Hôm nay,  

Ngôi cổ miếu (Kỳ III)

08/03/202309:39:00(Xem: 2724)

reeducationcamps
(Tiếp theo và hết)

Trong lúc mọi chuyện tưởng đang tốt đẹp thì chúng tôi bỗng nhận được một cái tin đáng sợ. Đó là vụ anh Kha được thăm nuôi hai lần trong một ngày bị phát giác. Số là anh Kha được người nhà của linh mục Hương đến thăm vào buổi sáng. Vì quà thăm khá lớn nên cán bộ khám đường lưu ý nhớ kỹ. Bất ngờ buổi chiều thì vợ anh Kha lại xin vào thăm nữa. Cán bộ Năm Bình, phó giám thị khám đường nghi ngờ hỏi lý do. Anh Kha bất đắc dĩ phải nói đại là vợ anh đã đến thăm buổi sáng nhưng vì thấy anh còn thiếu vài thứ cần thiết nên lại ra chợ mua thăm thêm một lần. Năm Bình không tin, giao việc này cho cán bộ Sơn tra hỏi.

 

Lâu nay trong khám đường này, bất cứ người tù nào bị Sơn chiếu cố thì không chết cũng bị thương. Linh mục Hương lẫn anh Kha đều khiếp hãi chờ đại hoạ giáng xuống. Thế nhưng có lẽ nhờ ơn trên che chở, gã hung thần đã cho thông qua việc đó. Thật hú vía!

 

Sau này tôi mới biết nguyên nhân đã giúp hai ông ấy thoát nạn. Ông Hương thường ngày ăn uống rất dè xẻn. Vào đêm Sơn đến xin tôi lạp xưởng, Sơn cũng đến hỏi xin anh Kha luôn. Gã nói cần để nhậu với mấy người bạn ở xa mới đến thăm. Rất may ông Hương còn hai con để biếu. Chính những con lạp xưởng béo ngầy ngậy ấy đã cứu hai ông.

 

Sau khi kiểm quà xong, ông Đ. vét đồ cũ của lần thăm trước ra một chén đầy, gồm đủ thịt heo, cá bống và một ít thịt chà bông. Ông nói với tôi:

 

– Ông coi có dùng được thì cứ dùng!

 

Sao lại không dùng được chứ? Tất cả đồ ăn cứ hai ngày ông Đ. lại gởi đám tù nhà bếp hâm một lần nên tôi yên chí lắm. Cơ thể mình đang cần thịt cá quá, đâu dám phụ bạc chúng. Ở trong tù, phí bỏ bất cứ cái gì, tôi đều cảm thấy như mắc phải tội lỗi. Nhân ngày thăm nuôi tù, nhà bếp thường phát phần ăn chiều sớm hơn thường lệ. Tôi liền nhận cả hai phần rồi đem ăn với chén đồ ông Đ. vừa cho ấy. Dù thấy nó hơi thiu, nhưng tôi vẫn hăng hái làm hết.

 

Chuyện ông Đ. gắp thức ăn cho tôi hằng bữa đã thành lệ rồi. Hôm nay dù mới thăm, ông cũng áp dụng như thế. Sau bữa trưa một lát, tôi đã ăn ba hột vịt lộn với hai ổ bánh mì, tiếp đó tôi lại thộn luôn phần ăn của nhà bếp cộng một chén đồ ăn cũ của ông Đ., nên trong bụng hơi khó chịu. Thành thử, phần cơm cùng thịt cá ông Đ. Đãi, tôi đem cất lại.

 

Tối đó, tôi ngồi suy nghĩ mà rùng mình. May bà chị tôi đến thăm sớm và quà không có gì đáng kể nên cán bộ khám đường không để ý. Nếu không, tôi chẳng biết kết quả ra thế nào. Tôi thấy rõ việc thăm nuôi như thế này, nếu kéo dài thì không thể nào ổn được. Chơi dao hoài tất phải có ngày đứt tay. Thế là tôi có ý định bảo ông Đ. chấm dứt vụ mượn tên tôi để thăm nuôi. Nghĩ như vậy, nhưng tôi thấy khó mở miệng nói ra quá. Thế rồi, tôi bắt đầu loanh quanh:

 

– Ông Đ. này, có thể tối nay thằng Sơn nó đến xin đồ đó. Ông thấy thứ gì nó có thể xin, đưa tôi cất giùm cho một ít. Lỡ khi nó hỏi, tôi phải đưa cho nó chứ, nếu không, tôi ngại lắm.

 

Ông Đ. nói:

 

– Thì khi nó đòi, ông bảo tôi đưa cho cũng được vậy. Mình ở cùng phòng mà, lo gì!

 

– Tôi sợ khi một trong hai người mình bị chuyển phòng bất ngờ thì làm sao?

