Cháy rừng đã biến nhiều khu vực như Pacific Palisades, Altadena, Pasadena và các cộng đồng khác ở California thành những vùng hoang tàn, khói bụi mịt mù. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Cháy rừng khiến khói lửa bao trùm bầu trời Los Angeles trong khi lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa. Những trận hỏa hoạn kinh hoàng đã càn quét qua khu vực, thiêu rụi hơn 10,000 công trình, phần lớn là nhà dân, biến nhiều khu vực như Pacific Palisades, Altadena, Pasadena và các cộng đồng khác ở California chỉ còn lại hoang tàn.
Khi lệnh sơ tán được gỡ bỏ và người dân bắt đầu trở về nhà, một mối nguy hiểm khác đang rình rập và đe dọa mọi người: ô nhiễm nguồn nước uống.
Điều đáng lo ngại là nhiều người không nhận ra rằng hệ thống cung cấp nước uống có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi cháy rừng cùng nguy cơ các hóa chất độc hại có thể xâm nhập vào nguồn nước.
Là một giáo sư về Kỹ thuật Xây dựng, Môi trường và Sinh thái thuộc Đại học Purdue, Andrew J. Whelton chuyên làm việc với các cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi cháy rừng và các thảm họa khác. Trong suốt nhiều năm qua, nhóm của ông đã được mời để hỗ trợ sau những vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong một số tình huống khẩn cấp, họ không trực tiếp đến hiện trường mà tư vấn từ xa cho các viên chức tiểu bang và địa phương.
Hiện nay, một số hệ thống cung cấp nước tại khu vực Los Angeles đã bắt đầu phát đi cảnh báo về việc nguồn nước uống có thể không an toàn. Đây là vấn đề quan trọng mà cư dân trong khu vực, và những người sống gần nơi xảy ra cháy rừng, cần lưu tâm.
Nguy cơ ô nhiễm nước uống từ hỏa hoạn
Hỏa hoạn không chỉ thiêu rụi nhà cửa, mà còn gây ra những tác động nghiêm trọng đến nguồn nước uống, bao gồm cả hệ thống đường ống và bồn chứa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Việc sử dụng một lượng nước rất lớn để dập lửa có thể làm cạn kiệt nguồn nước trong hệ thống. Hệ thống cấp nước thường không được thiết kế để dập tắt những đám cháy rừng quy mô lớn. Ngoài ra, các công trình bị hư hại có thể khiến nước bị thất thoát, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước. Đồng thời, thường thì khu vực có hỏa hoạn sẽ bị mất điện, nên không thể bơm kịp để bù lại lượng nước bị thất thoát. Những yếu tố này kết hợp lại gây ra hiện tượng giảm áp suất nước trong toàn hệ thống, dẫn đến tình trạng không còn đủ nước để sử dụng.
Hệ thống nước khi bị cạn kiệt trở nên rất dễ bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại từ môi trường bên ngoài, làm tăng nguy cơ mất an toàn cho nguồn nước uống.
Ô nhiễm có thể xâm nhập từ nhiều nguồn: không khí, khói bụi, và đặc biệt là từ những phần hư hỏng của cơ sở hạ tầng hệ thống nước. Khi xảy ra hỏa hoạn, nhiệt độ cao có thể làm nóng chảy một phần các ống nhựa và đồng hồ đo nước, khiến các hóa chất độc hại chảy ra và len lỏi vào nguồn nước. Khói và bụi có thể bị hút vào hệ thống. Rồi các vết nứt, vỡ trong đường ống cũng khiến nhiều chất ô nhiễm khác xâm nhập vào hệ thống nước.
Theo nhiều nghiên cứu, một loạt hóa chất gây ung thư, như benzene, đã được phát hiện trong các hệ thống nước bị hư hỏng sau cháy rừng. Những hóa chất này không chỉ mang lại nguy cơ lâu dài mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngay lập tức nếu con người uống hoặc sử dụng nước bị ô nhiễm. Các triệu chứng bao gồm mắc ói, nhức đầu và viêm da rashes (nổi những nốt đỏ).
