Hôm nay,  

Đi thăm Texas: Thành phố Galveston và Corpus Christi

01/01/202313:35:00(Xem: 2811)



hung 1 

 Thành phố Galveston

 

Galveston là một địa danh nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở Texas vì tại đây có một đội ngũ đông đảo "thuyền nhân" ta đến đây lập nghiệp bằng nghề đánh cá từ những năm khởi đầu có cuộc định cư của người Việt trên đất Mỹ.

 

Sự hội nhập và thành công của người Việt ở Galveston đã lôi kéo “ông bà bảo trợ” cho gia đình tôi từ trại tị nạn Kuku ở Nam Dương đến Mỹ vào đầu thập niên 1980. Có điều buồn cười là sự thành công của cộng đồng người Việt Nam ở Galveston lại không phải là sự thành công của ông bà bảo trợ người Mỹ của chúng tôi. Ông đã từng là “manager” của hãng điện thoại Pacific Bell ở Shreveport, Louisiana và cũng đã từng đứng ra bảo trợ cho trên mười gia đình Việt Nam từ trại tị nạn trong vùng Missouri lạnh lẽo về Shreveport vào mùa đông năm 1975, và cũng đã từng đưa họ vào làm việc trong hãng với ông. Mọi người Việt Nam ở đây vẫn nhớ ơn ông bà cho tới ngày nay và chúng tôi vẫn về thăm khi có dịp. Trong thời gian đó, có vài ba gia đình Việt Nam, đã bỏ việc ở Pacific Bell để di chuyển về Galveston làm nghề đánh cá. Sự thành công của các gia đình này đã làm ông bà bảo trợ của chúng tôi quyết định về hưu sớm trước vài năm, đồng thời bán nhà, sắm tàu bè, theo chân người Việt Nam đi Galveston đánh cá. Sau vài năm làm ăn thất bại, ông bà bán tàu, quay trở lại Shreveport mua một cái “trailer” (một loại “mobile home” nhỏ) rẻ tiền để ở. Có một hình ảnh thật trái ngược và trớ trêu là trước đó, hai ông bà bảo trợ ở nhà (house) còn đám tị nạn người Việt đều ở “trailer”. Sau khi đi “lập nghiệp” thất bại ở Galveston trở về lại Shreverport thì mọi người Việt đã đều ở nhà, còn ông bà lại ở “trailer” Tôi thấy ông bà bảo trợ của tôi vẫn có đời sống yên vui và hạnh phúc, sung sướng với hoàn cảnh mới và xem ra còn coi sự thất bại đó làm một điều hãnh diện mỗi khi nhắc đến. Tinh thần lạc quan trong cuộc sống của người Mỹ như thế đấy, chúng tôi coi đó là một bài học tốt.

 

Chúng tôi đã tới Galveston. Hôm nay thời tiết thật đẹp, cái đẹp của tháng năm. Trời không lạnh mà cũng không nóng, mây trắng bay trên bầu trời cao xanh biếc. Ta cũng nên biết, vào những năm 1800, Galveston là thành phố lớn nhất của Texas. Vào năm 1900, Galveston bị một trận bão tàn phá với số người chết lên tới 6.000 người, một thiên tai khốc hại nhất thời bấy giờ. Sau đó, thành phố cho xây một bức tường dọc theo bờ biển để bảo vệ khỏi “sóng thần” Bây giờ người ta có thể chạy bộ hay đi “skate” trên con đường chạy dọc theo bức tường đó.

Chúng tôi đi phà băng qua vịnh Galveston. Bên kia vịnh có một thành phố nhỏ, cổ kính vì nhà cửa được xây theo kiến trúc cũ, nhà nhỏ thôi nhưng rất xinh xắn, cửa hàng đâu đó ngăn nắp và đường xá thật sạch sẽ. Chúng tôi lang thang đến xế chiều mới đi phà quay trở về lại Galveston. Từng đàn chim hải âu trắng bay theo phà xin ăn. Gió biển thổi lồng lộng làm đàn chim có lúc như muốn chao đi, bay khựng lại và bị đẩy lùi về phía đuôi phà.

