Chúng ta đều từng có kỷ niệm với loài voi. Hình ảnh voi hiện ra trong truyện cổ tích, trong lịch sử dân tộc với các đơn vị tượng binh thời xưa, trong các gánh xiếc… Nghĩa là, voi là một sinh vật có trí khôn tương đối, đủ để được huấn luyện, để học các lời dạy của người quản tượng. Bây giờ khoa học khám phá ra rằng loài voi có một ngôn ngữ thô sơ, ít nhất là gọi tên nhau.
Kinh điển Phật giáo cũng có rất nhiều hình ảnh loài voi. Hoặc như một động vật kiểu như chúa sơn lâm, hay một vị vua trong rừng, và được so sánh như một người đã được thuần hóa vững vàng về đạo đức.
Kinh Pháp Cú, có ba bài kệ 320, 321, và 322 trong bản dịch của Thầy Minh Châu viết như sau.
320. "Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Ác giới rất nhiều người."
321. "Voi luyện, đưa dự hội,
Ngựa luyện, được vua cưỡi,
Người luyện, bậc tối thượng
Chịu đựng mọi phỉ báng."
322. "Tốt thay, con la thuần,
Thuần chủng loài ngựa Sin.
Đại tượng, voi có ngà.
Tự điều mới tối thượng."
Ba bài kệ trên xuất phát từ một tích truyện. Khi cư trú tại tu viện Ghositarama, Đức Phật đã thốt lên những Bài kệ (320), (321) và (322) ghi lại trong Kinh Pháp Cú, nói về lòng kiên nhẫn và chịu đựng của Ngài khi bị thủ hạ của Magandiya, một trong ba hoàng hậu của Vua Udena, ngược đãi.
Truyện kể rằng, một lần, thân phụ của Magandiya cảm thấy khâm phục trước nhân cách và dung mạo của Đức Phật nên đã đề nghị xin Đức Phật kết hôn với cô con gái rất xinh đẹp của mình. Nhưng Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu đó của ông và nói rằng Ngài không thích chạm vào một cơ thể đầy những bất tịnh như vậy, ngay cả bằng chân của Ngài. Khi nghe lời từ chối đó của Đức Phật, cả cha và mẹ của cô Magandiya đều nhận ra sự thật, và tức khắc đắc được Quả Anagami Fruition (A na hàm, còn gọi là Bất Lai). Tuy nhiên, cô Magandiya nổi giận, xem Đức Phật như kẻ thù không đội trời chung của mình và quyết tâm trả thù ngài.
Về sau, cô trở thành một trong ba hoàng hậu của Vua Udena. Khi Hoàng hậu Magandiya nghe tin Đức Phật đã du hành đến Kosambi, bà đã thuê một số người dân và người hầu của họ để chửi mắng Đức Phật khi Ngài vào thành phố đi khất thực. Những kẻ làm thuê đó đã đi theo Đức Phật và chửi mắng Ngài bằng những từ ngữ như “tên trộm, kẻ ngu, đồ lạc đà, đồ con lừa, bọn sẽ rơi vào địa ngục.” Nghe những lời chửi mắng đó, Tôn giả Ananda đã cầu xin Đức Phật rời khỏi thị trấn và đi đến một nơi khác. Nhưng Đức Phật từ chối và nói: “Ở một thị trấn khác, chúng ta cũng có thể bị ngược đãi và không thể cứ phải rời đi mỗi khi một người bị ngược đãi. Tốt hơn là giải quyết vấn đề ngay tại nơi nó phát sinh. Ta cũng giống như một con voi trên chiến trường; như con voi hứng chịu những mũi tên bắn từ khắp phía, ta cũng sẽ kham nhẫn chịu đựng sự ngược đãi từ những người vô đạo đức.”
Bây giờ, các nhà khoa học khám phá ra rằng loài voi Phi châu cũng có một cách gọi tên nhau, y hệt như tên của loài người. Bản tin trên CBS News ngày 10 tháng 6/2024, của biên tập viên Li Cohen, có nhan đề dễ làm kinh ngạc độc giả: “African elephants have individual name-like calls for each other, similar to human names, study finds” (Nghiên cứu cho thấy rằng loài voi châu Phi có cách gọi tên lẫn nhau, tương tự như tên người).
Hóa ra con người có thể không phải là loài duy nhất có những đặc điểm nhận dạng riêng cho nhau. Một nghiên cứu mới cho thấy loài voi hoang mạc châu Phi (African savanna elephants), một loài có nguy cơ tuyệt chủng, có cách gọi tên nhau, giống như tên người - một phát hiện có khả năng "mở rộng triệt để sức mạnh rõ ràng của quá trình tiến hóa ngôn ngữ".
Các nhà nghiên cứu đã phân tích tiếng ầm ầm – “một âm thanh tần số thấp, giàu hài hòa và khác biệt riêng từng voi” (a harmonically rich, low-frequency sound that is individually distinct) – của loài voi hoang mạc châu Phi, loài voi được liệt kê là có nguy cơ tuyệt chủng trong Danh Sách Đỏ IUCN khi số lượng voi tiếp tục giảm, phần lớn là do nạn săn trộm và phát triển đất đai. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét 469 tin nhắn thuộc ba loại khác nhau – liên lạc, chào hỏi và chăm sóc – từ các nhóm voi cái từ năm 1986 đến năm 2022. Sử dụng mô hình học máy (machine-learning model), các nhà khoa học đã xác định được sự tiếp nhận hơn 27% số tiếng gọi đó [của voi].
Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund), những con voi này thường di chuyển theo các đơn vị gia đình khoảng 10 con voi cái và đàn con của chúng, và một số đơn vị gia đình voi thường kết hợp để tạo thành một "gia tộc", với những con voi đực chỉ đến xung quanh trong mùa giao phối.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét phản ứng của 17 con voi hoang dã đối với các đoạn ghi âm được gửi đến chúng hoặc một con voi khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những con voi nghe đoạn ghi âm hướng đến chúng có phản ứng nhanh hơn và nhiều phản hồi lớn tiếng hơn, so với những con voi nghe đoạn ghi âm hướng đến những con voi khác.
Và những gì họ tìm thấy là những con voi - loài sống trên cạn lớn nhất thế giới, theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới WWF - thực sự có những đặc điểm nhận dạng tiếng nói cá biệt (individual vocal identifiers), "một hiện tượng trước đây chỉ xảy ra trong ngôn ngữ của loài người". Các nhà nghiên cứu cho biết trong nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, rằng các loài động vật khác được biết là sử dụng định hiệu âm thanh, như vẹt đuôi dài (parakeets) và cá heo (dolphins), chỉ làm như vậy thông qua việc bắt chước.
Các video được các nhà nghiên cứu chia sẻ cho thấy cách những con voi phản ứng với các đoạn ghi âm cuộc gọi gửi đến chúng. Trong một trường hợp, một con voi cái tên Margaret lộ ra vẻ gần như ngay lập tức thích thú với đoạn ghi âm ầm ầm gửi đến nàng. Trong chú thích video, các nhà nghiên cứu cho biết cô voi này “ngay lập tức ngẩng đầu lên và gọi lại chỉ sau vài giây”. Một video riêng biệt cho thấy nàng voi Margaret ngẩng đầu lên khi có tiếng gọi gửi tới một con voi khác nhưng nàng voi Margaret không phản hồi.
Một con voi khác tên Donatella cho thấy nàng voi này phát ra tiếng kêu đáp lại sau khi nghe tên cô và đã bước đến về hướng đoạn ghi âm.
Các tác giả nghiên cứu cho biết cần nghiên cứu thêm về những quan sát này, đặc biệt là để hiểu rõ hơn về bối cảnh xung quanh các cuộc gọi nhau giữa các voi. Nhưng cho đến nay, những kết quả này có "ý nghĩa quan trọng đối với nhận thức của voi, vì việc phát minh hoặc học các âm thanh để tương tác với nhau cho thấy khả năng tư duy biểu tượng ở một mức độ nào đó," theo lời các nhà nghiên cứu.
Nhưng con voi hoang mạc châu Phi được tìm thấy ở gần hai mươi quốc gia, bao gồm Botswana, Zimbabwe, Tanzania, Kenya, Namibia, Zambia và Nam Phi. Vào năm 2021, loài voi này, cũng như họ hàng gần của nó là voi rừng châu Phi (African forest elephant) đã bị đưa vào tình trạng bảo tồn suy thoái.
Theo IUCN, loài voi rừng đã bị hạ xuống mức cực kỳ nguy cấp, trong khi voi hoang mạc được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, trong khi trước đó, cả hai loài voi này đều được "coi là một loài duy nhất" được xếp vào loại dễ bị tổn thương. Tình trạng mới được đưa ra sau khi phát hiện ra rằng số lượng voi rừng đã giảm hơn 86% trong suốt 31 năm qua, trong khi voi hoang mạc giảm ít nhất 60% trong vòng nửa thế kỷ.
Chuyên gia đánh giá và chuyên gia về voi châu Phi Kathleen Gobush cho biết: “Với nhu cầu ngà voi liên tục và áp lực ngày càng tăng của con người đối với các vùng đất hoang dã ở châu Phi, mối lo ngại đối với loài voi châu Phi rất cao, đồng thời nhu cầu bảo tồn và quản lý một cách khôn ngoan những loài động vật này cũng như môi trường sống của chúng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.”
Bản tin trên báo phys.org ghi rằng cuộc nghiên cứu lâu dài đó thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Colorado State University (CSU). Tác giả chính của nghiên cứu là Michael Pardo, người thực hiện nghiên cứu với tư cách là nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ của National Science Foundation tại CSU và Save the Elephants, một tổ chức nghiên cứu và bảo tồn có trụ sở tại CSU.
Sự tiến hóa của loài voi và loài người đã khác nhau từ hàng chục triệu năm trước, nhưng cả hai loài đều có tính xã hội phức tạp và có tính giao tiếp cao. Voi hoạt động trong các đơn vị gia đình, nhóm xã hội và cấu trúc dòng tộc lớn hơn, tương tự như mạng xã hội phức tạp mà con người duy trì.
Voi là loài nói nhiều, giao tiếp với nhau bằng giọng nói, bên cạnh cái nhìn, mùi hương và xúc giác. Những âm thanh gọi nhau của voi truyền tải rất nhiều thông tin, bao gồm danh tính, tuổi tác, giới tính, trạng thái cảm xúc và bối cảnh hành vi của cá thể gọi.
Những cuộc nghiên cứu này cho thấy chúng ta đang sống giữa trùng trùng vô lượng thế giới, nơi các xã hội loài vật vẫn có những thế giới tương tác riêng của chúng, của những vui, buồn, đau đớn, quyến luyến gia đình, bảo vệ nhau và thương tiếc nhau khi có một cá thể lìa đời. Vô lượng cõi này buồn vô cùng, đã sống và đã chết trải qua hàng trăm triệu năm…
Phan Tấn Hải
Gửi ý kiến của bạn