Hôm nay,  

Người Cha tuyệt vời

19/06/202207:41:00(Xem: 1462)

Tạp ghi -- Ngày Của Cha

father-daughter 2

 

 

Công cha như núi Thái Sơn.

 

Người cha nào trên trái đất này đều thương con của mình, thương con hơn thương chính mình, và trong máu của người con có máu của người cha. Cha mẹ làm việc vất vả để nuôi con, cho con ăn học thành tài, lo cho con đầy đủ những gì con cần, vì thế những đứa trẻ được thương yêu, đùm bọc sẽ học nhanh hơn những đứa trẻ bản xứ.          

 

Học trung học, con cái vẫn ở nhà với cha mẹ, trong lúc học, học tận lực, không phải vừa làm vừa học, cho nên có những đứa trẻ thay vì học 4 năm lấy bằng cử nhân, các cháu chỉ học 3 năm, vì mỗi năm lấy nhiều tín chỉ hơn, học giỏi và được nhiều giải thưởng hơn. Các cháu chỉ học, không phải vừa học vừa làm như thế hệ thứ I chúng tôi vừa đến định cư ở Hoa Kỳ.

 

Những đứa trẻ người địa phương học xong trung học dọn ra khỏi nhà, vừa học vừa làm, mỗi tháng phải trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống thì làm sao lấy bằng cử nhân 3 năm được chứ?

 

Một cháu trai đến với chúng tôi, khuôn mặt cháu tươi vui, giọng nói của cháu reo vui như tiếng chim hót trong vườn buổi sáng. Cháu nói:

 

– Cô ơi, cháu có tin vui cho cô, cháu vừa được nhận vào đại học UC Irvine.

 

Tôi cũng reo vui, mừng rỡ vì đại học Irvine không phải ai cũng vào được.

 

– Cháu học làm sao mà vào được trường đại học này vậy?

 

– Cháu học hơn 4 chấm.

 

Tôi nói:

 

– Hơn 4 chấm cũng không vào được đại học Irvine đâu? Cháu phải làm gì nữa?

 

– Cháu làm việc xã hội, cháu tình nguyện làm việc trong các cuộc bầu cử.

 

Tôi không ngạc nhiên và nói:

 

– À, thì ra là thế.

 

Nhiều cháu con nhà nghèo thật nghèo, không đi học thêm vì cha mẹ đâu có tiền cho con ngoài giờ đi học thêm trường tư, nhưng các cháu tình nguyện làm việc cho các hội thiện nguyện hay những hội từ thiện quốc tế như YMCA, Rotary club, Young Life, Red Cross, Peace Corp, v.v… cũng giúp cho các em vào được những trường đại học danh tiếng.

 

Những cháu được bầu vào các chức vụ như chủ tịch sinh viên, tình nguyện vào làm biên tập viên của các nhật báo, phóng viên của các đài truyền hình, truyền thanh, v.v… là cơ hội lớn cho các cháu vào các trường đại học lớn. Người Việt Nam tị nạn có bao nhiêu người được chọn vào thực tập ở các tờ báo lớn hay đài truyền hình của Mỹ?

 

Những đứa trẻ thành công nhanh chóng nhờ sự giúp đỡ của gia đình nhất là cha mẹ. Cha mẹ đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con cái. Người cha thương con, nhịn ăn cho con ăn, người mẹ bế con trong vòng tay suốt đêm khi con đau ốm, ru con ngủ, dạy con học, sát cánh bên con trong các mùa thi, v.v… Ơn đức của cha mẹ đối với con cái vô cùng to lớn.

 

Vậy mà Ngày Của Mẹ thì tưng bừng, tiệc tùng tưng bừng, linh đình, hoa tươi tặng mẹ, v.v… Còn Ngày Của Cha thì sao? Ngày lễ của cha không được phong phú như ngày của mẹ. Hình như ngày của cha giản dị hơn ngày của mẹ nhiều. Người cha không cần bề ngoài hay sao?

 

Có những người cha nghiêm khắc, ít nói, âm thầm làm việc để nuôi con, nuôi gia đình. Người cha không nói nhiều và người cha cứng rắn. Sự cương quyết của người cha, sự hy sinh của người cha giúp cho người con lớn lên trong sự mạnh mẽ, quyết tâm làm việc gì thì phải thực hiện cho bằng được, công lao của người cha nuôi con, dạy bảo con cao như núi. Gương của cha để trong lòng của con đậm đà lắm. Cha tốt thì con tốt, cháu tốt.

