Hôm nay,  

Tiễn biệt Ngọc Hoài Phương

08/03/202307:39:00(Xem: 2044)

Tùy bút – Tưởng niệm


ngoc-hoai-phuong-12-2013-bb 


Tin Ngọc Hoài Phương ra đi không bao giờ trở lại đã nhắc tôi nhớ lại những tháng năm hai đứa làm báo với nhau tại Sàigòn trước 1975. Thuở ấy trên khúc đường Gia Long, giữa Nguyễn An Ninh và Ngã Sáu Sài Gòn, có ba Tòa soạn báo Thời Luận, báo Tiếng Chuông và báo Dân Chủ có mặt từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa.

 

Ngọc Hoài Phương làm cho báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện và tôi làm cho báo Dân Chủ của ông Vũ Ngọc Các. Cả hai báo đều sống chật vật và thường bị Bộ Thông tin làm khó dễ vì có lập trường đối lập với Chính quyền.

 

MỘT NGƯỜI HIỀN LÀNH

 

Nói về nghề nghiệp thì cả hai chúng tôi, giống như hầu hết Ký giả thời ấy, đều không được học làm báo tại nhà trường vì thời ấy không có lớp “dạy làm báo”. Chúng tôi biết làm báo và làm phóng viên là nhờ “học lóm” được từ các lớp đàn anh trong nghề. Sở trường của Phương là làm Thơ, nhưng Thơ không làm ra tiền nên anh phải sống nhờ báo. Anh không chuyên loại tin nào, nhưng rất thính các loại tin kinh tế và xã hội. Ngược lại tôi lại chuyên về tin chính trị và quân sự.

Vì tin của Phương “không đụng chạm đến ai” nên được các báo “chỉ biết làm thương mại” ưa chuộng. Vì vậy, bỗng chốc đã thấy tên anh xuất hiện trên hai báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh và Tiếng Vang của Quốc Phong. Tất nhiên thêm báo là thêm tiền nên cuộc sống của anh thoải mái hơn nhiều Ký giả đồng nghiệp.

 

PHƯƠNG KỀU

 

Đối với anh em trong nghề, chúng tôi gọi anh là “Phương Kều” vì anh gầy gò và cao. Anh là một trong số Nhà báo “hiền như ông Bụt” và không biết giận hờn với ai. Cả hai chúng tôi đều gia nhập Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt do Nhà báo Nguyễn Kiên Giang làm Chủ tịch. Nhưng đến khi Ký giả Nguyễn Thanh Hoàng (báo Chính Luận) thành lập Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam thì Phương và tôi cũng tham gia. Vì vậy mà ông Nguyễn Kiên Giang mới hỏi chúng tôi: “Tụi bay bắt cá hai tay hả?” Phương Kều trả lời: “Tụi Em bắt hai tay cho chắc ăn”.

Nhưng cuộc sống làm báo của chúng tôi lại bất ngờ chuyển sang một khúc quanh không thuận khi Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, vào năm 1972, cho áp dụng Sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa.

Bách khoa Toàn thư (BKTT) mở viết: “Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí.”

 

ĐI ĂN MÀY

 

BKTT viết tiếp: “Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại dân tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007.

 

Hình thức đấu tranh "ký giả xuống đường đi ăn mày" được thống nhất. Các đại diện của ban tổ chức gồm có: Nguyễn Kiên Giang (chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt), Tô Văn, Phi Vân của đoàn Nam Việt; nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội ái hữu ký giả Việt Nam; Thanh  Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Trong đó, các thành viên Văn Mại, Đoàn Hùng, Ái Lan, Ninh Anh lo chuyện tài chính. Ngoài ra, thành phần dẫn đầu còn có nhà báo Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải thưởng cải lương Thanh Tâm), Linh mục Nguyễn Quang Lãm, Chủ nhiệm báo Xây Dựng, nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà thơ – nhà báo - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà...”



Danh xưng ban đầu là "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày", nhằm tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo, từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo, họa sĩ, nhiếp ảnh viên, những người làm công tác trị sự, phát hành báo, thầy cò... gọi chung là "công nhân liên thuộc".

 

Ban tổ chức quyết định chọn ngày 10 tháng 10 năm 1974 làm ngày xuống đường biểu tình. Nón lá, bị, gậy (các vật dụng của ăn mày) được chuẩn bị sẵn. Các khẩu hiệu làm sẵn đeo trên ngực, kẻ trên nón lá dòng chữ "10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày". Các lực lượng cũng được bố trí theo vòng trong, vòng ngoài, sẵn sàng đối phó với việc bị khủng bố từ phía chính quyền.

Suốt trong ngày 9/10/1974, rất nhiều thành phần trong giới báo chí, quần chúng cảm tình với báo chí, nghị sĩ, dân biểu... đã đến Câu lạc bộ báo chí (số 15 Lê Lợi) để bày tỏ cảm tình, tiếp tế bánh mì, thuốc lá, cà phê, cam, chanh..”

