Hôm nay,  

Kế hoạch hành quân Hạ Lào 1971 giữa Hoa Kỳ và QLVNCH

05/06/202221:37:00(Xem: 2533)

Tìm hiểu lịch sử

dv 1


Phần trình bày sau dựa vào tài liệu của Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống Nixon, bao gồm biên bản các cuộc họp tại Washington và Sài Gòn, các điện văn qua lại giữa Hoa  Kỳ và Việt Nam liên quan đến tiêu đề  được  Văn Khố Quốc gia Hoa Kỳ (NARA) giải mật , và được phổ biến trên thư viện của Bộ Ngoại Giao.


 Tướng Haig  đến Sài Gòn bàn thảo kế hoạch  hành quân chung


Sài Gòn, ngày 15 tháng 12 năm 1970 - Điện văn của Tướng Haig gửi Tiến sĩ Kissinger  -  Tôi đã hoàn thành các cuộc thảo luận chi tiết với Tướng Abrams (Tư Lệnh QĐ Mỹ tại Việt Nam từ tháng 12/1968 đến tháng 11/1972) ̣và Đại sứ Bunker về khái niệm hoạt động quân sự ba giai đoạn đã thảo luận với ông  trước khi khởi hành đến Việt Nam. Tôi cũng đã thảo luận với Đại sứ Bunker về sáng kiến chính trị mà chúng tôi sẽ thảo luận với Thiệu vào thứ Năm ngày 17 tháng 12 tới đây. Tướng Abrams  nói với tôi rằng ông ta đã thảo luận từng giai đoạn với Tướng Viên, ông ta sẽ từ từ trình bày sáng kiến này  với Tổng thống Thiệu. Đại sứ Bunker cũng hoàn toàn tán thành và hết lòng đồng tình về lối làm việc này.


Tướng Abrams sáng nay đã xem xét một số đề xuất không kích nhằm vào miền Bắc Việt Nam. Ông ta phải chịu áp lực lớn từ phía Đô đốc McCain (Tổng tư lệnh QĐ Mỹ Thái Bình Dương) trong việc phát triển  kế hoạch này.  Tướng Abrams có phần nghi ngờ về các hoạt động ở phía Bắc Việt Nam vốn phải phụ thuộc vào tin tức tình báo thường  bị  chậm trễ khoảng 45 ngày. Vì lý do này, đề xuất của ông có thể sẽ dựa vào các cuộc đột kích của Hải quân. Tôi nói chuyện với Đô đốc McCain và đề nghị rằng về  chương trình đột kích nên được tiến hành cùng  thời điểm với các hoạt động ở Lào vào tháng Hai.


• Tất cả  đều tán thành Tchepone là khu vực mục tiêu quyết định ở Lào


Tướng Abrams vừa gửi đến  một đề nghị đã  có sự thỏa thuận phối hợp  với Tổng thống Thiệu và Tướng Viên, và khi tiến hành cuộc hành quân phần lớn do sáng kiến của Việt Nam, mà ông ta  coi là có khả năng quyết định. Tóm lại, kế hoạch  sẽ bao gồm một lực lượng QLVNCH gồm hai sư đoàn di chuyển về hướng Tây qua Đường 9 đến Tchepone. Tướng Abrams, Tổng thống Thiệu và Tướng Viên đều cảm thấy  rằng Tchepone là khu vực mục tiêu quyết định ở Lào, nơi khả năng cao sẽ mang lại nhiều kết quả . Tướng Abrams đã coi cả hoạt động về hướng  Đường 19 vốn được Tướng Westmoreland chú ý và ông đã bác bỏ  vì hiệu quả không đáng kể.  Tướng Abrams tin chắc rằng Tchepone là trung tâm tồn trữ vật liệu  quan trọng của Cộng quân , nơi cung cấp hỗ trợ chiến cụ  không chỉ cho Campuchia và miền Nam Việt Nam, mà còn cho cả Lào, Quân đoàn I và II. Cho nên tất cả các bên ở đây đều tán thành về cuộc hành quân này.


• Ngày 8 tháng 12, McCain ủy quyền cho Abrams khởi sự  lập kế hoạch với Tướng Viên.


Phần chú thích cuối điện văn - Trong thông điệp  của Bộ Chỉ huy Hỗ trợ Quân sự Hoa Kỳ, tại Việt Nam (COMUSMACV #15808)  gửi McCain, ngày 12 tháng 12, Abrams vạch ra kế hoạch cho một cuộc hành quân chung giữa Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam tiến vào Lào "để cắt đứt đường tiếp vận của đối phương và  tiêu diệt tối đa lực lượng và kho dự trữ của đối phương." Vào ngày 10 tháng 11, McCain gửi cho ông một bản phác thảo kế hoạch về một cuộc hành quân như vậy và vào ngày 6 tháng 12, ông đã yêu cầu cần bắt đầu lập kế hoạch cho một “cuộc hành quân lớn của QLVNCH vào đất Lào, với sự yểm trợ tối đa của không quân Hoa Kỳ.” Vào ngày 8 tháng 12, McCain ủy quyền cho Abrams khởi sự  lập kế hoạch với Tướng Viên.  McCain thông báo cho Moorer (Chủ tịch Hội đồng Tham Mưu Liên quân) về kế hoạch qua thông điệp của Tổng tư lệnh, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ (CINCPAC 150236Z), ngày 15 tháng 12, xác nhận rằng ông đã yêu cầu Abrams phát triển  và ông ta  đã hết lòng chấp thuận kế hoạch. [1]