 

Viết về cha, viết hoài, viết mãi, không bao giờ hết chuyện. Cha tôi hiền và ít nói. Có một điều đặc biệt ở cha tôi là đã hứa điều gì thì làm điều đó, suốt cuộc đời của ba tôi hình như không bao giờ thất hứa với ai điều gì. Ba tôi hứa giúp ai việc gì thì làm việc đó một cách tận tình. Vì ít nói, nghe nhiều nên ba tôi ít làm mất lòng người thân và bạn bè. Ba tôi giỏi võ nhưng khiêm tốn. Lúc tôi còn nhỏ, đêm đêm ba tôi dạy võ dưới ánh trăng. Tôi còn nhớ những đường quyền ba tôi đi vun vút, người nào trúng phải đường quyền của ba tôi thì toi mạng.

 

Ba tôi rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Ông bà nội tôi chết sớm, năm nào gần Tết, ba tôi đi giẫy mả (tảo mộ) cho ông bà nội tôi ở Bưng Cầu, tỉnh Bình Dương. Ba tôi thăm viếng, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần của ông bà nội tôi và thường đưa chúng tôi cùng đi thăm mộ ông bà. Ba tôi dạy: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn.”

 

Ba tôi thường kể chuyện về ông bà nội. Ông bà nội tôi thương ba tôi và chú tôi lắm. Ba tôi chỉ có 1 người em trai duy nhất là chú tôi. Ba tôi kể rằng khi tôi ra đời, tôi là con cả của ba má tôi nên được ông nội thương lắm. Ông nội thường ẵm tôi, hát cho tôi nghe những bài dân ca. Bà nội tôi mất sớm, khi tôi sinh ra đời chỉ còn ông nội. Ông bà ngoại tôi cũng qua đời sớm, nên tôi được các dì thương lắm.

 

Ba má tôi đều giống tính nhau, giúp gì được cho ai thì giúp tận tình không bao giờ từ chối, giúp thì giúp ngay không đợi ngày mai. Nhà của tôi có vườn rộng, cây trái xung quanh, tàn cây che phủ sân nhà, sân rộng để ba tôi dạy võ. Bây giờ mỗi lần đến Minh Đăng Quang Tịnh Xá ở thành phố Santa Ana, thấy các võ sinh đi những đường quyền nhanh như gió, tôi thấy hình ảnh của ba tôi hiện về trong những đường quyền thấp thoáng này.

 

Ba tôi là võ sư rất khiêm tốn, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không bao giờ nói về mình. Trong những võ sinh học với ba tôi có 2 trò là Mau và Khá, con ông xã Mô (ngày xưa gọi là ông xã, bây giờ là thị trưởng). Ba tôi thương 2 trò này vì họ học rất giỏi, học rất nhanh, có lòng nhân đạo, quảng đại, con nhà giàu nhưng rất khiêm tốn (thật ra tất cả những học trò võ đều có tánh khiêm tốn). Ba tôi nhất định không cho con gái học võ vì sợ sẽ không ai "rước". Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao cha mẹ cứ sợ con gái của mình không ai "rước". 

 

Ông bà mình thường nói “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là tội báo.” Nhưng có ai trên cõi đời này mà không mơ có một ngôi nhà để ở, có vợ, có con để buổi tối sau khi đi làm về có mái ấm gia đình, có ánh đèn thấp thoáng xa xa đợi mình trở về. Con là nợ nhưng vẫn thích có nợ, vợ là oan gia nhưng vẫn thích oan gia, ôi thói đời này là như thế?

 

Con gái thường theo cha. Ông bà mình thường nói con gái giống cha giàu ba họ, nhưng không hiểu tại sao tôi không giàu như truyền thuyết nhân gian nói. Không biết có đúng không, nhưng nếu con mà giống cha thì bên nội thương lắm, hãnh diện lắm. Nhiều người thường nghe người này khoe với bạn của mình:

 

– Anh chị thấy không, cháu nội của tôi giống ba của nó quá.

 

Cháu của mình không giống mình mà giống ông hàng xóm thì phiền lắm, buồn lắm.

