Hôm nay,  

Xương Rồng Trổ Hoa

06/12/202121:46:00(Xem: 2743)

xuongrong_1

Weihnachtskaktus, xương rồng Giáng Sinh

 

Tối thứ Bẩy, thời giờ thừa thãi. Trời đang giữa đông, tôi chưa thể bận rộn với đám hoa lá cành ngoài ban-công. Chồng con tôi đang xem phim. Chẳng rõ phim gì, với những màn đua xe ầm ỹ và những khuôn mặt đằng đằng sát khí. Nhẽ ra, tối nay chúng tôi đi xem văn nghệ. Cu Tí đã đồng ý ở nhà một mình, để ba mẹ “du dương” buổi tối. Bao lâu rồi, hai tụi tôi chẳng hề đi đâu chơi, “chung mà riêng” một bữa. Chúng tôi chỉ có thể xem chung phim gián điệp 007 mà thôi. Phim nào tôi thích, chồng tôi ngủ gục. Phim nào chồng tôi thích, lại nhiều xốt cà chua và tiếng bắp rang, tôi sợ gặp ác mộng. Thật ra, phim gián điệp 007 cũng nhiều màu đỏ và rất ồn ào tiếng súng. Nhưng đối với tôi, phim thuần là xạo, mua vui được vài tiếng đồng hồ, không cần nghĩ ngợi chi xa xôi. Ra khỏi rạp, tôi quên gần sạch bách nội dung phim. Tôi cứ chuyện nọ xọ chuyện kia. Bổn-phận-sự của James Bond, dù trong From Russia with Love hay Tomorrow Never Dies là uống rượu mạnh, chỉ lắc chớ không khuấy, gặp vài nhân vật nữ, giai nhân tuyệt thế, hát bài anh là lính đa tình, trăm trận trăm thắng... Vậy thôi. Cho nên, chu kỳ đi xi-nê chung của vợ chồng tôi phụ thuộc vào tốc độ sản xuất phim này của hãng. Tức là trung bình hai năm một lần, chàng nàng mới dung dăng dung dẻ, dắt nhau đi xem chuyện phim... vui. Phim mới nhất của hãng, Die Another Day, chúng tôi không đi coi chung. Bây giờ có DVD, chồng tôi cắt nghĩa, kỹ thuật hình ảnh rất cao, cộng thêm hệ thống dolby surround gì gì đó, âm thanh thượng hảo hạng. Phim chiếu ở rạp xong, chờ vài tháng, các tiệm cho mướn. Về nhà, vừa coi, vừa ăn bánh phồng tôm, bò khô. Khỏi phải trời đông lạnh lẽo, khăn áo ra rạp mà chẳng ăn uống chi, buồn miệng. Mướn phim tối thứ Bẩy, sang Chủ Nhật vẫn có thể chiếu thêm một suất nữa, hoặc chiếu thường trực. Tôi có thể vừa coi, vừa xếp áo quần, vừa lau chùi kệ tủ. Khi chồng tôi hỉ hả “trình chiếu”, tôi lẩm nhẩm tính, nếu xem phim, mất đứt gần ba tiếng đồng hồ. Tôi còn cả đống việc phải làm. Thôi, để mai vậy, tối nay phải lo sắp xếp cho xong tủ lạnh, đồ ăn hàng hàng. Tôi còn phải coi lại mớ hoá đơn hằng tháng. Gì chớ khi nhận thư đòi tiền, tôi đa nghi như Tào Tháo. Tin tưởng thì tốt, nhưng kiểm soát tốt hơn. Tôi đang mê mẩn Lộc Đỉnh Ký, đến đoạn Vi Tiểu Bảo cùng với Song Nhi lên núi Ngũ Đài tìm vua Thuận Trị, rất hấp dẫn. Khuya nào, tôi cũng luyện cho đến khi hai mắt chống không lên... Bao nhiêu lý do chính đáng buộc tôi phải để chàng 007 chờ. Tự nhiên tôi hiểu ra, tôi nào có mặn mà gì với mấy điệp vụ bí hiểm của James Bond. Tôi cũng chẳng “mết” Sean Connery, hay Pierce Brosnan... Chỉ vì, tôi muốn đi chơi với chồng, với người yêu thuở ấy, để hâm nóng tình cảm có nhiệt độ vào đông của chúng tôi. Thôi, đành chịu, lại bớt đi một dịp để chúng tôi “bên nhau”.                   

