Hôm nay,  

Tháng Ba lại về

11/03/202321:17:00(Xem: 1981)
Tùy bút

Hoa


Tháng ba lại về, mùa xuân đang ngấp nghé bên thềm. Tuần trước những nụ hoa đào còn bé như hạt tiêu, ấy vậy mà giờ này lớn bằng đầu ngón út, những nụ hoa chi chít trên cành, có một số đã nở sớm phơn phớt sắc hồng trong nắng vàng ban mai dưới bầu trời xanh biếc.

 

Đất trời vốn thênh thang, giờ xuân lại về càng thêm phong quang rạng rỡ. Muôn hoa tô điểm cho đời, sắc hương nào chỉ để vui mắt, sắc hương còn là quả ngọt trái sai của mùa sau. Thiên hạ cứ bảo bướm ong lẳng lơ, ừ thì lẳng lơ nhưng không có bướm ong thì cũng không có mùa màng đâu nhé! Thiên hạ có không ít kẻ cười cợt bọn du tử mần thơ viết văn, cho là vô tích sự, tuy nhiên đời mà không có văn chương nghệ thuật thì con người chỉ có ăn, ở, mần tình hóa ra không khác gì con vật ư? hay chỉ là lũ người máy vô hồn? Bọn du tử chính là những tấm gương phản chiếu lại phong quang của trời đất, ghi nhận sắc hương của muôn hoa, vẽ nên bướm ong của thiên nhiên và cũng là của chính bản thân mình. Bướm ong thụ phấn cho mùa màng bội thu, bọn du tử “thụ phấn”cho những tác phẩm văn thơ ra đời để phục vụ sự hưởng thụ về mặt tinh thần của con người.

 

Mùa xuân về em vui trẩy hội, xúng xính áo xiêm, trai thanh gái lịch, đời vất vả nhọc nhằn nhưng cũng có lúc đẹp như mơ. Đời vô thường tử sanh liên lỉ nhưng những giây phút hiện tại ở nơi này hoan hỷ biết bao! Mùa xuân hải ngoại tận góc bể chân trời nhưng vẫn mang âm hưởng quê hương vì xuân trong tâm hóa hiện ra. Tiếng pháo đì đùng, tiếng pháo giòn tan, tiếng pháo rộn rã làm nao nức lòng người. Mùi thuốc pháo hăng hăng, mùi thuốc pháo nồng nồng. Khói thuốc pháo mù mịt chợt nhiên làm liên tưởng đến thuốc pháo làm sạm đen áo bào của đại đế Quang Trung trong mùa xuân Kỷ Dậu.

 

Đất trời phương ngoại phóng khoáng, tự do. Mùa xuân dường như bất tận, hoa nở bạt ngàn trên thảo nguyên, trên triền đồi, trên sườn núi… thảm hoa như kéo dài đến tận chân trời. Hoa dọc xa lộ, bên những cung đường quê. Hoa trên đường phố, trong sân vườn, bên thềm, trên bậu cửa... Thật khó có thể dùng bút mực để mô tả hoa xuân cũng như nỗi hân hoan của những gã du tử mê hoa. Thật sự thì đất trời phương ngoại mùa nào cũng có hoa, tuy nhiên khi xuân về thì mới tràn trề và viên mãn như thế này!

Đất trời tràn ngập hương sắc hoa, mùa xuân là mùa của muôn hoa, mùa của hồi sinh và mùa xuân cũng là biểu tượng của tuổi trẻ và hy vọng. Có gã du tử ngơ ngẩn trong đời vì mê hoa mà đã có lần khẩn khoản van nài chúa xuân:” nàng hãy ở lại đây, hãy ngự trị vĩnh viễn ở nơi này!”. Chúa xuân mỉn cười rạng rỡ thì thầm như gió thoảng mây bay:” Thế gian vô thường, vạn vật sanh diệt là lẽ tự nhiên, bốn mùa luân phiên thay đổi. Một khi ta ở lại nơi này vĩnh viễn thì nơi kia sẽ thế nào? Liệu có còn ý nghĩa mùa xuân? Và thiên hạ sao biết được cảm giác hân hoan khi xuân sang?” Chao ơi, gã du tử khờ khạo quá, vì chưng yêu thương mà sanh ra mê mẩn tâm thần nên mới van nài chúa xuân ở lại vĩnh viễn ở nơi này! Gã du tử đã quên mất tông chỉ mà sư phụ năm xưa đã nhắn nhủ:” Cầu không phải, không cầu cũng không phải, tự nhiên vốn là thế, chớ có cưỡng cầu!” Gã du tử còn ngẩn ngơ giữa cung đường xuân thì chúa xuân gởi lời trong gió thoảng hương xuân:” Một khi ta ở lại vĩnh viễn nơi này thì ta có còn là chúa xuân nữa không?”

