Hôm nay,  

Nhà Văn Huy Phương Đã Ra Đi

28/02/202216:31:00(Xem: 2287)

Tưởng niệm:

huyp
Nhà văn Huy Phương [1937-2022].



Người lớn tuổi thích nghe tin vui hơn tin buồn, nhưng người lớn tuổi quen nhiều nên không thể tránh được nghe tin buồn.

 

NHÀ VĂN HUY PHƯƠNG

 

Nhà văn Huy Phương, sĩ quan tâm lý chiến, định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Từ khi định cư ở Hoa Kỳ, anh hoạt động tích cực trong những sinh hoạt cộng đồng. Anh viết cho báo Người Việt, làm cho đài truyền hình SBTN, có chương trình mỗi tuần nói về lính, hoạt động trong hội H.O. cứu trợ thương phế binh, cô nhi quả phụ ở Việt Nam. Anh ít nói, trầm ngâm, làm nhiều hơn nói. Cố trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhân thường khen anh chị em cựu quân nhân trong hội có lòng lắm và làm việc tích cực, trong đó có nhà văn Huy Phương. Vợ anh Huy Phương, bà Phan Thị Điệp rất hiền, vui vẻ, niềm nở với tất cả mọi người mỗi lần có ai đến nhà thăm, chúng tôi nhìn thấy nụ cười thật tươi của chị khi ra mở cửa.

 

Điều đặc biệt của nhà văn Huy Phương là giúp ai được thì giúp ngay không cần đợi người ta nhờ. Gặp nhà văn Huy Phương thường xuyên ở đài SBTN trong những buổi họp mặt hay trong lúc thu hình, ở bất cứ nơi nào trong những tiệc họp mặt hay sinh hoạt cộng đồng, nhà văn ít nói, ít cười, trầm ngâm như suy nghĩ điều gì đó, nhưng khi nhà văn cầm bút thì thận trọng từng chữ, từng dòng. Có lần tôi nói với nhà văn rằng thi sĩ Chinh Nguyên, chủ tịch Văn Thơ Lạc Việt ở San Jose muốn gom một số bài của tôi đã viết để in thành tuyển tập, nhà văn Huy Phương nói ngay lập tức: “Tôi sẽ viết tựa cho.”

 

Nhà văn lớn tuổi nhưng nhanh như gió, mấy ngày sau anh gởi cho tôi bài anh viết ngắn nhưng đầy ý nghĩa, đó là tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường đã in ấn xong. Khi có sách, tôi đem đến tận nhà tặng anh. Anh đang nằm trên giường bệnh.

 

Chị Huy Phương nói: “Cô Kiều Mỹ Duyên đến thăm anh và tặng sách cho anh.”

 

Anh nhỏm đầu dậy và đưa tay cầm tuyển tập trên tay.

 

Tôi nói: “Cảm ơn anh, bài tựa của anh đã đăng trên trang này.”

 

Anh yên lặng nhìn tuyển tập của tôi. Bài anh viết cho tôi được đặt trang trọng trong tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường như lời người tri kỷ hiểu thấu tâm tư của người viết: “Kiều Mỹ Duyên – cô phóng viên tài tử mà tôi được biết”. Lý do nhà văn đưa ra là:Đối với Kiều Mỹ Duyên, phóng viên không phải là một nghề để mưu sinh mà là một sở thích, một sở thích cô không rời bỏ được. Gọi là ‘phóng viên tài tử’ vì tựu trung đây không phải là cái nghề nuôi được cô, nhưng cô đam mê nó đến cuối đời lưu lạc. Tuyển tập Kiều Mỹ Duyên chính là những gì được ghi lại của một tấm lòng hoài niệm và mang ơn của một đứa con lưu lạc nơi quê người.”

 

Tôi nói: “Anh cố gắng khỏe nhé, bạn bè cầu nguyện cho anh mau khỏi bệnh.”

 

Hình cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trên tường, thấy tôi nhìn chăm chú hình Hồng Y, chị Huy Phương giải thích: “Hình này là của Đức Hồng Y tặng cho anh Huy Phương.”

 

Nhà văn Huy Phương ngày thường ít nói, khi bệnh lại ít nói hơn. Anh chỉ nghe và thỉnh thoảng gật đầu.

 

h02

Nhà văn Huy Phương và hiền thê Phan Thị Điệp.

(Ảnh do Kiều Mỹ Duyên chụp hôm đến thăm nhà văn 30/04/2021).

 

Khi nhà văn Huy Phương bệnh, tôi chỉ thăm được vài lần. Ở Mỹ, muốn đến nhà ai phải hẹn trước, nhất là đi thăm người bệnh. Nhà văn Huy Phương quen biết nhiều, bằng hữu của anh chị ở khắp nơi trên thế giới, bệnh nhân thì cần được nghỉ ngơi, gọi điện thoại không bao giờ nghe trả lời. Những lần tôi đến nhờ sự may mắn, lần thứ nhất tôi thấy cửa nhà xe để mở vì có người đang sửa sang nhà cửa, lần thứ hai đi thăm anh chị cũng cầu vào sự may mắn của mình. Lần đó thì có các cháu của anh chị đến thăm, cho nên tôi vừa gõ cửa, cửa mở. Mỗi lần thăm viếng không quá 7 phút. Tâm niệm của tôi là phải để cho bệnh nhân nghỉ ngơi, cầu nguyện là quan trọng cho nên tôi cầu nguyện cho người quen nhiều hơn là đi thăm.

