Hôm nay,  

Người trồng rừng

24/08/202217:34:00(Xem: 1520)

Truyện ngắn

photo-1604400557709-fdcfba8ace1a

 

Để khám phá những đức tính thật sự về một con người, phải có được cơ may quan sát hành động của người ấy ròng rã hàng năm trời. Nếu như hành động ấy không màng đến lòng ích kỷ, nếu như tư tưởng điều khiển hành động là cả một tính cao thượng vô biên, nếu như hành động không hề tìm kiếm sự đến đáp ở bất cứ nơi nào, và hơn nữa hành động ấy đã để lại cho đời những dấu ấn thật rõ rệt, thì ta đang đối diện với một tính cách phi thường, không thể nào lãng quên được, và nhận xét này không thể nhầm lẫn.

 

Khoảng chừng hơn bốn mươi năm trước, tôi đã đi bách bộ một quãng đường dài, trên những đỉnh cao vút mà du khách không hề biết đến, trên dãy núi Alpes rất cổ kính, đến tận sâu vùng Provence, ở độ cao khoảng một ngàn ba trăm mét. Chỉ có loại oải hương dại mọc được trên ấy. Tôi đi dọc hết vùng ấy trong ba ngày trời, và đến một nơi vô cùng hoang vu. Tôi đã hết cạn nước từ chiều qua. Ở đây có khoảng năm sáu ngôi nhà không mái, bị gió mưa bào mòn, có một ngôi giáo đường với mái đã sụp, cũng ngay hàng thẳng lối như các ngôi làng có người sinh sống, nhưng ở đây thì chẳng có ma nào.

 

Đó là vào một ngày tháng sáu, nắng lên rực rỡ, nhưng ở mảnh đất khô cằn không nơi trú và cao vút trời xanh, gió đang thổi một cách rùng rợn. Tiếng hú bên trong những xác nhà là tiếng gầm của loài thú dữ bị quấy rầy lúc đang ăn. Tôi phải cuốn gói đi thôi. Đi thêm năm giờ đồng hồ nữa, tôi vẫn không tìm thấy nơi nào có nước, và không có dấu hiệu nào cho tôi hy vọng là sẽ tìm thấy được. Tất cả đều khô cằn, cùng loại cỏ cứng ngắc. Hình như đằng xa kia có hình bóng đen đen của người đang đứng. Tôi nghĩ đó chỉ là một thân cây lẻ loi.

 

Tôi tình cờ tiến bước về phía ấy. Đó là một người chăn cừu. Khoảng độ ba mươi con cừu đang nằm trên nền đất nóng hổi cạnh ông ta. Ông đưa bầu nước cho tôi uống rồi dẫn tôi đến chuồng cừu ở sườn đồi. Ông lấy nước từ một cái hố khá sâu, trên đó là một cái tời rất thô sơ. Ông ta nói rất ít, nhưng rất tự tin. Thật là điều hi hữu ở cái xứ xơ xác trống vắng này. Nhà của ông không phải là căn lều mà là một ngôi nhà thật sự bằng đá, và ta có thể thấy rõ việc ông đã làm là xây lại mọi thứ bên trên sự hoang tàn lúc ông vừa mới đặt chân đến. Mái nhà rất chắc và không thấm nước. Gió đập vào mái ngói như thể tiếng sóng trên bãi biển. Đồ đạc trong nhà rất ngăn nắp thứ tự, chén đĩa rửa dọn sạch sẽ, nền nhà quét sáng bóng, súng thì đã cho dầu mỡ đầy đủ, trên bếp lửa là nồi súp đang sôi; tôi cũng nhận thấy là ông đã cạo râu nhẵn nhụi, nút áo thì may khâu thật chắc chắn, áo quần được vá rất khéo đến nỗi không nhìn thấy chỗ vá. Ông mời tôi ăn súp cùng ông, và khi tôi đưa ông túi thuốc hút của mình thì ông bảo là ông không hút. Tất nhiên là tôi sẽ qua đêm ở đây, vì muốn đến ngôi làng gần nhất thì phải đi thêm ngày rưỡi nữa.

 

Có khoảng bốn hoặc năm ngôi làng rải rác, rất xa nhau trên các sườn đồi. Cư dân là những người tiều phu làm nghề đốt than củi. Nơi đây cuộc sống rất kham khổ. Ai cũng nung nấu ý định sẽ rời khỏi nơi chốn này.