 

 Tướng Haig  họp với  TT Thiệu, Đại sứ Bunker


Ngày 17.12.1970 - Tóm lược theo bản văn của Tòa Bạch Ốc, do NARA giải mật và   lưu trên thư viện BNG - Tướng Haig nói với Tổng thống Thiệu rằng  ông ta muốn giải thích về mục đích của chuyến thăm Campuchia và miền Nam Việt Nam và quan trọng nhất là  mang theo thông điệp của Tổng thống Nixon gửi đến Tổng thống Thiệu.  Nhưng trước hết  là  chuyển tới Tổng thống Thiệu, lời chào thân ái của Tổng thống Nixon và bày tỏ lòng ngưỡng mộ về  sự lãnh đạo sáng suốt và hiệu quả mà Tổng thống Thiệu đã dành cho nhân dân Việt Nam vào thời điểm quan trọng này. Hơn nữa, Tổng thống Nixon mong muốn Tổng thống Thiệu tiếp tục ủng hộ trong nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu chung của chúng ta. "..."


 • Về tình hình  Campuchia


Tướng Haig  chia sẻ nhận xét chung  của nhóm ông về Tướng Lon Nol và bộ chỉ huy cao cấp của ông ta hiện thiếu thông tin tình báo nhạy bén về thời gian và về tình hình quân sự ở các khu vực xa xôi. Ông tuyên bố rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bao gồm cả việc sử dụng tài sản của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam để giúp Chế độ Khmer tại các  khu vực quan trọng. Những quyết định được đưa ra bởi Tướng Lon Nol thường dựa trên thông tin tình báo lỗi thời hoặc tin đồn không chính xác.  Tướng Haig đã thảo luận với Tổng thống Thiệu một số vấn đề vào mùa Xuân năm ngoái vẫn còn tồn tại. Khi ở Phnom Penh, ông ta được nghe những lời tham phiền về hành vi thiếu suy nghĩ của phía quân đội VNCH.  Tướng Haig thông báo với Tổng thống Thiệu rằng vào hôm Chủ nhật,  Tướng Lon Nol đã gọi điện cho báo chí Campuchia để chỉ thị họ tránh đưa tin phóng đại về vấn đề này. Tướng Haig nói thêm, Lon Nol đã nói với ông rằng điều rất quan trọng là ông phải tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực và nhanh chóng từ phía Quân đội Nam Việt Nam.


Tướng Haig kết luận rằng quân đội Campuchia rất yếu, thiếu hỏa lực và thông tin liên lạc, và quan trọng nhất là thiếu lãnh đạo có kinh nghiệm ở cấp đại đội và cấp tiểu đoàn. Mặc dù sự tận tụy và lòng quyết tâm là những yếu tố quan trọng, nhưng một mình họ không thể đánh bại một kẻ thù dày dạn kinh nghiệm và gian xảo. Do đó, tất cả các thành viên trong nhóm của ông đều cho rằng trong thời gian tới Campuchia phải có sự giúp đỡ đáng kể của cả Hoa Kỳ và Nam Việt Nam.


• Về tình hình Nam Việt Nam


Sau đó, Tướng Haig bàn về tình hình ở miền Nam Việt Nam.  Tất cả đều thấy rõ rằng các hoạt động ở Campuchia đã mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam, đặc biệt là trong khu vực Quân đoàn III và IV. Cũng có thể thấy rõ rằng việc ngăn chặn kẻ thù  muốn khôi phục các sào huyệt trước đây ở Campuchia là một yếu tố then chốt trong tiến trình mà miền Nam Việt Nam  thực hiện trong việc cải thiện an ninh tại  các vùng chiến thuật thuộc  miền Nam. Tướng Haig nói rằng nhóm  của ông đã được khích lệ bởi kết quả rõ ràng của việc  cải thiện các lực lượng Địa Phương quân, Nghĩa quân và Nhân Dân Tự vệ, tại  những khu vực mà nhóm đến thăm. Sự cải thiện này là yếu tố chính cho phép các lực lượng chủ lực của QLVNCH tiến hành các trận tấn công vào các  căn cứ địch quân trú ẩn  ở miền Nam Việt Nam và cả ở Campuchia. Tướng Haig nói rằng thành tích của QLVNCH đặc biệt đáng khích lệ trong khu vực Kampong Cham đã tạo nên một kỳ tích chuyên nghiệp  và là một thành quả  quan trọng.


Tướng Haig nhớ lại rằng vào mùa Xuân năm ngoái, ông đã yêu cầu Tổng thống Thiệu tiếp tục nỗ lực để nâng cao phẩm chất của giới lãnh đạo QLVNCH. Ông vui mừng ghi nhận rằng họ đã đạt được nhiều tiến bộ lớn.  Tại những nơi nhóm đi qua, đã chứng kiến  và nghe nói về kỹ năng và sự tận tụy của các  lãnh đạo quân đoàn và chỉ huy sư đoàn QLVNCH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ nhỏ về  chất lượng cần ðýợc cải thiện, nhưng nhìn chung, nhóm nghiên cứu giờ đây có thể trấn an Tổng thống Nixon rằng vấn đề dai dẳng của những năm trước đó, thì nay  đã được giải quyết bởi sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Thiệu.


