Hôm nay,  

Văn Cao, một tài năng bẩm sinh

12/08/202221:43:00(Xem: 2511)

Tạp luận văn học

van-cao

 

Một cung gió túi, mưa sầu

Bốn dây giỏ máu năm đầu ngón tay…

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

 

*

 

Ông là một người đặc biệt một bản năng thiên phú về âm nhạc. Nói về Văn Cao, đã nhiều người viết rồi. Tài năng bẩm sinh thiên phú của ông mênh mông quá. Có nói mãi cũng không bao giờ chán. Vậy thì ta hãy nghe chính tác giả hát:

 

Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ

Trầm trầm không gian mới rung thành thơ

Vương vất heo may hoa yến mong chờ

Ôi tiếng cầm ca, thu tới bao giờ…

 

Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang

Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan

Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng

Đây đó từng song he hé đợi đàn…    

 

Ông thố lộ cho chúng ta từ lúc mới có trời đất, là con tim thi sĩ và nhạc sĩ đã rung rung giai điệu và âm nhạc thành hình, rồi tình yêu nẩy sinh.

 

Nguyễn Văn Cao sinh năm 1923 xuất thân từ một gia đình thanh bạch ở Lạch Tray Hải Phòng. Có sách lại nói quê ông ở Nam Định. Văn Cao mồ côi cha rất sớm, mẹ và anh tần tảo nuôi ông ăn học. Học xong tiểu học và hai năm ở trường trung học Saint Charles, sau đó anh thất nghiệp ông phải rời ghế nhà trường.

 

Nhưng từ ngày còn đi học, ông đã thích hát và nổi tiếng hát rất hay. Người anh ông coi nhà máy bơm nước Hải Phòng, trong nhà chật chội Văn Cao phải kê tấm ván, một đầu trên máy phát điện, một đầu trên máy bơm nước để làm bàn học. Rồi lơ lửng trong không gian chật hẹp, đó lại là giang sơn riêng của ông những ngày thơ ấu. Văn Cao học bài, làm bài trên đó. Rồi nẩy sinh ý thơ, tập đàn, viết nhạc, ca hát với ve sầu cũng từ trên tấm phản treo đó.

 

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng,

Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc lối Đào Nguyên.

Kìa đường lên tiên,

Kìa nguồn hương duyên

Theo gió tiếng đàn xao xuyến.

Phím tơ lưu luyến

Mấy cung u huyền

Mấy cung trìu mến

Như nước reo mạn thuyền…

 

Người ta nói là ông thai nghén những Thiên Thai, Buồn Tàn Thu, Bến Xuân từ trong cái đu đưa, cái “passerelle romantique” đó từ những ngày rất trẻ, ở trên cái võng lơ lửng trời cho, ông sáng tác nhạc tình cảm, những Bến Xuân, Cung Đàn Xưa, Suối Mơ, Trương Chi Mỵ Nương… Nhẩy xuống đất là sáng tác của những Bắc Sơn, Chiến Sĩ Việt Nam, Không Quân Việt Nam, Hải Quân Việt Nam…Khi điên đảo say mê chiến thắng, ông là sáng tác của “Tiến Quân Ca” – bài hát chào cờ của cộng sản. Đeo vòng kim cô, ông đoạt giải Hồ Chí Minh năm 1996. Cũng như mọi người khác, Văn Cao nhằm thời thế, thế thời phải thế. Nhà nghèo, gặp lúc nước nhà rối ren, thực dân Pháp, cộng sản, phát xít giằng co tranh giành nắm giữ quyền thế.

 

Văn Cao nghỉ học sớm đi làm. Làm việc không bao lâu ông bỏ Hải Phòng lên Hà Nội, vì Hà Nội có cái nôi sinh hoạt của văn nghệ sĩ, thanh niên trước những cao trào yêu nước. Lên Hà Nội, ông gặp nhạc sĩ Phạm Duy, sung sướng như cá gặp nước. Ông thuê một căn gác nhỏ, vẽ tranh quảng cáo kiếm sống. Rồi sáng tác nhạc. Ở thời điểm này, tuổi trẻ tài cao phát huy rực rỡ, ông viết: Thu Cô Liêu, Suối Mơ, Bến Xuân, Đàn Chim Việt, Đêm Sơn Cước, Bắc Sơn…

