Hôm nay,  

Lãng đãng vào thu

27/09/202220:25:00(Xem: 2025)

Tùy bút

autumn leave

Hè năm nay Canada nóng hơn mọi năm, ai cũng than thở rần rần. Hễ đi đâu về là tôi chạy xuống ngay basement vì Central Air nhà tôi tỏa khắp nhà và dưới basement lúc nào cũng mát lạnh. Tôi kể cho bà chị bên Texas bữa đó 32 độ C, bà chị cười chọc quê:

- Úi dào, mới có tí nóng mà đã kêu trời, tính ra khoảng 90 độ F chớ mấy, bên đây đang nóng... 3 số nè, tức là trên 100 độ F đó, ở đó mà réo mà kêu!

Tôi liền bốp chát:


- "Cười người hôm trước hôm sau người cười” nghen chị. Không lâu đâu, vài tháng nữa thôi, khi Texas cuối năm gió lạnh thì đừng có mà gọi phone rên rỉ vì đối với dân Cà Na Điên thì cái lạnh ấy chỉ là... mát giời!


Bởi ta nói, ở đâu quen đó là vậy. Khi các con còn nhỏ, gia đình tôi thường bay qua Texas vào dịp nghỉ hè. Ui chao là nóng, hầu như chúng tôi chỉ dám ra đường khi chiều buông mà vẫn thấy nóng, còn nếu cần đi ra ngoài buổi trưa thì phải xịt nước bên ngoài xe cho bớt nóng, rồi một lát sau mở cửa kiếng chút xíu, chạy ào vào xe mở máy lạnh. Sau vài năm như thế, con gái tôi tuyên bố không muốn qua Texas mùa hè nữa, tôi nói:


- Thì cũng giống như Canada có mùa Đông tái tê thì Texas có mùa Hè nắng cháy, ráng chịu con ơi!


Nó trả lời :


- Thà con đi dưới trời tuyết lạnh, mặc đồ ấm áp, vẫn tuyệt vời hơn đi dưới trời Texas chảy cả mỡ màng thịt da.


Ủa, mà hình như tôi đang... lạc đề ? Đang nói về “lãng đãng vào Thu” cơ mà ? Thì đây, mấy ngày nóng cũng đã qua đi, như một câu tiếng Anh rất là chính xác “The bad news: nothing lasts forever, and the good news: nothing lasts forever”. Thời tiết bỗng đột ngột đổi thay, có vài hạt mưa nhẹ, bầu trời âm u gió thổi, đâu đó trong thành phố có những cây bắt đầu xuất hiện vài chiếc lá chớm vàng mặc dù các cây khác còn xanh tươi, và mặc dù theo lịch chính thống thì mùa thu năm nay bắt đầu vào ngày 23 tháng 9, nên tôi mới gọi là “lãng đãng”, coi như ông trời bonus cho Canada mùa “vọng Thu” để những tâm hồn nhạy cảm nức nở, bâng khuâng!


Ai đó đã nói “Hàng năm tôi chờ Mùa Thu tới để buồn”, và tôi xin bổ sung thêm “và để... làm thơ, để tương tư”!


Canada có đủ bốn mùa rõ rệt, nhưng hình như chỉ có Mùa Thu làm cho người ta buồn, có lẽ vì không gian trầm lắng, gió lạnh hiu hiu, lá vàng rồi lá úa, cho chúng ta cảm giác thời gian vô tình trôi qua, gần hết một năm, và liên tưởng đến “mùa thu của cuộc đời”.


Hồi còn ở quê nhà, mùa Thu không khác biệt lắm với các mùa khác, chỉ là chút lành lạnh của buổi sáng sớm đầu Thu đến trường cũng làm tôi xao xuyến:


Người đã cho tôi tình êm ái
Lãng mạn sân trường lúc vào Thu
Bồng bềnh mây trôi ngoài cửa lớp
Thấp thoáng hàng cây trong sương mù


Nhỏ bạn thân nói trí tưởng tượng của tôi phong phú quá, Sài Gòn hai mùa mưa nắng, lấy đâu ra sương mù, có phải Đà Lạt đâu chớ! Tôi cãi:


- Nhạc sĩ Lam Phương còn: “Trời vào Thu Việt Nam buồn lắm em ơi, mây tím đang giăng cao vời, mà tình yêu chưa lên ngôi!”! Bà thấy mây tím bao giờ chưa, chứ tui từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ chỉ biết có mấy trắng mây đen và mây xám thôi hà.

