Hôm nay,  

Nhật Trường Trần Thiện Thanh: Yêu lính, lính yêu

12/06/202218:28:00(Xem: 3145)

Đoản văn vui

nhattruong
Nhật Trường Trần Thiện Thanh.

 

Sau 1975 gia đình tôi còn giữ lại được một số tờ nhạc rời của Phạm Duy, Trần Thiện Thanh và vài cassette tapes tiếng hát Thái Thanh, Nhật Trường. Bà chị Cả của tôi, chồng đi học “cải tạo”, chị tập tành học đờn guitare, tối tối đem bài nhạc Từ Đó Em Buồn của Trần Thiện Thanh ra gảy, tôi nằm kế bên cũng nẫu ruột theo. Nhưng tôi bắt đầu mê nhạc Nhật Trường do chính tác giả ca. Chỉ mười mấy tuổi đầu, tim tôi đã biết rung động vì giọng hát điệu đà, ngọt ngào đầy quyến rũ này từ các bài hát nhà tôi có được hồi ấy: Chuyện Tình Mộng Thường, Chuyến Đi Về Sáng, Chuyện Hẹn Hò… Nếu có cuộc bình chọn, tôi sẽ vote Nhật Trường là ca nhạc sĩ “điệu chảy nước” nhất của Miền Nam VNCH. Nhỏ bạn hay nói với tôi:

 

– Tao thấy nhà ngươi đâu có điệu mà sao toàn mê giọng hát “điệu hết cỡ” như Thái Thanh, Nhật Trường vậy cà?!

 

– Thì luật bù trừ đó thôi!

 

Nói tới Trần Thiện Thanh-Nhật Trường, nói Yêu Lính-Lính Yêu là vẫn chưa đủ, vì đúng là Nhật Trường yêu lính, vì đã từng là lính, còn lính yêu Nhật Trường là chuyện đương nhiên, nhưng còn có cả hàng triệu khán thính giả khắp nơi yêu Nhật Trường vì những bài hát của ông.

 

Tôi sẽ không viết những điều ai cũng biết về Trần Thiện Thanh, mà chỉ xin kể lại những kỷ niệm của riêng tôi với chàng ca nhạc sĩ lắm tài nhiều tình này.

 

Nói “kỷ niệm” cho… oai chút thôi, chớ nếu ai ở dưới suối vàng hỏi Nhật Trường có biết tôi không thì sẽ có câu trả lời rằng “con nhỏ Kim Loan đó là ai, đừng có mà thấy sang bắt quàng làm họ!” bởi vì đây chỉ là “kỷ niệm” của riêng một mình tôi mà thôi, (sao giống… tình đơn phương quá!).

 

Khoảng đầu thập niên 80, các đoàn kịch nói Kim Cương (của kịch sĩ Kim Cương), đoàn Bông Hồng (của Thẩm Thuý Hằng), thỉnh thoảng về trình diễn gần nhà là tôi đi xem, có khi một vở xem vài lần. Trước giờ diễn kịch là phần ca nhạc ngắn gọn, bữa đó, tôi sung sướng đến bất ngờ vì có bài song ca “Con Kinh Ta Đào” do Nhật Trường-Kim Dung trình bày. Trời ơi, xưa nay chỉ được nhìn hình trên tờ giấy nhạc và nghe giọng ca mượt mà mỗi đêm, bây giờ mới được gặp chàng bằng xương bằng thịt, chỉ tiếc là khoảng cách quá xa, người trên sân khấu rực rỡ ánh đèn với tấm màn nhung, còn tôi dưới hàng ghế khán giả (hạng cá kèo), có khác gì nghìn trùng xa cách như mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư: Em ngồi bên song cửa /Anh đứng tựa tường hoa /Nhìn nhau mà lệ ứa/ Có nói cũng không cùng…

 

Hình như anh chàng soát vé, lúc ấy cũng ngồi ở cuối rạp, gần chỗ tôi và cô bạn, hiểu được “nỗi lòng thầm kín” của tôi, bèn mách bảo:

 

– Chút nữa hết giờ ca nhạc là phần giải lao chờ xem kịch, mấy cô chạy ra cửa bên hông rạp, sẽ thấy mấy ca sĩ ra về, tha hồ mà xin chữ ký. Tui mở cửa cho, đừng lo!

 

Nhưng xui xẻo thay, mặc dù có sự hậu thuẫn đắc lực của anh soát vé, chúng tôi chạy thật nhanh ra bên hông rạp, chỉ có vài ca sĩ cuối cùng bước ra cửa, còn Nhật Trường đã đi về từ lâu.

 

Chuyện đến đó là hết, đi vào dĩ vãng theo đời bận rộn.

 

Vài năm sau, tôi trở thành thiếu nữ, trong một lần đi xem ca nhạc ngoài trời ở Câu Lạc Bộ Lao Động ngoài Sài Gòn, tôi lại được tái ngộ Nhật Trường khi chàng trên sân khấu solo bài hát “Cho Anh Xin Số Nhà”. Bài này đúng sở trường “điệu hết cỡ thợ mộc, lẳng lơ, lả lướt” của chàng, vừa nhún nhảy vừa nháy mắt cười duyên với khán giả. Nhỏ bạn thân, người luôn tháp tùng tôi mọi nơi để đền đáp công ơn tôi luôn sẵn sàng theo nó đi xem bói mỗi khi nó thất tình, nói với tôi rằng:

 

– Vậy là mày… có duyên với “người ấy” rồi đó! Còn ngại gì mà không lên bày tỏ niềm thương nỗi nhớ, nhất là sau lần… hụt mấy năm trước?