• TT Nixon đề xướng tiến hành  chiến dịch mùa xuân 1971 gồm 3 giai đoạn


Tướng Haig sau đó đã chuyển sang chiến lược của Tổng thống Nixon cho mùa khô sắp tới. Tướng Haig tuyên bố rằng Tổng thống Nixon đã thảo luận vấn đề này với Tiến sĩ Kissinger và Bộ trưởng Laird và ông đã kết luận rằng các lực lượng đồng minh không được phép cho kẻ thù có quyền tự do thực hiện các tấn công của chúng. Thay vào đó, Tổng thống Nixon ủng hộ các hoạt động tấn công phủ đầu được thiết kế tốt nhất để đánh bại kẻ thù,  và cải thiện triển vọng tồn tại của Campuchia. Những thành quả đạt được sẽ củng cố chính phủ của Tổng thống Thiệu và cuối cùng là đóng góp vào sự thành công của chương trình Việt Nam hóa.

Vì lý do này, Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger đã yêu cầu Tướng Haig thảo luận về chiến dịch mùa khô của quân đồng minh với Tổng thống Thiệu và Tướng Abrams khi Tướng Haig đến Sài Gòn. Rõ ràng là Tổng thống Thiệu, Đại sứ Bunker, Đại tướng Abrams và Viên đã sẵn sàng phát triển một chiến lược tấn công mùa khô  được thiết kế để thực hiện cuộc chiến với kẻ thù. Tướng Haig tuyên bố rằng Tổng thống Nixon đã hình dung ra một cuộc tấn công ba giai đoạn bao gồm:

- Thứ nhất - QLVNCH  thiết kế mở  các cuộc tấn công nhanh chóng  vào miền Nam và miền Trung Campuchia tạo điều kiện trợ giúp cho Chính phủ Campuchia và ngăn chặn việc địch tái lập các sào huyệt  dọc biên giới Campuchia với Việt Nam, do đó tạo điều kiện cho việc tiếp tục tiến công bình định khắp  Quân Khu III và IV.

- Thứ hai, Tổng thống đã hình dung ra một cuộc tấn công táo bạo vào trung tâm hậu cần của kẻ thù ở Đông Bắc Campuchia hoặc Hạ Lào trong khu vực Bolovens. Tuy nhiên, trong cuộc gặp đầu tiên của Tướng Haig với Tướng Abrams, ông được biết Tổng thống Thiệu và Tướng Viên đã thỏa thuận về một cuộc tấn công của hai sư đoàn vào Tchepone qua Đường 9 hy vọng sẽ đạt được kết quả lớn hơn nữa.

- Cuối cùng Tướng Haig nói, Tổng thống Nixon hy vọng rằng miền Nam Việt Nam có thể thực hiện một chương trình đột kích bí mật trong chiến dịch của người Lào được thiết kế phong tỏa lực lượng dự bị của đối phương ở Bắc Việt Nam để  khiến kẻ thù có cảm nghĩ về nguy cơ bị đồng minh phản công ngay trong lãnh thổ Bắc Việt Nam.


• TT Nixon hy vọng chiến dịch tấn công qua Lào tiến hành ngay sau Tết khoảng đầu tháng Hai


Tướng Haig nói, Tổng thống Nixon hy vọng  một chiến dịch quân sự hiệu quả  được hoạch định  kiểu này có thể  thực hiện dọc theo Đường số 7 có thể bắt đầu sớm nhất vào ngày 15 tháng Giêng và chiến dịch tấn công qua Lào ngay sau Tết khoảng đầu tháng Hai. Các cuộc đột kích nhằm vào Bắc Việt Nam được tiến hành  dưới sự bảo vệ bởi chiến dịch tấn công qua Lào. Đồng thời chúng tôi cũng hình dung về một kịch bản chính trị có thể được thiết kế để gây áp lực lớn nhất có thể lên Hà Nội và tạo điều kiện thuận lợi để vượt qua những khó khăn chính trị mà các hoạt động phối hợp của đồng minh có thể tạo ra. Cụ thể, chúng tôi nhớ lại rằng vào mùa Thu vừa qua, Đại sứ Bunker đã đề cập đến việc Tổng thống Thiệu đang xem xét một sáng kiến chính trị kiểu này.  Hơn nữa, Phó Tổng thống Kỳ trong cuộc thảo luận với Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger đã đề cập đến một sáng kiến chính trị như vậy. Tất nhiên, chúng tôi kỳ vọng rằng Tổng thống Thiệu sẽ là người có thẩm quyền tối cao đối với một sáng kiến như vậy cả về phương thức, đặc tính và thời điểm của nó.


• Về cuộc bầu cử tổng thống tại Việt Nam


 Chúng tôi hình dung các chi tiết cụ thể về một sáng kiến như sau:

- Thời gian vào tháng Giêng, hy vọng trước cuộc tấn công Campuchia, Tổng thống Thiệu sẽ đề nghị thảo luận với MTDTGPMNVN về các điều kiện mà họ có thể tham gia vào các cuộc bầu cử Hạ viện và Tổng thống năm 1971.

