Hôm nay,  

Mùa xuân của Chúa Tiên

12/01/202321:00:00(Xem: 1556)
Truyện

Ngọc_Hân_Công_Chúa

                                                                                              (Truyện phóng tác theo Việt sử)

 

Chúa Tiên là tên tục của Ngọc Hân công chúa, con gái vua Lê Hiển Tông, đời Lê Trung Hưng. Chúa Tiên xinh đẹp, mặt mày sáng như trăng rằm, mình hạc vóc mai, tính nết dịu dàng, yêu cha, yêu mẹ, yêu hết thẩy anh chị em, lại văn hay chữ tốt. Vua thường gọi đến bình văn cho ngài nghe, có lúc vua thưởng cho chén trà hoặc xoa đầu con gái mà bảo rằng: « Con Chúa Tiên này, sau này phải kiếm chỗ mà gả làm vương phi, chứ những phò mã tầm thường không xứng đáng ».

 

Nhưng bất chợt rồi nhà vua lại thở dài, kiếm đâu ra người cho vương phi ở thời thế này. Nhà Lê gọi là Trung Hưng, vua do Nguyễn Kim rồi họ Trịnh lập nên, nhưng vua chỉ là hư vị, thực quyền ở cả trong tay chúa, nhất là sau khi Trịnh Kiểm đem quân lấy lại được Thăng Long, năm Tân Hợi 1551, rồi năm sau, họ Trịnh giành luôn Đông Thiệu, Thanh Hóa, tức là Tây Kinh.

 

Gả con cho họ Trịnh ư ? Đó là điều không bao giờ, ngài căm giận thâm gan tím mật mà ngài không dám nói ra. Chúa Trịnh càng ngày càng lấn quyền vua Lê. Ngay cả việc phế lập, một tay chúa trọng quyền. Thường thì bên phủ chúa chỉ chọn hoàng tử nhu nhược hoặc ít tuổi dễ bảo đặt lên ngôi. Ai có ý tự lập, muốn vùng lên thoát ra ngoài sự kiềm chế đều bị họ Trịnh vu cáo để hãm hại.

 

Vua Lê Hiển Tông bị bó tay và chịu đựng. Ngài buồn phiền nhớ lại năm mươi năm trước, khi ngài còn trẻ, ngài đã thấy tận mắt anh ngài bị hại. Đó là năm Hy Nam Vương Trịnh Giang lên cầm quyền. Hoàng tử Lê Duy Mật không chịu nổi sự chèn ép lấn quyền của họ Trịnh, đã tập họp một số trung thần và dân nghèo nổi lên đánh lại chính quyền phủ chúa. Nhân dân luôn tưởng nhớ đến uy danh và công đức của vua Lê Thái Tổ mà nô nức đi theo hoàng thân Lê Duy Mật, cứ lấy cái tinh thần Lam Sơn của Lê Lợi mà dấy lên ùn ùn khắp nơi làm họ Trịnh một phen hoảng sợ. Việc này làm vạ lây, các hoàng tử khác đều bị nghi ngờ và bị bắt giam mỗi người một nơi.

 

Khi đấy, ngài, tức hoàng tử Lê Duy Diêu mới ngoài 20 tuổi, ngài bị họ Trịnh canh chừng kỹ nhất. Con Trịnh Giang là chúa Trịnh Doanh mang gửi ngài coi như bị quản thúc tại gia ở nhà họ hàng thân tìn của chúa. Mỗi tháng ngài bị đổi một nơi giam giữ vì sợ hoàng thân Lê Duy Mật bất chợt về đánh cướp đi. Vô tình trước một ngày ngài được lệnh chuyển đến nhà cậu của Trịnh Giang, thi chủ nhà đêm nằm mộng thấy có người báo thiên tử ghé qua, rồi nhà thơm lừng, cờ xí phất phới, nhạc nhã vang vang!

 

Nhờ điều tự kỷ ám thị của nhà chúa mà ngài được chuyển về cung, lên ngôi vua, niên hiệu Cảnh Hưng. Nhưng ngôi vị mà làm gì khi ngôi vị chỉ là hư vị. Ngài cũng không có quyền từ chối ngai vàng. Quyền bính của ngài chỉ còn thu hẹp trong một số nghi lễ hình thức. Rồi ngài cũng tìm quên trong hạnh phúc gia đình riêng tư.

