Hôm nay,  

Cầu Nguyện Cho Một Người Hiền Vừa Ra Đi

21/10/202114:02:00(Xem: 4115)


blank


Phu nhân Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh


Mơ ước của tôi nhỏ bé lắm, mơ ước mỗi tuần đừng nghe tin một người quen nào của mình vĩnh viễn ra đi, nhưng lớn tuổi lại làm nghề truyền thông làm sao khỏi nghe một người quen ra đi hàng tuần. Tuần này, một phụ nữ với nụ cười rất hiền vừa ra đi.

Tôi nhớ nụ cười của chị, hiền hậu, chị nói năng nhỏ nhẹ, dáng đi thật chậm rãi, nói năng từ tốn, tôi nghĩ chắc suốt cuộc đời chị không làm mất lòng ai?

Có một lần tôi hỏi chị:

- Duyên sẽ đến thăm chị, chị có cần gì không? Ở Little Saigon thứ gì cũng có giống như ở Việt Nam.

Chị nói:

- Mua dùm mình mấy gói khô bò ướp nước tương ở Bolsa.

Chị còn chỉ tôi tới tiệm bán khô bò, có lẽ chị biết tôi ăn chay nên không có biết tiệm nào bán khô bò ướp nước tương?

Nhà của chị ở Dana Point, tôi tưởng chắc nhà chị sẽ lớn lắm vì người Việt Nam mà ở gần biển bao giờ nhà cũng thật to, nhà giàu ở gần biển nhưng khi tôi đến, ngừng trước nhà chị lại là căn nhà nho nhỏ. Xe ngừng thì chị đã hiện ra, cửa nhà đã mở sẵn, chị đang đợi chúng tôi. Ngôi nhà nhỏ nhưng trong nhà sạch sẽ và ngăn nắp, bếp nhỏ, phòng khách nhỏ, vườn sau nhỏ, bếp bóng láng hình như không nấu ăn nhiều. Tôi hỏi:

- Ai lau chùi bếp cho chị mà sạch quá vậy?

Chị trả lời:

- Mình làm lấy.

Gặp người quen, chuyện cũ được nhắc nhiều nhất, đủ thứ chuyện, chuyện làm việc xã hội ở bệnh viện Vì Dân, thăm bệnh nhân, và nhắc lại những người quen cùng làm việc xã hội với chị bây giờ đã tứ tán khắp nơi và một số người đã vĩnh viễn ra đi.



blank

Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu cùng phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh cắt băng khánh thành bệnh viện Vì Dân do bà vận động quyên tiền từ thiện xây nên.


Nhìn trước, nhìn sau không thấy bóng dáng của ai. Tôi hỏi:

- Chị ở một mình sao?

- Mình ở một mình Duyên à. Cuối tuần vợ chồng Lộc đem các cháu về thăm, vui lắm.


blank

Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh cùng con gái Nguyễn Thị Tuấn Anh và con trai Nguyễn Quang Lộc.


Chợt thấy bức tranh dựng dựa vào tường, màu sắc sặc sỡ, thêu đã xong mà không đóng vào khung, tôi hỏi chị:

- Nếu chị tin Duyên, Duyên sẽ đem bức tranh này về rồi cho vào khung.

Chị nói với giọng nói nhỏ nhẹ và hiền lành:

- Hồi ở Luân Đôn, ông già (chồng của chị) đi phố mua cho mình một quyển sách dạy thêu, về nhà mình thêu hơn 1 năm, vừa xong thì ông già mất. Mình buồn quá nên không mua khung đóng vào, cứ để thế.

Thế rồi, tôi đem bức tranh đó về nhà, đem đến tiệm cho vào khung. Khi đưa chúng tôi ra cửa, chị còn dặn tới dặn lui:

- Duyên lựa cái khung rẻ rẻ, để mình gởi tiền lại cho Duyên nhé.

Khi xe chạy, chị đứng ở sân trước nhìn theo xe cho đến khi xe chúng tôi khuất ở góc đường. Tôi rất cảm động vì đôi mắt chân thành của chị.

Chị là người sùng đạo. Chị đi nhà thờ mỗi ngày, nhà thờ cách nhà chị chừng 200 mét. Về chưa tới nhà, tôi gọi dặn chị:

- Mỗi ngày chị đi nhà thờ, chị nhớ băng qua đường cẩn thận nhé. Tốt nhất đừng đi nhà thờ vào buổi tối, rủi xe chạy không thấy người đi bộ, nếu có chuyện gì xảy ra thì phiền lắm.

