Tóc mai sợi vắn sợi dài

23/02/202311:16:00(Xem: 1165)
Phiếm

couple-in-love

Cái răng cái tóc là góc con người! Bởi đấy ai cũng thích săn sóc răng cho kỹ, răng có chắc, ăn mới mạnh, mới ngon và mới có sức khỏe. Điều này phải kể mấy ông nha sĩ ở bên tây này cũng khá mạnh tay khi chặt tiền, nếu bạn có răng đau, nhất là răng sâu, phải tìm đến phòng mạch. Cũng kể thêm là khi ta có hàm răng đều đặn, trắng bóng làm tăng thêm giá trị của nụ cười, hiển nhiên. Nụ cười là một trong những biểu tượng của tình yêu! Điều này quan trọng không vừa đâu.

 

Chúng ta còn nhiều thì giờ để nói về cái răng sau, nay hẳng nói về cái tóc nhiều hơn. Cái tóc là góc cao nhất của con người, nhìn thấy một người đối diện ta chú ý ngay xem đầu tóc hắn thế nào. Nhìn một người đầu tóc gọn gàng chải vén khéo, lịch sự, ta ưng bụng ngay, đây là một người đàng hoàng, cẩn thận, bình thường như mọi người bình thường. Đối diện với một người tóc tai gớm ghiếc, lởm chởm hoặc bù xù không chịu chải gỡ, ta có cảm tưởng ngay trước mặt hình như là hiện diện một con bú dù thì phải, theo nghĩa đơn giản người Việt Nam ta gọi đó là bú dù là con khỉ đột, khỉ điên, người càn rỡ, khùng khùng.

 

Xem vậy đầu tóc nên chăm sóc cho kỹ.

 

Khi xưa còn bé, có lần cha mẹ tôi đi dự đám cưới về, tôi lăng xăng một bên tò mò hỏi xem cô dâu có đẹp không ? Mẹ tôi khi nào cũng vui vẻ vồn vã:

 

– Cô dâu đẹp lắm con ạ, cô dâu nào cũng đẹp cả, mai này khi con thành cô dâu con cũng sẽ đẹp như vậy.

 

–  Như mẹ hồi đó hả?

 

–  Không chắc đâu. –  Cha tôi xen vào ngay –  Mẹ mày ngày là cô dâu chẳng mấy đẹp.

 

– Tại sao?

 

– Tại sao à, tại vì mẹ chải cái đầu tóc cao như đội một quả tạ hay cái tổ chim én, coi kỳ kỳ làm sao ấy.

 

– Thế sao lúc đó bố không nói. –  Tôi phản ứng vội vã.

 

– Nói thế nào được lúc đó. Dứt dây động rừng, lúc ấy xung quanh mẹ con bao nhiêu là người, nào bà mợ, bà cô, bà bác, bà thím cô dâu, nom cô dâu nhà ta rõ muôn màu muôn vẻ, bố đâu dám nói, sợ họ giận… thì làm sao xong đám cưới.

 

– Rồi bây giờ?

 

– Giờ thì chịu, lỡ rồi.

 

Mẹ tôi thấy rõ ràng bà bị khiêu khích, bà trả lời không kém cạnh:

 

– Thôi đi, ông ghen thì có, lúc nào chú rể cũng sợ lùn hơn cô dâu.

 

Nói cho vui chứ thật ra là mẹ tôi không thể nào cao hơn bố tôi được. Từ ngày bỏ nước ra đi, mẹ tôi viện cớ phải xông xáo nơi xứ người để kiếm ăn cho dễ nên đầu tóc lúc nào cũng nên chải gọn gàng ở tiệm. Bố tôi ngược lại thích cắt tóc ở nhà, nghĩa là anh em chúng tôi được trang bị có một cây kéo răng lược vừa để cắt vừa để tỉa tóc, thế là phải học nghề mới, nghề cắt tóc cho bố tôi, còn dao cạo thì tạm thời dùng dao cạo râu của người để thay thế. Anh hai tôi khởi sự hành nghề từ khi anh mới 14 tuổi, chỉ cắt và tỉa loanh quanh dưới chân tóc theo đường viền tóc cũ để lại. Mẹ tôi thích, rất thích cái trò cắt tóc ở nhà vì đỡ phải móc túi chi tiền, người bảo bên đây trời lạnh, càng cắt thấp chân tóc bao nhiêu càng khỏi lạnh, khỏi tốn thời giờ quấn khăn quàng hay đội mũ. Cha tôi khi xưa ở trong quân đội, tóc luôn luôn hớt ngắn, giờ thì vẫn hớt nhưng để dài hơn, mặt ông như trẻ lại. Có lẽ ông rất vừa ý được hớt tóc ở nhà nên mua khăn quàng và một tấm gương soi lớn phía trước mặt. Hai bên thì người soi bằng hai tấm gương nhỏ để bàn, người theo dõi rất kỹ những lần đầu tiên thợ cắt tóc nhà làm việc, hơi so le vài sợi tóc khách cũng đòi sửa lại, hễ thợ cạo bên hơi đậm, bên hơi lợt là ông sửa ngay:

 

– Tại sao cạo một bên kỹ quá một bên dối quá hóa ra kỳ, đây phải sửa lại bên này một chút như vậy, như vậy…

 

Ngài dùng gương chiếu phía sau kiểm soát hàng rào sau gáy:

 

– Ấy ấy, còn hơi lệch, phải cắt tỉa thêm chỗ này, đừng cắt nhiều quá, khoan, từ từ, rất từ từ, lỡ tay cắt quá là khó chữa!

 

Anh tôi dẫy nẩy:

 

– Thôi, cắt tóc cho bố mệt quá, bố đi tiệm đi, tụi con chán rồi. Hay là con cho bố tiền hớt tóc cũng được!

 

– Không, bố bảo làm là phải làm, cắt ở nhà lợi hơn.

 

– Con không thấy lợi đâu cả. Thấy mệt quá với bố. Có bao giờ cắt tóc không mất tiền mà khách cứ đòi hỏi, cằn nhằn chủ luôn miệng léo nhéo vậy không?

 

– Rồi dần dần các con sẽ làm khéo hơn, đừng lo, bố không cằn nhằn nữa. Nhưng các con phải làm sao cho bố đi ra đường coi cho được chứ!

 

Lần tiếp đó trong tháng tới, con em út trong nhà nguyện làm thợ hớt tóc. Nó có hoa tay, tỉ mỉ và được tiếng là khéo khi hai bố con ở trong nhà tắm, tạm dùng làm phòng hớt tóc, tịnh không nghe một tiếng cãi cọ nào giửa chủ và thợ. Khi hớt xong, ông đi ra, chỉ nghe tiếng rũ khăn quàng thật mạnh biết là cô út đã hoàn thành công tác. Bố tôi đi ra mặt hơi đỏ, ông thở phào nhẹ nhõm:

 

– Nó làm tao hơi sợ, lúc nào cũng phải giơ hai tay lên che lấy hai cái tai.

 

Tụi tôi nháy nhau cười rồi mỗi đứa đi một ngả. Tạm im. Đến khi cô Tám từ Canada sang thăm gia đình tôi vụ hè thì mọi người lại đem chuyện tóc tai ra kể. Cô Tám sung sướng hả hê hơn:

 

– Tao ấy à, bên đó tao cũng sắm một bộ đồ nghề làm ăn trên đầu trên cổ mấy đứa, mà toàn là mấy thằng cháu rể không à, rể ta, rể tây có hết, cũng có lần tao làm đẹp khỏi chê, cũng có lần tỉa hơi xéo, sửa hoài, sửa hoài coi cũng không ra sao. Kỳ đó thằng Tánh đi làm giữa mùa hè phải mang mũ ni che tai trọn tháng. Có lần tao hớt cho thằng rể Mỹ cao quá, cái đầu làm như trọc lóc, lúc soi gương, nó nản ra mặt mà không dám phàn nàn, chỉ nhắc khéo:

 

– Cháu đã đi quân dịch từ 4, 5 năm trước rồi kìa.

 

Con Vân vợ nó vội an ủi:

 

– Không sao, kỳ sau cô sẽ làm khéo hơn, vả lại tóc của cưng mau dài lắm.

 

Nhưng mà lũ chúng nó vẫn khoái mang đầu đến cho tao hớt, mỗi lần ngồi vào ghế, đứa nào cũng lặp đi lặp lại cả chục lần:

 

– Từ từ, từ từ, cô Tám, cô hớt dài dài chút đi, météo nói tháng này nhiệt độ xuống dữ lắm!

