Một nhóm các khoa học gia đã phát hiện ra mẫu hóa thạch hoàn chỉnh của một loài bò sát sống dưới nước có hình dáng giống với “rồng Trung Quốc,” với hình dạng na ná với rắn và cái cổ khá dài. Đây là một phát hiện rất ‘hợp thời’ khi chúng ta vừa bước sang năm Giáp Thìn.
Hóa thạch của Dinocephaloosaurus Orientalis có niên đại 240 triệu năm trước, thuộc Triassic period (tạm dịch là Kỷ Tam Điệp), và được tìm thấy ở tỉnh Quý Châu, miền nam Trung Quốc.
Dù loài bò sát này được xác định lần đầu vào năm 2003, nhưng phát hiện mới này là một bản hoàn chỉnh hơn, với chiều dài khoảng 16 feet, cho phép các khoa học gia đưa ra mô tả đầy đủ về loài sinh vật thời tiền sử kỳ lạ này.
Nick Fraser, trưởng khoa Khoa Học Tự Nhiên của Bảo Tàng Quốc Gia Scotland, cho biết: “Đây là một thí dụ khác về thế giới độc đáo tuyệt vời của Kỷ Tam Điệp, tiếp tục khiến các nhà cổ sinh vật học bối rối. Chắc chắn mẫu vật này sẽ thu hút trí tò mò của cả thế giới nhờ vẻ ngoài nổi bật, gợi nhiều liên tưởng tới loài rồng trong thần thoại Trung Quốc.”
Giáo sư Li Chun từ Viện khảo cổ Institute of Vertebrate Palaeontology (IVP) cho biết phát hiện mới là một nỗ lực quốc tế - nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Scotland, Đức, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhóm đã nghiên cứu loài bò sát kỳ lạ này tại Viện IVP ở Bắc Kinh. Các nhà nghiên cứu cho biết, các chi vây cùng với những con cá còn nguyên trong dạ dày cho thấy loài bò sát này đã thích nghi rất tốt với đời sống dưới biển.
Chun cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng các mẫu vật mới được phát hiện tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc để mở rộng những hiểu biết trước đây về loài động vật này. Trong số tất cả những phát hiện đặc biệt của chúng tôi về Kỷ Tam Điệp ở khu vực tỉnh Quý Châu, Dinocephaloosaurus có lẽ nổi bật nhất.”
Stephan Spiekman, thực hiện nghiên cứu tiến sĩ tại Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Bang Stuttgart, nói thêm rằng nhóm hy vọng nghiên cứu trong tương lai có thể sẽ giúp tiết lộ thêm về quá trình tiến hóa của nhóm động vật này, đặc biệt là cách thức hoạt động của chiếc cổ dài bất thường.
Chiếc cổ của Dinocephaloosaurus có 32 đốt sống cổ riêng biệt – dài hơn cả phần thân và phần đuôi cộng lại – và có lẽ chiếc cổ này đóng vai trò quan trọng trong việc kiếm ăn.
Nguồn: “Paleontologists discover a 240-million-year-old 'dragon' fossil in full” được đăng trên trang npr.org.
Gửi ý kiến của bạn