Hôm nay,  

Tầm Nhìn Nghệ Thuật

25/03/202200:00:00(Xem: 2980)
Baichinhtrangnhat_Ngu Yen_Tam Nhin_1
Tranh: Miles Regis trong triển lãm “Better Days Ahead” (Những ngày khá hơn sắp đến.)

 

Một người đứng trước cửa nhà, nhìn ra đường cái, thấy không rõ; đưa tay che ngang mày, chận ánh nắng để có thể ngóng thấy chuyện gì đang xảy ra ở ngả tư. Đó là tầm nhìn.

Một người đi giữa cánh đồng, dùng ống dòm nhìn chung quanh, tay điều chỉnh liên tục để ống kính hội tụ điểm nhìn. Ở hướng tây, thấy những bãi hoa dại màu sắc rực rỡ; ở hướng nam, thấy những con chim lạ bay nhảy tung tăng; ở hướng đông, thấy một phụ nữ đang làm gì không thể đoán được. Đó là tầm nhìn.

Một người leo lên núi cao, nhìn xuống thành phố, xóm làng, ruộng nương, đường xá, sông lạch, nhỏ như đồ chơi, cảnh nhựa. Bốn bề mênh mông, dường như cảm khái trải dài đụng đến chân trời. Hơi thở tươi mát, lòng mở rộng, cảm thông đất trời. Đó là tầm nhìn.

Một người ngồi trong phòng ngày này qua ngày kia, cắm cúi nhìn vào kính hiển vi, theo dõi những con vi khuẩn, quên hết đời sống bên ngoài. Đó là tầm nhìn.

Có người, không biết có may mắn hay không, được phóng ra khỏi không gian, trên hỏa tiễn, nhìn vào màn ảnh, thấy trái đất nhỏ như quả banh giữa bao la đen tối, la liệt với những trái banh khác. Đó là tầm nhìn.

Có người, không biết có may mắn hay không, ngồi trong buồng, hé cửa nhìn ra vợ đang nấu ăn nơi nhà bếp. Một chút say mê, một chút vui, một chút không dám buồn, một chút đói bụng, một chút cảm ơn. Đó là tầm nhìn.

Tầm nhìn bắt đầu từ nhãn quan. Mỗi người có mỗi nhãn quan khác nhau, cho dù họ có thể đồng ý trên cùng một đối tượng hay một vấn đề, nhưng luôn luôn có điểm khác biệt. Nói một cách khác, nhãn quan dễ hợp nhãn trên những gì tổng quát nhưng rất dễ xung đột trong chi tiết. (Quan điểm này có bài học vở lòng: nếu muốn trở thành vợ chồng bền bỉ, phải có cùng nhãn quan về những gì tổng quát trong đời sống và phải trao đổi những gì thuộc về chi tiết khác biệt. Vợ chồng tranh cãi vì những chi tiết khác nhau là việc điều chỉnh lời thề “Yes, I do”. Nếu phải tranh cãi quyết liệt về nhãn quan tổng quát, có nghĩa là li dị đang gần kề.)

“Tầm nhìn nghệ thuật là hướng nhìn và phạm vi của nhãn quan cá biệt về nghệ thuật.” Định nghĩa này có các cụm từ quan trọng như “phạm vi”, “hướng”, “cá biệt”. Bất kỳ là ai, sáng tác lẫn thưởng ngoạn, đều có tầm nhìn nghệ thuật cá nhân. Chỉ khác nhau ở phạm vi và phương hướng; chỉ khác nhau tầm nhìn gần, tầm nhìn xa, tầm nhìn rộng, tầm nhìn hẹp, tầm nhìn cao, tầm nhìn thấp. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường ngưỡng mộ và ái mộ những người có trình độ nghệ thuật hoặc có nét nghệ thuật riêng biệt. Chỉ bằng áo quần đơn giản nhưng cô ta đã chọn lựa màu sắc và kiểu mẫu phù hợp với thân người, thêm một chút môi son, không tô phấn, tóc để tự nhiên, nhưng trông sao mà lôi cuốn quá. Ông kia chỉ có một khu vườn nhỏ nhưng bố trí những loại hoa cao thấp và những màu sắc từ đậm đến lợt đi vào trung tâm, khiến tâm điểm nổi bật lên dưới nắng, đẹp thật. Anh kia tuy không đẹp trai nhưng với mái tóc bồng bềnh và cặp kính mát, nhìn không kém gì tài tử Charles Bronson. … Nghệ thuật làm cho chuyện đời thú vị. Trình độ nghệ thuật cao càng làm thú vị gia tăng. Muốn đạt trình độ cao, trước hết phải có tầm nhìn tương xứng.