           

Một người bạn gởi cho tôi tờ quảng cáo đêm văn nghệ. Tôi liếc sơ tên các ca sĩ. Không có giọng ca nào tôi thích cả. Bất chợt, tôi nhìn kỹ hình những ca sĩ. À, cô tóc dài này là ca sĩ “ruột” của chồng tôi. Cô thường ca những bản nhạc mùi rệu. Tôi bị “dị ứng” với một tuyệt phẩm của cô... Từ giã thơ ngây em đi lấy chồng, người ấy nghe tin có buồn lắm không... Tôi thầm nghĩ, rất… cà chớn rằng, người ấy đâu rảnh mà buồn. Chưa kể, người ấy còn vui, khoẻ, khỏi phải lấy em. Nói chung, tôi không “ngửi” được bài hát nào cô trình bày. Ừ, tại sao tôi không rủ anh đi coi hát. Là dịp để chúng tôi đi chung với nhau. Tôi ngồi chịu trận để cô ca sĩ tra tấn... Lỡ yêu rồi, làm sao quên được anh ơi... Không chừng chồng tôi sẽ yêu cầu một bài tặng tôi. Khi cô hát Ngày xưa mưa rơi thì sao, tôi sẽ lẩm nhẩm rằng, ngày xưa ngày nay gì cũng vậy, mưa rơi, thì ướt chớ sao, hỏi vớ vẩn. Lúc giờ giải lao, tụi tôi đi vòng vòng, tìm người quen, sẽ vui lắm lắm. Tôi hân hoan đem tờ quảng cáo đưa anh, chỉ ngay “nàng” của anh:

 

    – Mình đi coi người trong mộng của anh hát nghe.

 

    – Bao nhiêu một vé vô cửa? – Anh hỏi, không có ý để mắt đến tờ chương trình sặc sỡ.

– Như thường lệ, chắc khoảng 25 đồng. – Tôi cố nói bớt, tôi đã thấy giá vào cửa in ở góc tờ quảng cáo là 32 Euro.

 

    – Giựt tiền. Hai vợ chồng đi chơi một bữa tối, ăn uống lặt vặt bay gần trăm bạc. – Anh giãy nảy.

 

    – Thì lâu lâu, mình mới đi chơi một lần mà. Hay, mình ăn ở nhà no nê, tới đó chỉ nghe nhạc. Rồi lăng quăng tìm người quen thôi. – Tôi tìm cách thuyết phục.

 

    – Thôi, đừng phí tiền không đúng chỗ. Mình phải sống tiện tặn một chút.

 

Anh chấm dứt cuộc đối thoại, xuống bếp đứng hút thuốc. Tôi buồn buồn. Hai vợ chồng đi chơi với nhau, sao gọi là phí tiền không đúng chỗ. Mà tại sao chúng tôi phải tiện tặn? Cả hai cùng đi làm. Dù không thể xem mình là người giàu, chúng tôi rõ ràng không được xếp vào tiêu chuẩn nghèo. Lúc chúng tôi định mua nhà, nghe nói thành phố có quỹ đặc biệt, cho vay với lãi suất ưu đãi. Tôi hí hửng đem giấy tờ bày ngang, bày dọc trên bàn rồi gọi điện thoại.

 

    – Vâng, chúng tôi thuế hạng 3 và 5. Thu nhập của hai năm trước hả ông? Đây, tôi đã có sẵn bảng lương trước mặt.

 

    – Trời đất, thu nhập như vậy, ông bà đâu cần trợ giúp nữa. Thôi, bà đừng tơ tưởng gì đến việc này nữa. Quên đi nhé.

 

    – Tụi tui còn nuôi con, còn trả nợ chính phủ.– Tôi thất vọng. – Ngoài ra, tụi tui đóng thuế bá thở. – Tôi ráng kèo nài, kể lể thêm, tỏ ra mình nghèo.