 

Có ông vua nào tội nghiệp cho bằng vua Lê Hiển Tông, làm vua mà không được trị nước, chỉ còn tìm nguồn vui bên con cái. Oái oăm thay, cái niềm vui nhỏ nhoi ấy cũng bị tiêu diệt và làm vua ôm hận cả một đời: vua yêu mến biết chừng nào con trai Lê Duy Vĩ, con trai đầu lòng của ngài, thái tử Lê Duy Vĩ vừa trưởng thành, tư chất thông minh, phong độ hào hiệp và chàng đã có ý muốn nhìn thẳng. Niềm tin của vua Hiển Tông càng lớn và ngài đón chừng nhà chúa không nỡ nào ra tay hại Lê Duy Vĩ được, không phải vì Trịnh Doanh thật lòng cải tâm mà phù trợ gì vua Lê, mà vì quận chúa Tiên Dung, con gái Trịnh Doanh đã yêu mê mệt và có lòng đính ước cùng thái tử Lê Duy Vĩ. Người ta không hiểu được tận trong cùng sâu thẳm vị hoàng thái tử nhà Lê có rung động trước đôi mắt xao xuyến của quận chúa Tiên Dung hay không, chỉ biết rằng chàng được chúa và chính phi của chúa hết lòng sủng ái, chính phi cho vời Lê Duy Vĩ sang dùng cơm thường xuyên bên phủ chúa, và có ý lập Lê Duy Vĩ lên ngôi sớm chừng nào hay chừng nấy để con gái bà sẽ làm hoàng hậu nay mai.

 

Tội thay chính phi của chúa yêu con quá đỗi mà vụng về trong cách cư xử, một hôm, sắp vào bàn ăn, bà tỏ ý không cho con trai Trịnh Doanh là thế tử Trịnh Sâm được ngồi cùng mâm với con rể tương lai.

 

Trịnh Sâm tự ái và hiếu thắng đem lòng thù. Khi ra về Trịnh Sâm dừng lại ở cổng phủ, đợi Duy Vĩ đi tới, lặng lẽ rút trong tay áo ra một cái đũa ngà, tức giận bẽ gẫy làm đôi và hằn học nói với Duy Vĩ:

 

– Vua ấy thì không thể sống cùng chúa.

 

Câu nói của Trịnh Sâm không phải là lời đe dọa xuông. Năm Trịnh Sâm lên thay quyền Trịnh Doanh, Lê Duy Vĩ bị vu oan nhiều tội và bị ruồng bắt. Lê Duy Vĩ vội rời bỏ đông cung đi trốn. Nhưng chàng sao thoát mạng lưới bủa vây của phủ chúa. Quận Thiều mang lệnh của Trịnh Sâm xông thẳng vào nội điện vua Lê Hiển Tông xin tìm bắt hoàng thái tử trốn sau sập ngự vua cha.

 

Vua Lê Hiển Tông ruột đau như cắt, người đã luống tuổi, tay chân run rẩy, ngài cứ ôm mãi lấy con trai không nỡ rời tay. Quận Thiều vẫn quỳ mọp trước sập vua, Lê Duy Vĩ sợ làm đau lòng cha vô ích, chàng quỳ lạy vua rồi ra khỏi điện Vạn Thọ cho quân Trịnh bắt trói mang đi.

 

Ngày con ngài bị mang đi hành hình, cả kinh thành Thăng Long sầu thảm, mây xám giăng giăng, quận chúa Tiên Dung nổi điên, bà chính phi ngã bệnh nặng, dân chúng bàn tán xôn xao. Vua và hoàng hậu chết một cõi lòng. Câu chuyện thảm thương xẩy ra cho gia đình ấy nào Chúa Tiên có hay, lúc anh nàng bị thãm hại nàng mới một tuổi. Rồi dần dần với thời gian, Chúa Tiên lớn lên, nghe mẹ kể lại. Nàng sợ hãi vô cùng, nàng không bao giờ dám nhìn sang phủ chúa. Ở bên ấy, có đầy hung thần ác quỷ, nàng không bao giờ dám để mắt sang, dù chỉ là nhìn lén.

 

Sau đám tang hoàng thái tử Lê Duy Vĩ, hoàng cung vua Lê buồn bã, không có lễ, cũng không có tết nhất nữa. Mùa xuân không đến trong điện Vạn Thọ từ đấy. Hoàng thượng giận mình, xót con, căm chúa, ngài sống lủi thủi chờ đợi tuổi già hiu hắt đến.