 

Để trả công hớt tóc, các cháu mang đến tặng cô Tám tôi nhiều loại dầu gội đầu thật thơm, đủ các nhãn hiệu khác nhau, có thứ còn đắt tiền hơn cả hai, ba lần nếu phải đi tiệm hớt tóc. Cô nói cô chất đầy một tủ dầu gội đầu tùy ý khách chọn. Thậm chí có những đứa cháu gái không đến cắt tóc cũng tự động mở tủ xin dầu gội đầu, có đứa còn gội, sấy và chải nhờ ngay tại nhà cô cho tiện. Cuối tuần căn nhà nhỏ hai phòng của cô biến thành cửa tiệm vui ghê. Cô phải nhắc khéo coi chừng sắp nhỏ đi ra đi vào ồn ào, thiên hạ tưởng cô làm ăn trốn thuế thì hơi phiền sau đó.

 

Nhưng nhân viên nhà nước đi kiểm tra chưa bao giờ tới, thì bỗng một hôm có một người khách tới, chỉ xin yêu cầu cắt ngắn bớt mái tóc dài đi mà thôi. Điều đó dễ ợt. Chỉ việc cầm kéo bén đưa một đường ngang lưng là xong. Ông khách già lối sáu, bẩy chục tuổi chậm chạp cởi áo ngoài, bỏ khăn, bỏ mũ ra. Một búi tóc khá to, bằng trái ổi xá lị bạc trắng dính sát sau gáy ông lộ ra làm cô Tám tôi tò mò hỏi dạn dĩ hơn:

 

– Dạ thưa bác, bác tính để đầu tóc để thờ ông bà như các cụ ta trước đây hồi còn ở bên nhà?

 

Ông già đẹp lão ngồi xuống ghế, thong thả dựa lưng vào tường, đưa hai tay lên cao phân bua:

 

– Thưa không phải vậy, cô chủ, số là vợ chồng tôi sang đây lánh nạn cộng sản từ năm 1975. Từ ngày đó, bà nhà tôi tập hớt tóc cho tôi, trước vụng sau khéo, suốt gần 20 năm tôi đã quen với đường kéo quen thuộc của bà. Cách nay hai năm, bà qua đời đột ngột. Tôi, phần ngại đi tiệm, phần lưu luyến với thói quen của vợ, tôi để vậy, muốn ra sao thì ra, nhưng nay thì nó dài quá, vướng vít khi gội đầu, khi chải gỡ, cô tính tôi đã ngần này tuổi rồi mà phải vật lộn với tóc tai đâu phải dễ. Nó dài quá lưng rồi. Vất vả quá. Tôi chờ cô chủ cắt ngắn đến vai. Thế thôi.

 

Bác có muốn làm ngắn hơn cũng được. Như khi xưa bác gái đã làm. Tiệm tôi đây, xin bác tha lỗi, là tiệm nhà thôi nhưng có đủ dao, kéo, tỉa, tông đơ…

 

Cô mau mắn đề nghị với vẻ sẵn lòng như muốn giúp ông già gội đầu cho khỏe, nhưng ông cụ già chối đây đẩy:

 

– Xin cám ơn lòng tốt của cô chủ, nhưng tôi chỉ muốn cắt tới chạm vai, vậy thôi!

 

– À, có lẽ bác đã lỡ hứa với bác gái cái vụ độc quyền hớt tóc này rồi. Nhưng, nếu chỉ cần xén cho ngắn đi để gội chải cho đỡ vất vả thì ở nhà con cháu làm được, can chi bác phải lặn lội tới đây? –  Cô chủ rất là tò mò hỏi vặn vẹo.

 

– Không, tôi muốn ra đây cắt tóc là để bà ấy không thấy ở nhà thì cũng được. Mà ngặt cái hình bà ấy đẹp quá, con cháu đem treo lung tung khắp nơi trong nhà. Tôi thì tôi không muốn bà ấy nhìn thấy tôi cắt tóc, bà ấy theo dõi tôi hoài cô à!

 

Cô Tám tôi cười khả ái:

 

– Không đâu, thưa bác, mấy lúc gần đây bác gái nhìn bác hoài từ tứ phía trong nhà là muốn nói với bác: Mình hãy đi cắt bớt  tóc đi, tóc tai dài, gội chải vất vả lắm. Bác gái khi nào mà chẳng lo lắng cho bác.

 

– Cô nói đúng quá, cô chủ, vợ tôi chu đáo lắm!