 

Năm 1943, Văn Cao nổi tiếng, Đỗ Hữu Ích và phần lớn là Phạm Duy viết lời  và mang đi phổ biến trong đại chúng nhạc của Văn Cao. Năm 1945 nạn đói năm Ất Dậu xảy ra. Vùng ven biển Bắc Phần, Thái Bình-Nam Định-Hải Phòng người người bị chết đói quá nhiều. Lợi dụng hoàn cảnh Việt Minh mở chiến dịch tuyên tuyền hăng say, một người đồng hương của Văn Cao là Vũ Quý lên Hà Nội, tá túc ở nhà Văn Cao, lợi dụng lòng yêu nước bồng bột của Văn Cao đã kết nạp ông vào tổ chức cộng sản. Nhà Văn Cao để cho Vũ Quý dùng làm nơi hẹn hò và giảng dậy tư tưởng Marxisme-Léninisme cho các bạn trẻ.

 

Rồi Vũ Quý khuyên Văn Cao sáng tác “Tiến Quân Ca” . Ông viết nhạc và lời thành công đến nỗi được mời lên Việt Bắc khen thưởng và được phát cho một khẩu súng lục. Trở về Hà Nội, ông được Việt Minh giao công tác tổ chức và điều khiển đoàn thanh niên xung phong. Ở Việt Nam, khi đó Nhật đầu hàng, Đồng Minh và Đại Việt tổ chức cuộc biểu tình công chức ở Hà Nội, Việt Minh ra lệnh cho đoàn thanh niên xung phong cướp cuộc biểu tình của Đại Việt để biến thành cuộc biểu tình hoan hô Việt Minh (1).

 

Văn Cao từ chiến khu Việt Bắc về đang lên cơn sốt rét, ông phải giao súng lệnh và quyền điều khiển cho người khác.

 

“Tiến lên”, cùng tiến lên, nước non Việt Nam, luôn vững bền…

 

“Tiến lên” bị ốm, tiếng trong nam ta “bị bệnh”. Trời sinh ra con người có nhiều bản ngã. Cũng không có gì đáng trách, vì thời thế nó như vậy. Chúng ta khó có thể tưởng tượng, ăn cơm mới nói chuyện cũ, là Văn Cao một thi nhân lừng lẫy, tạo ra huyền thoại âm nhạc rung cảm mạnh mẽ là thế, ông từng dẫn dắt chúng ta tới đỉnh cao của tình yêu đằm thắm, đam mê và khổ đau của tuyệt vọng qua hai tác phẩm hoang đường, huyền thoại rất Việt Nam trong cổ tích là Thiên Thai và mối tình Trương Chi… Vậy mà đúng ngày 15-08-1945 khi cơn sốt rét ngã nước vừa lui trong giây lát, ông đứng dậy được, ông say sưa đứng ra đánh nhịp cho đoàn thanh niên xung phong hát Tiến Quân Ca ở nhà hát lớn Hà Nội, Việt Minh cướp chính quyền.

 

Ngày 30-04-1975 Việt Cộng lấn chiếm miền nam chúng tôi một số giáo chức lưu dụng đều phải tập hát bài “Giải Phóng Miền Nam” của Lưu Hữu Phước, nhưng một năm sau đó, khoảng tháng 05 năm 1976 thì bất ngờ giữa giờ dậy buổi sáng, chúng tôi phải ngưng làm việc, quy tụ về phòng giáo viên nghe chỉ thị mới, là lệnh thống nhất nam bắc và sau đó tập hát Tiến Quân Ca thay cho Giải Phóng Miền Nam.

 

Có một số câu chuyện khôi hài hay xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày, mà ngay lúc đó, mình chả có tâm trí nào để ý tới. Hôm đấy chúng tôi ngồi vào bàn học trò đang tập hát. Vẫn cô Xuân, giáo viên cũ dậy nhạc của trường, thay vì dạy học trò nay cô dạy cho các thầy. Cô Xuân vóc nhỏ mai gầy, nét mặt hiền hậu, tay nhịp nhàng lên xuống và tiếng hát vang vang. Chỉ tội khi Xuân lên cao giọng thì cổ họng lộ rõ cục bướu nhô lên thọp xuống.

