Hôm nay,  

Lịch Sử Của Cách NhuộmTie-Dye

26/05/202300:00:00(Xem: 379)
 
Nhuộm-tie-dye

Nhuộm tie-dye nổi lên ở Bắc Mỹ như một biểu tượng của phong trào hippie những năm 1960. Ai cũng có thể tự bắt tay vào làm dự án DIY dễ dàng này với các vật liệu dễ tìm thấy tại cửa hàng tạp hóa. 



Nhiều người sẽ không nghĩ rằng phương pháp nhuộm tie-dye là ngành thủ công nghệ thuật có tuổi đời hàng thiên niên kỷ. Phương pháp này nổi lên ở Bắc Mỹ như một biểu tượng của phong trào hippie những năm 1960, ai cũng có thể tự bắt tay vào làm dự án DIY dễ dàng này với các vật liệu có sẵn tại cửa hàng tạp hóa.
 
Tie-dye được biết đến như là một loại kỹ thuật nhuộm vải. ‘Tie’ có nghĩa là buộc lại, ‘dye’ là nhuộm. Sau khi buộc quần áo thành một hình thù bất kỳ, người ta sẽ mang đi nhuộm toàn bộ hay nhỏ thuốc nhuộm một cách bất quy tắc.
 
Tuy nhiên, xuyên suốt lịch sử, phương pháp nhuộm tie-dye luôn được yêu thích, có tiếng nói riêng, và trong một số trường hợp thậm chí còn bị cấm đoán. Nó giúp thể hiện địa vị, vai trò và niềm tin của một cá nhân.
 
Phần lớn các phương pháp và phong cách nhuộm tie-dye khác nhau có nguồn gốc riêng biệt trên khắp thế giới, từ Peru đến Nigeria, Nhật Bản và Đông Nam Á. Kỹ thuật nhuộm này là một kiểu “chống” nhuộm, người ta sử dụng sợi chỉ để cột hoặc thắt phần vải cần nhuộm lại, để tạo ra những chỗ sẽ không bị ‘ăn màu thuốc nhuộm.’ Mỗi nền văn hóa đã thêm vào những nét độc đáo của riêng mình trong các thiết kế, chẳng hạn như nhuộm vải buộc vào que, vẽ hoa văn bằng sáp hoặc tạo nút thắt bằng gạo, đá hoặc hạt.
 
Người ta chưa thể xác định được nền văn hóa nào và khi nào thì phương pháp nhuộm tie-dye được phát triển đầu tiên. Hàng dệt may, vải vóc thường mỏng manh và được làm bằng sợi hữu cơ, rất dễ bị hư hỏng, nên các chuyên gia tin rằng những mẫu vật ban đầu trong tất cả các nền văn hóa đã bị thất lạc, mất mát theo thời gian.
 
Lee Talbot, người phụ trách bảo tàng viện George Washington University MuseumTextile Museum, nói rằng điều đó được chứng minh bằng “sự hoàn hảo” trong các mẫu cổ nhất còn sót lại được tìm thấy: “Chúng ta sẽ chẳng thấy khoảng thời gian dài thử nghiệm nào… Nhưng người ta đã sử dụng kỹ thuật nhuộm này rất lâu rồi.”
 
Các chuyên gia về lịch sử dệt may chia sẻ những ý nghĩa văn hóa đằng sau các phương pháp nhuộm tie-dye khác nhau trên khắp thế giới và làm thế nào mà chúng còn tồn tại cho đến ngày nay.
 
Bandhani: Ấn Độ
 
Bandhani là hình thức nhuộm tie-dye lâu đời nhất được biết đến, có từ 4,000 năm trước Công nguyên trong Nền Văn Minh Thung Lũng Indus (Indus Valley Civilization), ngày nay là khu vực phía bắc của Ấn Độ. Người ta vẫn còn sử dụng kỹ thuật nhuộm này trên khắp tiểu lục địa ngày nay.
 