Xung quanh nhà chị không có người Việt Nam, chị có vẻ cô độc. Chị thường tâm sự mỗi lần tôi gọi điện thoại hỏi thăm:

- Cuối tuần này chị có đi nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Long Beach có cha Nguyễn Trường Luân làm lễ?

Chị nói:

- Mình thích đi nhà thờ của cha Luân lắm, nhưng bao giờ có anh chị xui (nhạc phụ, nhạc mẫu của Nguyễn Quang Lộc) cho quá giang thì mới đi vì sợ phiền người khác.

Có lần tôi nói:

- Chị cần gì thì cứ gọi Duyên, Duyên sẽ đón chị đi.

- Không làm phiền Duyên.

Chị kể:

- Bao giờ chú Hoàng Đức Nhã đến thăm đều đưa chị đến Bolsa.

Những lần nhắc đến ông Nhã thì giọng nói của chị rất vui.

Chị kể tôi nghe những chuyện ngày xưa nho nhỏ, vui vui:

- Duyên ơi, có việc nho nhỏ mình mơ ước mà không thực hiện được. Hồi đó, mình đứng trên lầu của dinh Độc Lập, nhìn thấy nhà thờ Đức Bà, muốn đi nhà thờ Đức Bà mà không đi được. Một hôm, mình mặc áo bà ba, đội nón lá, mình đi bằng cổng sau, trong lòng rất vui vì sẽ được đi nhà thờ một mình, nhưng đi chừng vài trăm thước thì nghe tiếng tu huýt thổi lên, một đại đội lính vây xung quanh mình. 

Đại đội trưởng nói:

- Bà ơi, bà ơi, bà làm ơn đi vào nhà, nếu không tụi con ở tù hết.

Thế rồi mơ ước đi nhà thờ Đức Bà một mình cũng không thực hiện được.

Phu quân của chị nói:

- Lính làm việc cho chính phủ chứ không phải bảo vệ cho bà đi nhà thờ. Ở trong dinh Độc Lập có linh mục làm lễ cuối tuần.

Có nhiều chuyện chị kể tôi nghe, tôi thấy làm vợ của người quyền cao chức trọng sao khổ quá?

Gia đình chị định cư ở Luân Đôn vì có con học ở Anh, sau đó định cư ở Mỹ. Chị nói gia đình chị sống ở Boston lặng lẽ lắm, hàng xóm không biết phu quân chị là ai cho đến khi phu quân chị qua đời. Đài truyền hình, đài phát thanh và báo Mỹ đến làm phóng sự, họ mới biết.



blank

Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu (1923- 2001)


Ở miền Nam California, mỗi lần đồng hương tổ chức giỗ phu quân chị, lúc nào cũng có sự hiện diện của chị. Bao giờ chị cũng đến trước giờ, Lộc chở chị đi đến nơi hành lễ. Lộc giống bố thật. Có lần tổ chức ở chùa Bát Nhã, đường First thành phố Santa Ana, chị đến rất sớm, đông người đến chỗ chị ngồi hỏi thăm, chị vui vẻ tiếp chuyện từng người. Chị hạnh phúc khi có nhiều người còn nhớ đến phu quân của chị.

Khi rời Dana Point, chị mướn một condo ở gần đại học UCI, hàng tuần cha Vũ Thế Toàn đến đưa chị đi nhà thờ. Chị rất mộ đạo, chị đi lễ nhà thờ thường xuyên. 

Chị kể về nhân duyên của mình, khi chị đưa anh của chị ra phi trường để du học ở Pháp, chị đã gặp bạn của anh chị. Mấy tháng sau, bạn của anh chị, lúc đó là Trung Úy, viết thư về nói với chị đợi anh ấy về sẽ cưới chị. Chị cũng ngạc nhiên nhưng rất cảm động.



blank

Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh trong ngày thành hôn vào năm 1951. Năm 1958, Tổng Thống Thiệu rửa tội theo đạo Công Giáo.


Chị thường kể cho tôi nghe những chuyện nho nhỏ như ăn trộm vào nhà chị ở Irvine trong lúc chị đi nhà thờ và cháu của chị đi làm. Chị kể một cách bình tĩnh:

- Nhà chị đâu có gì quý giá để lấy, ăn trộm chỉ lấy mấy thứ để trên bàn thờ. 

