Hôm nay,  

Chiếc váy ngày Tết

12/01/202320:42:00(Xem: 1650)
Truyện

ao-dai

Không khí Tết đã rộn ràng cả xóm. Nắng nhẹ nhẹ, gió mơn man và nhạc xuân lan tràn từ radio mọi nhà mọi ngõ. Nhà nhà đều sửa soạn đón xuân về.

 

Tôi và Bích Hợp hẹn nhau buổi chiều đi chợ Bà Chiểu mua sắm vài thứ. Buổi sáng mẹ sai tôi vo đãi mấy kí lô đậu xanh để gói bánh chưng và quậy nồi chè kho. Tôi làm vội vàng vì nghĩ đến Bích Hợp đang chờ. Khi tôi giao thành phẩm mẹ tôi phán:

 

– Chưa sạch còn sót nhiều vỏ  quá.

 

Vỏ đậu xanh còn sót nhiều thật. Tôi vẫn cố cãi mẹ:

 

– Con đãi kỹ lắm rồi, ai làm mà không sót, mẹ cứ soi mói như là dì ghẻ của cô Tấm ấy. Mẹ… thử ngồi đãi mấy kí lô đậu xanh xem.

 

Mẹ nổi cáu:

 

– A, con bé này học đâu ra thói cãi tay đôi với mẹ thế hả?

 

Tuy mắng con nhưng mẹ không bắt tôi làm lại, mẹ ngồi tỉ mỉ nhặt ra những vỏ đậu xanh còn sót. Tôi thích món chè kho của mẹ nấu. tôi tha hồ ăn các loại mứt Tết và không thể thiếu món chè kho ngọt đậm đà. Mẹ nói chè nấu ngọt để được lâu, nên những dĩa chè kho qua Tết mà ăn vẫn còn ngon dù nhà tôi không có tủ lạnh. Thấy tôi sẵn sàng để ra ngoài mẹ dặn theo:

 

– Đi đâu thì đi, về nhà cắt lá cắt rễ mấy kí củ kiệu kia cho mẹ.

 

Tôi ngao ngán nhìn mấy bó củ kiệu trong rổ to để ở góc bếp nhưng vẫn phải hứa:

 

– Bảo đảm con sẽ làm sạch mấy bó kiệu này.

 

Tôi và Bích Hợp chở nhau trên chiếc xe đạp đi chợ Bà Chiểu. Chợ Tết nhộn nhịp và đầy sắc màu Tết từ rau xanh đến trái cây, đồ tiêu dùng… Hai đứa vào chợ, say mê len lỏi trong những dãy sạp quần áo, trang sức, thơm mùi quần áo, nước hoa và hơi người, trước là để ngắm cho thỏa thích sau là chọn mua một vài món ưng ý.

 

Người đâu mà đông thế, cứ chen vai nhau mà đi, cứ xô đẩy nhau mà đi. Tiếng nói cười, tiếng trả giá mua bán tưng bừng huyên náo. Bích Hợp chỉ một chiếc váy ngắn màu tím treo ở trên cao trong một sạp quần áo và nói với tôi:

 

– Mình xem thử cái váy này nha?

 

Tôi cũng thích thú nhưng vẫn ngần ngừ:

 

– Ừ, ừ… màu tím đẹp đấy. Chỉ sợ… nó hở hang, đã ngắn lại còn sát nách nữa.

 

– Sợ gì? Đẹp thì mua.

 

Bà bán hàng dùng cây sào dài “khều” chiếc váy trên cao xuống. Hai đứa trầm trồ giơ váy lên vuốt ve và khen:

 

– Dễ thương quá.

 

– Mình vải bằng thun mềm mại co giãn êm ái ghê.

 

Bích Hợp ướm thử váy lên người và nói với bà bán hàng:

 

– Nhưng váy ngắn mới tới đầu gối. Bác ơi có váy nào dài hơn nữa không?

 

Bà bán hàng giải thích với hai con bé học trò mặt còn non choẹt:

 

– Đây là mini jupe. Thời trang mà.

 

Hai đứa tôi chụm đầu vào nhau thì thầm bàn tán rất lâu mới đi đến quyết định… mua chung một cái cho đỡ tốn tiền để mặc 3 ngày Tết, vì nếu mặc không vừa hay không thích nữa thì bỏ cũng không tiếc. Thời xưa cuộc sống thật giản dị, mua quần áo ở chợ chỉ nhắm chừng mà mua, không có chỗ thử quần áo và cũng không có luật lệ nào cho trả lại hàng đã mua như bây giờ.

 

Lần đầu tiên hai đứa bạo gan thử diện mini jupe xem nó ra làm sao. Tôi không dám mang chiếc váy về nhà sợ mẹ trông thấy, Bích Hợp mang về nhà nó. Hôm sau nó len lén mang sang nhà tôi, chiếc váy được gói kỹ trong tờ giấy báo. Hai đứa tôi trèo tót lên căn gác lửng để thử váy. Bích Hợp mặc váy trước, chiếc váy ôm theo thân người nó thật đẹp và gợi cảm. Nó reo lên khe khẽ sợ dưới nhà mẹ tôi nghe thấy:

 

– Trời ơi! Tớ thích lắm, đẹp ơi là đẹp!