 

    – Này nhé, ông bà lương cao nên đóng thuế nhiều. Đóng thuế xong, vẫn dư nhiều, nên không đủ tiêu chuẩn để vay khoản đặc biệt này. Vậy là sung sướng quá rồi.

 

    – ...

 

Đề tài văn nghệ văn gừng coi như loại khỏi chương trình cuối tuần. Chồng tôi hỏi, có thích Karaoke, anh gắn microphone cho. Tôi có mê hát đâu. Tôi chỉ thích hai vợ chồng tay trong tay đi chơi thôi mà.

 

*

 

Trong lạnh lẽo mùa đông của 10 độ âm, tôi chìm giữa biển người ở phố. Nơi nơi, đèn hoa rực rỡ mùa Giáng Sinh. Ai nấy bận rộn tìm quà cáp, chất đầy dưới cây thông và tưởng tượng niềm vui của người nhận quà. Tôi đã mua cho cu Tí một mô hình Revell hàng không mẫu hạm, xem hình chụp thật sắc sảo. Cu Tí ráp xong mô hình, chắc cũng đến mùa hè. Tưởng tượng khi đang chăm chú làm việc, Tí sẽ cho tôi vai phụ tá. “Mẹ, cho con mượn cái giũa. Mẹ, cho con xin mấy cây tăm. Mẹ, Mẹ... ” Nghĩ đến lúc được con nhờ vả, tôi vui quá chừng. Món quà cho chồng đã có sẵn. Đi làm ở Paris hồi đầu tháng 12, tôi đã chọn chai Chanel Égoiste cho anh, sau khi ngửi không biết bao nhiêu mùi, từ CK Be tân thời, cho đến Lacoste cổ điển... Tôi muốn tìm thêm dĩa DVD cho anh. Phân vân, chưa biết nên mua phim gì. Mùi rượu nấu thơm ngào ngạt, tựa như mùi rượu nếp than Việt Nam trong trí nhớ của tôi. Mùi hạt dẻ ngào đường như kéo chân tôi đến những quầy hàng của chợ phiên Giáng Sinh. Tôi lơ đãng ngắm những hàng đèn cầy muôn kiểu, muôn dạng. Mắt tôi đậu hờ hững trên những món đồ trang trí cây thông. Những thiên thần có cánh bằng đất sét trắng. Những cây thông con con bằng gỗ. Những trái cầu thủy tinh đủ màu. Chân tôi dừng trước một quầy làm các con thú bằng bột muối. Con gấu trắng đội mũ quàng khăn ngồi trên xe trượt tuyết. Con hoẵng kéo xe chất đầy những quà.  Đột nhiên, mắt tôi như bị thôi miên bởi một con chuột. Con chuột bé tí, chống cằm dựa trên nửa vầng trăng. Con chuột có cái kẹp tóc thật xí xọn, cổ quàng cái khăn có chấm li ti. Miệng chuột chu ra một cách dễ ghét. Nói chung, đó là một con chuột xảnh xẹ, một con tí điệu, điệu quá chừng trời đất. Trời ơi, con chuột hớp hồn tôi rồi. Tôi cúi gần nhìn bảng giá nhỏ xíu dán nơi mặt trăng, 20 Euro. Tôi lùi lại một chút, con chuột bé tí như vậy... Cô bán hàng như đọc được ý nghĩ của tôi:

 

    – Không đắt đâu cô ạ. Tôi mất rất nhiều thời gian khi nặn con chuột này. Cô biết không, tự dưng tôi thích con chuột này quá thể, làm nó với tất cả tâm tình.

 

    – Vâng, tôi thấy con chuột như một tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ. Vừa nhìn thấy, tôi thích ngay. – Tôi đổi giọng tâm tình.– Chị à, tử vi xứ tôi có mười hai con giáp. Tôi tuổi Tý, nên thấy chuột là thích. Chị gói cho tôi con tí điệu này đi.

 

Tôi lúi húi mở ví, chỉ còn 5 Euro và mớ xu lẻ. Tôi vội vàng:

 

    – Khoan đã chị ơi, tôi không có sẵn tiền mặt. Ngày mai tôi trở lại nhé.
 