Chị hay kể cho tôi nghe về gia đình Lộc và cô con gái ở Boston. Chị nói chị lớn tuổi vẫn còn thích lái xe. Ở Boston, chị tự lái xe đi nhà thờ, không muốn làm phiền các con. Một hôm chị đợi con gái tới rồi chị bị ngất xỉu, nếu con gái đến chậm một chút thì chị qua đời, nhưng con gái đến kịp đưa chị vào nhà thương. Chị thường đi nhà thờ cầu nguyện cho gia đình và người thân. Chị kể về con trai của Lộc giống hệt ông nội, chị cưng cháu nội này nhiều nhất. Chị là người Mỹ Tho. Mỹ Tho với trái ngọt cây lành cho nên chị cũng hiền lành như cây trái Mỹ Tho vậy.

Chị thường nhắc với tôi về cha Vũ Thế Toàn. Chị nói cha Toàn giúp chị nhiều lắm. Cha Toàn tốt lắm. Cuối tuần cha làm lễ ở nhà thờ UCI, cha thường dừng trước nhà đón chị đến nhà thờ. Mỗi lần nói chuyện với chị qua điện thoại, gặp chị ở nhà thờ, thăm chị ở nhà của chị, chị đều kể cho tôi nghe về cha Toàn một cách trang trọng và biết ơn. Tôi nghe chuyện rồi thôi, lúc đó tôi không hỏi họ tên của cha Toàn, bây giờ khi chị về với Chúa, tôi nhớ lại những chuyện chị kể, tôi muốn liên lạc với cha Toàn để biết thêm về chị. Ở Orange County có hơn 50 linh mục, tôi không biết tìm cha ở đâu? May mắn, tôi nhớ đến ông bà cố Quân- Yến có con trai là linh mục Martin. Tôi gọi điện thoại cho Yến và hỏi:

- Yến ơi, Yến nhớ có khi nào cha Toàn kể cho Yến nghe về phu nhân của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không?

Giọng nói của Yến trẻ, ca hát hay, trí nhớ rất tốt, Yến nói ngay:

- Đúng, em đi lễ ở nhà thờ Irvine, cha Toàn giới thiệu phu nhân Tổng Thống Thiệu với chúng em. Bà cũng đi nhà thờ của cha Toàn.

- Em còn nhớ gì lúc em gặp phu nhân của Tổng Thống Thiệu không?

- Bà Thiệu rất lặng lẽ, âm thầm, không muốn người ta biết mình nhiều.

Sở dĩ tôi phải hỏi thật kỹ vì viết về một linh mục mà viết sai họ tên thì phiền lắm, là điên cái đầu, vì sẽ có nhiều người gọi lại phiền trách. Tôi gặp cha Toàn ở nhà dì sáu khi Khâm Sai sứ thần tòa thánh Vatican Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt về thăm dì, nhà ở Westminster, lúc đó tôi có gặp cha Vũ Thế Toàn, được giới thiệu làm ở nhà thờ Irvine, làm việc cho giới trẻ. Tôi cũng được ông bà cụ cố Quân- Yến đưa đi nhà thờ đẹp này một lần, mà tôi đã viết một bài phóng sự về sinh hoạt của nhà thờ hôm đó.

Khi liên lạc được cha Vũ Thế Toàn, tôi hỏi cha về những điều gì cha nhớ về phu nhân của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cha nói:

- Bà là người phúc hậu, không thù hằn ai, không để trong lòng, mặc dù có những lúc bà rất khổ. Bà sống âm thầm, trầm lặng, thương các con, thương hết lòng, làm việc xã hội và đi nhà thờ.

Khi hai ông bà sang Fatima thỉnh bức tượng Đức Mẹ về, bức tượng cao nửa mét, đi đâu bà cũng đem bức tượng này theo. Mỗi ngày bà cầu nguyện trước Đức Mẹ Fatima, phu nhân rất mộ đạo, cầu nguyện thường xuyên.

- Thưa cha, bà Thiệu có nói nói với chúng tôi hàng tuần cha cho đi nhờ xe đến nhà thờ khi bà ở Irvine?