 

Nó ưỡn ẹo qua lại và nhìn vào gương mà mơ:

 

– Mặc váy này tớ ước gì được chải tóc cao phồng như mái tóc cô ca sĩ Minh Hiếu nữa cơ. Sang trọng lịch sự lắm.

 

Tôi vội ngăn cản:

 

– Chải tóc cao phồng là phải đánh tóc rối, xịt keo, lúc gội đầu cực chết luôn đó Bích Hợp. Với lại kiểu tóc ấy không hợp với tuổi học sinh chúng mình.

 

Nó vẫn mơ tiếp:

 

– Hay tớ buông xõa mái tóc dài sầu mộng như cô Thanh Thúy?

 

Mặc kệ nó mơ những mái tóc ca sĩ. Đến lượt tôi mặc váy cũng đẹp, nhưng tôi co rúm người lại vì váy hở nách và hở đùi. Tôi lo lắng:

 

– Chết rồi, thế này mẹ tớ không cho mặc đâu.

 

Bích Hợp khích lệ tôi:

 

– Yên chí đi. Ngày Tết không ai mắng con cái vì sợ xui xẻo cả năm. Vậy hai đứa mình ai sẽ mặc váy trước đây?

 

– Bích Hợp mặc… thí nghiệm trước đi, khai trương cái váy ngày mồng một Tết, tớ sẽ mặc ngày mồng 2 Tết, mẹ Bích Hợp không mắng thì chắc mẹ tớ cũng không.

 

Bích Hợp thắc mắc:

 

– Thế còn ngày mồng 3 Tết ai mặc?

 

– Mồng 3 Tết hai đứa đều không mặc cho… huề. Mặc liên tiếp người ta sẽ phát giác ra hai đứa chỉ có một cái váy màu tím.

 

– Ừ nhỉ! Với lại mình còn mặc thứ khác nữa chứ.

 

Chợt Bích Hợp băn khoăn:

 

– Làm sao chúng mình cùng mặc váy đi sở thú chụp hình được nhỉ?

 

Tôi và Bích Hợp thân nhau lắm, Tết năm nào hai chúng tôi cũng rủ nhau đi Thảo cầm viên chơi và chụp hình, chụp bên vườn hoa xong thế nào cũng chụp bên chuồng voi, chuồng khỉ, gấu, beo, đủ cả. Tết năm nay cũng sẽ đi nhưng chỉ có một chiếc váy đẹp mà cả hai đứa đều thích. Biết làm sao? Thấy Bích Hợp thích mặc váy quá tôi nhường nó:

 

– Mồng 3 Tết chúng mình đi sở thú và Bích Hợp mặc váy. Còn tớ mặc thứ khác.

 

Bích Hợp sung sướng gói chiếc váy vào tờ báo mang về nhà đợi ngày Tết đến.

 

Tôi và Bích Hợp,  hai đứa chơi thân quấn quýt nhau như hình với bóng. Cùng viết chung cuốn lưu bút ngày xanh, đọc chung tờ tạp chí, cuốn truyện hay. Đi chơi thế nào cũng chụp hình chung làm kỷ niệm dù hằng ngày vẫn thấy mặt nhau tại lớp học hay khi về nhà. Căn gác lửng nơi mà các chị em tôi ngủ trên này thỉnh thoảng có thêm Bích Hợp qua chơi và ngủ lại dù nhà nó chỉ cách nhà tôi vài bước chân chạy vù một cái là về đến nhà thế mà nó vẫn thích chen chúc ngủ chung với chị em tôi. Hai đứa tôi nằm cạnh nhau thủ thỉ nói chuyện cho tới khuya bên mấy đứa em đang ngon giấc.

 

*

 

Mẹ tôi đã chưng bày bàn thờ Tết nào bánh chưng chè kho, nải chuối sứ xanh và hoa quả, dĩ nhiên không thể thiếu bình hoa Vạn Thọ sắc vàng rực rỡ. Trong lòng tôi cũng đang rực rỡ niềm vui khi nghĩ đến mồng 2 Tết sẽ được mặc chiếc váy đẹp. Chiếc váy mini thời trang lần đầu tiên trong đời tôi dám cả gan “hùn vốn” một nửa mua để mặc. Mồng 1 Tết trôi qua, tôi hình dung ra Bích Hợp xinh đẹp trong chiếc váy mini màu tím đi chúc Tết người thân nhà nó và được bao người khen ngợi. Rồi tôi hình dung đến lượt tôi, hồi hộp và hào hứng quá.

 

Theo đúng giao ước buổi tối mồng 1 Tết Bích Hợp sẽ mang chiếc váy sang cho tôi và nó đúng hẹn. Hai đứa lại mang gói giấy báo bọc chiếc váy chạy tót lên căn gác lửng. Nhưng lên tới gác thì Bích Hợp buồn buồn thông báo:

 

– Chiếc váy… bị… tớ ủi cháy rồi! Tớ cũng chưa được mặc.

