Hôm nay,  

Hè xưa với nhạc sĩ Thanh Sơn

26/05/202210:09:00(Xem: 2509)

Tạp bút

NHẠC SĨ THANH SƠN
Nhạc sĩ Thanh Sơn (trước và sau này).


 

Nhạc sĩ Thanh Sơn, người được giới âm nhạc ở Việt Nam sau này thường gọi ông là “Ông Hoàng của nhạc quê hương”, nhất là với những ca khúc mang âm hưởng của miền Tây sông nước, đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long Nam bộ, như “Hành trình trên đất phù sa”, “Hình bóng quê nhà”, “Hương tóc mạ non”, “Bạc Liêu hoài cổ” “Áo mới Cà Mau”, v.v... Song có lẽ những người lớn tuổi, ở lứa tuổi trên 60 trở lên vẫn nhớ về ông, với những ca khúc đặc sắc về mùa hè, với hoa phượng, mang tâm trạng hoài niệm của tuổi học trò một thời mãi nhớ, bằng những ca từ da diết, nhưng mộc mạc gần gũi, thấm đẫm lòng người như: “ Ba tháng tạ từ”, “Màu áo hoa phượng”, “Lưu bút ngày xanh”, “Hạ buồn”... Đặc biệt là bài hát “Nỗi buồn hoa phượng”. Ca khúc lần đầu tiên được ca sĩ Thanh Tuyền, khi ấy mới hơn 17 tuổi trình bày, được giới sinh viên học sinh lúc bấy giờ rất ưa thích, thuộc lòng cả bài hát, khắc sâu trong tâm trí người nghe, với những hè xưa, rực màu hoa phượng thắm.


nhạc phẩm NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG 

Bài hát lần đầu xuất hiện vào năm 1963, mang tên hai tác giả: Thanh Sơn và Lê Dinh, sau này được nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự, do lúc đó ông chưa có tiếng tăm gì, nên ông đã đem đến để nhờ nhạc sĩ Lê Dinh – khi đó là Chủ sự phòng sản xuất của Đài Phát thanh Sài Gòn – xem qua và góp ý, nên để tôn trọng, ông đã ghi tên nhạc sĩ Lê Dinh là đồng tác giả.

 

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật Lê Văn Thiện (ông còn có một bút danh khác là Sơn Thảo), ông sinh ngày 1 tháng 5 năm 1938 tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. Ông lớn lên với một lòng ưa thích ca hát. Ông học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu). Năm 1955, thầy Phấn mất, ông lên Sài Gòn học nhạc với thầy Lê Thương và nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Tại thành phố này để kiếm tiền sinh sống và nuôi ước mơ ca hát của mình, ông đã làm nhiều công việc như làm thuê, ở mướn.

Đến năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn, và đoạt giải nhất, vượt qua những thí sinh cùng dự thi lúc đó mà sau này trở thành những ca sĩ tên tuổi như Phương Dung, Chế Linh, Nhật Thiên Lan. Ban giám khảo cuộc thi cũng là những tên tuổi và có uy tín trong làng nhạc miền Nam như: Dương Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi. Sau khi đoạt giải ông được mời đi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng. Tuy đã trở thành ca sĩ, nhưng ông tiếp tục mày mò học sáng tác nhạc với cuốn “Để sáng tác một ca khúc” của Hoàng Thi Thơ. Những người giúp đỡ ông sáng tác trong giai đoạn này có nhạc sĩ Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng. Ông chính thức chuyển hướng từ ca sĩ sang nhạc sĩ sáng tác, với tâm sự: “Được trút hết tâm sự của mình thành lời ca tiếng nhạc mà không phải thể hiện tâm sự của người khác”. Ông mất ngày 04 tháng 4 năm 2012 tại Sài Gòn, vì tuổi già sức yếu. Mộ phần tọa lạc ở nghĩa trang Hoa Viên, tỉnh Bình Dương.