 

Người chăn cừu không hút và đi lấy một cái túi nhỏ rồi đổ từ trong túi ra một mớ hạt sồi. Ông nhìn thật chăm chú vào từng hạt một, để hạt tốt và hạt xấu riêng ra. Tôi hút ống điếu. Tôi hỏi ông có muốn tôi giúp không, ông bảo đó là việc của ông. Thật đúng vậy: khi thấy ông chăm chú làm công việc đó, tôi cũng không nói thêm, và để ông làm. Khi ông đã chọn xong, lại chia ra mười hạt cho mỗi bọc nhỏ. Rồi lại xem cho kỹ lần nữa, và loại những hạt bị sứt một chút. Chỉ khi nào có được một trăm hạt hoàn hảo thì mới ngưng và chúng tôi đi ngủ. Được ở bên cạnh ông cho tôi cảm giác thật bình an. Tôi lại xin phép ông được ở lại thêm ngày mai nữa; ông cho đó là việc tự nhiên thôi, và tôi cảm thấy mình không hề làm phiền ông.

 

Không nhất thiết tôi phải ở lại thêm, nhưng tôi rất kinh ngạc và tò mò muốn hiểu thêm nữa. Sáng hôm sau, ông lùa đàn cừu đến bãi cỏ. Trước khi đi, ông mang bọc hạt sồi nhúng vào một chậu nước và mang theo một thanh cây sắt. Rồi để cho chú chó canh gác đàn cừu, ông bước lên đồi cao; tôi sợ rằng ông sẽ đến chỗ tôi đứng và trách sao tôi lại tò mò như thế, nhưng ông hỏi tôi có muốn đi cùng không nếu tôi không có dự định làm việc khác. Đến khoảng đồi mà ông đã dự tính trước, ông cắm cây sắt xuống, khoét một lỗ, rồi thả hạt sồi xuống, lấp đất lại. Tôi hỏi có phải vùng đất này là của ông không, ông bảo không, ông không biết của ai, có vẻ như là của cộng đồng, ông không quan tâm. Ông trồng một trăm hạt đó một cách thật là chăm chút.

 

Từ ba năm nay ông vẫn lủi thủi đi trồng cây như thế. Đã được một trăm ngàn cây, và hai mươi ngàn đã sống được. Trong số hai mươi ngàn đó, phải tính mất hết một nửa, do bọn gặm nhấm hoặc bất kỳ điều gì có thể xảy ra. Thế thì còn lại mười ngàn cây sẽ lớn lên ở khu đất mà trước đây trụi lủi không có lấy một cành cây nào.

 

Bây giờ tôi mới để ý đến tuổi tác của ông. Có lẽ ông đã ngoài năm mươi, năm mươi lăm, ông bảo. Tên ông là d’Elzéard Bouffier. Ông đã sở hữu một nông trại ở vùng đồng bằng. Ông đã có một cuộc sống đẹp, nhưng rồi cậu con trai duy nhất đã qua đời, rồi đến vợ ông. Ông lui vào sống cuộc đời yên lặng, cô độc với đàn cừu và chú chó. Ông thấy rằng cái xứ này sẽ chết khô vì thiếu cây cối, nên muốn cứu chữa tình thế. Phần tôi, vì cũng đang sống đơn độc cho dù tuổi đời còn non trẻ, nên rất nhạy bén với những tâm hồn lẻ loi. Tôi nói rằng trong ba mươi năm nữa, mười ngàn cây sồi  này sẽ rất tuyệt. Ông chỉ đơn giản trả lời rằng nếu như Trời cho ông sống thêm ba mươi năm nữa, ông sẽ trồng thêm vô số cây, nên mười ngàn cây này sẽ chỉ như giọt nước trong đại dương.

 

Năm sau đó, là trận giặc 1914, Thế chiến Thứ Nhất, và tôi đã gia nhập quân ngũ trong năm năm. Cuộc đời lính tráng khiến tôi không còn nghĩ đến cây cối nữa. Đúng ra tôi xem đó như là một kiểu sưu tập tem thư, và chuyện ấy đã đi vào quên lãng. Khi hết chiến tranh, có lúc tôi ước mong đi hít thở một chút không khí trong lành, và lại trở về nơi chốn hoang vu ngày trước. Vùng ấy vẫn không thay đổi. Nhưng nhìn từ xa tôi thấy như một đám sương mù thật dày bao trùm trên phần núi cao như một tấm thảm. Tối hôm trước, tôi đã nghĩ đến người chăn cừu, người-thợ-trồng-cây ấy: "Mười ngàn cây, thật là một khoảng không gian rộng lớn". Đã quá nhiều người ra đi mãi mãi trước mắt tôi trong vòng năm năm ấy nên tôi không lạ gì khi sẽ biết rằng ông d’Elzéard Bouffier cũng đã khuất núi, hơn nữa, khi mà ta hai mươi tuổi thì ta quan niệm rằng những người năm mươi chỉ là những ông già gần đất xa trời mà thôi.