 

- Ối, tui bó tay với mấy nhạc sĩ thi sĩ mộng mơ, có ông nhạc sĩ còn viết “Hạ Trắng” nữa kìa, trắng chỗ nào mà trắng?


Tôi bồi thêm:


- Còn nữa nè, “Thu Vàng” của Cung Tiến mới chính là tưởng tượng tuyệt chiêu, nhưng bây giờ hát ở hải ngoại cũng phù hợp chứ nhỉ!


Bởi vậy, đã lỡ tưởng tượng rồi thì hà cớ gì mà tôi không... thả ga, tiếp tục:


Đã bao Thu qua rồi người nhỉ
Lá úa bao lần rơi lối xưa
Nơi đây Thu sang tôi bỗng nhớ
Có một Mùa Thu trong giấc mơ


Trở lại chuyện cuối hè đầu thu Canada, mấy hôm nay mưa ướt lạnh, tôi phải ra vườn sau thu hoạch hai cây plum sai trái trĩu cành. Thú thật, khi hái đầy mấy rổ plum, tôi vui sướng hớn hở bưng vào nhà, ăn trái nào trái nấy giòn giòn và ngọt lịm, rồi tôi nhìn ra ngoài vườn, hai cây plum chỉ còn một màu  lá xanh rờn, tôi thấy  buồn làm sao. Từ nay ra vườn hết được ngắm những trái plum màu tím ngọt ngào xen kẽ trong đám lá xanh xanh, hết được tưới nước trên những chùm plum căng mọng lấp lánh. Nhìn tôi thẫn thờ thở dài, chồng tôi ngạc nhiên:


- Năm trước cây ít trái em cũng buồn, năm nay cây nhiều trái, hái xong còn cho cả bạn bè xung quanh, em cũng buồn là sao, anh chẳng hiểu nổi.


Tôi đang thả hồn theo đám mây xám trên bầu trời, không muốn giải thích dài dòng đôi co, mà cũng buột miệng:

- Em còn hổng hiểu em nữa là! Anh làm ơn đừng khơi dậy nỗi lòng sáng nắng chiều mưa của em, được không ?


Mà thời tiết Canada cũng khác gì tôi, thất thường lắm đấy, ngay giữa hè cũng có thể chuyển qua... man mát  khi vào chiều, ngay giữa Thu cũng có khi nắng vàng rực, và ngay giữa mùa Xuân thì tuyết có rơi cũng chẳng làm ai kinh ngạc. Nên tôi trân trọng từng phút giây của bất cứ mùa nào, vì chỉ vài ngày nữa thôi, qua tuần tới và sau đó, lá sẽ vàng cả đất trời, dù không có “con nai vàng ngơ ngác”, lá cũng sẽ khô, sẽ xào xạc bay theo gió, để lại nỗi vấn vương cho con người khi những cơn gió lạnh đầu Đông lại trở về, theo quy luật muôn đời của tạo hóa.


Dẫu biết vậy, dù mới tuần trước còn nóng nực, đi lễ nhà thờ phải mang theo cây quạt tay, mà sáng nay tôi đang ngồi bên cửa sổ nhìn vài chiếc lá vàng trên cành cây trước sân, trời không nắng cũng không mưa, chờ gió heo may, cũng không tránh khỏi cảm xúc bâng quơ theo câu hát “Mùa Thu Không Trở Lại” của Phạm Trọng Cầu: Buồn này ai có mua?


Nghe có vẻ hơi “sến” và yếu đuối nhỉ, nhưng tôi buồn thật đấy, cũng bởi vì trời... lãng đãng vào Thu, biết trách ai bây giờ: 


“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn tôi hiểu vì sao tôi buồn”


Thi sĩ Xuân Diệu ở bên kia thế giới đừng trách tôi nhe, cái thuở “chẳng hiểu vì sao tôi buồn” của tuổi mới lớn trái tim chợt vui chợt buồn đã xa lắm rồi!


-- Kim Loan

(Edmonton, chờ gió heo may 2022)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.