Hôm nay,  

“Bức Tranh Vân Cẩu Vẽ Người Tang Thương”

14/12/202209:28:00(Xem: 2823)
Truyện

chó

Gần bên nhà tôi ở, cùng trong xóm, có một em nhỏ rất thích nuôi chó, nó nuôi cả một bầy, một chó mẹ và 12 chú chó con của chó mẹ sinh ra. Antoine quý bầy chó của nó lắm và không nỡ mang cho bớt đi những con chó con, vì Antoine nghĩ là tội nghiệp mẹ con nó, lại thương và nhớ nhau khi bị chia lìa.

 

Antoine mới trên 20 tuổi. Nó vẫn sống chung, tá túc nơi nhà mẹ nó, một căn nhà 4 phòng khá rộng và có vườn cây bao quanh. Antoine cũng còn đi học và thỉnh thoảng trong những ngày nghĩ hè, nó thích đi làm việc cho siêu thị, bảo là cần phải làm việc để nuôi bầy chó con vì gia đình cún đông quá sợ chó mẹ không đủ sữa. Mà bầy cún con của nó thật đẹp, con nào con nấy bụ bẫm tròn trịa như những khúc chả lụa biết đi, biết chạy và lăn lộn đủ kiểu.

 

Mỗi khi có dịp đi ngang qua, tôi ngừng lại ngắm cậu bé đang chăm sóc lũ chó con, tôi thán phục những cử chỉ tỉ mỉ của Antoine và cứ mỗi lần như vậy, lại nghe Antoine dụ khị:

 

– Bác mang một hai chú về nuôi đi bác, mẹ cháu đang nói cho bớt đi, mà cháu thì không muốn.

 

– Bác thì cũng rất thích, mà bác nuôi không nổi đâu, bác già rồi, bác lo cho bác có lúc còn không nổi, làm sao mà lo nuôi chúng được.

 

Rồi lần sau, lần sau nữa, cứ gặp mặt là năn nỉ, nuôi chó con đi mà, tôi liền ra điều kiện:

 

– Này, để xem có ai cần bác thấy bác mách họ tới xin.

 

– Nhưng mà cháu chỉ thích cho bác vì bác ở gần kế một bên, thỉnh thoảng cháu còn qua lại thăm chừng, cho người ở xa, cháu không muốn.

 

À ra là thế. Thôi để mà nuôi luôn đi!

 

Nhưng rồi có một lần tới mách một người quen muốn nuôi cún. Antoine bằng lòng hẹn họ đến, đó là hai vợ chồng chú Lâm đến xin chó, thấy cả bầy chó xinh đẹp, họ thích lắm, đã lựa xin được 2 chú. Nhưng rồi lúc sắp mang chó đi, Antoine bất chợt hỏi Lâm:

 

– Mà anh chị có con nít nhỏ trong nhà không?

 

– Có, tụi này có 2 đứa nhỏ, một đứa 4 tuổi và đứa kia 6 tuổi.

 

– Thôi vậy thì em xin lỗi, em không tặng được chó con của em cho anh chị đâu… tại vì loại này là chó của Đức, nó ăn khỏe và thích tấn công lắm, con nít giỡn chơi chờn vờn trước mặt nó là nó nhẩy lên cạp liền.

 

Vậy là bầy cún 13 con ở lại nguyên vẹn. Antoine lấy luôn ga-ra để xe làm phòng riêng cho gia đình chó. Nó lau quét, hút bụi, dọn dẹp, bầy biện phòng khá tươm tất. Chúng cũng được thay ổ và tắm rửa luôn nên rất sạch sẽ và đỏm dáng. Thiệt là Antoine rất yêu quý chó, mẹ nó cứ nói nó yêu quý bầy đàn của nó còn hơn các ông tây bà đầm nuôi chó thay con ở xứ sở này.

 

Chẳng vậy mà khi chiến sự Ukraine xẩy ra, khi nghe thông tin, báo đài nói có một trại gia súc  hàng trăm con chó bị bỏ đói, yếu và mệt, nằm sắp hàng bên nhau cùng chờ chết, Antoine lau nước mắt và lẩm bẩm nói một mình, “Thật tội nghiệp chúng, thiệt là thiêng liêng, huyền diệu, chó chết đói thì chờ chết cùng nhau, không ăn thịt đồng loại, vẫn kỷ luật bên nhau, vẫn yêu thương, xót xa cho nhau!”