Tầm nhìn bắt đầu từ mắt. Khả năng của mắt, tức là khả năng quan sát, ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn. Có những mắt to tròn như bồ câu, như ó điểu, mà nhìn không rõ; lại có những mắt hí, nhưng sắc sảo, thấy được sợi tóc rơi; có mắt lé, thấy rộng, thấy nhiều hơn mắt thường. Về mặt có thể cải thiện nhờ dùng kính là mắt cận thị, viễn thị và loạn thị, loạn sắc. (Ghi chú 1: Người có tâm hồn loạn thị thường sẽ thấy đối tượng trong dạng trừu tượng ‘abtract’. Nếu một họa sĩ không có tâm hồn loạn thị, đừng vẽ abtract, vì sẽ ngây ngô vô nghĩa, cho dù nhìn rất đẹp.) (Ghi chú 2: Trong cõi nghệ thuật, cận thị là biểu tượng cho những người hiểu biết nghệ thuật một cách thiển cận. Trong khi viễn thị, ám chỉ người thiếu tầm nhìn. Cả hai loại người này, nếu tâm hồn không chịu mang kính thuốc, sẽ suốt đời gần cũng không thấy mà xa cũng không.)

Tuy bắt đầu từ mắt nhưng tầm nhìn kết thúc trong tâm trí. Đó là khả năng nhận thức. Nghĩa là, tầm nhìn được đúc kết bởi sở kiến, sở học, sở tài, và sở thích. (Ghi chú 3: Sở không phải sờ. Nếu chỉ sờ kiến, sờ học, sờ tài, sờ thích, thì không thể có nghệ thuật, mà chỉ có nghề thuật.)

Chắc sẽ có một số bạn khi đọc đến đây sẽ tự nghĩ, tầm nhìn nghệ thuật, cái thứ không phải cơm, không phải tiền, không phải tình, biết là gì cho mệt, mất thời giờ.

Đúng, hoàn toàn đúng.

Nhưng muốn ăn cơm ngon, phải có nghệ thuật gia chánh và nghệ thuật ẩm thực. Muốn làm nhiều tiền, phải có nghệ thuật giao tế, nghệ thuật tổ chức, và lẫn lộn đâu đó một nghệ thuật lửa đảo. Muốn có ái tình, dù hạnh phúc trăm năm hay một giờ, phải có nghệ thuật tâm lý, nghệ thuật vật lý, (trong vài trường hợp, cần phải có thêm nghệ thuật đô vật.)

“Phải có nghệ thuật” nghĩa là, tầm nhìn nghệ thuật rất quan trọng, vì nó làm cho nghệ thuật sống bay bổng hơn, sâu rộng hơn, và nhân tính hơn. Tầm nhìn nghệ thuật sẽ cống hiến cho mỗi người những cảm giác và phần thưởng khoan khoái trong đời sống hàng ngày: Như nấu bún bò nước trong, giò heo trắng, thơm ngon hơn bún bò ở quán huế Nam Dao; như đánh phớt một chút phấn trắng lợt lên sóng mũi, khiến cho mỹ nhân có mũi dọc dừa; như vào đám đông ăn nói hấp dẫn mang nụ cười đến cho thiên hạ; nhìn thấy phẩm chất mà không bị lừa lọc bởi giả mạo, giả hình …Nhà văn Neil Gaiman nói, “The world always seems brighter when you’ve just made something that wasn’t there before.” (Dường như cõi sống sẽ luôn luôn tươi sáng hơn khi bạn vừa tạo ra sự việc gì đó, chưa từng có trước đây.) Ở cấp bậc bình thường “chưa từng có” là đối với mình, (có nghĩa, mình đã vượt qua mình một chút. Ở cấp bậc cao, “chưa từng có” thuộc về sáng tạo, như các họa sĩ lập thể vẽ một người có ba bốn mặt.
 