Ban đầu, tôi tính chạy lại ngân hàng. Rồi trở lại ngay, kẻo ai mua mất con tí điệu, tiếc lắm. Rồi tôi đổi ý.  Nếu “nó” và tôi có duyên nợ, “nó” sẽ ở đó chờ tôi. Dọc đường tôi chợt có ý nghĩ, tôi sẽ về kể cho chồng nghe hội ngộ của tôi và con tí điệu. Anh sẽ tặng tôi vào mùa Giáng Sinh, một món quà thật tuyệt. Tôi nhớ đến bài hát Giáng Sinh của trẻ con Đức, Lasst uns froh und munter sein... Xin cho chúng tôi tươi vui... Lòng tôi bỗng rộn ràng. Về đến nhà, cu Tí đang theo dõi chương trình Galileo. Hôm nay bận ghé phố, nên tôi không cùng con xem chương trình dành cho thanh thiếu niên. Nói chung, tôi mừng thơ thới khi Tí “cho phép” mẹ nó được tham gia vào các sinh hoạt của Tí.

 

xuongrong_2

Tí Điệu: Tranh minh họa Nguyễn Đức Tuấn Đạt.


Chồng tôi ngồi trước máy, đang bận “kinh doanh” trên hệ Ebay. Thật ra, đến bây giờ tôi thấy anh chủ yếu mãi, chứ rất ít khi mại. Góc nhà, một rổ điện thoại di động nhiều đời, nhiều kiểu, đa số là những kiểu xưa xóc. Anh đổi số điện thoại liên tục. Người nhà của anh phàn nàn, không cách chi liên lạc với anh qua điện thoại. Gọi đến, người ta bảo số này hiện giờ chưa đăng ký. Tôi thắc mắc, anh cắt nghĩa, rằng hệ eplus rẻ, nhưng nhiều nơi không phủ sóng, anh đổi qua interkom. Rồi anh chuyển qua D2, máy này người ta còn nửa hợp đồng, mình chỉ trả lệ phí hằng tháng, máy, coi như cho không. Tôi nhìn rổ điện thoại, biết, anh chẳng bao giờ xài đến những máy móc cổ lổ sĩ như vậy. Anh chưa có hiện tượng sẽ đăng bán, hoặc cho ai. Anh xuề xoà:

 

    – Ba cái máy đó rẻ rề hà. Vài ba đồng thôi.

 

    – Máy rẻ, nhưng mình còn phải trả phí bưu điện nữa. Cho dù không nhiều, nhưng mình mua mà biết không bao giờ xài, em thấy phí phạm quá.

 

    – Mỗi người có thú vui riêng. Em mua hoa, mua cây, anh thắc mắc đâu. Thay vì ra quán uống bia, anh mua bán lặt vặt trên Ebay, cho vui. – Giọng chồng tôi bắt đầu bực bội.

 

    – Anh nghĩ vậy, cũng đúng. – Tôi xuôi xị.

 

Tôi vào phòng khách, tìm dĩa nhạc Giáng Sinh, cho có chút không khí mùa vọng. Trong phòng khách có 2 máy DVD, phòng ăn có 2 máy, phòng ngủ thêm 1 máy. Mỗi máy được sản xuất chỉ đặc biệt cho một loại phim, loại nhạc thì phải. Dù nhiều lần anh cắt nghĩa, tôi vẫn dốt đặc. Các dĩa gốc sản xuất ở Âu châu, xài máy này. Dĩa ca nhạc Việt Nam, phải máy này. Dĩa mình thâu từ computer, phải xài máy này... Tôi mù mờ:

 

    – Nếu em bỏ không đúng máy, sẽ không thấy hình?

 

    – Không phải vậy, dùng máy nào cũng được. Nhưng đúng máy, âm thanh hình ảnh mới hoàn hảo.