 

Nhưng ông ta không chết, mà trái lại còn rất mạnh khỏe. Ông đã đổi nghề. Ông không còn sở hữu ba chục con cừu nữa, mà là cả trăm tổ ong. Ông chẳng quan tâm đến giặc giã. Ông vẫn điềm tĩnh tiếp tục công việc trồng cây. Những cây ông trồng vào năm 1910 giờ đây đã 10 tuổi và cao hơn ông và tôi.

 

Quang cảnh thật là ấn tượng. Trong năm năm, bao nhiêu cây sồi lá dài, cây sồi rừng đã cao ngang vai tôi, trải dài ngút ngàn thật là đẹp mắt. Và những khóm cây bu-lô (1) có vẻ như ngày càng lan nhanh ra, nhưng ông không cần để ý, ông chỉ đơn giản tiếp tục công việc của ông.

 

Rồi khi đi xuống bên dưới, tôi nhìn thấy nước chảy ra từ những mạch suối mà trước đó rất khô cằn. Đó là hiện tượng tuyệt vời nhất mà tôi từng được chứng kiến. Tôi có đề cập trước đây về những ngôi làng buồn thảm được xây trên những khu dân cư vào thời cổ xưa đế quốc Gô Loa La Mã mà các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu để biết rằng thuở đó dân làng phải sử dụng những bể chứa nước mưa để có nước dùng. Rồi gió cũng đưa một số loại hạt đi khắp nơi, và cùng với sự xuất hiện của nguồn nước, ta thấy nhan nhản nào là liễu rủ, liễu gió, đồng cỏ, vườn tược, hoa lá... Những sự thay đổi ấy diễn ra một cách thanh thản nên dân chúng xem như là đã hiện hữu như thế từ bao đời rồi và cũng không cảm thấy ngạc nhiên. Có những người thợ săn mãi chạy theo thỏ hoặc heo rừng cũng nhận thấy cây cối đã tăng lên nhưng họ cho rằng đó là những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Thế nên không một ai đụng đến kiệt tác của người đàn ông tuyệt vời ấy. Nếu họ tỏ ra nghi ngờ thì họ đã làm điều khiến ông phật lòng rồi. Có người nào trong các làng mạc, hoặc trong chính quyền có thể nghĩ đến một đức tính xuất phát từ lòng độ lượng tuyệt vời nhất trên đời ấy không nhỉ?

 

Kể từ năm 1920, tôi thường đến thăm d'Elzéard Bouffier. Tôi chưa bao giờ thấy ông chịu khuất phục hoặc hoài nghi điều gì. Ta có thể hiểu rằng để có được thành công vượt bực như thế, phải chiến thắng mọi thứ vì nỗi đam mê cuồng nhiệt, phải đấu tranh thật nhiều trước nỗi thất vọng. Ông đã trồng hơn mười ngàn cây thích, nhưng chúng đã chết sạch. Năm sau ông đổi sang trồng cây sồi rừng như trước. Ta cũng không nên quên rằng ông đã thực hiện mọi công việc trong một nỗi cô đơn tuyệt đối; tuyệt đối đến nỗi vào giai đoạn cuối đời ông đã mất hẳn thói quen nói chuyện. Hoặc là ông thấy không còn cần thiết để nói nữa?

 

Vào năm 1933, có một nhân viên kiểm lâm đến viếng ông. Anh viên chức này ra lệnh cho ông không được đốt lửa bên ngoài rừng, e rằng sẽ nguy hại đến sự lớn mạnh của khu rừng. Anh nhân viên ngây ngô ấy bảo rằng đây lần đầu tiên anh ta thấy một khu rừng tự nó phát triển cây cối. Vào thời điểm ấy, ông d'Elzéard đi trồng cây cách nhà ông mười hai cây số. Lúc đó ông đã bảy mươi lăm tuổi rồi, nên đã xây một nhà nhỏ bằng đá ngay nơi ông đang trồng trọt.