 

Chúc Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người đàn ông đứng nhìn vào khung cửa kính to rộng của gian hàng đồ chơi trẻ con. Tiệm đóng cửa từ lâu. Có lẽ đã gần nửa khuya. Đêm Chủ nhật, khu buôn bán chẳng còn ai lui tới, lâu lắm mới có người tạt ngang tiệm 7-Eleven mua vội vài món cần thiết rồi tất tả ra xe phóng đi. Bãi đậu xe vắng lặng, hơi sương lù mù khiến không gian như hẹp lại, xập xoạng dưới những vũng sáng yếu ớt trắng nhờ, nhợt nhạt phả xuống từ mấy cột đèn trong bãi đậu xe...
Tôi trở về làng khi xã tôi đã tổ chức làm ăn theo lề lối tập thể. Công việc chính cũng chỉ là ruộng với rẫy. Ngày còn đi học tôi đã từng phụ giúp việc đồng áng cho cha tôi, sau này lại được dồi mài khá chăm trong "trại cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền" nên việc ruộng rẫy đối với tôi cũng không xa lạ. Dĩ nhiên, dù muốn dù không, tôi vẫn phải tham gia...
Thơ của hai thi sĩ Trần Yên Hòa & Thy An...
Trưa chủ nhật tuần vừa qua, bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 83 của tôi đã được các con cháu xúm nhau tổ chức tại nhà gia đình đứa con thứ hai của tôi. Đếm sơ đầu người thì thấy vắng tới gần một nửa, thế mà cũng trên ba chục nhân mạng, gồm cả con trai con gái, con dâu, con rể, con kết nghĩa lẫn các cháu nội ngoại ríu rít lần lượt đến khoanh tay trình diện và thưa trình với tôi, ông nội, ông ngoại. Đang ăn uống thì nhiều cú phôn liên tiếp gọi về, của những đứa con và cháu đang bận việc bất ngờ hay vì nhà ở xa, những Bắc Cali hay San Diego, không kịp đến...
“FIFA World Cup 2022,” Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới lần thứ 22 đang diễn ra tại Qatar, vùng đất của thế giới Ả Rập và Hồi Giáo. Những rộn ràng sôi nổi của bạn bè xung quanh, toàn là người hâm mộ môn túc cầu, những trận đấu trực tiếp trên TV Mỹ, và những bảng kết quả từ các trận đấu được các đài truyền hình Mỹ Việt, báo chí khắp nơi loan tải từng ngày, từng giờ, đã đưa Uyên trở về với tuổi thơ, về những kỷ niệm xưa, và về cái thuở người dân miền Nam khắp nơi ham mê môn bóng tròn...
Sau hơn 2 tiếng ngồi trên máy bay tôi phơi phới đi bộ trong dòng người ngược xuôi trong phi trường tìm lối ra. Phi trường Salt Lake City-Utah đã xây lại mới hơn to lớn và đẹp hơn làm tôi càng hào hứng niềm vui nghĩ tới phút giây gặp con cháu và quan trọng nhất là ngày đi dự ra trường của cháu nội Betsy.
Thơ của hai thi sĩ Trần Mộng Tú & Đào Văn Bình
Đây là ngôi làng tiêu biểu của người Amish sinh sống ở vùng này. Làng được dựng lên để giới thiệu với du khách ghé thăm những sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm tiểu công nghệ có tính cách cổ truyền đặc thù của người Amish...
Khi tôi về làm dâu mợ, bà còn khá trẻ, khoảng năm mươi. Bà lanh lẹ, vóc dáng nhỏ và có khuôn mặt vui với nụ cười tươi. Bà luôn niềm nở cởi mở với mọi người. Bà như thế đó, chưa bao giờ làm buồn lòng ai và cũng chẳng ai quấy phiền chi bà...
Tôi đành vay mượn tên nhạc phẩm “Con đường mang tên em” của Trúc Phương để đặt cho con đường nhà tôi vì quá hợp lý luôn, không thể đặt tựa đề khác được. Con đường này dài hơn một cây số nhưng chỉ một đoạn đường ngắn nơi khu buôn bán gần những trại lính thật khó mà tin nổi 9 căn nhà liên tiếp nhau đã có 3 người con gái tên Thanh, thật ngẫu nhiên chúng tôi cùng lứa tuổi mới lớn, lại ngẫu nhiên nữa là có hai người cùng họ Nguyễn Thị…
300x250_CTA-Vietnamese-NguoiViet
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.