Hôm nay,  

Mùa mưa của chúng mình

31/05/202223:14:00(Xem: 1697)

Truyện ngắn

rain

 

“ Về đây với những bước chân trìu mến,

 Những bước chân êm trên phố phường quen,

 Nếu mưa rơi sẽ mát lòng em…”

 (Nhạc PD)

 

Tôi có nhiều kỷ niệm mưa với Quang.

 

Nhà tôi và nhà Quang sát vách nhau. Hai gia đình quen biết từ thuở mới di cư vào Nam, về ở xóm này, cùng làm ăn lập nghiệp, nhà tôi mở quán nước giải khát, nhà Quang bán bún riêu, thân nhau như người trong nhà.

 

Thời đó với chúng tôi, lũ trẻ con vùng ven đô, những cơn mưa mùa hè đồng nghĩa với những niềm vui, đơn sơ mà hạnh phúc. Cứ hễ trời gầm gừ, cả lũ lại réo nhau, chuẩn bị nhào ra ngoài khi những hạt mưa đầu tiên vừa chạm mặt đất. Quang luôn là người đầu tiên đến kéo tôi đi tắm mưa, có hôm tôi ngủ quên trên gác, Quang phải chạy lên đánh thức tôi dậy kẻo tôi lỡ cuộc vui!

 

Trước khi đi tắm mưa khắp xóm, hai đứa tôi có nhiệm vụ mang mấy cái thau ra hứng nước mưa trước hiên nhà, đổ đầy thùng phuy nước cho gia đình xài. Sau đó chúng tôi nhập bọn với mấy đứa khác, thỏa thích chơi dưới trời mưa, có khi chỉ là giành nhau đứng dưới một cái máng xối để cảm nhận những trận nước mát lạnh bao phủ toàn thân, hay nằm vẫy vùng dưới sàn xi măng bóng loáng của một sân nhà ai mà tưởng như đang bơi trong hồ nước thiên nhiên. Cho đến khi thấm lạnh mệt nhoài, chúng tôi mới chịu trở về, tắm rửa và trùm mền ấm áp chờ bữa cơm chiều. Hôm nào mưa to có sấm chớp, chúng tôi không được phép tắm mưa, tôi và Quang ngồi dưới mái hiên, buồn xo, nhìn bâng quơ nước mưa tuôn qua mái tôn xuống những thau chậu trước nhà. Rồi chúng tôi nghĩ ra trò chơi xếp những con thuyền giấy, thả xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy, thích thú reo hò xem thuyền của ai vững vàng hơn khi vượt qua sóng gió quanh co, và lúc nào cũng kết thúc bằng những trái bắp luộc nóng hổi mà má tôi hay má Quang mua được ngoài vườn hàng xóm.

 

Có một kỷ niệm với mưa mà sau này chúng tôi lớn lên, gặp nhau thường đem ra nhắc lại. Vào đầu hè năm ấy, chúng tôi vừa học xong lớp năm, cả nhóm được phép đi Sở Thú chơi. Đến chiều khi đón xe bus trở về thì bị lộn xe, đưa chúng tôi đến một vùng lạ hoắc, chúng tôi ngơ ngác hỏi bác tài xế:

 

– Ủa, phải ngã năm Gò Vấp không vậy bác?

 

– Gò Vấp gò té gì ở đây! Chỗ này là Lăng Ông.

 

Chúng tôi mếu máo vì không còn đồng xu dính túi, những đồng bạc cuối cùng đã được xài ở Sở Thú trước khi ra bến xe. Cả đám đứng giữa đường, chưa biết phải làm gì thì trời kéo mây đen thui và ngay sau đó là những hạt mưa nặng chịch đổ xuống ào ào, chúng tôi vội tấp vào quán sửa xe đạp vỉa hè, cùng trú mưa với những người khác. Dù muốn dù không, khi mưa nhẹ bớt, chúng tôi phải đi bộ về nhà, đi tới đâu hỏi đường tới đó chứ không còn cách nào khác. Trời sẩm tối thật mau, mưa nhẹ hạt dần, mấy đứa đội mưa rảo bước trên đường, run như cầy sấy, răng đánh vào nhau cồm cộp. Tôi bật khóc nức nở vì nhớ nhà, mấy đứa bạn xúm vào hỏi han, tôi càng khóc to hơn vì tủi thân, đến khi Quang dỗ dành thì tôi mới chịu hết khóc.