HƯỚNG  NGHỆ  THUẬT
 
Cõi nghệ thuật tuy mông lung nhưng không phải hỗn loạn, càng không phải hỗn mang. Không ai biết được giang sơn của nghệ thuật bao lớn, gồm có những thứ gì, nhưng người ta có thể chọn những hướng đi khác nhau trong nghệ thuật. Đối với những người chọn hướng đi, có thể gọi là những kẻ thám hiểm, muốn khám phá một vùng đất mới hoặc những điều gì mới, nhưng đối với nghệ thuật, những người đó chỉ là những kẻ đi trong đêm tối bất tận. Người này vớ được khúc cây, người kia vớ được viên đá, mỗi người mày mò tìm được một thứ gì để làm đẹp. Với tài năng riêng, người này biến khúc cây thành cây Ỷ Thiên Kiếm, chém sắt như chém bùn. Người kia hóa viên đá thành con mắt của ba chị em mù Graeae trong thần thoại Hy lạp.

Trên đường phiêu lưu theo một hướng lớn, họ sẽ phải chọn một hướng nhỏ hơn, rồi tiếp tục đi, sẽ chọn một hướng nhỏ hơn nữa … Tuy cùng phát xuất, nhưng dần dần, họ tách rời và khác biệt nhau, càng lúc càng riêng rẽ. Cuối cùng, mỗi nghệ sĩ trung thực là nghệ sĩ mang tâm hồn đơn độc. Nếu đi cùng một hướng lớn mà cò khác biệt nhau như vậy, huống hồ chi đi khác hướng lớn. Có thể quả quyết, nghệ thuật chân chính là nghệ thuật khác biệt nhau. Còn nghệ thuật cao kỳ là từ nghệ thuật khác biệt đó biến hóa một cách khác biệt hơn. Quan điểm nghệ thuật cao kỳ sẽ liên quan đến tầm nhìn nghệ thuật thông thiên. (Ghi chú 4: Tầm nhìn thông thiên dành cho những nghệ sĩ tài hoa thượng hạng. Họ có khả năng quan sát toàn thể và chi tiết cùng một lúc và khả năng siêu nhận thức nhạy bén, vượt sâu vào bản sắc của sự vật đối tượng. Thông thường họ nhìn thấy những gì trước đó chưa ai nhìn thấy.)


Sự chọn lựa hướng đi, thoạt nghĩ, tưởng là do hấp lực và bối cảnh bên ngoài, nhưng chính xác hơn, mạnh mẽ hơn, chính là động lực bên trong. Bẩm sinh, mỗi người đều có mầm nghệ thuật, tức là ý muốn làm đẹp. Mầm này lớn lên trong môi trường gia đình, học đường, xã hội, sẽ nẩy nở khác nhau. Sau đó tài năng riêng sẽ nuôi dưỡng những cây này nở hoa, mọc gai, đủ dạng đủ hình. Người khéo tay có thể trở thành nhà điêu khắc, thợ mộc, họa sĩ… Người khéo miệng có thể trở thành luật sư, mục sư, thầy giảng, ca sĩ… Người khéo chữ có thể thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo… Rồi sự phức tạp sẽ biến hóa nghệ thuật trong chi tiết, ví dụ như người khéo tay và khéo luôn chân, có khả năng trở thành người hát xiệc. Khéo tay, khéo miệng, có thể làm ảo thuật. Khéo miệng và khéo lừa có thể làm chính trị gia. Người khéo chữ mà dở chân, có khả năng trở thành nhà văn, chuyên ngồi viết lách. … Dĩ nhiên chọn lựa hướng nghệ thuật là một cấp bực cao hơn những nghề nghiệp bình thường, nhưng bắt nguồn từ những động lực đã thành hình đó, người nghệ sĩ sẽ cảm nhận được hướng đi phù hợp với sở học và sở thích. (Những ai chọn lựa hướng nghệ thuật vì những lý do khác, nhất là lý do bắt chước, thường sẽ không có kết quả.)
 