- Đúng rồi, bao giờ tôi cũng đến nhà thờ trước giờ lễ, tôi đến đón bà, thật ra tôi không biết phu nhân trước đây. Một hôm sau khi xong lễ, bà đến gặp tôi vì bà biết tôi là người Việt Nam, từ đó chúng tôi quen nhau. Bà đi lễ hàng tuần ở nhà thờ mà hôm trước chị đến đó.

- Trong nhiều lần bà Thiệu đi lễ nhà thờ của cha và cha giúp bà cũng nhiều, chắc cha có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Linh mục Vũ Thế Toàn trả lời ngay không một chút do dự:

- Phu nhân là người ý tứ, nhân hậu, can đảm, hy sinh cho chồng con, không tham gia vào chính trị, chỉ thích làm việc xã hội. Tôi nhớ tôi đưa bà đi xem mộ, mua đất, bà đi một vòng, sau đó bà chọn một nơi yên nghĩ rất đẹp, nhìn vào nhà thờ. Đất này đã có người mua nhưng sau đó họ đổi ý định nên bà may mắn mua được. Bà rất ưng ý miếng đất này để làm nơi an nghỉ cuối cùng.

Linh mục Vũ Thế Toàn cũng cho biết thêm cha âm thầm dâng lễ cho bà vì cha là cha linh hướng của bà. Nhiều đồng hương đang cầu nguyện cho phu nhân của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bà sẽ được an nghỉ trong một ngôi mộ rất đẹp nhìn vào nhà thờ Orange County.

Cha Toàn cũng kể cho tôi nghe về phu nhân, về chị vú nuôi cậu con trai út là Nguyễn Thiệu Long, người đạo Cao Đài, phu nhân thương chị này lắm. Khi sang Mỹ vẫn ở chung nhà, chị này không lập gia đình. Gia đình phu nhân và cậu con út thương chị vú lắm.

Chị cũng thường nhắc với tôi về cha Nguyễn Trường Luân, cha chữa bệnh cho nhiều người. Có lần chị bị té, thời gian đó chị không đi nhà thờ Chúa Cứu Thế chị rất buồn. Một lần chị nói với tôi, tuần tới chị sẽ đi nhà thờ Chúa Cứu Thế, tôi nói để tôi đón chị, chị nói cảm ơn vì có cháu của chị ở San Diego đón chị.

Khi gặp chị ở nhà thờ, chị chỉ vào đầu gối của chị và nói:

- Đầu gối của mình sau khi té bước đi vẫn còn đau lắm.

Tôi nói tôi sẽ cầu nguyện cho chị. Vì tôi không phải là bác sĩ nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo nên chỉ biết cầu nguyện mà thôi.

Linh mục Anthony Đào thì cho rằng phu nhân của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có công giúp cho ông Thiệu trở lại đạo Công Giáo, sống theo tin mừng, trong thời gian ông làm Tổng Thống cũng như sau này sống ở Boston, ông vẫn giữ đạo, thế là đủ rồi.

Linh mục Phạm Ngọc Tuấn, nhà thờ Saint Barbara, Santa Ana nói:

- Bà Thiệu là người phụ nữ gương mẫu, tôi rất phục dù tôi chỉ gặp bà trong buổi lễ ở nhà thờ và một bữa cơm. Bà không nói nhiều, im lặng nhiều hơn nói. Bà là người Công Giáo tốt, bà hiền lành và điềm đạm.

Chị thường nhắc với tôi về chú Hoàng Đức Nhã. Hoàng Đức Nhã là em bà con của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông là Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi (từ tháng 4/1973). Dù ở xa nhưng mỗi lần đến California họp hội, chú Nhã đều ghé thăm chị, và hay ghé Bolsa mua cho chị khô bò ướp nước tương, món chị yêu thích.

Chị cũng kể về những ngày sống ở Đài Loan, nơi anh chồng của chị là ông Nguyễn Văn Kiểu, là đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa ở đó. Tôi cũng đã từng được đại sứ Nguyễn Văn Kiểu đón tiếp khi phái đoàn của bộ Chiêu Hồi thăm viếng Đài Loan năm 1967 một cách nồng nhiệt, và mời chúng tôi ăn cơm tối ở tòa đại sứ. Chúng tôi được nghe thuyết trình về tình hình chính trị ở Đài Loan, cũng như chính phủ Đài Loan giúp cho Việt Nam Cộng Hòa về quân sự, kinh tế, v.v.


blank

Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh


Người phụ nữ hiền lành mà tôi đã gặp vừa về với Chúa là phu nhân của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu (1923- 2001). Quý danh của chị là Christine Nguyễn Thị Mai Anh, chị thường kể mối tình đẹp của chị với Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu là lúc chị tiễn người anh sang Pháp du học. Lúc đó chị gặp Trung Úy Thiệu ở phi trường mà sau này thành duyên vợ chồng. Chị có 3 người con: con gái Nguyễn Thị Tuấn Anh, 2 con trai là Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu Long. Chị có một cô con gái nuôi đang làm việc ở Hồng Kông.