 

…Tiến lên cùng tiến lên

Nước non Việt Nam

Luôn vững bền”

 

Tan buổi tập dượt, có người góp ý:

 

– Sao hôm nay Xuân hát hay thế! Xuân hát hay hơn “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng” nhiều!

 

Xuân cười bẽn lẽn rồi đề nghị ngay:

 

– Sáng mai, em có ý kiến mời chị Phương Lan lên điều khiển học trò chào cờ và hát bài quốc ca mới.

 

Có vài bạn giật mình. Làm sao mau lẹ vậy được? Phương Lan chồng đi vắng, con đông bốn đứa lau nhau, bận túi bụi, làm sao mà Phương Lan thích ứng ngay đầu hôm sớm mai này được. Nhưng không, mọi việc vẫn được sắp xếp đâu vào đó như in. Phương Lan bình tĩnh hơn bao giờ hết, và Phương Lan bảo là em đã từng đi tập bán quân sự ngày xưa trong hai mùa hè, em đã từng hô nghiêm, nghỉ khi tập thao diễn cơ bản với bạn bè. Em sẽ làm được, đừng có cười chi vội mà. Rồi các anh chị coi, em sẽ làm được. Sáng mai em cầm rượu cũ đổ vô bình mới. Chỉ cần các anh chị sẵn sàng “tuân lệnh em” và em sẽ cố gắng làm tốt để phe ta không mất mặt. Rồi xong ngay.

 

Thế là từ đó Tiến Quân Ca vang lên trong sân trường.

 

Văn Cao thành công. “Xuân” của chúng tôi thành công. Xuân thành công hơn nữa, không hề bất cập, là vài ba ngày sau, Xuân cáo ốm với ban giám hiệu, xin nghỉ một tuần lễ, Phương Lan có con mắc bệnh “đi ngoài”. Cả hai cô rủ nhau nghỉ trùng ngày, rồi hai đứa đi luôn, đi không hề trở lại. Rồi thỉnh thoảng, trong các buổi họp cuối tuần, chúng tôi lại thì thầm nhắc nhở: “Hai cái đứa con gái ông Văn Cao, chúng nó thành công quá!”

 

Trở lại với thời điểm năm 1945, Việt Minh lên nắm chính quyền. Văn Cao được cử vào ban thường vụ Hội Văn học Việt Nam, thanh thế ông lúc này lên đến tột bực. Ông soạn lại tất cả các bản nhạc đã viết và đưa cho nhà Rạng Đông phát hành. Do mối duyên văn nghệ đưa đẩy, con cô gái xinh đẹp của ông bà Rạng Đông và nhạc sĩ Văn Cao gặp nhau yêu nhau và muốn nên duyên chồng vợ. Văn Cao thành thân với con nhà tư sản, ôi chao, đảng can cũng không được, đảng cấm cũng không xong. Vì khi yêu, ông trở lại là Văn Cao nguyên thủy với Thiên Thai với Trương Chi Mỵ Nương…

 

Âm ba, thoáng rung cánh đào rơi

Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.

Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan

Quê hương dần xa lấp núi ngàn

Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền

Ai hát trên bờ đào Nguyên…

 

Vì cấm không được, cản không xong nên Văn Cao bị đảng bỏ rơi, bị đảng cự nự “là con người phản phúc hai mặt giả dối như con mèo, là tên phù thủy toan dùng âm binh để chọi nhau với đảng” (lời Xuân Diệu). Không Văn Cao không là phù thủy, điều khiển âm binh. Ông chỉ là một nhạc sĩ nguyên thủy, sống theo cảm hứng. Khi vừa lớn lên, hăng hái, lòng nhiệt thành với quê hương, ông thích đấu tranh, ông lăn mình cống hiến không mệt mỏi. Rồi khi trở về với tình yêu ông tự do luyến ái như mọi người không đảng phái, Trương Chi Mỵ Nương này là có thực giữa lòng Hà Nội đẹp như thơ và lộng lẫy như rừng Đào Nguyên, chứ không phải chuyện tình trong cổ tích huyền thoại.