 

Nhưng rồi 10 năm, 15 năm qua đi chớp nhoáng. Chúa Tiên lớn lên, là Ngọc Hân công chúa, nàng không bao giờ thấy được mùa xuân, nhưng nghe lời mẹ dậy, công chúa trau dồi công dung ngôn hạnh, theo đòi nghiên bút, nay mở quạt vẽ hoa, mai đề thơ phóng bút đề tặng an ủi cha già trong những ngày lặng lẽ. Nàng rất thương cha, nàng đã được cha cho phép đọc gia phả nhà nàng. Nàng đã đem lại chút nụ cười cho vua Lê Hiển Tông lúc tuổi già bóng xế. « Con này khi sau phải kiếm chỗ xứng đáng gả làm vương phi ».

 

Ngài vuốt râu chờ đợi một anh hùng đến để con gái yêu của ngài làm vương phi, làm hoàng hậu chánh cung!

 

Và rồi chàng tráng sĩ trong mơ ấy đã đến thật.

 

Chàng đến với danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh. Dưới ngọn cờ đào bách chiến bách thắng, Quang Trung Nguyễn Huệ được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Bắc Hà nghĩa quân Tây Sơn đã lật đổ dễ dàng nền thống trị của họ Trịnh sau gần 300 năm. Nền thống nhất lãnh thổ được khôi phục trải dài từ Bắc Hà vào tới Gia Định thành.

 

Tháng 7 cùng năm Bính Ngọ, chàng xin vào yết kiến vua Lê dâng sổ sách và tỏ rõ nghĩa khí.

 

Trong cung, Chúa Tiên, mọi người sầm xì bàn tán về Nguyễn Huệ, nghe nói vị tướng tài ba ấy đánh tiếng cầu hôn Ngọc Hân. Cung nữ Nguyễn Thị Ninh theo hầu Chúa Tiên thầm thì khen:

 

– Vị tướng ấy oai lắm, đi đến đâu quân phủ chúa sợ chạy. Chúa Trịnh Khải bị bắt ở Hạ Lôi, gần miệt Vĩnh Yên.

 

Chúa Tiên mơ màng:

 

– Đâu, em nghe tự sự ra sao, kể cho ta biết.

 

– Tâu công chúa, em nghe đâu sớm hôm sau, chủ tướng Tây Sơn xin vào ra mắt hoàng thượng, em thấy gia thần bên điện nói là ngài còn trẻ và ung dung, lại biết trọng lễ nghĩa. Ông ấy lạy năm lạy, rồi cúi đầu sát đất, vái đủ vái, mới ngừng lại chờ. Hoàng thượng cho ngồi mà ông ấy đứng khép nép một bên.

 

Có nhiều tiếng cười lao xao phản đối:

 

– Thị Ninh nói sai bét rồi. Ông Tây Sơn không có trẻ và đẹp trai đâu! Ừ, ừ… Ông ấy tài thật oai thật, nhưng mà mặt sần tóc quăn…

 

– Ông ấy giống ông ác gác cửa chùa lắm!

 

– Im đi ! Đừng có đồn nhảm nhí, không nên. – Công chúa Ngọc Hân trấn an chị em.

 

Rồi họ tiếp tục công việc, ai biết hát biết múa, tiếp tục tập lại ca múa, ai làm bánh giỏi thì trổ tài nữ công bếp núc, ai họa giỏi văn thơ hay thì viết thiệp mừng cho thánh chúa, ăn lễ mừng cho ngôi nhà Lê được tái lập mùa xuân trở về trong điện Vạn Thọ.

 

Nguyễn Huệ ngần ngừ khi nghe tướng quân đề nghị ông xin vua Lê cưới công chúa Ngọc Hân làm vợ. “Ta chỉ quen biết gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà ra sao cả. Nghĩ cũng nực cười, ta mang quân ra Bắc dẹp loạn, bây giờ lại cưới vợ mang về, con trẻ nó cười cho”. Nói vậy chớ ngài đã nghe đồn Ngọc Hân tài sắc vẹn toàn, lại hiếu nghĩa đủ đường, hy vọng nàng sẽ làm đẹp lòng Bùi Thị Phu Nhân.

 

Trong khi ấy vua Hiển Tông đặt tay lên vai con gái mà ôn tồn giải thích.

 

– Ta không bao giờ muốn đem con làm Chiêu Quân cống Hồ đâu. Họ quả là anh hùng con ạ. Vả chăng cha nay đã 70 tuổi thọ, cha về với tiên đế lúc nào không biết. Việc nước cha ủy cho con và hoàng tử Duy Kỳ, nó còn trẻ lắm, có con và nguyên soái Tây Sơn ở bên phụ giúp nó, cha sẽ yên lòng nhắm mắt ra đi.