Ở Việt Nam, tôi cũng đã phỏng vấn đệ nhất phu nhân này nhiều lần cho nhật báo Hòa Bình trong lúc thăm bệnh viện Vì Dân và thăm phái đoàn của chị viếng bệnh viện ở Thủ Đức, thăm những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến từ chiến trường trở về bằng băng ca, nhưng không nói chuyện nhiều bằng khi định cư ở California trong những ngày lưu vong. Chúng tôi ngồi ăn cơm chung rất thoải mái, trong cuộc đàm thoại nào cũng vui, có tiếng cười. Chị cho tôi xem một số hình của gia đình chị, hình ảnh trắng đen, lúc đó cô con gái đầu lòng nhỏ xíu, cô con gái nuôi, Lộc, cháu nội đi chập chững, anh chị xui gia cựu Thiếu Tá Không Quân Lục Sĩ Đức. Rất tiếc tôi đã xơi cơm của chị mà tôi chưa từng mời chị một lần. Gặp nhau ở nhà thờ Chúa Cứu Thế, Long Beach rồi ai về nhà nấy, vì vào buổi tối, đường thì xa nên tôi không làm phiền chị.

Tiến sĩ Hải Nguyễn, đang làm việc ở đại học Harvard, nhờ tôi xin dùm một cái hẹn để Hải Nguyễn và phái đoàn của trường đến phỏng vấn chị. Tôi nói với Hải bao giờ tìm được chị, nếu chị nhận lời thì tôi sẽ cho Hải hay, nhưng ngày giỗ của phu quân chị vừa qua chị không đến, tôi biết sức khỏe của chị không tốt. Mấy ngày sau, tôi được tin chị qua đời. Tôi cầu nguyện cho chị, cầu nguyện rất chân thành, xin Chúa cho chị về nước Chúa. Chị là người mộ đạo, cầu nguyện mỗi ngày. Vào nhà thờ bao giờ chị cũng quỳ dù đầu gối của chị không tốt.

Một phụ nữ đôn hậu, đoan trang, ý tứ, mộ đạo, suốt đời làm việc từ thiện, ai cũng có nỗi buồn riêng mình nhưng riêng đệ nhất phu nhân này không nói cho ai nghe. Tôi được gặp chị nhiều lần nhưng chỉ được nghe những chuyện vui vẻ về con gái, con trai, con gái nuôi và cháu nội. Không bao giờ tôi nghe chị kể chuyện buồn mà ở đời này nỗi buồn nhiều lắm. 

Chị qua đời ngày 15/10/2021 tại San Diego, hưởng thọ 91 tuổi. 

Chị đem nụ cười hiền lành của chị gặp lại chồng, và được hưởng nhan Thánh Chúa. Xin chúc chị hạnh phúc ở cõi Thiên Đàng. Xin Chúa đưa vị phu nhân phúc hậu này về nước Chúa và cầu xin cho gia đình ở lại bình yên.   