 

Ba tôi có giọng nói hiền lành, ấm áp, nhưng mỗi lời nói của ba tôi là lệnh, con cháu răm rắp nghe theo, không ai dám cãi, chưa bao giờ tôi thấy ba tôi phẫn nộ hay lớn giọng với bất cứ người nào. Ba tôi bệnh nhưng không bao giờ rên. Chú tôi có 3 người con trai, còn ba má tôi có 4 con gái. Sau này, mẹ tôi đi chùa cầu khẩn mới được 1 con trai để nối dõi tông đường. Tôi là con cả nên được cưng lắm, chưa bao giờ tôi bị đòn, với lại tôi chạy rất nhanh, dù có bị đòn thì tôi cũng chạy nhanh không ai đuổi kịp.

 

Ba tôi không cho con gái học võ thì tôi nhất định phải học võ. Không học võ với ba tôi thì tôi đi học với võ sư khác. Võ đường tôi bái sư học võ là võ đường Aikido của giáo sư Đặng Thông Phong, du học ở Nhật về, mở võ đường ở đường Hiền Vương. Tôi học vào buổi sáng sớm, võ đường trên lầu, tôi rất say mê võ nghệ. Tôi học chuyên cần, sáng nào mặt trời còn ngủ thì tôi đã thức dậy đến võ đường, lạy sư tổ, bái sư phụ, sư huynh, sư tỉ rồi bắt đầu học võ. Những ngày đầu té ngã rầm rầm bầm mình, người ê ẩm như ai cầm búa bổ vào thân thể mình, nhưng dần dần quen. Về nhà, tôi dạy các cháu, con của người chị. Các cháu té ngã trên sàn gạch, anh chị không hề la tôi một tiếng. Các cháu rồi cũng say mê học võ, khỏi đến võ đường vì có tôi dạy cho các cháu. Nhà chị tôi có người làm, người làm cũng thích học võ, nhưng người làm mập quá, té ngã mấy cái đã bỏ cuộc. Các cháu nhỏ của tôi tiếp tục học Aikido, tôi học được bài học nào thì về dạy các cháu bài học đó.

 

Nói về ba tôi thì nói hoài không hết. Khi tôi ra tranh cử Dân Biểu của Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa thì ba tôi đi vận động cho tôi khắp nơi. Lúc đó tôi còn rất trẻ, vừa đủ tuổi để tranh cử vào Quốc Hội. Tôi thất cử, thua người thắng cử vài ngàn phiếu. Ba tôi không buồn dù ba tôi bỏ công sức vào việc vận động này rất nhiều. Ba tôi tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra mặc dù ba tôi tốn tiền, dốc sức đi vận động cho tôi, ba tôi đi cả ngày từ sáng đến chiều vận động cho tôi. Tôi được nhiều phiếu ở những đơn vị quân đội, trại gia binh, chùa và nhà thờ. Tôi được phiếu ở nhà thờ, vì mẹ tôi buôn bán làm ăn với những người ở nhà thờ, ai cần gì thì má tôi giúp đỡ họ. Ba má tôi thường làm việc xã hội, có lẽ tôi lớn lên trong gia đình thích làm việc xã hội, có dòng máu di truyền làm việc xã hội. Nhà của tôi rất sùng đạo Phật nhưng không phân biệt tôn giáo, ba má tôi thường nói tôn giáo nào cũng tốt, vị lãnh đạo tinh thần nào cũng dạy những điều tốt lành. Niềm tin mãnh liệt về sự mầu nhiệm tôn giáo trong gia đình của chúng tôi, bên nội cũng như bên ngoại.

 

Có niềm tin tôn giáo, cuộc sống hạnh phúc hơn. Ba mẹ tôi sùng đạo, chúng tôi nhìn việc làm của ba mẹ chúng tôi mà noi theo, giúp người nào được thì giúp, giúp một cách chân tình. Cậu tôi mất sớm, mẹ tôi đem cháu về nuôi, cho ăn học, tới khi lập gia đình, ba mẹ tôi lo cưới gả các anh chị yên bề gia thất. 

 

Ba tôi mất lúc tôi ở Mỹ, nhìn hình ảnh từng đoàn người đi đưa đám tang, tôi xúc động vô cùng. Bà con đưa đám tang ba tôi rất đông, 6 con chó chạy theo quan tài của ba tôi. Ba tôi rất thương chó, chó rất thông minh. Tôi nghe người nhà kể lại rằng sau khi mọi người đưa đám tang ra về hết, mấy con chó vẫn còn ở lại mộ của ba tôi. 6 con chó nằm cạnh mộ của ba tôi mấy ngày rồi trở về nhà. Tôi cũng thấy lạ, nếu đi theo quan tài, theo đoàn người đưa tang thì chó biết đường mà đi, nhưng tại sao mấy hôm sau chó lại biết đường về nhà? Tôi nghe chuyện chó có tình nghĩa rất cảm động. 