 

Có lẽ ông Đ. nghĩ là tôi muốn làm khó ông để đòi chia của. Ông nói:

 

– Tôi chỉ ngại phiền cho ông phải gói ghém cất giữ lôi thôi, chứ nếu chuyển phòng thì tôi chia cho ông một ít đồ để ông dùng chứ! Ông yên chí, hễ có vụ chuyển phòng là tôi chia cho ông liền.

 

Khi đó, tôi thấy trong người mình khó chịu nên cũng không muốn nói gì nữa. Cái bụng anh ách bắt đầu hành hạ tôi. Tôi lo sợ lắm vì trong phòng không có cầu tiêu. Tôi nghĩ có lẽ tại mình tiếc cái mớ thịt thiu mới nên chuyện. Tại sao cái ngày cả hai người đều có thăm nuôi, mình lại tiếc chi cái của ấy nhỉ? Bụng tôi bắt đầu quặn lên dữ dội nhưng tôi vẫn cố nghiến răng mà nín. Rồi tôi biết không thể nào nín được nữa, tôi năn nỉ ông Đ.:

 

– Ông làm ơn cho tôi mượn cái hộp bánh của ông một chút đi! Tôi đau bụng quá chịu không nổi rồi!

 

Ông Đ. giọng hơi cười:

 

– Tôi cũng từng bị đau như thế rồi, tôi biết lắm. Nhưng chuyện này, xin lỗi ông Trọng, tôi vẫn quen của ai dùng của nấy thôi.

 

Tôi phải cố vừa năn nỉ vừa doạ:

 

– Ông cho tôi mượn rồi ngày mai tôi xin cán bộ bưng đi đổ và sẽ rửa sạch sẽ đàng hoàng cho ông! Nếu ông không cho mượn, lỡ tôi bung ra đây thì ông cũng khổ đó!

 

Nhưng ông Đ. cương quyết:

 

– Tôi đã nói tôi không quen dùng chung cái gì với ai cả! Bây giờ cho ông mượn, lỡ tôi cũng bị đau rồi tôi đi vào đâu?

 

Tôi giận điên lên nhưng cố ghìm để khỏi phát ra những ngôn ngữ không đẹp. Đồ cá nhân của tôi chỉ có cái chén nhôm, cái tô và cái lon gô chứ còn gì nữa đâu? Không lẽ đem cái lon gô mà dùng vào việc ấy thì lấy gì đựng nước uống? Trong lúc tôi toan làm bậy ra tới đâu hay đó thì bất ngờ cán bộ Sơn đến “gõ cửa”. Ông Đ. vội bước tới trình bày sự việc với Sơn. Thật là ông trời đi khỏi, dù đang đêm, Sơn vẫn sốt sắng mở cửa cho tôi đi cầu. Nhưng phải nói là quá khổ, tôi vất vả từng bước, vừa đi vừa kẹp vừa nghiến răng mà nín. May sao, thuyền cũng vượt được bão táp để ghé bến bình an. Sau khi trút được gánh nặng ngàn cân ấy, tôi thoải mái ra về. Ông Đ. đã lấy sẵn quà đưa tôi trao cho Sơn: hai con lạp xưởng, một dúm kẹo sô– cô– la, một trái cam và hai trái quít.

 

Sau đó, tôi còn phải chịu đựng vài cơn đau nữa nhưng nhẹ hơn. Nhờ có mấy tờ báo gói và mấy cái bao nylon nên mọi chuyện được thu xếp gọn ghẽ. Gần sáng, tôi mới ngủ được một giấc thoải mái. Sau ngày thăm nuôi, cán bộ khám đường vẫn đi điểm danh trễ hơn thường lệ. Mãi tới khi tù nhà bếp đi phát nước, tôi mới thức dậy. Bỗng một tiếng nói rổn rảng oai vệ lạ hoắc phát ra ngay bên cạnh làm tôi giật nảy mình:

 

– Ông Trọng đã hết đau bụng chưa?

 

Ai ngờ đâu, đó lại là tiếng nói của ông Đ.! Từ khi tôi vào ở chung với ông trong ngôi cổ miếu này, tôi chỉ nghe ông nói với giọng khào khào như nói thầm, tới giờ mới nghe được cái giọng rổn rảng oai vệ ấy. Nhờ được bồi dưỡng đầy đủ, thanh quản của ông nay đã phục hồi. Có lẽ sung sướng vì sự thay đổi ấy, ông cười nói liên miên. Nhưng tôi chỉ gật gật ậm ợ cho qua chuyện. Tôi không sao quên được cách cư xử thiếu độ lượng của ông khi tôi đang lâm cơn đau bụng ngặt nghèo. Tới khi ăn trưa, ông lại nồng nàn mời tôi nhưng vì phần cơm chiều hôm qua của tôi vẫn còn nên tôi từ chối. Tôi thấy ông có vẻ bồn chồn lo lắng vì chuyện gì đó.