- Nhận biết rằng MTDTGPMNVN có thể từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận như vậy, Tổng thống Thiệu sau đó có thể vào tháng Ba hoặc tháng Tư đơn phương mời MTDTGPMNVN giới thiệu một danh sách các ứng cử viên để bổ sung vào những người đã được đề cử theo quy định của luật bầu cử.

 - Hiện thời, Tổng thống Thiệu có thể mời, thông qua Liên Hiệp Quốc hoặc các đồng minh thích hợp, các quan sát viên quốc tế đến thăm miền Nam Việt Nam để chứng kiến và đánh giá tính công bằng của cuộc bầu cử sắp tới.


Tất nhiên, sáng kiến nói trên sẽ được thảo luận chi tiết giữa Tổng thống Thiệu và Đại sứ Bunker và chúng tôi hy vọng các cuộc bàn thảo  dẫn đến một sáng kiến như vậy có thể bắt đầu sớm nhất có thể.


• Quan điểm của  Tổng thống Thiệu


Tổng thống Thiệu nói rằng ông biết ơn Tổng thống Nixon về lời thăm hỏi ân cần và hoan nghênh chuyến thăm của Tướng Haig và đoàn của ông. Ông tuyên bố rằng tình hình Campuchia là chủ đề khiến ông quan tâm, nhất là khi lực lượng Hoa Kỳ tiếp tục rút lui.  Các lực lượng Campuchia rất yếu, thiếu khả năng lãnh đạo và dường như không hiểu được bản chất của kẻ thù mà họ đang  phải đối đầu. Hơn nữa, người Campuchia không thực hiện để  giải quyết các vấn đề của họ một cách thực tế. Họ vẫn chưa đề ra một kế hoạch và chiến lược quân sự để phòng thủ Campuchia.  Họ phải nhận ra rằng kẻ thù sẽ chống lại họ và do đó, họ cần một chương trình bình định như đã được thực hiện ở miền Nam Việt Nam.


Tướng Haig nói,  ông được  khích lệ phần nào về Tướng Lon Nol giờ đây đã nhận ra rằng chiến lược của ông phải được củng cố. Về vấn đề này, Tướng Abrams đã nói với ông ta rằng một bộ ba nhân sự mới sẽ được thành lập, bao gồm Tướng Weyand, Tướng Mahn và một người đồng cấp thích hợp của Campuchia. Tướng Haig hy vọng đó là Tướng Satsukan. Nhóm này có thể gặp gỡ thường xuyên và làm nhiều việc để cải thiện việc lập kế hoạch và hiệu quả liên quan đến các hoạt động của Campuchia cũng như cải thiện sự phối hợp giữa tất cả các bên. Tướng Haig tuyên bố ông sẽ nêu vấn đề Hoa Kỳ hỗ trợ cho QLVNCH ngay khi ông trở về Washington.

Tổng thống Thiệu tuyên bố rằng các hoạt động của ông ở Campuchia đã đặt ra những vấn đề chính trị và quân sự nghiêm trọng. Kẻ thù mà ông tin rằng đang  tìm kiếm một số chiến thắng trước cuộc bầu cử vào tháng 10  để làm lung lay niềm tin của người dân vào chính phủ và cũng để ảnh hưởng đến cử tri Hoa Kỳ. Ông ta chắc chắn rằng họ đang chuẩn bị để làm điều đó ngay lúc này. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục rút lực lượng của mình với tốc độ chóng mặt. Làm sao chúng ta có thể mong đợi ông ta di chuyển các đơn vị  lớn từ Quân đoàn III sang Campuchia khi chúng ta đang rút bớt lực lượng của mình xuống còn một lữ đoàn mà Tướng Abrams nói rằng phải sử dụng phần lớn để bảo vệ các căn cứ của chính mình?


Tổng thống Thiệu tiếp tục chỉ ra rằng người dân miền Nam Việt Nam không thể hiểu được việc quân đội Hoa Kỳ tiếp tục rút lui khi lực lượng QLVNCH hoạt động ở những nơi xa xôi như Campuchia. Tổng thống Thiệu tuyên bố rằng nếu Hoa Kỳ mong ông làm công việc ở Campuchia và Hạ Lào thì ông muốn những điều sau đây:

- Việc rút bớt lực lượng của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 1 tháng 7 phải rất khiêm tốn. Quan trọng hơn, Mỹ sau đó nên giữ quân đội của mình ở mức ổn định cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc vào tháng 10. Tất nhiên, Hoa Kỳ có thể công bố một chương trình dài hạn cho sự gia tăng tiếp theo nhưng việc rút quân sẽ không bắt đầu cho đến sau cuộc bầu cử. Bằng cách này, người dân Miền Nam Việt Nam sẽ được đảm bảo một phần an ninh trong khi QLVNCH đang bận rộn ở Campuchia.


- Liên quan đến sáng kiến chính trị, Tổng thống Thiệu đồng ý rằng một đề xuất có thể được phát triển nhưng ông sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về bản chất của đề xuất, cũng như thời điểm của nó. Ông ta tin rằng đề xuất có thể được đưa ra sau hoạt động ở Chup chứ không phải trước đó để đạt được tác động chính trị tối đa. Ví dụ, nếu chiến dịch Chup thành công, thì vẻ ngoài hợp lý của một chính phủ chiến thắng dường như hấp dẫn nhất đối với ông ta. Ông ta  sẽ phải làm việc thận trọng  với  các chi tiết cụ thể vì sáng kiến này không thể vội vàng.