 

Khi chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, hai vợ chồng ông tản cư lên Lào Vai, Tuyên Quang, rồi về mở hàng café ở Phố Yến, Vĩnh Yên. Đảng thấy Văn Cao mải mê di chuyển lần lần theo về miền xuôi, sợ có ngày chàng theo nàng về Hà Nội, nên đảng ra lệnh đòi Văn Cao lên Đại Từ. Ông hứa với vợ là chỉ đi công tác một hai tháng gì đó rồi về nhà. Khi lên Đại Từ (Thái Nguyên) ông sáng tác Trường Ca Sông Lô, được kết nạp vào đảng, được chọn cho đi học lớp cán bộ ưu tú. Sau khi học tập xong, ông được cử sang Mạc Tư Khoa, theo phái đoàn văn hóa Trần Huy Liệu thăm viếng Nga. Tại đây, năm 1952-1953, Văn Cao vinh hạnh gặp gỡ và trao đổi với nhạc sĩ Chostakovitch, nhạc sĩ số một của Liên Xô.

 

Ông là một nhạc sĩ vừa chính thức vừa nổi loạn. Văn Cao và Chostakovitch có nhiều điểm hao hao giống nhau, nguyên bản ghi chú về Dimitri Chostakovitch như sau: personnalité complexe et tourmentée, à la fois artiste officiel et rebelle, plus ou moins conformiste il a su retrouver, sur le tard, l’indépendance d’esprit et les audaces qui l’avaient rendu célèbre à vingt ans.

 

Nhìn nghiêng, ngoại hình hai nhạc sĩ cũng hao hao có nét giống nhau ít nhiều, dĩ nhiên, tây và ta thì không thể y hệt được. Nhưng kể như Văn Cao đi theo đảng, đảng tin tưởng và vô tình đẩy Văn Cao lại rất gần thần tượng của ông. Từ khi đi Liên Xô về, Văn Cao bắt đầu thất vọng đảng. Quê hương của cách mạng tháng mười đó, theo nhận xét của Dimiti và của Văn Cao, không phải là điểm hẹn của hoa hồng và của bánh mì, không phải là thiên đường vô sản, hoa hồng có đến mà bánh mì chưa đến kịp, quá trễ, quá đói!

 

Thời điểm ông trở về Việt Nam lại đúng lúc đảng đấu tố cải cách ruộng đất. Ông càng thất vọng hơn, đi một đàng học được một sàng khôn, Văn Cao không còn tin tưởng chủ nghĩa cộng sản. Năm 1956 ông tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Năm 1958 ông bị đi học tập lao động. Cũng từ đó ông không sáng tác nữa. Có ai hỏi, ông trả lời: “Nay đảng bảo phải, mai đảng bảo sai, ai biết đường nào mà sáng tác!”

 

Từ 1975-1980, ông chỉ còn thích dạo đàn dương cầm những bản nhạc ông yêu thích.

 

Suối mơ

Bên rừng thu vắng

Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng

Ngày chưa đi sao gió vương?

Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương…

 

Ông cũng chìm lặng lẽ dần dần vào tư tưởng yếm thế và uống rượu tiêu sầu. Tinh thần xuống cùng với tuổi già đè nặng. Ông uống rượu mỗi ngày nhiều hơn. Năm 1984, gặp một người bạn văn nghệ ở hải ngoại về thăm là một an ủi cho ông. Họ cùng đi dạo, nói chuyện âm nhạc và tâm sự đầy vơi. Nhưng cuối ngày thì nhất định phải đi uống rượu, phải có rượu thì cuộc hàn huyên mới ý nghĩa đậm đà, tư tưởng mới phong phú thoát tục hơn.

 

Có những lần đêm khuya về, người bạn văn nghệ dìu Văn Cao về căn gác cheo leo bằng xe đạp, Văn Cao se lạnh ôm chặt bạn cho ấm và có thể là cho khỏi té ngã. “Đường về đêm nay vắng tanh…” Ông kể đã vắng tanh, mà còn đen ngòm vì Hà Nội thiếu đèn, mất điện. Cả hai bạn loạng quạng khi lủi vào vỉa hè bên trái, khi va vào gốc cây bàng bên phải. Tối tăm cả mặt mũi.