Đáng lo ngại hơn, các hóa chất độc hại này có thể bám vào bề mặt các ống dẫn và bồn chứa, thậm chí có thể thấm qua một số miếng gioăng đệm. Một số loại nhựa có thể hấp thụ hóa chất như miếng bọt biển, sau đó từ từ tiết chúng vào nguồn nước sạch, khiến nước tiếp tục bị ô nhiễm trong một thời gian dài. Muốn loại bỏ hoàn toàn các hóa chất này khỏi hệ thống nước có thể mất từ vài ngày đến vài tháng, tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm.
Những biện pháp phòng ngừa và ứng phó
Để giảm bớt nguy hiểm, người dân và các công ty, xí nghiệp cần chú ý theo dõi các thông báo từ nhà cung cấp nước uống và cơ quan y tế địa phương về vấn đề an toàn nguồn nước.
Việc kiểm tra hóa chất là rất quan trọng để xác định xem nước có bị ô nhiễm hay không và mức độ ô nhiễm như thế nào.
May thay, hướng dẫn về ứng phó và phục hồi hệ thống nước sau hỏa hoạn đã được công bố từ năm 2024. Mọi người cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết từ các nhóm nghiên cứu, chẳng hạn như nhóm của Đại học Purdue.
Khi nào cần kiểm tra và lọc nước uống tại nhà?
Việc kiểm tra và lọc nước uống tại nhà đòi hỏi sự cẩn trọng. Sau các vụ cháy rừng như ở Maui, Hawaii vào năm 2023 và Camp Fire tại Paradise, California vào năm 2018, nhiều gia đình đã chi hàng trăm đến hàng ngàn MK để thuê các công ty đến kiểm tra nguồn nước. Tuy nhiên, nhiều kết quả lại không chính xác hoặc không liên quan. Một số vấn đề thường gặp như sau:
Nhiều mẫu nước được thu thập hoặc bảo quản không đúng cách, làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả kiểm tra.
Một số gia đình đã xả nước dơ ra khỏi hệ thống ống dẫn trước khi lấy mẫu, khiến cho mẫu nước không nói lên đúng tình trạng thực tế.
Nhiều mẫu nước không được kiểm tra các hóa chất thường có liên quan đến cháy rừng.
Mẫu nước không được lấy từ những vị trí quan trọng hoặc không đủ số lượng để đánh giá toàn diện tình trạng nguồn nước.
Việc tự ý lọc nước tại nhà chỉ nên được thực hiện sau khi đã xác định chính xác mức độ ô nhiễm. Nhiều hệ thống cung cấp nước trong khu vực đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này. Người dân cũng cần lưu ý rằng các thiết bị lọc nước gia đình thường không được thiết kế để giải quyết tình trạng nước bị ô nhiễm nặng.
Để giúp người dân đưa ra quyết định đúng đắn, các công ty cấp nước cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra và công bố kết quả về các hóa chất đang có trong hệ thống. Sau khi có kết quả kiểm tra và đánh giá nguy cơ, mọi người có thể cân nhắc việc tự kiểm tra nếu hệ thống ống nước bị hư hỏng hoặc nếu nước ô nhiễm đã xâm nhập vào hệ thống ống nước trong nhà.
Hy vọng phục hồi
Chờ đợi thông tin có thể khiến nhiều người thấy sốt ruột; nhưng sau hỏa hoạn, các chuyên gia thường không thể vào khu vực bị ảnh hưởng ngay lập tức để bắt đầu kiểm tra.
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng chúng ta có thể khôi phục hoàn toàn nguồn nước sạch, kể cả trong những trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này. Và quan trọng nhất là, các cộng đồng phục hồi nhanh chóng và hiệu quả thường là những nơi mà người dân đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Wildfires can contaminate drinking water systems with harmful chemicals − here’s what Los Angeles needs to know” được đăng trên trang TheConversation.com.
LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.
*** Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện,
Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.
Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.
Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.
Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.
Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.
Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.
Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.
Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.
Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.
Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.
Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.
Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.
Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.
Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.
Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.
Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu. Derek Trần
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.