 

Chị Huy Phương chăm sóc cho nhà văn rất chu đáo, nhưng bệnh nhân càng ngày càng gầy, lần thứ nhất chúng tôi đến thăm với lần sau khác nhau. Con của anh chị học rất giỏi và hiếu thảo: con trai Lê Nguyên Phương, và hai con gái là Lê Quý Phương và Lê Đông Phương. Nhà văn Huy Phương thật có phúc về già có người bạn đời kề cận bên anh, và sống cùng với con cháu, đó là điều có phúc của người già. Về già mà có người bạn đời bên cạnh thật phúc đức biết chừng nào? Nhà văn Huy Phương có vợ hiền, con ngoan, về già được sống với vợ, con và cháu của mình, thật còn gì hạnh phúc bằng?

 

Bằng hữu trong nhà binh rất thương anh. Khi thăm anh chị, trên đường về tôi thầm nhủ sống để cho đồng hương thương thì khi có mệnh hệ nào được nhiều người cầu nguyện, thế là đủ rồi.

 

Nhà văn Huy Phương ngoài viết báo, làm tivi, còn làm cho đài phát thanh ở D.C., đó là đài Việt Nam Hải Ngoại của kỹ sư Ngô Ngọc Hùng, Hệ Thống Saigon Nhỏ (cô Hoàng Dược Thảo chủ đài), đài Phát thanh Việt Nam (Oklahoma) và đài truyền hình SBTN trong chương trình “Huynh Đệ Chi Binh”. Khi Ngô Ngọc Hùng qua đời vì dịch cúm Covid–19 thì đài tắt tiếng. Mỗi lần nói chuyện với nhà văn Huy Phương chúng tôi thường nhắc đến đài này. Nhà văn thường nói làm một đài radio hơn 20 năm biết bao công sức nhưng khi người chủ trương qua đời, không có người tiếp nối thì đài tắt tiếng, thính giả rất thương tiếc người chủ đài đã qua đời và tiếc nhớ một đài có tiếng nói của người Việt quốc gia.

 

Nhà văn Huy Phương viết và in rất nhiều sách, điều này làm cho nhiều người ngưỡng mộ. Những quyển sách của anh đã xuất bản: Chân dung H.O, 50 năm cầm bút, Ga cuối đường tàu, Quê hương khuất bóng, Nước non nghìn dặm, tạp ghi Hạnh Phúc Xót Xa, tuyển tập Như một lời chia tay. Tuyển tập Huy Phương, những bài viết ưng ý của 50 năm cầm bút, lời tựa "Như Một Lời Chia Tay", làm mọi người rơi lệ. Tuyển tập này xuất bản năm 2020. Vừa phát hành, anh tặng cho tôi tuyển tập này và nói: “In sách vào thời buổi này không đúng thời!”

 

h03

Tuyển tập NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY (2020).

 

Sở trường của nhà văn Huy Phương là thể loại tạp ghi, viết về sinh hoạt và tâm tình của người Việt trên đất Mỹ: Tường cao, sông rộng, biển mênh mông, Giác mơ Mỹ, Các hội đồng hương, ái hữu, người Việt ở Mỹ, Người Việt đất Mỹ, Đừng nghe..., Tha phương cầu thực, Giải cứu Việt Nam, Đảng và dân, ai tớ, ai thầy?, Hai tiếng Việt Nam, Kẻ sĩ thời nay, Phong trào xin lỗi Việt Nam, Nghìn năm bia miệng, Vĩnh biệt bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Quân tử và kẻ tiểu nhân, Bắc cầu hay xây tường?, Xin hãy công bằng với nước Mỹ, v.v.

 

Người đi thì đi đã đi rồi, nhưng nhà văn Huy Phương vẫn còn ở đây, ở với gia đình, người thân và bằng hữu.

 

Những tác phẩm của anh có mặt trong thư viện Hoa Kỳ, thư viện các trường đại học, thư viện trong thành phố. Anh vừa nằm xuống là có bao nhiêu bài viết thương tiếc anh và rất nhiều người cầu nguyện cho anh, cho anh yên nghỉ thanh thản.

 

Anh đã trăng trối với vợ con không được phủ Quốc Kỳ trên quan tài của anh, Quốc Kỳ chỉ phủ trên người lính chiến hy sinh ngoài mặt trận.

 

Xin hồn thiêng của nhà văn Huy Phương hãy mỉm cười ở cõi vĩnh hằng, vì bằng hữu của anh vẫn tiếp tục viết, viết để bênh vực những người không có tiếng nói trong nước, viết vì Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải cho Việt Nam.

 

– Kiều Mỹ Duyên  

(Orange County, 28/02/2022)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mấy hôm nay có những cơn mưa kèm theo gió mạnh buổi chiều kéo dài đến khuya, báo hiệu sắp hết mùa Hè. Tôi lại nhớ tuổi trẻ của mình những năm đầu “lập nghiệp” vào mùa tựu trường...
Nói về "giàu nghèo" là nói về một vấn đề rất tế nhị bởi vì nó đụng đến đồng tiền. Mà đồng tiền luôn luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Nhưng đó là điều cần phải làm vì mấy ai có thể nói mình biết quản lý tốt đồng tiền...
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.