Hôm nay,  

Canh bạc Luang Prabang - Bài 2: Cơ hội nào để cứu Đồng bằng sông Cửu Long?

09/04/202016:05:00(Xem: 4673)

Thời hạn 6 tháng của quá trình tham vấn trước của dự án thủy điện Luang Prabang kể từ ngày 08.10.2019 đã cận kề. Giờ là lúc Việt Nam, đại diện là Ủy ban sông Mekong Việt Nam, chuẩn bị báo cáo đưa ra ý kiến chính thức đến Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) về dự án này.

Vốn là quốc gia cuối nguồn của dòng Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam lâu nay đã gánh chịu thiệt hại nặng nề từ những con đập thủy điện phía thượng nguồn. Lần này, Việt Nam nên ứng xử thế nào khi đích thân một doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam nhúng tay vào làm chủ đầu tư con đập Luang Prabang?
 

Không thể điều tiết cho Việt Nam

Hiện nay, có luồng ý kiến chủ đạo cho rằng quyết định đầu tư của PV Power vào thủy điện Luang Prabang sẽ giúp Việt Nam có thể chủ động hơn trong quá trình lựa chọn phương án thiết kế, thi công và vận hành công trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu. Từ đó, góp phần giảm thiểu tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà còn của tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính Mekong đối với khu vực hạ lưu sông Mekong, đặc biệt là ĐBSCL của Việt Nam[1].

Nếu trên dòng chính sông Mekong chỉ có duy nhất thủy điện Luang Prabang điều tiết dòng chảy trực tiếp về ĐBSCL, thì “hảo ý” ấy của PV Power còn có thể tạm tin được. Nhưng thực tế, hãy nhìn vào bản đồ chuỗi đập thủy điện trên dòng chính lưu vực sông Mekong.
 

blank

Dự án Luang Prabang và chuỗi đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Nguồn: Tác giả cập nhật từ bản đồ gốc của International Rivers (2017) và ICEM (2010)

 

Phía trên Luang Prabang là một chuỗi 5 đập đang vận hành của Trung Quốc có tổng công suất 14.700 MW (gấp 10 lần dự án Luang Prabang), chưa kể ngay cận trên là dự án Pak Beng (912 MW) đã tham vấn với MRC năm 2016 và Ganlanba (155 MW, Trung Quốc) đều nằm trong kế hoạch sẽ xây dựng.

Ngay phía dưới Luang Prabang là đập Xayaburi (1.285 MW) đã vận hành từ tháng 10.2019, và hiện đang trực tiếp kiểm soát dòng chảy về ĐBSCL là đập Don Sahong vừa đưa vào vận hành tháng 1.2020.

Đó cũng chưa kể đến một loạt 7 con đập khác sau Xayaburi được dự kiến xây dựng, đáng chú ý nhất là dự án Pak Lay (1.320 MW) cũng đã tham vấn với MRC năm 2018, và dự án cực khủng Sambor (2.600 MW) đã quy hoạch nằm ngay yết hầu ĐBSCL.

Vậy, con đập Luang Prabang sẽ điều tiết như thế nào, khi đang chắn ngang bên dưới là đập Xayaburi và ngay “cửa ngõ” ĐBSCL là đập Don Sahong (hy vọng Sambor không được xây dựng)? Khi thủy điện Xayaburi tích nước và bắt đầu phát điện từ tháng 10 năm ngoái, mực nước sông Mekong đã giảm xuống thấp nhất trong 100 năm qua.

Rõ ràng, Luang Prabang sẽ làm sâu sắc nghiêm trọng thêm những tác động tiêu cực hiện hữu gây ra bởi 7 con đập đang vận hành, cùng với những con đập khác trong tương lai. “Thượng điền tích thuỷ, hạ điền khan”, càng có nhiều con đập phía thượng nguồn, thì ĐBSCL sẽ ngày càng khô hạn. Đó là một thực tế nghiệt ngã đã rõ như ban ngày mà hơn 20 triệu dân ĐBSCL đang gồng mình gánh chịu. Nói xây thêm thủy điện Luang Prabang để điều tiết, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến ĐBSCL là ngụy biện và hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Lại có lo ngại rằng nếu PV Power không tham gia vào Luang Prabang, thì có thể một doanh nghiệp Trung Quốc nào đó sẽ nhảy vào và lúc ấy Việt Nam không còn khả năng “điều tiết” nên tình hình sẽ còn tệ hơn. Nói như vậy thì Hiệp định Mekong 1995, Ủy hội Mekong quốc tế, cùng Ủy ban sông Mekong các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tồn tại để làm gì?