 

Phủ nguyên soái được treo đèn kết hoa rực rỡ, chờ ngày lễ nghênh hôn. Chiếu cạp điều trải dài từ cửa điện đến cửa phủ đưa công chúa Ngọc Hân về nhà chồng. Oái oăm thay phủ chúa là nơi nàng sợ hãi từ tấm bé nay lại là nơi hạnh phúc đang chờ nàng ở đó. Nàng mông lung lo sợ và ngại ngùng.

 

Đêm tân hôn, trướng rủ, màn đào. Ngọc Hân hồi hộp. Nàng cứ ngồi bất động như vậy cả giờ. Nguyễn Huệ sắp vào với nàng, rồi nàng phải ăn nói làm sao, lòng rối như tơ vò. Nàng cứ ngồi và mải vân vê vạt áo. Nguyễn Huệ dừng lại vài giây, ngó ngang người vợ trẻ măng mà ông đã ân cần cưới về. Mình hạc, vóc mai, bàn tay búp măng nghệ sĩ và cái cổ trắng ngần như ngó sen. Nàng như là nàng tiên nhỏ nhắn trinh nguyên. Không gian ngưng đọng, có một cái gì thật đẹp và lung linh trước mắt mà chủ soái Tây Sơn phải khéo lắm, thật khéo để đừng làm vỡ. Chàng tiến tới nhẹ nhàng và ân cần xuống gối, đặt nhẹ mái đầu bù xù lên đầu gối Ngọc Hân. Im lặng và im lặng. Một hương thơm thoang thoảng đi qua. Chàng cảm thấy có một bàn tay con gái êm êm đặt nhẹ trên mái tóc bồng bềnh rối bụi phong sương.

 

– Con trai và con gái phụ hoàng, có ai được hạnh phúc như em chưa?

 

– Phụ hoàng ít lộc lại bị họ Trịnh chèn ép lâu năm. Hoàng cung ai cũng thanh bạch. Riêng em có duyên với tướng quân, ví như hạt bụi lưng trời sa vào chốn lâu đài quyền quí.

 

Nguyễn Huệ cười to vì câu trả lời, khiến Ngọc Hân cúi đầu bẽn lẽn. Nàng là công chúa, dùng văn chương bóng bẩy, đâu có như chàng, áo vải cờ đào.

 

Những ngày vui chưa qua, phụ hoàng mệt nặng, sắp qua đời. Ngọc Hân rủ chồng vào thăm cha già từ lúc ngài trở bệnh. Nguyễn Huệ rất muốn nhưng không dám, ân cần dặn vợ:

 

Nàng cứ về điện săn sóc phụ hoàng cho phải đạo. Tôi hiểu lòng nàng tin yêu tôi, nhưng nếu ngay bây giờ tôi ở một bên mà phụ hoàng ra đi, sợ rồi tôi mang tiếng với thiên hạ. Nếu có chuyện chẳng lành, nàng cứ cho tìm, tôi xin phụng mạng nàng mà sang ngay!

 

Ngọc Hân về nhà, vua mất, Lê Duy Kỳ lên ngôi. Khâm liệm thánh thể xong, họ cho mời Quang Trung, ngài có ý giận dữ vì không được mời dự lễ khâm liệm và muốn rút quân về ngay đàng trong. Công chúa phải năn nỉ mãi người mới nguôi ngoai đứng ra lo tang ma và đưa tiễn quan tài về Tây Kinh (Thanh Hóa).

 

Tháng sau, tháng 8 âm lịch Nguyễn Huệ theo lời khuyên của anh, mang binh lính và rước Ngọc Hân về Quy Nhơn.

 

Đã gần 3 năm qua đi, thời gian như gió thoảng. Kinh thành Phú Xuân mưa phùn và gió bấc nghe còn giá rét hơn ở Thăng Long thành. Trời đang vào tiết tháng một, lại một cái tết sắp tới. Cô hầu thân tín đốt lò sưởi, khơi than hồng nhưng Ngọc Hân không hề lạnh. Nàng đang nóng lòng chờ tin từ Bắc Hà đưa vào.

