùm khắp trải dài ngày ngày nín thở trong nhà mồ kín hơi...
Chỉ có tình thương mới đem hòa bình cho thế giới, chỉ có lòng thương yêu bớt hận thù, và người bị bệnh nói nhiều cũng phải vì lý do gì đó, sự uất ức dồn nén trong đầu, trong tim...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.