 

Tôi không biết mắt và tai tôi có vấn đề gì chăng. Tôi tuyệt nhiên không thấy sự khác biệt nào cả. Tôi chọn đại máy vừa tầm tay. Jingle bells, jingle bells, jingle all the way... Những tiếng chuông leng keng, làm tôi tưởng tượng những con nai kéo những xe đầy quà chạy băng băng trên tuyết. Tôi vui giọng, thật dễ thương:

 

    – Anh ơi, em giới thiệu anh chỗ mua quà cho em.

 

    – Đúng rồi đó, anh khỏi mất công đi tìm. Không biết tìm gì cho em, tại em có thiếu gì đâu. Mua tầm bậy, em không thích, thêm chật nhà.

 

    Tôi tả tỉ mỉ:

 

    – Anh đến khu chợ Giáng Sinh ở Münchener Freiheit đó. Phía đầu chợ nhe anh, gần tiệm Karstadt đó. Vừa qua khỏi quầy nến...

 

Anh nói:

 

    – Ngày mai đi làm về, anh sẽ ghé phố.

 

Tôi hồi hộp quá. Sợ người ta mua mất con tí điệu. Tôi lo lo, ừ, sao mình không đi rút tiền rồi mua ngay. Con chuột dễ thương như vậy, bắt mắt người ta lắm. Đang là mùa Giáng Sinh, mùa của quà cáp. Tôi về nhà sớm hơn thường lệ. Thắp ba cây nến. Tuần lễ thứ ba của mùa vọng. Vừa nấu nướng, vừa nghe chương trình nhạc Giáng Sinh trên radio. I wanna wish you a merry Christmas... Tôi vẫn thích có cây thông Giáng Sinh. Nhà chật, không đủ chỗ. Có lẽ, sang năm tôi sẽ thử làm cây thông ngoài ban-công. Tôi phải chờ đến đêm 24 mới khui quà. Tôi sẽ treo con tí điệu nơi cửa sổ phòng ăn. Nơi tôi vẫn hay ngồi viết thư, đọc sách. Lâu lâu, tôi sẽ đá lông nheo con tí điệu. Nó chống cằm, tựa vầng trăng, nhìn tôi. Ô, tôi hiểu rồi, tại sao vừa thấy con tí điệu, tôi đã vội “sa ngã”. Hơn hai chục năm trước, mon men vào đại học, tôi cũng là tí điệu trong đám bạn xì trum của tôi. Đám bạn cứ một hai cho là tôi điệu rơi, điệu rụng. Tụi nó gắn cho tôi một mớ tĩnh từ rất rầy rà, nào là đỏng đảnh, nhỏng nhảnh, lề mề, rề rà... Tôi cứ phải ngoác miệng kêu trời, than oan. Hồi ở Việt Nam, tôi chỉ mang khăn khi múa Khúc Hát Ngày Mùa, Duyên Quê, mà chẳng sở hữu chiếc khăn nào. Nhưng tôi có nhiều kẹp lắm. Những kẹp tăm có hình trái táo, hoa Hippie. Những kẹp nơ nhựa xanh đỏ tím vàng. Những kẹp bằng hạt cườm, tôi tự xỏ lấy, rồi trao đổi với mấy nhỏ bạn điệu điệu khác. Chà, không biết con chuột này có nhiều kẹp bằng tôi chăng. Không biết nó có đứng trước gương, tần ngần do dự, không biết nên kẹp tóc hay xõa tóc. Không biết nó có bối rối, nói thầm: “Xì, xạo ke, dễ ghét” khi Tí Láu, Tí Ngầu chọc ghẹo, tán tỉnh nó chăng. Dưng không, tôi tin rằng nó thích mơ mộng. Như tôi, hồi mấy chục năm trước. Miên man suy nghĩ, tôi như giật thót người, khi nghe tiếng chuông cửa. Tôi chạy vội ra mở cửa, chồng tôi tay xách túi nặng trĩu. Tôi đỡ vội cho anh, ngẫm nghĩ, không biết con tí điệu của tôi có nằm trong túi này không. Anh cởi áo khoác, xuýt xoa:

 

     – Xứ sở gì chán quá. Quanh năm lạnh ngắt.

 

    – Hôm nay mấy tiệm phát tài há. – Vừa nói, tôi vừa lôi các món hàng trong bao ny-lông ra. Gì đây anh? Đồ sành sứ hả anh?