 

Từ ngày theo chồng vào Nam, Bùi Thị, vợ chánh thất theo vua Quang Trung từ ngày ngài còn hàn vi, lúc nào cũng lo toan cùng ngài việc triều chính, văn võ. Một tay bà quán xuyến cả gia cang cho Nguyễn Huệ, mở rộng vòng tay ra cửa thành đón công chúa Ngọc Hân về xum họp. Cảnh nhà đầm ấm, Ngọc Hân hạ sinh một gái rồi một trai cho dòng họ Tây Sơn đang lên. Cảnh nhà như thế nhưng công chúa nào có yên lòng, không ngờ việc chính sự ở Thăng Long mỗi ngày mỗi thêm rắc rối. Thằng cháu Lê Duy Kỳ của nàng kể từ ngày lên ngôi yên chí Trịnh Khải đã chết và Tây Sơn đã bỏ về bên kia sông Gianh. Một mình một chợ, Lê Duy Kỳ tức Lê Chiêu Thống kiêu căng và làm nhiều việc tai ác hắn không ưa Tây Sơn và đặt điều nói xấu Nguyễn Huệ, trả thù kẻ thân thích đã liên quan họ hàng với phía Tây Sơn. Sau đó Trịnh Lệ, Trịnh Bồng nổi lên đòi hỏi phủ chúa và ngôi vị cũ. Nhà Mãn Thanh ngang nhiên cho một viên tổng đốc sang đóng đô ở Bắc Hà.

 

Nguyễn Huệ nức lòng đem quân đi dẹp loạn. Người am hiểu và phải trấn an bắc cung hoàng hậu nhiều lần. Nàng còn trẻ tuổi nhưng biết lo lắng và suy nghĩ nhiều. Thêm nữa Ngọc Hân bị dầy vò vì nỗi ân hận, trước ngày về Phú Xuân, dù biết tư cách Lê Duy Kỳ không tốt, xong để trấn an hoàng gia, nàng đã cố năn nỉ Quang Trung để yên cho Lê Duy Kỳ lên ngôi. Đến nay, đến cơ ngơi này, một phần do lỗi lầm của nàng.

 

Nguyễn Huệ đã hỏi ý vợ trước ngày lên ngôi và xuất quân. Hoàng hậu chấp nhận đổi họ hàng thành thù địch, nàng nhìn thẳng vào đôi mắt tự tin của Bắc Bình Vương:

 

– Chàng đi mau diệt hết quân thù và cho về ngay tin chiến thắng.

 

– Điều đấy nàng an tâm, ta sẽ mang về cho nàng và các con món quà đẹp nhất của quê hương Bắc Hà. – Vua cười to và bước những bước mạnh dạn ra sa trường. – Đánh cho chúng chích luân bất phản. Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.

 

Đêm trừ tịch 1788 sang xuân Kỷ Dậu 1789 ngài cất quân ra Bắc đại phá quân Thanh. Sang mùng 5 tết quân Bắc Bình Vương hùng dũng kéo vào Thăng Long giữa tiếng tung hô vạn tuế áo long bào khét mùi thuốc súng và mùi xác pháo.

 

Tin chiến thắng bay về cùng với cành đào Nhật Tân gửi vội. Ngọc Hân nâng niu món quà quê hương mà bàng hoàng xúc động. Nàng quyết tự tay mài mực trong nghiên son thảo ngay một bài thơ cho chồng trong lúc chờ đợi, chữ tươi, giấy hoa tiên rạng rỡ:

 

Từ cờ thắm trở vời cõi Bắc,

Nghĩa tôn phù vằng vặc ánh dương.

Rút dây vâng mệnh phụ hoàng

Tuyền lan chèo quế thuận đường vu quy

Trăm ngàn dặm quản chi non nước.

Chữ nghi gia mừng được phải duyên

Sủng yêu muôn đội ơn trên,

Rõ ràng vẻ thúy nối chen tiếng cầm.

Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,

Công nghiệp nhiều tuổi thọ càng cao.

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước biết bao công trình.

 

Trong hữu cung, hương trầm lên nghi ngút, câu đối đỏ, bánh chưng xanh đặt ngay ngắn, bên cạnh là bàn bầy ngũ quả, thêm hồng và cốm từ xa mang về. Ngọc Hân sai bầy thêm ít đòn bánh tét cho đủ phong vị mùa xuân chiến thắng. Vì bánh tét cũng là bánh chưng, nhưng gói theo hình ống tiện cho binh sĩ tiến ra Thăng Long mang ăn đường. Ngọc Hân sai đốt một phong pháo. Tiếng pháo nổ giòn tan, xác bay lả tả, mùi thuốc pháo thơm nồng, khói bay mù mịt. Nàng chạnh lòng tưởng nhớ chánh cung hoàng hậu đã quy tiên năm ngoái, không còn cùng nàng phút này mà trân trọng đón chồng về với mùa xuân chiến thắng.

 

Nàng đang chờ người đem mùa xuân tới.

 

Mùa xuân này, chỉ có mùa xuân Kỷ Dậu mới thật là mùa xuân của nàng.

 

Xung quanh hữu cung, hoa đào tưng bừng đua nhau nở rộ.

 

– Chúc Thanh

(Xuân Quý Mão 2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.