Đại sứ Bunker cho biết ông tin tưởng rằng chúng ta có thể cùng nhau chuẩn bị một đề xuất mới và hiệu quả.   Tổng thống Thiệu cho biết ông sẽ bắt đầu lập kế hoạch ngay từ bây giờ. Sau đó, ông yêu cầu Tướng Haig cho ý kiến về tình hình chính trị.


• TT Thiệu lo ngại việc Mỹ rút quân quá sớm...


Tướng Haig tuyên bố rằng ở quê nhà, đề tài về chiến tranh đã lắng xuống phần nào. Tuy nhiên, cuộc bầu cử sắp tới của Tổng thống Nixon có thể sẽ lại làm nảy sinh những vấn đề cũ, đặc biệt là vấn đề tham nhũng. Nói tóm lại, chúng ta đang ở một vị trí tốt hơn một chút nhưng lại là một vị trí mỏng manh và có thể bị yếu thế  khi đối mặt với sự thất bại ở Campuchia, ở miền Nam Việt Nam hoặc  thất bại về hành động chống tham nhũng.


Tổng thống Thiệu nói rằng vấn đề của ông liên quan nhiều đến hệ thống tòa án và Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Một số vụ án tham nhũng chưa được đem ra xét xử. Bây giờ có một Bộ trưởng mới và ông ấy hy vọng có một số diễn biến  trong lĩnh vực này. Thiệu nói thêm một cách nghiêm túc về ảnh hưởng mà Hoa Kỳ đã thúc giục về dân chủ đối với miền Nam Việt Nam và hiện nay chính phủ đang bị kìm hãm khả năng hành động của mình.


Tổng thống Thiệu
 sau đó bình luận về những nỗ lực chuẩn bị luật bầu cử mới. Ông tuyên bố nhu cầu chính là giảm số lượng Ứng cử viên Tổng thống. Các bên không thể phát triển theo luật hiện hành; do đó, nó phải được thay đổi. Thực ra, Tổng thống Thiệu  ủng hộ hệ thống hai đảng. Theo cách này, các đảng sẽ phát triển hiệu quả , gồm cánh tả và cánh hữu với  một chính phủ ổn định sẽ dẫn đến kết quả tốt. Tổng thống Thiệu tuyên bố luật mới cũng sẽ chỉ cho phép vận động một tháng.


Tổng thống Thiệu sau đó tuyên bố ông tin rằng việc rút quân của Hoa Kỳ đã làm dấy lên một số lo ngại nghiêm trọng trong dân chúng. Do đó, ông tin rằng chính phủ cần chuẩn bị một kế hoạch kinh tế tầm xa để phản ánh sự hỗ trợ tiếp tục của Hoa Kỳ. Khi lực lượng Mỹ  rút đi, người dân phải biết Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Vì vậy, một kế hoạch như vậy là một điều cần thiết và cấp bách. Sau đó, Tổng thống  Thiệu yêu cầu Tướng Haig gửi lời chào trân trọng nhất tới Tổng thống Nixon và cuộc họp kết thúc lúc 7:15 tối.[2]


  Kế hoạch 4 giai đoạn tiến chiếm Tchepone


Ngày 22 tháng 12 năm 1970 - Bản ghi nhớ về cuộc họp bàn thảo kế hoạch hành quân qua Lào tại Hoa Thịnh Đốn.


1. Tiến sĩ Kissinger và Đô Đốc  Moorer (Chủ tịch Hội đồng Tham Mưu Liên quân) đã gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc lúc 1200 ngày hôm nay để thảo luận về việc lập kế hoạch dự phòng cho vùng ĐNÁ với sự có mặt của Tướng  Haig và  Chuẩn Đô Đốc Robinson.


2. Tiến sĩ Kissinger yêu cầu Đô Đốc  Moorer trình bày tóm tắt  về khái niệm sử dụng các lực lượng QLVNCH hành  quân vào nước Lào. Đô Đốc  Moorer mô tả kế hoạch này bao gồm bốn giai đoạn:


- Giai đoạn I. Một lữ đoàn được tăng cường bởi Hoa Kỳ sẽ tiến hành các cuộc hành quân dọc theo Đường 9 từ phía Đông đến Biên giới VNCH - Lào, và thiết lập một căn cứ hành quân tiền phương bao gồm thiết lập sân bay  tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc hành quân về phía Tây trong tương lai.


- Giai đoạn II. Sau khi hoàn thành Giai đoạn I, các phi đoàn  thuộc KQVNCH sẽ thực hiện các phi vụ tấn công các  mục tiêu hạn chế thuộc  khu vực lân cận Tchepone.  Tiếp theo thả  bom trong khu vực sau đó là chiếm giữ sân bay Tchepone.


- Giai đoạn III. Các chuyên viên của KQVNCH sẽ nâng cấp sân bay để tiện lợi cho các phi cơ  C123 hạ và cất cánh  và thiết lập các vị trí chốt chặn  ở phía Bắc. Phá hủy các kho dự trữ của địch  trong khu vực lân cận Căn cứ 604.