 

Ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” là ca khúc thứ hai của nhạc sĩ Thanh Sơn, sau ca khúc “Tình học sinh” ra đời năm 1962, song bị... chìm lỉm, chẳng một ai chú ý? Năm 1983, trả lời phỏng vấn của chương trình Paris By Night, nhạc sĩ Thanh Sơn kể về sự ra đời của ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng”, sau 20 năm ra đời, đã được hàng triệu người kể cả miền Bắc sau này ưa thích. Đó là vào năm 1953, ông học chung lớp với người bạn nữ tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng, hè năm ấy, người bạn gái cùng gia đình chuyển về Sài Gòn, ông có hỏi cô bạn: “Nếu nhớ nhau mình sẽ làm sao?”, cô bạn mỉm cười trả lời đại ý là “Cứ mỗi năm đến hè, nhớ đến nhau, anh cứ nhìn hoa phượng nở cho đỡ nhớ bởi tên em là Hoa Phượng”. Và đó cũng là “đề tài” mà ông ấp ủ để 10 năm sau, khi đó cô bạn gái ngày xưa chắc đã... vu qui rồi? Hoài niệm và viết nên ca khúc. Bài hát được viết theo điệu Habanera, mở đầu với câu “ Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...”, mà mùa hè, luôn gắn liền với tuổi học trò, nhiều mơ lắm mộng, và cả những mối tình học trò đầu đời “Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”, cho nên, người nhạc sĩ luôn nhớ “ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương” và “Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè sang kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm?” Vâng, “người xưa” đã là dĩ vãng, còn chăng là những hoài niệm không quên của một thuở học trò.

 

Ngày xưa đi học, và cả thời đại 4.0 bây giờ, những cô cậu học trò cuối cấp, mỗi dịp hè đến, nhìn hoa phượng nở và buồn vu vơ, rụt rè trao nhau những quyển tập xinh xắn, dễ thương, thường được gọi là “Lưu bút”, để ghi vào đó những kỷ niệm của những ngày cùng chung đèn sách và cả những “thầm yêu trộm nhớ”, vu vơ, lãng mạn của lứa tuổi mới lớn, học trò. Nhạc sĩ Thanh Sơn lại có thêm ca khúc “Lưu bút ngày xanh” qua tiếng hát Phương Dung, Hoàng Oanh, đã “hớp hồn” bao thế hệ học trò với những hoài niệm da diết một thời: “Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi nhắc lại câu chuyện buồn. Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu nơi kỷ niệm êm ái...” Đó là những kỷ niệm “dìu nhau đến sân trường, cùng đuổi bướm hái hoa cuối đường”, mà chắc chắn tuổi học trò, ai cũng có lần gặp phải. Bao nhiêu là kỷ niệm cứ ùa về, tạo thành “Biết bao nhiêu buồn vui gói trọn theo tuổi đời” rồi “Tình đẹp như trang giấy, kết vần thơ như nụ hoa trắng” rất tuyệt vời trong trí tưởng tượng của lứa tuổi học trò thời ngây thơ trong trắng. Và khi đã rời xa, xa lắm, nhắc lại để thấy “Khiến lòng tôi buồn buồn...” Cái buồn buồn, chắc rằng ai cũng có, và chỉ có nhạc sĩ Thanh Sơn, mới là người phát hiện ra một nét tinh tế và rất đẹp của lứa tuổi mộng mơ trong mỗi dịp hoa phượng nở, hè về để ông viết tiếp ca khúc “Màu áo hoa phượng” cho những hè xưa đã trở thành kỷ niệm: “Tiếng ve nức nở hè đến đây rồi...” và “Áo em tím ẩn một nét u buồn” mà “Bây giờ em bên tôi. Ngày mai thành cố nhân rồi!” Đã có bao “cố nhân”, mỗi khi nghe tiếng ve kêu vang, nhìn hoa phượng thắm mà bồi hồi những nỗi niềm riêng, khó diễn tả bằng lời, chỉ biết nhờ âm điệu của bài hát, nguôi ngoai nỗi lòng xưa, trở thành tri âm, tri kỷ với dòng nhạc hè trác tuyệt của nhạc sĩ Thanh Sơn?

 

Danh hiệu “Ông Hoàng” về nhạc hè, hoa phượng, học trò, có lẽ không có nhạc sĩ nào trong giới nhạc sĩ Việt Nam hiện nay có thể sánh cùng ông về những đề tài đầy chất hoài niệm cho rất nhiều thế hệ học trò này.

 

Trần Hoàng Vy

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.