Liệu rằng chính phủ và nhân dân các nước trong hạ nguồn Mekong kia có dễ dàng ngồi im để cho một doanh nghiệp Trung Quốc nào đó “múa gậy vườn hoang”?
 

Các tác động tích lũy của chuỗi đập Mekong

Những thiệt hại do các dự án thủy điện trên lưu vực Mekong đã quá rõ ràng mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cũng như đã được chứng minh như thực tế, điển hình nhất tại ĐBSCL. Nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo Quản lý Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan)[2] ước tính tổng thiệt hại kinh tế của 11 dự án trên là 7,3 tỷ USD. Với Việt Nam, thiệt hại ước tính khoảng 2,8 tỷ USD.

blank

Việt Nam đang và sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất trong 4 quốc gia hạ nguồn Mekong về xói lở bờ sông và ven biển. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sạt lở đã cướp đi 300-500 hecta đất mỗi năm tại ĐBSCL. Một báo cáo do Viện thủy lực Đan Mạch thực hiện năm 2015 cho biết, việc xây thêm 11 đập thủy điện tại hạ nguồn Mekong sẽ gần như cắt hẳn nguồn trầm tích, khiến quá trình phân rã ĐBSCL càng tăng tốc.

Chỉ tính riêng vùng cửa sông, ven biển từ Soài Rạp (Tiền Giang) đến Gành Hào (Bạc Liêu) với chiều dài khoảng 250 km, mỗi năm biển sẽ xâm thực 8-13 mét đất. Tức, 11 dự án thủy điện trên mỗi năm sẽ xóa sổ thêm vài trăm hecta đất nữa của ĐBSCL[3].

Báo cáo đánh giá tác động tích lũy của 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ nguồn Mekong (2017)[4] và Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực Mekong (2019)[5] do MRC chủ trì thực hiện cho rằng Việt Nam có lợi ích khi có thể mua điện với giá rẻ từ Lào và Campuchia. Tuy nhiên, sự suy giảm ngoạn mục của giá điện từ năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời giảm 88% và điện gió giảm 70% chỉ trong 10 năm[6] chứng minh nhận định đó của MRC đã trở nên lạc hậu.

Mặc dù vậy, đánh giá của MRC về những tác động tích lũy kinh tế - xã hội - môi trường do chuỗi đập này gây ra với Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng, làm gia tăng mức độ tổn thương của cư dân ĐBSCL do hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất, xói lở bờ sông và ven biển.


blank

Việc xây đập thủy điện không chỉ đang bức tử dòng Mekong mà còn đặt gánh nặng lên môi trường và cả sự an nguy của các khu định cư dọc bờ sông. Trong ảnh: Dự án Luang Prabang nếu xây dựng sẽ nằm ngay phía trên đập Xayaburi này. Ảnh: The Laotian Times
 

Thêm vào những thách thức khác mà ĐBSCL đang gồng mình gánh chịu: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm nước ngầm, suy thoái chất lượng đất, giảm tài nguyên thủy sản và giảm năng suất nông nghiệp, rõ ràng ĐBSCL đang rất nguy ngập.

Cuộc sống của hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL, nơi vốn là địa bàn trọng điểm trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, vùng đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ổn định xã hội và sự sống còn của ĐBSCL như ngàn cân treo sợi tóc.

Vì những tác động tích lũy đó, chỉ số về phát triển bền vững của Việt Nam khi có 11 đập thủy điện giảm 23%. MRC cũng ước tính tổng thiệt hại vĩnh viễn về giá trị tài nguyên của 4 quốc gia trong lưu vực có thể lên đến 143 tỷ USD, vượt trên tất cả những lợi ích chảy vào túi các nhà đầu tư thủy điện[7].
 

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Đúng 10 năm trước, trong Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (SEA)[8] các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong, tư vấn ICEM đã đưa ra năm khuyến nghị, trong đó có hai khuyến nghị rất quan trọng. Một là “Các quyết định về việc xây dựng đập trên dòng chính Mekong nên được hoãn lại trong khoảng thời gian 10 năm với chu kỳ đánh giá 3 năm một lần để đảm bảo rằng các hoạt động cần thiết trong thời kỳ trì hoãn này đang được tiến hành một cách hiệu quả”. Hai là “Dòng chính Mekong không nên bao giờ được sử dụng như là một trường hợp thử nghiệm để chứng minh và hoàn thiện công nghệ về thủy điện”.