- Giai đoạn IV. Các đơn vị  QLVNCH sẽ được tăng cường  hoặc ở lại khu vực mục tiêu.


3. Tiến sĩ Kissinger sau đó đưa ra câu hỏi,  liệu cuộc hành quân có phá hủy các kho dự trữ  của đối phương hay không. Đô Đốc Moorer  khẳng định rằng Tướng Abrams chọn khu vực Tchepone vì nó có nhiều lợi ích . Về thời gian của hành quân này, Đô Đốc Moorer khuyên rằng nó có thể bắt đầu ngay sau Tết , khoảng đầu tháng Hai. Tiến sĩ Kissinger nói “càng sớm càng tốt,” và nói thêm rằng cơ hội duy nhất mà chúng ta có là bắt đầu những bước đi táo bạo chống lại kẻ thù. Đô Đốc Moorer đồng ý, lưu ý rằng vì vấn đề ngân sách và kế hoạch rút quân, chúng ta chỉ có thể thực hiện các sáng kiến như vậy cho đến mùa Xuân năm sau.


4. Cuộc thảo luận sau đó chuyển sang phạm vi hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho  hành quân nêu trên.  Cả Đô Đốc Moorer và Haig đều chỉ ra rằng Tướng Abrams sẽ cần có quyền quyết định về việc sử dụng toàn bộ lực lượng yểm trợ trên không của Hoa Kỳ, bao gồm cả máy bay  ném bom chiến thuật và chiến lược, không vận và trực thăng vũ trang. Tiến sĩ Kissinger nói rằng ông sẽ cố gắng hết sức để có được các 
phương tiện quân sự mà chúng ta cần. Ông nói  sẽ cố gắng để được Tổng thống chấp thuận cho các quan chức liên hệ  thi hành  trong thời gian  ngắn sắp tới. Về  vấn đề này, ông cảm thấy rằng hạn chế duy nhất không thể sử dụng lực lượng quân đội  Hoa Kỳ vào nhiệm vụ hành quân  qua Lào, nhưng sẽ không ngăn cản việc sử dụng trực thăng.


5. Sự cần thiết phải bàn bạc  sớm với Bộ Trưởng QP, đặc biệt là trong chuyến đi sắp tới của ông tới ĐNÁ,  sẽ không thể tránh khỏi các cuộc thảo luận với Tổng thống Thiệu về vấn đề này. Đô Đốc Moorer khuyến nghị Tổng thống nên triệu tập  một cuộc họp sớm với mục đích đưa ra quan điểm của mình. TS Kissinger  nghĩ rằng tốt nhất là nên sắp xếp một buổi làm việc như vậy vào Chủ nhật, ngày 3 tháng 1 (1971) ngay trước khi Bộ Trưởng QP khởi hành. Cả Đô Đốc  Moorer và Haig đều cảm thấy rằng việc trì hoãn như vậy là không thể chấp nhận được, đặc biệt là khi quan điểm của Haig về chuyến đi gần đây của ông ta do văn phòng của Bộ Trưởng QP yêu cầu. TS Kissinger  đồng tình với sự cần thiết của một cuộc họp sớm hơn và nói rằng ông ta  và Haig sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống vào ngày hôm nay (22.12.1970)  và một cuộc họp giữa Tổng thống , Bộ Trưởng QP, TMT Liên Quân và ông ta, sẽ được tổ chức vào thứ Tư hoặc thứ Năm (24.12.1970).  Trong cuộc họp với các  viên chức nêu trên, Tổng thống  yêu cầu thảo  luận về các hoạt động trong tương lai dựa vào chuyến đi gần đây của Haig. Cụ thể, Tổng thống yêu cầu Haig xem xét các lựa chọn khác nhau có sẵn, và ông ta  nhận thấy kế hoạch liên quan đến việc đưa quân đội VNCH vào khu vực Tchepone là khả thi . Vì sáng kiến này có vẻ hiệu quả hơn nhiều so với một số sáng kiến khác mà Nhóm Hành Động  Đặc Biệt Washington  (Washington Special Actions Group-WSAG) đã thảo luận, ông đã quyết định cho tiến hành lập kế hoạch chi tiết và muốn  ban hành một chỉ thị cần thiết. Haig chia sẻ  một số quan điểm trong chuyến đi của mình, bao gồm những điều sau:


- Souvanna sẽ ủng hộ Kế hoạch, nhưng muốn có sự đảm bảo vững chắc rằng Hoa Kỳ hoàn toàn đứng sau hoạt động này. Ông ta lo ngại về thời gian của cuộc hành quân hơn là việc các lực lượng QLVNCH tiến vào Lào.


- Đại sứ  Bunker ủng hộ mạnh mẽ Kế hoạch và rằng nó rất giống với kế hoạch mà ông đã gửi về Washington cùng với Tướng Westmoreland vài năm trước.