Các hoa văn Bandhani được tạo ra bằng cách xén vải thành các chỏm nhỏ và buộc lại bằng chỉ trước khi nhuộm. Các nút thắt nhỏ này sẽ bảo vệ phần vải bên dưới không bị ‘ăn thuốc nhuộm,’ tạo ra các vòng xoáy và hoa văn có thể sử dụng trên quần áo như sarees, khăn quàng cổ và khăn turbans.
 
Theo Natalie Nudell, Adjunct Assistant Professor tại Học viện Fashion Institute of Technology, hoa văn trên các mẫu khăn vuông bandanna hiện đại ở phương Tây được phát triển từ Bandhani.
 
Một số mô tả về Bandhani lâu đời nhất được lưu giữ trong các ghi chép và tranh vẽ trong các hang động Ajanta ở miền Trung Ấn Độ. Ở miền Bắc Ấn Độ, các mẫu này nhắc đến trong các bài hát và thơ ca như biểu tượng của tình yêu và tình cảm.
 
Theo Talbot, ngày nay ở Ấn Độ, Bandhani và tình yêu vẫn có liên quan với nhau – người ta thường mặc hoặc tặng quần áo, vải vóc có hoa văn Bandhani trong lễ cưới.
 
Amarra: Pêru
 
Amarra xuất hiện ở Peru khoảng 1,500 năm trước. Kiểu nhuộm tie-dye này lan rộng khắp Châu Mỹ – đến tận Tây Nam Hoa Kỳ, tại đây người ta đã phát hiện một số loại vải có hoa văn Amarra cổ nhất do tổ tiên người Pueblo tạo ra, chúng được cho là có niên đại từ thế kỷ X.
 
Theo Laurie Webster, một học giả thỉnh giảng của Trường University of Arizona, một điểm đặc trưng của Amarra là thiết kế dạng lưới của những hình dạng kim cương với các chấm ở trung tâm, hoa văn tượng trưng cho da rắn hoặc cánh đồng ngô.
 
Webster cho biết đây là những họa tiết thiêng liêng đối với các nhóm người bản địa ở Châu Mỹ, họ đã sử dụng kỹ thuật nhuộm tie-dye để tạo ra các mẫu thiết kế trên quần áo, chăn màn và các loại vải dệt trang trí khác.
 
Trong các bức tranh tường và các bản ghi hình ảnh khác còn sót lại, các vị thần và nhân vật tôn giáo thường được miêu tả là mang, mặc đồ có hoa văn Amarra.
 
Shibori: Đông Á
 
Mặc dù kỹ thuật nhuộm Shibori có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng chúng được biết đến nhiều nhất như một loại hình nghệ thuật của Nhật Bản xuất hiện từ hơn 1,000 năm trước. Những mẫu hoa văn thiết kế Shibori còn sót lại ở Trung Quốc có từ thế kỷ IV. Người Trung Quốc ngày nay vẫn còn sử dụng kỹ thuật nhuộm Shibori, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở phía tây nam.
 
Với phương pháp nhuộm Shibori, người ta đặt một hạt gạo hoặc một miếng kim loại nhỏ vào mỗi nút vải và lấy sợi chỉ buộc chặt lại, rồi mang đi nhuộm. Sau khi nhuộm, các sợi chỉ được tháo ra, tạo ra những vòng tròn nhỏ. Phải mất nhiều giờ để hoàn thành quá trình buộc, nhuộm và tháo, để tạo ra các hoa văn phức tạp.
 
Nudell nói: “Đó là một kỹ thuật tốn rất nhiều thời gian và công sức, rất được tôn trọng [ở Nhật Bản].”
 
Theo Talbot, dân quê thì mặc trên quần áo làm từ sợi gai dầu và sử dụng màu chàm để tạo ra các hoa văn shibori. Kimono Shibori làm bằng lụa rất đắt tiền và phần lớn chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được mặc.
 
Shibori nổi tiếng với giới quý tộc, thị dân giàu có và thậm chí cả những kỹ nữ hạng sang. Khi Shibori trở thành biểu tượng của sự xa hoa, Mạc phủ cầm quyền đã cấm nó hoàn toàn như một phần của luật cấm xa hoa, lãng phí của Nhật Bản.
 