 

Tôi tắt ngúm niềm vui, bàng hoàng ngẩn ngơ và khóc ngay tại chỗ. Thấy tôi khóc Bích Hợp sợ quá cũng khóc theo. Nó mở tờ báo và trải chiếc váy ra trước mặt tôi, chỉ vào vết cháy xém dài trên váy và sụt sùi:

 

– Đây nè, chiều 30 Tết tớ đem giặt và ủi lại cho đẹp để sáng mồng 1 mặc. Ai ngờ vải thun gặp bàn ủi nóng đã cháy và co rúm lại luôn.

 

Bích Hợp hối hận năn nỉ:

 

– Tớ không dám sang báo sợ bạn mất vui đêm 30 Tết và xui ngày mồng 1 Tết, đợi đến tối mới dám sang đây. Thôi, đừng khóc nữa, tớ xin lỗi.

 

Thấy Bích Hợp buồn, Bích Hợp năn nỉ, tôi dù tiếc rẻ cũng phải ngưng khóc:

 

– Ngày Tết ai mà giận là giận cả năm sao. Tuy chiếc váy bị hư xấu phải bỏ đi nhưng may mắn  là cả hai mình đều được mặc thử và ưng ý. Tết sang năm chúng mình “già” thêm một tuổi nữa, sẽ mạnh dạn mua mỗi đứa một chiếc  mini jupe hi vọng mẹ không la.

 

Bích Hợp quên buồn, nó lại dệt mộng:

 

– Nhưng khác màu kẻo người ta lại tưởng hai đứa mua chung một váy thì oan lắm. Tết sang năm  tớ  nhất định sẽ có kiểu tóc thích hợp với chiếc váy mới.

 

Tôi tò mò:

 

– Kiểu cô Minh Hiếu hay cô Thanh Thúy?

 

Tớ sẽ cắt tóc kiểu Phương Hoài Tâm dễ thương, hợp với lứa tuổi học trò chúng mình và hợp với chiếc váy mini xinh xinh. Đi sở thú ngày Tết chụp hình kỷ niệm thật tuyệt vời.

 

– Nguyễn Thị Thanh Dương.

(Jan. 30, 2022)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ba chị em Tabi, Betsy và Holden tung tăng trong chợ Target, hôm nay chúng theo bố mẹ đi chọn mua đồ cho ngày khai trường vào ngày 24 tháng tám sắp tới. Chợ nào cũng “Back to School Sale” đua nhau giảm gía nhiều quần áo, giày dép và đồ dùng cho học sinh. Ba chị em vui thích lắm...
Chị Thiên Kim sinh trưởng vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong một gia đình khá giả có cửa hiệu buôn bán ở phố Ngã Giữa, đường Phạn Bội Châu, Huế (nay là đường Phan Đăng Lưu). Hồi học trường Đồng Khánh chị đã nức tiếng hoa khôi, nên mỗi lần tan lớp, có nhiều “cái đuôi” theo về tận ngõ, hoặc trồng cây si trước cổng đợi tan trường...
Sáng sớm, vừa mở di động vào messenger gặp ngay tin nhắn của Duyên. Sững người. Rồi cười. Sao thế nhỉ? Sao con bé lại hỏi câu ấy nhỉ? Đang định nhắn “Sao em biết?” thì giật mình, xóa chữ đi lùi, sửa lại...
Ông Hương Cả làng Ngọc Thạnh nổi tiếng mát tay, tuy là chức sắc trong làng nhưng người làng ít kêu ông là ông Hương Cả mà họ kêu là thầy Hai. Thầy Hai bốc thuốc Nam rất hiệu nghiệm, ai bị bệnh gì cũng tìm tới thầy Hai. Thầy Hai xem mạch và bốc thuốc làm phước chứ chẳng phải lấy tiền...
Tôi và Hùng giận nhau đã hơn tuần lễ sau một trận cãi vã dữ dội, chúng tôi quyết định xa nhau. Khuôn mặt cương nghị tuấn tú của chàng với nụ cười ngạo nghễ luôn luôn ám ảnh tôi...
Người chồng cô có một số phận khá kỳ lạ. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Thơ của ba nhà thơ: Nguyễn-hoà-Trước, Trần Hạ Vi, Trần Yên Hòa...
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
Chị Hương đẹp lắm! Một vẻ đẹp đài các sang trọng của một Giai nhân xứ Huế. Dáng người dong dỏng cao, thanh thoát, nước da trắng hồng, mái tóc óng mượt buông lơi xõa sau bờ vai tròn. Đặc biệt chị có đôi mắt đẹp và yên bình như mặt nước hồ thu...
Bao năm qua, đã đến sống trong làng chài từ lâu lắm, đã làm bạn kéo lưới qua nhiều chủ ghe, chủ tàu cá, Tư Dầm vẫn nghèo, vẫn túng, không hề sắm nổi cho mình chiếc ghe câu để tự kiếm sống qua ngày.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.