6.  Phó Đô Đốc Robinson cho rằng hoạt động Tchepone sẽ cần thiết ở một mức độ thấp hơn so với việc hướng về Đồn điền Chup. TS Kissinger nhận thấy không có khó khăn gì trong việc xin phép Tổng thống về việc sử dụng hỗ trợ không vận của Hoa Kỳ cho hoạt động này. TS Kissinger đã yêu cầu Haig gọi điện cho Bob Cushman và nói rõ rằng CIA sẽ không được phép công bố bất kỳ báo cáo nào về các hoạt động của Miền Nam Việt Nam  tại  Lào mà không có sự cho phép trước của Tòa Bạch Ốc [3]


 Đổ trách nhiệm cho VNCH khi họp báo

Ngày 1 tháng 2 năm 1971 - Ghi chú của Ban Biên Tập (tài liệu TBÔ) thuộc Bộ Ngoại Giao - Các thành viên cao cấp của Nhóm Hành động Đặc biệt Washington (WSAG) đã họp từ 11 giờ sáng đến 12 giờ 47 phút, thảo luận việc hướng dẫn báo chí đối với các cuộc hành quân tại Tchepone và Chup. Nhóm cảm thấy rằng lệnh cấm báo chí đối với Giai đoạn I của Tchepone nên được đưa ra trước khi hoạt động Chup bắt đầu. Trên hết, các lệnh cấm loan tải tin tức đối với cả hai cuộc hành quân không nên được đưa ra trong cùng một ngày. Henry Kissinger nhấn mạnh rằng chiến dịch Chup phải được trình bày như một “Chiến dịch của QLVNCH” được thiết kế “để ngăn đối phương phát triển khả năng cho một cuộc tấn công mùa khô và để bảo vệ sự rút quân trong chương trình  Việt Nam hóa của chúng ta.” Cả nhóm đồng ý. Kissinger sau đó nói với nhóm rằng khi báo chí hỏi Souvanna Phouma có được hỏi ý kiến về chiến dịch Tchepone hay không, thì câu trả lời, theo Đại sứ Godley, sẽ là "không bình luận", và khi Souvanna yêu cầu tất cả quân đội nước ngoài rời khỏi Lào, Thiệu sẽ ðồng ý rút quân khỏi Lào nếu phía Bắc Việt làm như vậy. Cả nhóm đồng ý. Cuộc họp kết thúc với việc thảo luận về Giai đoạn II của hoạt động Tchepone, bao gồm cả khả năng thành công và những tổn thất có thể xảy ra, đặc biệt là về máy bay trực thăng. [4]

 Chiến dịch Mùa khô Đông Nam Á, 1971


Ngày 5 tháng 1 năm 1971 - Cuộc họp của Nhóm Hành Động  Đặc Biệt Washington  (Washington Special Actions Group-WSAG)  - Chủ tọa: Henry A. Kissinger -  Thành phần tham dự gồm:  BNG:  U. Alexis Johnson, Đại sứ Bunker, Robert J. McCloskey - BQP: David Packard , Daniel Z. Henkin - CIA Richard Helms - TMT LQ: Đô đốc Thomas Moorer - HĐANQG: Tướng A. M. Haig, Đại tá Richard T. Kennedy - TBÔ: Haldeman Ronald Ziegler


- Mr.Johnson: Tôi đã thảo  bức điện tín hướng dẫn, chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng.

- Mr. Kissinger: Hãy trình bày tình hình trước.

- Đô đốc Moorer: Tất cả đang diễn ra đúng kế hoạch và không có gì thay đổi về tình hình hay kế hoạch. Chúng tôi đã di chuyển lực lượng đổ bộ lên phía Bắc để phục vụ cho việc nghi binh. Hoạt động của địch đang ở mức độ thấp 

- Mr.Kissinger: Chúng ta có thể duy trì lực lượng nghi binh hoạt động trong bao lâu?

- Đô đốc Moorer: Trong  vòng 2 tuần . Nhưng việc này còn tùy thuộc  vào thời điểm kẻ thù nhận ra rằng đó chỉ là một hoạt động giả tạo.

- Mr. Helms: Không có thay đổi đáng kể nào về phía đối phương. Cơ quan  CIA chúng tôi đã gửi cho tất cả các ông bản tổng hợp  dự báo tất cả các phương án phản công.

- Mr. Kissinger: Chúng ta hãy chuyển sang khía cạnh quan hệ công chúng. Chúng tôi sẽ giao Ziegler phụ trách mảng báo chí của chính phủ  và tất cả sẽ làm việc cùng nhau như một đội.

- Mr. Packard: Không nên có bất kỳ tuyên bố nào của bất kỳ ai ngoài Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng.

- Mr. Kissinger: Tôi đồng ý.

- Mr. Packard: Tôi nghĩ rằng các cuộc họp báo ở Sài Gòn nên do phía  Nam Việt Nam mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Không nên có người Mỹ nào  ở đó.

- Mr. Kissinger: Tôi không chắc điều đó là khôn ngoan. Chúng ta sẽ bị chất vấn về vai trò  của chúng ta.

- Mr. Packard: Tôi nghĩ phía miền Nam Việt Nam nên tổ chức  cuộc họp báo trước vài giờ  khi hoạt động bắt đầu.

- Mr.  Kissinger: Chẳng lẽ chúng ta không có một sĩ quan Mỹ ở đó để nói những gì chúng ta đang làm?

- Mr. Packard:  Các phóng viên  sẽ dựa vào những gì sĩ quan Hoa Kỳ nói.