Orange County, 25/10/2021

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỹ: 4 hãng Trung Quốc trốn thuế quan Mỹ nhờ Việt Nam, Campuchia, Mã Lai, Thái Lan. Một cuộc điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng 4 công ty pin mặt trời của Trung Quốc đã trốn thuế quan do Hoa Kỳ áp đặt bằng cách chuyển một số hoạt động của họ qua Việt Nam, Campuchia, Mã Lai và Thái Lan
Một người nghĩ rằng, người kia làm chuyện lầm lỗi, vì muốn chống đối, người này làm chuyện có lỗi để gây tiếng vang, phản đối lại sự lầm lỗi của người kia. Vậy thì ai có lỗi? Và lỗi nào nặng hơn? Có lẽ, bạn đọc nghĩ rằng, tôi đang muốn nói về chuyện luật tử hình. Lý luận này: một kẻ cố ý giết người, hoặc giết nhiều người, cần phải đền tội bằng cái chết. Mắt đền mắt. Răng đền răng. Đúng và hữu lý. Nhưng lý luận kia: Trong xã hội văn minh, trừng phạt là thứ yếu, giáo dục, cải thiện người xấu trở thành tốt mới là mục tiêu nhân bản. Người phạm tội, có quyền được hưởng, ít nhất, một cơ hội để hối lỗi, để trở thành người tốt hơn. Cả hai lý luận đều đúng. Có lý luận thứ ba: Giết người là có tội, dù là lý do gì, ngoại trừ phải tự vệ trong tình trạng khẩn cấp. Như vậy, khi tòa án kết tội tử hình, chính tòa án (luật pháp, thẩm phán, và công tố viên) đã phạm tội giết người.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho đời sống xã hội của chúng ta bị tổn hại. Những chương trình, sự kiện bị hủy bỏ, thông báo đóng cửa và nỗi sợ hãi về nguy cơ lây nhiễm chết chóc đã khiến chúng ta phải thu mình lại, tránh mặt người quen, đồng nghiệp và đại gia đình. Thời gian dành cho bạn bè giảm xuống. Thời gian ở một mình tăng lên. Lễ Tạ Ơn cũng không thoát khỏi tình trạng này. Trong hai năm qua, người dân Hoa Kỳ đã dành thời gian cho bạn bè và đại gia đình vào ngày Lễ Tạ Ơn ít hơn 38% so với một thập niên trước.
Lần đầu tiên, thành phố New York được mệnh danh là đô thị đắt đỏ nhất thế giới trong một cuộc khảo sát hàng năm. New York cùng với Singapore (đồng hạng nhất) giành vị trí đầu bảng trong bản báo cáo của Economist Intelligence Unit, với việc 2 nơi này lật đổ thành phố đắt nhất năm 2021 là Tel Aviv xuống vị trí thứ ba.
Các quan chức an ninh Trung Quốc nói chính phủ phải "kiên quyết trấn áp các thế lực thù địch" trong khi đưa số lượng lớn cảnh sát ra để dập tắt các cuộc biểu tình trên khắp TQ để phản đối các chính sách hà khắc đối với đại dịch COVID-19 của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc hội thông qua một thỏa thuận "ngay lập tức" để ngăn chặn một cuộc đình công đường sắt trên toàn quốc vào tháng tới có thể "tàn phá nền kinh tế của chúng ta" trong những ngày lễ sắp tới.
Về bằng cấp, Tây và Ta có nhiều điểm giống nhau, nhứt là Ta trước 30/04/1975. Và Tây hoàn toàn nhìn nhận bằng cấp của Ta, không chỉ do quan hệ bang giao mà còn do giá trị thực hữu. Sinh viên của Ta qua Tây học, được xếp theo bằng cấp, vào lớp học ngang ngửa với sinh viên Tây về các môn, nhứt là khoa học, chỉ kém tiếng Pháp lúc ban đầu mà thôi...
Hàng triệu người ở Houston đã được lệnh phải đun sôi nước trước khi uống vào đêm Chủ nhật sau khi nhà máy lọc nước bị cúp điện khiến áp suất giảm. Lệnh buộc phải đun sôi nước đã khiến các quan chức trường công lập vào hôm thứ Hai phải hủy bỏ các lớp học trong ít nhất một ngày. .
Đưa cao tờ giấy trắng để làm lá cờ chống đảng CSTQ. Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ gắn bó với chính sách zero-Covid bất chấp các cuộc biểu tình lớn lan ra khắp TQ để chống các biện pháp phong tỏa coronavirus khắc nghiệt, trong khi một số người biểu tình công khai kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức.
Thế là tờ báo Chánh Pháp cũng đã được mười ba tuổi, mười ba năm năm vất vả tồn tại ở hải ngoại là nhờ công sức, tâm lực của nhà văn Vĩnh Hảo, cộng với sự góp bài của một số tu sĩ và cư sĩ. Mặc dù với danh nghĩa là tờ báo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ nhưng nó tồn tại trong sự thờ ơ của giáo hội và các chùa, nếu không có anh Vĩnh Hảo thì chắc chắn tờ báo đã chết từ lâu...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.