 

Chúng tôi may mắn thuê được căn “duplex” ngay trên bãi biển với “ocean view” thoáng mát để hưởng gió biển và sự êm đềm về đêm nằm nghe sóng vỗ. Bãi biển Galveston không đẹp vì cát màu nâu sậm, trông như bùn. Có một điều đáng được kể lại ở đây là chiều tối hôm đó, chúng tôi đang đi tản bộ trên bãi biển không đèn thì bất chợt nhận ra, sau những đợt sóng đánh vào bờ, mỗi khi rút ra đã để lại những con cua biển to bằng bàn tay bò lổm ngổm trên bãi cát. Chúng tôi vội chạy về lấy thùng đựng đá để đựng cua và cứ lấy dép mà hất chúng vào thùng. Cái thích thú thứ hai là khi chúng tôi lội xuống nước, chưa tới đầu gối, đàn cá ở đâu bơi ngang qua, cá to bằng cổ tay giống như cá lóc của mình cứ quấn vào chân. Không có vợt nên phải dùng bao rác để hớt cá, ấy thế mà cũng được một số lớn. Sau độ một tiếng đồng hồ, chiến lợi phẩm là một “thùng đá” lớn đầy cua và cá được khệ nệ mang về. Ngày hôm sau chúng tôi đi sắm vợt để vớt cá, nhưng tiếc thay, đêm đó đàn cá đã không trở lại.

 

Một điều đáng kể nữa là bãi biển Galveston có rất nhiều muỗi, chúng tấn công đến sưng cả người mặc dù chúng tôi đã có sáng kiến dùng bao rác, chọc thủng lỗ để choàng qua đầu làm “áo giáp” Muỗi Galveston đốt đau lắm, đau ngang muỗi Florida. Ấy thế mà chúng tôi vẫn bắt gặp những cặp trai gái ngồi tâm tình khuất trong bóng tối trên bãi biển dù bãi biển cũng đã không đèn. Họ giỏi chịu đựng thật. Kể ra, đó cũng là điều lạ đáng nói của bãi biển Galveston về đêm. Những cặp đôi ấy có mấy tay để đủ đập muỗi nhỉ? Hay muỗi chỉ tấn công du khách? Hay da thịt người Á Châu thơm ngon và lạ hơn? Tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy.

 

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi từ giã Galveston để tiếp tục đi thăm những thành phố khác của Texas. Giã từ Galveston với niềm thân thương vì đã để lại cho chúng tôi vài kỷ niệm đáng ghi nhớ.

 

Vài sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ liên quan tới vùng đất Galveston

 

Tại Galveston có nhiều thắng cảnh để xem. Đáng chú ý nhất là “Bảo tàng lịch sử của thành phố. Ta cũng nên biết thêm, Galveston đã xảy ra hai trận chiến: một là trận chiến của người dân Texas mới định cư với người Mễ giữa Houston và Santa Ana, và hai là trận chiến đẫm máu trong thời kỳ Nam Bắc chiến tranh (1861-1865) đã diễn ra tại đây vào ngày tết Dương lịch năm 1863. Sự chiến thắng thuộc về quân đội miền Bắc.

 

Trận chiến giữa người di dân Hoa Kỳ và người Mễ Tây Cơ trong những ngày đầu thành lập Texas.

 

hung 2             

Về phía người Mễ Tây Cơ, vào năm 1835, sau một năm giành được độc lập từ tay người Tây Ban Nha (Spanish), tướng Antonio López de Santa Ana tự nhận mình là “Napoleon của miền Tây đã trở thành tổng thống của Mễ Tây Cơ. Santa Ana mang vài ngàn quân đi chinh phạt dân Texas vì đòi tự trị. Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra tại “thành Alamo” và 187 dân quân Texas đã bỏ mình trong trận chiến này, không một người sống sót, trong đó có Davy Crocket. Quân đội của Santa lên tới vài ngàn, ông ta chia đoàn quân của mình thành 4 nhóm nhỏ để lùng tìm dân quân của Houston vừa được thành lập. Santa Ana mang theo mình 1600 quân.