Những luật này quy định cách ăn mặc và tiêu tiền của từng tầng lớp xã hội. Mạc phủ Tokugawa gọi đây là trách nhiệm đạo đức để duy trì hệ thống phân cấp. Sắc lệnh đặc biệt này, được thông qua vào cuối những năm 1600, quy định rằng không ai có thể làm Shibori.
 
Dù bị cấm, chúng vẫn được yêu thích và phổ biến, nhiều người đã sử dụng khuôn tô để bắt chước lại các mẫu hoa văn Shibori. Lệnh cấm Shibori được gỡ bỏ vào năm 1868, và Shibori vẫn là một tập tục nhuộm truyền thống phổ biến dành cho áo Kimono ở Nhật Bản.
 
Adire: Nigeria
 
Ở Nigeria, người Yoruba làm Adire bằng cách xếp nếp vải trước rồi mới buộc bằng sợi chỉ hoặc sợi lá chuối và mang đi nhuộm. Giống như Shibori, chúng thường được nhuộm màu xanh bằng chàm.
 
Người ta cũng tạo ra các hoa văn hình tròn bằng cách bọc đá và hạt lớn bên trong vải dệt, cũng tương tự như Shibori.
 
Nudell cho biết, đối với người Yoruba, những thiết kế adire trên quần áo gắn liền với bản sắc của một cá nhân. Adire thường mang các biểu tượng thể hiện địa vị xã hội và văn hóa của người mặc – chẳng hạn như tuổi tác hoặc cấp bậc của họ trong xã hội.
 
Talbot giải thích thêm: “Cách diễn giải của mỗi nền văn hóa về kỹ thuật nhuộm tie-dye không khác nhau nhiều, và họ diễn tả nó theo thẩm mỹ của riêng mình.”
 
Adire vẫn giữ vai trò kinh tế và xã hội quan trọng đối với người dân Nigeria, vì nó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho nông dân, thợ dệt và thợ nhuộm địa phương.
 
Trong suốt nhiều thế kỷ và trên toàn thế giới, phương pháp nhuộm tie-dye vẫn được quan tâm nhiều về khía cạnh văn hóa. Talbot nói: “Trong khi nhiều kỹ thuật thủ công đã không còn được sử dụng hoặc đã lỗi thời, thì thể loại nhuộm tie-dye dường như luôn được ưa chuộng.”
 