Theo khuyến nghị đó, Việt Nam là nước phản đối mạnh mẽ nhất khi Lào thông báo về kế hoạch xây dựng dự án Xayaburi, kêu gọi tạm hoãn dự án 10 năm vì các tác động của nó đến ĐBSCL. Khi dự án Xayaburi đã được vận hành, những tác động tiêu cực ban đầu của con đập này đã từng bước được khẳng định, cũng là lúc một doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam nhúng tay vào đầu tư dự án Luang Prabang nằm ngay phía trên đập Xayaburi.


blank

Vốn là quốc gia cuối nguồn của dòng Mekong, ĐBSCL của Việt Nam lâu nay đã gánh chịu thiệt hại nặng nề từ những con đập thủy điện phía thượng nguồn. Trong ảnh: Dọc kênh N7 (huyện Gò Công Tây, tiền Giang), những chiếc máy bơm cũng nằm "chịu trận" vì không có nước để tưới cho các vườn cây ăn trái (ảnh chụp trung tuần tháng 3.2020). Ảnh: Hữu Khoa/VnExpress
 

Việc ủng hộ PV Power đầu tư vào Luang Prabang là áp dụng tiêu chuẩn kép, tự phủ nhận những ý kiến phản đối chính thức của Việt Nam trong quá khứ và tương lai đối với mọi dự án thủy điện trên dòng chính Mekong, chấm dứt mọi hy vọng của ĐBSCL về cơ hội cải thiện những tác động tiêu cực của các dự án thủy điện này. Việt Nam có lập trường chính nghĩa nào để đáp lại những phản đối chắc chắn sẽ xảy ra của cư dân các nước Thái Lan, Lào, Campuchia cũng như áp lực của các tổ chức quốc tế?

Ngày 05.3.2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã phát biểu[9] như sau: “Là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy không chỉ của riêng công trình thủy điện Luang Prabang mà tất cả công trình thủy điện khác trên dòng chảy chính của sông Mekong.

Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế-xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.”

Theo thông tin trên Báo Đầu tư ngày 24.6.2019[10], ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT của PV Power cho rằng “dự án tốt” khi bán điện về Việt Nam với giá là 9,38 UScent/kWh, và lúc ấy dự án đạt tỷ suất hoàn vốn (IRR) là 9%. “Tuy nhiên, để triển khai Dự án này, PV Power sẽ phải xây dựng cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ và có thể phải xin ý kiến Quốc hội. Quan điểm của PV Power là không hiệu quả sẽ không đầu tư[11]”, ông Kỳ nói.

Theo khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện do Bộ Công thương ban hành[12] trong 5 năm trở lại đây, giá điện luôn được giữ ổn định quanh mức khoảng 4,8 USCent/kWh. Giả sử giá điện được duyệt cho Luang Prabang là 9,38 UScent/kWh như PV Power mong đợi, thì bù giá điện là 4,6 USCent/kWh. Với lượng điện năng thương phẩm 6.231 GWh/năm, thì ngân sách hàng năm phải chi ra để bù giá cho Luang Prabang lên đến trên 285 triệu USD. Tính trong tối thiểu 30 năm chu kỳ dự án, khoảng bù giá này là 8,6 tỷ USD.

Lưu ý rằng PV Power nắm 38% cổ phần trong dự án, Chính phủ và doanh nghiệp Lào cùng nắm 62% cổ phần dự án. Do đó, trong khoảng bù giá nêu trên, PV Power sẽ nhận được 3,3 tỷ USD, còn Chính phủ và doanh nghiệp Lào sẽ được nhận 5,3 tỷ USD.


blank

Người dân vùng sông nước miền Tây đang chống chọi với cơn khát khi hạn mặn tấn công đã làm đồng lúa nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, nước ngọt mặn chát. Trong ảnh: Một cánh đồng lúa tại xã An Phú Trung khô hạn, đất nứt nẻ, chỉ còn các loại cỏ chịu mặn mọc lác đác (ảnh chụp trung tuần tháng 3.2020). Ảnh: Hữu Khoa/VnExpress

 

Vậy, “cơ chế đặc thù” nào để PV Power thuyết phục Chính phủ và Quốc hội Việt Nam chấp nhận mua điện từ Luang Prabang với giá cao khoảng gấp đôi so với khung giá phát điện hiện nay, dẫn đến phải chi ra hàng tỷ USD tiền thuế của nhân dân Việt Nam hỗ trợ PV Power, Chính phủ và doanh nghiệp Lào?