PHẠM  VI  NGHỆ THUẬT
 
Không một ai có thể hiểu biết hoặc thực hành hết các diện, nhất là các điều bí ẩn, của nghệ thuật. Mỗi người thưởng ngoạn cũng như sáng tác chỉ có thể chiếm hữu một phạm vi nào đó mà thôi.

Nói đến phạm vi này là nói đến từ một cá nhân mở rộng ra, sâu hơn, cao hơn, lớn hơn, có vẻ như mở mãi đến vô tận, nhưng không phải, vì muốn mở chậm, mở nhanh, mở bao nhiêu tùy ý, nhưng tắt thở là hết mở. Phạm vi nghệ thuật của một người bị giới hạn tuyệt đối bởi thời gian người đó sống.

Giới hạn tương đối là sở thích: Nghệ thuật là vợ hoặc chồng lẻ (đôi khi trở thành chính, nhất là những người độc thân), sau khi chọn lựa, người nghệ sĩ chân chính sẽ trung thành đến răng long tóc bạc. Nếu không hợp sở thích, thí làm sao tránh khỏi ly thân. (Trong nghệ thuật ít có ly dị, rất nhiều trường cảnh ly thân. Lâu lâu, vẽ một bức tranh. Thỉnh thoảng làm bài thơ. Đang viết truyện ngắn, có ai rũ đi ăn tiệc, nhảy đầm, là tạm biệt chữ nghĩa. Vẫn là họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, nhưng không có tác phẩm xứng đang với tên gọi, hoặc, đúng hơn, không có phẩm chất kẻ sĩ.)

Giới hạn tương đối là sở học: Kiến thức là phương tiện, hiểu biết là sức mạnh. Có sức khỏe để sử dụng  phương tiện tốt, hiện đại, và hữu hiệu, thì mới có thể khai phá, khuếch trương phạm vi rộng lớn, vừa sâu vừa cao. Quan trọng nhất trong sở học là kinh nghiệm. Không chỉ kinh nghiệm đã từng trải qua chuyện này, việc kia, (kinh nghiệm sống), mà còn là  kinh nghiệm về phương tiện sử dụng và kinh nghiệm về hiệu quả của sức mạnh hiểu biết, (kinh nghiệm về kinh nghiệm, tức là kinh nghiệm tự thức.) Gần giống như người làm vườn, biết mùa nào nên trồng hoa nào; biết cây nào cần trồng ở hướng nào; nhưng ông ta biết luôn ưu điểm khuyết điểm của cái cào, cái xẻng, cái cuốc và biết rõ bắp thịt và xương sống ở tuổi ba mươi khác với bảy mươi.

Giới hạn tương đối là sở tài: Nếu có tiền mua tiên cũng được thì có tài không ai theo kịp. Khả năng làm đẹp, làm hay, làm gia tăng ý nghĩa của mỗi người là đặc thù, gọi là tài năng. Tùy vào tài năng lớn hoặc nhỏ; dài hay ngắn, cao hay thấp mà phạm vi nghệ thuật sẽ thể hiện tương xứng. Tài năng do bẩm sinh nhưng hoàn thành bởi luyện tập. Anh mỹ đen dẫn đầu đội bóng rổ chuyên nghiệp, lúc còn nhỏ đã giồng banh chạy khắp đường phố, khắp sân chơi. Vào tiểu học chơi banh giỏi, được tuyển lên trung học; chơi banh giỏi, được tuyển lên đại học; tiếp tục chơi banh vượt trội, được tuyển vào hàng cao thủ nhất của các đội banh chuyên nghiệp.