 

Rồi lần nữa, sau một hai ngày suy nghĩ, Antoine tự quyết định lên mạng tìm bà Brigitte Bardot và cho bà biết tin. Sau đó em tình nguyện mang xe đến tìm bà B.B. để rủ bà đi thăm và xem phải làm gì chứ không để chúng nó chết oan uổng như vậy được. Sau vài tuần lễ thì Antoine đã trở về cho hay là đã có hội bảo vệ súc vật thế giới lãnh cưu mang tụi nó và mang chúng tới một nơi an toàn.

 

Trong cái khó ló cái khôn, cũng tại xứ sở Ukraine này, những ngày sau đó, người ta đã thấy cả những chú chó góp phần bảo vệ quê hương bằng tài năng bén nhậy là đi rà mìn phụ những chuyên viên tháo gỡ chất nổ nguy hiểm mà quân đội Nga đã gài lại khi rút đi. Đây là những chú chó mang sứ mệnh chiến binh sứ mệnh đặc biệt mà nó đã cảm nhận được bằng một loại trực giác thông minh đặc biệt mà hình như không có hay rất ít loài vật nào có thể thực hiện được.

 

Ở Việt Nam, trước 1975, muốn đi về An Nhơn, Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, khi đi qua y viện Cộng Hòa chúng ta tới ngã năm chuồng chó. Đó là nơi trú ngụ và huấn luyện quân khuyển, nơi huấn luyện chó làm bổn phận quân sự, chó quân đội làm bổn phận một chiến binh, cũng lãnh lương, cũng mang quân hàm các nước Mỹ, Anh, Pháp và rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng quân khuyển tham chiến từ thời Trung cổ vì đặc tính thông minh của chó.

 

Trong số các nhà cách mạng, có một người Nhật, là lãnh tụ đảng Dân Chủ thời gian 1914-1921 mang họ chó, đó là cụ Khuyển Dưỡng Nghị, đồng chí thân thiết của cụ Phan Bội Châu. Ngày ấy cụ Phan tham dự phong trào Đông Du cầu học ở Nhật, cụ chủ trương dùng võ lực giành lại nền độc lập cho Việt Nam ta nên cụ hằng lui tới gặp cụ Khuyển nhiều lần. Tiếc rằng việc chưa thành thì cụ bị bắt và bị an trí ở Huế. Cũng có nguồn tin đưa rằng cụ Phan Bội Châu bị phe cánh Hồ Chí Minh bắt giữ và bán lại cho mật thám Pháp lấy 100.000 đồng tiền Đông Dương.

 

Việt Minh làm vậy được 100.000 đồng coi như một công ba việc lợi: Có tiền hoạt động đảng CS. Loại được một đối thủ quốc gia lợi hại. Gây được phong trào chống Pháp bùng lên ở Việt Nam.

 

Xem vậy, khuyển không phải là tầm phào, mà có trộn lẫn ít nhiều ngoại giao, quân sự, xã hội… Nhìn cao hơn về thần thoại, chúng ta có thiên cẩu, đầu người mình chó. Theo Trương Tử Phòng, thiên cẩu có tới gần một vạn thiên binh. Thiên cẩu rất linh, để săn đuổi ma quỷ. Thiên cẩu xuất hiện ở cung Tuất, coi như bạn có một sao tốt trong tử vi. Nếu bạn thích nghiên cứu tử vi, tướng số, nếu thấy thiên tặc thì phải mời ngay thiên cẩu tới để vô hiệu hóa những điều xấu của giặc nhà trời.

 

Trong văn chương xưa, có cụ Cao Bá Quát cũng ân cần, không bỏ quên vị trí con chó trong cuộc đời:

 

Nhà trống ba gian

một thầy, một cô, một con chó cái

học trò dăm ba đứa

nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

 

Gần chúng ta hơn, thi sĩ Nguyên Sa còn muốn bình đẳng hơn, khi ông ví von người yêu có lúc như con chó ốm:

 

Sao hôm nay Nga buồn như con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh.

 

Như đã kể trong lúc mở đầu câu chuyện về chó ở trên, ai cũng thấy ở xứ sở Âu Mỹ này, người ta yêu chó và nuôi chó như con cái vì đó là con vật rất gần gũi hằng ngày trong cuộc sống. Nói ra e có lúc phiền trong dạ, mà quả thực đời sống chú chó ở nơi đây còn nhiều bảo đảm hơn đời sống con người nơi xứ Việt Nam ta, nơi người dân phải sống với cộng sản. Nói ra không phải để so bì, nhưng để thấy ngay sự khác biệt ở bên này với bên kia bán cầu. Sự khác biệt giữa tư bản và cộng sản này coi như đảo ngược. Cộng sản đã và đang trở thành tư bản, cộng sản đã gom góp mọi thứ sở hữu vào cho chúng càng ngày càng nhiều và dĩ nhiên nhân dân thì đã mất tất cả. Vậy mà lúc nào họ cũng lớn miệng ra sức nói rằng tất cả là của toàn dân và nhà nước luôn luôn là chuyên chính vô sản, đúng ra là vô sản đã thua, vô sản đã lật ngược thành tư bản, đại tư bản, ở mỗi lúc và mỗi nơi trên toàn thế giới trong đó có cộng sản Việt Nam.