Những phân tích trên đây cho thấy dự án thủy điện Luang Prabang không đảm bảo bất cứ lợi ích nào về kinh tế - xã hội - môi trường cho Việt Nam và các nước trong khu vực. Việc đầu tư vào dự án Luang Prabang của PV Power là một canh bạc mà người thua chắc chắn là hơn 20 triệu dân ĐBSCL nói riêng và toàn bộ nhân dân Việt Nam nói chung, đánh mất vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trong mắt người dân các nước lưu vực Mekong và cộng đồng quốc tế.

 

Nguyễn Đăng Anh Thi 

Chuyên gia năng lượng và môi trường, Canada
 


[1] https://baotainguyenmoitruong.vn/tham-van-quoc-gia-ve-du-an-thuy-dien-dong-chinh-luong-prabang-cua-lao-295309.html

[2] https://www.researchgate.net/publication/322929357_Tradeoff_analysis_between_electricity_generation_and_ecosystem_services_in_the_Lower_Mekong_Basin

[3] https://vnexpress.net/goc-nhin/cai-chet-cua-dong-bang-3996974.html

[4] http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Council-Study/Cumulative-impact-assessment_Council-Study.pdf

[5] http://interactive.mrcmekong.org/council-study-findings/council-study-findings/

[6] https://www.lazard.com/perspective/lcoe2019

[7] http://interactive.mrcmekong.org/council-study-findings/overall-assessments/

[8] http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Consultations/SEA-Hydropower/SEA-FR-summary-13oct.pdf

[9] https://www.vietnamplus.vn/bo-ngoai-giao-noi-gi-ve-viec-lao-xay-dap-thuy-dien-o-luang-prabang/626813.vnp

[10] https://baodautu.vn/pv-power-cho-nhung-du-an-khung-d102574.html

[11] https://baodautu.vn/pv-power-cho-nhung-du-an-khung-d102574.html

[12] http://www.erav.vn/userfile/User/trungnla/files/2019/12/QD_4035_QD_BCT%20nam%202019%20Ban%20hanh%20Khung%20gia%20phat%20dien%202020.pdf