 

    – Ừ, mấy cái dĩa sứ Villeroy& Boch. Cho em lựa quà đó. Dĩa sứ, hay là cuốn phim DVD.

 

    – Tủ chén bát mình chật cứng rồi. Đâu nhét chi thêm vô được nữa. – Tôi buột miệng, nhận thấy ngay mình lỡ lời. Nên giả lả tiếp. – Đồ sứ Villeroy chắc chắn đẹp rồi. – Vừa mở lớp gói giấy, tôi vừa suy nghĩ, sáng tác thêm đôi lời hay ý đẹp.

 

    – Sao? Quyết định chưa, chọn món nào. Phim này anh và Tí coi rồi, Mission Impossible tập mới. Nhưng lâu lâu, anh cũng muốn coi lại. Có tài tử ruột của em đó.

 

Tôi nghĩ thầm, trời đất, Tom Cruise có bao giờ là tài tử ruột của tôi đâu. Hồi nẳm, hồi năm, thuở còn mê đọc tiểu thuyết của John Grisham, tình cờ xem phim The Firm tôi thấy đường được chớ không chê rề, khi so sánh giữa sách và phim như thường lệ. Hình như tôi có nói, tài tử chính trông cũng kháu. Hôm anh và Tí xem phim Mission Impossible, tôi ngồi đọc sách ở phòng ăn, lâu lâu giật bắn người, vì tiếng rú của xe cao mã lực và tiếng súng.

 

    Tôi đằng hắng, sửa giọng mình nhẹ nhàng:

 

    – Anh tìm hàng con chuột có khó không?

 

    – Không, khu chợ Giáng Sinh đông dễ sợ. Anh xuống trạm Münchener Freiheit, sẵn ghé vô Karstadt. Khu vực hàng nhà bếp đang quảng cáo đại hạ giá, nên anh mua mấy cái dĩa, cả nhà cùng xài. Anh nghĩ lại rồi, ba cái đồ lẳn tẳn, em chưng tùm lum tà la, bụi bám quá trời. Mà có bao giờ xài gì đâu!

 

    – Vậy, họ bán con chuột mất tiêu rồi sao? –Tôi ngập ngừng.

 

    – Anh đâu có biết. Anh mua dĩa, mua phim rồi về nhà.

 

Tôi thất vọng, tí điệu ơi, ta với mi, vô duyên, vô nợ rồi. Cho dù, nếu biết chắc con chuột vẫn còn ở quầy hàng, tôi vẫn không còn háo hức, muốn vời nó về nhà tôi nữa.

 

Ngược thời gian, mỗi lần tôi đi làm xa vài ngày, về nhà, tổng kết tài sản, tôi lại cứ thấy thiêu thiếu. Những tờ báo Việt Ngữ, tôi đã bao lần nhắc chồng, tôi đọc lai rai, lâu lắm. Vả lại, đọc xong, tôi vẫn muốn giữ lại. Đã nhiều lần, tôi phải bới thùng đựng rác giấy, kịp thời cứu mạng vài tờ báo. Sinh nhật đầu tiên ở Đức, ông thầy dạy Đức Ngữ tặng tôi bộ cờ Mühle bằng gỗ, sản phẩm làm bằng tay. Bộ cờ trong mắt tôi, rất đẹp, gợi lại trong trí tôi những ngày tháng hoa mộng, tôi chập chững trên xứ người. Ngày xưa, tôi đã đôi lần rủ anh chơi chung. Bao lần dọn nhà, bộ cờ đều thoát. Tôi kỹ càng giấu bộ cờ ở ngăn trên cùng của tủ sách. Trở về, sau khi đi vắng nhà gần tuần lễ. Cuối tuần sắp xếp tủ sách. Tôi muốn lấy bộ cờ xuống lau bụi sạch sẽ. Tôi hốt hoảng hỏi anh:

 

    – Anh có cất bộ cờ gỗ của em trên tủ không?

 

    – Ừ, anh dẹp cho rộng. Nhà cửa chật cứng, mà em còn bày khắp nơi, coi bừa bãi lắm.