 

– Mày cứ làm như tao sắp… tỏ tình với người trong mộng. “Người ấy” đáng tuổi chú tao.

 

– Tuổi tác nghĩa lý gì, tình không biên giới.

 

– Tao chỉ mến mộ tài năng, chứ chả dám cảm… người, mấy ông nhạc sĩ thi sĩ đa tình lắm, nhứt là ông này, chớ rước sầu khổ vào thân!

 

(Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình cũng nói được một câu… sáng suốt. Ngay như nhạc sĩ Lam Phương, ai cũng bảo chàng Miền Nam hiền lành, dễ thương, nhưng số “sát gái” thì đếm không xuể.)

 

Nhỏ bạn lại sốt sắng:

 

– Nhà ngươi chờ đây, tao chạy đi kiếm cách để gặp ổng.

 

Nó chạy đi chưa thấy quay lại thì trên kia Nhật Trường đã kết thúc phần trình diễn bằng câu hát dẻo quẹo, nhưng đủ sắc “dao vết ngọt đâm” vào trái tim các nữ hâm mộ: “Cho anh xin số nhà và cho anh biết tên đường, và… và… và… (ngừng lại đảo mắt một vòng khán giả để cho những trái tim đàn bà con gái dưới sân khấu trong đó có tôi ngất ngây… tan chảy, chàng mới từ từ quăng nốt câu cuối thật đắm đuối)… làm ơn cho anh… biết tên… em luôn”. Vừa hát vừa phăng, chàng ỷ mình viết nhạc giỏi, hát hay, đẹp trai nên với tâm hồn nghệ sĩ, theo cách nói của giới trẻ ngày nay, thì “thả thính và bắn tim” là nghề của chàng!

 

Một lần nữa, chuyện cũng đi vào dĩ vãng, cho đến nhiều năm sau, khi tôi qua định cư ở Canada, rồi lần đầu tiên được đến California. Tôi dành một buổi để đi đến nhà sách và các cửa hàng bán băng nhạc. Hữu duyên thiên lý, trời xui đất khiến, tôi đến ngay một strip mall có một bảng hiệu đập vào mắt tôi: “Trung Tâm Băng Nhạc Nhật Trường”. Tôi liền bước vào, lại bất ngờ sững sờ, vì trong tiệm “vắng tanh Chùa bà Đanh” chẳng có ai, ngoài ông chủ tiệm Nhật Trường và tôi. Giây phút “chỉ có đôi ta” làm tôi thật sự bối rối, bao nhiêu cảm nghĩ của những lần trước, giờ bỗng tan biến, dù khoảng cách không còn “xa vời vợi” như trên sân khấu, mà chỉ ngăn cách bởi tủ kính đựng CDs, tôi vẫn không thể mở miệng nói nên lời. Lúc ấy chưa có iPhone để tôi… đỡ thừa thãi tay chân, xin chụp vài tấm “selfie” với thần tượng. Thật ra, chúng tôi có mang theo máy chụp hình nhưng chồng tôi đang giữ nó, lại đang ở tiệm cắt tóc cách đó một block đường. (Tôi vẫn chưa hỏi tội chồng tôi, tại sao đi từ Canada qua Cali để… cắt tóc!) Thấy tôi lúng túng, Nhật Trường mỉm cười thân thiện, rồi châm điếu thuốc nhìn mông lung ra ngoài cửa, chắc là để tôi tự do thoải mái chọn băng nhạc. Chu choa, nhìn chàng thả khói thuốc y như bài thơ của Hồ Dzếnh tôi xin sửa lại cho hợp cảnh của chúng tôi: “Em cứ ngại, thôi em đừng… nói nhé/ Để một mình anh hút thuốc vu vơ/ Ngó trên tay điếu thuốc cứ vơi dần/ Anh khẽ bảo, gớm… sao mà lựa nhạc lâu thế!?”

 

Vậy mà vẫn chẳng có thêm người khách nào vào tiệm. Xót xa cho tiệm của chàng ế ẩm, tôi ước gì mình là “đại gia” để mua tất cả CDs trong tiệm. Tôi vội vàng quơ hai dĩa Tiếng Hát Nhật Trường, mở bóp trả tiền cho chàng mà tay tôi còn run run, chẳng thốt được câu ái mộ nào cho đẹp lòng chủ tiệm.

 

Vậy đó, ba lần “gặp gỡ” của những ngày son trẻ thật đẹp. Giá mà tôi giống như các “fan cuồng” khác, gặp thần tượng là rú lên, gọi tên, sấn tới ôm vai bá cổ xin chụp hình, bất chấp xung quanh, thì giờ đây cũng có một vài tấm hình kỷ niệm.

 

Tôi xin kết thúc bài viết bằng lời cám ơn đến hương hồn Ca Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh Nhật Trường, nhân ngày Quân Lực VNCH, đã để lại cho đời và lớp con cháu, những hình ảnh sống mãi của chiến sĩ VNCH: kiêu hùng, lãng mạn nhưng không bi luỵ qua các bài nhạc bất hủ: Anh Không Chết Đâu Anh, Rừng Lá Thấp, Biển Mặn, Tạ Từ Trong Đêm, Mùa Xuân Lá Khô…

 

Vâng, nếu Miền Nam không bị “giải phóng” thì có thể tôi đã là Người Yêu Của Lính nhưng chắc chắn không phải là chàng lính Nhật Trường. Chàng tài hoa này chỉ là “chàng thơ” trong mộng của tôi mà thôi.

 

Kim Loan

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.