Cung Đô phỏng dịch
Cung Đô phỏng dịch theo bài viết “Beloved yet banned: The surprising history of tie-dye” của Emily Fagan, được đăng trên trang Nationalgeographic.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tối Thứ Bảy 16-9-2023, tại sân khấu của Robert Moore Theater, thành phố Costa Mesa, Quận Cam, Nam Cali gần 900 người đã đến dự đêm nhạc giao hưởng mừng sinh nhật 90 tuổi và sự cống hiến trọn đời cho nghệ thuật của nhạc sĩ Lê Văn Khoa do Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ và giàn nhạc giao hưởng Vietnames America Philharmonic thực hiện...
Liên đoàn Công nhân United Auto và Công ty xe Ford Motor đã tổ chức các cuộc đàm phán "hiệu quả hợp lý" vào thứ Bảy. Công đoàn trước đó đã bày tỏ sự không đồng tình với quyết định tạm thời sa thải công nhân tại Nhà máy lắp ráp Michigan của Ford, đồng thời tuyên bố rằng quyết định này "sẽ không hiệu quả".
Sau khi phong trào phản Thanh phục Minh thất bại, hàng triệu người Trung Hoa dùng tàu bè chạy xuống phương nam trốn sự truy sát của nhà Thanh. Trong số họ có một bộ phận kéo đến vùng đất thuộc miền nam nước ta ngày nay. Ban đầu họ tụ tập lại ở vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai), sau vì trợ giúp Nguyễn Ánh nên bị Tây Sơn triệt hạ. Họ lại kéo về vùng đất Gia Định. Có thể kể hai nhóm tiêu biểu nhất của những người Hoa chạy nạn này là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên. Họ mang cả gia tộc, gia nhân và quân binh theo...
Liên đoàn Công nhân United Auto thông báo bắt đầu các cuộc đình công "Stand Up" tại các nhà máy lắp ráp General Motors, Ford và Stellantis vì thời hạn đạt được thỏa thuận với 3 công ty sản xuất xe hơi Hoa Kỳ đã hết hạn vào nửa đêm tối ngày 14 tháng 9 theo giờ miền Đông.
Sau yếu tố không khí để thở, nước uống là một nhu cầu rất quan trọng đối với đời sống con người. Trên mặt đất, nước chiếm 70%, đa số là nước biển mặn của 5 đại dương. Hiện có một số khu vực trên địa cầu thiếu nước sạch, nhất là Châu Phi. Các nhà khoa học đã sáng tạo ra những kỹ thuật lọc nước biển, để có nước sạch phục vụ đời sống con người. Đại học Urbana-Champaign, bang Illinois, Hoa Kỳ, đang nghiên cứu quá trình sử dụng hơi nước từ nguồn nước vô tận của các biển và đại dương, hứa hẹn một tương lai có nguồn nước sạch vô tận để cứu nhân loại. Hạn hán là do thiếu nước mưa, gây tác hại đến ngành nông nghiệp, cho nên đã có nhiều quốc gia thực hiện mưa nhân tạo để lấy nước ngọt.
Bệnh gan đang trở nên phổ biến hơn ở các nước phương Tây. Tại Thụy Điển, ước tính có khoảng một triệu người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ, đúng như tên gọi có nghĩa là gan tích tụ mỡ, không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy, hầu hết người bịnh không biết rằng họ có chất béo tích tụ, mà ở một số người cuối cùng có thể phát triển thành xơ gan và ung thư gan. Một nghiên cứu ở Thụy Điển cho thấy số người mắc bịnh gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng.
Kem. Bơ. Sữa chua. Phô mai. Một ly sữa tươi mát lạnh. Sữa là một phần thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng hiện đại của con người. Ngày nay, sự phổ biến của các lựa chọn hấp dẫn như kem dừa, bơ hạt điều và sữa chua yến mạch… khiến cho nhiều người không còn mặn mà với sữa bò nữa, nhưng cũng có một số người lý do đơn giản chỉ là do không uống được sữa bò. Thời xa xưa, tổ tiên của chúng ta, giống như tất cả các loài động vật hữu nhũ khác, không thể tiêu hóa sữa sau khi đã lớn. Thậm chí ngày nay, ước tính có khoảng 68% dân số toàn cầu không tiêu hóa được lactose. Bí ẩn thực sự là tại sao một số người lại uống được sữa. Thích uống sữa là chuyện hoàn toàn bình thường. Uống sữa có rất nhiều lợi ích, nhất là khi thực phẩm khan hiếm. Các đàn cừu, dê và gia súc là những nguồn dinh dưỡng di động, chúng cung cấp loại chất lỏng sạch sẽ, có thể uống và tái tạo, có khả năng phát triển mạnh trong những môi trường mà con người không thể làm được.
Vào tháng 5 năm 2020, người ta tìm thấy một số viên đá kì lạ chứa các tinh thể màu xanh lục khác thường ở biển cát Erg Chech, một khu vực có nhiều cồn cát trong Sa mạc Sahara ở miền nam Algeria. Khi kiểm tra kỹ, những viên đá này hóa ra là thiên thạch đến từ bên ngoài vũ trụ: những mảnh vụn hàng tỷ năm tuổi, còn sót lại từ thuở sơ khai của Thái Dương Hệ.
Little Saigon: 4 tện cướp đột nhâp nhà gia đình Tom Nguyễn, dí súng vơ vét tiền. Chuyện xảy ra ngay ở Quận Cam, thủ đô người Việt tỵ nạn: 4 tên cướp có súng xông vào nhà một gia đình Việt, trói cả nhà, dùng súng điện bắn chủ nhà, vơ vét rồi chạy. Camera giám sát đã ghi lại hình ảnh vụ cướp này.
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.