 

“May thay độ đó tôi còn khỏe, chân tay còn cứng cáp, đỡ được ông nhiều lần, không thì nguy!” Anh bạn kể. Có lần, hối mãi Văn Cao mới chịu rời quán rượu ra về, sau khi đã cãi lộn, nói qua nói lại, xuýt ẩu đả với một đồng cảnh.” Coi vậy chớ khi Tarzan nổi giận cũng còn khỏe gớm, phải lôi kéo, vừa năn nỉ ỉ ôi mãi mới vực được chàng lên yên sau xe đạp, chả biết còn hung hăng được bao nhiêu ngày?

 

Về tới nhà thì cứ tưởng ông say ngủ, nào ngờ, hai giờ đêm, chàng tuyên bố là chàng tỉnh rồi. “Ông mệt cứ đi ngủ đi, ông bạn để tôi đàn để ông ngủ êm…” Rồi Văn Cao mở đàn ra, nhè nhẹ nâng niu se sẽ như nâng niu tình yêu thuở mới ra đời. Ông bắt đầu Buồn Tàn Thu.

 

Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến, em bẽ bàng

Ôi vừa thoáng nghe

Em mơ ngày bước chân chàng

Từ từ xa tìm đến

Đêm mùa thu chết

Nghe mùa đang tới

Rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo

Lòng buồn vương vấn

Em thương nhớ chàng…

 

Những nốt nhạc ngũ cung Việt Nam xúc động, thấm thẳng vào lòng đi thẳng vào tim, vỡ oà cảm xúc khi ông chuyển sang bài Bến Xuân réo rắt, lưu luyến cũng thiết tha:

 

Sương mênh mông che lấp kín non xanh

Ôi cánh buồn nâu còn trên lớp sóng xuân

Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca

Cánh nhạn vào mây thiết tha

Lưu luyến tình vừa qua…

 

Bạn thì lơ mơ ngủ, Văn Cao thì say sưa đàn, càng đàn càng hăng hái đam mê. Ngồi trước dương cầm, bây giờ ông không còn ủ rũ bèo nhèo, ông lanh lẹ và thanh thoát lướt mười ngón tay trên phím đàn huyền diệu. Có lúc ông đàn cả bằng hai cổ tay, hai cườm tay, rồi hai khuỷu tay. Ông dạo ca khúc Je t’attendrai  như kéo vỹ cầm, không lẽ ông chờ đợi ai đó nữa? Một sự đổi thay chăng? Rồi ông lại quay về    Buồn Tàn Thu, Thu Cô Liêu, Bến Xuân, Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi Mỵ Nương…

 

Ngoài song mưa như ai nức nở trên bao cung đàn

Còn nghe như ai nức nở và than

Trầm vút tiếng gió mưa

Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng

Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn

Về phương xa ai nức nở và than

Trầm với tiếng gió vương

Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa…

 

Đúng là “Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn…” Lúc anh bạn thức dậy, vươn vai thì Văn Cao cũng rời đàn ra ngồi cùng bạn, bạn cầm lấy tay Văn Cao xoa nắn vuốt ve và xúc động vô ngần khi chợt thấy mười ngón tay hao gầy của nhạc sĩ bị bầm, rươm rướm đỏ. Anh đi lấy và mang đến một ly nước. Văn Cao do dự. Rồi cũng uống hết từ từ dòng nước mát. Uống thôi, nước của Suối Mơ,  Bên Rừng Thu Vắng… Rồi ông lặng lẽ nằm dài ra ngủ, nhẹ nhàng như thần tiên, như bé bỏng khi còn trẻ ngày xưa.

 

Nguyễn Văn Cao, ông đó, ông là hiện thân mẫu người mà Milovan Djillas, cựu bí thư đảng cộng sản Nam Tư đã từng phát biểu: “20 tuổi mà không theo cộng sản, là không có trái tim 40 tuổi mà không bỏ cộng sản, là không có cái đầu.”

 

Văng vẳng đâu đó còn đưa lại một âm vang:

 

Đàn đêm thâu! Trách ai khinh nghèo quên nhau

Đôi lứa bên giang đầu

Người ra đi với cuộc phân ly

Đâu bóng thuyền Trương Chi…

 

Đâu bóng thuyền VĂN CAO?

 

Chúc Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.