 

Năm 1935, một phái đoàn của chính quyền đến tham quan khu rừng thiên nhiên. Có cả nhân vật cao cấp của cơ quan Thủy lâm, đại biểu Quốc hội, và các chuyên gia. Họ thuyết trình toàn những lời vô ích. Họ quyết định làm nhiều việc, trong đó chỉ có một việc là có ích: khu rừng sẽ được Chính phủ bảo vệ, và cấm không được đến đốt than ở đó.

 

Tôi có người bạn làm đội trưởng của đám nhân viên Thủy lâm; tôi giải thích cho anh ta về bí mật của khu rừng, và chúng tôi đến thăm d'Elzéard. Anh bạn của tôi biết giá trị của sự việc và bảo ông ấy là một lực sĩ của Trời. Năm 1913, khu này chỉ là một bãi sa mạc. Giờ đây chúng tôi không thốt nên lời khi đứng ngắm toàn bộ cảnh vật. Một khu rừng dày đặc cây cao từ sáu đến bảy thước. Cuộc sống đạm bạc và sự thanh thản bình tâm đã mang lại cho ông cụ một sức khỏe siêu việt.

 

Toàn bộ công trình của ông cụ chỉ trải qua một đợt nguy cơ vào năm giặc giã 1939. Xe cộ chạy bằng ga (2) và dân chúng không đủ củi để dùng. Họ bắt đầu chặt cây sồi từ năm 1910, nhưng vùng đó nằm xa mạng lưới đường sá, nên không mang lại lợi nhuận, và họ đã bỏ dở. Ông già chăn cừu không hề hay biết điều gì. Ông sống cách đó ba mươi cây số, bình thản tiếp tục công việc của mình, không màng đến Thế Chiến thứ Nhì đang diễn ra cũng như trước đó đã không biết đến Thế Chiến Thứ Nhất.

 

Tôi gặp d'Elzéard Bouffier lần cuối vào tháng 6, 1945. Năm đó ông đã tám mươi bảy tuổi. Tôi đi xe đò, và đi ngang những ngôi làng mà tôi thấy rất lạ lẫm, phải nghe chính xác tên ngôi làng thì mới xác nhận đây là nơi tôi đã đến năm xưa; lúc đó chỉ có chừng mươi ngôi nhà, với điều kiện sống rất thảm hại, họ cứ ngày qua ngày lây lất như thế. Nhưng bây giờ mọi thứ đã đổi thay.

 

Những ngôi nhà khang trang mới mẻ, chung quanh là vườn rau trái sum suê, có cả muôn hoa đua nở, hải quỳ, mõm chó… Bây giờ nơi đây đã trở thành một nơi mà ai cũng muốn đến sinh sống.

Đi một đoạn nữa, thì đầy những nông trại với ruộng lúa mạch đen, đại mạch, những cánh đồng cỏ xanh mướt, những con suối với khu rừng sầm uất; qua những cơn mưa và tuyết đổ nay đã có nước róc rách chảy khắp nơi thật xinh đẹp. Và họ đã đào những con kênh dẫn nước đi khắp nơi. Người dân từ những vùng đồng bằng đắt đỏ đã đến đây lập nghiệp, và trên đường làng, đầy dẫy những cánh đàn ông tráng kiện và phụ nữ tươi cười, những đám trẻ xinh xắn khỏe mạnh, mọi người vui chơi trong những lễ hội đồng quê.

 

Nếu như ta so sánh dân số lúc xưa sống cơ cực bần hàn với ngày nay, thì hơn mười ngàn nhân mạng ở nơi đây phải cám ơn d'Elzéard Bouffier đã mang hạnh phúc vô biên đến cho họ. Tôi thầm nghĩ chỉ một con người đơn độc, sống với điều kiện về thể chất và tinh thần rất hạn chế, đã tự mình có thể làm mọc lên một miền Đất Hứa từ sa mạc khô cằn sỏi đá, là một bằng chứng về thân phận làm người thật đáng nể phục, thật diệu kỳ thay!

 

Nhưng khi xét đến phải cần bao sự kiên trì trong tâm hồn cao thượng và sự miệt mài say mê trong tính độ lượng để đạt được thành quả ấy, tôi cảm thấy kính trọng vô hạn người nông dân già nua không có văn hóa ấy, đã hoàn thành xuất sắc công trình vĩ đại mà chỉ có Thượng Đế mới thực hiện được.