- Mr. Ziegler: Nếu không có người Mỹ ở đó, chúng ta sẽ nhận được các cuộc gọi tới đây để  yêu cầu trả lời

- Mr. McCloskey: Điểm đầu tiên cần tuyên bố là không có lực lượng mặt đất nào của Hoa Kỳ tham gia vào cuộc hành quân, và  điều này tốt nhất nên nói ra  từ một người Mỹ.

- Mr. Haldeman: Điều đó không sao, miễn là sĩ quan Hoa Kỳ không xuất hiện trước mặt.

- Mr. Johnson: Cuộc họp báo đầu tiên sẽ do Tướng Lãm ở Quân đoàn I thực hiện.

- Mr. Henkin: Điều đó có phải là đề tài để thảo luận không?

- Đô đốc Moorer: Tôi nghĩ tốt nhất là nên mở cuộc họp báo tại Sài Gòn rồi Lãm có thể căn cứ từ đó.

- Mr. Helms: Ông Thiệu có nên tuyên bố  trước không?

- Mr. Kissinger: Không sao đâu. Sau ông ta sẽ được tiếp nối bởi  cuộc họp báo của quân đội Miền Nam và một sĩ quan Hoa Kỳ.

- Mr.  Ziegler: Thiệu sẽ nói như thế nào?

- Mr. Johnson: Ông ấy đưa  ra một tuyên bố về cuộc hành quân.

- Đại sứ Bunker: Đó là một ý kiến hay.( Đại sứ vô họp trễ)

- Mr. Kissinger: Giả sử rằng tuyên bố của Thiệu sẽ được đưa ra lúc 08:00, chúng ta có thể mở cuộc họp báo tại Sài Gòn lúc 08:30. Họ có thể làm điều này không?

- Đại sứ Bunker: Có thể

- Mr. Johnson: Chúng tôi sẽ hoãn cuộc họp báo của  Lãm vào thời gian này.

- Mr. Ziegler: Liệu những nhà báo lấy tin từ Quân đoàn I mà không tường thuật tóm tắt không?

- Mr.  Packard: Có thể

- Mr. Johnson: Chúng ta phải đảm bảo rằng họ có bản sao tuyên bố của Thiệu.

- Mr. Ziegler: Chúng ta có thể có các văn bản tóm tắt ở Quân đoàn I giống như ở Sài Gòn không?

- Đô đốc Moorer: Ở Quân đoàn I rất khó vì những phóng viên bị phân tán.

- Mr. Kissinger: Chúng tôi có thể nhận được văn bản về những gì sĩ quan Mỹ sẽ nói không?

- Mr. Packard: Vâng, tôi sẽ kiếm một bản 

- Mr. Holdridge: Liệu các phóng viên  sẽ hỏi  chúng ta có sử dụng trực thăng không. Chúng tôi sẽ cung cấp bất cứ điều gì được yêu cầu.

- Mr. Kissinger: Có dấu hiệu nào cho thấy Cộng quân đang tiến về phía Tchepone không?

- Đô đốc Moorer: Không.

- Mr. Kissinger: Câu hỏi duy nhất của tôi là “Có phải tốt hơn là nên tiến hành cuộc hành quân một tuần sau đó để ngăn chúng tăng viện tại Tchepone” không?

- Đô đốc Moorer: Tôi sẽ xem xét lại vấn đề này.

- Mr. Kissinger: Nhưng bản tin truyền hình vào  buổi tối sẽ là của Rogers và Laird. Nó sẽ giống như một cuộc hành quân của Mỹ,  tốt hơn nếu giữ đến thứ Ba. Tôi nghĩ chúng ta nên thảo luận lại vấn đề này với Tổng thống.

- Mr. Packard: Ông ấy muốn nói rõ rằng không có binh lính Mỹ  nào  tham gia cuộc hành quân. Chúng tôi đang tiếp tục Việt hóa và rút quân

- Mr. Johnson: Về phía Quốc hội. Tất cả các liên hệ sẽ được thực hiện vào Chủ nhật [tất cả đã đồng ý]. Abshire và Capen sẽ thực hiện việc này dựa vào bản văn mà chúng tôi đã phê duyệt. [5]


Vì có sự phản đối của TT Thiệu không đồng ý  ở lại mục tiêu  và quyết định rút quân vào ngày 9.3.1971,   trong khi phía  “Hoa Thịnh Đốn muốn QLVNCH ở lại Lào đến hết tháng Tư.” (Việt Báo ngày 21.5.2022). Bảy ngày sau khi TT Thiệu tuyên bố rút quân, vào  ngày 16.3.1971  tướng Haig đến Sài Gòn và ngày 19.3.1971 đi Đà Nẵng để tìm kiếm "cơ hội cuối cùng của chúng ta để đạt được lợi ích tầm xa..."


(Còn tiếp)


Đào Văn


Nguồn

[1] Bộ Ngoại Giao: To: The White House, Exclusively Eyes Only Dr. Kissinger

[2] BNG: Meeting between President Thieu,  Ambassador Bunker and General Haig 

[3] BNG:  Kế hoạch 4 giai đoạn tiến quân qua Lào 

[4] BNG : Editorial Note ... 

[5] BNG:  Southeast Asia Dry Season Campaign 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.