 

Khi cơm nước xong, tôi nói với ông Đ.:

 

– Từ nay ông đừng lấy tên tôi để thăm nuôi nữa nghe! Vụ ông Kha vừa qua làm tôi sợ lắm. Phát giác được chuyện gian dối, tụi nó đập chết mình như chơi, xin ông thông cảm cho!

 

Lời tôi nói hoàn toàn đúng. Ông Đ. dĩ nhiên cũng biết rõ như thế. Chẳng qua là sự đói khát đã hành hạ thân xác ông quá nên ông phải tạm thời làm liều. Nghe tôi nói xong, ông Đ. lộ vẻ bối rối:

 

– Ông sợ à? Vậy tôi đề nghị thế này: Ông bảo người chị ông đừng thăm nữa, cứ để người nhà tôi thăm tên ông. Quà thăm anh em mình sẽ chia đôi, được không?

 

Bây giờ ông mới nghĩ đến việc chia đôi quà thăm nuôi? Thật sự tôi không hề muốn đòi hỏi như thế. Tôi không phải là kẻ ham ăn uống, tôi chỉ cần một phần nhỏ để giữ thân thể khỏi bệ rạc là đủ. Việc gian dối vừa qua, tôi là người đồng tội với ông. Thế sao ông vẫn tự coi như kẻ ban ơn và tôi là kẻ chịu ơn? Trong hoàn cảnh khốn cùng, tôi đã gắng không nghĩ đến điều đó. Nhưng qua trận đau bụng của tôi vừa rồi, tôi thấy rõ ông chẳng thương tôi chút nào. Vậy tại sao tôi phải lăn mình vào chia sớt hoạn nạn với ông?

 

– Xin ông thông cảm cho. Trước đây hoàn cảnh còn thuận lợi, người nhà tôi chưa biết tôi ở đây, tôi mới để ông mượn tên. Bây giờ tôi không có cách nào liên lạc để bảo chị tôi ngừng thăm được. Nếu lỡ hai bên thăm trùng nhau bị bắt gặp là chúng ta có thể bị toi mạng cả. Tôi không muốn chết vì miếng ăn.

 

Ông Đ. càng xuống nước:

 

– Thôi thì đành vậy. Nhưng xin ông cho tôi thăm một kỳ chót nữa nhé!

 

Phải nói là tôi càng nghĩ tới chuyện thăm nuôi trùng nhau càng sợ. Tôi đâu có tài ứng biến tranh cãi như người ta được! Dính vào là chết! Tôi cố gắng tìm một câu hài nói với ông Đ.:

 

– Xin ông tha cho. Bây giờ người nhà tôi đã biết tôi ở đây, không chừng bà xã tôi lại lặn lội tới thăm tôi nữa. Nếu rủi bà xã tôi lại gặp một bà Mai Hoàng Bích trẻ đẹp cũng vào thăm nuôi chồng mình, làm sao giải thích với nhau? Rồi mai kia kẻ nam người bắc, có lẽ suốt đời tôi giải oan cũng không nổi nữa!

 

Tới lúc đó ông Đ. mới chịu thôi. Thế là ông Đ. lại bị cúp thăm nuôi. Tôi biết ông lo buồn lắm. Bây giờ giọng nói ông đã bình thường, bệnh ho cũng giảm, nên tôi nói chuyện với ông nhiều hơn.

 

Kỳ thăm nuôi kế tiếp, chỉ có chị tôi vào thăm. Tôi cũng nhắn xin chị tôi một cái bô để dùng. Chị tôi thăm đồ ít nhưng đều, không vắng kỳ thăm nào cả. Ông Đ. đã trở thành mồ côi nên tôi luôn vui vẻ san sẻ đồ thăm cho ông.

 

Thấm thoát, tôi ở trong ngôi cổ miếu này đã được tám tháng. Suốt thời gian ấy tôi không hề được tắm rửa nên toàn thân mốc meo sủi vảy lên cả, trông rất dị hợm. Ngồi trong nhà thì không sao, nhưng bước ra ngoài thì ai cũng nhìn tôi bằng đôi mắt khác lạ. Cũng may là tôi được thăm nuôi đều nên bệnh ghẻ không phát nổi. Ông Đ. càng thâm niên không tắm rửa hơn tôi, mười một tháng. Ông cũng thành một con người mốc meo. Ngôi cổ miếu mốc meo đã che chở hai con người cũng mốc meo như nó!

 

Thế rồi, một hôm có một đoàn thanh tra trại giam đến khám đường Bà Rịa. Họ đến từng phòng, cho tù ra sân xếp hàng để họ hỏi chuyện, đồng thời họ cũng vào bên trong xem xét. Khi đến ngôi cổ miếu của chúng tôi, họ chưng hửng nhìn thấy hai nhân vật cổ quái trước mắt. Người trưởng đoàn hỏi:

 

– Sao các anh lười tắm vậy? Để người nhớp nhúa mốc meo thế mà chịu được à? Tóc tai bù xù dơ dáy không biết ngứa à?