 

Từ chuyện nuôi chó, yêu quý chó mà tiến sang bàn về chính trị, kinh tế cộng sản thì có những so sánh khập khiễng làm con người ta cười ra nước mắt, nhưng sự việc gì trên cõi đời này đều có nguyên do và hậu quả của nó.

 

Tôi còn nhớ, ngày đã lâu, cha tôi có nuôi một con chó mực, hai mông nó có hai xoáy tròn, trên lưng có vằn đen y lưng một con ngựa. Cha tôi rất mực yêu quý nó và gọi nó là Kiki. Khi xin được nó từ ở đâu đó, chính cha tôi, đã cởi áo ngoài của ông ra để bọc lấy nó mà ôm về nhà.

 

Kiki lớn dần trong tình yêu thương của mọi người, đặc biệt là của cha tôi, thường mỗi ngày ông tan sở về làm trễ, ông ăn cơm muộn một mình, đồ ăn để phần ông, có bát canh ngon hay con cá chiên vàng, ông luôn luôn chia cho Kiki một phần. Ông cho nó kín đáo và nó cũng hiểu ý, ăn vội vàng rồi âu yếm kín đáo hơn ra nằm khép nép một bên chân chủ. Nhưng khi cha tôi đi làm, Kiki cũng hư lắm, nó rong chơi khắp ngả… tiếu ngạo giang hồ. Có khi cuối ngày, muốn khóa cổng, phải đi tìm nó khắp nơi.

 

Có một vài lần, cha tôi tìm ra Kiki ở chỗ giam chó  của nhà nước ở đường Nguyễn Thông. Sau những lần thoát tù, cu cậu mừng lắm, vẫy đuôi chào cả nhà rồi chui vô gầm tủ nằm, nó đã hiểu cha tôi phải nộp tiền phạt, mang nó đi chích ngừa và làm sổ nuôi nó, cho nó cái hộ khẩu như sau năm 1975 ở miền Nam. Tuy nhiên, bản tính mau quên và ham vui, hễ vắng cha tôi, nó lại lẻn ra ngoài, lang thang ngao du đây đó.

 

Chiều chiều, ở sở làm về, là cha tôi phải đi kiếm Kiki, vì chỉ trông thấy ông nó mới sợ và quay đầu về. Ông xích cổ nó lại, mặc dù xích nó hoài ông cũng mủi lòng thương hại. Chú Thâm Giao, ở gần nhà, mà từ lâu người trong xóm luôn xầm xì chú là Việt Cộng nằm vùng, chú có quán bán thịt cầy tơ ở Lăng Cha Cả. Một hôm, chú Thâm Giao mách cha tôi là cứ thiến con Kiki đi là nó sẽ ít đi rong chơi. Ông già nghe theo. Thế là cái ngày bị thương, cu Kiki la khóc dữ lắm, la ăng ẳng từ trưa tới chiều. Nó giận cả nhà, không chịu ăn cơm cháo gì. Cứ nhìn hai con mắt nó khóc và đỏ long lên giận dữ, không ai dám tới gần, nó gầm gừ, thù oán cái giống người độc ác.

 

Sẩm tối cha tôi về, ông an ủi vỗ về sao đó, Kiki ư ử nằm xuống bên chân chủ, nó bằng lòng cho ông săn sóc vết thương, rồi cũng ăn ngon lành tô cháo ông mang lại. Những ngày đẹp trời sau đó, ông đạp xe đạp, dắt theo Kiki, cả hai cùng sung sướng thư thả dạo chơi bên đầm sen, bên những bãi trống ven đô thị.

 

Nhưng rồi hạnh phúc không bền. Có một ngày định mệnh, con Kiki yêu mến của cha tôi đã ra đi vĩnh viễn không trở về. Đó là ngày Noël 1974. Chiều hôm đó, tối đã lâu, nó đi mãi chưa về, cả nhà, anh em tôi chia nhau đi khắp ngả đường, tìm kiếm mãi, đường ngang đường dọc, phố ngược phố xuôi, vẫn không thấy tăm hơi Kiki ở đâu. Chúng tôi gọi tên huýt sáo một điệu nhạc mà nó ưa thích với nhiều hy vọng.

