Hôm nay,  

Trôi Về Đâu Đôi Mắt Thuyền Thuở Nọ

15/02/202210:27:00(Xem: 2971)

Truyện ngắn

mat thuyen 

1.

 

Thuở bé, nhà ở gần vùng sông nước, cái khúc sông nhỏ, mở rộng ra vịnh biển, là nơi ghe thuyền ghé lại, nghỉ ngơi hay sửa chữa, chuẩn bị cho chuyến ngược thương hồ, hoặc chuyến hải hành xa...

 

Ghe thuyền từ miền Tây xuôi về, mỗi chiếc thuyền là một gia đình nhỏ với đủ vợ chồng, con cái nên mọi sinh hoạt đều diễn ra trên ghe, thuyền. Ghe miền biển thì hội tụ những bạn chài lưới, cùng chung đi biển và thường là những chiếc ghe lớn, chạy bằng máy dầu với mã lực lớn. Những bạn chài, làn da nâu đen bóng, lực lưỡng với những bắp thịt săn chắc, cuồn cuộn, khi kéo dây neo, dây buồm hoặc giũ lưới. Phần đông đều hiền lành, chất phác và rất thích trẻ con, nên đám trẻ con trong xóm thường hay lân la ra làm quen, đổi giùm can nước, mua bao thuốc, lít dầu lửa... và thường được trả công hay cho không vài con cá nục, bạc má hay những con mực khô một nắng, để lên bờ xúm xít đốt lửa, nướng ăn rồi chia phe làm Dã Tượng, Yết Kiêu, khuấy ngầu đục một khúc sông quê.

 

2.

 

Mười mấy tuổi, mới lên học bậc trung học vài ba năm, tôi bỗng có ước mơ bay cao, đi xa, và thường hay lén ngắm nhìn những lưng áo bà ba, với mái tóc đen dài được vén qua một bên, khoe phía sau khoảng cổ trắng ngần, mà trong sách vở hay gọi là “trắng như bông bưởi” của những cô con gái miền sông nước, từ Nam Kỳ Lục Tỉnh ngược lên, hay ngồi ở cuối ghe thuyền, vo gạo, nấu cơm, hay làm một việc gì đó. Trong những chiếc ghe miền Tây, có một chiếc ghe của chú Năm Tài, vợ mất sớm, chú đi ghe cùng với đứa con gái, chắc cũng độ tuổi tôi, lại thích đọc chuyện tàu như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thủy Hử... bởi lý do đêm đêm, cô bé thường phải chong đèn đọc truyện cho... cha ngủ! Và tôi là người mang những quyển truyện dày mo, quăn queo mép góc ra đổi cho chú, hoặc đạp xe ra chợ thuê những quyển mới theo yêu cầu của chú Năm Tài. Lần nào ghe chú cặp bến, người đầu tiên cô bé con chú Năm Tài tìm gặp chắc chắn phải là tôi!

 

Một lần lên ghe chú Năm, không gặp Trâm, con chú. Thấy chú ngồi gần mũi thuyền, lui cui sửa soạn một bó cần câu, tôi mon men đến gần để hỏi chuyện. Cúi nhìn mũi thuyền ghếch lên gò cao, một bên hình con mắt tròn xoe, tròng đen tròn, che gần hết con mắt. Nhìn phía xa, gần cuối khúc sông, có một chiếc thuyền lớn lườn sơn màu đỏ, xanh. Mũi thuyền với đôi mắt dẹt, tròng đen kéo dài theo con mắt, như đang nháy mắt cho câu hỏi tò mò đang lóe trong đầu tôi. Đưa tay thòng xuống che con mắt ở ghe chú Năm Tài, tôi hỏi:

 

– Ủa, sao con mắt ghe chú Năm thì tròn xoe, còn con mắt ghe kia thì lại dẹt, lạ vậy chú?

 

Chú Năm nhìn tôi và khoát tay:

 

– Mày bỏ cái tay ra ngay! Đó là điều cấm kỵ đó nhen?”

 

Nhìn thấy tôi rụt tay ngơ ngác, chú Năm cười hề hề, giải thích:

 

– Phàm bất cứ chủ ghe thuyền nào cũng không thích người lạ, lấy tay rờ vào hoặc che con mắt thuyền của mình, vì sợ người ta thuê ếm thuyền, vì con mắt là nơi linh thiêng của ghe thuyền, nhờ nó mà không sợ thủy quái làm hại, hay chạy được an toàn, bình yên. Chắc mày hiểu chớ? –  Tôi gục gặc đầu với giải thích của chú. – Còn con mắt thuyền, thì tùy theo tín ngưỡng, phong tục tập quán, mà có những hình dạng khác nhau. Người có kinh nghiệm đi biển hay sông nước, chỉ nhìn hình hai con mắt ghe thuyền mà biết được chủ nhân của nó ở vùng miền nào, ví dụ ghe lưới vùng Phước Hải, Bà Rịa, Vũng Tàu, mắt tròn, hơi dẹt, có vẽ hình âm dương giữa thân ghe. Mắt ghe ở Phước Hải, Phước Tỉnh cũng giống như vậy. Ghe bầu Mũi Né, Bình Thuận, mắt dẹt, dài, đuôi tròng nhọn về phía sau. Ghe câu Bình Thuận mắt rất dẹt, bầu, hơi cong và nổi bật. Mắt ghe đua vùng Phan Thiết giống hình mắt phượng đuôi dài, tròng tròn, viền vàng, tạo cho ghe cái vẻ sắc sảo, tự tin, chiến thắng. Ghe câu Phan Rang mắt dẹt, dài và lớn hơn mắt ghe ở Bình Thuận... Ghe thuyền miền Tây, phần lớn cùng chung đặc điểm là mắt tròn, tròng đen, nhãn trắng, mang ghe được trang trí nhiều kiểu khác nhau với đường viền trắng chạy xung quanh. Như mày thấy ở ghe của tao đó! Có khi cũng khác nhau chút đỉnh như ghe của vùng Trà Vinh mắt có độ lớn vừa phải, tròng đen với hình ôval nằm ngay tâm mắt. Mắt ghe vùng An Giang có hình elip, tròng rất nhỏ, nằm gần về đầu mắt, mang ghe sơn màu xanh dương. Ghe vùng Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Giang, vịnh Thái Lan thường có mắt tròn, sơn đen và đỏ trên nền xanh, nhưng lại nhìn cúi xuống như ghe câu Phú Quốc chẳng hạn. Các loại ghe hàng, thường gọi là “ghe Kiên Giang” gốc Rạch Giá, hoạt động từ Rạch Giá đến Vũng Tàu, mắt tròn lớn và gần nhau, nằm sát lô mũi. Ghe của miền Tây có mũi nhọn, mắt tròn to, có ghe vẽ hình âm dương nơi vị trí mắt thuyền. Ghe vùng Mỹ Tho,Tiền Giang, hai con mắt chạy sát về trước mũi thuyền, v.v...