 

Ngày xưa, ông nội tôi có nuôi một người thiểu số đến từ cao nguyên Trung phần. Sau đó, ông nội tôi mất, người này làm một cái chòi nhỏ ở trong nghĩa trang gần bìa rừng, ở đó báo hiếu ông nội tôi 3 năm, rồi trở lại miền Thượng.

 

Ở đời này mình làm gì cho người khác thì khi hữu sự sẽ có người khác giúp lại mình. Ba tôi có lòng quảng đại và được mọi người thương mến. Ba tôi thương con cháu và tất cả mọi người xung quanh. Hằng năm, ba tôi về làng Bưng Cầu, tỉnh Bình Dương giẫy mả cho ông cố tôi. Ở đó còn nhà thờ tổ, nhiều đời, ông tổ của ba tôi từ miền Trung vào, lấy vợ Nam rồi ở luôn miền Nam lập nghiệp. Thật ra cháu của ba tôi hàng trăm người ở làng Bưng Cầu, đâu cần ba tôi về giẫy mả cho ông bà vào những ngày Tết. Thường mỗi năm, con cháu ở đó làm việc này, nhưng tất cả các con cháu đều về tề tựu trong những ngày trước Tết. 

 

Sau này, tôi trở về, tôi cũng thăm nhà thờ Tổ. Nhà thờ Tổ khang trang, nhiều tượng trước nhà, mộ sau vườn, 5 căn nhà cùng một dãy, từ xa lộ trở vào. Nhà thờ Tổ không ai ở nhưng lúc nào cũng bóng loáng, không một hạt bụi. Trên bàn thờ có bài vị từ đời thứ nhất đến đời thứ năm. Tôi thuộc đời thứ sáu. Bác tôi viết gia phả từ đời thứ nhất, từ 3 anh em ông Tổ của chúng tôi từ miền Trung theo vua Quang Trung vào Nam, cho tới đời sau này.

 

Ba má tôi thường dạy chúng tôi giúp ai được gì thì nên giúp ngay, hứa điều gì thì phải làm điều đó. Má tôi dạy con gái đừng nhờ người ta nhiều quá. Thiếu nợ người khác nhiều quá, kiếp sau người ta làm Hoàng Tử, còn mình làm tỳ nữ, suốt đời cứ hầu trà, hầu nước, không dám ngước mặt lên nhìn ông chủ.

 

Lúc nghe mẹ tôi nói, tôi cười trong bụng và tự nhủ với lòng nếu sinh ra làm tỳ nữ thôi đừng sinh ra đời cho xong. Thuộc lòng những điều cha mẹ dạy bảo sao tôi cứ nhờ người này việc này, nhờ người kia việc kia, lạ thật? Tôi thích quen người giỏi để học những điều hay của người đó, tôi nhờ ai việc gì tôi nhờ thiệt tình, quen người nào có kiến thức uyên thâm, tôi như bắt được vàng, nhờ và nhờ mãi, nhờ cho hết kiếp này.

 

Nói về ba tôi, nói hoài không hết, cho nên gặp người có tính giống ba tôi, tôi ngưỡng mộ và kính nể vô cùng. Tôi cũng nhờ nhiều người làm nhiều việc hữu ích cho cộng đồng nhưng cũng xin Thượng Đế kiếp sau đừng bắt tôi trả nợ.

 

Ba tôi qua đời lúc 55 tuổi nhưng tôi cứ tưởng ba tôi vẫn còn hiện diện nơi đây, quanh quẩn bên tôi. Hình ảnh đẹp nhất của ba tôi là một người hiền lành, có tấm lòng quảng đại, hạnh phúc trong việc giúp người khác, dù một việc rất nhỏ. Quen người nào có tính tình giống ba tôi, tôi rất kính mến và trang trọng như một đặc ân của Thượng Đế.

 

Hạnh phúc thay cho những người còn ông bà, cha mẹ, hạnh phúc cho những người nào tổ chức tiệc ngày của cha, ngày của mẹ. Người nào không còn ông bà, cha mẹ thì những ngày lễ của Mẹ, của Cha nên cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ mình ở cõi vĩnh hằng.

 

Kiều Mỹ Duyên

(Orange County, 13/6/2022)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.