 

Cha tôi đi cùng để kiếm, như phải kiếm cho ra một đứa con cưng đi lạc, mặt ông khó đăm đăm, rồi đến một lúc, do linh cảm trực giác, ông thẫn thờ một giây, rồi chạy thẳng ra tiệm hạ cờ tây Thâm Giao, đứng chống tay bên sườn gọi chủ quán hỏi:

 

– Này, thằng Thâm Giao, chính là mày, mày nỡ giết chó của ông rồi hả?

 

Không một tiếng động tịnh trả lời. Ông già tức tối gầm lên:

 

– Thằng Việt Cộng nằm vùng Thâm Giao, mày ăn trộm con Kiki của ông? Mày giết nó rồi ư? Ông phải giết mày!

 

Bấy giờ chủ quán mới hắng giọng đối đáp:

 

– Ông già điên, sao ông dám buộc cho tôi tội giết chó của ông? Bằng chứng đâu?

 

– Bằng chứng à? Ra đây, mày ra đây, ông sẽ đánh cho mày mất xác. Trời ơi đồ bất nhân, đồ ác đức làm sao nó nỡ giết con tôi!

 

Ông già kêu gào, khóc lóc. Trong lúc bực tức nóng nảy, ông tiến sát hàng rào tiệm và mắng chửi chú Thâm Giao thậm tệ.

 

– Ông đừng hồ đồ, ông già điên kia!

 

Ông già tôi tức tối lượm gạch đá bên đường liệng loảng xoảng vô tiệm ăn. Tức thì từ bên trong gạch đá được ném trở ra.

 

– Này có giỏi, có làm có chịu, mày ra đây!

 

– Ông có giỏi, ông vô đây, tôi với ông chơi nhau!

 

Gạch đá lại bay rào rào qua lại. Chúng tôi và cả lối xóm thấy bi kịch quá nguy hiểm, hè nhau ôm cứng cha tôi đưa ông về nhà. Ông già vã mồ hôi, chửi đổng một hồi. Sau đó ông bỏ ăn uống nằm bệnh mất mấy tuần lễ. Mẹ tôi và bạn lối xóm khuyên ông nên tìm nuôi một con Kiki khác. Nhưng ông xua tay, lắc đầu trả lời thờ thẫn

 

– Không phải nuôi một con khác rồi quên được con Kiki… Một con vật tình nghĩa thì mình khó quên nó được!

 

Và từ đó, thỉnh thoảng… đi vào nỗi buồn nhớ, ông lại nguyền rủa: “Thâm Giao là quân sát nhân! Nó đúng là Việt Cộng nằm vùng, là quân giết người. Nó sẽ phải đền tội!”

 

Ông cứ cằn nhằn hạch tội chú Thâm Giao mãi không thôi, từ Noël năm trước, qua tết năm đó, mãi cho đến mấy ngày 30-04-1975 rồi từ những ngày 25, 26, 27, 28, 29 nhà nào trong thành phố và xung quanh, người ta bàn tính ra đi hoặc kẹt phải ở lại.

 

Những bà tiên và chiếc đũa nhiệm màu đã vắng mặt trong giờ phút cuối cùng.

 

Sáng sớm ngày 30 tháng 4, mẹ tôi mở hé cửa dòm ra đường nhìn nháo nhác, rồi vội đóng cửa lại, lo sợ nói:

 

– Thôi đi ngay, tính lẹ lên, không còn ở đây được nữa đâu, nguy tới nơi rồi!

 

– Cái gì mà nguy, ai người ta sao mình vậy.

 

Nghe cha tôi nói vậy, mẹ tôi thở dốc:

 

– Ông ra mà coi kìa, toàn là Việt Cộng… Việt Cộng đầy đường… Với lại nữa, nhìn coi, nhà thằng Thâm Giao, nó đã treo lên một lá cờ xanh đỏ to bằng cái chiếu.

 

Cha tôi đi ra, rồi đi vào, hai tay chắp sau lưng, lầm lì không nói, sau cùng ông cũng hạ quyết tâm:

 

– Mẹ con muốn đi đâu thì đi, ra bến Bạch Đằng, hay vô cổng sân bay, hay về Bà Rịa… Tùy ý bà. Còn tôi, tôi ở lại đây, tôi không sợ, tôi mà sợ cái mặt mấy thằng đó, cái mặt những thằng đi ăn cắp chó ư?

 

Chúc Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.