 

Về phía người dân Texas, ảnh hưởng để lại của trận đánh tại thành Alamo là rất lớn. Chính quyền non trẻ Texas vừa được thành lập sau cuộc họp ở thành phố Washington-on-the-Brazo ở vùng đông nam Texas. Dân số ở đây chỉ vỏn vẹn có từ 25 tới 30 người sinh sống và do đó chính quyền mới không thể giúp đỡ hay giải cứu gì được cho thành Alamo. Chính quyền mới tuyên bố độc lập cho Texas. Houston được giao trách nhiệm thống lĩnh quân đội. Thật buồn cười khi Houston nhận lãnh trách nhiệm vì quân đội trong tay ông chỉ có năm ba người, trong đó có người bạn của ông được phong làm trung úy. Nhóm người này di chuyển ngay đến Gonzalez vì ở đây có 375 dân tình nguyện xin gia nhập quân đội đang chờ đợi ông ở bên bờ sông Guadalupe. Họ chỉ là thường dân chưa được huấn luyện và chưa có kiến thức gì về quân sự. Ông đã đích thân huấn luyện gấp rút ngày đêm và tổ chức thành đội ngũ.

 

Quân đội của Houston ngày càng đông thêm. Quân số nay đã tăng lên được 783 người. Súng ống và đạn dược đã được tiếp viện khá đầy đủ. Hai khẩu súng đại bác loại "6 pounds" (sức nặng của viên đạn) đã được nhân dân thành phố Cincinnati của tiểu bang Ohio tặng. Trong khi xây dựng lưc lượng, Houston vẫn phải tránh sự đối diện trực tiếp với quân Mễ.

 

Lực lượng đôi bên quá chênh lệch nhưng Houston quyết chặn đứng chiến dịch quân sự truy lùng của Santa Ana.

 

Ngày 15 tháng 4 năm 1836, Houston cho tiến quân từ phía đông của sông Brazos, và mọi người vui mừng vì đoàn quân nay đã tiến về hướng trực diện với quân đội Santa Ana chứ không phải liên tục lẩn tránh nữa. Lúc này, vị trí đóng quân của Santa Ana, phía nam là vịnh Galveston Bay, phía đông là sông San Jacinto, phía bắc là Buffalo Bayou hướng mà quân đội Houston đang băng qua và tiến tới. Santa Ana đã rơi vào cái bẫy do chính ông ta tự chọn. Nếu ông ta muốn lui binh, chỉ còn một con đường duy nhất là dùng phà băng qua sông San Jacinto River, mà điều đó thật nguy hiểm hay có thể nói là không thể thực hiện được.

 

Sau khi vượt qua Buffalo Bayou, Houston triệu tập binh sĩ để ra huấn lệnh và trình bày kế hoạch tấn công. Ông hỏi có ai muốn rời khỏi trận đánh này không vì ông cho phép họ được chọn lựa trước khi lâm trận, nhưng mọi người đều quyết tâm ở lại chiến đấu. Binh sĩ ông cùng ông hô to “Hãy nhớ tới Alamo”, “Chiến thắng hay là chết”, “Không rút lui, không đầu hàng.”

 

Ngay ngày hôm sau, hai bên cùng dàn trận trên cánh đồng lớn phía bắc Galveston, không xa nơi đóng quân của mỗi bên. Houston dùng điểm tâm sáng với một miếng bánh ngô khô, và suốt sáng hôm đó ngồi nghiên cứu bản đồ hành quân. Theo kế hoạch, ông sẽ ra lệnh tấn công vào buổi xế trưa vì vào giờ đó quân đội Mễ thường ngủ trưa.