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cá nhân cựu Tổng Thống Donald Trump đã dựa vào 2 quan chức bầu cử ở Michigan trong nỗ lực khiến họ từ chối chứng nhận kết quả địa phương của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, theo đoạn ghi âm cuộc trò chuyện mà báo The Detroit News thu được. Tờ báo đưa tin hôm thứ Năm rằng trong một cuộc điện thoại vào ngày 17/11/2020, tổng thống khi đó đã nói với hai quan chức, cả hai đều là thành viên Đảng Cộng hòa của Hội đồng vận động viên quận Wayne, rằng họ sẽ trông “khủng khiếp” nếu chứng nhận kết quả.
Noel hay Noël có nguồn gốc từ một từ tiếng Pháp cổ, “nael”, có nghĩa là “của hoặc sinh ra vào ngày Giáng Sinh”. Tên này bắt nguồn từ sự ra đời của Chúa Giêsu, được gọi là “natalis die” có nghĩa là “ngày sinh”, sau đó được dùng trong tiếng Anh trung cổ với tên gọi "Nowel". Kể từ thời Trung cổ, theo truyền thống những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ Giáng Sinh đã được đặt tên Noel. Mặc dù đây là một cái tên phổ biến cho cả nam và nữ, nhưng đôi khi con gái thì được được đánh vần là Noelle. Noel đã được hát bằng tiếng Latin hoặc tiếng Pháp trong nhiều thế kỷ trước khi những người nói tiếng Anh bắt đầu sử dụng từ này để chỉ các bài hát mừng Giáng Sinh vào thế kỷ 18. Việc sử dụng noel (đánh vần là nowell) có nghĩa là "Giáng Sinh" có thể được tìm thấy trong văn bản về truyền thuyết Arthurian vào cuối thế kỷ 14, sử dụng lần đầu tiên: thế kỷ 15 – viết hoa: CHRISTMAS.
Quý vị đã lên chuẩn bị xong các món quà cho dịp lễ năm nay chưa? Có thể nhiều người sẽ đợi đến sát lễ rồi chỉ cần đi mua. Nhưng dù cho đó là những món quà đã chuẩn bị tinh tươm từ lâu hay được mua ở các cửa hàng ngay trước thềm lễ, việc tặng quà vẫn luôn là một tập tục quan trọng của con người. Cuốn sách mới “So Much Stuff” của Chip Colwell có đề cập đến việc loài người đã phụ thuộc vào các công cụ và công nghệ như thế nào trong 3 triệu năm qua. Mục đích cho đi là gì? Tại sao mọi người lại cho nhau thứ gì đó quý giá hoặc có giá trị khi họ có thể để cho bản thân xài?
Thời tiết thay đổi có thể khiến cho tâm trạng và cảm xúc thay đổi theo, mùa lễ cũng có thể gây ra những thay đổi trong tâm trạng và hành vi của mọi người. Vào khoảng thời gian này trong năm, sẽ có nhiều người trong chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo lắng và bực bội hơn bình thường. Những nguyên nhân gây căng thẳng có thể dẫn tới nguy cơ cao về các bệnh tim mạch, ngộ độc rượu và cả tỷ lệ tử vong do đột quỵ.
Mua xe là một công việc quan trọng, khó khăn. Bởi vì có người cả đời chỉ đi mua xe một lần. Xe mắc tiền, nhiều yếu tố từ kỹ thuật đến tài chính khó để lựa chọn cho phù hợp. Và bởi vì một số các đại lý bán xe muốn tăng lợi nhuận, họ có những chiến thuật lừa đảo khách hàng. Theo trang mạng xe hơi www.caranddriver.com, Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (FTC) vừa tuyên bố sẽ ban hành một qui định mới, nhằm ngăn chặn các chiến thuật bán hàng kém lương thiện của các đại lý bán xe. Hai chiến thuật người bán thường xuyên áp dụng là quảng cáo với giá rẻ nhưng sau đó tăng dần, và đưa vào giá bán những loại phí vô lý.
Vào hai ngày 8 và 9 tháng 12 2023 tại Tokyo Nhật Bản, tổ chức Rise (https://www.vietnamrise.org/) đã tổ chức sự kiện phong trào dân sự SMF 2023 (Social Movement Festival) dành cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam. Điểm nhấn quan trọng của đại hội là Điểm Giao Lưu Sáng Kiến, được tổ chức dưới hình thức hội thảo qua zoom. Tại đây, những nhóm hoạt động dân sự trong nước đã giới thiệu một số dự án của mình để kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Rise cũng trao hai giải thưởng cho hai dự án được đánh giá cao nhất.
Trong nhiều năm, các khoa học gia đã dự đoán rằng nhiều nguyên tố cần thiết cho sự sống, như lưu huỳnh và nitơ, lần đầu tiên đến Trái Đất khi các vật thể như thiên thạch mang theo chúng đâm vào bề mặt hành tinh của chúng ta. Nhưng theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances, nhiều nguyên tố trong số này, được gọi là chất dễ bay hơi, có thể đã tồn tại trên Trái Đất ngay từ ban đầu, trong quá trình hình thành một hành tinh.
Salmonella lại hoành hành. Vào đầu tháng 12, các cửa hàng thực phẩm trên khắp Hoa Kỳ đã thu hồi dưa vàng (cantaloupes) sau khi người ta phát hiện ra rằng cả trái nguyên và loại cắt sẵn đều bị nhiễm khuẩn Salmonella ở 34 tiểu bang – và đã gây ra hai trường hợp tử vong. Dưa cantaloupes nhiễm salmonella cũng được phát hiện ở Canada, các viên chức y tế công cộng cũng ra lệnh thu hồi loại trái cây này.
Mùa lễ hội sắp đến cũng đồng nghĩa với niềm vui, gia đình sum vầy, và tiệc tùng. Nhưng đó cũng có thể là thời điểm khó khăn đối với những người đang nỗ lực cai thuốc lá. Tiến sĩ Shu-Hong Zhu, Giáo sư Y Học Gia Đình và Sức Khỏeẻ Cộng Đồng tại Đại Học California, San Diego, và cũng là người sáng lập Asian Smokers' Quitline (ASQ) Trung Tâm Cai Thuốc Lá Dành Cho Người Việt 1-800-778-8440, chia sẻ: "Thời điểm này trong năm không chỉ thử thách sự kiên trì mà còn là cơ hội để người hút thuốc trở nên mạnh mẽ hơn và tập sống không hút thuốc. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những phương cách để tăng thêm sự tự tin của họ, tiếp sức cho họ vượt qua những hoàn cảnh cám dỗ, những cơn thèm, và sự thôi thúc muốn hút thuốc, và đồng thời khuyến khích họ thử từng bước tiến đến việc bỏ hút hẳn."
Hai cựu nhân viên bầu cử Georgia có thể ngay lập tức đòi số tiền gần 150 triệu USD mà Rudy Giuliani nợ họ để bồi thường vì tội phỉ báng, theo phán quyết từ một thẩm phán liên bang tuyên hôm thứ Tư, vì cựu thị trưởng thành phố New York đã mặc kệ các lệnh của tòa án trước đó và có thể đang giấu tài sản để không bị lộ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.