 

Elzéard Bouffier đã về trời một cách bình thản năm 1947 ở dưỡng đường Banon.

 

Jean Giono

(Tháilan lược dịch)

 

Ghi chú:

 

(1) Loại cây mọc ở những vùng đất khô cằn, lạnh lẽo, lá nhỏ...

(2) Gazogène: đốt củi để chế biến thành ga.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
ngày trở lại em nhớ trăng cổ độ / giọt mưa chiều thấm áo mỏng lạnh vai / bến sông xưa còn ghi dấu miệt mài / hình ảnh cũ buồn như thơ sót lại...
Trong Stories to tell, Charles Williams viết: “Những hình chụp gia đình có thể xem như tài liệu văn hóa vì chúng ghi lại những sự kiện thành hình cuộc sống của gia đình.” Có nghĩa là một loại tiểu sử không có chữ nhưng có minh chứng về đời sống lúc tấm ảnh được ghi nhận. Nhưng, có lẽ, nhận xét này chỉ đúng trong một số nền văn hóa; ở một số khác, có khi ngược lại, vì ở quê tôi, khi chụp hình gia đình, thường được dàn dựng ở những nơi có hậu trường đẹp đẽ, giàu sang, nhưng không thuộc về mình, chỉ mượn chụp cho oai. Tôi vẫn còn tấm hình đứng bên cạnh chiếc xe thể thao “xì gà” màu xám bạc như phi thuyền của ông khách lạ. Nhiều bạn mới quen lé mắt vì tưởng tôi là chủ nhân chiếc xe đua. Người ta nói, một tấm hình có thể thay thế được cả ngàn chữ. Không biết những tấm hình ngày nay, nói thật hay nói nói dối?
Mùa hè năm nay, thời tiết Edmonton bỗng dưng “super hot” vì một tin tức “nóng, sốt, dẻo”: Đức Giáo Hoàng, Pope Francis ghé thăm Canada những ngày cuối tháng Bảy, và điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Edmonton bé nhỏ của tôi. Ngài sẽ làm duy nhất một thánh lễ ngoài trời tại The Commonwealth Stadium, nơi có sức chứa 65 ngàn người, hỏi sao hổng “hot”?
Tôi là út trong một gia đình có năm anh chị em. Năm tôi lên chín, cha qua đời. Năm ấy mẹ vừa bốn mươi sáu tuổi. Tôi quấn quít bên mẹ và người chị thứ ba nhiều nhất, kể cả những năm lên học trường huyện...
Trong lần về nước đầu tiên, năm 1996, tôi ở Hà Nội ba tuần, gặp gỡ khá nhiều người cầm bút ở đó, từ Dương Tường đến Trần Quốc Vượng, từ Hoàng Ngọc Hiến đến Đỗ Lai Thuý, từ Phong Lê đến Văn Tâm, từ Lê Đạt đến Dương Thu Hương, từ Trần Dần đến Hoàng Cầm, từ Nguyễn Huệ Chi đến Bảo Ninh. Nhưng có cảm giác thân nhất là hai người: Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Xuân Nguyên...
Một chị bạn mở cuộc thăm dò ý kiến những đôi uyên ương cao niên. Hỏi, trong túp lều tranh có bao nhiêu trái tim vàng xin ông Tơ bà Nguyệt xe thêm kiếp nữa...
Thú thật, tôi cũng là... khách khá thường xuyên nơi Tòa! Với đủ “tội danh”, đậu xe quá giờ, quẹo đường cấm, cầm phone texting trên xe, nhưng có lần nhớ mãi, là trong vòng hai tuần tôi có... ba giấy phạt cùng một địa điểm, chỉ là ngày giờ khác nhau...
Đừng bắt đĩa dầu hao từng dan díu phải xa anh / thiếu nó anh lụn bấc khô tim lấy gì để sáng / trẻ trai nữa đâu mà sóng / mưa xưa cào xước mặt khuya rồi...
Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất – Platon.
mặt trời lấm lem sau cuộc rượt đuổi / cơn ác mộng đứt nối chưa kết thúc / những vết máu còn tươi rói loang lỗ chỗ / trên chiếc áo khoác xám tro xếp gấp nhầu nhĩ / vật vờ dưới đám mây bất định treo trên đầu...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.