 

Quang cũng thường bênh vực che chở tôi trong các cuộc chơi trong xóm. Chơi trò bịt mắt bắt dê, tạt lon, nhảy dây, hễ tôi bị “đừ” lâu là Quang đòi tha cho tôi, Quang lớn tuổi hơn trong nhóm nên đứa nào cũng nghe lời, chơi lại từ đầu. Những buổi đi sinh hoạt đoàn đội, cắm trại hè, Quang luôn ở bên bảo vệ tôi khi cần thiết (kể cả những khi không cần thiết). Đôi lần, tôi ngắm Quang và ngây thơ thầm nghĩ: “Mai mốt lớn lên, nếu không ai chịu lấy mình, thì mình... cưới Quang cũng được chứ nhỉ!”

 

Lên cuối cấp hai, nhóm chúng tôi bắt đầu xa nhau. Một vài đứa nghỉ học lo mưu sinh giúp cha mẹ, tôi và Quang vẫn đi học nhưng khác trường. Gia đình tôi dọn vào căn nhà trong hẻm xóm trên, còn căn nhà mặt tiền kế bên nhà Quang chỉ để buôn bán. Vì thế, tôi ít có dịp về xóm cũ, những trò chơi tuổi thơ chỉ còn là kỷ niệm. Chúng tôi không còn gọi nhau mày tao, mà xưng tên. Thỉnh thoảng tôi có ghé qua quán nhà tôi buổi sáng để uống sữa đậu nành ăn gói xôi trước khi đi học, có gặp Quang hay bạn bè cũ, cũng chỉ kịp nhìn nhau cười, rồi thôi.

 

Một chiều chúa nhật, tôi rảnh rang đi tìm bạn xóm cũ, chẳng gặp đứa nào, nhưng may mắn còn có Quang đang ngồi trước cửa lặt rau muống phụ gia đình bán bún riêu. Tôi sà vào cùng nhặt rau, hai đứa hỏi thăm qua lại, nhắc vài chuyện “khi xưa ta bé” rồi bâng khuâng tiếc thời gian qua mau. Quang bỗng nhìn tôi, ánh mắt… dễ thương lạ lùng:

 

– Em thua anh hai tuổi, phải gọi bằng “anh” chứ!

 

Tôi mắc cỡ, không trả lời, nhưng cả buổi tối về nhà, lòng lâng lâng một cảm giác vui sướng nhẹ nhàng.

 

Lên cấp ba, chúng tôi càng xa nhau hơn. Tôi bận rộn với sách vở, môi trường mới, bạn bè mới, kỷ niệm với lũ bạn xóm cũ càng lùi dần vào dĩ vãng.

 

Khi tôi ra trường đi dạy, Quang đã học xong trường Cao Đẳng Kỹ Thuật, đi làm ở xưởng Don Bosco gần chợ Gò Vấp.  Một ngày đầu năm học, mưa đang cuối mùa, trời bỗng nổi cơn mưa như thác đổ ngay giờ tan trường, tôi và một ít học sinh phải nán lại, co ro trong lớp chờ cơn mưa tạnh. Bỗng có đứa học trò chạy từ ngoài cửa vào, hớn hở la lớn:

 

– Cô ơi! Cô ơi! Có…Thầy tới đón cô nè!

 

Báo “tin vui” xong, nó nhe răng cười rồi biến mất ngoài hành lang. Tôi nhìn ra cửa lớp, thấp thoáng trong tranh sáng tranh tối của gió mưa và những loạt sấm chớp từng hồi, là dáng cao dong dỏng của Quang với chiếc áo mưa màu ghi dài, mái tóc ướt nước, nụ cười bừng sáng và đôi mắt trìu mến. Tôi vui đến ngỡ ngàng, nhưng vẫn không quên quay qua đám học trò nghịch ngợm đang xúm lại cười rúc rích, nghiêm giọng ra oai:

 

– Chú này là bạn hàng xóm thân thiết của cô, không phải… Thầy, nghe chưa!?

 

Tôi bước đến, hỏi Quang:

 

– Ngọn gió nào đưa anh đến đây vậy?

 

Quang cười, nụ cười vẫn hiền như thuở xưa:

 

– Anh đi làm về ngang trường, thấy mấy lớp học còn sáng đèn, nên ghé vào.

 

Tôi hỏi cắc cớ:

 

– Vậy có mang áo mưa cho người ta mượn không đó?

 

Quang bối rối, phủi mấy hạt mưa trên áo:

 

– Anh chỉ có chiếc áo này thôi! Em mặc về nhà trước, trời sắp tối rồi!

 

Tôi lắc đầu:

 

– Trời! Ai nỡ lòng nào lấy áo của anh chớ! Nếu anh rảnh thì ngồi đây chơi với em và tụi nhỏ.