 

Vào 3 giờ rưỡi trưa, ông ra lệnh tấn công. Đoàn quân tiến gần đến mục tiêu, hai khẩu súng ca-nông khai hỏa vào phòng tuyến địch, quân Mễ bắn trả bằng súng trường một cách mạnh mẽ. Khi tới gần tầm bắn, Houston ra lệnh khai hỏa. Binh sĩ của ông vừa bắn vừa chạy nhào tới quân địch để đánh cận chiến vừa hét to “Hãy nhớ tới Alamo! Hãy nhớ tới Alamo!” Câu hét này đã đi vào lịch sử. Quân Mễ không kịp trở tay và không quen đánh cận chiến nên cánh quân tiền vệ đã phải tháo lui, tiền tuyến bị chọc thủng. Người chết, kẻ bị thương hay đầu hàng rất nhiều.

 

Nói về Santa Ana, ông ta đang ngủ trưa khi trận chiến bắt đầu. Với cặp mắt chưa tỉnh ngủ hẳn, ông chỉ kịp mặc vội chiếc áo với cầu vai màu đỏ, chạy vội ra khỏi lều bạt. Quân lính của ông chạy tán loạn, ông không còn chỉ huy được ai nữa, Santa Ana chỉ còn biết nhảy lên con ngựa đen, cao lớn, phóng chạy thoát thân ra khỏi chiến trường càng sớm càng tốt.

 

Sáng hôm sau, cách đấy vài dặm, một người bé nhỏ, mặc chiếc áo nhà binh có cầu vai đỏ đang ngồi buồn bã bên dòng suối. Người đó chính là tướng Santa Ana. Ông ta đã bị bắt và được dẫn độ tới trước mặt Houston. Tất cả tù binh Mễ khi thấy viên tướng chỉ huy của mình thì đồng thanh hô to lên “Tổng thống muôn năm! Tổng thống muôn năm!” Đúng vậy, Santa Ana là Tổng thống Mễ Tây Cơ và cũng kiêm nhiệm chức vụ thống lãnh quân đội. Sau đó Santa Ana và toàn thể tù binh Mễ được thả ra với điều kiện được thỏa thuận trước tiên là tất cả phải trở về nước Mễ.

 

Chiến tranh Nam-Bắc

 

Texas hưởng thanh bình kéo dài chẳng được bao lâu thì cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865) xảy ra. Đã nhiều năm, những tiểu bang miền Bắc và miền Nam đã không đồng ý với nhau về chế độ nô lệ người da đen. Người miền Bắc muốn giải phóng người nô lệ, người miền Nam thì không. Miền Bắc lúc này đã trở thành vùng kỹ nghệ, miền Nam vẫn còn là vùng nông nghiệp nên rất cần nô lệ trong việc canh nông. Năm 1861, 11 tiểu bang miền Nam liên kết với nhau và đồng tách khỏi những tiểu bang miền Bắc được gọi là Union, để trở thành nước độc lập được gọi là Confederate States.

 

Ngay khởi đầu, Thống đốc Texas là Sam Houston đã chống lại việc Texas tách rời ra khỏi Hoa Kỳ. Ông tuyên bố “Nếu Texas tách ra khỏi Hoa Kỳ thì chiến tranh sẽ xảy ra” Và ông tiếp “Nếu chúng ta không chết vì bom đạn thì chúng ta cũng chết vì đói khát” Quốc hội tiểu bang Texas liền cách chức Houston và thiết lập ngay một chính phủ mới liên minh với lực lượng miền Nam thuộc Confederate States ngày mùng 1 tháng 2 năm 1861. Vài trận đánh đã xảy ra trên đất Texas, trong đó có trận xảy ra tại Galveston vào ngày tết Dương lịch năm 1863. Texas đã đóng góp 70.000 quân cùng quân lương quân dụng cho lực lượng miền Nam. Cuối cùng, vào tháng 4 năm 1865, quân đội miền Nam đầu hàng. Chiến tranh Nam Bắc đã chấm dứt, nhưng tin tức đến chậm, một tháng sau, trận chiến ở Palmito Ranch thuộc Texas mới thật sự kết thúc. Đó là trận chiến cuối cùng của Nam Bắc chiến tranh. Sau gần một tháng chiến tranh chấm dứt, ngày 19 tháng 6 năm 1865, tướng Gordon Granger thuộc quân đội miền Bắc đã đến Galveston. Ông tuyên bố “Kể từ hôm nay, tất cả những người nô lệ được giải phóng” Những người nô lệ da đen vui mừng và biến ngày hôm đó thành ngày lễ hội "Juneteenth" (June nineteenth) của Texas ngày nay.