 

 

Ông ta hỏi tôi như thế. Ngặt một điều, lúc ấy mấy gã cán bộ của khám đường đều có mặt cả nên tôi ngập ngừng không dám nói. Ông trưởng đoàn hỏi tiếp:

 

– Anh bị bệnh gì mà lười tắm rửa như vậy? Nghiện hút hả?

 

Tôi thấy cán bộ Sơn nhìn tôi, tôi ngán lắm, nhưng tôi vẫn phải trả lời:

 

– Dạ cán bộ đâu có cho tắm!

 

– Không cho tắm à? Bao lâu rồi?

 

– Tám tháng!

 

Tôi liếc thấy mấy gương mặt những người trong đoàn thanh tra đều lộ vẻ kinh ngạc. Ông trưởng đoàn lại quay sang ông Đ. hỏi:

 

– Còn anh này không được tắm bao lâu rồi?

 

Ông Đ. chậm rãi nói:

 

– Dạ, tôi mới mười một tháng không được tắm!

 

Câu nói của ông Đ. làm nhiều người không giữ vẻ nghiêm nghị được nữa. Kẻ lắc đầu người nhún vai. Ông trưởng đoàn nói với đám cán bộ khám đường:

 

– Cho hai người này đi tắm ngay!

 

Cán bộ Sơn truyền lệnh lại cho chúng tôi. Thế là chúng tôi đem đồ ra vừa tắm giặt vừa hỉ hả nói chuyện với nhau. Tắm giặt xong, chúng tôi phơi nắng thoải mái cả buổi. Sau đó, anh tù hớt tóc tay xách cái ghế đến bảo chúng tôi:

 

– Lệnh cán bộ, anh nào tắm giặt xong, ngồi lại hớt tóc!

 

Anh ta hớt chớp nhoáng, có lẽ chỉ mười phút, anh đã làm xong cả hai cái đầu. Xong xuôi, anh bảo chúng tôi đem đồ vào phòng và chính anh khoá cửa lại. Hôm sau, chúng tôi lại được cho ra tắm và đi cầu. Đặc biệt lần này, cả phòng anh Kha lẫn phòng anh Khôi cũng được cho ra tắm luôn một lượt. Cán bộ lại bỏ đi mất nên chúng tôi có cơ hội giới thiệu nhau và nói chuyện với nhau vui vẻ. Lúc này tôi mới thấy rõ linh mục Hương, ông già hơn ông Đ. chừng bốn năm tuổi. Linh mục Nguyễn Minh thì còn quá trẻ, chỉ xấp xỉ với tôi. Đó là lần chúng tôi được tắm chung duy nhất. Những ngày kế tiếp, chúng tôi vẫn được ra tắm và đi cầu hằng ngày thành lệ. Nhưng cán bộ chia cách thời gian tắm cho từng phòng nên tôi không được gặp những người bạn tù này

nữa.

 

Cũng thời gian này, anh Kha, anh Khôi và tôi đều lần lượt được kêu làm việc bổ túc hồ sơ nhiều lần. Chúng tôi cứ nghĩ là mình sắp được thả về. Rồi ngày thăm nuôi lại đến. Lần này chị tôi bới đồ khá nhiều, trong đó có một gói thịt lạ lạ cỡ hai ký. Tôi vừa mở ra xem thì ông Đ. nói:

 

– Ồ, thịt chó!

 

Suốt cả đời, tôi không ngó đến thịt chó, không hiểu sao chị tôi lại bới cho tôi? Thế là tôi đưa cả cho ông Đ. Sau này khi được về, tôi kể lại chuyện đó với chị tôi thì chị tôi nói: “Chó đâu mà chó! Tụi nó đánh bẫy bắt được hai con cheo, không dám cho đứa nào ăn một miếng, bới hết cho cậu ăn một bữa cho đã thèm đó chứ!”

 

Một điều không ngờ là ngay sau ngày thăm nuôi ấy, tôi được lệnh chuyển trại. Ông Đ. thì vẫn ở lại chỗ cũ. Thế là tôi chia cho ông Đ. một ít đồ mới thăm và giã từ ông, giã từ ngôi cổ miếu. Trong giây phút chia tay đó, ông Đ. buồn bã nhưng vẫn cố cất giọng hài:

 

– Thôi rồi, ngôi cổ miếu này từ nay chỉ còn một mình tôi tu luyện! Sau này, nếu chúng ta đều đã được xuống núi, khi cần, ông cứ đến xã Phước Tỉnh tìm tôi. Chúc ông lên đường may mắn!

 

Ngô Viết Trọng

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.