Tôi và Ngọc Hoài Phương đã hòa nhập xuống đường diễn hành. Phương Kều và tôi đều đeo trước ngực tấm biển nhỏ “Ký giả đi ăn mày”. Khi đoàn biểu tình định tiến vào Tòa nhà Hạ nghị viện thì bị lực lượng Cảnh sách và Công an chìm chận lại.

PHƯƠNG RA HẢI NGOẠI

 

Sau cuộc biểu tình, hàng ngũ Ký giả tan hàng và hầu hết thất nghiệp. Chỉ còn lại những ai làm cho báo tiếng Hoa và báo nước ngoài tồn tại cho đến ngày 30/4/1975.

Tôi và Phương mất liên lạc với nhau từ dạo ấy cho đến năm 1976, sau khi tôi đã đến Hoa Thịnh Đốn, bỗng dưng nhận được Tập san Hồn Việt do Nguyễn Hoàng Đoan và Phương Kều  đứng đầu biên tập, có địa chỉ ở San Diego, California. Chúng tôi lại làm báo với nhau từ dạo ấy, nhưng nghề báo ở nước ngoài không nuôi sống chúng tôi. Rất may, Phương có bà vợ, chị Lâm Ngọc Phương Dung, rất đảm đang. Chị là một chuyên viên sửa sắc đẹp phụ nữ nên bao nhiêu tiền làm ra, chị dành một phần cho Phương Kều làm báo.

 

Có lần Phương khoe với tôi: “Tao may mắn hơn chúng mày. Từ ngày sang Mỹ đến giờ tao chỉ biết làm báo, không làm nghề nào khác.” Trong khi hai đồng nghiệp một thời với Phương ỏ “lò” Thời Luận là Sao Biển và Tâm Chung thì lận đận đủ nghề.

 

Cũng muốn nhắc lại là sau khi Ký giả Duy Sinh-Nguyễn Đức Phúc Khôi vượt biển sang Orange County (Mỹ) năm 1980, Phương Kều lại cùng Duy Sinh thành lập Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam hải ngoại. Duy Sinh giữ chức Chủ tịch và Phương làm Tổng Thư Ký. Duy Sinh là người năng nổ, bạo miệng, muốn làm những chuyện “tầy trời”, ngược lại Phương Kều điềm đạm nên được nhiều anh em quý mến. Đã có lần được yêu cầu giữ ghế Chủ tịch nhưng Phương từ chối. Phương bảo: “Làm chức gì thì cũng có được trả lương đâu mà còn làm anh em mất lòng. Thôi kệ, để cho Duy Sinh làm đi.”

Theo Nhà báo Phan Tấn Hải, trong cuộc phỏng vấn của Nhà Thơ Du Tử Lê, Nhà báo Ngọc Hoài Phương tự khai: “Tôi là dân Bắc Kỳ Di Cư 1954 sau khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ. Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua 2 đời Mẹ (Cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là ‘Cậu Cả.’”

Đấy là Ngọc Hoài Phương, một Nhà báo và Nhà Thơ bạn tôi đã vĩnh viễn ra đi ngày 28/2/2023 tại Quận Cam (California). Xin tiễn bạn hiền thảnh thơi đi về Cõi Phật.

 

– Phạm Trần

(03/023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cái cối xay bột nước lắp ráp xong chị Bông đã xay thử đậu nành rồi xay gạo thấy cả hai đều thành bột mềm nhuyễn đúng ý. Coi như chị đã “khai trương” cái cối xay bột nước của mình mặc dù khi lắp cối xong ông thợ cối đã xay thử bột nọ bột kia rồi. Hôm ấy cả nhà chị được ăn món bánh xèo chiên giòn và uống sữa đậu nành nấu với lá dứa vừa thơm vừa béo thật ngon...
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu… được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn...
Thơ của hai thi sĩ Huỳnh Liễu Ngạn & Thy An...
Chiếc xe khách Sài Gòn ra Huế tạm dừng ở thành phố Nha Trang vào khoảng bốn giờ chiều. Xe chưa đậu hẳn thì đã có bao nhiêu kẻ bán hàng vặt ồ ạt phóng tới miệng rao hàng inh ỏi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Một số ăn xin tật nguyền, què cụt cũng cố chen lấn tranh nhau hành nghề...
Tôi quen biết Loan thật tình cờ, người đời thường gọi là “duyên”, với tôi, là một định mệnh từ muôn kiếp trước, đã gắn liền hai cuộc đời chúng tôi thành hai chị em, thương yêu và gần gũi, giúp đỡ, an ủi nhau còn hơn chị em ruột thịt...
Bản thân tôi ít khi nào dám ngó về biển cả, dù thấy biển cả rất mênh mông, thoáng mát và êm ả qua nhiều hình ảnh. Cũng có lúc tôi trực diện biển khơi, nhưng chỉ là lúc biển êm sóng dịu rì rào ru hát « Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… » hoặc là lúc mơ mộng, biển nhớ…
Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hằng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm...
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.