 

Tôi lục tung những nơi anh nói “hình như” anh đã cất. Chẳng tìm ra. Tôi buồn, tôi tiếc, tôi bỏ cơm chiều. Chồng tôi tưởng tôi muốn nhịn ăn để giữ eo, nên anh không ép tôi dùng bữa. Vậy đó, tôi cứ phải thỉnh thoảng thổn thức, biệt ly với mớ tài sản lằng nhằng của tôi.

 

Thôi, tí điệu ơi, ta với mi, chưa họp mà đã tan. Tôi rầu rầu, nhưng không bỏ ăn, vì nhớ lời dặn của nhỏ bạn thân. “Mày phải giữ gìn sức khoẻ. Có giận thì tạm ngưng, ngủ cho đã mắt, ăn cho no bụng, rồi tà tà giận hờn tiếp. Nghe chưa!” Tưởng như ở gần, nhỏ bạn sẽ xỉ lên trán tôi, cho tôi tạc dạ “chỉ thị” của nó.

 

*                             

 

Ban-công phía tây nhà tôi nắng rất gắt. Giữa những chậu hoa khoe sắc là chậu xương rồng Giáng Sinh. Người ta gọi như vậy, tôi chẳng hiểu tại sao. Tôi đã từng thấy loại xương rồng này trổ hoa vào mùa hè. Nghe tôi trầm trồ xương rồng có hoa hay hay, một người quen cắt cho tôi một nhánh, đương nhiên chưa có hoa. Tôi đem nhánh cây xương xẩu về. Mùa đông để ngoài cầu thang, mùa hè để chen lẫn giữa những thược dược, đỗ quyên, hải đường... tôi o bế. Chậu xương rồng ở đó, bỏ thì thương, vương thì tội. Hơn năm trời rồi, mà chưa có hiện tượng gì cây sẽ trổ hoa. Trong chậu khô khốc đất, bỗng đâu mọc một cây leo dại. Tôi không biết cây này từ đâu đến, dây leo lên rất khoẻ. Mấy lần tôi tính nhổ, sợ cây leo bậy lên lá ngọc cành vàng của chậu trúc đào bên cạnh. Nghĩ sao, tôi chỉ hất hủi cây bằng cách đẩy mấy dây leo qua một bên, cho chúng tự tròng tréo lên nhau. Hôm cô bạn ghé chơi, nói, phải nhổ cây dại. Chứ không, cây sẽ ăn hết chất bổ của đất, sẽ làm xương rồng còi hơn. Tôi nói: “Kệ, nó tự sinh ắt sẽ tự diệt.” Những ngày hè rực rỡ, tôi chăm chút, tưới bón cây kiểng, nhưng lơ là chậu xương rồng có cây leo dại. Buổi chiều, ra sân, cây leo rủ xuống, nhánh xương rồng mấy lúc ẩn mình trong lá, nay phơi ra khẳng khiu, buồn bã. Tôi định khi tắt nắng sẽ ra nhổ bụi dây leo. Chồng tôi bỗng dưng hướng bình tưới vào chậu xương rồng. Tôi lơ đãng:

 

    – Tưới làm chi mất công, xương rồng với cây dại mà...

 

    – Cây gì chẳng cần nước. Bụi cây dại có lá xanh xanh coi cũng được. Xương rồng cũng có lúc trổ hoa đó chứ...

 

Tôi lẩn thẩn nghĩ, tôi cứ như cây cỏ tội nghiệp. Thích được chăm sóc, được quan tâm như cây cần nước. Có lẽ tôi là cây xương rồng, ít được chăm sóc, nên èo uột, nhưng vẫn sống. Tôi không chắc cây xương rồng trong hồn tôi có bao giờ trổ hoa chăng. Hay tôi phải chờ, có tình cờ nào đó, mang dây leo dại đến, để tôi được “ăn theo”. Khách thưởng hoa chắc không nhiều người thích xương rồng, nhất là xương rồng không hoa. Biết đâu, chồng tôi lại thuộc vào số người ít ỏi này.

 

– Hoàng Quân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.