 

Quang cởi áo mưa, nhìn ra ngoài trời, những chiếc lá bàng rụng tả tơi trong sân trường lấp lánh dưới ánh đèn mờ, rồi ngân nga: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt, trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa…”

 

Tôi nhắc:

 

– Bây giờ là tháng chín nghen anh!

 

– Thì bài hát tác giả viết sao, anh hát vậy mà …

 

Mưa vẫn không có dấu hiệu ngừng lại, trời thì càng âm u, các em học sinh cũng đã được phụ huynh đến đón về, chỉ còn tôi và Quang đứng nơi hành lang lớp học. Quang đưa tay ra ngoài trời hứng mưa, rồi bước lại gần tôi, ngập ngừng:

 

– Thật ra, anh có ý định đến đây mời em đi uống cà phê và ăn hủ tíu ngoài chợ, em thấy sao?

 

– Dĩ nhiên là em không từ chối, nhưng trời tối thui và ướt át thế này, em xin hẹn lần sau. Giờ em chỉ muốn về nhà, ăn lẹ miếng cơm rồi lên giường nằm nghe nhạc, nghỉ ngơi.

 

– Thôi cũng được! Nào, em mặc áo mưa vào rồi cùng về.

 

– Thế còn anh?

 

– Mưa nhẹ rồi mà, anh ướt một tí cũng chả sao!

 

– Vậy thì em cũng chẳng cần áo mưa!

 

– Em biết cứng đầu từ khi nào thế? Hồi bé em ngoan hiền, có cãi lời anh bao giờ đâu?

 

– Chuyện này thì khác! (vả lại, em không…hiền đâu ạ!), em dứt khoát không thể mặc áo mưa trong khi anh phải chịu ướt. Mà nè, hai đứa mình cùng đi dưới mưa như hồi bé, ôn lại cảm giác xưa, cũng thú vị đấy!

 

Thế là chúng tôi đạp xe chầm chậm về nhà dưới làn mưa lất phất. Đêm ấy, tôi ngồi soạn giáo án mà còn thả hồn theo mưa gió bên ngoài, tưởng tượng vài vần thơ dự định sẽ khoe với Quang, có đoạn cuối… rất tình:

 

Chiều dần tàn, cơn mưa chưa dứt

Hai người, chỉ một áo mưa che

Nhường qua nhường lại, thôi cùng ướt

(Đêm về tôi cảm, người biết chưa?)

 

Chia tay, hẹn gặp nhau lần tới

Xóm nhỏ đỏng đảnh thật dễ thương

“Cũng giống như em”, người thường nói

Chỉ một cơn mưa làm vấn vương!!

 

Có ai ngờ đó là mùa mưa cuối cùng của chúng tôi. Tuần lễ sau, Quang lên đường vượt biển. Thì ra, hôm ấy Quang đến mời tôi đi uống cà phê để tạm biệt, nhưng chỉ vì cơn mưa mà chúng tôi mất cơ hội nói lời giã từ. Quang đi hai tháng vẫn chưa có tin tức gì, gia đình Quang mỏi mòn chờ đợi, và tôi cũng lên đường.

 

Dù là đầu tháng mười hai, nhưng hình như là một cơ duyên với mưa, tàu của tôi gặp một cơn mưa bão bất ngờ chỉ sau hơn vài giờ ra khơi. Mưa biển thật dữ dội, điên cuồng và khủng khiếp. Máy thoát nước dưới hầm tàu bị hư, chúng tôi hứng chịu những đợt nước mưa lạnh buốt, trong tiếng sóng gào thét của biển cả và tiếng lòng cầu ơn Đấng cứu tinh. Rồi thì sau cơn mưa trời lại sáng, biển tàn bạo nhưng biển cũng bao dung, đưa chúng tôi đến bến bờ bình an, nhưng nỗi ám ảnh về cơn mưa trên biển làm tôi… sợ mưa!

 

Nhưng tôi chỉ sợ mưa biển, còn mùa mưa của chúng tôi vẫn luôn là một miền ký ức tươi đẹp, ngọt ngào. Dù biết đời bể dâu biến đổi, cảnh cũ người xưa chỉ còn trong trí nhớ, tôi vẫn cứ mơ một ngày (có ai đánh thuế ước mơ bao giờ!), tôi được về lại xóm cũ, một chiều mưa (dĩ nhiên!), tôi sẽ thả những chiếc thuyền giấy xuống “dòng sông nhỏ” trước hiên nhà, cùng với đám bạn thuở ấu thơ, kể cho nhau nghe nỗi vấn vương những sợi mưa dệt đầy một trời thương nhớ.

 

Quang ơi, bây giờ anh ở đâu? Tháng sáu về rồi đấy, anh có lạy trời mưa?!

 

Kim Loan

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.