 

Thành phố Corpus Christi

 

Chúng tôi ở lại Galveston hai đêm. Rạng sáng ngày thứ ba chúng tôi rời Galveston để tới bãi biển Corpus Christi (Corp of Chist). Đây là bãi biển đẹp đã thu hút hàng trăm nghìn du khách hàng năm. Thời tiết ấm áp nên thích hợp cho việc tắm biển hay phơi nắng. Có nhiều khu cắm trại. Một địa danh của thành phố mang tên Padre Island National Seashore, đó là bãi biển cát trắng và có nhiều vỏ trai ốc đẹp. Và nên nhớ một điều là nếu ta muốn hưởng sự yên tĩnh trên bờ biển để nghe sóng vỗ thì chớ bao giờ tới Padre Island vào mùa xuân vì hàng nghìn học sinh sẽ đổ về đó tụ tập vui chơi trong những ngày “nghỉ mùa xuân” (spring break). Thành phố cũng còn có “Bảo tàng Văn hóa Á châu” (The Asian Cultures Museum) hay “Hồ nuôi cá” (The Texas State Aquarium). Chúng tôi cứ tiếp tục lái xe trên xa lộ dọc theo bờ biển của vịnh Mễ Tây Cơ xuôi về hướng cực Nam, gần ranh giới Hoa Kỳ và Mễ.

 

Chúng tôi từ giã Galveston, rồi Corpus Christi để đến thành phố Houston, một trong những thành phố có đông đảo người Việt định cư nhất ở Hoa Kỳ.

 

– Nguyễn Giụ Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cái cối xay bột nước lắp ráp xong chị Bông đã xay thử đậu nành rồi xay gạo thấy cả hai đều thành bột mềm nhuyễn đúng ý. Coi như chị đã “khai trương” cái cối xay bột nước của mình mặc dù khi lắp cối xong ông thợ cối đã xay thử bột nọ bột kia rồi. Hôm ấy cả nhà chị được ăn món bánh xèo chiên giòn và uống sữa đậu nành nấu với lá dứa vừa thơm vừa béo thật ngon...
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu… được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn...
Thơ của hai thi sĩ Huỳnh Liễu Ngạn & Thy An...
Chiếc xe khách Sài Gòn ra Huế tạm dừng ở thành phố Nha Trang vào khoảng bốn giờ chiều. Xe chưa đậu hẳn thì đã có bao nhiêu kẻ bán hàng vặt ồ ạt phóng tới miệng rao hàng inh ỏi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Một số ăn xin tật nguyền, què cụt cũng cố chen lấn tranh nhau hành nghề...
Tôi quen biết Loan thật tình cờ, người đời thường gọi là “duyên”, với tôi, là một định mệnh từ muôn kiếp trước, đã gắn liền hai cuộc đời chúng tôi thành hai chị em, thương yêu và gần gũi, giúp đỡ, an ủi nhau còn hơn chị em ruột thịt...
Bản thân tôi ít khi nào dám ngó về biển cả, dù thấy biển cả rất mênh mông, thoáng mát và êm ả qua nhiều hình ảnh. Cũng có lúc tôi trực diện biển khơi, nhưng chỉ là lúc biển êm sóng dịu rì rào ru hát « Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… » hoặc là lúc mơ mộng, biển nhớ…
Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hằng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm...
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.