 

Xuân của đất trời phong quang khiến lòng người hân hoan. Mùa xuân phương đông, mùa xuân phương tây có khác gì nhau chăng? Làm sao có chuyện ấy được! Ấy chỉ là mê của lòng người. Đất rộng trời cao, vũ trụ không ngằn mé, thiên nhiên vốn không hai… phân biệt, chẻ chia ấy là tại lòng người. Mùa xuân muôn đời tươi trẻ, mùa xuân bát ngát sắc hương hoa, bởi thế mà năm xưa thiền sư Mãn Giác đã bảo:” Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”. Hãy nhớ nằm lòng nhé em! Làm sao mà hết xuân hết hoa cho được và cũng chớ bao giờ cho là hoa rụng khi xuân tàn. Xuân ý, xuân lòng, xuân tâm, xuân tưởng vốn vô tận kia mà! Đời hiện đại cũng có gã du tử tập tễnh mần thơ:

 

Xuân đất trời bây giờ mới đến

Trong lòng tôi xuân vốn đã lâu rồi.

 

Nói lời này e rằng cũng mê mất đi thôi! Làm gì có đến có đi, may mà còn chút vớt vát dường như ngấp nghé bờ mép nên mới thấy xuân từ lâu.

 

Người ta bảo xứ Phù Tang lấy hoa đào làm biểu tượng, ở đấy hoa đào đẹp lắm, chẳng biết có phải vì hoa đào mà má phấn phụ nữ xứ ấy tựa như hoa đào? Hay là hoa đào đẹp tựa má phấn gái xuân xanh?

Thành Ất Lăng này cũng là xứ sở của hoa đào, hoa đào có khắp mọi nơi từ núi rừng cho đến đồng quê, phố xá. Cứ mỗi mùa xuân, hoa đào bừng lên sắc thắm làm cả không gian hồng hào dưới nắng vàng trời xanh. Cánh hoa đào bay bay trong gió, rơi rơi trên thảm cỏ xanh. Những cánh hoa đào phơn phớt hồng và mịn màng như đôi má của những cô gái xuân thì, đẹp đến mê mẩn tâm thần. Văn chương thơ phú làm sao tả được đây? nét đẹp của cánh hoa đào, cái đẹp cùa má đào gái xuân xanh thì mỗi người tự cảm nhận chứ vô phương miêu tả.

 

Tháng ba lại về, chúa xuân không cần con người tụng ca, ngôn ngữ thế gian làm sao đủ để tôn vinh xuân? Ngay cả thanh âm và sắc màu của con người cũng không thể nào tả hết được cái đẹp, nét hân hoan và rạng rỡ của nàng xuân. Làm sao có thể dùng cái hữu hạn để nói cái vô hạn? khổ nỗi con người chỉ có chừng ấy thôi nên đành tạm mượn ngữ ngôn để tỏ chút tình hoài.

 

– Tiểu Lục Thần Phong

(Ất Lăng thành, 0323)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
Ba chị em Tabi, Betsy và Holden tung tăng trong chợ Target, hôm nay chúng theo bố mẹ đi chọn mua đồ cho ngày khai trường vào ngày 24 tháng tám sắp tới. Chợ nào cũng “Back to School Sale” đua nhau giảm gía nhiều quần áo, giày dép và đồ dùng cho học sinh. Ba chị em vui thích lắm...
Chị Thiên Kim sinh trưởng vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong một gia đình khá giả có cửa hiệu buôn bán ở phố Ngã Giữa, đường Phạn Bội Châu, Huế (nay là đường Phan Đăng Lưu). Hồi học trường Đồng Khánh chị đã nức tiếng hoa khôi, nên mỗi lần tan lớp, có nhiều “cái đuôi” theo về tận ngõ, hoặc trồng cây si trước cổng đợi tan trường...
Sáng sớm, vừa mở di động vào messenger gặp ngay tin nhắn của Duyên. Sững người. Rồi cười. Sao thế nhỉ? Sao con bé lại hỏi câu ấy nhỉ? Đang định nhắn “Sao em biết?” thì giật mình, xóa chữ đi lùi, sửa lại...
Ông Hương Cả làng Ngọc Thạnh nổi tiếng mát tay, tuy là chức sắc trong làng nhưng người làng ít kêu ông là ông Hương Cả mà họ kêu là thầy Hai. Thầy Hai bốc thuốc Nam rất hiệu nghiệm, ai bị bệnh gì cũng tìm tới thầy Hai. Thầy Hai xem mạch và bốc thuốc làm phước chứ chẳng phải lấy tiền...
Tôi và Hùng giận nhau đã hơn tuần lễ sau một trận cãi vã dữ dội, chúng tôi quyết định xa nhau. Khuôn mặt cương nghị tuấn tú của chàng với nụ cười ngạo nghễ luôn luôn ám ảnh tôi...
Người chồng cô có một số phận khá kỳ lạ. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Thơ của ba nhà thơ: Nguyễn-hoà-Trước, Trần Hạ Vi, Trần Yên Hòa...
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.