 

Tôi ngồi chăm chú lắng nghe, như nuốt từng lời của chú Năm Tài, không ngờ ông chủ thuyền mê truyện tàu này lại có vốn kiến thức về ghe thuyền phong phú quá vậy. Buột miệng tôi khen chú:

 

– Chú Năm nói như thầy giáo giảng bài vậy!

 

– Ối, thì tao cũng chỉ đọc lóm trên sách báo vậy mà! –  Chú Năm Tài húng hắng nói.

 

Mặt trời chếch bóng về phía tây, như giăng mắc một mẻ lưới màu nắng quái, đỏ hồng phía cuối vịnh biển, tôi xuống ghe chia tay chú Năm về nhà. Gần tới khúc cua, ngang những bụi dứa gai, tôi ngoái đầu nhìn lại đôi mắt trên ghe của chú Năm. Một đôi mắt tròn xoe, long lanh. Bất ngờ một vật gì đó đâm mạnh vào người tôi. Tôi chỉ kịp thấy đôi mắt to đen tròn của cô bé Trâm và chiếc xe đạp mi-ni, ủi thẳng vào tôi. Người Trâm lao theo tốc độ của chiếc xe chạy xuống dốc, cả khuôn mặt và đôi môi mềm mại, rát mặn đập vào mặt tôi. Cả bầu trời hoàng hôn ráng đỏ như xập xuống, đè cả hai đứa.

 

Không biết đến bao lâu, tôi lồm cồm gượng ngồi dậy, còn Trâm thì ngất lịm, bên chiếc xe đạp vênh vao, cong vành, thảm hại.

 

3.

 

Tôi xa bến sông, xa cả vùng sông nước và biển cả bao la, dạt dào con sóng của thời mới lớn vì sự học và đường công danh. Tôi đã gặp và nhìn ngắm nhiều đôi mắt, song đôi mắt tròn to, tròng đen gần chiếm đôi mắt thì lâu lắm rồi không gặp lại. Cô bé Trâm ngày ấy, chắc giờ đã trở thành bà nội, bà ngoại. Chiếc ghe của chú Năm Tài, giờ chắc cũng đã cũ kỹ, già nua lắm rồi. Có khi đã lên bờ làm bạn cùng với cát bụi. Chiều nay, trên bến thuyền xưa cũ, giờ đã trở thành một cảng cá, đông vui, tấp nập. Hàng chục chiếc thuyền neo đậu vào nhau san sát, dập dềnh trên sóng nước. Những con mắt hình oval, hình elip, dài dẹt... nhìn tôi như mỉm cười. Song đôi mắt thuyền xưa, tròn to, lay láy đôi tròng đen, thăm thẳm đã không còn. Biết trôi về đâu một đôi mắt thuyền lung linh kỷ niệm?

– Trần Hoàng Vy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ và trên toàn thế giới đang tiến tới một cột mốc quan trọng: 50 năm ly hương kể từ sau biến cố Tháng Tư Đen 1975. Nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện có liên quan đến sự kiện này. Tại đại hội điện ảnh Viet Film Fest 2024 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10, bộ phim đoạt giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất là New Wave của nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Bộ phim tài liệu này ghi nhận lại một hiện tượng âm nhạc quan trọng của thế hệ người Việt trong thập niên 1980s: dòng nhạc new wave. Thế nhưng bộ phim không chỉ dừng lại ở khía cạnh âm nhạc, mà đào sâu hơn vào mâu thuẫn trong những gia đình Việt Nam trong những ngày đầu định cư ở Mỹ.
Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.
Để ta cùng vượt thời gian, không gian. Một trăm năm nữa, nếu có cơ duyên hội ngộ, vẫn chuyện trò tự nhiên, vui vẻ, như từng gặp gỡ tự bao giờ. Vui vẻ, vì cả đời chỉ thích viết văn, làm thơ. Viết văn, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn cố gắng viết vui, cho bạn đọc đỡ nản. Nay tự nhiên lâm cảnh ngặt nghèo, phải đem chuyện vật lý, khoa học, Vũ trụ càn khôn, vừa nhàm chán vừa khó hiểu, ra trình làng… nên càng phải cố viết vui, viết giễu. Để may ra vớt vát được phần nào.
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.