Giới hạn tương đối là sở dụng: Có tài không chưa đủ. Cần phải biết tài mình đến đâu trong thực tế (không phải trong ảo tưởng); cần biết tài này dùng để làm gì. Một người giỏi leo cây, nhưng ghi danh đi bơi thi, e rằng khó được toại nguyện. Một người giỏi làm hề, khi thất nghiệp, xin làm phu khóc mướn trong đám tang, làm sao thành công? 

NHẬN THỨC  VÀ  SIÊU  NHẬN  THỨC  NGHỆ THUẬT
 
Nhận thức hiểu một cách bình thường là cảm nhận có ý thức. (Vì có cách hiểu cao kỳ hơn, do các nhà tư tưởng suy luận và quy định giá trị cho vai trò nhận thức, một cách khó hiểu. Thường dân như chúng ta chưa cần tìm đến.)
Xem bức tranh, nhận thức được điều gì? Nỗi tuyệt vọng của người da đen bị kì thị. Siêu nhận thức cho ta hiểu điều gì? Đối với da trắng cực đoan, da đen da vàng đều là da màu. Nhắc nhở, chúng ta, không phải da trắng, dù da trắng ôn hòa.

Kilroy J. Oldster nói, “Bộ não con người hoạt động như một bộ đơn thuần chuyển đổi năng lượng. Các giác quan luôn luôn cảnh giác khi ta gặp nguy hiểm. Ngược lại, khi tương đối an toàn và bảo đảm, các giác quan có khuynh hướng ơ hờ, khiến cho thế giới trôi qua như giấc mơ mờ ảo bao gồm những ấn tượng vô nghĩa. Khi nội tâm rối loạn, khiến năng lượng trào lê não. Một bộ não biến động tự ý là một bộ não nghệ thuật. Sẽ hữu ích cho sáng tác bất cứ khi nào người viết bị đau buồn hoặc cảm nhận nội tâm có gì đặc biệt. Chấn thương đánh thức chúng ta khỏi cuộc sống an thần. Não được kích hoạt để thể hiện mức nhạy cảm cao độ hơn mức cảm nhận kết hợp, việc này tạo cho cuộc sống tràn ngập sự đa dạng của âm thanh, màu sắc, cảm giác xúc giác, vị giác và mùi hương,” Đoạn văn trên phác họa hệ thống giác quan và não bộ sinh hoạt liên hệ hỗ tương để cho con người cảm nhận những giá trị chung quanh đời sống. Những cảm nhận này thuộc về nhận thức. 

Nhận thức là nhìn thấy rõ ràng sự việc gì đó bằng tinh thần. Thu thập sự tình, đối tượng qua các giác quan bên ngoài, rồi phác họa thành hiểu biết hoặc được kinh nghiệm hỗ trợ để cảm nhận ý nghĩa. Siêu nhận thức xuất hiện như một sự nhạy cảm, một tương thông sâu sắc hơn. Siêu nhận thức là một phần của nhận thức, một phần tinh anh. Như một thám tử dày kinh nghiệm và có nội lực đã phá nhiều vụ án khó, bước vào hiện trường nơi án mạng xảy ra. sau khi đi lòng vòng tìm kiếm chứng cớ với đồng nghiệp. Ông nhận thức được nạn nhân bị giết bởi một nguyên nhân không thể tìm thấy. Thân thể nguyên vẹn. Thậm chí, mặt mày tươi tỉnh. Trong lúc đang điều tra, bất chợt ông nhìn thấy cây kim may nhỏ nằm trong góc tường. Nhìn đầu kim có chất đen, ông hiểu ngay nguyên cớ vì sao cô ta đã chết.

Sự phối hợp giữa nhận thức và siêu nhận thức xác định tầm nhìn nghệ thuật của một người. Dĩ nhiên, một người sống không nhất thiết phải biết nghệ thuật, như những sinh vật khác, đâu cần nghệ thuật, vẫn sống rồi chết. Nhưng nếu có tầm nghệ thuật cao, trước khi chết, người đó mọc đôi cánh vô hình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.